T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tô Vũ: Làng Bến

“. . .Tân nhạc Việt Nam là một điển hình về chuyện chịu ảnh hưởng âm nhạc nước ngoài. Lúc đó, người thì gọi ảnh hưởng, người thì cho rằng học tập. Ở đây học tập nghĩa là học ngôn ngữ thể hiện của âm nhạc Tây phương, vốn đã rất khác với những yếu tố trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.. .”

Tô Vũ: Làng Bến

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

*Chú Thích: Kể từ entry Những Ngày Tàn Mơ trong loạt bài Dòng Nhạc Kỷ Niệm, sẽ không có phần audio của bài nhạc (dạng MP3, hoặc Youtube). Lý do: dù đã bỏ rất nhiều thì giờ nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi đành phải chịu thua và quyết định cho công bố phóng ảnh các bài nhạc với hy vọng, một ngày nào đó, sẽ có các độc giả ưa chuộng chuyên mục DNKN tiếp tay gởi đến chúng tôi phần audio còn thiếu sót. Mong lắm thay! (T.Vấn & Bạn Hữu)

*

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

 

©T.Vấn 2019

Nghe Thêm:

Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (10) – Các nhạc sĩ theo Kháng chiến

 

Đọc Thêm:

Nhạc sĩ Tô Vũ nói về Tây hóa và Việt hóa ca khúc Việt

(Nguồn: Cothommagazine.com)

“Tình hình âm nhạc hiện nay tuy có hỗn loạn, nhưng không có gì khiến mọi người phải quá hốt hoảng. Chúng ta cần cảnh báo những lệch lạc, lai căng, mất gốc nhưng đừng bị kịch hóa”, nhạc sĩ Tô Vũ khẳng định.



– Dư luận vừa qua xôn xao về chuyện nhiều ca khúc Việt lai nhạc nước ngoài. Nhưng chuyện này đã xảy ra tại Việt Nam vào thời kỳ đầu Tân nhạc, khoảng năm 1930 với những ca khúc “bài ta điệu tây”?

– Tân nhạc Việt Nam là một điển hình về chuyện chịu ảnh hưởng âm nhạc nước ngoài. Lúc đó, người thì gọi ảnh hưởng, người thì cho rằng học tập. Ở đây học tập nghĩa là học ngôn ngữ thể hiện của âm nhạc Tây phương, vốn đã rất khác với những yếu tố trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhưng trước khi học tập được như thế, có một cách làm dễ dàng hơn là lấy toàn bộ nhạc tây rồi viết vào đó lời mới bằng tiếng Việt, với nội dung khác bài hát cũ. Nhưng người viết phải nói rõ bài hát này theo điệu gì, ở đâu. Khuynh hướng này thời kỳ đầu (1935-1936) phát triển mạnh thành phong trào. Nhưng chỉ rầm rộ khoảng 2 năm đó. Về sau chủ yếu là ca khúc nhạc ta lời ta, hoặc có chịu ảnh hưởng của nhạc Tây nhưng không theo điệu tây.

– Vậy sự chuyển biến từ “bài ta điệu tây” sang “bài ta điệu ta” có chịu sự tác động từ phía công chúng không?

– Ngay khi tân nhạc xuất hiện đã có nhiều xì xào. Giới trẻ thì thích, nhưng lớp người lớn tuổi thì phê phán là tây quá. Người ta cũng đặt nhiều câu hỏi: Như vậy có giá trị nghệ thuật không? Tính Việt Nam có bị mất hết không? Nhưng chỉ là những lời xì xào, không có sự phê phán mạnh mẽ hay công kích, vì lúc đó chuyện tương tự cũng đang diễn ra với Thơ mới. Người ta xì xào những bài nhạc quá áp dụng những thang âm điệu thức phương Tây, khi ghép lời Việt vào thành ra lơ lớ. Tuy nhiên, có những người sáng tác, ngay từ thời kỳ đầu đã tìm cách học tập đã tìm cách chế biến, hạn chế dùng bán âm để hát rõ lời Việt. Có nhiều bài không tìm thấy một bán âm nào cả, nó đã được Việt hóa hoàn toàn.

– Ca khúc Việt trong thời kỳ kháng chiến (1946-1975) có còn bị chịu ảnh hưởng của nhạc nước ngoài?

– Miền Bắc trong kháng chiến chịu 2 luồng ảnh hưởng: nhạc Nga và nhạc Trung Quốc. Nhiều bài hát hùng mạnh, nhịp điệu vui tươi trong thời kỳ này có giai điệu từ hành khúc Nga. Còn miền Nam, giai đoạn này vẫn nhiều người thích âm hưởng dân tộc, gần với dân ca. Một số ảnh hưởng âm nhạc Tây Âu, nhiều nhất là theo nhạc Mỹ với các phong trào nhạc jazz và blues, sau này là rock và phát triển lên nhiều trường phái nhỏ như rap, soul…

– Vậy theo ông, âm nhạc truyền thống có còn đất phát triển nữa không?

– Chúng ta đã khai thác hết từ âm nhạc truyền thống đâu. Những bài hay của Trần Tiến, Nguyễn Cường cũng chỉ là mới bóc được cái vỉa nổi của mỏ vàng âm nhạc dân gian Ê Đê, Ba Na thôi. Âm nhạc truyền thống còn nhiều thứ mới chưa có người khai thác. Nhiều người viết nhạc ở ta lười nhác, thích ngồi nhà ăn sẵn những giai điệu có sẵn trên đĩa, trên mạng, chứ thực tế họ không có ý ăn cắp nghệ thuật. Chúng ta đang quá lạm dụng và lạm phát danh từ “nhạc sĩ”. Nhạc sĩ phải là người làm nhạc chuyên nghiệp, được công nhận có “nghề” và có đẳng cấp “sĩ”.

=============================================================

Nhạc sĩ Tô Vũ: “Việt Nam làm gì có phê bình âm nhạc!”

Cả hai ông Viện phó Viện nghiên cứu Âm nhạc Tô Vũ và Trưởng ban lý luận Hội nhạc sĩ Thế Bảo đều có chung nhận định “buồn” rằng Việt Nam không có phê bình âm nhạc. Hiện nay các cây bút có khả năng thì hoặc là tuổi già sức yếu, hoặc bận túi bụi, còn những tay khỏe viết thì lại mù tịt về âm nhạc hoặc chỉ biết lăng xê lẫn nhau để kiếm tiền.

– Tại sao các ông cho rằng Việt Nam chưa có phê bình âm nhạc?

– Tô Vũ: Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại ngại phê bình âm nhạc đến thế. Chỉ có viết giới thiệu nhau, khen tụng nhau. Nếu phê bình thì là theo kiểu đố kỵ, rất ít khi có phê bình nghiêm túc. Ngày xưa, nhờ có lời phê bình của Schumann mà khẳng định được tài năng của J. Bach và Beethoven. Ý nghĩa của phê bình âm nhạc là phục hồi những giá trị mẫu mực của người xưa và tìm ra những hạt ngọc trong đời sống âm nhạc hôm nay. Thế nhưng ở ta, chỉ có nghiên cứu mà không có phê bình. Mà nghiên cứu thì chẳng động chạm ai. Còn phê bình thì gay đấy. Bởi ai cũng đặt sự an toàn lên trên hết.

– Vậy nếu không “ngại”, ông sẽ “phê bình” thế nào về đời sống âm nhạc hiện nay?

– Tô Vũ: Tôi thường nói với các bạn già của tôi rằng có hai việc cần làm. Một là phải chỉ ra thế hệ kế tục lớp nhạc già của chúng tôi. Theo tôi, thế hệ này có 4 nhạc sĩ có thể khẳng định được là Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ, Thanh Tùng. Họ có nhiều điểm đã vượt được thế hệ đi trước. Về khí nhạc có nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, một tài năng hiếm hoi trong lĩnh vực này. Cả 5 nhạc sĩ nên được dư luận tập trung đánh giá nhiều về chuyên môn để tìm ra sự kế tục và phát triển. Hai là phải quét rác bằng cách chống sự lăng xê bậy, vạch ra sự ngộ nhận, chống ăn cắp nhạc nước ngoài, đặt ca từ bừa bãi, reo rắc độc hại về tư tưởng, thẩm mỹ. Làm những việc này một cách nghiêm túc và công tâm mới gọi là có phê bình âm nhạc.

– Theo các ông, người làm phê bình âm nhạc phải hội tụ được những yếu tố nào?

– Thế Bảo: Người làm phê bình âm nhạc phải hội đủ những điều kiện: có kiến thức âm nhạc tốt, có nền tảng văn hoá cơ bản vững, có sự nhạy cảm, tinh tế khi thụ cảm tác phẩm, lăn lộn với đời sống âm nhạc và có khả năng diễn đạt bằng ngôn từ. Bởi thế mà nhiều người không dám hoặc không đủ khả năng cầm bút mặc dù được đào tạo cơ bản tại khoa lý luận nhạc viện.

– Theo ông, làm thế nào để có được một đội ngũ phê bình âm nhạc chuyên nghiệp?

– Thế Bảo: Theo tôi, phải bắt đầu từ khâu đào tạo. Hiện nay, công việc đào tạo của chúng ta không ổn. Trong chương trình đào tạo âm nhạc không hề có môn phê bình. Vì vậy, nên lập một viện đào tạo âm nhạc đại chúng và tách khoa dân tộc ra khỏi nhạc viện để thành lập một trường Quốc nhạc. Các viện hoặc trường này phải có khoa lý luận phê bình riêng. Người học nhạc viện thì phải biết phê bình nhạc giao hưởng, thính phòng, còn xuất thân từ trường Quốc nhạc thì phê bình được nhạc dân tộc, tốt nghiệp Viện âm nhạc đại chúng thì phê bình nhạc trẻ, chứ không thể một người có đủ khả năng và thời gian để ôm đồm hết cả.

– Có đủ khả năng để làm phê bình, nhưng tại sao hai ông không trở thành cây bút phê bình âm nhạc chuyên nghiệp?

– Tô Vũ: Tôi chuyên sáng tác và nghiên cứu âm nhạc truyền thống và dân tộc. Vả lại, tôi đã già, không đủ sức khoẻ và thời gian cho công việc phê bình – một công việc đòi hỏi phải dốc sức và làm một cách chuyên nghiệp.

Thế Bảo: Tôi không đủ thời gian để sống với âm nhạc hiện nay. Một tuần tôi phải hướng dẫn 6 người làm luận văn cao học, rồi còn phải dành thời gian viết tác phẩm. Như thế không thể làm phê bình được.

(Nguồn: Theo Thể Thao Văn Hóa)

Bài Mới Nhất
Search