T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 152)

 

Giai thoại làng văn

Là bạn của Nam Cao, Tô Hoài cũng không dễ chịu về tiền nong hơn mấy chút, nhưng tương đối anh cũng đỡ lo lắng và cũng đỡ phải vật lộn với sự sống hàng ngày như Nam Cao. Có lẽ vì thế giọng văn của Tô Hoài ít chua chát, sâu xa: anh đúng là con dế mèn phiêu lưu, nhìn con vật gì ở chung quanh cũng lạ lùng với con mắt thơ ngây. Không có gì lạ hết: Tô Hoài lúc viết cuốn truyện đầu tay “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” chỉ là một bạch diện thư sinh mới ở trường ra và sống một cách hiền lành, cơm ngày hai bữa, ở một làng làm giấy bản trên sông Tô Lịch, ngày ngày ngồi ở hiên nhìn ra sân xem những gà, lợn, chim sẻ, cào cào, bươm bướm… Tô Hoài cũng hiền lành như Nam Cao, nhưng ranh mãnh hơn một chút; tuy vậy, không lúc nào để mất tính chân thành.

Trước khi di cư vào Nam, anh còn tỏ sự chân thành ấy với tôi lần chót: trong một thư dài viết tay, anh đã chí tình khuyên tôi ở lại và nói lên những giờ phút mong đợi trở về gặp nhau đông đủ để sống lại những ngày thân mến trước đây.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Chuyện cực ngắn

Truyện chớp hay cực ngắn có truyện chỉ một vốc chữ, thậm chí một dúm câu. Nhưng truyện vẫn có hồn, có cốt, có tráng qua một chút văn chương. Nghĩa là đọc nó, người ta không có cảm giác ngột ngạt như bị vo nén lại rồi nhét vào trong cái ống điếu…

Xuống dưới nhà, tôi vào bếp bắc nồi pha cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc. Pha xong, tôi vất xác cà phê ngay vào thùng rác, không dám đổ xuống bồn rửa bát sợ gây ra sự cố, ống nước bị ùn tắc. Mang ly cà phê nóng ra sau vườn nhâm nhi trong khi đọc báo, ngắm cây xanh tốt vì đất được phân bón cải cách, hoặc viết lách vào sáng sớm cuối tuần là cái thú thư giãn của tôi.

Chữ nghĩa làng văn

Với loại viết bằng chữ Nôm thì câu văn khó hiểu, kết cấu truyện lượm thượm và còn đang ở trong hình thức truyện kể. Với loại viết bằng chữ Hán thì người đọc không thấy được tính chất thời đại cũng như đặc tính của ngôn ngữ Việt trong đó vì khi thực hiện các tập này, tác giả chỉ thuần nhắm phần thâu thập các truyện cổ truyền trong dân gian.

Một vài nhà văn Việt thời chữ Nôm có sáng tác loại truyện kể nặng tính chất truyền kỳ – một hình thức truyện ngắn tương đối gần với dạng phôi thai của truyện ngắn ngày nay – như Ðoàn Thị Ðiểm, với sáu truyện trong tập ‘Truyền Kỳ Tân Phả’ , như Cao Bá Quát với mười truyện trong văn cả của ông.

Các truyện này cho tới ngày nay vẫn chưa có điều kiện để được lưu hành rộng rãi cho nên không có ảnh hưởng trong văn chương. Nhìn chung các mặt ngôn ngữ, không khí cũng như hình thức các truyện ngắn cũ đều khác xa với truyện ngắn gần đây.

(Nguyễn Văn Sâm – Vài suy nghĩ về truyện ngắn)

Họ

Số họ người Việt rất hạn chế, có khoảng 140 họ khác nhau- chúng tôi ghi lại trong danh sách ở dưới đây.

A An, Âu   B Bạc, Bạch, Bành, Bế, Biện, Bùi   C Ca, Cái, Cam, Cao, Cát, Cầm, Cấn, Cù, Chế, Chiêm, Chu = Châu, Chung, Chử, Cung   D Danh, Diệp, Diêu, Doãn = Roãn, Dư, Dương, Đái, Đàm, Đà, Đặng, Đèo, Đinh, Đoàn, Đô, Đồ, Đỗ, Đồng, Đống   G Giang, Giáp   H Hạ, Hàn, Hoa, Hoàng = Huỳnh, Hồ, Hồng, Hùng, Hứa    K Kiên, Kiều, Kiểu, Kim, Kỷ, Kha, Khiêu, Khiếu, Khổng, Khu, Khuất, Khúc, Khương, Khưu    L La, Lã = Lữ, Lai, Lại, Lang, Lâm, Lê, Linh, Lộ, Lợi, Lục, Lương, Lưu, Lý    M Ma, Mã, Mạc, Mai, Mạnh    N Ninh, Nông, Nghiêm, Ngạc, Ngân, Ngô, Ngụy, Nguyễn, Nhan, Nhữ    OÔng    P Phạm, Phan, Phí, Phó, Phù, Phùng    Q Quách, Quan, Quản    S Sầm, Sơn    T Tạ, Tăng, Tiêu, Tô, Tôn, Tống, Từ, Tường, Thạch, Thái, Thang, Thành, Thẩm, Thân, Thiều, Thục, Trà, Trang, Trần, Triệu, Trịnh, Trình, Trưng, Trương    U Ung, Uông, Uyển, Ưng    V Vạn, Văn, Vi, Viêm, Vòng, Vũ = Võ, Vương X Xuân (Văn Hóa Việt Nam, số 2, Mùa Thu 1998)

Do đó có thành ngữ “trăm họ” (bách tích) thời xưa thường dùng để chỉ dân chúng cả nước. ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trong cuốn Gia Phả: Khảo luận và thực hành đã dẫn có nói đến ba trăm họ tối đa có thể có nhưng ông đã không lập danh sách.

(Tên họ người Việt – Nguyễn Vy Khanh)

 

Tam

Tam: em

(bếp lạnh anh tam biếng hỏi han

Tuy rằng bốn biển cũng là anh tam)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

149 họ

Để chứng minh Bách Việt là trăm giống Việt và sau đây trăm họ là hàng trăm (số nhiều) chớ không phải đúng một trăm họ đâu.

Xin kể ra đây theo mẫu tự:

– An, Âu…

– Bạc, Bạch, Bành, Bế, Biện, Bùi…

– Cả, Cái, Cam, Cao, Các, Cầm, Cấn, Châu, Chế, Chiêm, Chu, Chung, Chữ, Cỗ, Cung, Cù…

– Danh, Diệp, Doãn, Dư, Dương…

– Đái, Đàm, Đào, Đặng, Đèo, Đinh, Đoàn, Đô, Đỗ, Đồng, Đổng…

– Giang, Gíap…

– Há, Hạ, Hàn, Hoa, Hoàng (Huỳnh), Hồ, Hồng, Hùng, Hứa…

– Kiên, Kiều, Kiểu, Kiêm, Kỷ, Kha, Kheo, Khiên, Khiếu, Khổng, Khu, Khuất, Khúc, Khương, Khưu…

– La, Lã, Lai, Lại, Lâm, Lê, Linh, Lộ, Lỗ, Lợi, Lục, Lữ, Lưu, Lương, Lý…

– Ma, Mã, Mạc, Mai, Mạnh…

– Nặc, Ninh, Nông, Nùng, Nghiêm, Ngạc, Ngọ, Ngô, Ngụy, Ngưu, Nguyễn, Nhan, Nhữ…

– Ông…

– Phạm, Phan, Phí, Phó, Phù, Phùng…

– Qúach, Quan, Quản…

– Sầm, Sơn, Sử…

– Tạ, Tăng, Tần, Tiêu, Tô, Tôn, Tống, Từ, Tường, Thạch, Thái, Thang, Thành, Thẫm, Thân, Thiệu, Thục, Trà, Trang, Trần, Triệu, Trình, Trịnh, Trưng, Trương…

– Ung, Ứng, Uông, Uyển…

– Van, Văn, Vi, Viêm, Vũ (Võ), Vương…

– Yết…

Các họ trên đây chép trong Đại Việt Linh triều Đăng Khoa lục, Đăng khoa Bi khảo, Lê Triều Lịch danh Tiến sĩ đề danh Bi ký. Đếm ra được 149 họ, có thể còn thiếu sót.

(Trăm họ – Trần Khánh)

 

Hình dung từ 2

Hình dung từ dốt trong tiếng Việt vừa khôi hài vừa gợi hình. Dốt là trạng thái không sống cũng không chín. Me dốt không phải là me chín cũng không phải là me sống. Bánh tráng dốt không hoàn toàn ướt nhưng chưa khô. Người dốt không phải là người mù chữ nhưng sự hiểu biết còn nhiều thiếu sót.

(Tiếng Việt – Phạm Đình Lân)

 

Tiếng Việt không có qui luật văn phạm

Động từ ‘To Be’ hay ‘Etre’ mà ta dịch ‘Thì’ hay ‘Là’ thường vắng mặt trong các câu nói hay câu văn. Trong tiếng Việt không có chia động từ và không có thì trong động từ. Trần Trọng Kim soạn quyển Văn Phạm Việt Nam sau khi ông tiếp xúc với văn hóa Pháp. Article thì dịch ra là quán từ Le, la, un, une, les, des thì tương đương với bên Việt ngữ cái, con, các, những. Quán từ cái dùng chỉ vật bất động như cái chén, cái khăn. Quán từ con dùng để chỉ thú vật hay vật có thể di động như con gà, con cọp, con đường, con sông. Nhưng người Việt Nam không nói cái cam, cái bưởi, cái núi mà trái cam, trái bưởi, trái núi. Đây là một phần của sự phức tạp của tiếng Việt.

(Tiếng Việt – Phạm Đình Lân)

 

Tiếng Anh, tiếng Hán

 Hệ thống giáo dục của nước Pháp đã được người Pháp ở Việt Nam điều chỉnh cho thích hợp với thực tế ở Việt Nam.  Đây là hệ thống Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ” (Enseignement Franco-Indigène), thường được gọi là Giáo Dục Pháp-Việt.  Trong nền giáo dục này tiếng Pháp là chuyển ngữ tức tiếng Pháp được dùng để trao đổi trong lớp học (giảng bài, làm bài, sách giáo khoa viết bằng tiếng Pháp).  Riêng ba lớp tiểu học đầu là được dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ, sau đó tiếng Việt được học như một ngoại ngữ.

Ngoại ngữ thứ hai thường là tiếng Anh ở bậc Tú Tài.

Chữ Hán được học theo tự nguyện, một tuần một giờ ở lớp trên của tiểu học nếu có thày dạy.

(Nền giáo dục VN dưới thời Pháp thuộc – Trần Bích San)

 

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Nhắc lại lời nói năm xưa, vơi nỗi nhớ, hương tình dĩ vãng. Mãi đến thập niên 1950 ở Saigòn vùng Bào Sen, Chợ Quán vẫn chưa có nước máy dẫn tới nhà. Người ta xài nước giếng để tắm gội, giặt rửa hàng ngày. Còn cơm nước thì dùng nước mưa chứa trong lu, khạp, hay thùng phi để xài quanh năm. Những năm mùa khô kéo dài, mưa trễ, giếng nước trong xóm cạn vét thì dân gánh nước phong tên ở đường Trần Bình Trọng, trước nhà thờ Chợ Quán, mang về xài. Lúc đó nước phong-tên (fontaine) nhiều phèn phải khuấy với phèn chua để lắng trong mới xài được. Khi nấu sôi, châm trà, nước pha trà mà có màu đen thì nước phèn dù có lắng trong cũng không dùng trong cơm nước được. Bà con trong xóm hàng tuần mang thùng 20 lít ra đầu xóm, sắp hàng chờ xe nước ngọt đến để đổi nước. Một đôi nước, 2 thùng 20 lít, thì đổi lấy hai đồng. Có lần mùa hè, khi chơi đầu xóm, tôi thấy xe nước quẹo từ đường Nguyễn Trải vô ngõ, tôi hớt hải chạy về nhà “Má ơi xe nước tới rồi, lấy thùng đi mua nước..má…”. Má tui cười khì “Con ơi mình đi đổi nước ngọt mà uống chớ không ai bán nước đâu con…”. Trong Nam người ta ý tứ không nói, mua nước, bán nước mà chỉ nói lấy tiền đổi nước. Sau nầy lớn lên tôi mới biết người miền Nam kiêng cữ lời nói không lành như .. bán nước.

(Tiếng nói miền Nam văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

 

Nhớ món ngon Sài Gòn

Hủ tíu Phạm Thị Trước

Có người đến hủ tíu Phạm Thị Trước gọi thêm bánh pâté chaud ăn kèm, cũng giống như hủ tíu Gà Cá. Tuy nhiên, mỗi tiệm hủ tíu đều có hương vị riêng khiến một khi khách đã ‘kết’ thì khó đi ăn nơi khác. Hủ tíu Sài Gòn sáng nào cũng đông người đến thưởng thức, không cần đợi đến những ngày cuối tuần.

(Hồi ức một đời người – Nguyễn Ngọc Chinh)

 

Từ nguyên học dân gian

Bộ môn này có mục đích tìm hiểu, giải thích những ý nghĩa có tính chất cội nguồn của từ. Nó là đối tượng nghiên cứu bằng cách nhìn lại sử học, dân tộc học, văn hoá…thí dụ: Miền Trung có con sông gọi là “sông Mã”. Trong dân gian, người ta giải thích rằng gọi nó là “sông Mã” vì nó chảy xiết, nhanh và mạnh như ngựa phi, và sông Mã nghĩa là “sông Ngựa”.
Cách giải thích cảm tính, chủ quan, không chứng cứ như vậy, gọi là từ nguyên học dân gian.

Từ nguyên học khoa học phải tìm những chứng cứ khoa học để giải thích. Thật ra, “sông Mã” là lối nói “trại” đi của cái tên đích thực: sông Mạ, được ghi bằng một chứ Hán, đọc là “mã” (ngựa).
”Mạ” trong tiếng Việt xưa (nay còn lưu lại trong phương ngữ miền Trung) vốn có nghĩa là “Mẹ”. Những con sông lớn ở vùng Đông Nam Á thường được gọi bằng cái tên có nghĩa Mẹ (với ngụ ý là lớn, lớn nhất) như vậy. Chẳng hạn:
Tiếng Việt có sông Cái = sông mẹ
Tiếng Thái Lan có Menam = sông mẹ
Tiếng Môn cổ có Meklong = sông mẹ

Vậy vậy tên gọi sông Mã hiểu là sông Mạ hay là sông Cái, nghĩa là “sông mẹ, sông lớn” chứ không phải là…sông Ngựa. Nghiên cứu từ nguyên là công việc đầy khó nhọc, nhưng hết sức thú vị.
(Khái niệm từ vựng học – Khuyết danh)

 

Thiền ngôn

Vội

Vội quên, vội nhớ vội đi, về

Bên ni, bên nớ mãi xa ghê!

Có ai nẻo Giác bàn chân vội?

”Hỏa trạch” bước ra, dứt não nề…

(Thích Tánh Tuệ)

 

Đếch 

 Từ điển Alexandre de Rhodes có hầu hết các từ chửi thề tục tĩu của ngày nay. Như:

Đếch: cơ quan sinh dục.

Vì vậy tạm cho là từ “đếch” là tiếng Việt cổ. Có thể khẳng định rằng trong cuộc sống hàng ngày, các cụ ngày xưa có chửi thề. Tuy nhiên, thơ nôm của Nguyễn Trãi (1380-1442) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) không có chửi thề. Vào khoảng cuối thời vua Lê chúa Trịnh (cuối thế kỉ 18) chửi thề mới bắt đầu xuất hiện trong thơ văn nôm.

Nguyễn Du lúc còn trẻ, ” lang bang ” đi chọc ghẹo gái, cũng đã từng văng tục:

– Phụt ngọn đèn trước mặt, đếch sự đời!

(Chửi thề, văng tục ! – Nguyễn Dư)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search