T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Bà Thụy Khuê với những…chấm hỏi (?), chấm than (!) (3)

Kỳ 3

Tiếp Theo (kỳ 1 ) (kỳ 2)

*Chú Thích: Những phần chữ in màu tím xen kẽ trong các trích đọan của bài bút ký “Quê hương ngày trở lại” là của tác giả Ngộ Không Phí Ngọc Hùng (tức Người Góp Nhặt – NGN). Để tránh bài quá dài, bất tiện cho độc giả, NGN không trích trọn bài bút ký của Thụy Khê mà chỉ trích những đoạn có liên quan đến đề tài được NGN “lưu ý”. Link trọn mỗi bài bút ký được đặt ở đầu bài, độc giả có nhu cầu có thể sử dụng link để xem trọn bài bút ký được trích đoạn (bởi NGN) trong mỗi kỳ. NGN.

Nha Trang

 

Máy bay từ Sài Gòn ra Nha Trang đỗ tại phi trường Cam Ranh. Đường từ phi trường về Nha Trang là một xa lộ rất đẹp, không kém gì những đại lộ nổi danh trên thế giới mà tôi đã đi qua.

Trước khi về nước, tôi đã đọc những bài báo mạng vô cùng khẩn cấp báo động việc người Tầu đang chiếm miền Nam, họ đã chiếm hết Nha Trang rồi, có một “phóng viên tại chỗ” chụp hình những cửa hàng trên bờ biển Nha Trang 100% là Tầu, y hệt như ở Hồng Kông hay Thượng Hải, vị “phóng viên” này còn cho biết, Nha Trang hiện đã cho tiêu tiền Trung Cộng. Ngoài những tin giật gân này lại còn có bài báo mô tả chuyện người Hoa ăn thịt người, với chứng cớ đầy đủ: chụp hình mâm cỗ thịt người có món xào, món rán, món nấu ninh rựa mận, kèm bên cạnh là ảnh cô kiểu mẫu chân dài tóc mượt, mắt bồ câu, trước khi bị chặt làm cơm. (1)

 

(1) Ghi chú của người góp nhặt:

Kính thưa bà Thụy Khuê,

Tôi xin mạn phép được viết những dòng này, sau khi bài bút ký của bà nhan đề: Quê Hương ngày trở lại phần ba là: Những dòng đầu khiến cho ai đọc cũng phải choáng. Xin trích:
”….Trước khi về nước, tôi đã được đọc những bài báo mạng vô cùng khẩn cấp báo động việc người Tầu (…) chân dài tóc mượt, mắt bồ câu,  trước khi bị chặt làm cơm…”.

Là một nhà nghiên cứu và phê bình, tôi nghĩ bà không nên đọc những thứ vớ vẩn đó mới phải. Đàng này bà đọc, rồi dành cả mấy trăm chữ để chứng minh rằng người Tàu không ăn thịt người. Mà có ăn như trong Thủy Hử cũng chỉ là do tác giả Thi Nại Am hư cấu mà thôi. Và bà khuyên không nên tin các nhà văn, họ nói vậy mà không phải vậy.

(Thụy Khuê, trở lại quê hương để làm gì?! – Khuất Đẩu)

 

Chúng tôi đến Nha Trang không phải để kiểm tra những “sự kiện” này, vì khi về Sài Gòn và xuống miền Tây đã tìm chả ra mống Tầu nào, muốn ăn cơm Tầu, cũng khó kiếm, còn chuyện cô tốp mô đen mắt bồ câu bị cắt ra xào nấu, thì tôi chắc vị nào có cao kiến đem vụ việc lên internet phải là người trí thức có đọc Thủy Hử và Lỗ Tấn, mới biết chuyện “người Trung Hoa ăn thịt người” mà minh chứng bằng hình ảnh. Nhưng ông (hay bà) này lại không coi chừng tụi nhà văn, họ nói vậy mà không phải vậy.

Cụ Thị Nại Am kể chuyện hồi đó (tức là hồi 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc phất cờ khởi nghiã, nước Trung Hoa loạn lạc, cướp bóc, tham ô, giặc giã nổi lên khắp nơi, đi tới chỗ hẻo lánh nào cũng có quán rượu thịt người. Là cụ ấy cường điệu, muốn nói nước Tầu hồi ấy đầy dẫy trộm cướp giết người. Còn ông Lỗ Tấn nói đồng bào của ông ta ăn thịt người thì được, chứ kẻ nào không phải người Tầu dám nói như thế, vô phúc ông ấy biết được là ông ấy hiện về bóp cổ lè lưỡi ngay. Bởi ông Lỗ Tấn cũng dùng hình ảnh người Tầu ăn thịt người để chỉ một xã hội Trung Hoa hiện đại xuống dốc, người xâu xé người, chỉ muốn “ăn thịt” lẫn nhau; chuyện này áp dụng vào dân tộc Việt Nam hiện nay cũng không sai mấy đâu, tôi sẽ nói thêm ở dưới.

Chúng tôi đến Nha Trang trước hết để thăm thành Diên Khánh và kiểm chứng lại những điều người Pháp thực dân rêu rao khắp nơi và các sử gia của mình cũng y nguyên chép lại:

Diên Khánh là thành Vauban do Pháp xây. Để xem tận mắt cái “thành Vauban” đó nó như thế nào. Diên Khánh, trước kia chỉ là một đồn nhỏ có tên Hoa Bông, Nguyễn Ánh hành quân qua thấy vị trí tốt, bèn chọn làm cứ điểm địa đầu để chống Tây Sơn: mỗi lần từ Sài Gòn ra đánh Quy Nhơn có chỗ nghỉ chân và cũng là nơi rút về khi thua trận.

…………….

Tháng 10/1793, Tôn Thất Hội và Vũ Viết Bảo được lệnh vua đắp thành. Theo sự mô tả của Lê Quang Định (Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí) thì Diên Khánh là thành đất, cao hơn 4 mét, chu vi hơn 2 hai cây số. Thành hình tứ giác, bên trong có núi đất, ngoài thành có hào, có cửa trại, phiá trước có cầu treo bắc ngang trên hào. Thành có sáu cửa: phiá Nam và phía Đông, mỗi phiá một cửa, phiá Tây và phiá Bắc, mỗi phiá 2 cửa. Bây giờ còn lại hai cửa Đông và Tây là chính. Trên cửa thành có lầu. Hào đã bị lấp, không còn cầu treo, nhưng thành vẫn sừng sừng, trải 224 năm sau khi đắp. Một phần tường thành còn nguyên vẹn.

………….

Tường thành bằng đất, cao khoảng bốn mét đúng như Lê Quang Định mô tả, vững như chân vại, điều này giải thích tại sao quân Nguyễn Ánh chặn đứng được những cuộc tấn công ác liệt của Trần Quang Diệu. Hai cửa thành và phần tường thành còn lại xác định Diên Khánh không phải là thành Vauban, không có một nét gì của Vauban cả. Đứng trên tường thành, ta thấy rõ vị trí chiến lược của Diên Khánh: ngoài hào (đã bị lấp) và tường thành, còn một vòng thành thiên nhiên kiên cố hơn nữa, đó là vòng núi quây tròn khép kín chung quanh, bảo vệ Diên Khánh.

………….

Khi viết cuốn Vua Gia Long và người Pháp, tôi phải đọc tài liệu để chứng minh Diên Khánh là thành đất, do Tôn Thất Hội và Vũ Viết Bảo đắp. Nhưng bây giờ đến đây, đứng trên thành đất này, thì không cần tài liệu gì cả: sự thực hiển nhiên thành đất Diên Khánh hiện ra trước mắt đúng theo lời mô tả của Lê Quang Định.  Xin nhắc lại, Lê Quang Định viết rất rõ, từ năm 1802 trong Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí, rằng: Diên Khánh là thành đất, cao hơn 4 mét, chu vi hơn 2 hai cây số. Thành hình tứ giác, tức là hình vuông.

Vậy mà, trên Wikipédia tiếng Việt in bản đồ thành Diên Khánh hình cá chép, có nhiều góc nhọn nhô ra khỏi tường thành, đặc biệt theo kiểu kiến trúc Vauban (Vauban tạo những chỗ nhô ấy để lính canh có thể nhìn xa hơn, không bị tường thành che lấp). Từ đâu lọt ra cái thành Vauban hình con cá này? (2) Vì đứng trên tường thành ta thấy rõ: thành hoàn toàn làm bằng đất, không có sự xây cất nào, trừ cửa thành. Tôi chụp thêm tấm ảnh: đứng trên tường thành ta nhìn thấy một góc quẹo, và góc này đúng là góc vuông. Tóm lại, tường thành thẳng tắp không có gì nhô ra như thành Vauban và thành Diên Khánh hình vuông.

 

(2) Ghi chú của người góp nhặt:

Giữa Gia Long và Minh Mạng có “Xung khắc” về thành quách. Thảng như thành Thăng Long, Gia Long đập phá cho thu nhỏ lại năm 1804, Hòang Thành bị thu hẹp lại, phá cổng Tường Phù, nay còn mảng tường ở số 38B phố Hàng Đường, dựng cột cờ có dạng Vauban. Năm 1835, Minh Mạng thu hẹp lại hơn nữa.

Học mót theo… “sử gia“ Thụy Khuê, mặc dù chỉ là cái thành: “Người viết sử chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là trình bày sự kiện lịch sử, sử viết về một nhân vật hay một giai đoạn lịch sử, rồi tự rút ra những suy nghĩ “. Vì vậy người góp nhặt ngẫm nguội thế này: Trước kia, Nguyễn Ánh cho xây thành bằng đất. Sau khi lên ngôi vua, Gia Long dựng lại thành xây 6 góc (xem thành Diên Khánh hình các chép) theo kiến trúc Vauban của Pháp.

Như năm 1790, Gia Long xây “Thành Sài Gòn”. Người Pháp vẽ kiểu tên Oliver de Puymanuel, ông này có tên Việt là Ông Tín, xây theo kiểu Vauban: thành xây 8 góc theo Bát Quái, tên chữ gọi Quy Thành. Sau Minh Mạng đập phá thành Sài Gòn, xây lại nhỏ hơn và đặt tên là Gia Định thành.

Với lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng, có thể Minh Mạng phá bỏ…’’thành Vauban’’ và dựng thành Diên Khánh hình vuông…bằng gạch, chứ không phải là…thành đất (xem Cửa tây thành Diên An).

 

Cách cửa tây của Diên Khánh vài trăm mét có nhà thờ Hà Dừa rất đẹp, nhưng không mấy ai biết đến. Hà Dừa là một trong những ngôi nhà thờ cổ hiếm hoi còn sót lại. Những cột gỗ cao vút của nhà thờ còn nguyên, chắc bằng gỗ lim, đánh bóng mầu huyết dụ, tuyệt đẹp. Ra Bắc, tôi sẽ còn thấy một kiệt tác nữa, thật hoành tráng là nhà thờ Phát Diệm (xem tr 37) ở Ninh Bình.

Chúng tôi ở khách sạn sát bờ biển, trên đường Trần Phú (3), khu đông vui nhất, có thể ví với đại lộ Lối dạo của người Anh (Promenade des Anglais) ở Nice. Nha Trang có nhiều điểm giống Nice: Nước biển cùng mầu ngọc bích trong vắt như pha lê. Vịnh Nha Trang hình bán nguyệt hơi giống Vịnh Thiên Thần (Baie des Anges) ở Nice, nhưng bãi biển Nice toàn sỏi, đi đau chân, Nha Trang cát mịn, vuốt ve chân người. Bãi biển không chỉ ngừng ở Nha Trang mà chạy dài suốt dọc bờ biển Khánh Hoà. Bãi biển Khánh Hoà, không chỉ ngừng ở Khánh Hoà, mà chạy dài suốt cả miền Trung… Hơn hai ngàn cây số bờ biển, chưa kể đảo và quần đảo, có một không hai của đất nước ta. Trong khách sạn, bạn chạm trán với nhiều người da vàng, phần lớn là Tầu, không phải Nhật. Các cô chiêu đãi thấy chúng tôi bèn nói tiếng Anh, tôi bảo phải nói tiếng Việt chứ, em cười: cháu tưởng cô người Tầu, vì ít có khách Việt vào đây. Về sau, tôi nhận thấy: Mỗi thành phố có một loại du khách ngoại quốc: Hội An đầy Nhật. Hà Nội đầy Pháp và Nha Trang đầy người Hoa, như thể những người ngoại quốc này đã chọn ưu tiên miền đất du lịch đã gắn bó với họ từ trước. Hội An gắn bó với người Nhật là phải, vì đây là thành phố do người Nhật đến buôn bán dựng nên phố Nhật từ đầu thế kỷ XVII. Còn Hà Nội gắn bó với người Pháp cũng dễ hiểu vì Hà Nội là thủ đô của Đông Dương Pháp.

Riêng người Hoa, theo lịch sử, có thể gắn bó với: Chợ Lớn, Biên Hoà và Hà Tiên. Năm 1679, các tướng người Minh gốc Quảng Tây là Long Môn, Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Cao Lôi Liêm và Trần Bình An, chạy nhà Thanh, đem 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến cửa Tư Dung (tức Tư Hiền) vào Đà Nẵng “xin làm tôi tớ”. Chúa Nguyễn Phước Tần không từ chối, nhưng ông lấy cớ “ngôn ngữ bất đồng” nên cho họ vào đất Đông Phố (tên xưa của Gia Định) lúc đó còn thuộc nước Chân Lạp khai hoang và lập nghiệp và chuá ra lệnh cho vua Chân Lạp phải đón tiếp. Những người Hoa này đóng ở Bàn Lân (thuộc Biên Hoà), họ xây dựng nên vùng Biên Hoà, Chợ Lớn ngày nay. Một đám khác, gốc Quảng Đông, tức là đám Mạc Cửu, thời chúa Nguyễn Phước Chu (1691), chạy xuống phiá nam khai khẩn vùng đất Hà Tiên rồi dâng đất chuá (1708). Nhưng có lẽ người Hoa đi du lịch hiện nay không tha thiết lắm với lịch sử hoặc vì họ không biết tổ tiên họ đã đến những vùng này lập nghiệp, nên họ chọn Nha Trang là nơi biển đẹp, nước ấm và gần đất Tầu.

Chúng tôi ngạc nhiên vì không thấy một cửa hàng Tầu nào trên đại lộ Trần Phú (3), ven biển. Đi vào mấy phố bên trong, lác đác có vài tiệm chen lẫn với những cửa hàng ngoại quốc khác. Buổi tối, chúng tôi xuống đường tìm quán ăn dọc bờ biển, một thanh niên lái xích lô điện dừng lại mời: Cô chú đi ăn phải không? Lên xe con chở sang bên kia, khu người mình, rẻ lắm, chỗ này họ bán cho Nga, Tầu, mắc mà dở. Chỉ mất có 20.000 đồng tiền xe, đi dọc bờ biển chừng hai ba cây số, là tới khu hàng quán người Việt, bình dân, đông đảo, hải sản thật tươi, thừa mứa, ngon và rất rẻ. Ở đây, chỉ có người Việt và một số người Nhật, chứ không có người Tầu.

 

(3) Ghi chú của người góp nhặt:

‘’… Cầu sông Cạn, gần thành Diên Khánh, là nơi Trần Quý Cáp bị triều đình Huế vâng lệnh Pháp chém ngang lưng. Khi lên Diên Khánh sao bà không dừng lại chụp một tấm hình?

Hay con đường ven biển đẹp nhất Nha Trang, giờ đổi tên Trần Phú. Bà có biết trước 75 con đường ấy mang tên một ông vua trẻ yêu nước bị Pháp bắt đi đày. Bà có biết đó là vua Duy Tân và bà có thắc mắc ông có bị tội gì với đảng cộng sản không mà nay bị lấy mất tên?

Là một người yêu nước, xa quê hương trở về, sao bà không thắc mắc những điều đó, mà lại đi thắc mắc sao người Việt lại căm thù Tầu? Những người xa quê hương không nhiều thì ít, ai

cũng thắc mắc này nọ. Bà thắc mắc cũng phải thôi. Chỉ tiếc là hơi trật bản lề.

Xin trân trọng chào bà…”.

(Thụy Khuê, trở lại quê hương để làm gì?! – Khuất Đẩu)

Xa hơn nữa là thời Gia Long, các quan đại thần giúp vua dựng nước như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh… đều là học trò của Võ Trường Toản, đều là người Minh hương cả: Trịnh Hoài Đức, tác giả Gia Định Thành Thông Chí, một thứ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của miền Nam. Lê Quang Định, tác giả Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí, (4) cuốn sách địa dư đầu tiên của nước ta, viết từ năm 1802, sau này Hoàng Lê Nhất Thống Chí dựa vào rất nhiều (4). Nhờ Lê Quang Định mô tả thành Diên Khánh mà ta biết được thành Diên Khánh hình vuông, đắp đất, là sản phẩm hoàn toàn Việt Nam.

 

(4). Ghi chú của người góp nhặt:

Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí, không phải là cuốn sách địa dư đầu tiên của nước ta. Bà Thụy Khuê hãy hỏi lại…cụ Ức Trai  thì rõ ngay. Nều bà không hay cụ Ức Trai là ai thi cụ sẽ nói cụ Nguyễn Trãi cho bà biết: Dư địa chí là tập địa dư cổ nhất của nước ta. Rất tiếc vì vụ án Lệ Chi Viên, Đại Tư đồ Đinh Liệt sai hủy bản khắc in sách Dư địa chí  năm 1447.

 

Bà Thụy Khuê đơm chuyện Hoàng Lê nhất thống chí dựa vào Hoàng Việt nhất thống địa dư chí. Trong khi Hòang Lê nhất thống chí là tiểu thuyết lịch sử viết theo Tam quốc chí, do con cháu Ngô Thì Sĩ thay nhau viết nên mỗi chương mỗi khác. Vì nhà Nguyễn đốt sách nhà Tây Sơn nên sử gia Hà Nội viết về thời Tây Sơn gần như đều vay mượn từ Hòang Lê nhất thống chí, như Nguyễn Huệ tả phù hữu bật có quân sư La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp hay giáo Hiến, v…v…

Ngay như…‘’sử gia’’ Thụy Khuê, từ đầu chí cuối hòm hõm vay mượn sử nhà Nguyễn viết về Gia Long, Minh Mạng, nào khác gì Hòang Lê nhất thống chí: Gia Long văn võ tòan tài như Khổng Minh. Minh Mạng nào khác gì Bàng Thống, v…v…

(Còn Tiếp)

Bài Mới Nhất
Search