T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Pháp nạn – Ma chướng trong chế độ Cộng sản (1&2)

Chu Sơn

Chính phủ Dương Văn Minh bị bắt buộc phải đầu hàng, cũng có nghĩa là Phong trào Phật giáo Dấn thân phải đầu hàng, bởi vì họ đã cùng với các nhóm thuộc Thành phần thứ Ba khác như nhóm các chức sắc Công giáo cấp tiến (tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền, các linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần…), nhóm các nghị sĩ, dân biểu đối lập Vũ Văn Mẫu, Bùi Tường Huân, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Trần Văn Tuyên… đại diện cho đa số nhân dân Miền Nam hậu thuẫn chính phủ ấy.

Bi kịch nằm ở chỗ, những người đã từng dấn thân, chống hai chế độ độc tài gia đình trị (Ngô Đình Diệm) và quân phiệt trị (Nguyễn Văn Thiệu), chống cuộc chiến tranh của Mỹ, kêu gọi hòa bình và hòa giải, hòa hợp dân tộc, lại thay cho “Mỹ – Ngụy” cúi đầu, dong tay đầu hàng trước xe tăng và họng súng của “quân giải phóng” trưa 30.4.1975. Bởi vì nếu không làm như thế Sài Gòn sẽ đổ nát và hàng chục ngàn người của cả hai phía chết chóc, thương tật trong cuộc xung đột cuối cùng với quyết tâm được đúc kết bằng khẩu hiệu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” của đảng Cộng sản.

Bi kịch còn lớn hơn, một khi nắm được chính quyền, đảng Cộng sản tiến hành các cuộc cải tạo đối với tất cả các thành phần quần chúng (không Cộng sản) trong gần 14 triệu nhân dân miền Nam. Họ quên rằng, trong cương lĩnh của Mặt Trận Giải Phóng năm 1960, trong tuyên ngôn của Liên Minh các Dân tộc – Dân chủ  và Hòa Bình năm 1968, trong tuyên bố của chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam, kể cả trong tuyên truyền của đài phát thanh Hà Nội trước đó và sau này, họ không ngừng rêu rao khẩu hiệu Hòa Bình – Dân Chủ, Hòa Giải, Hòa Hợp Dân Tộc.

Nhân dân miền Nam, ngoài trừ một thiểu số Cộng sản, đa phần nếu không “Ngụy quân” thì “Ngụy quyền”, nếu không Tư sản thì Trí thức, nếu không Nông dân thì Thợ thủ công, Tiểu Thương, Tiểu chủ, nếu không Phật giáo thì Công giáo, Cao Đài, Hào Hảo, Tin Lành… Tất cả đều phải bị cải tạo để đất nước “Tiến nhanh, tiến mạnh lên Xã hội chủ nghĩa”.

Như thế là hàng trăm ngàn người bị bắt đi tù, hàng triệu người bị cưỡng bách lao động cải tạo – học tập tẩy não, hàng triệu người đi kinh tế mới, hàng triệu người mất nhà, mất đất, mất xưởng, mất tiệm buôn, mất công ăn việc làm, vợ chồng, con cái lê la đầu đường xó chợ, hàng mấy triệu người vượt biên… Lại chết chóc, tra tấn, tù đày, đói khổ, bệnh tật. Hết bạo động chiến tranh thì bạo động cách mạng. Thực tế là một cuộc chiến tranh khác. Đảng Cộng sản tuyên chiến với tất cả mọi tầng lớp nhân dân bằng bạo quyền toàn trị.

Cũng như chức sắc các tôn giáo khác (Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành…), các thiền sư lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN khối Ấn Quang) cùng cộng đồng tu sĩ, phật tử hiện diện trong biển khổ của nhân dân, nhận ra trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh vô vọng trước guồng máy bạo quyền.

Đối với đảng Cộng sản, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, đều mang mầm mống phản động. Sau 1975, một tờ rơi phát tán từ ủy ban Mặt trận các cấp ghi lại lời của giáo chủ K Mác: “…Tôn giáo là lương tâm của một thế giới không có lương tâm (thế giới Tư bản chủ nghĩa – C.S), là tiếng kêu bi thương trong một xã hội đầy rẫy bất công và áp bức, là thuốc phiện của nhân dân”.

Các đảng viên Cộng sản chú trọng đến mệnh đề cuối cùng của câu trích dẫn trên: “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Đã là “thuốc phiện của nhân dân” thì bài trừ là tất nhiên. Năm 1930, trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đảng Cộng sản đã nêu khẩu hiệu ba không: Không gia đình, không tổ quốc, không tôn giáo. Trong các thời kỳ vận động cách mạng và tiến hành chiến tranh về sau, một mặt Cộng sản kêu gọi lòng “yêu nước”, “đoàn kết lương giáo”, một mặt họ ngấm ngầm bài trừ tôn giáo dưới chiêu bài Tự do Tôn giáo với sách lược Tôn giáo vận.

Về mặt tổ chức: Trước năm 1975, Tôn giáo vận thuộc trách nhiệm Ban Dân vận trung ương (của đảng Cộng sản). Sau năm 1975 do tình hình phức tạp của miền Nam, Tôn giáo vận vừa trực thuộc Ban Dân vận, vừa trực thuộc Ban Bí thư trung ương đảng, đều do ủy viên bộ chính trị phụ trách.

Trước khi công cụ hóa Giáo hội Phật giáo (1981), đảng Cộng sản cử Trần Quốc Hoàn, một ủy viên bộ chính trị đã làm bộ trưởng Công an 35 năm, làm trưởng Ban Dân vận. Về mặt chính quyền, đảng Cộng sản còn tổ chức một ban (tương đương một bộ) gọi là Ban Tôn giáo chính phủ. Chức năng của nó là thay mặt đảng và chính phủ làm công tác “vận động tôn giáo”. Họ lợi dụng lòng yêu nước và sử dụng chiêu bài “yêu nước” để ràng buộc, khống chế các đối tượng tôn giáo với khẩu hiệu: “Yêu nước là yêu chủ nghĩa Xã hội”. Khẩu hiệu này ngấm ngầm nội dung răn đe đầy tính chất bạo động: “Không yêu chủ nghĩa Xã hội là không yêu nước”. Mà không yêu nước là phản động, là Việt gian bán nước, là tàn dư Phong Kiến, Mỹ – Ngụy, là phản động mới, là chuyển hóa, chuyển biến hòa bình, đáng bị tiêu diệt.

Ở đây xin mở một ngoặc đơn để làm rõ nội dung nhóm từ “phản động mới”. Phản động mới tất nhiên không phải là phản động cũ. Phản động cũ là “Phong Kiến, thực dân – đế quốc Mỹ – Ngụy và tàn dư của chúng”. Phản động mới phát sinh từ trong lòng chế độ mới, Xã hội chủ nghĩa.

Phản động mới bao gồm những người viễn mơ lý tưởng Cộng sản đã và đang thức tỉnh, hoặc những người kháng chiến không Cộng sản, hoặc những người đấu tranh vì mục tiêu Dân chủ, Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc trong xã hội Miền Nam trước 1975. Phản động mới đặt vấn đề với chế độ, chất vấn chế độ trước đường lối đối nội, đối ngoại của đảng, trước những tệ nạn xã hội: Tham ô nhũng lạm, những vi phạm nhân quyền, tự do, dân chủ…

Ở miền Bắc sau 1954, nhóm Nhân văn Giai phẩm,… là phản động mới. Ở miền Nam sau 1975, nhóm Câu lạc bộ kháng chiến của Nguyễn Hộ, Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà…, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nhóm Phật giáo đấu tranh Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu…, nhóm Công giáo cấp tiến Chân Tín – Nguyễn Ngọc Lan…, nhóm nghị sĩ dân biểu đối lập Bùi Tường Huân, Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Trần Văn Tuyên, Kiều Mộng Thu,… là phản động mới.

Đối với Phật giáo, đảng Cộng sản có cái nhìn đặc biệt. Ngoài nhóm Thích Tâm Châu chống Cộng công khai, ủng hộ cuộc chiến tranh của Mỹ, ủng hộ chế độ Nguyễn Văn Thiệu đã chạy ra nước ngoài; ngoài nhóm “Phật giáo yêu nước” do đảng khai sinh để làm công cụ, đa phần các nhóm Phật giáo còn lại, đặc biệt Giáo hội Phật giáo Ấn Quang (còn gọị là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – GHPGVNTN) là một thế lực đáng gờm.

Họ nổi tiếng thế giới qua các cuộc đấu tranh trong các đô thị miền Nam từ năm 1963 đến năm 1975, họ có uy tín trong đa số phật tử và quần chúng, họ có khả năng vận động quần chúng đấu tranh vì các mục tiêu Dân chủ, Nhân quyền và lành mạnh hóa xã hội, họ “cực kỳ nguy hiểm” trong chế độ mới, đặc biệt các nhân vật âm thầm, dị ứng với ý thức hệ Cộng sản như Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát, Thích Nữ Trí Hải… Đặc biệt hơn nữa là Thích Trí Quang, theo nhận định của một số lãnh tụ đảng như Trần Bạch Đằng, là “CIA chiến lược”.

Do vậy, từ sau khi bắt buộc chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng, kết thúc chiến tranh, thiết lập chế độ quân quản, tiến hành các cuộc cải tạo, áp đặt chế độ toàn trị trên cả hai miền đất nước, đảng Cộng sản đã sử dụng bộ máy công an, bộ máy hành chánh, bộ máy dân vận mặt trận, nhằm trấn áp tiêu diệt các “mầm mống phản động mới”, vô hiệu hóa giáo hội Ấn Quang và giáo hội các tôn giáo khác, giải tán các tổ chức quần chúng phật tử, quốc hữu hóa các cơ sở giáo dục xã hội của các giáo hội ấy, hình thành một giáo hội Phật giáo mới làm công cụ cho đảng hoạt động trong khuôn khổ Mặt trận Tổ Quốc, dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng Cộng sản.

Công an, cán bộ Dân vận Mặt trận và Ban tôn giáo chính phủ không khó để lên danh sách, phân loại mức độ “phản động” trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang để tìm ra biện pháp thích đáng cho từng đối tượng. Bởi từ trong các thời kỳ đấu tranh trước (trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa) cũng như hiện tại (trong chế độ Cộng sản) họ công khai lập trường Tự do, Dân chủ, Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc.

Trong thời chiến, Cộng sản cổ vũ các cuộc đấu tranh của Phật giáo vì các mục tiêu ấy cốt để làm rối loạn xã hội và hàng ngũ đối phương, làm tuyên truyền thế giới và kích thích tinh thần chiến đấu “Giải phóng Miền Nam” của bộ đội cụ Hồ. Nhưng nay chiến tranh đã chấm dứt, đảng Cộng sản không muốn có bất cứ một trở ngại nào trong công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tự do, Dân chủ, Nhân quyền – theo nhận thức của Cộng sản là những sản phẩm của chế độ Tư bản phản động, là tàn dư của Mỹ – Ngụy cần loại trừ.

Những lãnh tụ của Phật giáo Ấn Quang không bị bắt đi cải tạo trong các trại tập trung như “Ngụy quân – Ngụy quyền”, nhưng họ cần bị kiểm soát chặt chẽ, cần bị tướt đọat hết mọi phương tiện, cần cách ly các cộng sự và quần chúng. Trong trường hợp này, cá nhân nào ngoan cố sẽ bị trừng trị thích đáng bởi đòn phép công an: Chỉ định cư trú, nhà tù và cả cái chết.

Đòn phép đầu tiên chế độ Cộng sản dành cho các chức sắc tôn giáo nói chung, các lãnh tụ Ấn Quang và các chùa Phật giáo khắp miền Nam nói riêng (ngoại trừ các chùa thuộc Phật giáo quốc doanh), là chế độ quản lý hộ khẩu, tổ dân phố, đồn công an và bọn chỉ điểm được cài đặt khắp nơi.

Công an toàn quyền quyết định ai có tên trong hộ khẩu, ai không, theo hai tiêu chí: An ninh và thời gian cư trú. Vì hai tiêu chí này mà hàng chục ngàn tu sĩ bị đuổi khỏi các chùa họ đang tu hành, hàng trăm chùa thuộc Phật giáo Ấn Quang bị quốc doanh hóa, hay đóng cửa.

Trong chiến tranh, cửa chùa rộng mở cho những thanh niên trốn quân dịch, những binh lính đào ngũ, những tu sĩ và phật tử đấu tranh trốn thoát khỏi các cuộc truy lùng của bạo lực Việt Nam Cộng Hòa, kể cả những “anh em Cộng sản” giả dạng nạn nhân chiến tranh vào chùa đội lốt thầy tu.

Chùa lớn là một đơn vị dân cư đặc biệt do một tổ công an đặc nhiệm đảm trách. Chùa nhỏ do một công an đảm trách hay nằm trong tổ dân phố. Công an chìm và bọn chỉ điểm được cài sẵn trong chùa hay trong các hộ dân cư liên cận. Công an chìm, chỉ điểm viên, công an đặc nhiệm, công an khu vực, công an phường, công an quận huyện, công an tỉnh, thành phố và cả công an bộ là một hệ thống chuyên chính kiểm soát, giám sát chặt chẽ nhân – hộ khẩu trong các hộ dân cư, đặc biệt các chùa, nhà thờ, thánh thất, tu viện… là “nơi mai phục, tụ họp bởi bọn phản động cũ, phản động mới”.

Bất kể ngày đêm, công an và tổ dân phố toàn quyền khám xét để truy lùng “người cư trú bất hợp pháp” (người không có tên trong hộ khẩu) tại bất cứ hộ dân cư nào. Những nhân – hộ khẩu hợp pháp muốn đi đâu, bao lâu, làm gì phải khai báo, nếu không, tức thì mất hộ khẩu. (Mà mất hộ khẩu là “hậu khổ”). Công an vào tận giường các nữ tu để kiểm tra hộ khẩu lúc một, hai giờ sáng là chuyện diễn ra bình thường trong những năm đầu “giải phóng”.

Mục tiêu công tác tôn giáo vận của đảng Cộng sản sau chiến tranh là hạn chế đến tối thiểu các hoạt động tôn giáo ở Miền Nam, đồng thời vô hiệu hóa các giáo hội truyền thống và hình thành các giáo hội quốc doanh làm công cụ tuyên truyền cho cuộc cách mạng long trời lở đất được dẫn dắt bởi triết học Mác – Lê, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Thành tựu 20 năm tôn giáo vận ở Miền Bắc sẽ là mẫu mực noi theo và cũng là bài học cho các cán bộ đảng viên chuyên trách tôn giáo vận ở Miền Nam.

Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ tôn giáo vận thuộc ban dân vận thành ủy Cộng sản Hồ Chí Minh, mô tả tình cảnh tôn giáo trên Miền Bắc trong một chuyến tham quan trước năm 1980 như sau:

Hầu hết các chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt, một báo các cụ, hai báo các cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc. Phật tử gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực, hằn sâu trong mắt họ những nét u uất thâm nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy lớn, chứ không phải thành công của tôn giáo vận”. (Đỗ Trung Hiếu, hồi ký “Thống Nhất Phật Giáo”, Uyên Nguyên tháng 11.2018).

Đỗ Trung Hiếu, dù là đảng viên cộng sản, nhưng gốc gác Phật giáo, sâu nặng tâm thức nhân bản, nên mô tả và nhận định thực tế tình cảnh tôn giáo Miền Bắc như thế là chính xác. Nhưng người Cộng sản chính danh chắc chắn có cái nhìn ngược lại. Nếu không, họ đã không mưu đồ thực hiện các thủ đoạn và biện pháp quản lý tôn giáo (các giáo hội và giáo dân) gian ác, khắc nghiệt như cảm nhận từ kinh nghiệm đau thương của những nạn nhân trong cuộc. Trên đại thể, đảng Cộng sản đã đem kinh nghiệm mà họ cho là thành công trên Miền Bắc áp đặt tại Miền Nam trong công tác tôn giáo vận, nói riêng và quản lý con người, nói chung.

Để đạt mục tiêu ấy, chỉ riêng đối với Phật giáo Ấn Quang, ngoài các thủ đoạn và biện pháp chia rẽ kềm kẹp con người, phân liệt và vô hiệu hóa giáo hội, đảng Cộng sản còn tước đoạt và giới hạn đến tối thiểu các điều kiện sinh hoạt của các cấp giáo hội như đổi tiền, cải tạo kinh tế đối với các tầng lớp phật tử. Một khi các tầng lớp phật tử khánh kiệt thì lấy ai đóng góp để nuôi sống giáo hội, lấy phương tiện đâu để giáo hội tiến hành các hoạt động Phật sự? Bần cùng, vô sản hóa nhân dân là phương cách tiêu diệt tôn giáo hữu hiệu nhất.

Phật giáo Ấn Quang đến năm 1976 đã lâm vào tình cảnh khốn cùng. Chùa thành phố, chùa nông thôn đều thiếu đói trầm trọng. Đất ruộng chùa nông thôn phải giao nộp cho hợp tác xã. Chùa thành phố, sau hai lần đổi tiền, không có tiền mua gạo sắn khoai, rau muối, hương đèn, áo quần giày dép! Đây không phải tình cảnh tôn giáo trên Miền Bắc trước 1975 sao?

Để đạt mục tiêu ấy, đối với Phật giáo Ấn Quang, đảng Cộng sản còn:

– Giải tán Trung tâm Thích Quảng Đức, Tổng vụ Thanh Niên, các đoàn Sinh viên phật tử, Thanh thiếu niên phật tử, Hướng đạo phật tử ở thành phố, tỉnh lị, và các Gia đình phật tử, các Khuôn hội, Niệm Phật đường ở nông thôn.

– Giải tán và tước đoạt tài sản cô nhi viện Quách Thị Trang tại Sài Gòn và hàng chục cô nhi viện và cơ sở xã hội ở các tỉnh.

– Giải tán, tước đoạt tài sản viện đại học Vạn Hạnh và 163 trường trung tiểu học Bồ Đề trên khắp các tỉnh thành Miền Nam. Thư viện đại học Vạn Hạnh rất lớn chứa hàng chục ngàn đầu sách, bao gồm các thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Đức, Hán, Pa li, Sancrit, và hàng trăm tủ sách tại các trường Bồ Đề đều bị đốt thành tro bụi. Hàng ngàn thầy cô giáo mất việc vì không đáp ứng yêu cầu chính trị để được đảng “lưu dung” (lưu lại mà dung tha, lưu lại mà sử dụng).

– Thư viện và kho tài liệu đồ sộ tại chùa Ấn Quang bị tịch thu và đốt thành tro buị.

– Giải tán, tước đoạt tài sản nhà xuất bản Lá Bối, tạp chí Tư Tưởng, tạp chí Liên Hoa…, đốt hàng chục ngàn đầu sách và tạp chí triết, văn, sử “đồi trụy, phản động”.

– Giải tán Phật học viện Nha trang và các cơ sở đào tạo tăng ni cao đẳng, trung cấp ở nhiều tỉnh thành khác. Thư viện của Phật học viện cũng bị đốt.

Điều vô cùng bạo ngược chưa có chế độ nào làm trước năm 1975 là can thiệp vào nội dung, chương trình truyền giảng Phật pháp và cách thức tổ chức các cuộc lễ tại các chùa. Theo đó, trụ trì các chùa tùy theo tầm vóc mà được mời tới Ủy ban Mặt trận từ xã phường, quận huyện, đến tỉnh thành để “được đề nghị” kết hợp Phật pháp với các bài giảng chính trị về “sự nghiệp cách mạng của Bác, Đảng quang vinh”, về “chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng vô địch muôn năm”, về các cuộc chiến tranh thần thánh, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng bọn “tay sai Ngụy quân – Ngụy quyền”. Đây là giọt nước tràn ly, là giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng.

Biết đấu tranh trong chế độ Cộng sản là lấy trứng chọi đá, là hành động tuyệt vọng, nhưng rồi vẫn cứ đấu tranh. Những cuộc đấu tranh tuyệt vọng này của các thành viên Phật giáo Ấn Quang tạm chia thành hai thời đoạn: Trước và sau năm 1981 – thời điểm Phật giáo Ấn Quang bị đè bẹp, và Phật giáo Quốc doanh – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được đảng Cộng sản khai sinh.

Giáo hội Phật giáo Ấn Quang từ sau tháng 5.1975 gần như bị tê liệt hoàn toàn. Các lãnh tụ lừng danh một thời như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ… vẫn còn đó, nhưng không phát động được phong trào đấu tranh mà họ nung nấu vì những lý do như đã trình bày trên. Từ tháng 5.1975 đến tháng 11.1981(thời điểm thành lập giáo hội quốc doanh), theo ghi nhận chưa đầy đủ, tại miền Nam (từ Quảng Trị-Huế đến Cà Mau) đã xảy ra các sự cố sau đây:

HT Thích Quảng Độ, cùng các vị tăng ni, hòa thượng khác, bị CSVN bắt và đưa ra tòa tại TAND thành Hồ hồi tháng 8/1995. Nguồn: LHĐ

Bi kịch -Thảm cảnh chùa Dược Sư

Chùa Dược Sư tọa lạc tại một địa điểm phía nam cách Cần Thơ khoảng 30 km. Chùa được xây dựng vào thời điểm hưng phấn nhất của Phật giáo Việt Nam: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lần đầu tiên được thành lập sau hơn 30 năm vận động. Nhiều chùa như thế được xây dựng trên khắp Miền Nam sau thời điểm đó. Trước khi có chùa, phật tử địa phương sinh hoạt Phật sự tại tư gia, Khuôn hội, hay Niệm Phật đường. Sau khi được biết GHPGVNTN thành lập, phật tử và Giáo hội nhiều địa phương do nhu cầu tín ngưỡng quyết định làm chùa và đề nghị Giáo hội trung ương cử tăng sĩ về làng. Đại đức Thích Huệ Hiền đến trụ trì chùa Dược Sư trong dịp này.

Đại đức Thích Huệ Hiền được đào tạo tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang, đã kinh qua tù tội vì tham gia đấu tranh cho Tự do và Bình đẳng tôn giáo thời đệ nhất Cộng Hòa. Chẳng bao lâu chùa Dược Sư trở thành trung tâm tu hành, truyền bá Phật pháp thu hút sự chú ý và tin theo của phật tử và nhân dân địa phương về con đường Đạo pháp và Dân tộc trước hiểm họa chiến tranh, chia rẽ Dân tộc, về cuộc đấu tranh vì các mục tiêu: Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc theo chủ trương của GHPGVNTN.

Tháng 5.1975, liền sau khi chiến tranh chấm dứt, chùa Dược Sư tổ chức lễ cầu siêu cho tử sĩ của hai bên Quốc gia và Cộng sản với sự tham dự của đồng bào phật tử và nhân dân địa phương. Lúc này chính quyền “Cách mạng” tạị địa phương vẫn còn sơ khai do người Mặt trận đảm trách, chưa bị Bắc hóa, nên lễ cầu siêu đã diễn ra suôn sẻ.

Nhưng càng về sau tình trạng Bắc hóa ngày một thêm phát triển, chùa bị đặt trong sự kiểm soát của công an ngày càng gắt gao: Bị đấu tố phản động vì đã tổ chức lễ cầu siêu, bị kiểm tra an ninh, bị kiểm tra nhân hộ khẩu, bị bắt giao nộp tự điền và tham gia lao động cùng hợp tác xã, bị cấm treo cờ trong các cuộc lễ, bị buộc phải “ăn nói giống như mọi người” trong mọi sinh hoạt Phật sự (phải chửi bới Mỹ-Ngụy, phải ca ngợi công lao kháng chiến của “bác Hồ” và đảng Cộng sản, phải bày tỏ sự tuyệt đối tin tưởng và trung thành với cách mạng Xã hội chủ nghĩa…), bị sỉ nhục là mê tín dị đoan, lười biếng lao động, bị cảnh cáo thường xuyên về “âm mưu tụ tập phản động chống phá cách mạng”, bị bắt đi lính tất cả những tăng sĩ đang độ tuổi thanh niên.

Tóm lại, tình trạng chung ngoài xã hội và riêng trong chùa ngày một bế tắt, tuyệt vọng: bị thiếu đói, bị tẩy não, bị xúc phạm nhân quyền, bị cấm đoán và can thiệp nghiêm trọng các quyền tự do, đặc biệt tự do tôn giáo; nhà sư trụ trì Thích Huệ Hiền và 11 tăng, ni chùa Dược Sư quyết định cùng nhau tự thiêu vào ngày 2.11.1976.

Trong cuộc đấu tranh đòi Tự do và Bình đẳng tôn giáo năm 1963, bắt đầu từ hòa thượng Thích Quảng Đức, ở Miền Nam đã diễn ra 8 cuộc tự thiêu. Hầu hết đều tự thiêu cá thể. Lúc bấy giờ báo chí thế giới tập trung ở Sài Gòn khá đông. Ngay từ cuộc tự thiêu đầu tiên của hòa thượng Thích Quảng Đức, các phương tiện truyền thông không phân biệt Cộng sản hay Tư bản đều đưa tin. Người dân Mỹ và thế giới bày tỏ sự xúc động, phẫn nộ, phản đối nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Thế giới Cộng sản càng tố cáo quyết liệt hơn và cổ vũ mạnh mẽ các cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ.

Từ sau biến cố tháng 5.1975, chính quyền Cộng sản trục xuất hết “các phóng viên ngoại quốc không đáng tin cậy”, thiết lập guồng máy toàn trị, thực thi chế độ quân quản, ngăn sông cấm chợ, nên vụ tự thiêu tập thể của 12 Tăng, Ni chùa Dược Sư hoàn toàn bị bưng bít: công an giấu xác, thu dọn tang chứng, chiếm cứ chùa, đe dọa, phong tỏa người dân quanh vùng (nội bất xuất-ngoại bất nhập). Mãi đến một tuần sau, thư tuyệt mệnh của Ngài Trụ Trì Thích Huệ Hiền và Chư Vị Tăng Ni Bất Khuất chùa Dược Sư mới đến được chùa Ấn Quang, nơi mà vòng vây và sự kèm kẹp, phong tỏa của công an chặt chẽ hơn bao giờ hết. Bức thư thông báo mục đích và tên tuổi 12 người tự thiêu.

Về mục đích, nhà sư Thích Huệ Hiền “báo cáo tình trạng tuyệt vọng do Nhân quyền và quyền Tự do tôn giáo bị chà đạp, bị vi phạm nghiêm trọng hơn rất nhiều trong chế độ cũ”. Bằng mọi biện pháp, chính quyền Cộng sản muốn tránh một cuộc nổi dậy từ phía Phật giáo Ấn Quang. Về phía Phật giáo Ấn Quang, các vị lãnh đạo và phật tử còn lại (đa phần đã bị đuổi khỏi chùa vì các biện pháp an ninh và hộ khẩu của công an) vô cùng bức xúc, nhưng không còn khả năng sức lực để thực hiện bất cứ một toan tính âm thầm nào: tự thiêu cá thể, tự thiêu tập thể, biểu tình, tuyệt thực…

Không có kế hoạch nào thực hiện được tại các chùa thuộc Phật giáo Ấn Quang cả vì công an chìm, mật vụ đội lốt sư tăng phật tử đầy chùa, công an đặc nhiệm, công an phường, công an quận, công an thành, công an bộ và cả những cán bộ Tôn giáo vận, Mặt trận vào ra tấp nập, với không biết bao nhiêu mánh lới, thủ đoạn tuyên truyền, chia rẽ, hứa hẹn, hù dọa…

Chưa bao giờ Giáo hội Phật giáo Ấn Quang lúng túng, đau khổ và giằng xé như lúc này. Trong chế độ cũ, Phật giáo chủ trương, phát động các cuộc đấu tranh vì Tự do, Bình đẳng tôn giáo, Dân chủ, Hòa bình, Hòa giải – Hòa hợp Dân tộc. Tăng, ni, phật tử và nhân dân hưởng ứng và đã hy sinh rất nhiều. Nay đã có Hòa bình, nhưng các mục tiêu khác thì không có gì cả! Tự do, Dân chủ? Không! Hòa giải – Hòa hợp Dân tôc? Không! Cơm no áo ấm? Không! Hóa ra “Giáo hội Phật giáo đã làm tay sai cho chế độ Cộng sản: Đưa phật tử và nhân dân vào tròng?” Dĩ nhiên sự thật không phải như thế, nhưng kết quả thì hoàn toàn như thế!

Làm gì và làm như thế nào trước tình cảnh khốn cùng này? Sám hối và cầu nguyện? Câu hỏi này giáo hội Ấn Quang đặt ra hàng triệu lần từ khi đảng Cộng sản thiết lập chế độ cai trị khắc nghiệt trên đất nước và dân tộc.

Trần Phương, trong bài “Miền Nam sau 30/4/1975: Khi các nhà sư vỡ mộng“, viết theo nhật báo Chicago Tribune rằng “ba tuần sau thảm họa chùa Dược Sư, Hòa thượng Thích Trí Thủ…, đã gửi thư đến Chính phủ Lâm thời miền Nam để khiếu nại. Hòa thượng Trí Thủ nói rằng cán bộ cách mạng đã tịch thu chùa Dược Sư và cả thi thể các tăng ni. Bức thư được gửi cùng thư tuyệt mệnh của trụ trì Huệ Hiền, trong đó ghi lại tên tuổi 11 tăng ni và lý do tự thiêu là để yêu cầu chính phủ cách mạng “tôn trọng triệt để tự do tín ngưỡng của các tôn giáo”… “Qua vụ việc trên, chúng tôi hy vọng chính phủ cách mạng sẽ lưu tâm đến những gì đang diễn ra ở cấp cơ sở. Chúng tôi không muốn tin rằng vụ việc đáng tiếc trên cũng như nhiều vụ việc liên quan đến tự do tôn giáo khác phản ánh chính sách của Mặt trận Giải phóng Dân tộc và Chính phủ Cách mạng Lâm thời”. “…đáng lẽ chúng tôi nên đến gặp ông để trình bày chi tiết và kín đáo hơn. Tuy nhiên, một cuộc họp như vậy có vẻ là bất khả thi, kể từ khi thống nhất chúng tôi đã xin gặp chính phủ ba lần để nói về quan điểm của giáo hội đối với vấn đề tôn giáo nhưng liên tiếp bị từ chối”. “Tương tự như yêu cầu xin gặp chính phủ cách mạng, bức thư của Hòa thương Thích Trí Thủ không được hồi đáp”.

Trần Phương viết tiếp: “… Tháng 9/1976, Tổ chức Nhân quyền và Ân xá Quốc tế đã gửi thư đến Bộ Nội vụ Việt Nam để yêu cầu cung cấp thông tin (về vụ tự thiêu ở chùa Dược Sư, C.S). Khoảng sáu tháng sau, Bộ Nội vụ đã hồi đáp bức thư đó bằng một giải thích rất bất ngờ. Chính phủ cho rằng theo lời khai của các nhân chứng thì ông Phạm Văn Có (tên khai sinh của Đại đức Huệ Hiền) đã giết hai ni cô lần lược vào năm 1972 và năm 1974 sau khi ông ta làm hai người này mang thai,..”. “…Sau ngày giải phóng, ông Có vẫn tiếp tục nhiều hành động vô đạo đức” .“…vì sợ việc làm của mình bị lộ ra ngoài, ông Có đã quyết định tự sát, trước khi đốt chùa và tự thiêu mình, ông đã giết chết 11 người khác trong chùa, trong đó có hai thiếu niên”.

Không thể ém nhẹm, bưng bít lâu dài, trước những phản ứng quốc tế và trước những bất mãn âm thầm nhưng quyết liệt của một số chức sắc Phật giáo Ấn Quang, chính quyền Cộng sản đã “tổ chức một cuộc điều tra” với sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Biên bản điều tra kết luận rằng: “Đại đức Huệ Hiền đã tự sát cùng 11 người khác vì các lý do sau: Sợ bị cách mạng trừng trị vì đã làm chỉ điểm cho Mỹ-Ngụy, không còn lương thực để sống vì trước đó được Mỹ-Ngụy chu cấp và sợ chuyện dâm ô với các ni cô bị bại lộ”…. “Hòa thượng Thích Quảng Độ, lúc đó là Tổng thư ký Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN, sau này trở thành Tăng thống thứ năm của giáo hội, nói rằng ông và các vị hòa thượng Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang không chấp nhận lời giải thích của chính quyền”.

Không chỉ có ba vị hòa thượng Thiện Minh, Huyền Quang, Quảng Độ “không chấp nhận lời giải thích của chính quyền”, mà hầu hết chức sắc giáo hội Phật giáo Ấn Quang và phật tử đều khẳng định rằng lời giải thích đó là vu khống trắng trợn, là nhục mạ đối với tăng ni chùa Dược Sư và với cả GHPGVNTN. Tuy nhiên, tùy theo mức độ dị ứng Cộng sản nặng nhẹ khác nhau mà các vị lãnh đạo Ấn Quang thể hiện thái độ bất mãn mức độ khác nhau đối với chế độ.

Một số vị ôn hòa và mềm dẻo như các hoà thượng Thích Trí Thủ, Thích Minh Châu…, còn một chút hy vọng vào “công lao quá khứ” sẽ được đảng Cộng sản thừa nhận vai trò nòng cốt của một giáo hội mới trong một nước Việt Nam thống nhất sẽ đươc bầu cử sắp tới.

Một số khác đông hơn như các hòa thượng Thiện Minh, Huyền Quang, Quảng Độ, và các tăng ni trẻ như Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu, Thích Nữ Trí Hải… thì bày tỏ thái độ bất hợp tác quyết liệt. Thậm chí có vị (như Thiện Minh) thì “thà chết chứ không chịu sống mà không có Tự Do”. Rất nhiều tăng sĩ, trí thức vượt biên. Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở nước ngoài tố cáo với dư luận thế giới: Cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Đồng thời, thiền sư Nhất Hạnh cổ vũ cho một phát động phong trào Phật giáo đấu tranh trong nước.

Phật giáo Ấn Quang bị đàn áp

Sau thời gian dài chịu đựng các cuộc cải tạo, thảm kịch chùa Dược Sư xảy ra đã xoáy vào tâm thức Phật giáo Ấn Quang những mũi khoan đau nhức không cứu chữa được.

Ngày 6 tháng 4 năm 1977, khoảng vài trăm tăng, ni, phật tử tập họp tại chùa Ấn Quang để thảo luận về “một thái độ ứng xử, một kế hoạch đối phó với chế độ”. Cuộc hội thảo đang tiến hành thì công an ập vào bố ráp. Đàn áp thô bạo đã diễn ra. Vài chục sư tăng và trí thức Phật tử, đứng đầu là các thượng tọa Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ, Thanh Thế, Thuyền Ấn, Thông Huệ…, bị bắt.

Từ đó chùa Ấn Quang bị phong tỏa ngày đêm, phật tử chỉ được đến chùa một tháng 2 lần, đầu hoặc giữa tháng, để cầu nguyện trước bàn thờ Phật. Không còn có những buổi giảng dạy Phật pháp như thông lệ trước đó. Các chùa khác thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên khắp miền Nam đều lâm vào tình trạng tương tự. Phong tỏa, kèm kẹp, kiểm tra nhân hộ khẩu, bắt tăng sĩ trẻ vào lính, bắt bất cứ ai tình nghi chính trị vào tù. Hành hạ, tra tấn, giết chóc tàn bạo hơn rất nhiều trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều chùa bị đập phá, đóng cửa. Thêm nhiều vụ tự thiêu cá thể.

Theo Trần Phương trong bài đã dẫn: “Trong hai năm 1977-1978, ở miền Nam có thêm 18 tăng ni khác tự thiêu”. Thêm nhiều vụ vượt biên. (Cũng theo Trần Phương, “Khoảng sáu tháng sau cuộc bố ráp vào chùa Ấn Quang. Hòa thượng Thích Mãn Giác, Ủy viên trung ương trong GHPGVNTN, đã vượt biên đến Paris (Pháp) để tố cáo các cuộc đàn áp đạo Phật đang diễn ra rất trầm trọng tại miền Nam)”.

Chu Sơn

(Còn tiếp)

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search