T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 20)

clip_image001

Nguồn gốc tiếng Việt

Về nguồn gốc tiếng Việt, có thuyết cho rằng từ ngàn xưa khi còn là rợ Lạc Việt, tổ tiên ta có một thổ âm giống tiếng Thái.

Khi di cư đến châu thổ sông Hồng Hà và miền Bắc Trung Việt ngày nay, thổ âm đó biến thái khi tổ tiên ta tiếp xúc với những sắc dân khác. Tiếng Việt trở thành một thứ tiếng phức tạp do tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Mường hỗn hợp với nhau.

Từ khi nước ta bị lệ thuộc vào người Hán, ngôn ngữ lại mượn từ chữ Hán. Nhà ngôn ngữ học gọi là tiếng Hán Việt.

Những tiếng Tầu và chữ Hán khi được dùng vào Việt ngữ thì theo nguyên tắc nhất định của ngôn ngữ mà biến đổi thành âm luật và ngữ pháp của Việt ngữ.

(Đào Duy Anh – Việt Nam văn hóa sử cương)

Chữ nghĩa làng văn

Cái mặt nó vác lên, trông nó đú đởn, ăn cơm hớt ấy, cho chó ăn. Thường sự mỉa mai nhắm vào tính nết, về phái tính. Tỉ dụ diếc móc người ta như :

Nghèo rớt mồng tơi, nghèo lõ đít, thí cho nó tý tiền, cứ gọi là đói vàng mặt, đói rã họng.

Trong lối nói này, người ta tỏ ra một sự khôn ngoan già dặn, một sự từng trải, sự hiểu đời, cái hơn người. Chẳng hạn :

Các người đừng có vội tí ta tí toét, cứ ỉm đi, cứ im thin thít, có dỗi hơi, kêu giời kêu đất, đừng có bắt bí nhau, liệu cái thần hồn, bà truyền đời cho mà biết, cứ tẩn cho nó một trận đến lòi tù và ra, vả vào miệng cho tôi, cái giống nhà mày, không có tao thì cả họ mày ăn bùn, nó bôi tro trát trấu vào mặt, mấy đứa kia thì đáng vật một nhát cho chết, nó lo xanh mắt, hóa ra hắn nằm vạ, giận cá chém thớt, bà truyền đời báo danh cho mày biết, tôi biết tỏng tòng tong…

Tục ngữ Tầu

Độc bất tận đích thư, tẩu bất tận đích lộ

(Đọc làm sao hết sách, chạy làm sao hết đường)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Nhân văn Giai phẩm

Phan Khôi, bút hiệu Trương Dân, cùng thời với Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh. Phan Khôi sinh năm 1887, tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mất năm 1959. Ông là cháu ngoại Hoàng Diệụ .Năm 1907, Phan Khôi ra Hà Nội tham gia phong trào Đông Kinh Nghiã Thục và viết cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo, hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với Huỳnh Thúc Kháng.

Trong nưả thế kỷ từ Bắc chí Nam, ngọn bút sắc bén cuả Phan Khôi tung hoành trên các báo Nam Phong, rồi Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Pháp Thời báo, Thần Chung, Phụ Nữ Tân văn, Trung Lập, Thực Nghiệp Dân báo, Hữu Thanh, Phụ Nữ Thời Đàm, Tràng An, Sông Hương. Tác phẩm đầu tiên cuả Phan Khôi là tập Nam Âm thi thoại, năm 1920 ở Hà Nộị Đến năm 1936, tái bản tại Huế và đổi tên là Trương Dân thi thoại.

Bài thơ Tình già cuả Phan Khôi đăng lần đầu tiên trên báo Phụ Nữ Tân Văn tháng 3 năm 1932 được coi như bài thơ mở đường cho phong trào thơ mới. Trong thời kỳ Nhân văn Giai phẩm, ông đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Nhân văn để bao che cho các cây bút trẻ. Trong bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” trong Giai phẩm muà Thu tập 1 với tác phong ngự sử văn đàn, ông chỉ trích Trường Chinh ăn nói bưà bãi, chất vấn gắt gao Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi. Những người chủ chốt trong việc kết tội Trần Dần.

(Thụy Khuê – Hồ sơ Nhân văn Giai phẩm)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Yêu em mấy núi cũng trèo

Đến khi có chửa, mấy đèo anh cũng giông

Truyện cực ngắn – Lẫn

Hai người bạn ở sát vách chung cư đêm đêm vẫn thường lôi nhau đi uống rượu để thở than với nhau về hai bà vợ. Đêm kia quá chén, họ bốc nhầm chìa khoá chung cư của nhau… Rồi kể từ đêm ấy trở đi, họ chẳng bao giờ còn (/muốn) gặp lại nhau nữa.

Tương lai từ vựng tiếng Việt

Phạm Quỳnh chia từ tiếng Việt thành hai loại: loại cụ tượng và loại trừu tượng.(1)
Loại từ thứ nhất có nội dung liên quan đến “thế giới hữu hình do giác quan có thể cảm được”. Loại từ thứ hai có nội dung liên quan đến “những nghĩa lý thuộc về tâm trí phải suy xét”. Chia xong, ông Phạm bảo tiếng ta giàu từ cụ tượng mà nghèo từ trừu tượng.

Từ trừu tượng xuất phát từ hoạt động của tâm hồn chẳng hạn: áy náy, băn khoăn, bần thần, bâng khuâng, bẽ bàng, bịn rịn, bồi hồi, bồn chồn, bủn rủn, bứt rứt, canh cánh, chống chếnh, dằn vặt, đau đáu, e ấp, hằn học, hụt hẫng, hững hờ, khao khát, lâng lâng, mê mẩn, ngại ngùng, ngẩn ngơ, ngỡ ngàng, phơi phới, rạo rực, se sắt, thẫn thờ, thổn thức, xao xuyến, xốn xang.

Ðây người Việt gần như không vay mượn của ai cả, vì cái tâm hồn đặc biệt đa cảm của ta nó làm tiếng Việt đã sẵn giàu có những từ ấy lắm rồi.
Vậy có hai nhóm từ trừu tượng. Nhóm “Phạm Quỳnh” gồm những từ chỉ khái niệm. Nhóm nữa gồm những từ chỉ cảm xúc hay tâm trạng. Tiếng Việt quả rất nghèo từ trừu tượng khái niệm. Nhưng nó có lẽ giàu từ trừu tượng cảm xúc hơn bất cứ thứ ngôn ngữ nào trên thế giới…

(1) Cũng như tất cả các thứ tiếng nói khác, tiếng Việt gồm những từ có nội dung và những từ không có nội dung. Từ có nội dung là từ chỉ một cái gì đó. Từ không có nội dung là từ giúp ta đặt câu, chẳng hạn, và, với, vậy, thì, là, rằng, mặc dầu, cho nên.

(Thu Tứ – Gocnhin.net)

Chữ nghĩa trong nước

Lao tư – Lao động và tư bản.

Lao tư huề chủ – Người làm công và chủ.

(Lê Thiện Phúc – Bút chiến ở miệt dưới)

Tiếng Việt cổ

Với cây cảnh, tiếng Việt cổ gọi là bông, là trái. Nhưng vì ảnh hưởng từ “hoa quả” của tiếng Hán nên người Bắc gọi là hoa, là quả. Thành ngữ cổ có câu: “Tháng Tám nắng rám trái bưởi”

Di dân vào miền Nam, người Nam vẫn giữ tiếng Việt cổ bông, trái.

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Tiếng Huế

Người Huế mà không được nói tiếng Huế. Đó là lệnh cấm đối với các thiếu nữ được tuyển vào làm cung phi trong Nội, dưới triều Nguyễn. Họ không được nói rặt giọng Huế mà phải nói y như giọng dân Phường Đúc.

Phường Đúc là khu quần cư, tập trung các người thợ đúc đồng tài giỏi do triều đình tuyển từ Bắc vào hoặc trong Nam ra. Họ là tác giả của chuông chùa Linh Mụ, Cửu Vị Thần Công Và Cửu Đỉnh ở Huế. Những sản phẩm của họ dãi nắng, dầm mưa, trải bao tuế nguyệt đến nay vẫn chẳng chút nứt rạn hay có tì vết gì. Họ mang theo gia đình ra làm ăn sinh sống lâu ngày ở Huế nên hòa đồng ngôn ngữ với dân địa phương. Dân Phường Đúc không nói rặt một giọng nào mà pha trộn nửa nọ, nửa kia. Các cung phi trong Nội phải bắt chước giọng Phường Đúc, nghĩa là vừa nói nửa Trung, nửa Nam ai không tuân thì bị tội.

Tại sao lại có hiện tượng này? Kể cũng khó hiểu. Và lệnh này có từ đời nào? Có người đưa ra giả thuyết: có lẽ chuyện này xuất phát từ thời bà Từ Dũ vốn là một phụ nữ Nam Bộ, con gái của Đại Thần Phạm Đăng Hưng, người Gia Định. Bà được phong Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu, lấy vua Thiệu Trị, đứng đầu bộ phận "hậu cần" của Hoàng Đế, có nhiều quyền uy đối với các cung phi khắp ba cung, sáu viện. Có lẽ bà muốn những người dưới tay mình phải dùng giọng nói pha âm sắc Nam Bộ để trao đổi cho dễ hiểu chăng, bởi vì người Tân Hòa – Gia Định nghe giọng Huế "đặc sệt" có thể không hiểu mô tê chi cả.

Cũng có thể lệ này xuất hiện từ thời Minh Mạng vì ông này nổi tiếng là ông vua có nhiều vợ và phần lớn là người miền Nam. Về giọng nói Phường Đúc thì cho đến nay, thời gian qua quá lâu, trải nhiều thế hệ, giọng nửa Nam nửa Trung đã trở thành Huế rặt.

(Tô Kiều Ngân – Chuyện Huế ít ai biết)

Tiếng Bắc

Ở một làng miền Bắc có ông thành hoành tên là “Tôm”. Vì kiêng cử, dân làng gọi con tôm là “con tép”.

Có thể vì vậy sau này con tôm nhỏ được gọi là con tép chăng?

Tiếng Việt huyền diệu

Chuyện mạo từ tiếng Việt cũng làm rắc rối người nước ngoài.

“Người Việt nói cái bàn, cái nhà, cái gường, cái nón… nhưng không thể nói cái chó, cái mèo mà phải là con chó, con mèo, con người… Ðồ vật là cái, động vật là con.

Bây giờ nhiều cô cậu thanh niên Hà Nội thay vì nói cái xe Honda Dream thì lại dùng từ con Ðờ-rim, rồi tiếp là con Su (Suzuki), con a còng (@), con Tô (Toyota), con Mẹc (Mercedes)…

Vợ chồng tôi có chuyện vui thế này: Tôi quen vợ tôi, một phần vì yêu các cô gái Việt Nam, một phần cũng để trau dồi thêm tiếng Việt. Một hôm chúng tôi ra Hồ Gươm dạo chơi, tôi khen:

"Con hồ này đẹp quá!".

Vợ tôi "chỉnh" liền:

"Không, anh phải nói là cái hồ này đẹp quá!".

Vậy mà đi ngang sông Tô Lịch thấy nước đen ngòm, tôi nói:

"Cái sông này bẩn quá!"

Vợ tôi "sửa" ngay:

"Ậy, phải nói là con sông này bẩn quá chứ không nói là cái sông!".

Tôi la lên:

"Ồ, sao lại thế, khi là cái, khi là con, làm sao phân biệt?".

Vợ tôi ôn tồn giải thích:

"Cái gì động dậy, nhúc nhích thì gọi là con, như con sông có nước chảy, còn cái gì nằm im như cái hồ nuớc tĩnh mịch thì phải là cái hồ. Con chó, con mèo nó chạy được nên phải là con. Cái nhà, cái cột đèn đâu có di chuyển được nên phải là cái. Rõ chửa?".

Lúc đó, tôi hiểu được một điều vô cùng thú vị:

"À, anh hiểu rồi! Tiếng Việt thật hay. Hèn gì cái… cái của anh nó nhúc nhích lên xuống nên phải gọi là con…Còn của… em, nó nằm im một chỗ nên phải gọi là cái, cái…

Ngưu là…trâu

Các thầy đồ Nho học ngày xưa dậy học trò: “Ngưu là trâu, mã là ngựa”. Đó là sự hiểu lầm. Người Hoa khởi nguồn từ miền hoàng thổ khô cạn vùng Hoa Bắc, ở đó chỉ có giống bò và “ngưu” nghĩa là…con bò.

Bành trướng xuống phương nam, người Hoa mới thấy con trâu và gọi nó là “thủy ngưu” (bò nước) hay “hắc ngưu” (bò đen).

Trâu là tiếng Nôm, để viết chữ trâu, người Việt ta dùng chữ Hán viết chữ ngưu là “bò”, bên cạnh viết thêm chữ lâu (lâu là trên gò đất) là âm “âu” và gọi là trâu.

(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam

Ngộ Không

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search