T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 27)

Tiếng Tầu tiếng Việt

Ta gọi là “tre”, Tầu kêu là “chúc” (“chúc” với “ch”).

Sau, cây lớn ta gọi là tre, cây nhỏ ta gọi là…trúc)

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Con dao và nhà Phật

Trên sách báo vẫn thường có câu: “Quăng dao thành Phật”.

Tích từ chuyện “Quăng dao quy Phật”.

Chuyện về một gã có vợ ngoại tình xách dao đi tìm tình địch và gặp một vị cao tăng và…một chậu nước. Vì mệt mỏi, gã cúi xuống chậu nước rửa mặt thì thấy mình như mê đi và đang ở giữa biển khơi đánh cá và gặp một xác đàn bà chết trôi. Gã bèn vớt xác người đàn bà lên bờ chôn mới hay ấy là vợ hắn.

Lúc ấy vị cao tăng mới ôn tồn nói:

“Duyên số con và người đàn bà ngắn ngủi chỉ ngần ấy thôi. Hết hạn, bà ta phải trả nốt cái nợ kiếp trước cho người đã mai táng mình. Thi ân thì ít mà con đòi hỏi nhiều e không phải lẽ”.

Nghe xong, gã vất con dao xuống đất và quy y Phật.

(Vũ Tài Lục – Người đàn bà trong tướng mệnh học)

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Có người giải luận “thiên” là trời, “thiên lý” là lý của trời, hiểu rộng ra mệnh của trời. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” là nếu có duyên trời đã sắp đặt thì thế nào cũng có thể gặp nhau.

Nhưng chữ “thiên” ở đây không là trời mà là “ngàn”. Lý không có nghĩa là “lý lẽ” mà là “dặm” (hải lý). Thiên lý là “ngàn dặm”. Nên hiểu là dù “cách xa ngàn dặm mà có duyên thì có thể gặp nhau”.

Và hai câu đi đôi với nhau là:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Vô duyên đối diện bất tương phùng

(Duy Lý – báo Tự Do)

Thành ngữ hôm nay

Nhà mặt phố, bố làm to.

Chữ nghĩa tiếng Việt sao khó thế

Tiếng Việt viết theo La tinh có nhiều nghĩa. Thí dụ : “Tình chung”.
Chữ chung ở đây là:
– Chung : sau, cuối cùng (thuỷ chung : trước sau), kết thúc.
– Chung : công cộng
– Chung : bền bỉ, lâu dài
Vậy tuỳ theo người viết văn hai chữ “Tình chung” sẽ có nghĩa là :
– Tình này là tình cuối.
– Tình “chung” của hai đứa yêu nhau : Anh và em?
– Tình này bền vững, lâu dài không thay đổi ?

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Bạn vong niên

Câu này bị hiểu lầm là “bạn lâu đời”.

Nhưng chữ “vong” đây nghĩa là “quên”. “Bạn vong niên” chơi với nhau hiểu là “bạn bè chơi với nhau không kể tuổi tác, lớn bé. Hãy quên tuổi tác của nhau”.

(Duy Lý – báo Tự Do)

Văn học miền Nam từ 1954 đến 1975

Về các khuynh hướng khác nhau, Viên Linh trong cuốn Chiêu niệm văn chương viết:

“Khuynh hướng Phật giáo có các tờ Tư Tưởng, Vạn Hạnh với Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu.

Khuynh hướng Thiên chúa giáo La mã có Hành Trình, Đối Diện với Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Thế Nguyên.

Mặc dù đảng Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, song các nhà văn theo Cộng Sản như Nguyễn Ngọc Lương, Minh Quân, Vũ Hạnh vẫn tạo được diễn đàn riêng (Tin Văn) hay hiện diện trong tổ chức Văn Bút dưới thời linh mục Thanh Lãng làm chủ tịch.

Những tờ như Văn, Phổ Thông, Văn Học, qui tụ các nhà văn không có lập trường chính trị biểu hiện rõ rệt, mà thuần túy văn thơ cổ điển như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Vỹ, Bùi Khánh Đản, hay văn nghệ thời đại, sinh hoạt thành phố như Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng; những tờ về nghệ thuật trình diễn hay về phụ nữ quy tụ các nhà văn như Tùng Long, An Khê, Lê Xuyên, Nguyễn Thụy Long…”

(Viên Linh – Khởi Hành)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trúc xinh trúc đứng đầu đình

Em xinh em hút thuốc lào cũng…xinh

 

Thân gái mười hai bến nước (II)

Linh đinh một chiếc thuyền tình,

Mười hai bến nước biết mình về đâu.

Mười hai bến nước là những bến nào. Trên báo Làng Văn, ông Bút Chì đã giải thích là mười hai hạng người trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục, công, hầu, bá, tử. Lời giải thích này căn cứ theo Thuyết Văn. Vào thời đó, chỉ có bốn tước quan là công, hầu, bá, tử (hay công, hầu, khanh, tướng) mà thôi. Tại nước ta, có năm tước (tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt, Nguyễn Công Trứ) là: thượng đại phu, hạ đại phu, thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ. Dân có bốn nghề: sĩ, nông, công, thương (Dân hữu tứ, sĩ chi vi tiên, Nguyễn Công Trứ).

Bàn về nguyên ủy thành ngữ “mười hai bến nước”, chẳng qua đây là nói tới số phận người con gái, lấy chồng như thuyền cập bến, bến trong thì nhờ. Bến đục thì chịu, không định trước được, mà cũng không lựa chọn được bến nào.

Đặt vào khung cảnh nước ta, mười hai bến nước cũng có thể là mười hai cửa biển, cửa sông, căn cứ vào thơ Lê Quát đời Trần:

Hải môn thập nhị ngã hoàn sơn

(Một vùng mười hai cửa biển, ta về núi ẩn)

Hiểu rộng hơn nữa, chúng ta cũng có thể liên tưởng 12 tháng trong năm, hay 12 năm trong một Giáp (Thật ra phải nói là một Tí) vì chữ giáp khởi đầu thập can; còn chữ Tí khởi ngộ thập nhị chi. Mỗi chi biểu trưng một con vật khác nhau.

Về…“hưu”

Chữ “hưu” hình thành từ chữ “nhân” và “mộc”.

Ý là khi người ta về già hãy vui thú điền viên với cây cỏ.

Lờ đờ như gà ban hôm

“Lờ đờ như gà ban hôm” là một thành ngữ hoàn toàn rõ ràng và dễ hiểu về mặt ý nghĩa vì ai cũng biết là khi trời chạng vạng thì gà bị quáng mắt nên không còn trông thấy rõ ràng (nên mới có từ “quáng gà”).

Ấy thế nhưng nó cũng bị từ nguyên dân gian bóp méo biến thành lờ đờ như gà mang hòm”. Nhưng làm gì có tích “gà mang hòm”, chỉ có hình ảnh của những con “gà ban hôm” mà thôi. Nhân tiện – vì có liên quan đến gà – xin liên hệ một chút với thành ngữ “fier comme un pou” trong tiếng Pháp, mà nếu dịch theo nghĩa đen của từng thành tố thì sẽ là “kênh kiệu như một con chấy”. Nếu cứ quy xuất xứ vào sự tích thì biết đâu người Pháp sẽ chẳng cất công đi tìm trong kho thần thoại Hy-La. Nhưng Pierre Guiraud đã gợi ý rằng “pou” là cách ghi xuất phát từ hình thái phương ngữ “poul” có nghĩa là con gà trống (poule là gà mái), đồng nghĩa với danh từ “coq” trong tiếng Pháp. Đây là một cách lý giải rất thoả đáng vì chính người Pháp cũng nói “fier comme un coq” (kênh kiệu như một con gà trống).

Trở lại với câu thành ngữ tiếng Việt, xin nói thêm: có ngừơi cho rằng “gà mang hòm” là gà bị bỏ trong bồ đựng kín (nên không trông thấy gì). Nhưng nếu thế thì tại sao không nói “mang bồ” mà lại nói “mang hòm” trong khi hòm (rương) để đựng quần áo hay đồ vật? Thực ra đây chỉ là chuyện bóp méo bằng từ nguyên dân gian mà thôi: “ban hôm” đã bị nói trại thành “mang hòm”.

(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

Tổ tôm là…

Nguyễn Công Trứ có một bài thơ “yết hậu”

mô tả cái thú đánh tổ tôm:

Tổ tôm tên chữ gọi hà sào

Đánh thì không thấp cũng không cao

Được thì vơ cả thua thì chạy

– Nào

Hà là tôm. Sào là tổ.

Hà sào là chữ Nho định nghĩa cho hai chữ…”Tổ tôm”.

Ca dao

Ca dao là thơ, được gạn lọc từ thời này qua thời khác do những thi sĩ khuyết danh. Cách gieo vần hạ chữ tài tình, giầu âm thanh mộc mạc, gợi cảm. Tưởng như vô tình nhưng khó có thể thay thế câu, hoặc chữ được:
Người về chăn chiếu no đôi

Để tôi gối chếch lẻ loi một mình

No đôi thật chỉnh, có nghĩa quá hạnh phúc lứa đôi. Phải là no đôi chứ không thể đổi thành có đôi hay đủ đôi được.

Đồng thời gối chếch chứ chẳng thể là gối chiếc. Chếch gợi cảm và gợi tình hơn gối chiếc sáo mòn.

(Diệu Tần – báo Xây Dựng)

Thơ yết hậu

Phạm Thái cũng làm nhiều bài thơ ngắn theo thể loại

“Yết hậu” mà câu cuối chỉ có một hoặc hai chữ rất độc

đáo, như bài Anh nghiện rượu dưới đây:

Sống ở dương gian đánh chén nhè

Thác về âm phủ cắp kè kè

Diêm vương phán hỏi mang gì đó

– Be

Nguyễn Công Trứ cũng vậy: Một buổi tối vào miếu thổ địa lấy rượu thịt nhậu say khướt, rồi lại nâng chén ghé sát vào miệng thần đất mời uống. Nhưng mời mãi pho tượng vẫn không chịu nhúc nhích, Nguyễn Công Trứ bèn tát cho một cái rồi đè ngay xuống đất và đổ ngay vào mồm. Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy hơi quá tay, ông liền làm bài thơ yết hậu dán ở trước cửa để tạ lỗi:

Hôm qua trời tối tới chơi đây

Đánh phải địa thần mấy cẳng tay

Khi tỉnh thì nào ai có dám…!

– Say!

Chữ nghĩa văn hóa ẩm thực

Hai người trẻ tuổi nói chuyện về phở Thìn Hà Nội. Một người nói:

– Cậu thử tưởng tượng xem, về khuya đi ngược gió đông, cách cả trăm thước mà cái thằng phù thủy ấy nó giở nắp thùng lên thì có sởn gai ốc không hả? Trong túi không có tiền thì bỏ mẹ!

Rồi người ấy bồi thêm câu nữa:

– Thế mới là phở chứ, coi chừng đang đi mà sắp ngã vào nồi phở cũng không hay! Bát phở bưng đến trước mặt, mở mắt ra mới biết là phở thì còn gì là phở nữa?

(Thế giang – Thằng người có đuôi)

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search