T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 34)

 

Tiếng và chiếc

Bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế được cụ Tản Đà phóng tác thành thơ:

Trăng tà tiếng quạ kêu sương

Lửa chài cây bến còn vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Theo ngâm sĩ Hồ Điệp thì “Trăng tà chiếc quạ kêu sương” mới đúng trong nguyên tác của cụ Tản Đà mà bà có trong tay. Vì “chiếc” mới gợi lên ý thê lương của con chim lạc bầy trong đêm vắng cùng người lữ khách mất ngủ ở dưới đò.

Đồng thời tránh lập lại hai chữ: “Tiếng quạ và tiếng chuông”.

Viết hoa tước vị

Có viết hoa tước vị, cấp bậc, chức vụ hoặc biệt hiệu không? Mặc dù điểm này từng đề cập ở phần viết hoa tu từ, song giờ đây cũng nảy thêm thắc mắc.
Viết Đại úy Út Đen hay đại úy Út Đen hoặc đại úy Út đen?
Viết Xuân tóc đỏ hay Xuân Tóc Đỏ nhỉ?

(Nguồn : e-cadao.com)

Xuất xứ bài thơ Chùa Hương

Nguyễn Nhược Pháp, sinh ngày 12/12/1914, quê làng Phượng Vũ – Phú Xuyên – Hà Tây. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp viết báo, làm thơ, truyện ngắn và kịch. Ông mất năm 24 tuổi, tấm lòng trắng trinh như hồi còn thơ”.

Trong bài thơ Chùa Hương, chàng thi sĩ 20 tuổi đã thể hiện tình cảm của mình với cô bé 15 tuổi thanh tao đến thánh thiện, đằm thắm mà không uỷ mị, nồng cháy mà vẫn thanh lịch, trữ tình mà tinh tế, cả tâm hồn và hiện thực hoà quyện vào nhau hài hoà khiến Chùa Hương có vị trí xứng đáng trong thi đàn.

Thi phẩm Chùa Hương ra đời trong hội Chùa Hương năm 1934, ông Nguyễn Vỹ và hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trẩy hội. Đến rừng mơ, hai văn nhân gặp một bà mẹ cùng cô gái độ tuổi trăng rằm vừa bước lên những bậc đá vừa niệm phật “Nam mô cứu khổ quan thế âm Bồ Tát”. Vẻ đẹp thánh thiện mang nét chân quê của cô gái đã hớp hồn hai chàng thi sĩ khiến họ trân trân nhìn quên cả hai bạn gái cùng đi. Nguyễn Nhược Pháp lại gần hỏi. “Tại sao trông thấy chúng tôi cô lại không niệm phật nữa?”. Cô gái bối rối, thẹn thùng như muốn khóc. Hai người bạn gái giận dỗi, họ bỏ đi. Lúc bừng tỉnh, hai văn nhân không thấy các cô đâu vội len thốc len tháo, lách qua những dòng người đang trẩy hội nhưng tìm đâu cho thấy. Mệt và ngán ngẩm, hai thi sĩ quay lại tìm cô gái chân quê thì cả hai mẹ con cũng đã lẫn vào dòng người.

Đêm đó, Nguyễn Nhược Pháp không sao chợp mắt được. Hình ảnh cô gái chân quê đi Chùa Hương khiến ông xúc động viết lên những vần thơ có sắc màu tươi vui, hình ảnh ngộ nghĩnh, cả hồn người lẫn vẻ đẹp của ngày xưa hiện lên trên từng câu, từng chữ:

Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương
….

Thẹn thùng em không nói
“Nam mô A Di Đà”.

..

Đến nay, bài thơ Chùa Hương đã tròn 70 tuổi, Nguyễn Nhược Pháp đã qua đời được 65 năm, song Chùa Hương cùng tên tuổi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp vẫn sống mãi với Chùa Hương, với thời gian.

Da Bà Bầu

Da Bà Bầu là tên của một con đường trong Chợ Lớn. Tên đường này làm nhiều người ngạc nhiên vì không phải tên của một danh nhân nào. Nghĩa thực sự của Da Bà Bầu là quán của bà Bầu dưới gốc…cây da

(Phạm Đình Lân)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ m

Một bài thơ thiền có tên Tranh thuỷ mặc

Một nhà sư
Bị ném phân vào người
Đã qua đời vì ngạt mũi

Một nhà sư khác
Bị lấy mất dép
Chỉ còn một chiếc

Treo tòng teng đầu gậy

Người xưa cảnh cũ

Đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn (trước 1956 tên là Colonel Grimaud) khởi đầu từ ngã tư có rạp xi-nê Khải Hoàn nơi gặp nhau của ba con đường Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão. Đường có chợ Thái Bình, có rạp xi-nê Thanh Bình, tòa soạn nguyệt san Văn, nhà in Nguyễn Đình Vượng.

Xóm Sáu Lèo, một bên là dẫy tường Nhà ga hỏa xa Sài Gòn, một bên liền một dẫy năm, bẩy nhà in, tòa soạn báo như nhà in Thư Lâm Ấn Quán, tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ, tòa soạn nhà in tuần báo Điện Ảnh, nhật báo Tiếng Vang của ông Quốc Phong, tòa soạn nhà in Thế Giới, tòa soạn nhà in báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà..v..v..

(Hoàng Hải Thủy – báo Sài Gòn Nhỏ)

Tiếng Việt sao lắt léo thế

Về cách biến thể của những câu nói, chỉ cần 6 tiếng “Tôi bảo anh về nhà nó”, người Việt có thể sắp xếp thành 74 (bẩy mươi tư) câu không giống nhau :
Tôi bảo anh về nhà nó

Tôi bảo nó về nhà anh

….
Tôi bảo nó anh về nhà

Anh bảo tôi về nhà nó

(Duyên Hạc – Trau giồi tiếng Việt)

Ca dao

Trong ca dao dân gian có câu:

Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời bằng cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời.

Bốn câu trên xuất xứ từ sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn:

Minh nguyệt muội tưởng hắc dạ

Muội tọa, muội khỏa thế sự xuất

Thế sự như diệp đa

Hắc tựa khẩu khuyển, trảm phụ thế sự

Những người muôn năm cũ

Tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền của Mai Thảo có bài “Không hiểu” được khắc trên mộ bia của chính ông ở Nam Cali:

Thế giới có triệu điều không hiểu

Càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao khi đã nằm trong đất

Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi

(Nguyễn Văn Quảng Ngãi – Dõan Quốc Sĩ, một tâm hồn thanh thản…)

Tại sao gọi là rượu vang?

Tranh dân gian Đông Hồ, mầu đỏ lấy từ lá cây vang mầu đỏ.

Vì vậy sau này rượu đỏ (vin) của người Pháp được gọi là rượu vang chăng?

(Phụ chú: Biết đâu lại đúng!)

Quán cóc

Thú thật lúc Hồ Dzếnh đưa tôi vào quán cóc bên lề đường, mời tôi một chai lave với một tô mì khô hai vắt. Đợi tôi ăn hết tô mì, Hồ Dzếnh hỏi tôi:

– Cậu thấy thế nào?

– Anh nói cái món mì này hả?

Tôi thành thật cho Hồ Dzếnh biết là cái thứ mì này thua xa mì Hà Nội. Đói thì ăn hết vậy thôi chứ không thấy ngon gì hết.

Hơn 20 năm, bao nhiêu biến đổi, giờ này nếu Hồ Dzếnh còn sống chắc cũng đã già yếu lắm… không rõ anh có còn nhớ câu chuyện trong một quán cóc vô danh đường Nguyễn Văn Thinh Sài Gòn? Riêng tôi thì sau hơn hai chục năm lăn lóc trong làng báo miền Nam, những quán cóc lề đường của Sài Gòn đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ có thể quên. Số thời gian la cà trong quán cóc của tôi có thể nói là ngang với thời gian ngồi trong các tòa soạn viết bài.

Sài Gòn đổi mới, nên Sài Gòn dẹp bỏ những quán cóc đó. Chuyện này đối với những người khác thì chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với tôi đó là một trong số những tin buồn từ quê nhà đưa sang. Bởi từ hình ảnh những quán cóc đó, tôi nhớ lại những con đường quen thuộc Sài Gòn mà tôi đã qua lại nhiều lần trong một ngày, những con đường mang tên Phạm Ngũ Lão, Võ Tánh, Lê Thánh Tôn, Phát Diệm. Nhớ đến những bảng hiệu Tiếng Vang, Nghệ Thuật, Tia Sáng, Trắng Đen, Kịch Ảnh, những buổi trưa cùng một số anh em từ các tuần báo đổ về họp mặt. Mỗi buổi trưa trở thành một buổi hội khó quên. Biết bao nhiêu bộ biên tập đã được khai sinh từ những buổi trưa họp mặt đó, bên cạnh những đĩa tôm khô, củ kiệu, những đĩa xì oát, những tô mì khô, những trái soài tượng chấm mắm ruốc, những trái ổi xanh bên những chén muối ớt đỏ tươi, những con khô mực nằm kề bên chén tương pha trộn hai màu đen đỏ, những dãy vỏ chai 33 sắp hàng theo chiều dọc chiều ngang của từng chiếc bàn gỗ ọp ẹp…

Bây giờ, nhiều lúc thấy thương, thấy nhớ, thấy thèm hết sức cái không khí quán cóc những buổi trưa nào ở Sài Gòn thuở xưa.

(Thanh Nam – Hồi ức về thi sĩ Hồ Dzếnh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Con gái, đàn bà toàn diện là:

“Trưa diện, chiều diện, tối diện”.

Tục ngữ Ta và Tầu

Chồng ăn chả, vợ ăn nem

Công yếu bột bột, bà yếu miến

(Ông muốn ăn bánh, bà muốn ăn…mì)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Gỡ rối tơ lòng

Bà Tùng Long là người đầu tiên khởi xướng mục “Gỡ rối tơ lòng” trên nhật báo Sài Gòn và “Tâm tình cởi mở” trên tờ Tiếng Vang.

Bà tên thật là Lê Thị Bạch Vân. Trước bà học Đồng Khánh, Huế, sau học trường Gia Long (trường áo tím). Năm 1952 bà dậy Việt văn và Pháp văn tại trường Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauries. Khi viết “feulleton” cho báo bà lấy bút hiệu là Tùng Long và bà có khoảng 50 tác phẩm đã xuất bản như Tình duyên, Tình và nghĩa, Giòng đời..v..v..

(Trần Yên Hòa – báo Sài Gòn Nhỏ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search