T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 37)

 

Chữ nghĩa thập niên 20

Trùng dương – Trùng dương là ngày mùng chín, theo tục xưa thi nhân lên núi cao, cắm hoa phù du, uống rượu cúc và làm thơ.

Thu hứng – Trong làng văn, các cụ nhà nho rủ nhau lên núi uống rượu, làm thơ, ấy là thu hứng. Vả lại mùa thu, phong cảnh tiêu sái, nên thi nhân thường bi thu, mà làm ra thi văn nên gọi là thu hứng.

(Tôn Thất Lương – Xuân mộng)

Sửa thơ

Gặp một chữ cổ ít dùng, có người đổi sang một chữ thông thường hơn. Thí dụ :

Nhà cửa tôi vay, tôi trả nợ,

Ai ngờ gái hóa việc quân vương !

(Lòng mẹ – thơ Nguyễn Bính)

Và đã bị sửa lại thành :

Ai ngờ gái góa việc quân vương !

Ðành rằng “gái hóa” hay “gái góa” nghĩa cũng như nhau, nhưng còn đâu cái phong vị cổ kính của câu thơ, của nếp sống ngày xưa khi mà người con gái đảm đang, trước khi về nhà chồng còn lo ngại không ai thay mình gánh vác chuyện gia đình?

Ðặt chữ “gái góa” vào miệng một bà cụ già thời cổ nghe rất “vô duyên”.

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Dân “Bách Việt” nói tiếng “Bách ngữ)

Cái khó khăn của người biên khảo
Khi hoàn tất một bài biên khảo thường mất nhiều công phu dù rằng chỉ là công việc đúc kết. Các tác giả biên khảo thường là những người viết có học vị cao, nghiền ngẫm hàng chục cuốn sách để cô đọng nên tác phẩm của họ. Nhưng không phải những công trình khổ cực ấy không có những sai sót mà những người viết sau căn cứ vào những chi tiết sai lầm đó để viết thành một tác phẩm khác sẽ trở nên một dây chuyền sai lầm mãi mãi.

Thiếu thực tế và suy luận chủ quan là hai nguyên nhân dẫn tới sai lầm. Nhưng nguyên nhân quan trọng chính là sự tin tưởng hoàn toàn vào sách cũ, không cân nhắc kỹ càng các tài liệu tham chiếu.

(Đặng Trần Huân – Cái khó khăn của người biên khảo)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Vợ là địch

Bồ bịch mới là ta

Khi chiến sự xẩy ra

Ta buộc về với địch

Rục rịch ta nhớ ta

Tiếng Việt, dễ mà khó

Chữ “yếu ớt” chúng ta hay dùng ngày nay là do chữ “yếu nớt“. “Ớt” thì không có nghĩa gì cả. Trong khi “nớt” có nghĩa là sinh thiếu tháng, vẫn còn dùng trong từ “non nớt”.

“Yếu nớt”, do đó, có nghĩa là yếu đuối, là non nớt.

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Tiếng Việt nghèo nàn nhưng phong phú

Về Cái Răng, chỉ răng hỏi Cái Răng?

(ĐatViet.com – Trau giồi tiếng Việt )

Giai thoại làng văn

Trần Đăng Khoa ghét cái gì là chế giễu rất ác. Thí dụ, Khoa định nghĩa thơ Lê Đạt: Người ta nói “Tôi đi ăn cơm”, thì Lê Đạt viết “Cơm đi ăn tôi”.

Trong một cuộc nói chuyện, Khoa dẫn thơ của Hoàng Hưng, Dương Tường để giễu cợt:

Anh lang thang em…

Anh mini em…

Anh xanh xao em…

Anh tiết canh em…

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Truyện chớp – Trả công!

Người bố gương mặt ngời ngời hạnh phúc, vừa chăm chú theo dõi từng bước đi chập chững của đứa con, vừa nựng: Con trai của bố giỏi lắm! Một, hai, ba, nào… hoan hô!

Bốn mươi năm sau.

Người bố dò dẫm từng bước từ nhà ra sân như đứa trẻ mới tập đi, không may bị trượt chân, ngã tím cả mặt. Thằng con quát: Thật đúng là câm hay nói, què hay đi, cho chết!

Hai giọt nước mắt rỉ ra từ hai hố mắt già nua. Người bố bây giờ mới thấy đau nơi bị ngã.

Giai thoại làng văn 54-75

Chuyện giữa hai chúng tôi (Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo) xoay quanh văn chương, thi ca. Anh đọc và nhớ khá nhiều thơ Việt Nam thời hiện đại kể cả loại thơ ít người đọc như thơ Nguyễn Xuân Xanh* trong Xuân Thu Nhã Tập. Anh rất chịu thơ Chế Lan Viên.

Nhân đề cập đến thơ ở Hànội rồi Sàigòn lúc ấy, tôi nhắc đến một bài thơ gần đây tình cờ đọc trong một trang Văn Nghệ của một tờ báo mới xuất bản: một bài thơ mới, lạ, chững chạc, dưới ký tên lạ hoắc chưa từng thấy: Nhị; một bài thơ lạnh, tôi rất thích chất lạnh của thơ, và cách biểu hiện cảm thức bằng những hình ảnh dở dang, trở đi trở lại dưới những ánh rọi khác nhau, đồng thời với cái tiết điệu biến hoá được nối kết lại bằng những câu trùng; tôi đọc những câu thích nhất, có hơi thơ gần siêu thực:
Lại thấy con đường như lặng
Những đỉnh cây xanh
Và những ngón tay trên phím dương cầm
Đôi guốc mộc trong căn phòng trừu tượng.
Cúi đầu xuống cúi đầu xuống.

Anh lặng nghe tôi bình phẩm, đọc thơ, rồi nói:

– Nhị là tôi.

Chúng tôi thân thiết nhau ngay từ buổi gặp gỡ ấy.

(Phụ đính: *Đúng ra là Nguyễn Xuân Sanh)

Văn hóa dân gian

Ðối với quỷ thần, Khổng Tử chủ trương “kính nhi viễn chi”.

Ðã “viễn”, không liên lạc, thì không cần đặt ra hình thức chi hết. Lễ trong đạo Khổng là giữa người với nhau mà thôi.

Văn hóa Việt Nam truyền thống có dành chỗ cho siêu hình. Lễ trong lễ hội là giữa người với thần linh. Ta khác, liên lạc với thần xong, ta xoay qua “liên lạc” với người. Ðó là hội.

Vì vậy “hội” khác với “lễ hội”.

(Thu Tứ – Gocnhin.net)

Sống trên đời…

Nguồn câu thành ngữ “sống trên đời ăn miếng dồi chó,

chết xuống âm phủ còn có hay không” từ câu ca dao:

Sống được miếng dồi chó

Chết được bó vàng tâm

Sống không ăn miếng dồi chó

Chết xuống âm phủ không có mà ăn

(Khải-Chính Phạm Kim-Thư – báo Tự Do)

Tục ngữ Tầu

Bất phạ văn nhân tục, chỉ phạ tục nhân văn

(Chẳng sợ văn nhân tục, chỉ sợ tục nhân văn)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Tiếng Việt vừa khó vừa không dễ

Hỏi: Hà Thanh bị bắt học tiếng Việt, với bài “đỗ và đậu”….

Người dạy là người Bắc và cô ấy nói khi học một sinh ngữ nào đó thì phải học theo sinh ngữ của thủ đô nước đó. Như vậy khi học tiếng Việt phải học theo tiếng Việt của Hà Nội.

Theo bài làm trong lớp thì chữ “đỗ”: chữ “đậu” của miền Nam.

Ví dụ đỗ xe: đậu xe, thi đỗ: thi đậu, và đỗ xanh: đậu xanh.

Hà Thanh có thắc mắc nhưng không dám hỏi trong lớp, đó là nếu đỗ là đậu, vậy “đậu hủ” có thể gọi là “đỗ hủ” không? Những từ như thi đỗ thì có nghe chứ đỗ hủ thì Hà Thanh chưa bao giờ nghe ai dùng từ đó. Vậy từ đỗ hủ có trong tiếng Việt không ạ? clip_image002

Đáp: Người Bắc không gọi “đậu hủ” là “đỗ hủ” mà gọi là “đậu phụ”. Why? Nhưng tiếng Việt lại có có từ ” Tàu hủ ” đấy bác ơi.

Có người gọi là…tào phở! clip_image003 Thì gọi là phu tàu: phu quân của người vợ Tàu (Tàu phò) Không biết có đúng không bác?

Cám ơn bạn đã trả lời thắc mắt của Hà Thanh. Vậy là từ “đỗ hủ” không có. Ngộ hén….

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Những hình dạng mới của chữ nghĩa

Một giáo sư ngữ học dậy khoa Văn tại Đại học tổng hợp ở Hà Nội cho biết nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh đã phạm những lỗi có tên là trùng ngữ (pleonasm), làm người đọc không hiểu từ ngữ mình dùng, vì viết thừa một chữ hoàn toàn vô ích. Như bài thơ Hò kéo pháo sáng tác từ hồi đánh trận Điện Biên Phủ:

Dốc núi cao cao,
Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi!

Phương Tây, phương Đông

Người phương Tây đặt ra những khái niệm:

– Cận Đông chỉ vùng Ai Cập-Palestin.

– Trung Đông chỉ Ba Tư-Afganistan.

– Viễn Đông chỉ Triều Tiên, Nhật Bản, Đông Trung Hoa.

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Tiếng Việt toàn thể

Người Việt nhìn toàn thể, rồi bật tiếng nói toàn thể.
Nói toàn thể thì những thành phần của lời tự chúng không cần phải có nghĩa chính xác.
Ví dụ: Ta nói “Chị em ôm nhau ngủ”, không nói “Chị em ôm nhau ngủ”.

– “Chị em đứa nào rảnh qua bà bảo”, không nói “Chị hay em đứa nào rảnh qua bà bảo”.

“Chị em” đứng một mình nghĩa mơ hồ, nhưng đứng trong câu thì nghĩa ổn định, không cần phải thêm , hay gì cả.
(Thu Tứ – Gocnhin.net)

Chữ nghĩa với loài vật

Cô giáo hỏi một em bé ở nhà trẻ:

– Loài vật và người ai thông minh hơn?

– Loài vật ạ.

– Tại sao vậy?

– Vì khi con nói với con chó thì nó hiểu. Nhưng khi nó nói với con, con chả hiểu gì cả!

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search