T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Chuyện cuối năm T. Vấn & Tôi

clip_image002

Một sáng cuối thu của một ngày ở quận Cam, nắng ấm, lòng thấy vui, đang lúc mấy con hải âu bay về đậu trên nóc những căn hộ của người già, thường là gần bảy giờ, chợt tôi nhận được cú điện thoại của người chủ biên T.Vấn.

Tưởng anh chàng đang ở Wichita có trao đổi gì chăng, tất nhiên không phải chuyện văn nghệ vì có gì đã qua e-mail. Vọng lại có tiếng nói bên kia, Vấn đây, anh Tê có rảnh không, đi ăn sáng cho vui. Ăn sáng? Tưởng nghe lầm. Vấn cho biết mới từ San Jose xuống đêm qua, đang ở nhà ông Trâu Điên, biệt danh của Phila Tô, một cây viết thân quen của TV & BH và có nhiều bạn đọc xa gần ở Quận Cam, đa phần dân lính cựu.

Hẹn nhau 9 giờ tại một quán phở lấy tên chồng của công chúa Ngọc Hân, tay bắt mặt mừng sau hơn 30 năm mới cùng nhau hạnh ngộ. Nếu không điện thoại trước chắc chẳng nhận ra nhau, T.Vấn trẻ hơn tôi mười tuổi nhưng thấy tôi đi đứng còn nhanh nhẹn dù nhan sắc có tàn phai, chàng hỏi anh Tê năm nay chắc…tám mươi. Tôi giật mình thấy ông bạn cố tri tăng tuổi chi mà lạ rứa. Tôi chẳng phật lòng vì Vấn tưởng tôi hay chơi với các đàn anh lứa U30 cỡ Nguyễn Đình Toàn, cỡ Phan lạc Phúc …nên quên tuổi thật của nhau hồi còn chung Trại cũng chỉ vì mừng cho người vai anh ‘tám mươi chưa phải đã già’.

Thời gian tuy xa mà gần, ba mươi năm coi như chớp mắt, chúng tôi không hỏi về nhau ngày đó ở đâu, thành công thất bại, vợ con ra sao vì là những chuyện biết rồi, cái may là còn sống sót, hạnh ngộ một lần rồi chưa biết lần sau.

Chợt thấy T.Vấn kêu thêm nước béo hành trần, mấy thứ lỉnh kỉnh tôi đã quên đi từ ngày xa xứ. Phục người bạn ‘trẻ’ (chúng tôi cứ thân gọi nhau như vậy) giờ này còn ăn mấy thứ tăng mỡ tăng máu, chứ tôi thì chịu thua vì chứng máu cao. Ông bạn móc ngay trong túi cả bụm thuốc và nói cứ ăn rồi tính sau chứ kiêng cữ đời mất thú, anh Tê ơi.

Chuyện lan man qua mấy tô phở, Vấn là một chuyên viên về phở từ ngày còn theo gánh phở rong. Có mấy bài viết về đặc sản này khá thú vị. Anh khen phở tiệm này ngon, hơn xa Wichita dĩ nhiên, nhưng vẫn còn cho bột ngọt lẽ ra phải hầm nhiều xương hơn.

Hình như khi ăn thì ít nói, muốn lan man chuyện trò phải qua quán cà phê. Chờ tờ bill tính tiền thì ông bạn ở xa đã nhanh nhẩu trả cash lúc lấy cớ đi kiếm cây tăm. Người đàn anh hơi ngượng lẽ ra phút sơ giao khách điạ phương phải nhanh tay thanh toán. Tôi đã bị hố chuyện này với Trần Lê Việt trong bữa ăn tối trước đây, vì vợ đã dặn mà vẫn cứ quên. Hai người gốc Việt dân Wichita hạ người Cali hai bàn thua thấy rõ. Sau tôi mới hiểu cộng đồng các anh ở vốn ít người Việt nên họ vẫn thân nhau và có lối trả tiền nhanh theo phong tục quê nhà.

Ra xe, thổ công họ Tô chọn quán cà phê. Thời buổi internet, quán chẳng lấy tên quán Nhớ, Dĩ vãng, Em tôi, mà là i-lanet (giống như i-pad, i-phone, la ở đây là los angeles, gớm rắc rối, nhưng quán đông, cà phê ngon, đặc biệt món bò kho bánh mì cali Vấn khen khi hẹn nhau hôm sau).

Lúc này mới đi vào nghề nghiệp, dù gọi thế cho vui nhưng lại là chuyện cần bàn. T.Vấn và tôi cùng nhau to nhỏ, ông Tô ngồi đọc báo Việt để anh em chúng tôi tự nhiên. Nhiều điều thú vị về TV&BH sau bốn năm góp mặt và tồn tại, lòng nghe thấy vui, vui vì con số khách thăm cao hơn tôi tưởng, càng những năm sau số lượng càng cao, có nhiều bạn đọc trong nước và thành phần yêu văn học nghệ thuật tiếp cận trang nhà. Đáng chú ý hai năm trước đây trang web đã ‘quá tải’ khi chủ biên T.Vấn phát động công trình “dấu ấn một thời bi tráng” nhằm tìm lại, góp nhặt các ca khúc trong tù mà ta quen gọi Tù ca, sự phản hồi và tiếp tay của giới truyền thông hải ngoại cùng bạn đọc cựu tù làm phong phú thêm kho lựu trữ mà TV&bh vẫn trang trọng bảo quản.

Những cây viết chủ lực nhìn lại vẫn là bạn hữu thân quen, dù trên dưới khoảng chừng ba chục, nhưng vì mến chủ biên vì yêu bạn đọc nên tham gia bài vở khá thường xuyên tích cực. Cái đáng nói là nhiều bạn đọc cũng muốn đóng góp bài vở nhưng Chủ biên chủ trương là trang nhà ưu tiên cao hơn cho bạn hữu, hay đúng hơn là dựa vào bạn hữu để có một sân chơi văn nghệ trên mạng vừa xuyên suốt về cách nhìn, liên tục về bài vở vừa phong phú về chất lượng khả dĩ đáp ứng nhu cầu khách yêu văn nghệ bốn phương.

Về thành phần viết lách phải nói là có nhiều cây bút được bạn đọc nhìn nhận, trong đó có mấy khuôn mặt đáng nể về bề dày nghiệp vụ cùng người đầu tầu là T.Vấn, một cây viết chính luận hải ngoại và phê bình văn học khá sắc sảo, một chủ biên rất cần mẫn trong công tác biên tập khi chịu khó hiệu đính, chỉnh sửa kể cả lỗi chính tả cho mấy tác giả gởi bài. Làm việc này dù được ủy thác nhưng do tế nhị anh hay tham khảo trước. Ai tôi không biết, nhưng cá nhân tôi vẫn thầm cám ơn anh đã edit rất khéo các bài viết của tôi và là một trong những chủ biên tôi thầm phục.

Chỗ anh em tôi cũng thẳng thắn trao đổi vài góp ý từ hình thức đến chuyên đề cho trang nhà ngày càng khởi sắc hơn. Nhưng phần khen vẫn nhiều do tôi thích sự quân bình của thành phần văn bút khi phái nữ vừa đông vừa viết khỏe lại vừa…viết hay. Đôi lần tôi có bài sẵn nhưng không gửi vì tình trạng kẹt xe trên mạng khi năm cây bút nữ cùng có bài trên giao diện. Viết hay ở chỗ nào, tác giả nào thì chỉ hai anh em kín đáo trao đổi chỗ riêng tư.

Gần cuối buổi mạn đàm có thêm phần tham gia của ông Tô, xoay quanh thắc mắc của tôi, kẻ hay bị dũa vì ưa dùng từ của VC (trong nhiều truyện tôi viết ở Quận Cam) đại loại như ấn tượng, phấn đấu, quan tâm, hoành tráng, bức xúc…xin hai bạn giúp tôi khắc phục, à quên chỉnh sửa. Hai ông lên lớp xong có hứa cho tôi tự điển để tra khảo và thông cảm kẻ ăn nằm với xã hội và nhà tù cs gần hai thập niên.

Tôi ngỏ ý mời hai ông bạn đi ăn tối ngày mai chuyện trò nhiều hơn, có ai thân cứ mời thêm nếu có cả ‘người bạn trẻ’ càng tốt, nhưng Vấn đã có hẹn, lịch đã kín cho ba ngày ở quận Cam. Anh chàng này là người của đám đông, ngoài ‘người của vợ con’ anh khá mặn mà với hội đoàn, Đại học CTCT (quân trường mẹ), Pétrus Ký (những ngày xưa thân ái), cựu tù cải tạo (một thời bi tráng). Thông cảm.

Ấy vậy mà Vấn sau khi họp bạn đòi đến thăm chỗ tôi ở để còn về ‘báo cáo’ cho Việt. Tôi nói mình làm gì có nhà, toàn nhà con nhà cháu, lại sắp đi đón thằng cháu tan trường. Anh nói không sao. Anh ta cứ đến.

Chỗ tôi ở khá ngoằn nghèo, tôi ra tận ngã tư đón người mới tới. Chợt có chiếc xe vừa ghoẹo rồi ngừng lại, tôi tưởng ai muốn hỏi thăm điều gì. Thò đầu ra là T. Vấn. Tôi khen anh tháo vát, mười năm trước đây bằng tuổi anh bây giờ tôi đâu phong độ bằng anh. Đi nhiều gặp gỡ nhiều cũng là một cái hay giúp con người ta lâu già.

Chuyện kéo dài đến lúc xe ai nấy đi ra chỗ thằng cháu tan trường. Gần trường mới nói chuyện nhà trường, lúc này anh mới cho biết tịện thể việc cháu Ý Vy , một cô gái tài hoa kỹ thuật số tôi cứ gọi đùa là co-founder của trang nhà, nên bố cháu mới sang Cali. Khi về anh có kể qua bút ký Một chặng đường khá cảm động và thú vị. Nghe chuyện học hành và thành đạt của mấy ’tiểu thư Wichita’ con các bạn mình, tôi thầm phục cách nuôi dậy và chăm sóc các cháu, không hẳn hãnh diện cho người Việt mà cũng là vinh dự cho tương lai xứ tạm dung.

Tôi nhắn anh dịp cuối năm nếu ngồi với Việt, cho tôi cụng một ly và gởi lời chào thăm. Tôi quay xe đón cháu, người bạn ra freeway. Hình như tôi có xúc động vì chẳng biết bao giờ cho đến lần sau.

Cali, ngày cuối năm 2014

Đỗ Xuân Tê

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search