T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Nguyên: Lời Dặn Dò

“. . .Những ca khúc khác của Hoàng Nguyên gồm có : Anh đi mai về, Anh đi về đâu, Bài Tango riêng cho em, Cho người tình lỡ, Đường nào em đi, Đường nào lên Thiên thai, Duyên nước tình trăng, Em chờ anh trở lại, Lá rụng ven sông, Lời dặn dò, Sao em không đến, Thuở ấy yêu nhau. . .”

Hoàng Nguyên: Lời Dặn Dò

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

loi-dan-do-1 loi-dan-do-2

loi-dan-do-3 loi-dan-do-4

loi-dan-do-5

Lời Dặn Dò – Sáng tác: Hoàng Nguyên

Trình Bày: Hà Thanh (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

Đọc Thêm:

Cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc

Du Tử Lê

(Dutule’s blog)

Tôi không biết cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên (1932-1973) có phải là người đầu tiên đem thành phố thơ mộng Đà Lạt ở miền Nam vào âm nhạc hay không? Nhưng, hiển nhiên, một trong những ca khúc viết về Đà Lạt của ông như “Đường nào lên thiên thai”, “Bài thơ hoa đào”, “Ai lên xứ hoa đào”… thì, ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” đã trở thành “bạn-tâm-tưởng” của rất nhiều người.

Ca khúc vừa kể được Hoàng Nguyên viết khi ông mới 18 tuổi và mau chóng nổi tiếng tới mức sau này, nó trở thành một trong những ca khúc của hình thái “Tân-Cổ-Giao-Duyên” ngay những ngày tháng hình thành đầu tiên của nỗ lực phối hợp nghệ thuật này – – Với phần cổ nhạc do soạn giả Viễn Châu soạn, nghệ sĩ Tấn Tài, trình bày.

Nếu bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Định, phải nhờ tới “chiếc đũa thần” ở phần nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, để vinh danh thành phố Pleiku thì, chiếc vương miện dành cho Đà Đạt của Hoàng Nguyên lại là “thành phẩm” của riêng ông từ ca từ tới giai điệu:

Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa

Ai lên xứ hoa đào dừng chân bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến muôn người ngại ngần rồi hoa theo chân ai
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên”
(1)

Hai phân khúc đầu của “Ai lên xứ hoa đào” được Hoàng Nguyên / Cao Cự Phúc ghi lại những nét chính của Đà Lạt bằng những hình ảnh sống động tương tác với “khách lãng du” qua những nhân cách hóa có tính máu – thịt giữa thiên nhiên và con người, đã rất sớm cho thấy tài hoa của ông, cùng khả năng sử dụng hình ảnh và chữ nghĩa, như:

Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ

Hoặc

Hoa bay đến muôn người ngại ngần rồi “hoa theo chân ai

Là những ca từ chứa đựng khá nhiều thi tính. Nhưng họ Cao không dừng ở đó. Ông đẩy ca từ của ông, lên một bậc cao hơn, khi cố tình khai thác đặc tính đảo ngữ mà chỉ ngôn ngữ Việt mới cho phép. Tôi muốn nói tới việc Hoàng Nguyên / Cao Cự Phúc đã vận dụng sự lập lại một vài từ kép một cách ý nhị… Như các cụm từ “Hoa bướm / bướm hoa”, “quên lãng / lãng quên”:

Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa”

Hay:

Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên”

Từ điệp khúc tới phiên khúc cuối, trước khi hoàn tất chiếc vương miện dành cho nhan sắc Đà Lạt, họ Cao cho thấy mối tương quan đằm thắm hơn giữa hoa và người, khi ông so sánh màu hoa đào với môi, má người yêu. Cuối cùng, ông nhắc nhở du khách khi rời xứ hoa đào xin đừng quên mang về một cành hoa… Vì hoa, khi ấy không chỉ là một vật thể có đủ hương sắc mà, chúng còn chính là nỗi lòng, quá khứ của du khách nữa.

Tôi không biết đã có bao nhiêu du khách khi rời xa Đà Lạt, ngoài hành lý mang theo, còn là một cành hoa anh đào, như lời kêu gọi của họ Cao… Nhưng tôi tin, Đà Lạt đã phần nào thơ mộng hơn, cũng như đào ở thành phố lãng mạn này đã phần nào đẹp hơn, thắm thiết hơn, không chỉ trên hoa mà, còn trên môi, má và luôn cả tâm hồn du khách nữa.

Với một trái tim mẫn cảm, một tài năng rất sớm sủa được công nhận như trường hợp Hoàng Nguyên / Cao Cự Phúc, nhiều người cho rằng, họ Cao xứng đáng, rất xứng đáng để được hưởng nhận một đời sống nhẹ nhàng, êm ả tựa những ca từ (như thơ) của ông.

Nhưng thực tế đời thường đã hắt trả lại cho họ Cao, những phũ phàng, bất hạnh, như thể đó là “phần thưởng” mà định mệnh ganh ghét đố kỵ, đã dành riêng cho ông.

Cụ thể, cũng rất sớm, những ca khúc đẫm, đẫm chia lìa, những giai điệu, ca từ ngất, ngất đớn đau mang tên Hoàng Nguyên / Cao Cự Phúc ra đời như những nhát dao oan nghiệt xẻ nát đời ông.

Tiêu biểu cho tâm bão của phần đời tối ám này là ca khúc “Cho một người tình lỡ” hay “Đừng trách gì nhau”.

Tôi luôn nghĩ, một khi đau khổ, bất hạnh nhận chìm một tài năng nghệ thuật xuống tận đáy bùn địa ngục thì, đó là lúc mọi khả năng mang tính tài hoa, lãng mạn sẽ như thủy triều rút khỏi mọi bến bờ!

Trên bãi cát thực tế, đời thường sẽ khó có một hình ảnh thơ mộng, đầm ấm nào, ngoài những xác rác vương vãi… tựa chứng tích hiển nhiên tàn nhẫn mà bước chân hủy diệt của trận bão lầm than kia, đã cố tình để lại.

Tôi cho cảm nhận này khá đúng với trường hợp của cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên / Cao Cự Phúc – – Nếu chúng ta làm một cuộc so sánh giữa ca từ óng ả, mượt mà, nhiều thi tính giữa “Ai lên xứ hoa đào” của ông, trước đấy “Đừng trách gì nhau” sau đó.

Ở “Đừng trách gì nhau” họ Cao vẫn có được cho ca khúc của mình giai điệu đẹp thiết tha (tới mủi lòng) – – Nhưng ca từ của ca khúc này, lại như những lời nói dung dị, những hình ảnh mộc tới nhức nhối. Người nghe không hề tìm thấy một hình ảnh, một liên tưởng mang tính sáng tạo nào suốt chiều dài ca khúc. Phải chăng, cũng chính nhờ tính mộc, những lời nói bình thường, trực tiếp thốt ra từ tâm cảnh đứt đoạn ấy mà, nó đã cho ca khúc của họ Cao những xung động trực tiếp, đánh thẳng vào rung cảm người thưởng ngoạn. Nó là một câu chuyện kể lớp lang, trung thực, như người trong cuộc tâm sự với một người bạn sẵn lòng chia sẻ bất hạnh của mình:

Ngày nào gặp nhau quen nhau yêu nhau rồi sống bên nhau
Những tưởng dài lâu như trăng như sao cho đến bạc đầu
Nào ngờ trời mưa mưa rơi không thôi nát tan tình đầu
Nước mắt rơi mau long lanh giọt sầu xót xa niềm đau

“Nào ngờ tình yêu đưa ta lênh đênh vào chốn mê say
Những tưởng thời gian không đi trong cơn mê đắm tuyệt vời
Nào ngờ giờ đây ly tan ly tan lứa đôi lạc loài
Giữa chốn u mê đêm đêm một người trách thương một người

“Ôi trời làm giông tố
Để người thầm trách người sao hững hờ phụ người
Ôi nửa đời gió sương. Mà còn đắng cay mà còn chua xót vì nhau

“Cuộc tình nào không thương đau anh ơi đừng trách chi nhau (2)
Trót vì mình vô duyên nên đôi nơi mang mối tình sầu
Vì trời còn mưa mưa rơi không thôi cuốn trôi tình người
Oán trách nhau chi bơ vơ nhiều rồi xót xa nhiều rồi.” (3)

Chú thích:

(1) Nguồn Wikipedia-Mở.

(2) Câu đầu của phiên khúc cuối, hầu hết các tư liệu trên mạng đều ghi là “anh” thay vì “em”: “Cuộc tình nào không thương đau anh ơi đừng trách chi nhau”- – Vì không có bản nhạc in trước 1975, nên tôi không biết có phải tác giả cố tình đặt mình vào vị trí người nữ, nói với người nam, tựa như người nữ đó, tự nhận nguyên nhân gây đổ vỡ về phía mình?
(3) Nđd.

Theo trang mạng Wikipedia-Mở thì đời thường cũng như đời tình của cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên / Cao Cự Phúc là xâu chuỗi những gập ghềnh, bất hạnh. Khiến nhiều người đã đi tới kết luật rằng, cho tới lúc từ trần (khi còn rất trẻ) tuồng họ Cao không hề có cho riêng mình, một khoảng lặng êm đềm, hạnh phúc dài lâu nào?!? Tiểu sử của tác giả “Đừng trách gì nhau” được ghi như sau:

“Hoàng Nguyên (1932 – 1973) là một nhạc sĩ tên tuổi, tác giả các ca khúc nổi danh như Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ.

Ông tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ngày 3 tháng 1- 1932 tại Quảng Trị. Lúc nhỏ theo học trường Quốc Học, Huế. Đầu thập niên 1950, Hoàng Nguyên tham gia kháng chiến nhưng rồi từ bỏ quay về thành phố.

Lên ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên dạy học tại trường tư thục Tuệ Quang, thuộc chùa Linh Quang, khu số 4 Đà Lạt, do Thượng Tọa Thích Thiện Tấn làm Hiệu trưởng. Thầy giáo Cao Cự Phúc dạy Việt văn lớp đệ lục. Thời gian ở đó, ông là thầy giáo dạy nhạc cho Nguyễn Ánh 9, người sau này trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời là nhạc công chơi đàn dương cầm.

Năm 1956, trong một đợt lùng bắt ở Đà Lạt, do trong nhà có bản Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao, người mà Hoàng Nguyên rất ái mộ, Hoàng Nguyên bị bắt và đày ra Côn Đảo khoảng năm 1957.

“… Ở Côn Sơn, thiên tình sử của người nghệ sĩ Hoàng Nguyên mở đầu với cảnh tình éo le và tan tác. Là một tài hoa đa dạng, người tù Hoàng Nguyên được vị Chỉ Huy Trưởng đảo Côn Sơn mến chuộng nên đã đưa chàng ta về tư thất dạy Nhạc và Việt văn cho ái nữ ông, tên H. năm đó khoảng 19 tuổi… Mối tình hai người nhóm lên vũ bão. Trăng ngàn sóng biển đã là môi trường cho tình yêu ngang trái nầy nẩy nở.

“Chợt khi người con gái của Chúa Đảo mang thai. Mối tình hai nhịp so le bị phát giác. Để giữ thể thống cho gia đình. Vị Chúa Đảo giữ kín chuyện nầy và chỉ bảo riêng với người gây ra tai họa là nhạc sĩ Hoàng Nguyên: ông ta đòi hỏi Hoàng Nguyên phải hợp thức hóa chuyện lứa đôi của hai người và ông vận động cho người nhạc sĩ được trả tự do…” (Lâm Tường Dũ – Tình Sử Nhạc Khúc).

Hoàng Nguyên được trả tự do, trở về Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở trường tư thục Quốc Anh. Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh văn. Trong thời gian theo học đại học, Hoàng Nguyên có quen biết với ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết. Bà Phạm Ngọc Thìn là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên đã nhận ông làm em nuôi. Hoàng Nguyên dạy kèm cho Ngọc Thuận, con gái ông bà Phạm Ngọc Thìn. Hai người yêu nhau và Hoàng Nguyên trở thành con rể ông bà Phạm Ngọc Thìn. Trước đó Hoàng Nguyên có ý định quay lại với cô gái ở Côn Sơn, nhưng cô đã đi lấy chồng. Ca khúc “Thuở ấy yêu nhau” ra đời trong khoảng thời gian đó.

Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau đó chuyển về Cục Quân Cụ, dưới quyền của Đại tá nhạc sĩ Anh Việt – Trần Văn Trọng và được giao quản lý ban nhạc Hương Thời Gian của Anh Việt. Hương Thời Gian xuất hiện trên truyền thanh và truyền hình Sài Gòn thu hút khá đông khán thính giả.

Ngày 21 tháng 8 năm 1973 ở Vũng Tàu, Hoàng Nguyên mất do một tai nạn xe hơi.” (Nđd)

Tới nay, tôi chưa thấy một tư liệu nào ghi rõ hai sáng tác bi lụy nổi tiếng nhất của họ Cao là “Đừng trách gì nhau” và “Cho người tình lỡ” ca khúc nào viết trước và cho, hay từ mối tình nào?

Nhưng theo tiết lộ của một người bạn (không làm văn nghệ) sát cánh, bên cạnh Hoàng Nguyên / Cao Cự Phúc tính tới những ngày cuối cùng của đời ông thì, mối tình của họ Cao với NT, em gái của nữ diễn viên H.K. cũng đã dẫn tới đoạn kết bi thảm, có phần đau đớn hơn mối tình với cô gái con ông chỉ huy trưởng trại tù Côn Sơn ngày nào – Vì, đó là kết cuộc họ Cao bị phản bội trong thời gian người con gái này đang chung sống với ông (?) Đó là sự kiện người phụ nữ ấy có liên hệ tình ái với một người đàn ông hoạt động trong lãnh vực xuất bản sách! (Người đàn ông này cũng đã qua đời cách đây nhiều năm, tại Saigon. Người vợ chính thức của ông ta, hiện cư ngụ tại miền nam Cali).

Dù không ai biết chắc thời điểm sáng tác của hai ca khúc vừa kể, nhưng giai điệu cũng như ca từ của “Cho người tình lỡ” vẫn là những lời nói “mộc” – – Những lời nói đi ra từ cõi lòng tan nát – – Với những câu như:

Khóc mà chi yêu thương qua rồi
Than mà chi có ngăn được xót xa
Tiếc mà chi những phút bên người
Thương mà chi nhắc chi chuyện đã qua…”

(…)

Mình nào ngờ tình rơi như lá rơi
Ngày tình đầy vòng tay ôm quá lơi
Để giờ này một người khóc đêm thâu
Một người nén cơn đau, nghe mưa mà cúi đầu

Hoặc nữa:

Thế là hết nước trôi qua cầu
Đã chìm sâu những tháng ngày đắm mê
Thôi đành quên những tiếng yêu đầu
Những lời yêu ấy nay đã quá xa…”

(Trích “Cho người tình lỡ”) (5)

Nhắc tới những tình khúc không đầm ấm của cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên / Cao Cự Phúc, tôi cho sẽ là một thiếu sót, nếu không đề cập tới ca khúc “Tà áo tím”. Vì “Tà áo tím” của họ Cao cũng là một tình khúc nổi tiếng của ông.

Một nguồn tin khác cho biết, trước khi dấn sâu vào cuộc tình thương đau thứ hai, lúc được tin người yêu đầu của ông đang sống Huế, ông đã bay ra cố đô, tìm cô. Khi tìm được, ông mới hay, nàng đã có gia đình. Trở lại Saigòn, ông viết “Tà áo tím”. Như một lời từ biệt. Khai tử một giai đoạn, chia tay một quá khứ! Ca từ “Tà áo tím” có phần nhẹ nhàng thủ thỉ hơn. Dù kết cuộc vẫn là “…Người áo tím qua cầu / Tà áo tím phai màu / Để dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao”:

Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím
Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Màu áo tím ôi luyến thương
Màu áo tím ôi vấn vương

(…)

Để rồi chiều chiều lê chân bên dòng Hương Giang
Mong tìm lại tà áo ấy
Màu áo tím nay thấy đâu
Người áo tím nay thấy đâu
Dòng nước vẫn trôi cuốn mau

Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn
Người áo tím qua cầu
Tà áo tím phai màu
Để dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao”

(Trích “Tà áo tím”) (6)

Du Tử Lê

(Nguồn: Dutule’s Blog)

 

Bài Mới Nhất
Search