T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Quân: Vẫn Chuyện Con Thúy

 conthuy

Ảnh (Nguồn: Dân News)

            Con đường đến nơi làm việc của tôi khá nhiêu khê và mất thì giờ. Nhưng tôi cố tập cho mình không ngán ngẩm, khi nghĩ đến đoạn đường gập ghềnh ấy. Mà chỉ đặt ra chương trình “sinh hoạt” để tận dụng thời gian lông bông, bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, từ nhà đến hãng và trở về. Tôi tự phong mình là vận động viên Triathlon, phối hợp ba môn thể thao: đi bộ ngoài đường, ngồi trong xe lửa, đứng trong xe buýt. Biết đâu đây sẽ là hình thức Triathlon được ưa chuộng của thế kỷ 21. Sáng sớm, khi đầu óc còn tỉnh táo, tôi rút bài tập nhạc, học nốt, học kỹ thuật, đánh đàn trong trí. Một lúc sau, thấy bên trái, bên phải, đàng trước, đàng sau, nhiều hành khách gật gà, gật gù, tôi cảm thấy hình như mình cũng đôi con mắt ố mấy lim dim… Thế là tôi cất bài tập, mở nhạc trong điện thoại, ráng nhíp mắt, ngủ “nướng” vài phút trước khi vào hãng.

Một thứ sáu nọ, nhờ trục trặc nhỏ, một tình cờ đáng yêu, tôi đã thay đổi chương trình và có được những giây phút trở về dĩ vãng thật diệu kỳ. Khi cầm cây bút quẹt quẹt để mở nhạc trong điện thoại, tôi lại mở nhầm cửa Facebook. Vừa lúc đó, trong Facebook, hiện lên bài viết CON THÚY trong địa chỉ “nhà” của Thao Tran. Đọc điện thư, xem Facebook và liên lạc qua viber là những “công việc” tôi hoàn tất trong giờ nghỉ trưa. Lệ thường, mở nhầm cửa, chỉ cần đóng sầm lại, rồi tìm cửa khác mở. Nhưng Thao Tran là người anh họ của nhỏ bạn thân của tôi. Tựa đề CON THÚY nghe thiệt hấp dẫn. Thế là tôi mở rộng cánh cửa Facebook, bước hẳn vào “sân nhà” của Thao Tran. Tôi đọc say sưa, quên bẵng cái không gian chộn rộn của giờ đi làm theo nhịp sống công nghiệp chung quanh.

Theo từng dòng chữ của anh Trần Thảo, ký ức của mấy chục năm trước bỗng nhiên thật sống động. Này là tờ báo Tuổi Hoa với hình bìa có cô bé mắt thật to, tay cầm cọng cỏ. Kia là tờ Tuổi Ngọc với các thiếu nữ mình hạc, xương mai. Đây là Anh Chi Yêu Dấu của Đinh Tiến Luyện. Đó là Cô Bé Treo Mùng của Hoàng Ngọc Tuấn. Nào là Con Thúy, Thằng Vũ, Thằng Côn, Chương Còm… Đọc đến đoạn… “Thúy học cùng lớp với người em họ của tôi, dưới tôi một lớp. Và người anh của Thúy cũng là bạn của tôi.” Tôi nghĩ thầm, ủa, con Thúy nào mà có lý lịch giống mình quá vậy ta. Cách đây mấy năm, qua diễn đàn của trường Anh Văn IVS, tôi được đọc  nhiều bài thơ rất đẹp của anh Trần Thảo, anh họ của Quỳnh Lâm, nhỏ bạn thân của tôi. Tôi vặn vẹo:

– Ông anh mày làm thơ hay quá trời đất. Sao hồi giờ mày không kể cho tụi tao nghe hử?

Bạn tôi cười lỏn lẻn:

– Tại ổng sợ thơ lọt vô mắt tao, như đàn gảy tai trâu. Nên tao có biết đâu để khoe với mày.

Anh Lam của tôi có đôi lần nhắn, có liên lạc với H, cho anh gởi lời thăm. Tôi đọc tiếp, “Thúy nói giọng Huế nghe ngộ ngộ, hay hay.” Ô, vậy chắc CON THÚY là… con Thúy thiệt rồi.  Tôi vẫn chăm chăm nhìn vào màn ảnh nhỏ của điện thoại. Một phần, như có sự lôi kéo mình đọc thật nhanh. Một phần, lại muốn tiện tặn, như muốn đánh vần từng chữ, đọc chầm chậm, kẻo… hết. Tôi đang trong cơn mơ màng nhớ lại những ngày tháng thế kỷ trước, thì bị kéo về thực tế trần trụi, khi có tiếng báo trên loa phóng thanh của xe lửa. Frankfurt- Hauptbahnhof –  Endstation, Bitte alle aussteigen. Nhà ga chính của Frankfurt, trạm cuối. Yêu cầu mọi người rời tàu. Tôi ba chân, bốn cẳng nhập vào dòng người trên những thang cuốn để chạy sang cổng khác, đổi tuyến đường xe. Trên con đường còn lại đến hãng, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết CON THÚY. Tôi cảm thấy niềm vui nhẹ nhàng, đằm thắm. Vào văn phòng, tôi vẫn thấy lòng lâng lâng. Mặc kệ công việc bù đầu, bù cổ. Mặc kệ “mụ” đồng nghiệp cà chớn, ỷ ma cũ bắt nạt ma mới. Vào bếp pha cà phê, biết chỉ có một mình, tôi cao hứng hát nho nhỏ, Ô mê ly, mê ly đời ta. Được niềm vui bất ngờ vào thứ sáu. Quả là món quà đặc biệt cho cuối tuần. Giờ nghỉ trưa, tôi viết mấy dòng cám ơn anh Trần Thảo đã tặng cho món quà bất ngờ. Anh bảo, nghe cuộc sống “mới” của tôi vất vả quá. Nên thương cảm em gái, và viết theo xúc động của anh. Tôi thích CON THÚY, vì tôi là con Thúy. Nhưng suy cho cùng, ai trong chúng ta cũng vậy. Nếu là húi cua thì có lúc là thằng Vũ. Nếu là kịp tóc, thì có khi là con Thúy. Bởi vậy, tôi nghĩ, chắc nhiều người sẽ tìm thấy con Thúy của mình trong CON THÚYcủa Trần Thảo.

CON THÚY thân ái cầm tay tôi, dắt tôi về Quảng Ngãi của những ngày tháng đầu thập niên 70. Tôi đang những năm đầu của trung học đệ nhất cấp. Cách bên trái nhà tôi một căn, có tiệm tạp hóa Trung Tín. Người con trai út trong gia đình, anh Hiền, là bạn với anh Lam tôi. Chỉ là một gia đình láng giềng, chẳng có gì đặc biệt. Cho đến một hôm, anh Lam tôi đưa cho tôi cái hai bảng tên vải, bảo tôi thêu tên cho anh và cho anh Hiền. Chuyện thêu thùa đối với tôi khó khăn tựa như chuyện lấp biển vá trời. Học bạ của tôi, môn nào cũng được chữ “giỏi”, chữ “khá”. Riêng môn nữ công, lãnh chữ “kém” gọn ơ. Tôi không biết là ông anh tôi ngỡ tôi có hoa tay, hay anh Hiền nhờ thêu. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy mình có một sứ mệnh vô cùng quan trọng. Chăm chút mũi thêu đường thụt lùi mà lòng bâng khuâng, là lạ. Thêu xong, tôi đưa bảng tên cho anh Lam tôi, chứ chưa bao giờ nói chuyện với anh Hiền. Tôi không biết anh Hiền có dùng được bảng tên tôi thêu cho anh hay không. Sau đó, mỗi khi đi ngang nhà anh Hiền, tôi tự dưng có chút ngại ngùng, đôi khi vẩn vơ trong trí, không biết anh có “ngó” mình không. Thời gian ngắn sau, có các anh bạn khác lui tới với anh Lam tôi. Tôi không chú ý nữa. Tôi không còn quan tâm có “ánh mắt trông theo” hay chăng. Nhiệm vụ của tôi bây giờ là sưu tầm thơ tình, để dành sẵn. Mỗi khi anh tôi cần tặng cô nào, tôi cặm cụi chép theo đơn đặt hàng của anh tôi. Có khi tôi kiêm luôn dịch vụ chim xanh, đi trao thơ của ông anh cho các nàng thơ của chàng. Vả lại, chẳng biết tự lúc nào, những mơ mộng của tôi bắt đầu bay “xa”, bay “cao”.

Ở nhà sách của gia đình tôi ngày xưa,  những bản nhạc in rời kích thước DIN A4 là một trong những mặt hàng được ưa chuộng. Nhạc được xếp theo vần, treo trên các giây chăng ngang song song trần nhà. Bắt đầu là Ai Lên Xứ Hoa Đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Cuối cùng là Yêu của nhạc sĩ Văn Phụng. Khách hàng ngước lên nhìn, thích bài hát nào thì cứ giật xuống, đem đến trả tiền. Bài hát Thà Như Giọt Mưa có hình bìa là ca sĩ Duy Quang. Nền hình bìa màu nâu nhạt, tựa đề bài hát màu đỏ, phía dưới có hàng chữ Thơ Nguyễn Tất Nhiên, phổ nhạc Phạm Duy. Tôi thích bài hát ghê lắm. Nhưng không dám xin Mạ. Vì tuổi tôi thuở đó, theo lẽ thường tình, phải yêu Tuổi Mộng Mơ, nghe Thái Hiền ca em ước mơ mơ gì tuổi mười hai, tuổi mười ba…. Tuy là con nít, tôi mê mẩn… người từ trăm năm về ngang trường Luật... Mặc dù giữa trường Luật và con bé vừa vào trung học là quãng đường xa ngút ngàn. Lòng thổn thức khi nghe… Ta hỏng tú tài ta hụt tình yêu… Thỉnh thoảng, tôi phụ Mạ tôi xếp nhạc để chuẩn bị treo lên trưng bày.  Đã nhiều lần, khi xếp đến  bài hát Thà Như Giọt Mưa, tôi dừng tay lại, ngắm hình bìa bài hát lâu hơn… Lòng reo vui khi nghe “anh” Duy Quang ca Này cô em bắc kỳ nho nhỏ, này cô em tóc demi garcon. Rõ ràng bài hát không liên quan gì đến tôi, cô em “Huế kỳ”, tóc bum bê… Nhưng tôi thương bài hát, từ hồi bé tí, hồi hãy còn lâu mới đến tuổi mười sáu, cho đến khi gần bước vào tuổi sáu mươi, vẫn còn thương. Tôi tìm những tờ giấy đẹp, đem bút máy nắn nót chép nhạc, Em xưa còn thắt bím, nuôi dưỡng thêm ngây thơ,  Anh xưa còn lính quýnh giữa sân trường trao thư… Tôi đã thích chép thơ, chép nhạc từ khi còn rất nhỏ. Vì thích vậy thôi, chớ nào có phải là đúng tâm sự hay đồng cảm gì đâu. Một con bé hỉ mũi còn chưa sạch, thì làm sao hiểu được… hai năm tình lận đận, hai đứa già hơn xưa..

Buổi chiều cuối tuần, trời vẫn còn tươi nắng của ngày hè muộn. Nơi đây, ở Âu Châu, cách xa chốn cũ của thời thơ ấu hàng ngàn cây số, những ký ức của thế kỷ trước bỗng rộn ràng, tươi rói trong trí. Ngồi giữa cây cỏ trong vườn nhà, ngước nhìn trời xanh lơ qua kẽ lá của tàng cây táo, con Thúy ngày nay bâng khuâng, mơ màng. Có lẽ cũng như con Thúy ngày xưa, của hơn bốn chục năm trước, nó đang tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống. Cám ơn anh Trần Thảo, đã nhờ CON THÚY đem đến cho con Thúy những giây phút chạnh lòng như mới lớn.

Một món quà tuyệt vời, anh Trần Thảo ơi.

Hoàng Quân

Tháng Chín 2016

Trích trong bài thơ Nên Sầu Khổ Dịu Dàng của Nguyễn Tất Nhiên

….

Lỡ giòng đời tóc điểm muối tiêu

Còn đôi phút chạnh lòng như mới lớn

Phụ Lục:

CON THÚY

             Năm đó, tôi khoảng mười hai tuổi. Vào tuổi ấy, những bạn cùng trang lứa của tôi vẫn còn đang thích đọc tạp chí Tuổi Hoa của nhà văn Quyên Di. Nhưng cá nhân tôi, hình như tình cảm lãng mạn phát triển khá sớm, tôi mon men tìm đọc tạp chí Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh. Chỉ nghe cái tên Tuổi Ngọc, ai cũng hiểu nó dành cho những cô cậu vừa lớn tuổi teen, bắt đầu bước vào một giai đoạn đẹp nhất của đời người: Những chàng trai, cô gái, một hôm nào bỗng thấy hồn mình rung động vì một bóng hình.

Vì tiếp xúc với Tuổi Ngọc, nên tôi có dịp đọc những tác phẩm của nhà văn Duyên Anh. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, CON THÚY là truyện tôi đọc đầu tiên. Chính tác phẩm này để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất.

CON THÚY thật ra cũng chưa phải là một truyện viết về tình yêu đôi lứa. Bởi những nhân vật chính trong đó cũng ở vào khoảng tuổi của tôi lúc bấy giờ. Nhưng qua cách phân tích tâm lý tuyệt vời của Duyên Anh, ông đã cho người đọc hiểu được những thay đổi tâm lý sinh động của mấy cô, mấy cậu choai choai.

Không gian của truyện CON THÚY là tỉnh Thái Bình. Thời gian là khoảng đầu thập niên 40, khi người Nhật đảo chính, thay thế người Pháp, nắm quyền cai trị Đông Dương. Con Thúy và thằng Vũ, hai nhân vật chính của truyện, đã cho tôi cái cảm giác rung động thật sự, khi thấy hình ảnh chính mình xuất hiện trong những mẫu đối thoại, những ánh mắt ngại ngùng, những nhớ mong không đâu vào đâu của nhân vật chính. Có phải tôi cũng đã ở trong một quá trình thay đổi tâm lý để rồi sẽ từ từ trưởng thành?

Dĩ nhiên là như thế, nhưng vào thời gian ấy, với lứa tuổi nhóc tì, làm sao tôi có thể hiểu được? Tôi chỉ thấy mình mỗi ngày mỗi lạ, vậy thôi.

Rồi tôi cũng lớn dần theo ngày tháng. Khi tôi đã thực sự bước vào tuổi teen với những mơ mộng của một chàng trai mới lớn, truyện CON THÚY vẫn không phai mờ trong tâm trí của tôi. Chỉ là tâm lý của tôi bây giờ đã khác, nghe giống như ai đó viết “Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa nhưng linh hồn tôi không còn là linh hồn tôi năm trước”.  Tôi không còn giống như thằng Vũ ngày xưa của tỉnh lỵ Thái Bình. Tâm lý của tôi vào thời gian này được Huy Cận diễn tả rất gọn trong mấy câu thơ:

Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn

Tuổi hai mươi đến có ai ngờ

Một hôm trận gió tình yêu lại

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.

Tôi đã yêu và được yêu. Chuyện có từ thời Ông Adam và Bà Eva, chả có gì đáng nói. Tôi chỉ muốn nói đến một góc cạnh khác của đời mình, có liên quan đến CON THÚY của nhà văn Duyên Anh, khiến mỗi lần nghĩ đến, tôi đều cảm thấy một niềm vui nho nhỏ, dễ thương.

Năm tôi học lớp mười, khoảng niên khóa 74-75, tôi quen một cô gái tên Thúy. Thúy học cùng lớp với người em họ của tôi, dưới tôi một lớp. Người anh của Thúy cũng là bạn của tôi. Có lẽ những liên hệ này khiến tôi quen Thúy. Chứ thật ra tôi và Thúy chẳng có liên hệ gì, gặp nhau cười, chào nhau thế thôi. Thúy rất xinh. Khuôn mặt rất thanh tú, với mái tóc chấm ngang vai, và đôi mắt có màu xanh của những người rất thông minh, pha chút lém lỉnh. Thúy nói giọng Huế nghe ngộ ngộ, hay hay. Trước 1975, tôi chưa bao giờ đặt chân ra xứ Thần Kinh. Nên có thể nói giọng nói của Thúy đã cho tôi cái ấn tượng đầu tiên về miền đất của Hoàng Thành, rất gần về địa lý đối với xứ Quảng quê tôi, nhưng rất xa xôi đối với cá nhân tôi thuở ấy.

Sau năm 1975, xảy bao nhiêu dâu biển của một cuộc đổi đời. Trong khoảng hơn một năm sau đó, tôi vẫn còn thỉnh thoảng gặp Thúy trên đường phố xứ Quảng. Nhưng rồi bẵng đi một dạo, tôi không còn gặp lại Thúy nữa. Tôi không biết mà cũng không hề thắc mắc. Bởi vì tôi đối với Thúy như một người anh đối với cô em gái. Tôi không mơ mộng tình cảm gì với cô bé rất xinh này, nên cũng chẳng rầu rĩ hát ca khúc Thúy đã đi rồi.

Sau này, khi tình cờ gặp lại trên email, tôi rất vui khi biết Thúy đã định cư rất lâu ở Tây Đức. Qua đó, tôi mới biết khoảng thời gian tôi không còn gặp Thúy ở xứ Quảng, vì Thúy xuôi nam, vào Sài Gòn để học tiếp ở trong đó. Khi được người thân bảo lãnh qua Tây Đức, Thúy phải học lại chương trình trung học ở xứ người, rồi hoàn thành chương trình Đại Học, ra đi làm. Điều đáng nói là tôi rất phục cô bạn nhỏ này, khi biết Thúy giữ vai trò khá quan trọng trong sở làm của mình. Đấy là do tôi nghe ai đó truyền tai, chứ Thúy chả bao giờ khoa trương với tôi. Thúy còn là cây viết mà tôi thực lòng ái mộ. Những đoản văn, những hồi ức của Thúy về những khoảng đời đầy kỷ niệm ở xứ Quảng trước 1975, của tuổi học trò nhiều mơ mộng, những khó khăn chồng chất của cuộc sống gia đình sau cuộc đổi đời, và gần nhất là những nỗ lực không ngừng để đi học, đi làm ở xứ người. Những vui buồn của cuộc sống, Thúy đã gom lại trọn vẹn trong tập truyện BÔNG HOA TRÊN PHÍM, khiến người đọc có cảm tưởng như mình được tác giả dẫn dắt đi vào từng ngõ ngách của cuộc đời, hạnh phúc, khổ đau đủ cả.

Thúy kể tôi nghe nỗi buồn vời vợi của mình khi Mẹ Thúy qua đời. Bây giờ, chỉ còn lại ông cụ thân sinh. Gần đây Thúy rất vui dù phải dời chỗ ở, đổi công việc, với lý do duy nhất là Thúy muốn được về ở gần ông cụ, săn sóc, chăm nom cho thân sinh của mình. Mỗi ngày Thúy phải mất gần bốn tiếng đồng hồ đi, về để đến chỗ làm. Về tới nhà ngoài việc lo cơm nước, còn phải dành thời gian đưa ông cụ đi dạo một chút, thế nên Thúy không có thời gian cho FB hay trang mạng gì cả. Tôi thật sự xúc động khi nghe nỗi lòng của Thúy. Đó cũng là lý do tôi muốn viết về Thúy hôm nay.

Có thể là một trùng hợp tình cờ chăng? Tôi không biết. Chỉ biết là khi tuổi đời tôi chưa thực sự bước vào giai đoạn rung động của tình yêu, tôi đã yêu thích CON THÚY của nhà văn Duyên Anh vô cùng. Tôi còn nhớ bức họa CON THÚY, hình bìa của tác phẩm của Duyên Anh, là cô bé gương mặt bầu bĩnh, với hai bím tóc dễ thương. Còn cô em gái tên Thúy của tôi thì tóc chả bao giờ thắt bím, gương mặt trái xoan xinh đẹp, chả bầu bĩnh gì cả. Thúy của nhà văn Duyên Anh khi sợ đã thốt lên “Eo ôi thấy mà ghê.” Còn em gái tôi, ngầu lắm nghe, ánh mắt ấy cho thấy, dù có núi chặn trước mặt, thì cũng tìm đường quanh để mà đi. Anh chúc Thúy luôn an vui, Thúy nhé.

TRẦN THẢO

Tháng Chín 2016

 

Bài Mới Nhất
Search