T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Học Trò: Hồi ức về những ngày tháng đi tìm nhạc

 fav

Bạn,

Khi mới định cư tại Hoa Kỳ năm 1990, tôi bắt đầu tìm cách mua nhạc Việt để nghe. Lúc đầu là những băng cassettes, rồi sau này mua những tape đó lại với dạng CD. Thời đó có lẽ là thời điểm hoạt động mạnh nhất của các trung tâm âm nhạc hải ngoại như Diễm Xưa, Tình, Làng Văn, Thúy Nga, v.v. Thói đời cái gì mới, hay là bị cấm nghe ở quê nhà thì đương nhiên là phải tìm tòi, sưu tầm để nghe cho nó đã. Thế là tôi bắt đầu một cuộc du hành vào dòng âm nhạc trữ tình – nhạc Vàng – của miền Nam Việt Nam trước 1975, và dòng nhạc hải ngoại tiếp nối sau 1975.

Với vốn liếng nghe được, cảm thụ được từ quê nhà với các ban nhạc như ABBA, the Bee Gees, Cyndi Lauper, Madonna, Michael Jackson, Lionel Richie, George Michael,v.v. cái tai của tôi đã biết kén chọn, nhạc phải phối hay mới chịu nghe, cỡ như các bài Careless Whisper, Hello (của Lionel, dĩ nhiên, không phải Adele!), I Just Called To Say I Love You, Woman In Love, v.v. Khi mới định cư ở miền Đông Hoa Kỳ, gần thủ đô Hoa Thịnh Đốn, sáng nào tôi cũng phải đi xe bus học tại thành phố Alexandria, cách Arlington một giờ xe bus. Trong những ngày tháng đầu tiên đó, người bạn đồng “bus” với với tôi không ai khác hơn là cái Walkman với các tape nhạc của trung tâm Diễm Xưa. Có một tape nhạc tôi rất thích, có tên là Cõi Tình. Những tác giả Việt Nam như Trịnh Công Sơn (Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu), Đức Huy (Em Đi, Thoáng Mây Bay, Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố) đứng chỉnh chu bên cạnh các bài “nhạc ngoại” khác như Cõi Tình, Tình Đến Rồi Đi, Ngây Ngất Bên Anh. Càng nghe tôi càng chạnh nhớ quê nhà vừa thoát nạn, nơi tiếng Việt là tiếng nói hàng ngày, còn ở vùng đất mới này không dám mở miệng, nghe tiếng người ta thì cũng không kịp, mà nói ra thì cũng ấm ớ.

coitinh_khanhha

Từ khi “move” qua Cali cũng năm 1990, tôi bắt đầu “rị mọ” làm quen với nhạc hải ngoại. Khi đó, khu thương xá Phước Lộc Thọ đã rất sầm uất, có đủ món ăn chơi, riêng tôi thích nhất là một nhà sách (Văn Khoa) nay đã đóng cửa, và tiệm nhạc Bích Thu Vân nay đã đổi chủ. Một hai năm đầu thì mua cassettes, sau đó vài năm chuyển qua mua CD luôn. Càng viết tôi càng nhớ những thứ xa xỉ phẩm thời “tiền” internet, khi mà những bản nhạc hay bạn chỉ nghe được khi bạn mua được CD rồi sàng lọc lại, chứ đâu có download vô tội vạ như bây giờ. Kỹ thuật “burn” CD cũng chưa có, nếu muốn có một bộ sưu tập nhỏ thì phải thâu từ CD qua cassettes, làm gì có mp3 format. Nhưng có lẽ vì khó khăn như vậy, nên các tiệm như Tower Records hay Virgin Records, và các trung tâm âm nhạc mới có đất sống và phát triển mạnh mẽ. Sách vở cũng vậy, Borders, Crown Books. Những cái tên đó đã chìm vào dĩ vãng vì bị phá sản, bởi thời internet bằng cách nào đó đã làm họ không còn đủ khả năng cạnh tranh và kinh doanh.

Tôi hay la cà trong tiệm sách, tiệm nhạc nói trên để coi có gì hay rồi rinh về để nghe. Từ khi “kết” đĩa “Cõi Tình” nói trên tôi biết đến Khánh Hà, rồi từ từ là Lưu Bích, Anh Tú, Tô Chấn Phong. Tôi cũng mua được vài đĩa đặc sắc khác của trung tâm Diễm Xưa như “Dấu Vết Tình Ta” 1 và 2, các đĩa “Thái Thanh Hải Ngoại” 1 và 2, v.v. Qua “Dấu Vết Tình Ta” tôi làm quen với các tên tuổi Lệ Thu, Ngọc Minh, Thái Hiền, Julie, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Vũ Khanh. Rồi trong suốt mười hai năm sau đó tôi từ từ tìm mua các CD do người đứng đằng sau phụ trách phần hòa âm, anh Phạm Duy Cường. Một ngày đẹp trời tôi đánh bạo gọi anh qua phone, anh vui vẻ hẹn tôi ra quán ăn nói chuyện, hỏi thăm. Anh rất lịch sự, đàng hoàng, thật đúng như cách tôi suy nghĩ về nhạc của anh, nó cũng vậy, cũng chỉnh chu, tươm tất, đầy nội tâm. Có một lần lại nhà anh chơi, tôi kể hết về các đĩa của anh mà tôi sưu tầm được, rồi được anh cho thêm vài đĩa hiếm nữa. Tính ra tôi cũng có khoảng trên 60 đĩa, đa số là do anh hòa âm hết, có vài đĩa anh hòa âm vài bài thôi. Nếu bạn muốn biết CD nào có những bài gì, do ai hát, v.v. trong hình tôi kèm theo sau đây thì mời vô http://www.duycuong.com/ là sẽ thấy hết.

HoaAmDuyCuong

(Bộ sưu tập nhạc Phạm Duy Cường, thiếu 3 CD Minh Họa Kiều tôi quên bỏ vô vì chúng nằm trong bộ sưu tập chữ ký của nhạc sĩ Phạm Duy)

  1. Dòng nhạc Đức Huy

 Tôi biết đến nhạc Đức Huy từ khi qua Mỹ. Sau khi tìm và nghe gần hết các bản do nhạc sĩ tự hòa âm và do người vợ Thảo My hát (cũng như do các ca sĩ khác hát), tôi thích nhất hai bản cùa ông: Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành PhốEm Đi. Hai bản đều có trong dĩa Cõi Tình nói ở trên. Hai bài hát ấy, vì nghe lần đầu do người hát cũng mới, nhạc sĩ cũng mới, người hòa âm cũng mới luôn, nên rất “gây ấn tượng” (first impressions) trong tôi chăng?Nhạc hồi đầu 90, tôi để ý nó chậm, không có vẻ gì là vội vã hay chụp giụt. Giờ này mang vào xe cả collection chỉ với một cái usb stick để nghe, tôi thấy rõ ràng như vậy. Tôi nhớ lại những trưa hè nắng gắt ở Westminster đầu 90, lái xe qua những phố phường Bolsa, nó không đông và cũng không có gì là chụp giựt. Bây giờ đi làm về thì ráng tránh xa xa ba cái đường Euclid, Brookhust và Magnolia, vì ui chao ơi là kẹt xe, người ở đâu mà lắm thế. Có lẽ cũng đúng thôi, vì thế hệ tôi đã an cư lập nghiệp, sinh con đẻ cái, riêng vợ chồng tôi từ hai thành bốn, Vậy đó, dân cư sống quanh Little Saigon đã nhân lên gấp đôi, có gì mà thắc mắc??Nghe bài Em Đi có đủ lớp lang, intro, lặp đi lặp lại phiên khúc, điệp khúc, rồi chỗ nhạc solo mất 5 phút, rồi kết bài, chậm mà an nhiên. Phối nhạc thì cũng giàn nhạc nhẹ và giàn violon kéo những biến thể của motif “Em đi”. Tôi chỉ tiếc bài là “em đi”, mà Khánh Hà nỡ lòng nào sửa lại thành “mai anh đi” (Maianh đi rồi mây vẫn còn bay ) sau khi hát vài ba câu đầu, làm hư bột hư đường hết trơn! Em đi hay là anh đi? Rồi “người còn đứng đợi ” nghĩalà sao? Hai đứa mình đi hết thì còn chuyện gì để nói, ai còn ở lại để mà đứng đợi, ai vẫy tay, và ai cay mắt? Thiệt là phân vân (confused) hết biết! Nếu mới đầu nói là “em đi”, thì phải giữ nguyên như vậy, cả bài hát mới “chắc cú” (coherent). Sửa một chữ cũng không được, nhất là chữ đó lại là chủ thể “Em” của bài hát.

Đây là lời nhạc gốc, phiên khúc của nhạc sĩ Đức Huy:

Em đi, rồi cây cỏ buồn say
Em đi, rồi hoa lá sầu bay
Em đi, rồi tay gầy nào vẫy
Em đi, rồi đôi mắt nào cay 


Mai em đi, rồi mây vẫn còn bay
Mai em đi, rồi mưa vẫn còn rơi
Thôi xa rồi, sao người còn đứng đợi
Thôi xa rồi, xin người hãy buông lơi

Nghe nhạc: https://www.youtube.com/watch?v=a7cuoZC_SRo

Bản nhạc phối rất hay, vì những chỗ nghỉ lại là dịp để người hòa âm phô diễn tài nối kết các câu nhạc lại , thí dụ như Em đi < câu nhạc đối> rồi cây cỏ buồn say, hay là trong điệp khúc như Yêu em môi nồng hôn ấm còn vương < câu nhạc nối> Yêu em vai gầy tóc mây còn thương … Tôi so sánh bài này với các câu nối của bài The Winner Takes It All cùa ABBA, thì thấy nó có tác dụng (function) tương tự, làm cho bài nhạc chặt chẽ (coherent) hơn. Sau này, khi nghe các bài phối khác, tôi vẫn nhớ hoài tới bài này, với Em đi (re mi fa, fa sol larồi cây cỏ buồn say, v.v.

Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao tôi lại thích dòng nhạc Đức Huy trước những dòng nhạc khác, như Từ Công Phụng, Đăng Khánh, ngoài chuyện nó “đi qua đời tôi” sớm hơn hai dòng nhạc kia? Nay khi xem kỹ lại lời nhạc, tôi thấy đa số các bài hát, nhạc sĩ nêu lên một trường hợp, diễn biến cụ thể, hình ảnh thơ nhưng rõ ràng, chứ không tả nhiều về suy nghĩ nội tâm. Lấy bài Em đi làm thí dụ. Trong bài, người nam có đứng đợi, có xin người hay buông lơi, có mưa rơi và mây bay, tức là có một hình ảnh cụ thể. Đây cũng là cách làm lời của nhạc Tây phương cùng thời, tả cảnh tả tình với nhiều chi tiết. Để so sánh lối viết lời, ta thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có một bài nói về “em đi”, là bài Biển Nhớ:Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya” nghe nó bí hiểm hơn nhiều, vì vậy có lẽ tôi không có thích nhiều như bài “Em Đi” chăng?

Nói về nhạc Đức Huy, ngoài hai bài vừa kể trên, tôi còn thích những bài sau: Bay Đi Cánh Chim Biển, Cơn Mưa Phùn, Để Quên Con tim, Đừng Xa Em Đêm Nay, Đường Xa Ướt Mưa, Người Tình Trăm Năm, Khóc Một Giòng Sông, Màu Mắt Nhung, Một Tình Yêu, Nếu Xa Nhau, Như Đã Dấu Yêu, Phố Nhỏ, Thoáng Mây Bay, Tiếng Mưa Đêm, Trái Tim Ngục Tù, Và Con Tim Đã Vui Trở Lại, Và Tôi Cũng Yêu Em, Xin Một Ngày Mai Có Nhau, và Yêu Em Dài Lâu.

uotmua

Nhạc Đức Huy rất thích hợp với giới trẻ tuổi hai mươi, vì nhạc không ngây ngô như tuổi teenagers, mà chú tâm viết về tình yêu đôi lứa của lớp trên 20 tuổi, với những hình ảnh ngày thường, cụ thể. Chẳng hạn như trong Đường Xa Ướt Mưa, tác giả dẫn cớ đường xa để mong người yêu ở lại:

Em muốn anh đưa em về
Sao em không ở lại đây đêm nay
Vì đường xa ướt mưa
Đừng bắt anh đưa em về

trong khi thật ra thì:

Da em lụa là, tóc em xoã mềm
Lung linh trời sao sáng trong mắt em
Môi em làm thêm khó câu giã từ
Vì đường xa ướt mưa

Đức Huy cũng là một tác giả đã mô tả những giằng xé nội tâm của người nữ, hầu như chưa hề thấy trong các bài tân nhạc trước đó. Đáng kể nhất là bài Đừng xa em đêm nay:

Đừng xa em đêm nay hãy nói anh sẽ ở đây
Đừng để em một mình nơi chốn này
Hãy ôm em trong tay cho em biết anh cần em
Và hãy nói anh vẫn yêu em.

bản nhạc tự sự tiếp về những khát khao tình yêu:

Đời em vắng lạnh và anh đã đến như ngọn nến trong bóng đêm,
Nến trong bóng đêm soi vào tim em
Những xao xuyến đã ngủ quên.

rồi kết thúc bằng lời van nài “hãy ôm em, hãy yêu em”, cũng như phát ngôn bất cần đời, “que sera, sera”

Hãy ôm em trong tay cho em biết anh cần em
Và hãy nói anh vẫn yêu em
Hãy yêu em đêm nay cho quên hết đi ngày mai
Đừng xa em, đừng xa em đêm nay.

Đức Huy và ca sĩ Ngọc Lan cũng đã làm tôi rất chạnh lòng một lần rất xưa khi còn độc thân xa gia đình, rồi “lỡ” kết nhạc Ngọc Lan và nghe được bài Khóc Một Giòng Sông:

Không chi xót xa cho bằng thân phận người
Xa nhà sống một mình đơn côi.
Cũng may thời gian qua vun vút không như Sài Gòn


Nếu không tôi đã khóc một giòng sông.

Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài, nhớ cha, nhớ mẹ.
Nhớ anh, nhớ chị.


Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài, những chiều mưa tôi khóc.
Khóc một giòng sông.

Nhưng bài nhạc trên có lẽ là bài ủy mị duy nhất, vì các bài khác rất sáng sủa, thơ mộng, những hình ảnh đáng ghi nhớ của một đời người, như hình ảnh của một Màu Mắt Nhung:

Em về nơi ấy thiếu em vắng đi ngày vui
Này em yêu ơi dù cho cách xa nghìn trùng
Mong rằng em đừng quên, nơi đây có một người
Còn yêu em màu mắt nhung tuyệt vời.

hay là trong nhạc phẩm Để Quên Con Tim:

Buổi chiều sông Seine có gió lạnh về lập đông
Buổi chiều Cali cô đơn từng cơn rã rời
Từ ngày xa em thao thức trằn trọc từng đêm
Ngày rời Paris anh đã để quên con tim.

Tôi không có người yêu ở Paris, nhưng Paris luôn đọng lại trong tôi như một nơi chốn thân quen, với những phố phường hệt như Sài gòn xưa, với những tiệm sách và nhạc FNAC đi dễ khó về. Một lần tôi vào rồi bưng ra 15 cuốn Xì Trum, bị tụi em nó kêu “lớn già đầu còn coi ba cái truyện con nít”, làm tổn thương trái tim độc giả trung thành của báo “Thiếu Nhi” quá chừng chừng. Tuy vậy tôi cũng bỏ năm cuốn lại thôi, ráng rinh vể mười cuốn Xì Trum đầu tiên. May giờ dân Mỹ bắt đầu mê Smurfs lại, rồi sắp ra một phim mới Smurfs: The Lost Village, làm tôi “hả hê tinh thần chiến sĩ” vô cùng, sẵn sàng đi coi xiné với ma femme và hai nhóc tì.

untitled

  1. Ba Cách Thức Để Phát Triển Một Phiên Khúc   

Gần đây, tôi bắt đầu chú tâm lại trong việc học cách sáng tác nhạc, nói rõ hơn là các quy tắc phát triển một ý nhạc (motif). Tôi khá quen với dòng nhạc Đức Huy khi anh còn ở hải ngoại, chúng ta hãy thử tìm những cách anh dùng để phát triển một ý nhạc xem sao?

a. Dạng Hỏi-Đáp:

Trong Em Đi, ta thấy rõ ràng bài này thuộc về dạng mà tôi sẽ gọi là “Hỏi-Đáp”, toàn bộ phiên khúc rất chặt chẽ và đối xứng.

Motif: Em đi,
Đáp: rồi cây cỏ buồn say
Tịnh tiến motif: Em đi,
Đáp: rồi hoa lá sầu bay
Tịnh tiến motif: Em đi,
Đáp: rồi tay gầy nào vẫy
Tịnh tiến motif: Em đi,
Đáp: rồi đôi mắt nào cay

Sau khí cho một chặp những hòi-đáp thật đối xứng như vậy, sẽ rất thường tình nếu phiên khúc thứ hai cũng lặp lại “Em đi”, v.v. và v.v. Nhưng không, bạn thấy chỉ với một chữ thêm vào “Mai em đi”, nhạc sĩ đã tài tình làm “thư giãn” câu nhạc, làm nó không còn tù túng, đóng khung nữa. Nhấn mạnh vào chữ “mai” làm câu nhạc hơi hơi mất thăng bằng một tí với câu trước, chỉ một tí thôi, nhưng cũng đủ gọi là một biến thể, làm bài nhạc không còn đối xứng tuyệt đối. Bài nhạc trở nên thân thiện, gần gũi hơn, vì trên đời này có gì mà toàn hảo, tuyệt đối???

Hãy xem lại vị trí của chữ Mai và Thôi trong phiên khúc thứ hai.

Motif: Mai em đi,
Đáp:
Tịnh tiến motif:Mai em đi,
Đáp: …,
Tịnh tiến motif: Thôi xa rồi
Đáp:
Tịnh tiến motif: Thôi xa rồi
Đáp:

Một biến thể khác của lối khai triển hỏi-đáp như trên là bài Đừng xa em đêm nay, nhưng thay vì lời nhạc giữ nguyên, tác giả đã dùng những câu khác nhau, tuy vẫn giữ tựa bài ở chỗ “chiến lược” là đầu phiên khúc.

Motif: Đừng xa em đêm nay,
Đáp: khi bóng trăng qua hàng cây
Tịnh tiến motif: Đừng xa em đêm nay,
Đáp: đêm rất dài,
Lặp lại motif với lời khác: Vòng tay em cô đơn,
Đáp: đêm khuya vắng nghe buồn hơn
Rút ngắn motif: Con tim em,
Đáp: khát khao yêu thương …

hay là bài Nếu Xa Nhau, chúng ta thấy tác giả thay ba chữ “Nếu xa nhau” ở câu thứ hai thành hai chữ “Khóc em”, làm bài nhạc không có cảm giác cứng ngắc, thiếu sinh động:

Nếu xa nhau / anh xin làm mây thu
Khóc em / dài những tháng mưa ngâu
Mưa thu buồn / buồn đời anh bấy lâu
Gió thu sầu / hát bài ca nhớ nhau

Các thí dụ khác của dạng này là bài Xin Một Ngày Mai Có Nhau (Còn lại đây / một buổi chiều ướt cơn mưa, Còn lại đây/  sương mù đường vắng tiễn đưa …), hay là bài Trái Tim Ngục Tù (Anh đã gọi em / lời buồn chân mây, Anh đã chờ em / đến khi lá bay)

b. Dạng Tịnh Tiến Câu Nhạc

Ta còn thấy một loại khai triển khác, theo một motif nhất định cuả cả câu, rồi các câu sau tịnh tiến câu nhạc lên xuống, nhưng vẫn giữ nguyên tiết tấu. Tôi xin tạm gọi là dạng “Tịnh Tiến Câu Nhạc”. Tuy nhiên nhạc sĩ lại cũng “phá cách” bằng cách thêm hay bớt chữ. Bạn xem bài Thoáng Mây Bay sau đây, đa số từng câu là 3/3/3 nhưng nhạc sĩ bỏ vào 4 chữ lúc cuối, như câu đầu “một thoáng mây bay“, hay là “theo gió tha phương” sau đó. Trong phiên khúc 2, câu thứ ba, tác giả bỏ bớt một chữ thành “cho anh“.

Đời lênh đênh/ trôi giòng nước/ một thoáng mây bay.
Tình yêu ơi /xin dừng bước/chân heo may.
Ngày hôm qua / em ra đi/ theo gió tha phương.
Để lại những/ thương cùng nhớ /trên con đường.

Tìm vòng tay / trong cuộc sống/ từ bấy lâu nay.
Tìm quên lãng / trong rượu đắng /trong cơn say.
Người yêu ơi /cho anh/ thấy em cười.
Tình quay bước /xin tình yêu/ ghé vào đời.

Nếu không hát theo và chỉ nhìn lời thôi, ta thấy bài này na ná như bài “Nếu Xa Nhau”. Nhưng nếu hát theo, bạn sẽ thấy câu đầu của “Thoáng Mây Bay” có thể được coi là motif của bài, vì các câu sau là tịnh tiến của câu ấy. Còn trong “Nếu Xa Nhau”, câu đầu gồm phần hỏi/giả thuyết “nếu xa nhau”, và phần đáp/hệ quả: “anh xin làm mây thu”.

Ta thấy những bài nhạc đặc sắc thường hay nằm trong dạng này, hay là một biến thể của nó. Thí dụ khác rất đặc sắc là bài Để Quên Con Tim, trong đó motif phải là cả một câu đầu, chứ không chỉ là bốn chữ “gọi thầm tên em”:

Gọi thầm tên em / khi nắng / chiều nhạt ngoài sân
Trở về Cali / anh nghe / nhớ nhung giăng sầu
Từ ngày xa em / anh bỗng / trở thành lặng câm
Ngày rời Paris / anh hứa / sẽ quay trở lại

Viết tới đây, và sau khi đọc đi đọc lại, tôi thấy dạng thứ hai này cũng na ná như loại thứ nhất, nhất là trong nhạc Đức Huy! Nhưng nếu thử tìm thí dụ trong nhạc của một nhạc sĩ khác như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, bạn sẽ thấy ngay hai dạng hoàn toàn khác nhau. Điển hình nhất là bài Diễm Xưa, các câu sau là tịnh tiến của cả câu đầu tám chữ:

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu

hay là bài Hạ Hồng của nhạc sĩ Phạm Duy (chú ý câu cuối rút ngắn từ 7 thành 5 chữ với dung ý làm bài nhạc mất đối xứng):

Mùa hè đi qua như làn gió
Mùa hè trong ta đã đỏ hoe
Mùa hè đôi ta bốc lửa cháy
Lửa thiêu trái đất này

Mùa hè con tim đã toả nắng
Mặt trời trong ta đã ngồi cao
Mùa hè mưa rơi cũng đỏ máu
Và nhuộm hồng trăng sao.

c. Dạng Khai Triển Rộng

Sau cùng, tôi còn thấy một dạng nữa, không giống hai dạng trên. Đó là khi nhạc sĩ đưa ra một câu đầu, xong khai triển trên câu đó với độ dài ngắn khác nhau, cho đến khi hết phiên khúc. Dạng này tôi tạm đặt tên là Dạng Khai Triển Rộng. (Sở dĩ thêm chữ rộng là vì cả ba loại đều khai triển hết.)Thí dụ như trong bài Như Đã Dấu Yêu:

Motif: Trong đôi mắt anh em là tất cả
Khai triển motif: Là nguồn vui,
là hạnh phúc em dấu yêu
Nhưng anh ước gì
Mình gặp nhau lúc em chưa ràng buộc
Và anh

chưa thuộc về ai

hay như trong bài Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố

Motif: Mùa đông sắp đến trong thành phố
Khai triển motif: Buổi chiều
trời lạnh …
Heo may từng cơn gió
bước chân về căn gác nhỏ
Nhìn xuống
công viên…

Tất nhiên, câu thứ nhất không nhất thiết lúc nào cũng phải dài hơn câu thứ hai, như hai dẫn chứng vừa trên. Thí dụ như trong bài Bay Đi Cánh Chim Biển, câu đầu ngắn hơn các câu sau:

Motif: Bay đi cánh chim biển hiền lành
Khai triển motif: Chẳng còn giấc mơ nào, để giữ đôi chân em
Chẳng còn tiếng nói nào, để trách cứ em
Khi mặt trời đậu trên đôi cánh vỗ

hay như trong bài Một Tình Yêu:

Motif: Một người mãi đi
Khai triển motif: tìm nơi chân mây cuối trời
Trái con tim khờ dại
Chờ ngày tình yêu đến trong cuộc đời
Lần này người ấy muốn yêu
Yêu dài lâu mãi mãi
Lần này người ấy muốn yêu
Yêu một người mà thôi

Trong dạng thứ ba, vì hơi tự do hơn hai loại trước kia, nên trong nó cũng có thể có chứa hai loại trước trong khi nó đang khai triển bài nhạc, chưa kể nó còn có thể lặp lại theo cấu trúc nhạc, tuy không liền sát nhau. Ta xem lại thí dụ của Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố:

Mùa đông sắp đến trong thành phố
Buổi chiều
trời lạnh …

Heo may từng cơn gió
bước chân về căn gác nhỏ
Nhìn xuống
công viên…

sẽ thấy “buổi chiều, trời lạnh” có sự đối xứng, lặp lại với “nhìn xuống, công viên“. Đây có thể được coi là một biến thể của dạng tịnh tiến (loại 2 đã xếp loại ở trên) chăng?

Bạn thấy là tôi chỉ định dạng phiên khúc thôi, chứ chưa đả động gì đến điệp khúc. Thiển nghĩ, điệp khúc được tạo ra vì nó hoặc là nguồn, hoặc là hệ quả của phiên khúc. Nói cách khác, nếu nhạc sĩ viết điệp khúc trước, thì phiên khúc được viết sau, phụ họa cho điệp khúc. Còn nếu phiên khúc được viết trước, thì điệp khúc làm nhiệm vụ tương phản phiên khúc, cũng như làm bài nhạc trọn vẹn.

Trong Bay Đi Cánh Chim Biển chẳng hạn, ta thấy phiên khúc đặc sắc hơn rất nhiều so với điệp khúc. Mà thật ra đoạn ấy chỉ có thể được gọi là đoạn nối (bridge) giữa các phiên khúc.

Phiên Khúc: Theo tiếng hát của người thủy thủ
Lượn trên sóng vỗ về ghềnh đá chim bay qua
Lang thang cánh gió chiều buồn trắng men san hô
Đất trời rộng sao em không bến đỗ

Bridge: Giấc mơ của tôi và cánh chim hải âu
Bay ra khỏi tầm tay và tiếng sóng

Tới đây, ta thấy bật ra một vấn đề khác. Trong bài nhạc chỉ nên có một đoạn hay nhất mà thôi, hoặc phiên khúc hoặc điệp khúc? hay cả hai đều phải cực hay hết??? Vậy thì chúng sẽ tranh giành (compete) với nhau?

Tôi liên tưởng đến bài Yesterday của The Beatles, cả phiên khúc lẫn điệp khúc đều rất hay! Vậy đâu là bí quyết để nó có thể tồn tại trên 50 năm nay rồi???

Tôi nghĩ, phân loại sơ thành ba loại như vậy có hai lợi ích. Thứ nhất, người nghe không thôi mà muốn tìm hiểu thêm về nhạc thì có lối đố nhạc, hát một bài lên rồi tự đố xem bài này thuộc dạng nào. Thứ nhì, với người muốn viết một bài nhạc như tôi cũng dễ khai triển hơn. Ví dụ như tôi có một cái motif hay, bây giờ tôi có ba chọn lựa để khai triển, không như trước kia tới Ngã Sáu Phù Đổng Thiên Vương không biết rẽ hướng nào đi tiếp!

Nếu bạn đọc muốn tìm thêm các chi tiết để làm sao khai triển bài nhạc từ motif, xin xem tiếp bài này “Cách Phát Triển Giai Điệu Trong Nhạc Phạm Duy” tôi soạn ra năm 2009.

https://hoctroviet.blogspot.com/p/ay-la-phan-1-ban-html-lay-tu-ban-goc.html

3. Các Dòng Nhạc Khác

Như tôi đã kể ở phần trước, tôi sưu tầm được trên 60 CD những gì anh Duy Cường đã phụ trách phần hòa âm ở hải ngoại. Có rất nhiều CD về nhạc Phạm Duy mà tôi thích và đã kể ra trong một số bài viết trước đây. Ngoài ra, tôi còn đặc biệt thích bốn CD sau:

  • Dù Nghìn Năm Qua Đi – Tình Khúc Đăng Khánh với tiếng hát Tuấn Ngọc,
  • Giọt Lệ Cho Ngàn Sau – Tình Khúc Từ Công Phụng cũng với tiếng hát Tuấn Ngọc,
  • Trở Về Mái Nhà Xưa – Tiếng hát Thiên Phượng
  • Đá Xanh – Tình Khúc Lê Uyên Phương và Trịnh Công Sơn – Tiếng hát Thiên Phượng

 

fav

Các CD trên đều toàn là những bài từ hay cho đến rất hay, nội dung của từng CD rất đồng nhất. Anh Tuấn Ngọc, chị Thiên Phượng và anh Duy Cường đã giới thiệu đến với tôi hai nhạc sĩ xuất sắc của Tân Nhạc Việt Nam là Từ Công Phụng và Đăng Khánh, cũng như giới thiệu them những bài nhạc hay khác của các nhạc sĩ Lê Uyên Phương và Trịnh Công Sơn.

Thật đáng tiếc tại thời điểm tôi viết bài này (4/2017), trang nhà Lê Uyên Phương đã không còn tồn tại nữa, nhưng còn một trang về nhạc sĩ Đăng Khánh vẫn còn hoạt động mạnh mẽ. Bạn đọc có thể download những bài nhạc hay mà tôi rất yêu thích trong trang sau:

https://dangkhanhmusics.com/music/musicsheets/

Mười bài mà tôi muốn liệt kê trong CD Dù Nghìn Năm Qua Đi ở đây là:

Đêm Trăng Khuya
Ta Muốn Cùng Em Say
K. Khúc của Lê
Dù Nghìn Năm Qua Đi
Cánh Hoa Xưa
Mắt Em Vương Giọt Sầu
Yêu Dáng Em Xưa
Hạt Mưa Bay Cuối Đời
Lệ Buồn Nhớ Mi
Cung Đàn Xưa

Rất khó phân tích và không công bằng cho Nhạc Đăng Khánh nếu tôi nói về nhạc của ông một cách sơ sài, vội vã. Tôi nghĩ ông học sâu về các luật hòa âm, nghiên cứu nhiều về nhạc cổ điển, v.v. và chúng thể hiện rất rõ qua cách đặt câu rất thơ và trang trọng. Chẳng hạn như trong bài Cánh Hoa Xưa – câu motif mười chữ (loại hai) thong thả đặt vấn đề, cung nhạc biến đổi, rồi những câu kế tiếp khoan thai, để rồi kết bài với một hạ cánh xuống chủ âm thật dịu dàng. Nét nhạc câu cuối thật sang cả “Cánh hoa xưa với vòng tay cũ, đã xa muôn trùng”, trở về nốt chủ âm Do – khẳng định cái sự “đã xa muôn trùng” này là chắc chắn rồi, khỏi cần bàn cãi gì nữa, nhưng sao ta vẫn còn nghe đâu đây nỗi tiếc nuối khôn nguôi. Cách đặt hợp âm cũng thật điệu nghệ với những B+, AbMaj7, G+ xen lẫn với các hợp âm phức tạp khác nhưng được đơn giản hoá thành “slash chords” như Eb/Bb, Dm7(b5)/Ab.

canhhoaxua

Trích bài Cánh Hoa Xưa – https://dangkhanhmusics.com/2012/02/12/musicsheet-canhhoaxua/ –

(tác giả giữ bản quyền)
Tôi còn định viết nhiều nữa về những bước đi tìm âm nhạc tại hải ngoại, nhưng vì bài viết này có lẽ cũng đã khá dài, có lẽ tôi nên tạm dừng bút. Hen gặp lại bạn ở bài viết kế tiếp.

Học Trò
Viết xong ngày 3 tháng 4 năm 2017
Blog: https://hoctroviet.blogspot.com

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search