T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hồng Lĩnh: Cuối đời một người lính (Trích KẺ LẠ – Chương 8)

Khuôn mặt người lính – Tranh: Thanh Châu

[Giới thiệu: Cuối đời một người lính là tên tạm đặt cho một chương (Chương 8) trong truyện dài “Kẻ Lạ” của Hồng Lĩnh, một cây viết trăn trở khá nhiều về những vấn đề của thế hệ đi trước mà tuổi thơ của cô ít nhiều đã kinh qua và không thể không chia sẻ. TV&BH giới thiệu trích đoạn này cùng với phần diễn đọc audio của chính tác giả, vì như lời tác giả, cô muốn gởi đến thế hệ những người lính VNCH nhân kỷ niệm Ngày Quân Lực 19-6 lần thứ 57 (19-6-1965  –  19-6-2022) một lời tưởng nhớ và ghi ơn.]

TV&BH

(Bấm vào đây để nghe phần diễn đọc “Cuối đời một người lính” của chính tác giả).

Cô bạn mà tôi có thể nói chuyện thoải mái và vui vẻ trong ngôi trường tiểu học cũng có thể nói là khá gần gủi với tôi và cũng là người mà tôi có thể ngồi ăn trưa và đùa với nhau vài câu nói mà không phải e dè, đó là cô giáo Vicky lớp Một hôm nay bị bệnh, hiện đang nằm trong nhà thương. Vì thế, hôm nay không có cô giáo chính đứng lớp, tôi cảm thấy mình cũng không bận lắm cho nên cùng với cô giáo trợ giảng sau khi làm bài và giảng bài theo giáo án mà Vicky để trên bàn và để giữ cho bọn nhóc ngồi yên bằng cách cho chúng vẽ hình và phần thưởng là các cây kẹo mút trong lọ để trên bàn học của Vicky. Sau khi phát bài tập về nhà, đợi tiếng chuông reo báo hết giờ, chúng tôi theo bọn trẻ ra khỏi lớp và giao cho người chịu trách nhiệm giúp trẻ lên xe trường hay đưa chúng ra cổng trường để người nhà đón, tôi bước ra ngoài bãi đậu xe ghé mua một bình hoa để ghé thăm cô vì nghe cô giáo trợ giảng cho biết là Vicky đang hồi phục và có thể vào nhà thương thăm cô bạn thoải mái.

Bước vào bệnh viện, không khí yên lặng khác hẳn với ngôi trường vào giờ ra về ồn ào vì tiếng cười đùa ầm ĩ của bọn trẻ con hồn nhiên, tôi có cảm nghĩ là tôi vẫn yêu thích cái không khí trường học ồn ào ở giờ ra chơi, hay ăn trưa hoặc lúc ra về đều mang theo sự thoải mái của sức sống trẻ của đám học trò nhỏ ngây thơ và hồn nhiên chứ không giống như cái khung cảnh trầm lặng đầy lo lắng của nhà thương với những khuôn mặt mệt mỏi, lo âu về số phận của chính mình hay của người khác.  Hỏi số phòng của Vicky từ cô trợ giảng, tôi đi theo hành lang đến thang máy dành cho dãy building của trạm hồi sức.

Lướt qua những chiếc xe lăn có người trợ tá đẩy hay những chiếc giường có bệnh nhân đang nằm trên đó, phần lớn là họ nhìn lên trần nhà với vẻ mặt xanh xao và tiều tụy, cố gắng chịu đựng căn bệnh đang hành hạ khiến cho tôi khi bước qua cũng chậm lại để cho chiếc xe đi trước bởi vì tôi thì còn thời gian nhưng họ có thể là không. Nghĩ đến đó tôi bỗng cảm thấy mối thương cảm dâng lên vì có thể trong đêm nay, có người sẽ không còn tồn tại ở cái thế giới đầy lưu luyến này. Giống như những bông hoa trên tay đang tươi tắn nhưng vài ngày sau cũng sẽ tàn úa và cuộc sống cứ như thế mà tiếp diễn trong nhà thương này là có kẻ vừa sinh ra thì cũng có người phải chết. Mọi thứ cứ thế mà xảy ra như một tuần tự của luật tạo hóa dành cho con người.

Vicky đón tôi với nụ cười khá tươi, cô nàng nhìn có vẻ khá hơn tôi nghĩ, nhìn cô đang nhăn mũi và khôi hài như thường ngày, đã làm tôi yên tâm và để lại sau lưng cái cảm giác ray rứt khi thấy nhiều người bệnh vừa rồi.

-Tớ đang đi nghỉ hè, ngủ thoải mái và không phải làm gì cả, rất sướng!  Cô nàng nói

-Thế ư, bạn làm cho cả nhóm giáo viên lo lắng.  Tôi cũng trêu cô ấy lại.

-Sao lại lo lắng chứ? Vì họ thương nhớ tớ hả, cũng phải! Vì tớ còn chưa làm xong đề án của lớp Một phần bài tập ứng dụng mới ha ha.  Vicky cười lớn.

-Có lẽ thế nhưng họ không muốn chia thêm học trò của bạn vì bạn vắng mặt hơi lâu đó.  Tôi nói.

-Yên chí đi ngày mai nhà thương sẽ tống cổ tớ ra khi họ biết là cơ thể của tớ đã bình thường, cái stroke nhỏ xíu này chưa thể quật được tớ…Vicky nhún vai cười nói.

-Thế thì tốt rồi tớ không muốn ăn trưa một mình, và hoa của cậu đây, nhận nhanh rồi mình còn đi về để cho Apple ra ngoài đi vệ sinh nữa.  Rất vui khi biết cậu đi nghĩ hè và trở về bình yên.  Tôi nháy mắt và ôm cô bạn dễ thương và chào ra về.

Khi tôi bước ra cửa thì gặp cô y tá người Á châu khá trẻ và xinh xắn, cô mỉm cười chào thân thiện và hỏi tôi bằng tiếng Anh giọng chính hiệu Mỹ quốc:

-Cô là người Việt Nam phải không?

-Vâng, còn cô? Tôi hỏi

-Tôi cũng là người Việt nhưng tôi không thể nói tiếng Việt.

-Ồ ra thế.  Tôi nói.

-Cô có thể giúp tôi một chút không? Cô y tá tên Anna Le, tôi đọc được trên tấm thẻ bệnh viện đeo trước ngực cô nói.

-Nếu trong khả năng, tôi sẽ làm.  Tôi trả lời.

-Trong phòng chăm sóc đặc biệt, có một ông cụ người Việt vừa chuyển đến từ phòng cấp cứu, ông ấy không thể nói tiếng Anh, mà lại không có thân nhân thăm, giờ này những người làm thông dịch nhà thương đã đi về hết, cho nên tôi muốn giải thích cho ông ấy một chút về cách sử dụng những phương tiện trong phòng, cô giúp tôi chừng mười phút để nói chuyện với ông ấy nhé.  Trông ông ấy thật tội.  Anna nói.

-Được tôi sẽ làm, nào chúng ta đi nhé.  Tôi sốt sắng nói.

Chúng tôi đi suốt hành lang và sau đó rẽ ngang qua một căn phòng ở bên dãy ngược chiều của dãy lầu của Vicky, dãy lầu dành cho những bệnh nhân bị ung thư.

Tôi nhìn tấm bảng, và quay lại nhìn Anna, cô y tá trẻ đọc được ánh mắt ái ngại của tôi liền gật đầu và nói

-Ông ấy không còn nhiều thời gian nữa.

Tôi cắn môi và chúng tôi bước vào một căn phòng khá tối và yên lặng.

Cô y tá bật đèn lên và chào người bệnh:

-Xin chào ông, ông có khỏe không?

Tôi nhìn qua tấm chăn che kín thân thể người bệnh đang nằm nghiêng, mặt đang hướng về khung cửa tối đen không có ánh đèn, ông ấy vẫn im lặng và không quay người để nhìn chúng tôi.

Anna nhìn tôi và gật đầu như cần tôi lên tiếng.

-Chào bác, bác có khỏe không? Tôi nói và vẫn đứng yên tại vị trí của mình.

Người bệnh quay người lại để tìm người vừa nói với mình bằng tiếng Việt.

-Cô có thể nói tiếng Việt? Cô là người Việt Nam?  Ông hỏi.

-Thưa vâng, cháu là người Việt, bác có cần gì không ạ?  Tôi lễ phép nói.

-Tôi chỉ cần cô nói cho tôi nghe, tôi muốn biết là khi nào tôi chết?  Ông nói nhỏ và âm thanh nghe rất khàn đục.

Tôi dịch lại cho Anna nghe, cô ấy nhờ tôi nói lại cho người bệnh.

-Chúng tôi không thể nói bao giờ, chúng tôi đang cố gắng chạy chữa cho ông bằng hết sức của mình.  Ông hãy yên tâm mà tin tưởng chúng tôi.  Hãy cho chúng tôi biết là ông cần gì không? Ông có thể sử dụng được cái remote để mở tivi, hay gọi y tá lúc ông cần, nâng giường lên xuống cho tư thế nằm hay ngồi được thoải mái…cô y tá Anna nói.

-Tôi không cần gì hết, tôi chỉ muốn biết là chừng nào tôi mới được về lại viện dưỡng lão? Ông thở dài hỏi.

-Ông sẽ phải ở đây để bác sĩ điều trị cho ông, khi nào bác sĩ thấy tình trạng của ông đã khá hơn thì sẽ cho ông về.  Anna kiên nhẫn giải thích.

-Cám ơn cô y tá. Ông quay sang tôi nói: “cô có thể ngồi với tôi một chút được không? Tôi muốn được nói chuyện với cô”.

-Vâng, thưa bác được ạ.  Tôi nói với người bệnh.

-Cô hãy kéo cái ghế ở cạnh cửa sổ và ngồi ở đây.  Ông đưa bàn tay gầy gò ốm yếu chỉ vào chiếc ghế rồi chỉ vào cạnh giường của ông.

Tôi làm theo lời của ông và ngồi xuống. Cô y tá Anna bước ra ngoài và coi lại hồ sơ bệnh án của ông cụ trên kệ tường, hý hoáy ghi chép cho nên chúng tôi hoàn toàn được tự do nói chuyện.

-Cám ơn cô, ở giờ phút cuối cùng này gặp được một người Việt Nam để mà nói chuyện thì quả là thật may mắn.  Ông nở một nụ cười héo hắt trên khuôn mặt gầy gò, hốc hác và đầy mệt mỏi.

-Vâng thưa bác, cháu có thể làm gì cho bác ạ?  Tôi nhìn ông và hỏi.

-Cô không phải làm gì cả, chỉ lắng nghe tôi nói, vì lâu lắm tôi chưa hề gặp người Việt Nam để mà nói chuyện vì từ lúc tôi bệnh là phải vào viện dưỡng lão thì tôi không còn có dip để nói tiếng Việt nữa cô ạ.  Tiếng Anh thì yes yes, no no không hiểu gì cả.  Tôi tên là Quang, Nguyễn văn Quang là một người lính Việt Nam Cộng Hòa, nói chung là một sĩ quan, chỉ cấp úy thôi, sau khi miền Nam lọt vào tay Cộng sản thì gia đình tôi tan nát, tôi vào tù, vợ tôi bỏ đi lấy cán bộ, con gái tôi bị hiếp và tự tử chết, con trai tôi đi nghĩa vụ và cũng bị bom Trung quốc nổ chết banh xác ở biên giới Việt Trung.  Tôi ra tù đi theo diện HO qua Mỹ, đi làm được vài năm thì không còn sức lực nữa, đi khám bệnh thì họ nói tôi bị hậu chấn của chiến tranh và những năm trong tù của Cộng sản, chúng đánh và hành hạ dữ quá.  Nhưng tôi nghĩ tôi bị bệnh là vì tôi không còn niềm vui sống nữa, người thân của tôi như cha mẹ thì cũng chết ở kinh tế mới vì gia đình tôi là loại ngụy gộc, các anh em tôi và họ hàng ai cũng đi lính quốc gia hết.  Sống ở xứ mình thì bị bạc đãi, ở xứ người thì lạnh lẽo cô đơn.

Tôi biết mình cũng không còn sống bao lâu nữa, tôi cũng không ham sống và cũng chẳng sợ chết, tôi chỉ thấy mình thiếu kiên nhẫn là cứ phải chờ đợi cái ngày mình nhắm mắt ra đi, mỗi ngày qua tôi thấy thật vô vị cô ạ.

Mỗi buổi tối trong giấc mơ, có khi tôi thấy hai đứa con mà tôi yêu thương nhất đang cùng tôi vui đùa, tôi nghe chúng gọi ba ơi là tôi vui lắm, rồi sau đó tôi thấy chúng là hai xác chết thật thê thảm, chằng toàn thây và chẳng toàn thân rồi tôi nằm mơ thấy những trận chiến của mấy mươi năm trở về, tôi thấy đồng đội mình ngã xuống, tôi thấy máu mình cũng chảy, tôi thấy những vết thương của mấy chục năm vẫn còn đau đớn như mới vừa bị thương ở đêm hôm qua, tiếng súng đạn nổ bên tai và tôi thấy mình lăn lộn trên xác chết của chiến hữu mình, tôi thấy mình gào thét và khi thức dậy nước mắt của tôi đầy mặt cô ơi.

Nghe tiếng thút thít, sụt sùi của ông, tôi đặt tay lên tay ông, ông co người lại và che mặt mình bằng đôi bàn tay gầy gò xương xẩu.  Ông ấy đang khóc.

Tôi ngồi yên lặng giữa tiếng nấc của một người bệnh nặng sắp từ gĩa cuộc đời nhưng vẫn còn mang theo bao nhiêu phiền muộn của một người đã mất tất cả, những cái chết thảm của con cái, của bạn bè và hậu chấn của chiến tranh, một bi kịch cho nạn nhân, nhân chứng và cũng là kẻ đồng phạm trong cuộc chiến mà hồi kết là sự bất ngờ đầy phẫn nộ vì bị phản bội.

Ông Quang lấy tay quẹt nước mắt vụng về như một đứa trẻ, ông vẫn miên man kể:

-Tôi bị lầm lẫn giữa giấc mơ và sự thật, trong một góc ý thức, tôi có sự phản kháng của nhận thức là tôi không tin mọi việc trên đời xảy ra là sự thật, cô có biết là tình yêu rất quan trọng đối với tôi, tình yêu gia đình, tổ quốc nó nặng nề trong trái tim của tôi nè cô, nó làm tôi đau đớn và khốn khổ vì tôi không còn có thể yêu nữa, tôi đã phải rời khỏi mảnh đất nơi mình sinh ra và bỏ cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc cá nhân để bảo vệ nó nhưng rồi nó cũng mất, vợ của tôi là mối tình đầu và cũng là mối tình cuối của tôi đó cô, cô ấy đẹp, thông minh, sắc sảo và là báu vật của tôi cũng như của những chàng trai theo đuổi và ao ước có được. Tôi những tưởng là mình đã có tất cả những thứ mình muốn, hai đứa con xinh xắn, thông minh ngoan ngoãn chúng làm cho trái tim của người cha hân hoan, hạnh phúc khi ôm chúng trong tay nhìn chúng lớn lên từng ngày, cho dù xa xôi tôi cũng cố gắng dành ngày nghỉ phép về thăm gia đình. Vợ đẹp con khôn là hai thứ mà một người đàn ông yêu gia đình như tôi đã từng có và rồi sau đó chiến tranh chấm dứt trong miễn cưỡng, trong sự ép buộc cùng với việc bị đồng minh bỏ rơi và phản bội, người thắng trở thành thua, người hùng trở thành kẻ phản quốc và phải vào tù.  Có một nghịch lý nào đã biến mọi thứ vinh quang trở thành tủi nhục, chúng tôi mất hết, tự do, nhân phẩm, lý tưởng và trở thành những thây ma biết thở.

Tôi hận người đàn bà tôi yêu đến nghẹt thở, cô ấy bỏ rơi tôi và là nguyên nhân cái chết của đứa con gái, bố dượng hiếp con của vợ, con bé đẹp và thanh cao như một thiên thần luôn được dạy dỗ về sự tự trọng và tiết hạnh đã không chịu được tủi nhục cho nên đã cắt cổ tay mà tự tử.  Lá thư của con bé để lại đã thức tỉnh bà mẹ và cô ấy đã nỗi điên đến độ muốn giết tên chồng đê tiện.  Và sau đó chúng đã tống cô ấy vào nhà thương điên và chích thuốc cho đến chết.  Tôi nghe được chuyện người họ hàng nhà tôi kể lại là vì tên cán bộ độc ác đó đã đe dọa là sẽ làm hại con tôi nếu cô ấy không lấy hắn ta.  Nhưng sau khi chiếm được thân xác của vợ tôi hắn lại giở trò đốn mạt ấy với con gái của tôi.  Và cả gia đình tôi cô ơi, đều chết thảm.

Tiếng khóc không còn, nhưng ông Quang vẫn còn run lên bần bật vì sự xúc động, tôi đứng lên tìm trên bàn ly nước đưa cho ông để ông có thể trấn tĩnh được cơn xúc động đang dâng trào.  Ông vẫn nằm đó co ro nhưng một đứa trẻ yêu đuối chỉ biết ôm mặt khóc khi bị bắt nạt.  Bi kịch của chiến tranh vẫn kéo dài hơn bốn mươi năm và hậu chấn của nó chỉ chấm dứt khi nạn nhân bị mất đi ký ức.  Số phận của nạn nhân PTSD* thật đáng sợ.

Tôi bước đến gần ông Quang, ông đã chìm vào giấc ngủ, tôi kéo mền đắp cho ông và bước ra ngoài.  Hành lang về đêm vắng vẻ, người y tá đang cúi đầu đọc trên những hồ sơ, có tiếng ho yếu ớt đâu đó trong căn phòng tối, người y tá đứng trước cánh cửa với một chiếc xe đẩy có các dụng cụ đo huyết áp hay tim và những hồ sơ ghi chú về tình trạng của bệnh nhân.  Không gian giữa cái sống ngặt nghèo và cái chết đến từ từ trong hy vọng và thất vọng đến tuyệt vọng.  Tôi vẫn bước đi như một kẻ mộng du giữa những chấn động của câu chuyện từ một cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thảm kịch của những người thua trận và mất đi mọi thứ mà họ yêu quý.  Tôi thấy lòng mình nặng trĩu như đang chuyên chở những giọt nước mắt đau khổ của một bệnh nhân già không còn sống bao lâu nữa vẫn không thể bình thản ra đi vì cuộc đời của họ quá bi thảm.

Thư từ Mỹ Linh:

Federik thân mến.

Tôi biết là chỉ có ông mới có thể lắng nghe tôi nói về những chuyện vui buồn mà tôi đối mặt mỗi ngày, ông có biết không đêm nay tôi đã không thể ngủ được vì trong một sự tình cờ tôi đến giúp một người bệnh trong việc thông dịch, ông ấy là một ông già có một quá khứ quá thê thảm cả gia đình của ông ấy đã chết một cách kinh khủng, không phải vì chiến tranh mà là nạn nhân của cuộc hậu chiến, những kẻ chiến thắng vô loại đã tàn hại gia đình của ông ấy.  Ông không còn sống bao lâu nữa vì căn bệnh ung thư đã đến giai đoạn cuối cùng.

Tôi đã từng nghe những câu chuyện của người cựu chiến binh Hoa Kỳ, cũng tàn khốc và đã để lại cho tôi nhiều ray rức, nhưng qua câu chuyện tối nay tôi mới thấy là sự chịu đựng khủng khiếp của những người lính Việt Nam Cộng hòa không phải là ít. Nó là sự chết khi người ta đang còn sống, dễ sợ quá.

Thư hồi đáp từ Federik:

Cô lại buồn nữa rồi, hãy giao cho tôi gánh nặng và những điều trăn trở của cô, tôi sẽ nhận nó và trả lại cho cô sự thanh thản thường ngày.

Mỹ Linh thân mến, người bệnh nhân lớn tuổi mà cô đã gặp, chắc ông ấy đã coi trọng sự có mặt của cô để có thể tâm sự với cô những điều mà ông ấy không thể nói cùng ai. Tôi cũng tin rằng ông ấy không muốn phụ lòng tốt của cô để cô phải trăn trở mang theo mình gánh nặng của ông ấy về những ký ức của bi kịch đời ông mà ông ấy đã giữ trong lòng bao nhiêu năm, nó giống như một đoạn phim cứ lập đi, lập lại trong giấc mơ mà những người cựu chiến binh nào đã bị tình trạng PTSD đều có, khi ông ta kể cho cô nghe và cô sẽ thấy ông được nguôi ngoai vì đã trút ra được những trăn trở, những đau đớn, nuối tiếc cũng như thù hận chất đầy trong lòng vì thế họ không hề cảm thụ được hạnh phúc hay nỗi vui sướng thường ngày bởi vì họ đã không còn cảm giác vui sống nữa. Có một điều mà tôi biết đó là hậu chấn chiến tranh của các cựu chiến binh sẽ trở nên tệ hại và kinh khủng hơn nếu họ còn là tù nhân và bị bại trận.

Cô đã làm rất tốt cho việc thiện nguyện không chủ đích này, cô đã ở bên cạnh ông lúc ông cần có người để chia sẻ, cô đã mang theo hình bóng quen thuộc của người thân và ông đã mở lòng để kể cho cô nghe bi kịch của cuộc đời ông.

Những gì người khác chia sẻ cho ta thường có giá trị nhất thời của hiện tại, sau đó chúng ta phải dành chỗ cho những cái khác, theo tôi thì khi đã là nhân chứng cho một nạn nhân bất hạnh và qua họ chúng ta mới thấy là cuộc đời đã quá ưu đãi cho ta khá nhiều.  Phải vậy không? Lắng nghe, và cảm nhận vì chúng ta vẫn còn trái tim cho đồng loại nhưng không thể biến mình thành một người luôn mang theo nỗi buồn của người khác mà quên đi niềm vui của mình. Tôi xin mời cô một ly rượu nho có vị ngọt để tìm lại sự êm ái trong hương vị của yên tĩnh, sau đó xin chúc cô có một giấc ngủ thật ngon và sáng mai mặt trời sẽ nhìn cô mỉm cười vì thiên thần của tôi đã bình an trở lại.

Luôn mong cô thật thanh thản và yên vui.

Federik

TB. Một sonata No. 4 in E minor của Brahm bằng Vĩ cầm theo dạng solo có thể sẽ xoa dịu và ru cô trong giấc ngủ của một đêm có quá nhiều trăn trở.  Tôi hy vọng như thế.

Buổi chiều thứ Sáu trôi qua nhẹ nhàng hơn, có lẽ vì lời khuyên ân cần của người ở phương xa, Federik.  Tôi chuẩn bị ra khỏi trường vì học trò cũng đã về hết, không còn ứ nghẽn xe cộ như giờ bãi lớp.  Tôi nhận được lời nhắn tin từ Vickie “Tớ đã về nhà, sẽ đi làm lại vào thứ Hai.  Không muốn nghỉ thêm vì nhớ bọn nhóc của tớ.  Cám ơn cậu đã ghé thăm, tặng hoa và nhất là đã giúp coi lớp cho tớ.  Thiếu nợ cậu rất nhiều, chọn một chỗ đi ăn trưa nhé, tớ bao”.

TB: à, cô y tá Anna, người nhờ cậu thông dịch dùm một người bệnh nhân, gởi lời cám ơn cậu và cũng cho biết là ông cụ ấy đã ra đi rất bình yên, trong lúc ngủ.  Cầu thượng đế mang ông ấy về thiên đàng.  Thật tội quá.

Tôi nhìn lên bầu trời của buổi chiều không có nắng ở cuối ngày. Cuối xuân rồi mà trời vẫn có ngày ảm đạm như thế này sao, có một tiếng chim kêu bạn nghe lạc loài và thê thiết. Hôm nay cuộc sống đã từ gĩa vĩnh viễn một người, để kết thúc một kiếp người không hạnh phúc.  Cầu chúc bác Quang được an bình ở nơi chốn không có đau khổ và tiếc nuối nữa.

Thư từ Mỹ Linh:

Federick thân mến.

Cám ơn ông đã gởi cho tôi một file nhạc vĩ cầm do ông dạo, tôi nghĩ như vậy vì khi tôi nghe, thật gần gủi. Nhưng rồi sau đó tôi có cảm giác như đang lạc vào những cung bậc xa xôi và lại được dẫn đi về lại một nơi tôi vừa muốn và lại vừa không muốn đến bằng những bước chân hoan ca, vừa vui vẻ mà lại vừa buồn rầu, vừa xa lạ lại gần gủi, có rất nhiều trái ngược trong sonate No. 4 in E minor của Brahm mà tôi đã nghe. Lạc lối, tôi muốn nói như thế trong file nhạc mà ông đã gởi cho tôi đêm qua, chập chờn trong giấc mơ tôi thấy mình trở về những ngày tháng của ngày xưa lúc còn mẹ còn cha, ngôi nhà cũ có giàn hoa tím, chiếc xích đu mà tôi thường ngồi nghe mẹ đọc sách và ôm trong lòng con mèo nhỏ. Rồi chiến tranh chấm dứt, chúng tôi không còn gì cả, mẹ tôi gởi tôi cho một gia đình của người dì và phải đi lao động ở một vùng kinh tế mới, cha tôi chết vì cuốc phải một trái bom còn ngòi nổ bị vùi trong đất, mẹ tôi bị thương nặng rồi sau đó cũng qua đời. Tôi đã ở quá xa và không thể chứng kiến cảnh tượng bi thảm đó để hiểu được tâm trạng của một đứa bé lên sáu mồ côi cả cha và mẹ. Tôi được dì nhận nuôi và cùng với người dì đi vượt biên và rồi dì tôi cũng qua đời.  Tôi không còn muốn nghĩ đến hoàn cảnh ngày xưa của mình vì nó rất mờ nhạt và đã trở thành xa xôi trong ký ức của tôi.  Thế mà đêm qua tôi lại mơ về khoảng đời rất cũ.  Sao thế?

Mỹ Linh

Thư từ Federick:

Bản sonate số 4 của Brahm bằng vĩ cầm solo, là do tôi dạo, cô quả đoán không sai, trong bốn bản sonate thì bài thứ tư này ít được chấp nhận vì người nghe cũng đã thấy là Brahms dùng lại nhạc của Beethoven, Bach vì có quá nhiều giai điệu của các thiên tài âm nhạc trong đó.  Brahm đã không thể vượt qua cái bóng của các nhà soạn nhạc tài danh ấy và cuối cùng ông đã lấy một trong những đoản khúc của Bach làm điểm khởi đầu, nhưng lấp đầy nó bằng bóng tối và kịch tính đáng kinh ngạc – một sức đẩy muộn màng của chủ nghĩa lãng mạn từ Brahms kết hợp với chủ nghĩa truyền thống.  Ông ấy chấp nhận hậu quả khi phải chịu sức ảnh hưởng từ người khác. Johannes Brahms là một trong những nhạc sĩ sáng tác âm nhạc mâu thuẫn nhất của thời kỳ lãng mạn, và khi nghe những bản giao hưởng của ông ấy là để tìm hiểu lý do tại sao chúng ta cũng có những cảm giác mâu thuẫn như thế.  Thật ra thì trong tác phẩm của ông ít thể hiện điều này, chỉ có bốn bản sonate mà ông đã viết với sự lệ thuộc đến đau thương nhưng mạnh mẽ từ đó có thể mang đến tênh gọi ‘Beethoven’s Tenth’, một thuật ngữ đã bị mắc kẹt. Nhưng người ta cũng tôn trọng tài năng của Brahm mà cho là “giống như” chứ không phải là một trường hợp đạo nhạc.

Sự thật là khi chúng ta khám phá có những điều lạ lùng được khơi dậy dưới bản thể của sự đối đầu hay tuân phục tránh lầm lỗi nhưng lại thực hiện nó trong những lúc bản năng yếu đuối hơn lý trí. Tôi thấy có điều thú vị hơn đó là khi ta khám phá là có nhiều việc bên trong đang từ từ xuất hiện trong ý nghĩ hay là giấc mơ, ta thực sự không thể quên, bởi vì phần ký ức hạnh phúc hay đau khổ của ta, nếu có thể, sẽ tìm lại ta.

Tôi muốn nói với cô là con người của chúng ta luôn cố gắng từ chối nhận những điều bất như ý, nhưng không thể, và chúng ta đã phải sống với nó và chịu đựng nó từng phút từng giờ. Sự mâu thuẫn và nghịch lý luôn xảy ra cho dù ở đâu, lúc nào và với ai thì nó vẫn cứ cuốn ta vào trong cuộc đời này và cho dù ta có sự lựa chọn khôn ngoan và thành công cho đến thế nào thì hậu quả của sự nghịch lý, mâu thuẩn vẫn có thể xảy ra.  Và đó là sự yếu đuối và kém cỏi nhất là điều mà ta muốn che giấu.

Xin lỗi tôi đã nói quá nhiều trong một lúc khá ưu tư khi nghe về chuyện của cô, mọi thứ đã được sắp xếp và chúng ta đang ở trong vị trí của mình, hy vọng đó là vị trí tốt nhất mà ta có thể có được.  Xin cô một nụ cười bình an từ khuôn mặt xinh tươi rạng rỡ của cô. Chúng ta sẽ quên đi những điều không vui, được chứ! cho dù không thể mãi mãi nhưng ít ra là bây giờ.  Mỹ Linh nhé.

Federick.

Hồng Lĩnh

*PTSD Post-trauma stress disorder là một loại rối loạn tâm thần có thể phát triển sau khi người đó đã tiếp xúc với hoàn cảnh đau buồn như mất mát, thương tật, bại trận trong chiến tranh. Trường họp này còn được gọi là sốc chiến trường (shell shock).

(Trích tiểu thuyết Kẻ Lạ – Chương 8)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search