T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: KHÔNG RĂNG MÔ!

Hãi – Tranh: Thanh Châu

“Vào đi, không răng mô!”, chủ nhà giục, nhưng khách cứ muốn bỏ chạy, vì cả một hàm răng nhọn hoắc như răng cá sấu được con chó lai berger vén môi phơi ra như thế, sao lại bảo không răng! Phải đợi đến khi chủ ôm con chó cưng vuốt ve, một lần nữa bảo, “nó hiền lắm, có răng mô”, khách mới dám bước vào nhà.

Đó là chuyện đùa dai không răng mô tức là không sao đâu của người “Huệ”. Còn đây là chuyện đùa không dai mà lúc tôi còn đủ răng đã nhặt được đâu đó trên báo:

Một cụ già đang ngồi đợi xe buýt, đứa bé bên cạnh hỏi:

“ông ơi, ông có còn răng không?”

“không, cháu ạ!”

“vậy ông cầm giúp cháu ổ bánh mì, ông nhé!”

Thằng bé láu cá thật, không răng thì bánh mì trong tay ông cụ nhất định sẽ không mất đi miếng nào. Hồi đó tôi đã cười lớn, thích thú. Nhưng giờ thì cười thầm với một chút buồn. Rồi lan man nghĩ tới chuyện cái răng, cái tóc.

Trước khi vào chuyện tào lao xịt bụp này, xin mở ngoặc: thiếu gì tên đẹp mà sao ở miền Nam, một số vùng lại đặt tên địa danh nghe rất chi là “ruộng”, nào là Mỏ Cày, Lấp Vò, nào là Cái Lớn, Cái Bé, Cái Răng, Cái Vồn, và nhiều Cái khác nữa không nhớ hết… Sợ nhất là lúc phát âm cái vồn, lỡ dại mồm dại miệng, đọc vờ ra lờ thì bỏ mẹ!

Trở lại chuyện tầm phào cái răng (chứ không phải huyện Cái Răng!), ngẫm ra mới thấy ông cha ta rất chính xác khi nói cái răng cái tóc là góc con người, cho dù là một góc tám đi chăng nữa cũng đâu có nhỏ, không răng không tóc thì chỉ là con trùn!

Còn trong cái vòng sinh tử của kiếp người, tạo hóa cũng tính toán rất kỹ. Lúc mới lọt lòng mẹ, đứa bé có đủ cả chỉ thiếu răng, để mẹ có thể cho con bú mà không sợ bị con cắn, (vậy nên người xứ Huệ mới nói không răng mô), đến lúc mọc răng sữa mẹ liền dứt ngay sữa (lại sợ nó cắn!), nhai cơm tập cho con ăn. Khi con tự ăn được và bắt đầu lớn thì lại phải thay răng. Đây là lúc đứa bé vừa sợ (vì bị bẻ răng) và mắc cỡ vì “chừa cửa sổ”.

Lúc nhỏ tôi tự bẻ, nhét hạt muối sống vào cái lỗ đầy máu, rồi vừa chạy ra sân ném chiếc răng mới bẻ lên mái nhà vừa hô lón: bớ chuột bớ mèo, răng cũ thuộc về mày răng mới thuộc về tao! (khôn chưa!). Ai cũng bảo làm vậy răng mau mọc lại.

Từ đây đủ bộ: nào răng cửa (để cắn), răng nanh (để xé), răng cấm (để nhai), mãi đến 30 hay hơn răng khôn mới mọc, đau thấy ông bà ông vải.

Răng chẳng những giúp cho bao tử trong việc tiêu hóa, còn làm cho miệng của người khi nói, có thể điều tiết như volume, lúc to lúc nhỏ, lúc bổng lúc trầm, nên không cần ca sĩ, ngay cả chửi mất gà cũng có người còn chửi hay như hát. Có răng, con gái mới biết cười mím chi, chỉ hé môi vừa đủ để làm duyên, và bọn con trai chỉ cần có thế đã khen nức nở nụ cười như thể hoa ngâu. Còn cười vô duyên, cười hở mười cái răng là của Thị Nở khi đem bát cháo hành cho Chí Phèo.

Nụ cười duyên nhất, mê hoặc nhất khiến thế giới phải đảo điên là của La Joconde. Làn môi nàng vẫn khép, khóe môi không động đậy, vậy mà nụ cười vẫn tỏa sáng mặc dù nàng đang có tâm sự buồn. Đó là cả một bí mật rất khó lý giải của thiên tài hội họa Leonard De Vinci.

Còn cười đến nỗi Kiều và Thúc Sinh phải khóc thầm là cười nụ của Hoạn Thư. Cười nụ là cười không hé môi, mặt lạnh như tiền, nhưng trong bụng thì hả hê. Nếu không phải là con quan lại bộ, đường đường là một mệnh phụ phu nhân thì khi nghe Kiều đàn mà bốn dây như khóc như than, mụ đã gào lên “đã quá đã”!

Các bà quan nhớn bây giờ thoải mái hơn, càng nhớn càng ghen dữ dội, răng quý bà nghiến lại nghe kèn kẹt, khi biết tin  chồng léng phéng lập phòng nhì. Rồi cùng với thuộc hạ, quý bà xông lên đi hàng đầu, vừa túm tóc vừa xé áo quần con đĩ nọ cho nó biết nhục, biết tay bà cũng đâu phải  hạng vừa, còn hơn cả Hoạn Thư.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến ông bạn già Kiệt Tấn. Ông là người hạnh phúc nhất đời, vì có một người bạn đời không dám đánh ghen. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, có người hỏi anh ấy yêu tùm lum, từ cô bán nước mía đến vũ nữ thân gầy, từ tóc đen đến tóc vàng, chị không ghen sao? “Có chớ, đàn bà ai không ghen, nhưng đã có người thương tôi rủ đi đánh ghen, tôi sợ lắm, không dám!”. Ôi chao, cái nỗi sợ ấy mới đáng yêu làm sao!

Tự răng không làm xấu mặt ai, nhưng nếu bà mụ vụng tay nặn cái xương hàm không được đẹp, thì chủ nhân bị gọi là răng hô, răng vẩu, răng mái hiên! Có một thời tiểu tư sản bị các ngài cộng sản gọi là tạch tạch sè,  họ gọi lại là Vẹm (Việt Minh), toàn một lũ răng đen mã tấu!

Trong các loại răng, trừ răng giả, thì răng sâu, là đáng ghét và đáng sợ nhất. Nó buốt lên tận óc. Còn tiếng xè xè do mũi khoan của nha sĩ hay thợ làm răng phát ra, là tiếng kêu khủng khiếp nhất, mà những ai đau răng đến khi răng rụng hết rồi cũng vẫn chưa thể quên được.

Ngày trước có cái mode bịt hay trồng răng vàng để cười cho le lói. Đương nhiên là lúc sống đã phải chịu đau rồi, nhưng đến lúc chết cũng vẫn chưa yên, còn bị nhổ để lấy vàng. Nghe nói, Đức quốc xã đã thu được cả tấn vàng từ miệng các tử thi Do Thái trong các trại tập trung và trong các phòng hơi ngạt.

Không biết cụ nào, dường như cụ Tam nguyên Yên Đỗ thì phải, đã lấy thi hứng từ hàm răng của mình để làm ra câu thơ này, đúng chóc với tuổi già: hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay. Rụng thì sự đã rồi, nhưng “lung lay” đúng là nỗi đau kéo dài. Uống một ngụm nước còn nghe đau, nói chi đến chuyện nhai cơm!

Bà tôi đã rụng hết răng, nên miệng móm xọm. Nhưng tôi yêu cái miệng móm của bà vì từ đó rỉ rả những chuyện đời xưa được bà kể ra. Nào chuyện Phạm Công Cúc Hoa với hai đứa con mồ côi mẹ, thảm đến nỗi ra trận cha phải mang hai con trên lưng. Nào chuyện Lục Vân Tiên cõng mẹ chạy ra/ đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô/ rồi Vân Tiên cõng mẹ chạy vô/ đụng phải cái bồ cõng mẹ chạy ra, cứ chạy ra chay vô hoài mãi tới sáng vẫn chưa hết chạy (đoạn sau do bọn trẻ phịa).

Tôi cũng yêu cái miệng móm của Bùi Giáng dù chưa được nghe ông đọc thơ. Yêu còn là vì thơ của ông. Câu thơ ông đắc ý nhất có lẽ là Sài Gòn, Chợ Lớn đôi nơi/ đi lên đi xuống đã đời du côn! Du côn là chơi bằng gậy, không phải để đánh nhau mà để đeo đủ thứ trước ngực rồi cầm gậy múa may khắp nơi, thường thấy nhất là trên cầu Trương Minh Giảng. Có lần ông thay gậy bằng cả một cây đu đủ hãy còn đủ lá cành.

Nhưng yêu hơn cả thơ vì cái điên lạ lùng của ông, một cái điên ảo, vì dưới mắt nhìn của ông thiên hạ mới thật sự là điên. Đó là bọn kíu nước, bọn giả tu, bọn giả văn, giả thơ…và cũng như tôi ông còn có một tính rất xấu: yêu phụ nữ đẹp trên khắp thế giới dù chẳng xơ dược múi gì!

Một người móm nữa, chẳng những yêu, mà tôi còn muốn quỳ phục xuống sát đất để hôn bàn chân không giày dép, dính đầy bụi đường và máu, người có cái miệng móm thần thánh với nụ cười vĩnh cửu, là Thánh Gandhi.

Răng rụng là đã đến khúc cuối của vòng tròn tử sinh. Lúc này, trên chẳng những đã không còn răng, mà dưới dế có cũng như không, tức là Tạo hóa đã báo trước cho ta một cái chết từ từ, bớt ăn, rồi không ăn gì được nữa để xuôi tay về với cát bụi. Chẳng có Thiên Đàng nào, cũng chẳng có Niết Bàn nào. Có chăng là một cõi Trời Quên, phóng to là bầu trời, thu nhỏ là con số không, thế thôi.

Khuất Đẩu

 (một đêm đầu tháng 5 chưa nằm đã sáng) 

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search