T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: Một ngày một đời

clip_image002

(Hình: Lưu Na)

Buổi sáng trong nhà lạnh và im. Cái điện thoại trên mặt tủ cạnh đầu giường giẫy dụa từ lúc nào chả rõ, rớt xuống sàn gỗ làm tôi thức giấc. Ráng ngủ lại, mà dường như cái lạnh đã dẫn tôi ra khỏi cơn thèm ngủ. Thèm ngủ, lúc nào tôi cũng thấy thèm ngủ. Có lẽ tôi là người của ban đêm, nên từ nhỏ cứ thích ngủ dậy trễ. Mà có trẻ con nào không thích ngủ trễ, và ở Việt Nam có cha mẹ nào chịu cho con ngủ trễ, lỡ hết mọi việc đâu. Sang Mỹ tôi càng thêm vất vả với giấc ngủ, như cái quá khứ hai mươi năm bị gọi dậy sáng sớm nó ám mình. Nhưng làm graveyard mặt tôi xanh như tàu lá vì không quen ngủ ngày. Hóa ra thức đêm không có nghĩa thức cả đêm để đi vòng vòng làm việc. Ngủ ngày không có nghĩa vào giường lúc trời sáng bách. Tôi lại loay hoay với giờ ngủ bất thường của mình. Hay tôi là người bất thường?

Thò chân xuống sàn cúi lượm cái điện thoại, tôi ngỡ mình nhúng chân vào hồ nước vàng nâu trong trẻo vì bùn và rêu xanh còn lắng ở dưới đáy trong vườn Bờ Rô. Cái hồ hình chữ nhật, trước như trồng hoa, hoa sen hoa súng? Những chiếc lá đã rã mục, chiếc dưới đáy hồ lẫn vào một lớp bùn rêu dày nằm im chờ những bước chân hoang đàng của lũ trẻ chúng tôi khuấy động, chiếc còn gắn dật dờ vào cọng, oặt ẹo trong làn nước vàng nâu. Bước tới, chân tôi chạm mặt sàn gỗ cứng lạnh, không phải lớp rêu mục đáy hồ. Tôi đang bước trên mặt đất nơi này.

Ra bật máy, tôi cắm đầu vào mớ hình mới chụp hôm qua. Nhưng hôm nay tôi lấy ngày nghỉ đâu phải để làm hình? Sau ba mươi năm đều đặn đi làm, hôm qua tôi quyết định xin nghỉ ngày hôm nay, để được ngủ trễ, được nằm im trong căn nhà lạnh vắng và không làm gì cả!

Tôi loay hoay rồi bị rối vào mớ hình mới chụp. Rồi tôi lại loay hoay tắm rửa chậy sang nhà ông bạn già. Tôi vác bị máy hình trên vai, đâm đầu chậy lên cầu thang. Vào nhà tôi ngồi thở hổn hển. Chị nhìn tôi cười, nhẹ nhàng hỏi tôi ở đâu. Em chỉ ở cách đây 5 phút. Vậy mà phải chậy “thục mạng,” chị nheo mắt cười cười. Chúng tôi nói chuyện lặt vặt, tôi vọt miệng hỏi chị sao phải về gấp gáp. Chị nói biết rồi mà còn hỏi. Tôi ngồi im, tự mắng thần khẩu hại xác phàm. Tôi thường chỉ biết một nửa và thường nói trước khi kịp nghĩ cho xong một ý nghĩ.

Chúng tôi lôi nhau ra đường. Ngồi phía sau chị nhẹ nhàng bảo tôi bây giờ thì không cần phải “thục mạng” đâu, cứ từ từ mà chậy. Tôi nghe được tiếng cười nhẹ âm thầm.

Đến Old World Village, trời trưa mà vắng vẻ im lìm. Có tiệm để bảng nghỉ bịnh, có tiệm treo bảng mở cửa lúc 3 giờ chiều. Chúng tôi loanh quanh trong lòng phố hẹp. Không có ai để chụp hình, không có gì để chụp cả, tôi lôi ông bạn ra làm người mẫu. Tôi bắt ông ngồi thẳng lưng, bắt ông dựa tường, bắt ông bước chân, bắt ông mở nút áo (!!!). Ông vẫn cười cười. Không thể vặn cái cây cổ thụ. Lại thêm một mớ hình mà lố hôm qua chưa xong!

Bây giờ chúng tôi tán nhau đi ăn bò đâm ở Thành Mỹ. Bốn người gọi ba phần và vẫn phải mang về nửa phần. Riêng tôi ăn uống kịch liệt như tự mừng mình, ra khỏi tiệm tôi đi như bà bầu 5 tháng. Rồi tôi gọi điện thoại xù anh bạn cái hẹn uống cà phê chiều nay. Tôi hẹn anh từ đầu tuần, là một cái hẹn có dự tính, và bây giờ tôi xù anh cho một ngày không định trước. Đó cũng không phải là chuyện xa lạ với tôi.

Trở về căn gác hẹp. Ông pha cà phê cho chúng tôi uống. Tíc tắc, trước khi tôi kịp thắc mắc điều gì thì đã có hai “nửa tách” cà phê đặt trên bàn, và nửa tách thứ ba đang nhỏ giọt. Ông vẫn thường làm tôi ngạc nhiên. Từ bàn tay hậu đậu run run ấy, ông thường hoa dao phay chặt cánh gà ram nước mắm cho tôi xơi. Có hôm ông ném một gói gì vào sink, để vòi nước chẩy, một tiếng sau tôi được ăn ké món cá thu rim mặn với vài miếng thịt rọi. Dẫu tay hơi run và hậu đậu nhưng ông lại làm đồ ăn rất nhanh và ngon với bộ vó rất ung dung. Những món ông làm là những món tôi đã ăn khi còn nhỏ, không cần biết món gì, nhưng nó là cơm của người Bắc, và có vị cơm gia đình. Vị đó là gì tôi dám cá là không ai tả được, chỉ khi ăn mới biết, và “lai căng” như chúng tôi không bao giờ có thể làm được. Tôi thầm hãnh diện mình có khiếu ăn uống, thẩm ra được cái vị “cơm nhà.”

Lắng xuống. Ông lôi đàn, mở ra một cuốn sách nhạc dầy cộm. Cái bóng gầy gập cong xuống, trán cau lại. Từ lồng ngực hư hao vang ra một tiếng hát da diết, từ bàn tay run run vang ra một tiếng đàn tròn trịa với nhịp rung cá biệt. Âm vang như một tiếng thở than không nước mắt. Bài này tôi nghe lần thứ 2, vẫn không rõ được ý tứ. Điệu nhạc trắc trở, lời nửa lãng mạn nửa đau thương. Hình như thương em, mối tình thơ quyến, cái lãng mạn mộng mơ trộn với cái đau thương khi em phải một vai gánh vác mọi khổ đau… Giữa lúc căn gác hẹp ấy thu vào thinh lặng, tôi nghe một tiếng khóc, một tiếng khóc không âm vang. Tôi ngồi đằng xa, sau lưng chị, loay hoay làm cái việc tôi vẫn làm khi không biết phải làm gì. Tựa phản xạ, tôi bỏ máy xuống một giây như để dự một phút mặc niệm. Có tiếng khóc nào không đáng cho chúng ta kính trọng. Và có tiếng khóc nào không xứng ghi nhận. Khóc được, cũng là một ân sủng. Tôi nghĩ đến tiếng khóc không âm vang đã mang theo bao năm nay, khi Má đứng nơi đầu ngõ ngơ ngác tìm con, và tôi ngự trên xe đang từ từ lăn bánh. Hai giọt nước mắt không nhỏ được, hai tiếng khóc không kêu được. Phải hơn hai mươi năm nó mới tìm được chỗ của nó, nhưng vết sẹo trong lòng có bao giờ phai.

Tôi đưa chị về. Một lời giã biệt lúng túng lợt lạt. Một kỷ niệm, dẫu không bất ngờ vẫn là một sự tình cờ. Như khi học lớp nhất tôi tình cờ mua cuốn Tâm Hồn Cao Thượng để buồn với những lời người cha nói với đứa con. Như khi vào trung học tôi mua đại cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí, để bối rối ngẩn ngơ đọc những rằng thì là mà với Huy Quận Công và những là Trịnh Phủ… Hay khi tôi lang thang vào tiệm sách tìm lại Nguyễn Hiến Lê những năm đầu trên xứ người, để bắt gặp một lời nhắn gửi giã biệt với cuộc đời. Ngay cả lúc tôi không trông mong tìm kiếm gì cả, tôi vẫn bắt gặp những cuộc giã từ. Gần một trăm episodes nhạc, tôi tìm thấy một giọng quen của dĩ vãng đã chia xa, gần 90 episodes đọc sách, tôi nghe được một lời từ tạ nhân gian. Tôi đến với chị, và giờ đây giã biệt chị, cũng lại vì đã nghe một lời giã biệt. Giã biệt, phải chăng chúng ta vẫn âm thầm làm những cuộc phân ly, với chính mình trong từng giây phút?

Đêm về, tôi lại miệt mài làm hình. Tôi dự trù sẽ thanh toán một vài công việc khác, nhưng tôi đã hết sức. Ngước mắt nhìn, đã 12 giờ rưỡi. Một ngày của tôi đã qua. Tôi mở máy nhắn tin nghe và xóa lời nhắn. Tôi đọc lại mẩu giấy gắn trên màn hình buổi sáng rồi bỏ vào giỏ giấy. Một ngày của tôi đã qua. Một tuổi đời của tôi vừa qua. Như một đời của tôi, đang lặng lờ qua. Tôi thầm nói, Happy Birthday, trễ muộn.

Lưu Na

3/23/2012

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search