T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Câu chuyện đầu năm Covid thứ ba

Ta cùng nhau đón thêm mùa xuân…

Câu hát quen thuộc trong bài nhạc xuân “Câu chuyện đầu năm” của nhạc sĩ Hoài An, cách đây cũng đến hơn nửa thế kỷ.

Xuân này Xuân Covid thứ ba rồi

Câu này thì không có trong bài hát ấy, ông bạn tôi “chế” ra trong lúc hát karaoke để làm mới một bài hát cũ, gọi là cho phù hợp với tình thế mới.

Những mùa xuân Covid theo nhau

Cứ thế, xuân sau và xuân sau nữa, chỉ cần đổi “thứ ba” thành “thứ tư”, “thứ năm”…, bài hát như được tân trang thành bài nhạc xuân mới, hợp thời trang. Có điều, chắc không ai muốn ngồi đếm mãi những mùa xuân Covid đã đi qua đời mình. Người ta chỉ muốn nó đi luôn, đi biệt, một đi không trở lại. Thế nhưng, nếu nó không chịu đi đâu cả thì làm sao bây giờ? Chắc không có cách nào khác là đành phải thỏa hiệp với nó, phải gắng gượng làm vui mà sống chung hòa bình với nó.

Câu hát chế biến ấy cũng cho thấy một điều, người ta đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để mà sống chung với loài siêu vi này cho dù có miễn cưỡng, chỉ vì không còn sự lựa chọn nào khác hơn.

Tính từ ngày 11 tháng Hai năm 2020 là ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đặt tên cho bệnh dịch quái ác này là “Covid-19” (viết tắt của “Coronavirus disease 2019”), Tết này được kể là cái Tết Covid thứ ba của người Việt mình.

Người ta quen gọi những năm tháng này là “mùa dịch” hay “mùa Covid”, tương tự cách gọi “mùa cúm”, từ khi dịch bệnh đến từ loài siêu vi tên là Coronavirus được phát hiện và lây lan khắp toàn cầu. Gọi “mùa” trong ý nghĩ là cho dù nó có hoành hành, có quậy phá tới đâu thì cũng đến một lúc phải chia tay, có muốn gì nữa cũng hẹn lại… mùa sau. Thường thì những “mùa màng” không kéo dài lâu, chỉ đôi ba tháng hay nhiều lắm là sáu tháng, nửa năm như “miền Nam mưa nắng hai mùa”, ngoại trừ… mùa chiến chinh. Có đâu ngờ loài siêu vi này lại bám trụ dai dẳng đến thế và tới nay cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy là “mùa” ấy sắp sửa lụi tàn.

Mùa đại dịch, mùa dịch bệnh, mùa dịch giã, mùa giãn cách, mùa cách ly…, cách gọi nào nghe cũng buồn bã, cũng tái tê khi cơn bão Covid-19 quét ngang những miền đất nước và dịch bệnh tràn lan xới tung cuộc sống. Những đường phố vắng lạnh như giờ giới nghiêm, như thành phố chết. Ở trong nước là những cuộc “di tản chiến thuật” vội vã khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm. Những vẻ mặt thất thần, những cuộc trốn chạy hoảng loạn mong vượt thoát khỏi những thành phố lớn đang chìm trong bóng đêm đại dịch.

Giữa những ngày này thỉnh thoảng hay tin người thân quen nào đó đột ngột qua đời, và người ta quay sang hỏi nhau “Covid phải không?” Những cái chết âm thầm, những đám tang lặng lẽ. Những bạn bè ít ỏi đồng hành với ta trên con đường đời bỗng ngã lăn ra, nay người này mai người khác, như những người lính bị bắn sẻ. Cứ thế, không biết bao giờ thì đến lượt mình.

Covid-19, chúng ta không thể làm như không biết đến nó, làm như nó không có mặt trên đời này, làm như chuyện người này dương tính, người kia phải nhập viện hoặc qua đời vì Covid là chuyện của người khác chứ không phải chuyện mình, cho đến lúc người thân nào của mình được nó chiếu cố hoặc bản thân mình được vị khách không mời ấy “gõ cửa ghé thăm”.

Covid-19, đợi mãi mà nó vẫn chưa chịu đi cho, vẫn lượn lờ quanh quẩn trong lúc người ta vẫn phải tiếp tục sống, phải học hành, phải làm lụng, phải thăm viếng nhau, phải đi đây đi đó chứ chả nhẽ cứ tự nhốt mình, gọi là “stay home” thì đến chết vì buồn và… đói, trước khi con virus kịp ghé thăm. Những kẻ yêu nhau vẫn phải hẹn hò chứ chả nhẽ cứ “giãn cách” mãi kiểu “Em ngồi trong song cửa / Anh đứng dựa tường hoa / Nhìn nhau mà lệ ứa / Một ngày một cách xa” như những câu thơ tả oán của Lưu Trọng Lư.

Những kẻ yêu chuộng văn chương, thơ phú có thể phóng bút viết xuống những bài văn, bài thơ có chút thi vị để tạm quên nỗi buồn chán, âu lo, đại để “Đi giữa mùa dịch”, “Mùa Covid lại về”, “Mùa Covid nào cho em”, “Những mùa xuân Covid theo nhau” hay “Những mùa xuân Covid đã đi qua đời tôi” (cũng tựa “Người đi qua đời tôi”). Thực tế, người ta chỉ mong sao “Mùa dịch đến rồi đi”, “Mùa dịch đã đi qua” hay “Mùa Covid không trở lại”.

Kể từ sau đại dịch Covid-19, thế giới không còn như trước nữa, ta vẫn nghe vậy và quả là vậy. Cuộc sống của người Việt mình cũng có lắm cái “không còn như trước nữa”, chỉ kể sơ một vài trong những sinh hoạt thường ngày.

Con người vốn đã yếu ớt, nhỏ nhoi trước thiên tai, dịch bệnh, lại càng để lộ bản chất nhút nhát, sợ sệt trước đại dịch Covid. Gì cũng sợ, sợ bóng sợ vía, sợ người sợ ta, sợ đặt chân đến nhà người khác, sợ người khác bước vào nhà mình, sợ con virus vô hình lảng vảng đâu đây.

“Tao chỉ cần ho một tiếng là cả đám chạy mất dép.” Câu phát ngôn lớn lối ấy không còn là lời dọa dẫm khoác lác mà có phần nào sự thật. Một tràng ho sặc sụa hay hắt xì hơi liên tục giữa đám đông cũng khiến mọi người hoảng vía, vội vàng nhanh chân tránh xa “kẻ khủng bố”. Thậm chí, người ta còn mách nhau cái gọi là “cẩm nang mua sắm mùa dịch”. Mỗi khi phải xếp hàng dài theo thứ tự ưu tiên, nếu không đủ kiên nhẫn chờ đến lượt mình để trả tiền hay lựa chọn món hàng ưng ý thì cứ gập người xuống mà ho sù sụ chả cần phải che miệng là bà con khiếp đảm tự động dạt ra cho mình thong thả tiến lên.

Thế giới không còn như trước nữa

Tôi có ông bạn, mấy năm trước về thăm nhà sau nhiều năm sống ở xứ người. Khi về lại Mỹ, ông thuật lại một trong những điều mắt thấy tai nghe.

“Đường phố đầy bụi và khói, con gái Sài Gòn bây giờ cứ ra đường là đeo khẩu trang sùm sụp, chẳng còn thấy đâu diện mạo dung nhan. Thật chán đời!”

Ông bạn tôi không thể ngờ rằng, chỉ một năm sau đó, ông còn “chán đời” hơn nữa khi mà ngay trên những đường phố lớn của đất nước ông đang sống, không chỉ phụ nữ mà đàn ông đàn bà, da trắng da vàng, già trẻ lớn bé và cả ông nữa cũng đều sùm sụp khẩu trang. Chiếc khẩu trang không mấy thẩm mỹ ấy đến nay mọi người đều đã quen mắt, trở nên gần gũi, thân thiết như vật bất ly thân. Đến một nơi mọi người đều đeo khẩu trang cả mà mình không đeo thì trông chẳng giống ai và bị mọi người lánh xa.

Để bớt “chán đời”, các nhà thiết kế mẫu mã thời trang bèn sáng tạo ra các kiểu khẩu trang bắt mắt cho nữ giới hoặc “ton sur ton” với bộ trang phục, cố gắng biến khẩu trang thành món trang sức duyên dáng, quyến rũ không kém mạng che mặt hay khăn quàng cổ, nhưng không mấy hiệu quả, khẩu trang thì vẫn là… khẩu trang.

Khẩu trang cũng không giống như chiếc cà-vạt nơ (bow-tie) của quý ông. Khi thấy ngột ngạt hay muốn nói chuyện cho thoải mái nhiều ông bèn kéo tuột khẩu trang xuống dưới cằm hay máng toòng teng trên cổ, trông vừa kém thẩm mỹ, vừa kém vệ sinh. Chẳng thà gấp lại cho vào túi.

Từ khi mũi, miệng bị che kín, chỉ chừa lại có hai con mắt trên khuôn mặt thì mắt trở nên “cửa sổ của tâm hồn” hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ người ta nói nhiều bằng mắt hơn thế. Những khóe mắt nặng trĩu lo âu hay mệt mỏi. Những tia mắt ấm áp thay câu chào hay lời hỏi han. Những ánh mắt nghi ngại, ngờ vực. Những ánh mắt mừng vui thay nụ cười giấu kín dưới lớp khẩu trang, và cả những mắt long lanh sóng tình thay lời yêu trên đôi môi bị dán kín. Mới đây, nhà tiến sĩ tâm lý học người Anh, Michael Lewis, còn chỉ ra rằng đàn ông trông thu hút, quyến rũ hơn dưới mắt phụ nữ khi đeo khẩu trang vì chúng hướng sự chú ý vào đôi mắt, và tính thẩm mỹ cũng được nâng cao nhờ che giấu được những khuyết điểm ở phần dưới khuôn mặt.

Rất nhiều cái trở nên lỗi thời hay hết thời. Con người né tránh những đụng chạm thân mật, từ những bắt tay, vỗ vai đến những ôm hôn thắm thiết. Nhằm hạn chế lây nhiễm, những cú bắt tay đổi thành cụng cùi chỏ hay cụng nắm đấm (trông không được đẹp mắt lắm, nhất là với phụ nữ).

Khi nói câu chúc “Peace to you” trong các thánh lễ, giáo dân chỉ khẽ cúi đầu hay ngoắc ngoắc tay chứ không còn quay sang bắt tay nhau, cũng như không còn nắm lấy tay nhau khi cùng đọc Kinh Lạy Cha.

Người Việt mình vẫn có năng khiếu tiếp thu rất nhanh, bắt chước rất giỏi những kiểu cách văn minh lịch sự của người tây phương để ra vẻ ta cũng lịch lãm không kém ai, trong đó có màn chào hỏi thân mật kiểu ôm ấp và hôn phớt lên má.

Trong nước, trước và sau năm 1975 hiếm thấy màn biểu diễn này, nhiều lắm chỉ thể hiện giữa những người thân yêu trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết như một cách bộc lộ cảm xúc trong những dịp vui hiếm hoi hoặc chia sẻ nỗi khổ đau, mất mát. Còn ngoài ra, như câu hát nào, “Đời tôi chỉ… ôm một người.”

Đến người bản xứ da trắng cũng ngán ngẩm con virus mà từ bỏ kiểu ôm hôn thắm thiết ấy. Đến cả phong trào Free Hugs cũng bạo phát, bạo tàn thì người Việt mình là kẻ ăn theo cũng đành quay về với văn hóa Việt là cúi đầu chào và giữ khoảng cách “nam nữ thọ thọ bất thân”, không để con Covid được lợi dụng cơ hội.

Con người cũng ăn ở vệ sinh sạch sẽ hơn, chỉ nội việc rửa tay với xà-phòng thôi cũng một ngày không biết bao nhiêu lần. Các bà nội trợ mỗi lần đi chợ cũng trang bị khẩu trang, găng tay đầy đủ và lo đi nhanh về sớm chứ không còn nhởn nhơ đi dạo như trước đây.

Những cuộc họp bạn cũng thưa thớt dần, giảm thiểu đến mức thấp nhất. Nhà nhà đóng kín cửa. Con người tự cô lập, tự phòng thủ, tự trói chân mình, né tránh mọi mối “giao lưu tình cảm” không thực sự cần thiết.

Những mối tương quan bè bạn cũng ít nhiều đổi thay. Mùa dịch giã là mùa khá thích hợp để gạn lọc bạn, bè. Nhìn quanh chỉ còn lác đác ít người gọi là “bạn”. Những “bè” ngày trước vẫn tới lui đàn đúm lần lần giãn ra, chẳng còn tìm đến ta và ta cũng chẳng còn hứng thú để “kết bè” với họ. Trong những ngày thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ ấy, chỉ một cú phone người bạn ở xa gọi đến, chỉ ít câu thăm hỏi gia đình có bình an không cũng đủ làm ta thấy ấm lòng. Còn lại, những kẻ biệt tích biệt tăm, chẳng hề liên lạc, chẳng thèm hỏi han xem là ta đã sống như thế nào trong suốt mùa dịch giã thê lương ấy, thậm chí còn sống sót hay đã được con Covid tha đi rồi, thì ta có thể hoàn toàn yên tâm trước sau họ vẫn chỉ là “bè” chứ chẳng phải “bạn”.

Xuân năm nay, người Việt ở nước ngoài đón Tết nửa vui, nửa buồn. Buồn, vì biến chủng Omicron bỗng dưng “được mùa”, rộ lên suốt từ mùa Giáng Sinh năm cũ đến những ngày đầu năm mới. Mức lây nhiễm lan rộng, lan nhanh đến nỗi tiến sĩ Anthony Fauci phải lên tiếng trấn an dân chúng là sớm muộn gì mọi người cũng sẽ… nhiễm Omicron thôi, cho dù có chích ngừa hay không chích ngừa. Được cái là tỷ lệ tử vong vì Omicron có thấp hơn các biến thể khác.

Vui, vì trận tuyến phòng chống Covid-19 được củng cố khá vững chắc. Trừ những người nhất định không chịu tin con siêu vi khuẩn ấy là… có thật, phần lớn mọi người đều đã chích đến mũi thứ ba, và đều sẵn sàng vén cánh tay áo lên cho mũi chích tiếp theo nếu cần. Những liều thuốc chủng ngừa và trị liệu hữu hiệu đến từ những thành tựu y học. Những bộ xét nghiệm Covid-19 và những khẩu trang y tế tốt nhất được gửi đến tận nhà cho mỗi gia đình. Tất cả, giúp người dân tự tin hơn để đối phó với loài siêu vi ấy cho dù nó có tác yêu tác quái đến đâu, trước khi tiến tới một thỏa hiệp chung sống có tính cách tạm thời hay bền vững lâu dài.

Sống chung với Covid nghĩa là chung đụng với con Covid mỗi ngày, là “hãy cố yêu người mà sống”, là cố gắng thích nghi với tình thế mới để tiến tới “bình thường mới”, như cách gọi ở trong nước.

Cho đến một lúc nào đó, những cái “không còn như trước nữa” không làm chúng ta bận tâm nữa vì đã làm quen, đã gắn bó lâu dài với chúng đến độ thân thiết. Những cái khác thường khi ấy trở thành bình thường. Giá dụ đến một ngày nào sạch bóng Covid, quay về lại với cung cách sống thời “tiền Covid”, có khi ta lại cảm thấy hụt hẫng, cảm thấy nhơ nhớ, thiêu thiếu cái gì đó thân quen như thiếu tấm khẩu trang trên khuôn mặt người. Khi ấy không khéo chúng ta lại ngẩn ngơ mà nhận ra rằng mọi thứ đã… không còn như trước nữa.

Lê Hữu

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search