T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Thuốc lá, buồn ơi chào mi

 

Nhớ tôi người có châm điếu thuốc?

Nhớ tôi người có đi trong mưa?

(Thơ Trần Mộng Tú)

 

“Bỏ thuốc lá? Dễ thôi, tôi bỏ hoài.”

Câu ấy ta vẫn nghe. “Bỏ hoài” có nghĩa là bỏ tới bỏ lui, bỏ đi bỏ lại nhiều lần mà vẫn chưa… bỏ được.

Bỏ thuốc lá là chuyện nhỏ, nhưng cần một ý chí lớn, mạnh mẽ.

Trong một lần chia sẻ về kinh nghiệm bỏ thuốc lá mới đây với vài người bạn, tôi ghi nhận được những câu chuyện không ai giống ai. Có anh thì do chịu khó luyện công môn yoga, một môn tập không chỉ giúp làm dịu tâm trí, vượt qua sự mệt mỏi và căng thẳng mà còn có tác dụng loại bỏ được những ham muốn các nhu cầu giả tạo. Nhờ vậy, mặc dù không nhắm vào việc cai nghiện thuốc lá, đến một lúc nào đó anh bỗng quên bẵng và không còn hứng thú gì chuyện hút xách nữa, xem như “bất chiến tự nhiên thành”. Có anh suốt mấy chục năm đi đâu cũng kè kè gói thuốc, tự biết ý chí mình chưa đủ lớn, đủ mạnh để khuất phục sự quyến rũ của “tương tư thảo”, đành tìm đến ông bác sĩ người Mỹ để xin… kẹo Nicorette và nhai đến sái quai hàm mới bỏ hẳn được thuốc lá (thời ấy cần có toa bác sĩ mới mua được kẹo này). Trường hợp bỏ thuốc lá của tôi cũng dính dấp đến ông bác sĩ nhưng là câu chuyện dở khóc dở cười. Xin kể lại đầu đuôi thế này.

Những gia đình chuẩn bị xuất cảnh để định cư tại Mỹ theo diện HO đều phải qua thủ tục khám sức khỏe, trong đó có màn chụp hình phổi để xem có bệnh trạng gì không. Nếu chẳng may vướng bệnh phổi thì cần được điều trị cho đến khi hết hẳn mới được phép xuất cảnh. Nếu chữa không xong thì chịu khó ở lại vậy, xem như bị đánh rớt.

Hôm ấy, sau khi được chụp hình phổi, gia đình tôi ngồi chờ đến lượt vào phòng khám để được thông báo kết quả xét nghiệm. Đến lượt tôi, ông bác sĩ quân y của miền Nam (thuộc “phe ta”), tên Th., đưa tấm phim phổi của tôi lên cao ngắm nghía, săm soi thật kỹ. Ngắm nghía một lúc, ông ta quay nhìn tôi chằm chằm, rồi lại chăm chú nhìn tấm phim, rồi lại quay nhìn tôi chằm chằm, trông vẻ mặt rất khẩn trương.

“Có vấn đề gì không, Bác sĩ?” tôi rụt rè hỏi.

Ông bác sĩ không trả lời, không nói năng chi cả. Hỏi gặng mãi thì ông quay nhìn tôi, mặt mũi vẫn nghiêm trọng, rồi ngoắc ngoắc tôi đến gần, chỉ tay vào tấm phim phổi.

“Anh lại đây tôi chỉ cho xem. Có nhìn thấy những đường trăng trắng chạy loăng quăng chỗ này, chỗ này, chỗ này nữa, thấy không?”

“Vâng… thấy,” tôi nói, sau một lúc căng mắt nhìn.

“Anh hút thuốc từ bao lâu rồi, một ngày mấy điếu?” Ông bác sĩ hỏi, lộ vẻ đăm chiêu.

Tôi vội thật thà khai báo về quá trình hút xách của mình, từ thuở tập tành làm quen khói thuốc những năm cuối bậc trung học đến những năm ra đời, đến những năm ở lính, tạm thời phải gián đoạn trong những năm tù “cải tạo”, rồi lại tiếp tục mãi cho đến hôm nay. Về số lượng cũng không nhiều lắm, chỉ ngày khoảng 5 điếu, hôm nào vui bạn vui bè thì 10 điếu.

Ông bác sĩ tỏ vẻ trầm ngâm, nhìn tôi với ánh mắt xót xa thương cảm.

“Anh nghe tôi nói đây,” bác sĩ Th. nói chậm rãi. “Anh nên quên chuyện đi Mỹ đi. Vấn đề của anh bây giờ là liệu lá phổi này có chữa được hay không.”

Tôi nghe mà lạnh cả người. Ông bác sĩ lẳng lặng cho tôi đến mấy loại thuốc, dặn dò cẩn thận uống như thế nào và nói nửa tháng sau trở lại đây xem sao.

“Còn chuyện hút thuốc thì… tùy anh thôi,” bác sĩ Th. nói thêm. “Nếu anh vẫn cứ tiếp tục hút thì… không cần phải uống thuốc và cũng không cần trở lại đây nữa.”

Xong, ông đưa tôi tấm danh thiếp có ghi số điện thoại và địa chỉ nhà, nói trong lúc điều trị nếu có vấn đề gì thì có thể liên lạc với ông ta.

Lúc trở ra gặp vợ con chờ ở bên ngoài, tôi cố tạo vẻ mặt bình thản, nói chẳng có chi đáng ngại, chỉ là về uống thuốc qua loa cho phổi trong trẻo, lành mạnh.

Về đến nhà, việc đầu tiên là tôi quăng gói thuốc hút dở vào thùng rác. Suốt đêm hôm ấy tôi không ngủ nghê gì được, cứ chập chờn hình ảnh ông bác sĩ Th. với vẻ mặt nghiêm trọng, rầu rĩ và ánh mắt nhìn tôi ái ngại. Lòng tôi tràn ngập nỗi ân hận là lâu nay không lo bảo trọng sức khỏe, cứ rượu chè hút xách thoải mái, lại cũng không chịu đi chụp hình phổi sớm hơn để “phát hiện” kịp thời mà lo chữa chạy, để đến bây giờ làm khổ làm phiền vợ con, và trong bụng cứ lo ngay ngáy là nhỡ chẳng may vướng vào bệnh lao phổi hoặc tệ hơn là ung thư phổi thì đến đổ nợ.

Sáng hôm sau, tôi liên lạc mấy người bạn cũng đang chuẩn bị đi Mỹ diện HO và kể lại chuyện đi khám phổi của mình. Một tay bạn tiết lộ cho tôi biết là nơi phòng khám ấy có hai ông bác sĩ cùng tên Th. và đều là bác sĩ quân y của miền Nam, một ông “thiện” và một ông “ác”. Hỏi tại sao lại có những tên “thiện, ác” ấy thì được giải thích là, thường người nào may mắn gặp bác sĩ “Thiện” thì qua cầu dễ dàng, còn nếu gặp phải tay bác sĩ “Ác” thì cứ phải điều trị và tái khám. Anh bạn khuyên tôi đến tìm bác sĩ “Thiện” để biết rõ thực hư và được giải thích kỹ hơn về bệnh trạng mình. Được anh ta giới thiệu và cho địa chỉ, tôi tìm đến nhà ông bác sĩ này ở Cư Xá Đô Thành, mang theo tấm phim phổi mới chụp lại.

Ông bác sĩ cũng tên Th. này tiếp tôi khá thân thiện, vui vẻ. Trông vẻ mặt táo bón của tôi ông nói, “Cũng phe ta cả thôi, anh cần tôi giúp gì?”

Sau khi nghe câu chuyện và xem xét kỹ tấm phim, ông trả lại cho tôi.

“Tôi không thấy có gì cần phải chữa trị cả,” ông lắc lắc đầu.

“Thế còn mấy thứ thuốc kia thì sao, tôi vẫn uống chứ?” tôi băn khoăn.

“Không uống thì tốt hơn, có uống cũng chẳng giúp được gì cho anh, có khi lại hại… bao tử.”

Thấy tôi vẫn còn bán tín bán nghi, ông đi pha hai tách café.

“Anh có mang theo gói thuốc nào đó không?” ông nói đùa, đẩy tách café về phía tôi.

Lần đầu tiên tôi ngồi uống đến cạn tách café mà không đốt điếu thuốc nào.

“Đừng có nói với ai về những gì tôi nói với anh nhé,” ông dặn dò lúc tiễn tôi ra cửa.

Mối lo đè nặng tâm trí đã vơi bớt và tôi có phần tin tưởng ông bác sĩ này, chả nhẽ ông lại đùa với kẻ đang đau khổ là tôi. Hôm sau nữa, tôi nhớ ra có quen một anh bác sĩ chuyên khoa về bệnh phổi từng làm việc ở Bệnh viện Bình Dân, bèn tìm đến anh ta. Anh bác sĩ này cầm tấm phim phổi của tôi lên, chỉ nhướng mắt xem có 30 giây là ném xuống bàn.

“Tôi chả thấy cái gì cả.”

“Bộ ông không thấy mấy cái đường trăng trắng ngoằn ngoèo ấy à?” tôi ngạc nhiên.

“Thấy chứ sao không,” anh phì cười. “Chuyện bình thường, cái phim phổi nào mà lại chả có. Không có mới là phiền.”

Anh ta hỏi tên người bác sĩ khám cho tôi.

“Tưởng ai,” anh chúm môi huýt gió một hơi. “Tay bác sĩ đó gạt ông để làm tiền đấy. Hắn đã làm tiền bao nhiêu người đến gặp riêng để nhờ chữa trị. Ông phải quăng ngay mớ thuốc thổ tả ấy đi.”

Tôi bỗng tỉnh hẳn người, thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.

“Còn hút thuốc không?” anh ta hỏi. “Cũng nên bỏ là vừa, chẳng sợ ai hù dọa nữa.”

Quả nhiên, khi trở lại tái khám thì tôi “qua cầu” thật dễ dàng. Một ông bác sĩ khác, không phải bác sĩ Th., chỉ xem qua loa qua tấm phim phổi, ghi xuống “Bình thường” mà không nhìn, không hỏi han gì đến tôi.

Tôi hoàn hồn và đến lúc ấy mới thực sự thở phào. Cũng vào lúc ấy, tôi phát giác một điều khá bất thường là, trong suốt hai tuần lễ đó tôi quên hẳn thói quen hút thuốc. Không hề có điếu thuốc nào cho tách café buổi sáng hay sau mỗi bữa ăn. Và tôi cũng “ngộ” ra rằng, nếu mình có thể nhịn không hút điếu thuốc nào liên tục trong một tuần mà vẫn tỉnh queo, không cảm thấy nhớ nhung, thèm thuồng thì cũng là lúc mình có thể chia tay với thuốc lá được rồi.

Bác sĩ Th., không biết giờ này ông ở đâu và chắc ông cũng chẳng nhớ tôi (kịch bản ấy ông từng diễn với nhiều người chứ chẳng phải riêng tôi). Nếu ông có tình cờ đọc được những dòng này thì xin ông hiểu cho rằng trong lòng tôi không hề nuôi chút oán hờn hay trách cứ gì ông, mà ngược lại gia đình tôi và riêng tôi còn phải “chân thành cảm tạ” ông nữa, vì lẽ nếu không được sự giúp đỡ của ông thì không biết đến bao giờ tôi mới tỉnh ngộ và có đủ ý chí để mà xa lìa “người bạn xấu” ấy.

Nếu có những người tử tế, thích giúp đỡ người khác thì cũng có những người lại thích làm điều ngược lại. Nhưng cũng chẳng sao, cuộc sống vốn là vậy, thực giả tốt xấu lẫn lộn, và đến nay tôi vẫn tin rằng nếu ta chỉ đi tìm những cái tốt của người khác thì thế nào cũng tìm thấy. Bên cạnh những ông “Ác” vẫn có những ông “Thiện”, đâu đó trong cuộc sống vẫn còn rải rác những tấm lòng.

*  *  *

Không giống như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc lá (và café, và rượu chè…) chỉ là nhu cầu giả tạo. Ghiền, chỉ là một thói quen khó bỏ.

Hầu hết những ông bạn mà tôi quen biết đều thú nhận từng có một thời tập tành hút thuốc để làm người lớn, một thời để râu ria lún phún và mái tóc bồng bềnh (hay bù xù) để tạo dáng văn nghệ sĩ, hoặc bắt chước những thần tượng điện ảnh Alain Delon, Jean-Paul Belmondo ngậm trễ hay cắn lệch điếu thuốc lá trên khóe môi với vẻ khinh bạc đầy nam tính, hoặc bắt chước anh chàng lừng khừng trong thơ Jacques Prévert vừa lặng lẽ nhấm nháp tách café sữa vừa biểu diễn nhả từng vòng tròn khói thuốc mơ màng.

Khi mà những tín đồ của thuốc lá lần lần bị người đời xa lánh và đối xử gần như kẻ tội phạm, buộc phải đứng xa một khoảng cách nhất định hoặc bị nhốt trong những phòng cách ly khói bay mù mịt thì chuyện hút thuốc chẳng còn gì là hứng thú. Khi mà những bà vợ quá ngán ngẩm và các cô gái không còn chút rung động hay ngưỡng mộ những chàng trai lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc thì thiết tưởng cũng đã đến lúc “buồn ơi, chào mi” với gói thuốc lá đã hết thời.

Sau cùng, nếu có điều gì chia sẻ thêm, trước đây tôi cứ ngỡ, bỏ thuốc lá có nghĩa là chẳng bao giờ đụng tới điếu thuốc nào nữa, thế nhưng không hẳn vậy. Thỉnh thoảng một vài người bạn vẫn còn tiếc nuối “một làn khói trắng ru đời vào quên lãng” (*) cứ nài ép tôi “kéo một điếu cho vui”, chiều lòng bạn tôi bập bập đến hơn nửa điếu mà chẳng thấy ngon lành chi cả. Và sau đó vẫn không cảm thấy bị cám dỗ “tình cũ không rủ cũng đến”, cầm trên tay điếu thuốc mà lòng vẫn nguội lạnh, vẫn cứ dửng dưng như là… duyên nợ đã hết, tình đã nhạt phai.

Lê Hữu

(*) “Bài không tên số 7”, Vũ Thành An

 

 

©T.Vấn 2020

Đọc thêm:

T.Vấn: Người tình Khói Sương

Họa phẩm Marynka Smoking (1980) của họa sĩ người Mỹ Kitaj Ron B

 

1

Khúc dạo đầu của một cuộc chia tay

Sau gần 30 năm hút thuốc lá (kể cả gần 10 năm hút thuốc lào trong trại cải tạo), với trung bình một ngày một gói, tôi đã bỏ hút. Lý do bỏ khá bất ngờ và đơn giản. Đứa con gái nhỏ 5 tuổi thấy tôi vừa ra ngoài vườn hút thuốc xong, bước chân vào đến cửa là ho sặc sụa. Nó nói sao bố không bỏ hút thuốc đi. Bố sẽ chết sớm nếu bố cứ tiếp tục hút thuốc. Câu nói này nguyên văn là từ cửa miệng bà cụ thân sinh ra các con tôi. Và cũng chẳng phải là lần đầu tiên con tôi lập lại lời nói của mẹ. Nhưng lần này thì khác. Nhìn con qua những dòng nước mắt (chảy vì ho) và nỗi khó chịu ở trong cổ, tôi chợt nẩy ý định: hay là mình thử bỏ thuốc? Và ý nghĩ cai thuốc lởn vởn mãi trong đầu tôi suốt cả một buổi sáng. Tôi vẫn còn mấy gói thuốc nguyên chưa hút hết. Bỏ cả thì uổng quá. Vả lại, nếu để đó thì khi cơn ghiền lên lại chịu thua vì thuốc vẫn còn sẵn trong tầm tay. Nhưng tôi lại nghĩ, nếu đã không kềm chế được cơn ghiền thì dù thuốc không có sẵn ở trong nhà, tôi chỉ cần vài phút lái xe là có thể mua thuốc tại bất cứ trạm bán xăng nào trong thành phố.

Còn nhớ một lần, đang trên đường đi làm, giữa xa lộ nườm nượp xe cộ, sắp tới chỗ exit để đến sở làm, tôi bỗng sực nhớ là đã bỏ quên gói thuốc ở trên bàn ăn. Cái sực nhớ ấy đã làm tâm thần tôi bấn loạn. Chưa bao giờ tôi ra khỏi nhà mà không có gói thuốc trong người. Chỉ còn khoảng 15 phút nữa là tới giờ làm việc. Tôi không có đủ thì giờ để ghé lại một trạm xăng mua thuốc. Nếu không mua, làm sao tôi có thể chịu đựng hơn 8 tiếng đồng hồ liên tục không có thuốc lá. Mãi hoảng hốt với ý nghĩ liệu có thể ghé đâu để mua thuốc mà vẫn kịp giờ vào làm suýt chút nữa tôi đã gây tai nạn. Tôi thản nhiên sang lane để xuống exit mà không ngoái đầu nhìn lại để thấy có một chiếc Sport đang trờ tới với tốc độ khá nhanh. May mà tiếng kèn xe đã làm tôi tỉnh thức và kịp thời bẻ tay lái về bên trái. Tôi nhận được một ngón giữa đỏ chót với nét mặt hầm hầm của cô gái Mỹ trẻ đẹp lái chiếc Sport. Và tôi vẫn có thì giờ liếc thấy bàn tay phải của cô cầm điếu thuốc lá đang đỏ.

Cuối cùng tôi cũng đủ nhanh nhẹn để xoay sở mua được gói thuốc lá từ một tiệm Grocery gần đó và vào sở làm chỉ trễ có vài phút. Xem thế thì biết, khi đặt vấn đề cai thuốc, đầu tiên phải đặt câu hỏi: Mình có thắng mình được không? Lúc ấy, tôi không có câu trả lời quả quyết. Tôi chỉ nghĩ đến lúc mình thua cuộc trước mặt con mình. Nỗi xấu hổ với vợ tôi thì không nhiều lắm. Vì vợ tôi đã chứng kiến tôi thua cuộc nhiều lần. Kể cả những thua cuộc thầm kín. Còn nỗi xấu hổ với chính mình. Dường như, với tôi cũng không thành vấn đề cho lắm. Vì tôi đã quá quen thuộc với ”cái tôi chẳng nên trò trống gì” rồi. Nhưng với đứa con gái 5 tuổi thì khác. Nó coi tôi như thần tượng. Trong trí óc non nớt của con tôi, không có chỗ cho cái ”không thể” của bố nó. Tôi mường tượng câu hỏi ngây thơ của con một khi tôi thử cai thuốc nhưng thất bại: Tại sao bố KHÔNG THỂ bỏ thuốc được hả bố? Tôi sẽ trả lời sao với con?

Và tất nhiên, tôi không muốn phá đổ thần tượng của con tôi. Tôi tự hỏi mình câu hỏi khó nhất trong đời: Liệu mình có bỏ thuốc được không?

Nhưng trước hết, tại sao lại phải bỏ hút thuốc? Tôi cũng tự đặt cho mình câu hỏi này và chưa bao giờ có được câu trả lời đầy đủ.

Trong tâm tư tôi khi ẩn khi hiện một mối tình. . . rất đẹp.

2

Ba Mươi năm tình lận đận

Thuốc lá là người tình khói sương thân thiết của tôi đã 30 năm. Chúng tôi chưa hề rời xa nhau, phụ rẫy nhau dù 1 ngày. Kể cả những lúc tôi đói nghèo, quần áo 1 bộ, cơm ăn 1 bữa. Thuở ban đầu lưu luyến ấy, nàng mặc áo màu xanh – màu xanh Bastos – nằm chễm chệ bên ly cà phê phin đậm đặc, trong quán cà phê nhỏ Chung cư Nguyễn Thiện Thuật Sài Gòn với cô gái thâu ngân có nét đẹp liêu trai của các nhân vật trong truyện Bồ Tùng Linh. Đôi mắt cô to, mái tóc bới cao. Trông cô giống hệt đào cải lương Mỹ Châu nổi tiếng lúc bấy giờ của Sài Gòn cuối thập niên 60s. Hình như, đối với tôi (và những người bạn cùng trang lứa thuở ấy) gói thuốc lá Bastos xanh và ly cà phê phin đậm đặc làm cho tôi có nam tính hơn dưới mắt cô.

Ngày tháng và những mùa thi nối đuôi nhau đến rồi nối đuôi nhau đi. Hằng đêm, chúng tôi – tôi, gói thuốc Bastos xanh, ly cà phê đậm đặc và cô thâu ngân của quán cà phê chung cư – vẫn ngồi đó, nhìn nhau. Cho đến một hôm, cô gái không còn ngồi ở chỗ hằng đêm cô vẫn ngồi nữa, mà thay vào đó một cô gái khác, khá lớn tuổi hơn. Tôi cũng bỏ chỗ hằng đêm tôi vẫn ngồi để đến một chỗ khác. Vì những mùa thi đã chấm dứt với tôi, tôi không cần những ly cà phê phin đậm đặc nữa, thay vào đó là ly sữa ngọt nóng bỏ vào đó một chút cà phê đắng lạnh. Còn người tình khói sương mặc áo Bastos xanh? vẫn là nàng an ủi tôi cho hết chuỗi ngày … phiền muộn vì thất tình cô gái thâu ngân quán cà phê không tên ở chung cư Nguyễn thiện Thuật.

Rồi chiến cuộc ngày một trở nên ác liệt. Cùng với những chàng trai cùng trang lứa, chúng tôi – tôi và người tình khói sương (làm sao mà thiếu vắng nàng cho được)- giã từ bút nghiên lên đường nhập ngũ. Lúc này, nàng hiện thân là những Pall Mall, Lucky Strikes, Winston, Salem …v..v. Có những câu thơ rất ngộ nghĩnh dựa trên tên của nàng được truyền tụng rộng rãi trong giới lính tráng chúng tôi. Chẳng hạn như: Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu (Pall Mall), Sao Anh Làm Em Mệt, Mà Em Làm Anh Sướng (SaLem), hoặc Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng, Nặng Áo Thư Sinh Phụ Áo Chàng (Capstan). Dù nàng mang bất cứ tên gì, bao giờ nàng cũng ở bên cạnh tôi chứng kiến những nhọc nhằn hiểm nguy của đời lính. Cùng với người tình khói sương, tôi băng rừng vượt núi, vào sinh ra tử, hãnh diện làm nhiệm vụ của người trai thời ly loạn.

Rồi cuộc chiến chấm dứt một cách tức tưởi. Và những năm tháng tù đầy. Từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Bên cạnh tôi vẫn là người tình khói sương yêu dấu ấy, dẫu cho nàng có hiện thân dưới hình dạng xấu xí của thuốc rê, thuốc lào hay lá tàu bay phơi khô thái mỏng tẩm nước thuốc lào hay nửa phần khoai mì lát đổi lấy 6 con ruồi sơ sinh (từ này không có trong Tự Điển Việt Nam trước năm 75, có nghĩa: thuốc lào được vê thành từng phần hút nhỏ bằng hạt đậu đen trông giống như con ruồi mới từ dòi lột xác) đều vẫn không làm phai nhạt nỗi đam mê sặc sụa của tôi với khói sương. Nhưng mãi đến những năm tháng này, tôi mới thực sự nhận chân và đánh giá đúng sức hấp dẫn và ảnh hưởng của khói sương đối với những kẻ say mê nàng. Có người đã bán rẻ phẩm cách cũng chỉ vì không cầm cự nổi nỗi nhớ nhung khói sương. Có người thân tàn ma dại vì đã đem cả phần ăn chết đói của mình hàng ngày đi đổi lấy chút khói nhớ nhung. Trong bất cứ lá đơn xin quà gởi về nhà từ trại cải tạo, trong phần liệt kê hàng hóa, tên của nàng bao giờ cũng được nhắc đến đầu tiên và gạch đít nhiều lần: 1 ký thuốc rê Gò Vấp, 4 bánh thuốc lào 888 loại 250g 1 bánh hoặc sang hơn nữa là thuốc lá thơm Samit ..v..v.

Rồi đến những ngày lang thang vất vưởng ở Sài Gòn. Những ngày người tình khói sương bị đày đọa thành những Mai, những Đà Lạt, những gói thuốc quấn tay đủ loại bởi những thằng chết đói cũng như tôi. Tôi vẫn ngày ngày cùng nàng gắn bó bên những quán cóc vỉa hè bụi bậm, bên những ly cà phê bắp rang chát ngắt, bên những xị ruợu Cây Lý uống vào đái ra máu, bên những thân phận bạn bè cũng chẳng khá gì hơn, bên những câu chuyện về một nước Mỹ hào phóng, bên những câu chuyện về những chuyến vượt biên nhưng không bao giờ có đủ 1 chỉ vàng chung trước cho chủ tàu ..v..v và ..v..v.

Và rồi, hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai. Một buổi trưa nóng chảy mỡ và nồng nặc hơi người của phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi áo lớn quần dài cà vạt chỉnh tề bước chân lên máy bay để hân hoan làm một kiếp lưu vong nơi đất khách quê người. Đồng thời cũng hân hoan vĩnh biệt những Mai, những Đà Lạt, những gói thuốc quấn tay vụng về,- những dấu tích của một chuỗi ngày khốn khổ – để hân hoan chào mừng những ngày sắp tới no đủ những ba số 5, những Pall Mall, những Lucky Strikes, những Malboros, những … Lúc này đây, thuốc lá được mua từng cây chứ không phải từng gói.

Những tưởng rằng thời oanh liệt của người tình khói sương là đây.

3

“Cái … hút ngày nay đã hỏng rồi” (*)

Nhưng nỗi hân hoan kéo dài không bao lâu. Nước Mỹ có thể là đất của những cơ hội cho tất cả mọi thứ ngoại trừ thuốc lá. Mỉa mai thay, nước Mỹ lại là nơi tọa lạc của hãng thuốc lá lớn nhất thế giới, Phillips Morris. Người hút thuốc lá ở Mỹ bị làm khó đủ điều. Họ bị cấm không được hút thuốc ở những nơi công cộng, sở làm, trong quán ăn, quán cà phê, trên máy bay, trong xe Bus. Về nhà, họ bị vợ (hoặc chồng) cấm (hoặc tự họ cấm) không cho hút thuốc ở trong nhà. Mỗi khi mối sầu tương tư sương khói trở giấc là họ phải ra ngoài vườn, trước cửa nhà hoặc nhà để xe, bất kể thời tiết nóng hay lạnh, tuyết hay mưa, hay bão táp. Nếu không thì chỉ có nước nhịn.

Ôi đau xót thay cho những mối tình khói sương nơi Mỹ quốc. Thế mới biết, cuộc đời chẳng cho ai được niềm vui trọn vẹn. Luôn luôn có một điều gì đó trắc trở. Và tôi cũng không là một ngoại lệ. Ngay chính vợ tôi cũng phải thú nhận rằng, khi xưa, lúc còn ở Việt Nam, nụ hôn tuyệt vời là nụ hôn có mùi thuốc lá, nhất là thuốc lá thơm mua lẻ từng điếu và hình ảnh nam tính nhất phải là hình ảnh điếu thuốc kẹp tay tì lên chiếc cằm cương nghị với khuôn mặt lẩn khuất sau màn khói thuốc trắng nhạt. Và sau mỗi lần chúng tôi yêu nhau, nàng lại gắn lên môi tôi điếu thuốc lá thơm – mà nàng đã mua sẵn và dấu ở đâu đó từ bao giờ – Để rồi, cả hai chúng tôi, kẻ hút người ngửi, lim dim tận hưởng những dư vị của loài dã thú khi yêu nhau. Vậy mà giờ đây, hết vợ đến con chê miệng bố hôi mùi thuốc quá. Đến sở làm 8 tiếng, có được 15 phút nghỉ giữa giờ thì mất hết 10 phút chạy từ chỗ làm ra ngoài chỗ quy định cho hút thuốc và chạy về lại. Chỉ còn 5 phút vừa hút thuốc vừa ăn vội miếng snack cho đỡ đói lòng. Ngày xưa, gói thuốc hộp vuông bao giờ cũng có một vị trí trang trọng ngay trên ngực áo. Gói thuốc càng đắt tiền càng làm “tăng giá trị” của người hút nó. Ngày nay, gói thuốc phải được cất ở chỗ kín đáo. Ít người thấy, ít người biết.

Hút thuốc, giờ đây trên đất Mỹ, như một tội tình.

”Cái hút ngày nay đã hỏng rồi.(*)

Mười người xưa hút, chín người thôi”

 4

Lời tạ tình cho em

Chưa bao giờ, trong 30 năm sương khói, mối tình chung thủy của tôi với người đẹp khói sương, phải trải qua giai đoạn thử thách oan nghiệt như bây giờ. Bỏ nàng ư? Cuộc đời còn có niềm vui nào khác đâu mà từ với bỏ. Tiếp tục cuộc tình duyên 30 năm ư? Ái ân gì mà lúc nào cũng vụng vụng trộm trộm như đôi gian phu dâm phụ. Còn đâu cái dáng vẻ sảng khoái của một chiều xưa tóc bời lộng gió, điếu thuốc trên môi mắt đăm đăm nhìn về phương trời vô định, mơ ngày mai pháo rộn đường vui?

Cuối cùng, sau nhiều ngày đêm trăn trở, vật vã, tôi đã hoàn tất xong bức tuyệt mệnh thư gửi đến người tình 30 năm có lẻ:

Em yêu dấu,

Ngàn đời vĩnh biệt em, người tình khói sương của 30 năm ân ái mặn nồng. Xin em nhận những lời tạ lỗi chân thành nhất từ trái tim đã bao phen đau đớn, khó thở vì nỗi đam mê em ngự trị. Nhưng dẫu đau đớn tôi nào dám hờn giận gì em, hay đoái hoài gì đến cuộc đời bỏ đi của chúng ta. Tôi mang tiếng phụ tình cũng chỉ vì lòng thương con quá bao la. Em đã sống với tôi hơn 30 năm. Quá đủ cho một đời người ngắn ngủi. Xin hãy nhường phần đời còn lại của tôi cho con tôi, đứa con gái bé bỏng cần cha như cần hơi thở. Mai sau, nếu có (bao giờ) gặp lại nhau, xin hãy xem nhau như hai người xa lạ. Nếu tôi có yếu lòng, muốn được hôn đôi môi trong trắng thơm mùi thuốc lá của em, dù chỉ một lần, xin hãy vì con tôi mà thẳng tay từ chối. Hệ lụy cuộc đời nhiều lắm em ơi. Tôi không muốn mãi mãi lún sâu vào hệ lụy em thêm một lần nào nữa.

Ơi người tình khói sương một thời yêu dấu!

Vĩnh biệt!

Mỹ Quốc, một ngày ảm đạm.

T.Vấn

(viết 1996 – hoàn chỉnh lần cuối cùng 2020 để kỷ niệm 24 năm chia tay người tình khói sương)

(*) Kẻ hậu bối xin dập đầu tạ tội với tiền bối Trần Tế Xương vì tội dám “nhại” bài thơ lừng danh của tiền bối. Thiết tưởng, tiền bối hẳn cũng đã từng nặng nợ với “người tình thuốc lào” nên sẽ hào sảng khoát tay “chuyện nhỏ: ta cũng đã từng bỏ thuốc cả trăm lần.”

Dưới đây là nguyên văn bài thơ “Cái học nhà nho” của cụ Trần Tế Xương:

Cái học nhà nho

Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi .
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi.
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi .
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ ?
Trình có quan tiên thứ chỉ tôi.

 

(**)Những bức hình sử dụng để minh họa trong bài có nguồn gốc từ thế giới ảo mênh mông, nơi người ta hay bảo “muôn sự của chung”. Dù sao, cũng xin có nhời xin phép và đội ơn tác giả những bức hình đó.

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search