T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

LÊ MAI LĨNH: KHÙNG THI SĨ (Phóng Bút) (2)

Cõi Người Ta (12) – Tranh: Thanh Châu

(Tiếp theo kỳ 1 và hết)

BỎ ÁO VÀO QUẦN,

Từ hôm nay, em bắt tôi bỏ áo vào quần 

Chưa gì, em đã muốn làm bà nội anh, rồi đó

Bỏ áo vào quần, trông cũng đẹp, dễ thương

Cảm ơn em, anh xin y lệnh.

81 tuổi, ba cõi nhân sinh, chín cõi ta bà, giờ, trong đầu hắn là một kho chữ nghĩa, một lâu đài tràn ứa những chiêu xuất thần, vung tay, múa bút.

Với tài sản đó, một kho kinh nghiệm máu xương, một trùng trùng những giông bão đời bủa vây, bốn phương, tám hướng.

Hắn bây giờ thở ra thơ,  ho ra văn, và khóc ra những thứ khác, cười ra những thứ khác nữa.

Thơ, văn hắn, còn là THẦN DƯỢC, nói như nhiều người, mà tiêu biểu, đơn cử, là hai nàng nhà văn Hồng Thúy và Diễm Trần. Hai kiện tướng văn chương vùng Đông Bắc Hoa Kỳ và thế giới. 

Phải thế không cô nương?

Nàng DIỄM TRẦN nói, LML làm ảo thuật trong văn thơ của mình. Từ buồn sang vui, chỉ một nốt nhạc, rồi từ vui sang buồn, nốt nhạc thứ hai. Cũng có lúc, chỉ một nốt nhạc, đọc giả có cả vui lẫn buồn.

Đó là nói buồn, vui. Chứ khóc, cười cũng thế. Chỉ trong một nốt nhạc, người đọc, cũng khóc, cười xả láng, sáng dậy sớm. 

Văn chương Khùng thi sĩ, đọc không chán, như một thứ thực đơn không trả lại, phản bội, cái miệng của thực khách.

Sách của LML là sách gối đầu giường, là người tình trong mộng, hằng đêm, ru giấc ngủ, vỗ về bá cháy, bóp xoa ông địa, mát trời.

Là người vệ sĩ canh giữ khu vườn cấm, là người làm vườn, tỉa tót những nhành hoa tươi, những cộng lạc loài, mất trật tự, hắn còn hơn cả những bà thợ nail khéo tay, là vòi nước tưới đẫm những ngõ ngách, mặt trời không chiếu sáng, là chim hót trong giường, là chuột chạy dưới giường, là lời hoan ca của con thằn lằn, là tiếng tỉ tê của những con gián, gián chúa và gián nô tì.

Sách của LML, NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂU, ĐỨNG NGỒI KHÔNG YÊN, NHỮNG ĐỨA CON HOANG (kịch, độc thoại), LƯƠNG QUYÊN, CÔ LÁNG GIỀNG, CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH MIỀN NAM… là những tuyệt tác văn chương, cũng là những sản phẩm mang tính dược thảo, là thuốc hồi Xuân cho mấy bà góa phụ cô đơn, là thuốc trị bệnh lạnh cảm cho những bà góa phụ một mình trong đêm khuya, có bà nào góa phụ mà không cô đơn, nên sách LML thường cháy hàng,  cho cũng không ai nhận, mà nhận rồi, chỗ nằm của nó là thùng rác hay bãi đậu xe, vũng nước vàng khè, cạnh những xe, nơi phi trường Charles De Gaulle, bên Pháp, mà hắn đã từng chứng kiến.

Sách của KHÙNG, nếu là bên nhà, sẽ là niềm hạnh phúc cho những bà mua bán ve chai.

Sách của LIỀU, nếu là bên Châu Phi, sẽ là vật lót lưng, cho những bà lúc, áy áy…

Sách của NỔ, nếu bên Thụy Điển, sẽ được làm mới lại, sẽ được trau chuốt lại, đưa vào danh sách dự thi, cái gọi là, NOBEL văn chương giải.

Sách của LML, nếu bên xứ đỉnh cao trí tuệ, sẽ có chỗ dựa lưng, trong viện bảo tàng TỘI ÁC MỸ NGUỴ .

Sách của LML, bên xứ Cờ hoa, rõ ràng là thành phố Pittsburg, gào rát cổ, xin trao tặng, cũng không vang vọng tiếng hồi âm. Sách in ra, chỉ một độc giả trung thành, bác sĩ Nguyễn Văn Nghi, mua, mỗi cuốn 100 hay 200. Cũng có lúc 500, nhưng ông bảo, đừng nói cho chị quản giáo biết.

Thế nhưng, sách LML cứ in ào ào, rào rào, như tiếng chảy của nước sông Đào hay Cửu Long Giang.

In sách tặng, là niềm hạnh phúc của NỔ.

Như thế còn chả hơn là đi CASINO hay gù gái.

Lựa chọn nào thông minh, sáng láng hơn.

Sách của LML,

Sách của LML, 

Nói hoài chán lắm. 

Nói thêm nữa, khóc liền.

Thôi nói.

Sẽ thiếu sót, nếu không nói về mẹ của các con tôi, cô gái Huế.

Qua đây 30 năm, việc của bà làm, chạy tới chạy lui, bắt tay người này, cầm chân người kia, vuốt má, nắm tóc bà nọ.

Thế mà bà đã mua được 7 cái xe, một cái nhà và hai công chúa xong học đại.

Chuyện 5 cái xe đầu tiên mới thần kỳ, chiêu quái.

Cái nào khi mua cũng trên 1.000 miles.

Bà nói, vậy mới tin tưởng, chắc ăn, chắc nụi.

Mile nhiều như thế, chứng tỏ nó là lính chiến, kinh nghiệm đường xa mới NUMBER ONE.

Ổ gà, voi, tự động xe tránh, ổ chuột, thì tiến lên.

Lúc nào đổ xăng, lúc nào hết xăng, tự động nó lo, mình không mất thời gian và tiền bạc.

Bà quản giáo của tôi còn nói

Xe nhiều mile , kinh nghiệm lạng lách càng kỳ diệu.

Lúc nào có thể vượt đèn đỏ an toàn, lúc nào qua mặt cảnh sát nếu mình say xỉn.

Lúc nào muốn tè, ghé vào rừng cây, lúc nào muốn ngủ, ghé tiệm xăng, gần tiệm xăng, an toàn ngáy khò khó, không sợ cướp.

Bà quản giáo còn nói, như thế mình được tiếng thơm, đổi nhiều xe, chơi nhiều loại, nhiều đời, thuộc hàng sưu tầm đồ cổ.

Bà còn nói, tôi lái ông, chứ đâu phải tôi lái xe, nên quan tâm gì ba cái lẻ tẻ.

Bà quản giáo, đúng là, cha bộ đội, ông nội bác hồ.

Bà quản giáo, tôi sợ, hơn sợ thượng đế.

Nhưng từ lúc đến tuổi hưu, bà cúp tiêu chuẩn của tôi, night seven, day three.

Tôi cũng ít sợ bà hơn, chút chút. Tí tí.

Bà còn nói, ông loạng quạng, tôi cho vào viện dưỡng lão, sẽ biết thế nào là lễ độ.

Chỉ tới lúc hai cháu tốt nghiệp, bà mới mua cho hai “nàng rượu”, hai xe mới  ra xưởng và trả tiền bằng hai cục gạch.

Cháu lớn, cái gì gọi là phát phát ma xi.

Cháu bé, cái gì gọi là giáo giáo, có.

Rồi chưa hết, anh chị em bà bên nhà, quân số, không bằng quân Nguyên, nhưng cũng không dưới một đại đội.

Ngay cả hàng cháu, chắt, chít, bà cũng cover.

Bà trên cả số I, số I La Mã.

Một bài thơ khác, nghe, nghỉ giải lao.

ĐÀN BÀ, NHÀ ĐỘC TÀI và THI SĨ

(nói với Sài gon)

Tôi mơ một ngày

Tôi trở lại Sài Gòn

Bắt tay và nói lời cảm ơn những người cầm bút

Tôi đã quen tên mà chưa gặp mặt:

Đỗ Trung Quân, Bùi Chát, Nguyễn Cung Thương, Bùi Chí Vinh

 Tôi sẽ chào các bạn theo kiểu nhà binh

Dẫu ngày trước chúng ta không chung chiến hào

Chưa có dịp nổ súng vào đầu nhau

Nên nay vẫn còn làm thơ, vẫn còn uống rượu, vẫn còn chưởi thề, và ve gái

Vẫn còn phất phơ bay bướm, bướm bay.

Chúng tôi vinh danh người yêu như Nữ Hoàng, Nữ Chúa Thượng Để chúng tôi không sợ, nhưng chúng tôi sợ những người tình

Người tình càng nhiều càng tốt

Chúng tôi không từ chối bao giờ, một ai

Em nào đến, chúng tôi đều nhận, vui vẻ cầm tay

Nhưng em nào muốn đi, chúng tôi sẵn sàng phóng thích.

Thi sĩ, đàn bà, chúng tôi nương tựa vào nhau mà sống

Không có đàn bà, thi sĩ chết rập

Không có thi sĩ, đàn bà cũng thoi thóp

Như gà nuốt dây thun.

.

Mỗi lần Thượng Đế gọi, chúng tôi im lặng, giả đò như câm như điếc

Nhưng người tình gọi, dẫu chưa hết câu

Chúng tôi đã dạ dạ, vâng vâng.

Và nếu cần, đôi khi quỳ lạy

Là chuyện nhỏ.

Chúng tôi là vậy, chúng tôi là những người làm thơ

Thi sĩ là công dân thế giới

Nhưng với bọn độc tài, chúng sợ chúng tôi như sợ cọp

Đã nhiều lần chúng định tặng hoa cho chúng tôi và đuổi chúng tôi ra khỏi đất nước

Nhưng chúng tôi đâu có ngu mà nhận mà đi.

Mà có đi, chúng tôi cũng sẽ trở về

Chúng tôi nhởn nhơ trước mặt chúng cho chúng nổi khùng

Chúng nổi khùng lâu ngày rồi cũng chết.

Chúng có thể cầm tù hay hãm hại xác thân thi sĩ

Nhưng với trái tim, tâm hồn thi sĩ, chúng đừng hòng

Chúng tôi, thi sĩ, những người không chét

Chúng tôi, thi sĩ, những quan toà của lịch sử

Nhốt chúng thiên thu trong mọi lời thơ

Cầm tù chúng muôn đời trong những bài thơ bất tử

Hãy nghe đây, Bùi Chát thi sĩ gầm:

“Tôi gặp gỡ những người Cộng Sản

Những người anh em của chúng tôi

Những người làm chúng tôi mất đi ký ức

Mất đi tiếng nói bản thân

Mất đi những cái thuộc về giá trị

Chúng tôi chỉ còn sở hữu duy nhất một điều Nỗi Sợ.

Trò chuyện với những người Cộng Sản

 Những người anh em

Những người muốn chăn dắt chúng tôi

Muốn biến chúng tôi thành đồ hộp

Hy vọng chúng tôi đời đời biết ơn

Những người Cộng sản

Anh em chúng tôi

Chưa bao giờ thấy họ tự hỏi

Trong ngôi nhà đen đủi nầy

Ai muốn thừa kế gia sản của họ.

Những người anh em Cộng Sản

Đã phản bội chúng tôi

Đòi ném chúng tôi vào ngục

Đòi nhuộm đỏ màu da của chúng tôi

Đòi hy sinh mạng sống của chúng tôi

Cho những giấc mơ ngột hứng của họ

Hãy nghe Đỗ Trung Quân, thi sĩ gào:

“Vậy là chúng ta phân đôi chiến tuyến

Tao thấy gáy mày đang ló đuôi sam

Ta học lịch sử để làm người yêu nước

Để nhớ đời Trần Ích Tắc, Việt Gian.

Để nhớ đời ngạo nghễ Nguyễn Phi Khanh

Chân cùm xích ngẩng đầu qua quan ải

Và cúi đầu trước nợ nước, thù nhà

Ngày Đại Cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi

Vậy nhé, chúng ta chia đôi chiến tuyến

Đứa nào Chiêu Thống, đứng sang bên

 Gặp mặt trên đường, không chào nữa nhé

Mày cứ tự nhiên gầm gừ

Tao nắm đấm cứ vung lên.

Và, Bùi Chí Vinh, thi sĩ thét:

“Biển Đông không nhập nhằng “Đường Lưỡi Bò” láu cá

Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngu Chinh, thứ tàu lạ mơ hồ Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn Cường Hào, Ác Bá

Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi thơ khát Tự Do.

Biển Đông tặng thưởng từ những rặng san hô

Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo

Nơi bọn xâm lăng đang dong trống giương cờ

Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu.

Em ơi em, Tự Do có thật

Mộ gió của cha ông cũng có thật kia kìa

Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập

Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hỗn hào.”

Hãy lắng nghe thi sĩ Nguyễn Cung Thương viết từ Sài Gòn:

“Tao cụt một chân một tay

Nhưng còn một tay

Viết thư giùm cho thằng mù hai mắt

Nghe nói ở xứ người chúng mày cày như trâu

Nhưng không quên đồng đội

Chia đô la cho chúng tao như chia máu ngày nào

Tao cũng sớt cho mấy thằng bạn phế binh Việt Cộng

Chúng cũng què đui sứt mẻ như nhau

Bởi đảng của chúng là lũ đầu trâu.

Có điều tao không thể hiểu

Bao nhiêu năm qua

Chúng mày cứ mãi đắn đo

Thế giới văn minh đừng làm gì bạo động

Liệu chúng mày hòa hợp được không

Với lũ kên kên họ bảo

Những con thú cực kỳ giàu có

Mang “thẻ đỏ tim đen”

Nợ Nga, sợ Tàu, lạy Mỹ

Với quan thầy chúng cúc cung tận tụy

Quay về đàn áp nhân dân

Chúng đóng đinh Jesus lần nữa

Bịt miệng Cha, trói Phật, nhốt Sư, quản lý Chùa.

.

Chúng tao lê lết trên thành phố cáo Hồ

 Nên biết rõ từng tên đại ác

Trên bàn tiệc máu xương dân tộc

Nhà hàng nào chúng cũng ăn nhậu

Bé gái nào cũng bị chúng mua trinh

 Chúng tao sẽ tỉa từng thằng

Đất nước cần nhiều “quốc táng”

Bớt được mạng thằng Cộng Sản nào

Thì địa ngục xã hội chủ nghĩa này

 Còn có chút sáng lạn hơn.

Hãy gởi tiền cho những nhà tu

Để họ mở cửa nhà tù

Còn chúng tao là chiến sĩ

Hay gởi về cho chúng tao vũ khí

Thằng cụt tay sẽ chỉ cho thằng mù mắt bấm cò

Thằng còn chân sẽ cõng thằng què quặt

Trận chiến sau cùng này sẽ không có Dương Văn Minh

.

Tôi mơ một ngày

Tôi trở lại Sài Gòn

Bắt tay và nói lời cảm ơn các bạn

Những thi sĩ hiên ngang, dũng cảm

Những thi sĩ:

“Muốn đúc thơ thành đạn

Bắn vào tim những kẻ làm càn

Những con người tiêu máu của dân

Như tiêu giấy bạc giả”

Vâng, tôi sẽ về

Giữa Sài Gòn

Tôi sẽ chào các bạn theo kiểu nhà binh

Chúng ta, những nhà thơ chiến sĩ đã cùng chung chiến trận

Chống ngoại xâm phương Bắc và lũ độc tài bán nước Ba Đình

Vâng, tôi sẽ về.

Tôi sẽ về

Đã cận kề ngày tôi sẽ về.

Chào anh em

Những nhà thơ chiến sĩ hiên ngang ngay trong lòng kẻ thù CS.

Kính thưa quý thượng đế,

Độc giả là thượng đế,

81 tuổi, cõng trên lưng 111 năm 6 tháng của kinh nghiệm, từng trải, của oan khiên, nhục nhằn, tôi có thể viết thêm, viết nữa, viết mãi, không hết chuyện để viết.

Nhưng mà thôi, bài tới nay đã dài, tôi không muốn làm phiền lòng quý Thượng đế thêm nữa.

Hạnh phúc của tôi bây giờ, VIẾT và RỬA CHÉN BÁT.

Tôi sẽ có bài RỬA CHÉN BÁT, tặng quý NGÀI , nay mai.

Lê Mai Lĩnh

Bài Mới Nhất
Search