T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Mừng xuân mới về . . .

clip_image002

1.

Mùa Xuân. Cái háo hức của lòng người đã chứa đủ trong hai chữ mùa xuân. Sau bao ngày lạnh lẽo, tuyết gía, âm u, ảm đạm, mùa xuân, sự khởi đầu đầy thách thức, rộn rã đã đến. Dù thời gian xa cách đã mấy chục năm, dù không gian xa cách hàng ngàn dặm đường cách trở, cứ mỗi mùa xuân về, tôi lại nghe văng vẳng trong tiềm thức bài hát cũ vui tươi của ban kích động nhạc hài hước AVT một thời vang bóng.

Mừng xuân mới về,
Mừng mùa xuân tươi đã về.
Con nít thời vui, lòng ông lão thấy cũng tươi.
Người trai tơ hớn hở, gái cặp kê thời phập phồng,
Gái chồng chê đừng có lạnh lùng,
Gái chồng chê đừng có lạnh lùng.
Một năm hết vèo,
Mừng năm mới đến hết nghèo.
Năm lắm tình yêu, nhiều hạnh phúc đến rắc gieo.
Niềm vui trong mái nhà,
Tết đẹp thêm tình đậm đà,
Tết đẹp thêm tình đậm đà.

( Chúc Xuân – tam ca AVT )

Bài hát được ra đời từ ngày tôi còn là đứa trẻ nít, không cần nghe câu hát lòng tôi cũng đã vui. Bây giờ, tôi đã trở thành ông lão, cũng không cần nghe câu hát thực sự, chỉ cần dư âm của nó vọng lại từ một quá khứ mấy chục năm, lòng tôi cũng cảm thấy tươi. Tươi, chắc chẳng phải vì không khí mùa xuân chung quanh rộn rã. Tết xứ người, dù có cố gắng lắm cũng chỉ là để nhắc nhở con cháu đừng quên truyền thống cha ông. Có xa xứ, mới thấy hết sự thiêng liêng của truyền thống, nhất là vào những dịp lễ hội, trong đó, tết dân tộc là một truyền thống mạnh mẽ nhất.

Ngày tư ngày tết, đó là dịp cho gia đình xum họp, con cháu ở xa liệu mà thu xếp công việc, trở về nhà thắp nén hương giao thừa tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Giữa không khí đầm ấm như thế, lòng già có ảo não thì cũng phải cố mà vui tươi, cố mà rộn rã với sự rộn rã của trời đất, của con người, và nhất là của trẻ con đang xum xoe với những bao tiền mừng tuổi. Truyền thống ấy chẳng phải một sớm một chiều mà có được. Nó đã tích tụ từ lịch sử đất nước hàng mấy ngàn năm. Nay tha hương xứ người mới mấy chục năm, chẳng lẽ lại để mai một. Có lẽ đây là nỗ lực đáng trân trọng nhất của những người Việt Nam tha hương. Dù ở bất cứ nơi đâu trên những chấm nhỏ của bản đồ thế giới, dù là một cộng đồng đông đảo hay chỉ một nhúm người sống rải rác, hàng năm cứ đến dịp mùa xuân dân tộc, thì không khí mùa xuân lại được hâm nóng bằng những sinh họat mừng xuân lớn nhỏ. Chính những sinh họat như vậy giúp những người trẻ sinh ra, lớn lên nơi xứ người nẩy sinh tình cảm gắn bó với gốc gác quê hương. Với những người gìa, không khí ấy sẽ giúp họ vơi bớt nỗi nhớ nhà, thứ nhớ nhung thường ray rứt nhất ở những khỏanh khắc của năm cùng tháng tận.

Ngày tư ngày tết, cũng là dịp để mỗi con người chiêm nghiệm và thực hiện phần bản tính tốt nhất của mình. Giữa không khí vui tươi của những ngày đầu xuân, tâm hồn con người trở nên rộng lượng hơn với nhau, cởi mở hơn với nhau. Người ta cảm thấy phấn khích với nhu cầu cho nhiều hơn nhận. Mà nếu có nhận, thì lòng biết ơn cũng trở nên lớn hơn khi ở một thời điểm bình thường. Đây cũng là dịp cho những họat động từ thiện nở rộ, những lời tỏ tình tạm quên đi sự nhút nhát, những ganh ghét hận thù tạm gác qua một bên để bắt tay nhau hướng về sự hợp tác, hòa giải, nhân ái . Tập quán mừng tuổi người gìa và lì xì tiền cho con trẻ là một hình thức cụ thể nhất của sự cho và nhận. Người gìa cần sống lâu và người trẻ cần sự nâng đỡ vật chất. Cả hai cho nhau sự cần thiết và nhận ở nhau sự lo lắng quan tâm. Điều đó cũng giải thích được lượng kiều hối hàng năm đổ về quê nhà nhiều nhất là ở dịp Tết. Cái tinh thần “cả năm chỉ có 3 ngày Tết ” đã khiến những người may mắn nhớ đến những kẻ kém may mắn hơn mình, đến người thân kẻ thuộc trong gia đình, để rồi cứ mỗi dịp cuối năm, gởi về giúp nhau có được 3 ngày tết no đủ, chút quà lì xì cho lũ trẻ có tiền mua cây bút, tập vở đi học.

Truyền thống tồn tại được là nhờ ở nhân tính ẩn chứa trong mỗi tập quán mà người ta mặc nhiên chấp nhận, không cần đến những lời giải thích rườm rà. Cái nhân tính đặc thù trong truyền thống tết dân tộc là nỗi thương nhớ quê nhà, mà cụ thể nhất là căn nhà tổ tiên, nơi có bàn thờ tuy vẫn quanh năm hương khói, nhưng hương khói phải mù mịt nhất vào lúc cúng giao thừa, mời tổ tiên ông bà cha mẹ khuất mặt về mừng xuân mới cùng con cháu. Đã mời người khuất mặt trở về, thì người còn sống, dù bôn ba kiếm sống bất cứ nơi xa xôi hẻo lánh nào, cũng phải có mặt ở nhà mà chào đón . Điều đó cũng giải thích được con số không nhỏ người Việt hải ngọai về quê ăn Tết. Sự trở về ấy, ngòai tâm trạng náo nức mừng Xuân giữa một không khí thật trọn vẹn, còn hàm nghĩa thiêng liêng của đứa con trở về nhà cha mẹ trong dịp giao thoa giữa năm mới và năm cũ, giữa đòan tụ và chia ly, giữa sự sống và cái chết. Mà cho dù không thể về được, thì những cuộc gọi điện thọai viễn liên thăm hỏi cũng đã đủ để làm nghẽn hàng mấy giờ đồng hồ liền đường dây quốc tế gọi về Việt Nam. Ai cũng muốn được nói lời chúc Tết người thân ngay trong giây phút thiêng liêng giao thừa, như sợ rằng để qua ngày hôm sau thì những lời chúc không còn ý nghĩa nữa. Ẩn dấu dưới những lời chúc trân trọng ấy là lòng quan tâm, thứ nhân tính quý nhất mà chỉ con người mới có thế có để cho nhau .

2.

Tôi xa quê hương đã 18 năm. Từ ngày rời nước ra đi, tôi có được đôi lần về thăm gia đình, nhưng chưa lần nào được hưởng Tết quê nhà. Chưa kể gần 9 năm trong các nhà tù tiền sử, dù ở trên chính quê hương mình, nhưng hình ảnh Tết còn xa vời hơn cả những ngày lìa quê. Cho nên, với tôi, hình ảnh tết quê nhà chỉ là hình ảnh của quá khứ, của hồi ức còn mang theo đuợc bên mình làm gia tài sau này trao lại cho con. Nhiều đêm giao thừa, thao thức không ngủ được, tôi cứ nghĩ đến nồi bánh chưng ấu thơ năm nào, chiếc áo mới mẹ mua năm nào, đồng tiền lì xì thơm phức mùi giấy năm nào, mà nghĩ đến những đứa con của mình. Chúng thiệt thòi biết bao, khi sau này lớn lên, không có được cái hồi ức ngọt nào như của tôi, để mỗi lúc năm cùng tháng tận, phải lênh đênh phiêu bạc phương nào vẫn có chút nương tựa mà cảm thấy ấm lòng mỗi khi nghĩ đến (quê) nhà. Đó là thứ hồi ức làm người ta chảy nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc, những giọt nước mắt khiến người ta nôn nao một sự trở về.

Chỉ khi xa quê, tôi mới thực sự nghĩ đến quê nhà. Chỉ khi không được tắm mình trong không khí mừng xuân quê hương, tôi mới thực sự có thì giờ nghĩ nhiều về những tập quán đầy tính ước lệ như truyền thống tết dân tộc, mới thấy hết được cái triết lý rất đời thường ẩn chứa trong những tập tục ấy. Chỉ đến bây giờ, ngọn lửa nồi bánh chưng ấu thơ mấy chục năm trước mới rực rỡ hơn bao giờ hết , để cho tôi thấy được thật rõ nét những hình ảnh xum họp , gia đình và bạn bè, rõ nét cả một thời thanh xuân tóc xanh môi đỏ, lúc nào cũng sùng sục những ước mơ cho đời, cho gia đình, cho mình.

Nhờ vậy, tôi biết yêu và trân trọng truyền thống hơn. Đây là thứ gia tài truyền tay từng thế hệ. Chuyển giao và kế thừa là nhiệm vụ chung của mọi người, nếu chúng ta không muốn con cái mình trở nên nghèo nàn vì thiếu đi truyền thống.

Đời người ngắn ngủi. Vòng quay trời đất thì mênh mông. Mỗi mùa xuân đến, người gìa thêm già đi. Với thời gian, nỗi rộn rã trong lòng khi nhìn thấy mầm xanh vừa nhú lên trên cành cây khô ngòai sân cũng vơi đi chút ít. Cho đến khi sự nguội lạnh ngự trị. Đó cũng là lúc truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc chứng tỏ sự hiện hữu của mình. Với người Việt tha hương, thực tế mà nói, nỗi lo không phải là ở chỗ không có của cải để lại cho con cháu khi mình qua đời. Thế hệ trẻ hôm nay thừa sức để tạo dựng cơ ngơi vật chất cho mình mà không cần đến bàn tay tiếp sức của cha mẹ, thậm chí, chúng còn tỏ ra vững chãi hơn cha mẹ chúng cả về mặt nghề nghiệp lẫn địa vị xã hội. Nhưng chúng vẫn thật nghèo nàn về truyền thống dân tộc. Ở phương diện này, quả thật chúng cần sự nâng đỡ. Hay đúng hơn, chúng ta cần phải quan tâm đến việc để lại một gia tài truyền thống cho con.

3.

Khi nghe câu hát mừng xuân, người gìa rưng rưng nhớ về một thời xuân quá khứ. Hình ảnh ấy thật tội nghiệp. Và não lòng.

Nhưng, cũng nghe câu hát mừng xuân ấy, lòng người trẻ dửng dưng lạnh nhạt. Anh ta không có chút rộn rã, nao nức nào khi chung quanh người ta hối hả dọn dẹp nhà cửa, lau lại bình lư hương trên bàn thờ, sắm sửa trái cây nhang đèn, thu xếp chỗ cho một cành mai vàng chóe, bầy biện chiếc bánh chưng xanh giữa nhà . Người ta mừng xuân mới, nhưng ở người trẻ không thừa hưởng được truyền thống cha mẹ , lại không biết đến xuân là gì. Vì thế, anh ta dửng dưng.

Giữa hai người, một gìa một trẻ, ai là kẻ đáng tội nghiệp hơn ai?

T.Vấn

Mùa Xuân Canh Dần

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search