T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 33)

Tiếng Việt mới tại Đông Âu

Soái, bưởng : Ám chỉ những chủ hàng người Việt ở Nga, Ba Lan.
: Từ người Việt ở Tiệp dùng tự chỉ mình.
Bàn rơi : Nói đưa đẩy, không thật lòng.

Đi Puskin : Chương trình bổ túc tiếng Nga cho cán bộ chuyên ngành trước kia.

Mifa, Eska đập hộp : Những loại xe đạp một thời rất được chuộng ở Hà Nội do Ðông Ðức cũ và Tiệp cũ sản xuất.
(…trích từ những truyện ngắn ở Đông Âu của Lê Minh Hà)

 

Giai thoại làng văn 54-75

Đó là vào đầu năm 1953, tôi (Thanh Nam) mới từ Hà Nội vào Sài Gòn. Anh Hồ Dzếnh lúc đó đang viết cho báo Thần Chung của ông Nam Đình, vừa dịch tin vừa viết feuilleton cho báo đó dưới bút hiệu Lưu Thị Hạnh. Chân ướt chân ráo tới Sài Gòn, tôi tìm đến Hồ Dzếnh ngay, bởi tất cả nhà văn sống ở Sài Gòn hồi đó, tôi chỉ quen có mỗi mình Hồ Dzếnh, tôi đến tìm Hồ Dzếnh vào lúc trưa. Anh Dzếnh giới thiệu tôi với ông Nam Đình lúc đó đang bận rộn với mấy hàng tít lớn trên báo chí khẽ gật cái đầu chào lại tôi rồi lại cắm cúi xuống trang bài vở còn ướt mực trên bàn.

Hồ Dzếnh kéo tôi ra khỏi tòa soạn và nói: “Sống ở trong Nam này cần phải dễ dãi một chút. Từ ăn đến mặc, cần ngon, cần tốt”.

Sang vấn đề viết văn làm báo, anh khuyên tôi nếu muốn sống được với cái nghề viết ở trong Nam thì cần phải viết những tiểu thuyết có tình tiết hấp dẫn, văn phải cho sáng sủa, giản dị chứ không cầu kỳ, bóng bẩy, xa xôi v.v… Cả một bữa trưa hôm đó, Hồ Dzếnh giảng cho tôi những bí quyết viết cho ăn khách ở miền Nam qua kinh nghiệm của anh trên báo Thần Chung. Tôi nhìn bậc đàn anh của mình lúc đó nói về nghệ thuật viết feuilleton cho báo hàng ngày mà không thể nào nghĩ được rằng đó là một Hồ Dzếnh thi sĩ của những bài thơ: “Trên đường về nhớ đầy, chiều chậm đưa chân ngày”“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, nếu trót đi em hãy gắng quay về, đời hết vui khi đã vẹn câu thề, tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”

Tôi thất vọng, thất vọng hết sức và từ biệt Hồ Dzếnh ra về. Có lẽ mình phải trở về Bắc mất thôi. Trên đường về tôi đã tự nhủ như vậy khi nhớ lại buổi nói chuyện với Hồ Dzếnh trong quán cóc cạnh tòa soạn báo Thần Chung.

Nhưng rồi, tôi đã trở lại Sài Gòn, làm báo viết văn hăng hơn ai hết, trở thành một thứ ký giả miền Nam ngay cả trong lối hành văn và trong đời sống nghề nghiệp, khiến nhiều độc giả cũ đinh ninh tôi là người miền Nam viết văn. Hơn 20 năm, bao nhiêu biến đổi, giờ này nếu Hồ Dzếnh còn sống chắc cũng đã già yếu lắm, gần 60 tuổi rồi… không rõ anh có còn nhớ câu chuyện viết feuilleton làm sao cho ăn khách trong một quán cóc vô danh đường Nguyễn Văn Thinh Sài Gòn?

(Thanh Nam – Hồi ức về thi sĩ Hồ Dzếnh)

Tiếng Việt d và chẳng…dễ thương

Điều kiện ắt có và đủ tạo thành cái chợ là:

“2 người đàn bà + 1 con vịt”.

(ĐatViet.com – Trau giồi tiếng Việt)

Từ điển với tiếng Việt

Với cuốn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê xuất bản tại Hà Nội, được Phạm Văn Đồng khen ngợi là: “Chuẩn hóa tiếng Việt và giữ gìn trong sáng cho tiếng Viêt”.

Tự điển định nghĩa:

Cây là thực vật có lá, thân mộc, thẳng.

Định nghĩa như vậy thì sen, súng, hồng, cúc, bầu, bí không được gọi là…cây nữa. Vì chúng làm gì có thân mộc và thẳng.

(Đặng Trần Huân – Chữ nghĩa bề bề)

Tiếng Việt không đơn giản

Hỏi : Xin bà con đừng cười vì em út dốt lắm. Em út có chút thắc mắc : sao cứ hễ nói đến vấn đề “lập gia đình” (?) người ta lại sử dụng các từ ngữ có liên quan tới chữ vu quy..v..v…Xin cảm ơn.

Đáp : Theo quyển “Thi kinh dịch chú” thì chữ vu từ câu “Vãng quy phu gia” là có nghĩa là đi về nhà chồng. Chữ quy dùng một mình có nghĩa là “đi về”.
Thí dụ : Quy y tam bảo hay vinh quy bái tổ.
Chữ vu trong vu sơn không có liên hệ gì đến chữ vu trong vu quy. Theo điển tích, vua Sở nằm mơ thấy nữ thần núi Vu Sơn đến giao hoan với mình, khi từ biệt nàng nói:
“Thiếp ở trên núi Vu Giáp, nơi cao sơn, sớm ở Vu Sơn làm ra mây, tối làm ở Dương Đài ra mưa.”

Do điển tích này, người sau ta gọi việc giao hoan là chuyện vu sơn, chuyện mây mưa.

(ĐatViet.com)

Giai thoại làng văn

Số phận của bản thân Thanh Tịnh buồn thật buồn nên ông hay nói chuyện vui, nói đùa. Có lẽ chính vì đời buồn quá nên ông phải cố cười cho quên đi. Ngồi với ông hôm ấy (19.9.1982), ông kể tôi nghe nhiều chuyện vui. Tôi chỉ còn nhớ chuyện như sau:

– Anh có biết thế nào là chủ nghĩa xã hội khoa học không? Khoa học thì phải thí nghiệm. Khoa học khác thì thí nghiệm trên loài vật. Còn chủ nghĩa xã hội khoa học thì thí nghiệm trên loài người.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Ngư là…cá

Người Quảng Đông phát âm ngư là “dư”. Vì vậy trong tiệm ăn họ nuôi cá trong hồ gần quầy tính tiền để tiền bạc..dư dả.

Theo phong thủy, ở nhà họ nuôi cá trong hồ ngoài vườn để gia đình dư ăn dư mặc theo khuôn mẫu: Từ cửa sau là “môn” có lối đi tới hồ cá là “cuống họng” và đến bao tử là…cái hồ cá.

Nhưng đặt hồ cá trước cửa ra vào thì lại…dư chồng. Hay nếu nhà có con gái thì rắc rối chuyện chồng con hay ế chồng.

Chữ nghĩa trong thơ

Từ lâu, đã có nhiều người đã nhận ra: cũng là bảy chữ, nhưng câu thơ thất ngôn Việt Nam khác rất xa câu thơ thất ngôn của Trung Hoa. Khác ở nhịp ngắt: trong khi câu thơ thất ngôn Trung Hoa ngắt theo nhịp chẵn/lẻ (hoặc 4/3 hoặc 2/2/3), câu thơ thất ngôn truyền thống Việt Nam, ví dụ trong thể song thất lục bát, ngược lại, ngắt theo nhịp lẻ/chẵn (hoặc 3/4 hoặc 3/2/2).

Dễ thấy nhất là hãy so sánh câu thơ “Tầm Dương giang đầu / dạ tống khách” trong nguyên tác bài “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị với câu thơ dịch ra tiếng Việt của Phan Huy Vịnh “Bến Tầm Dương / canh khuya đưa khách”.

(Nguyễn Hưng Quốc – Đi tìm Võ Phiến)

 

Đất bằng nổi sóng

Qua chữ nghĩa văn chương, nhiều người viết “đất bằng nổi sóng…”. Câu này từ “bình địa khởi phong ba” chỉ chuyện đang bình thường mà có chuyện không hay xẩy ra.

Từ chữ “ba” trên mặt đất đến chữ “ba” dưới mặt nước và rất thường xẩy ra là “sắc bất ba đào dị nịch nhân”, ám chỉ “sắc người đàn bà không nguy hiểm như sóng lớn ngoài biển nhưng vẫn làm cho người ta chết đuối”

(Nguyễn Ngọc Phách – Bút chiến ở miệt dưới)

Ăn mày chữ nghĩa

Thiền sư hỏi đệ tử:”Như thế nào mới gọi là nhỏ?”.
Đệ tử:” Thưa, không nhìn thấy“.
Thiền sư:” Như thế nào mới gọi là lớn?”.
Đệ tử:” Thưa, không thấy bờ bến”.
Thiền sư:” Thế nào là không thấy bờ bến?”.
Đệ tử đành trả lời:” Là nhìn không thấy!”.
Thiền sư trả lời:” Vậy thì nhỏ tức là…lớn”.

Tiếng Tầu tiếng ta

Hỏi: Cái bàn tròn trong nhà hàng Tầu sao gọi là “thồi”.

Đáp: Người Tầu ưa ngồi bàn tròn, họ gọi là “viên đài”. Viên đài đọc theo giọng Quảng Đông là “dùyn thồi”. Người Việt ta bỏ chữ “dùyn” và kêu là “thồi”.

Giá sách cũ làng văn 54-75

Khu lều bạt Thăng Long, nơi tạm trú sinh viên Hà Nội di cư, nằm ngay trung tâm thành phố trên đất Khám Lớn Sài Gòn cũ, tháo dẹp. Sinh viên chuyển vào Đại Học Xá Minh Mạng, dù công trình xây cất chưa hoàn tất.

Đặc san Lửa Việt của Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội, do anh Trần Thanh Hiệp làm chủ nhiệm, anh Nguyễn Sỹ Tế làm chủ bút, sau số Xuân Chuyển Hướng, cũng ngưng xuất bản. Bấy giờ là năm 1955. Di cư đã đến hồi vãn cuộc. Hà Nội khuất biệt từ tháng Mười năm trước. Sài Gòn vẫn còn những mới mẻ, những hứa hẹn trong con mắt người di cư.

Chúng tôi – các anh Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, và tôi – gặp nhau, cùng làm việc, quen dần nhau qua mấy số Lửa Việt – nơi đã in vở kịch Trắng Chiều của anh Tế viết khi còn ở Hà Nội, các truyện ngắn Chàng Nhạc Sỹ, Gìn Vàng Giữ Ngọc của anh Sỹ và một vài bài thơ của tôi – đồng ý cần có tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì cho công cuộc chung.

Trong khi chờ anh Hiệp tìm kiếm nguồn tài trợ, chúng tôi nhận hợp tác với nhật báo Hòa Bình của anh Vũ Ngọc Các, làm trang Văn Nghệ hàng tuần cho tờ báo. Tôi được giao phó công việc đầu bếp  lo việc sắp xếp bài vở cho trang báo. Nhờ trang báo chúng tôi gặp thêm bạn: Mai Thảo.

(Thanh Tâm Tuyền – Trong đất trời nhau….)

Tiếng Tầu với người Tầu

Tiếng Tầu “nữ” là con gái, “nam” là con trai.

Hai chữ “nữ”“nam” ghép thành một là chữ “hẩu”…là tốt.

(Phụ chú: Hẩu lớ!)

 

Truyện ngắn

Truyện ngắn bao nhiêu để không thành truyện quá dài (hay vừa), như truyện ngắn Thác đổ sau nhà của Võ Phiến dài 44 trang, và Cái chết của lão Ivan Llych của Leo Tolstoi dài 40 trang.

Những truyện khoảng 3 hay 4 trang ít nhân vật, thời gian và không gian co hẹp, không thể để diễn tả hết ý câu chuyện. Hay nói cách khác nó chưa đủ dài hơi để phân tích các tình huống hay tâm lý nhân vật trong chuyện kể.

Vì vậy truyện khoảng 20 trang trở lại được xếp vào truyện vừa.

(Như Hoa Lê Quang Sinh – Tạp chí Tân Văn)

Phù vân

Phù là nổi. Đám mây nổi. Chỉ cái không bền, được đó mất đó.

Hễ ai đức thịnh thì hơn

Còn hơn phú quý phù vân kể gì

(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search