T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 35)

Nữ nhà báo đầu tiên

Nữ sĩ Manh Manh Nguyễn Thị Kiêm là nhà báo nữ đầu tiên với tờ Lục Tỉnh Tân Văn vào những năm 1930-1934, ngoài ra bà còn viết truyện và làm thơ.

(Nguyễn Công Khanh – Lịch sử báo chí Sài Gòn)

Truyện cực ngắn – Con vụ

Có một triết gia thường lảng vảng ở bất cứ nơi nào trẻ con chơi đùa. Và bất cứ lúc nào hắn thấy một thằng bé với một con vụ, hắn cũng rình rập chờ đợi. Ngay khi con vụ bắt đầu xoay tít, triết gia đuổi theo và cố chộp cho được. Hắn chẳng lấy làm phiền khi lũ trẻ con phản đối ầm ĩ và cố ngăn cho hắn khỏi đụng đến đồ chơi của chúng; mỗi khi chộp được con vụ đang xoay tít, hắn thấy hài lòng, nhưng chỉ trong một thoáng, rồi hắn ném nó xuống đất và bước đi. Hắn tin rằng sự thông hiểu về bất cứ một chi tiết nhỏ nhặt nào, về một con vụ đang xoay tít, chẳng hạn, cũng đủ để thông hiểu về mọi sự.

Vì lý do đó hắn không bỏ thì giờ cho những vấn đề lớn, dường như hắn thấy làm thế là hoang phí. Khi đã kiến giải được chi tiết tế vi nhất, thì kiến giải được mọi sự, và vì thế hắn chỉ bận bịu với con vụ đang xoay tít. Và bất cứ lần nào lũ trẻ chuẩn bị quất con vụ, hắn cũng hy vọng lần ấy hắn thành công: ngay khi con vụ bắt đầu xoay tít và hắn bắt đầu hụt hơi chạy theo để chộp lấy nó, niềm hy vọng biến thành niềm xác tín, nhưng đến khi hắn chộp được miếng gỗ vớ vẩn trong bàn tay, hắn lại thấy buồn nôn. Tiếng gào của lũ trẻ con, lúc nãy hắn chẳng nghe, thình lình lại chọc xuyên qua tai hắn, đuổi hắn đi chỗ khác, và hắn loạng choạng bước đi như một con vụ văng ra dưới một cú quất vụng về.

Tiểu đối

Hỏi: Trong thi ca Việt Nam có phần “tiểu đối” là gì. Xin cho biết.

Đáp: Tiểu đối là câu thơ trên đối nhau với câu thơ dưới…

Hoa giải nguyệt, nguyệt in một tấm

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông

Hai câu trên trích trong Chinh phụ ngâm khúc của bà Đoàn Thị Điểm.

Bẩy chữ tám nghề

Này, con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề…

(Kiều).

” Bảy chữ, tám nghề ” là một bộ kinh, có thể đã được soạn trước cả Ngũ kinh của Nho giáo. Một pho sách dạy nghề, hướng nghiệp, được biên tập công phu như những bài mẫu luận văn tốt nghiệp đại học. ” Bảy chữ, tám nghề ” là của quý, đáng được nhét vào chỗ kín trong mọi tủ sách gia đình.

” Bảy chữ “ là bảy mẹo quyến rũ khách làng chơi:

– Khấp (khóc), tiễn (cắt tóc), thích (xâm tên), thiêu (đốt hương thề), giá (hẹn hò), tẩu (đi trốn), tử (doạ chết).

” Tám nghề “ là tám cách gãi đúng chỗ ngứa của khách hàng:: Kích cổ thôi hoa (dùng cho khách nhỏ con), kim liên song toả (khách to béo), đại xiển kì cổ (khách nóng tính), mạn đả khinh khao (khách chậm chạp), khẩn thuyên tam trật (khách mới vỡ lòng), tả trì hữu trì (khách thạo đời), toả tâm truy hồn (khách si tình), nhiếp thần nhiệm toả (khách lạnh lùng). Không phải là nhà nho thì khó mà thuộc lòng được bộ cẩm nang.

Vậy mà Kiều của Nguyễn Du được Tú Bà dậy ” bảy chữ, tám nghề “.

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Tiếng Bắc tiếng Nam

Hồi năm 1955, quân đội quốc gia đánh Bình Xuyên. Quân Bình Xuyên rút vào Rừng Sát.

Một anh Bắc kỳ di cư làm trong ban truyền tin của chiến dịch. Một buổi sáng anh nhận được báo cáo: Phe ta bắt được ba “ghe” của địch. Anh đánh điện hỏi đi hỏi lại mà vẫn không hiểu tại sao đi hành quân chiến dịch , quân địch không bắt mà đi bắt “ghe”.

Mãi về sau anh mới hiểu tiếng Bắc “cái ấy” thì tiếng Nam là cái thuyền.

Sau này, đi vào chữ nghĩa làng văn “cái ấy” còn được gọi là con “ghệ”.

Cái hay con, “ghe” hoặc “ghệ” cùng gần gũi với chuyện sông nước.

Tiếng Việt nghèo nàn nhưng phong phú
Tôi nhớ hồi còn tiểu học, 1 ông hàng xóm nghe radio truyền thanh 1 buổi lễ gì đó, người đọc diễn văn oang oang:

“Hôm nay chúng tôi rất hân hoan vui mừng được đón tiếp phái đoàn … từ … đến thăm.”
Ông hàng xóm càu nhàu:
– Đã “hân hoan” lại còn “vui mừng !”

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

“Nhà sư” là thầy tôi

Năm 1980 tôi được xem mấy tấm tranh dân gian Oger. Thích quá. Mặc dù chả hiểu gì cả. Tôi lật xem tấm tranh vẽ nhà sư. Bốp! Như bị thầy tát vào má. Tôi sửng sốt, ngạc nhiên. Tên tấm tranh ” Nhà sư ” của tôi được viết bằng 4 (bốn) con chữ.

Lạ nhỉ, từ trước đến giờ tôi cứ tưởng là chữ Tàu, chữ ta thì mỗi chữ đọc một âm. Thế mà rõ ràng ở đây bốn chữ tên tranh lại được Viện từ điển bách khoa đọc là “Nhà sư”, nghĩa là chỉ có hai âm thôi. Trước mắt tôi, “Nhà sư” có vấn đề! Láo nào. Biết gì mà nói leo. Học chữ thánh hiền kiểu này thì chỉ tổ toi cơm. Ấm ức, nhưng tôi vẫn bướng bỉnh, tiếp tục lần mò thêm. Sau vài lần do dự tôi lấy quyết định… học chữ Nôm..

Ít lâu sau tôi mua được cuốn Chữ Nôm của Đào Duy Anh và Học chữ Nôm của Vũ Văn Kính. Dần dần hiểu được phương pháp cấu tạo của chữ Nôm. Muốn học chữ Nôm thì phải biết… chữ Hán. Ối giời đất ơi! Hán, Nôm đều mù tịt thì biết đường nào mà mò? Lặn lội mua cho được Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, thêm Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, kiếm thêm được Bảng tra chữ Nôm của Viện Ngôn Ngữ học, Bảng tra chữ nôm của Vũ Văn Kính, bộ giáo trình Cơ sở ngữ văn Hán Nôm của Lê Trí Viễn. Quý nhất là Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của…

Tôi chỉ tham vọng học được ít chữ để đọc được mấy cái tên tranh kia thôi. Sau một thời gian “đèn sách”, tôi đọc được bốn chữ của tranh “Nhà sư”. Tên đầy đủ là “Nhà sư lắc chuông“. Bây giờ mới yên tâm là chữ Nôm viết bốn chữ thì đọc thành…bốn tiếng.

Trong cái rủi thường ẩn chứa cái may. Nhờ có “Nhà sư” của Viện từ điển bách khoa tôi mới quyết tâm học chữ Nôm. Học chữ Nôm lại biết được một tí chữ Hán. Đúng là “Nhà sư” đã khai tâm chữ Nôm cho tôi. “Nhà sư” xứng đáng là thầy tôi.

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Chữ nghĩa biên khảo: Đình không phải đền

Làng Việt Nam nào cũng có một cái đình, nhà công của làng, nơi thờ thành hoàng nơi hội họp, hội hè, tế lễ, hát chèo, diễn tuồng.

Đình kiến trúc không nặng nề, rườm rà, tạo một vẻ oai nghiêm nhất định. Ðình không đè lên, át lên phong cảnh xung quanh những cây cổ thụ, đa hay muỗm, điểm thêm một nét bí ẩn nhưng không biến đình thành một cái đền trang nghiêm và linh thiêng.

Ðến đây dân làng thoải mái như ở nhà mình; người ta có thể trò chuyện thỏa thích, thậm chí có thể cãi nhau và cũng chẳng ai cấm đoán những câu bông đùa cợt nhả và cả những lời thô tục.
(Trần Văn CẩnViệt Nam điêu khắc dân gian thế kỷ XVI-XVIII)

Con gì ngu nhất

Quan bác là nhà văn. Vậy chứ đệ hỏi quan bác một câu:

– Con gì ngu nhất?

– Con bò chứ con gì.

– Ắt hẳn chưa là thế.

– Lạ nhẩy.

– Vậy chứ huynh có thấy con bò gặm cỏ không? Chúng biết chọn cỏ non mà gặm, chừa cỏ già, cỏ héo ra. Nếu có đống cứt trên cỏ chúng biết né. Chỉ ăn cỏ chứ không ăn cứt.

– Đệ hiểu ý quan bác muốn nói…con gì rồi.

– Vậy không phải vậy! Vì: “Chó dại từng mùa, người dại quanh năm”, thưa bác.

– Ừ, đúng nhẻ.

Báo chí miền Nam 54-75

Trong địa hạt báo chí, Sàigòn xưa nay vẫn là trung tâm của báo chí, ngoài những nhật báo lớn đã xuất hiện từ trước, như tờ Thần Chung, sau đổi thành Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Sài Gòn Mới của bà Bút Trà v.v.. khi người Bắc di cư vào Nam có thêm tờ Tự Do, tiếp đến Ngôn Luận. Đó là những nhật báo lớn có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Hoạt động báo chí ở Saigòn càng ngày càng phát triển, theo Vũ Bằng, đến tháng 12 năm 1963, ở Sài gòn có tới 44 tờ báo ra hàng ngày.

Tự Do là nhật báo đầu tiên của người di cư, quy tụ những tên tuổi như: Tam Lang (Vũ Đình Chí), Mặc Thu (Lưu Đức Sinh), Mặc Đỗ (Đỗ Quang Bình), Vũ Khắc Khoan, Như Phong (Lê Văn Tiến); Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân), Đinh Hùng (Hoài Điệp Thứ Lang, Thần Đăng), Phạm Tăng…

Theo lời nhà văn Mặc Đỗ: “Nghị định cho phép Tự Do xuất bản do chính tôi ký (lúc ấy ông làm việc ở Bộ thông tin cùng với Vũ Khắc Khoan), tôi tập hợp ban chủ trương. Có giấy phép rồi phải lo tìm vốn. Từ phút đầu tôi nghĩ ra và bàn với Khoan đồng ý cho tới ngày cuối cùng của tờ báo tuyệt đối không một ảnh hưởng nào từ bất kỳ đâu tới đường lối và hoạt động của tờ Tự Do (…) Ban chủ trương chỉ có Tam Lang, Vũ Khắc Khoan, Đinh Hùng, Mặc Thu, Như Phong và tôi. (…) Anh Tam Lang chủ nhiệm lo điều hành, Mặc Thu lo trị sự tiền bạc, Vũ Khắc Khoan là người trực tiếp liên lạc với bên ngoài. Tự Do tự nó đứng vững nhờ lập trường hợp với độc giả di cư và còn có lời là khác…” .

(Thụy Khuê – Văn học miền Nam)

Thơ thiền

Trần Nhân Tông (1279-1284) là tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Ngoài thắng quân Nguyên, ngài thắng cả tự chính mình qua bài Cư trần lạc đạo dưới đây

Bụt ở trong nhà, chẳng cần tìm xa

Vì quên mất gốc, nên ta tìm Bụt

Nay mới hay: Bụt chính là ta

Viết văn, viết báo

Văn chương, dưới mắt một số người, là những tác phẩm do người viết sáng tạo với chữ nghĩa văn hoa Sáng tạo từ cốt truyện, nhân vật, lời đối thoại, bối cảnh, tả cảnh, tả người, tả tình, tâm tư.

Báo chí và những truyện không hư cấu cũng làm được những điều đó. Khác với người viết truyện, người viết báo không phải lo đến cốt truyện, nhân vật, đối thoại, tả cảnh cùng lời trong cuộc kể lại. Thực tế trong cuộc sống hàng ngày, nhiều chuyện xẩy ra còn ly kỳ hơn truyện hư cấu. Nhiều nhà báo biết kỹ thuật kể chuyện để tạo ra bài viết hay như tiểu thuyết và đôi khi còn hay hơn nữa

(Vũ Thụy Hoàng – Múa bút)

Chữ nghĩa làng văn

Dưới đây là bốn câu thơ trong một bài

thơ thất truyền của cụ Nguyến Khuyến:

Con gái nhà ai tắm vệ sông

Vú vê để hở váy quai cồng

Ước gì ta được mà ta để…

Ta để mà ta lại…để chung

Chữ nghĩa với chữ “bất”…

Hỏi : Em vợ là gì?

Đáp : …là bất khả xâm phạm.

 

Ngộ Không

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search