T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 41)

Văn hóa du mục

Văn hóa Việt từ thời nhà Lê sau này lấy Nho giáo làm quốc giáo. Trong đó có tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với “nam tôn nữ ti”, hay “dương…thiện âm…ác”.

Ác hơn nữa là văn hóa du mục Tầu sang nước ta, các cụ ta xưa lấy tên đệm con trai là “văn” (ra ngoài đi học), còn con gái là “thị” (ở nhà đi chợ).

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Giá sách cũ

Tôi (Hồ Ông) nhớ vào khoảng năm 1970, tôi đã viết cùng lúc cho 4 tờ báo gồm: Nhật báo Tự Do (Chủ nhiệm Phạm Việt Tuyền, Tổng thư ký Nguyễn Trọng), Nhật báo Thời Thế (Chủ nhiệm Hồ Anh, Tổng thư ký Lê Xuyên), Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong (Chủ nhiệm Hồ Anh, Tổng thư ký Tử Vi Lang) và Tuần báo trào phúng Con Ong (Chủ nhiệm “Chí sĩ” Minh Vồ, Chủ bút Thương Sinh, tức Duyên Anh).

Tuy cùng cộng tác chung ở Nhật báo Thời Thế, nhưng tôi chưa có duyên tiếp xúc với Nhà văn Lê Xuyên, Tổng thư ký của báo này. Nguyên do vì tôi thường đến sớm đưa bài cho người thư ký của toà báo Văn nghệ Tiền Phong, và luôn tiện nhờ chuyển cho Nhật báo Thời Thế, rồi rút ngay về bên toà soạn Con Ong hưởng ứng những cuộc đấu hót hết từ toà soạn đến mấy cái quán xá nằm trên đường Võ Tánh.
Chính vì thế đối với nhà văn Lê Xuyên, mặc dù tôi rất ái mộ lời văn “đối thoại dấm dẳng” pha chất sex nhẹ nhàng kiểu “cởi cái nút áo người yêu cả tuần lễ chưa xong”, rất Lê Xuyên, rất Nam Bộ với những ngôn ngữ địa phương thuần tuý, không hề bị pha trộn với ngôn ngữ của thời đại… nhưng tôi vẫn chưa một lần được đối diện để xem “Chú Tư Cầu” ngoài đời chịu chơi đến mức nào. Cứ căn cứ vào các nhân vật “Chú Tư Cầu”, “Rặng Trâm Bầu”, tôi tưởng nhà văn Lê Xuyên phải là một ông Nam Bộ bậm trợn lắm mới viết rành lối văn “dấm dẳng ướt át” đến độ độc giả nào đã theo dõi “fueilleton” của anh là không thể nào bỏ qua được tờ báo vào ngày hôm sau. Có lần tôi thắc mắc hỏi “Chí sĩ” Minh Vồ, thì anh cười toáng lên, nói: “Cậu lầm rồi, Lê Xuyên nó còn hiền lành hơn thầy tu, nhát hơn con gái nhà lành nữa đấy. Nghe nói tục là nó biến ngay, đố dám!”.
Chỉ ít ngày sau, trong một buổi tôi và Minh Vồ cùng Dê Húc Càn, rủ nhau ra ăn sáng tại quán hủ tíu ở “mũi tàu” Võ Tánh – Lê Văn Duyệt gần tượng Phù Đổng Thiên Vương. Đang đấu hót rôm rả trong lúc chờ đợi đồ ăn, bất chợt Minh Vồ đứng vụt dậy chạy ra ngoài kêu lớn: “Lê Xuyên! Lê Xuyên! Vào đây ăn sáng với tụi tao đã!”.

Lê Xuyên, năm đó trạc khoảng trên 40 tuổi, người hơi nhỏ con, ăn mặc tươm tất. Anh vừa kịp kéo ghế ngồi xuống và Minh Vồ bô bô giới thiệu. Đấy là lần đầu tiên tôi gặp tác giả “Chú Tư Cầu”, Lê Xuyên.

(Hồ Ông – Kho báu trong tác phẩm của Lê Xuyên)

Văn phong

Nền tảng của văn phong là nếu có lời văn hoa mỹ, chải chuốt là điều hay. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu.

Triết gia Aristotle của Hy Lạp từ thế kỷ thứ tư trước Tây lịch đã nói: “Viết giỏi là có tư tưởng như người thông thái, nhưng phát biểu như người thường”.

Mark Twain cho rằng chữ ngắn, câu ngắn, đó cách viết hay nhất. Ông bảo: “Văn của tôi là nước lã. Văn của các đại văn hào là rượu nho. Mọi người đều uống…nước lã”.

(Vũ Thụy Hoàng – Múa bút)

Giời và trời!

Có tác giả cho là “giời” là tiếng Bắc và “trời” là tiếng Nam. Nhưng không hẳn là đúng, vi ngoài Bắc đều nói cả hai tiếng ‘giời” lẫn “trời”.

Đúng là bị giời đày. Vì: “Giời ạ! Ông trời có mắt xuống đây mà xem, chả biết khi nào người Bắc khi nào gọi là giời, lúc nào kêu là trời.

Giai thoại làng văn

Thâm Tâm lúc ấy ở Nhà Diêm với đại gia đình. Mấy em gái anh sống về nghề đóng sách mướn cho các nhà xuất bản, kiếm ăn chật vật. Được đồng nào, anh chỉ mang về cho gia đình được một ít, còn lại phải thù tiếp trả lại anh em, nên trong nhà ít khi có đủ tiền tiêu. Mặc dầu suốt trong thời kỳ tôi đi lại chơi bời với anh, Thâm Tâm không hề than thở với tôi một lời nào, nhưng ai cũng biết các em anh phải vay mượn thêm mới đủ ăn, mà ăn không đủ chất bổ cũng như Phụng vậy. Có lẽ cũng vì thế, Thâm Tâm thường phải vay trước tiền của nhà báo. Một hôm, không hiểu vì nguyên nhân gì, ông Long từ khước và bảo Thâm Tâm: “Ông không nên vay thì hơn”.

Thế là Thâm Tâm đứng dậy liền, móc túi còn bao nhiêu mời anh em đi uống rượu hết và anh uống thật say rồi độc thoại “Không cho vay thì bảo là không cho vay có được không, tại sao lại nói ông không vay thì hơn! Thế nào là hơn? Mà tại sao lại hơn? Hơn cái gì? Hở khỉ!”. Sau đó, Thâm Tâm đi kháng chiến, và đã mất rồi. Tôi không gặp anh lần nào ở hậu phương, cho nên không biết tâm tính anh có thay đổi nhiều không, nhưng trước đó thì anh là một người “đa bất mãn hoài”, nhưng lì lì không nói, bao nhiêu oán hận, tủi hờn đối với tổ chức xã hội lúc bấy giờ đều gói ghém vào trong các truyện ngắn và các bài thơ tuyệt diệu.

Truyện “Con Vờ” của anh là điển hình quan niệm của anh về xã hội lúc bấy giờ, và sau này, nghĩ lại thì anh đã múa bút viết bài thơ bất hủ trên “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”.

Đưa người ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng…

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Lối chơi chữ trong đối và thơ

Trong dân gian, lối nói chữ “dân dã” dễ hiểu hơn và cũng có nhiều lối chơi bất ngờ, đầy thú vị. Đây là một cách chơi chữ đồng âm:

Cóc chết bỏ nhái mồ côi,
Chẫu ngồi chẫu khóc: chàng ơi là chàng!
Ễnh ương đánh lệnh đã vang,
Tiền đâu mà trả cho làng, ngoé ơi!

Chữ “chàng ơi!” là tiếng khóc của cô Chẫu đối với chàng Cóc, thế nhưng ở đây chỉ nói tới con chẫu chàng trong bộ 5 con vật: cóc, nhái, chẫu chàng, ễnh ương, ngoé.

( Nguồn : e-cadao.com )

Bờm

Ca dao có câu “Thằng Bờm có cái quạt mo…” với bờm là chữ Nôm, chữ Hán là “bần”.

Vì vậy bờm là thằng nhà nghèo. Và “bờm” không là tên, nên không viết hoa là…Bờm.

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

Tiếng Việt không đơn giản

Xin chào các bác, các cô, các chú, các em, các anh…toàn thể nhân dân Đất Việt

Là 1 người việt nhưng không rành tiếng Việt, mình mạn phép lập topic này để hỏi các cô chú về các thành ngữ tiếng Việt mà mình kkông hiểu hoặc hiểu mù mờ, mong các bác các chú giúp đỡ cho thằng em.
Từ đầu tiên : xí đú. Ví dụ : ê mày ! nhỏ đó xí đú thấy mồ !
Từ thứ 2 : hiểu chết liền. Ví dụ : tao hiểu tao chết liền!

Còn nữa để em nhớ cái đã hen.
Ai có những câu thành ngữ, tiếng lóng nào hay xin đưa lên cho em học hỏi với nhé.

Bồ câu : Cảnh sát giao thông
Vẹm : Ý nói người CS, cái này chỉ thấy nói ở trên mạng, xin hỏi mấy bác ai phát minh ra từ này vậy, bắt nguồn từ đâu.
Bị vịn (hay dịn) : Ý nói bị bắt tại trận. Ví dụ : tao bị bồ câu vịn làm tốn hết 50 ngàn!

(Nguồn ĐatViet.com)

Chữ nghĩa làng văn

Hỏi: Chú ơi, chú cho Ty hỏi là nghe nói thi sĩ Việt Nam trước đây, có người ký bút hiệu bằng tên Pháp. Ai dzậy chú?

Đáp: Ngoài Bắc có J. Leiba, tên thật là Lê Văn Bái. Trong Nam có J. Staiala, tên thật là Nguyễn Hồng Kỳ. Cả hai tên Pháp đều bắt đầu bằng chữ “J”.

Hỏi: “J” nghĩa là chi chú.

Đáp: Hổng hay! Hỏi chi hỏi dữ thần dậy.

Từ: làm là để hát

Phạm Thái và Quỳnh Như lưu lại mươi bài Từ.
Trong văn học Trung Hoa, Từ là một thể thơ với những câu dài ngắn không đều và xuất hiện sau. Họ muốn phá vỡ những quy tắc khắt khe của bài Ðường luật để đem lại cho điệu thơ nhiều biến đổi, cũng để thích ứng lời thơ cho việc phổ nhạc. Bài Từ khởi lên ngay từ đời Ðường qua đời Tống thì rất thịnh hành. Bài Từ không có một khuôn khổ duy nhất. Các thi gia, nhạc gia chế ra nhiều điệu, đặt cho mỗi điệu một tên có cả trăm điệu, kể mươi điệu quen : Bồ tát man, Ức Tần Nga, Mộng Giang Nam, Ðiệp luyến hoa, Tây giang nguyệt, Trường tương tư, Tố ai tình.
Trong văn học ta có lẽ bắt gặp lần đầu dưới ngòi bút của Phạm Thái và Quỳnh Như bởi Từ nặng màu tình cảm, thường mượn tiết tấu uyển chuyển, lời lẽ nùng diễm để đạo đạt những u tình, kiển ngộ, nhất là rất xứng hợp để bọn tài tử giai nhân khơi tả nỗi sầu tư luyến tưởng nên ta không lấy làm ngạc nhiên thấy xuất hiện dưới bút của đôi công tử tiểu thư Lê mạt này trong câu chuyện tình duyên của họ.
Từ không thấy nẩy nở về sau, trừ có ngành ca Huế lợi dụng nó rộng rãi, còn không thấy dưới ngòi bút các thi gia. Có lẽ phần vì nó lả lướt, phóng túng không hợp với óc qui củ của nho gia ta vì nếu chỉ cần cho âm điệu biến đổi, tiết tấu phong phú, thì ta đã có sẵn những lối song thất, hát nói, giàu nhạc tính hơn nhiều.
(Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên)

Truyện cực ngắn – Người em

Nhà có hai chị em. Năm 1954, chị ở lại với gia đình ngoài Bắc, em theo chồng vào Nam.

Chiến tranh. Thằng con người chị xung phong đi bộ đội, vào Nam chiến đấu. Thằng con người em dù trốn chui, trốn lủi, cuối cùng số phận cũng bắt phải cầm lấy khẩu súng, và là người lính của phía bên kia. Cả hai đều tử trận!

Đất nước thống nhất. Hai chị em (lúc này đã là hai bà lão) đều sống trong cảnh cô đơn. Em đón chị vào Nam ở, để chị em sớm tối có nhau.

Từ đó, hàng năm, đến ngày 30 tháng 4, người em lại vắng nhà…

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

“Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Có nguồn cho rằng câu thơ này của Tố Hữu.

 

Ngộ Không

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search