T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Tình rất lạ

Cõi người ta (6) – Tranh: Thanh Châu

          -Mẹ! về liền đi, ba đang bệnh nặng.

 -Ừ!

 -Mẹ nhớ lái xe cẩn thận….

          -…

          -Mẹ có nghe con nói không?

          -Ừ!

          -Ở đó thời tiết ra sao, mưa hay nắng?

          -Trời tốt, trưa mẹ sẽ về đến.

          -Dạ! “bye” mẹ.

          Tôi đang sắp xếp quần áo vào va-li  thì cánh cửa xịch mở. Ðức bước vào, tay bưng chiếc khay với những món ăn còn đang bốc hơi.

          -Nóng hổi, vừa thổi vừa ăn. Ai muốn thì giơ tay lên.

          Kéo cao chiếc rèm cửa sổ, tôi đưa mắt nhìn ánh nắng đang nhảy múa lung linh trên mặt hồ sáng loáng.

          -Tôi phải về nhà liền bây giờ?

          -Chuyện gì?

          Ðức vừa lấy muỗng nĩa, vừa thong thả hỏi.

          -Ba của Băng Băng bệnh… nghe nói bệnh nặng!

          -Vậy để tôi đưa Diễm đi.

          -Khỏi! tôi đi được. Ðức ở đây coi chừng nhà dùm tôi.

          Ðức ngửa đầu, cười thoải mái:

          -Lẩm cẩm! bộ nhà này của Diễm sao mà lo lắng dữ vậy?

          Tôi chống nạnh, hất mặt trả đũa:

          -Ủa! tôi cũng đâu phải là vợ của ông, sao đòi đưa đón làm gì!

          Ðức lắc đầu, cười tủm tỉm rồi kéo tôi ngồi xuống ghế. Trước mặt tôi là đĩa thức ăn, mới nhìn thấy đã phát ớn, vì thịt nhiều hơn rau. Nhưng dù ớn đến đâu tôi cũng phải ráng ăn để có sức lái xe hơn bốn tiếng đồng hồ.

                                                ***

          Ngày đám tang của chồng, tôi không rơi một giọt nước mắt. Sự bình thản của tôi hẳn cũng khiến thân nhân, bè bạn cảm thấy lạ lẫm với một chút khó chịu. Ðức cứ nhìn tôi, nhíu nhíu đôi chân mày như muốn nhắc nhở  điều gì đó. Tôi hiểu, nhưng vờ đi. Tôi không muốn dối mình và dối người, như khi nghe Ðiểu, người bạn thân của chồng tôi lên bục nói vài điều về người chết. Những lời ca tụng đầy sáo ngữ không hề có trong thực tế của Ðiểu khiến tôi nổi gai ốc. Tôi cố đè nén, nhưng cuối cùng cũng phải đứng lên, đi về phía phòng vệ sinh để khỏi phải nghe giọng nói nghèn nghẹn của anh (thật hay giả? ngoài tôi ra, có ai nhận biết?) “… anh Triều ra đi bỏ lại người vợ yêu quý và đứa con thơ dại. Từ đây, trong căn nhà ấm cúng của ngày xưa, sẽ không còn bóng dáng người chồng thân yêu, người cha đáng kính. Hương linh anh Triều đang phảng phất đâu đây chắc cũng rất buồn bã, khổ sở khi biết rằng mình không còn được ở cạnh  vợ con để chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ như anh đã từng làm như thế mười mấy năm qua bằng tình yêu tha thiết…”.

“Có cần thiết phải nói những điều trái với sự thật không?”.    

“Có sao đâu chị, tôi nghĩ, dù thế nào Triều cũng không còn nữa, tôi phải ráng làm đẹp mặt thằng bạn một lần”. 

Nghe Ðiểu nói tôi cười nhẹ, thầm nghĩ, có thật là anh làm đẹp mặt chồng tôi hay đẹp mặt anh khi mọi người xì xầm khen ngợi “bài nói chuyện của ông này hay quá, cảm động quá, văn chương lưu loát…”. Ít ai biết Ðiểu là người từng chứng kiến những cuộc cãi vã tồi tệ giữa Triều và tôi. Anh cũng đã từng khuyên lơn, an ủi tôi hãy vì con mà cố gắng chịu đựng người chồng vô tâm, độc đoán, lúc nào cũng muốn chứng tỏ quyền gia trưởng của mình trước mặt mọi người, mà không cần biết điều đó đã làm tổn thương vợ mình như thế nào.

          Rất nhiều lần tôi muốn rời khỏi căn nhà u ám này, nhưng mỗi khi xếp quần áo vào vali thì Băng Băng lại thỏ thẻ hỏi:

“Ba có đi với mình không mẹ?”

Hay:

“Mình chờ ba về đi chung nghe mẹ”.

Tôi ôm con trong cánh tay gầy guộc mà nghe lòng xót xa đau. Triều đối xử tệ bạc với tôi, nhưng với con gái thì Triều rất mực thương yêu. Triều cũng chẳng phải là người ăn chơi trác táng, cặp xách với người đàn bà khác phản bội tôi, mà chỉ vì anh quá đặt nặng tình nghĩa anh em, lén lút, gian dối để lấy tiền gửi về  Việt Nam giúp đỡ  gia đình. Thật ra, tôi không phải là người hẹp hòi, ích kỷ, nhưng việc làm của anh là một hành động thiếu tôn trọng đối với tôi. Số tiền dành dụm được cũng có phần của tôi trong đó, vậy mà Triều muốn làm gì thì tự ý,  không hề hỏi qua ý kiến của tôi. Dù nỗi bực tức tràn ứa trong lòng, tôi cũng cố nhỏ nhẹ để nói với anh, tôi cần biết số tiền chi tiêu để ghi sổ sách hàng tháng như tôi đã có thói quen ghi chép như thế từ lúc hai vợ chồng mới về chung sống với nhau. Triều lớn tiếng nạt nộ:

          -Cô là vợ chứ không phải là mẹ mà tôi phải trình, phải thưa với cô những việc tôi làm.

          -Ðược! vậy thì anh cứ làm việc anh muốn làm. Còn tôi, tôi sẽ không nhịn nhục, cam chịu một cách ngu ngốc nữa.

          Triều xấn tới:

          -Không nhịn thì cô sẽ làm gì?

          Tôi lùi ra sau, ôm chặt đứa con gái mười một tuổi đang mếu máo khóc vì sợ hãi….

          Nằm bên cạnh đứa con gái tội nghiệp, co rúm người trong tấm chăn đắp ngang ngực, đang tấm tức khóc:

          -Con không muốn ba mẹ cãi nhau, con không muốn ba mẹ ly dị.

          Tôi kéo đầu đứa con gái vào ngực, ứa nước mắt trấn an con:

          -Không! không có đâu con.

          Nhưng rồi tôi lại tự hỏi, mình phải chịu đựng cảnh này đến hết cuộc đời hay sao? Tiếng khóc của tôi bỗng vỡ ra. Băng Băng đưa bàn tay lạnh ngắt lau những giọt nước mắt lăn dài trên má tôi. Hai mẹ con ôm nhau trong căn phòng tối tăm không còn chút ánh sáng.

          Ngoài kia trời đã vào đêm.

                                                          ***

          Sau lần đó tôi quyết định mở một trương mục riêng. Triều gào thét, la hét bằng những từ ngữ cộc cằn, thô lỗ. Tôi điềm tĩnh trả lời:

          -Chỉ có cách này tôi mới được bình yên để tiếp tục sống mà nuôi nấng Băng Băng cho đến ngày khôn lớn. Ðã là vợ chồng thì không nên có sự phân chia tiền anh, tiền em. Nhưng muốn như thế thì cả hai phải tôn trọng nhau và minh bạch trong vấn đề tiền bạc. Anh không làm được điều đó. Tôi cũng không có được tấm lòng quảng đại, bao dung để vui vẻ chấp nhận việc  anh làm. Một việc làm đồng nghĩa với sự thách thức. Xin lỗi anh… tôi đành chọn cách này để khỏi phải quanh năm suốt tháng bực tức vì thấy mình bị xem thường một cách quá đáng. Bây giờ, anh phụ trách tiền nhà, tôi trả tiền điện, điện thoại và tiền chợ. Hai phần ngang ngửa nhau, chẳng ai được lời mà cũng chẳng ai bị lỗ.

          Cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu từ đó. Những cuộc cãi vã không diễn ra nữa, nhưng nỗi hậm hực kéo dài từ ngày này qua tháng khác vẫn còn đó, cho đến lúc Băng Băng tốt nghiệp trung học ở tuổi mười bảy. Căn nhà lạnh lẽo, thiếu bóng hạnh phúc khiến con bé quyết định đi học xa không chút quyến luyến. Tôi cũng có được một cơ hội tốt, khi người quen giới thiệu đến  trông coi, chăm sóc căn nhà nghỉ mát  bên cạnh cái hồ rộng lớn, phong cảnh thật thơ mộng, hữu tình của ông thương gia giàu có ở một thành phố cách nhà tôi bốn tiếng lái xe. Mọi người nghĩ rằng đây là việc làm mà tôi đã cố công tìm kiếm sau gần một năm bị thất nghiệp, nhưng thật ra, mục đích chính của tôi là tìm một chỗ trú ẩn bình an cho tâm hồn, cũng như tránh đối mặt với Triều trong căn nhà giờ đây chỉ còn lại hai người.

          Và cũng tại nơi đây tôi đã gặp lại Ðức. Công việc của Ðức là giữ an ninh cho khu nhà nghỉ mát giàu có này. Ngày đầu tiên gặp mặt nơi cổng ra vào, chúng tôi nhận ra nhau ngay. Câu chuyện dòn dã đã dắt chúng tôi trở về kỷ niệm của thời tuổi trẻ. Nhắc lại tên từng đứa bạn với từng hoàn cảnh, mới thấy thương quá là thương một phần đời hoa mộng đã qua, với số phận  từng người. Sung sướng cũng có mà nghiệt ngã, bất hạnh cũng có. Ðức ly dị với vợ, khi người bạn thân được anh cưu mang trong  suốt thời gian đi học vừa nhận bằng tốt nghiệp dược sĩ. Và cũng chính lúc đó anh mới biết, bao nhiêu năm  người bạn ấy trú ngụ trong căn nhà của anh là bấy nhiêu năm anh đã bị người vợ yêu dấu của mình phản bội mà không hề hay biết.  Phần tôi, dù không ly dị, nhưng sáu năm dài không ai đặt chân đến phòng của ai thì có khác nào tình cảm đã rẽ vào ngõ cụt. Lòng thương con như sợi tơ trong suốt buộc chúng tôi vào nhau, nhưng tình yêu thì không còn nữa, dù Triều đã thức tỉnh trong lần anh về Việt Nam thăm gia đình, bị thằng em út đánh cắp “passport” và ra giá để anh chuộc lại hầu có tiền đi hút xách. Anh chị em trong gia đình, chẳng những không can  ngăn mà còn đưa ra con số cao ngất ngưỡng. Triều trở về bẽn lẽn, ngượng ngùng vì đã từng lớn tiếng tuyên bố với tôi  “anh em như tay chân, vợ chồng như  trang phục. Tôi bỏ vợ được chứ không bỏ anh em được”.

Bây giờ, tình em anh không còn, mà tình chồng nghĩa vợ cũng phai lạt vì câu nói như lưỡi dao bén cứa vào tim. Còn có thể làm gì được nữa khi dòng sông ngăn cách quá lớn mà Triệu thì không đủ sức để bơi qua, và yêu thương trong tôi cũng đã cạn cằn, làm sao đủ bao dung để phơi thân trên bờ sông quạnh quẽ đợi chờ anh trở lại.

          Cuộc sống tôi trở nên có ý nghĩa hơn từ khi tình cờ gặp lại Ðức ở một nơi không ngờ. Ngày đó, tôi là bạn thân của Mỹ, người yêu của Ðức, để rồi chẳng bao lâu tôi và Ðức cũng trở thành thân thiết. Ba đứa chúng tôi đã gắn bó với nhau suốt bốn năm dài, bên cạnh tình yêu nồng thắm của Ðức và Mỹ. Nhưng rồi, vì một lý do nào đó, cả hai đã chia tay trong bàng hoàng, hối tiếc của bạn bè. Tám tháng sau, Mỹ vội vàng kết hôn  như một hành động trả thù. Thù vì duyên cớ nào tôi không biết, chỉ biết  có một lần,  Mỹ đến tìm tôi với  vẻ xanh xao, hốc hác cùng những giọt nước mắt ngậm ngùi “Mỹ không quên được Ðức”.  Vài tháng sau tôi gặp và kể cho Ðức nghe nỗi nhớ quặn lòng của Mỹ, Ðức  chỉ cười nhẹ nhàng “Nói với Mỹ, hạnh phúc là do chính mình tạo ra. Hãy quên tất cả những gì nên quên”. Tôi ngỡ ngàng hỏi lại “Như vậy Ðức đã quên Mỹ rồi sao? đàn ông các anh dễ quên như vậy à?”. Ðức nhéo mũi tôi trước khi phóng xe đi  “Phải vậy đời mới bớt khổ Diễm ơi!”.

                                                ****

          Triệu qua đời, tôi trở về căn nhà cũ, Băng Băng cũng khăn gói về sống với mẹ. Những ngày tháng này thật êm đềm, hạnh phúc. Ðức thỉnh thoảng lại lái xe đến thăm tôi. Nhưng chưa bao giờ anh ở lại lâu, bởi  ánh mắt  gay gắt của Băng Băng làm anh cảm thấy e ngại. Tôi nói lời xin lỗi. Ðức cười dễ dãi:

          -Tôi biết, con bé sợ có một ngày nào tôi bắt cóc Diễm, thảy lên yên ngựa, phi nước đại, mang đến một ngọn núi hẻm hốc nào đó để xây tổ ấm như trong phim cao bồi. Ừ!.. ai biết được “ngày sau sẽ ra sao” há?

          Nhìn Ðức, tôi bắt gặp ánh mắt trong veo đầy tinh nghịch.

          Một lần, Băng Băng ngồi vào máy “computer” với cái điện thư tôi gõ cho Đức chưa xong đã phải chạy ra phòng khách chụp nhanh cái điện thoại đang reo inh ỏi. Dĩ nhiên, đây là sự tình cờ thật thú vị để Băng Băng có thể khám phá một “bí mật” đang ngày đêm gây lo lắng cho đứa con gái mồ côi cha. Tôi cũng thú vị không ít khi theo dõi phản ứng trên khuôn mặt xinh xắn của con bé. Ðể xem, nó sẽ đọc được những gì trong cái “email” dài lòng thòng qua những lần “reply” tới, “reply” lui…

       “Tuần sau Ðức có lên  nhớ mang cho tôi chậu hoa màu tím mà ông hứa  từ năm ngoái. Cái bệnh “hứa lèo” của ông coi vậy mà khó trị ghê hén, nó đeo dính ông từ lúc tóc xanh cho tới lúc bạc đầu vẫn chưa chịu buông tay. Chán thiệt!

          Ừ! còn nữa, ghé qua nhà bà Kimberly lấy quyển sách dạy nấu ăn mà b hứa cho tôi mượn. Lúc này phải tập nấu vài món Mỹ cho Băng Băng. Thấy nó ăn trệu trạo mấy món tôi nấu mà thương. Chắc tại nó có bà mẹ nấu dở, chứ đâu phải món ăn Việt Nam không ngon. Mất mặt thiệt!!! Hay là kỳ này có lên, ông ở lâu một chút, nấu dùm tôi vài món để dành ăn vài bữa cho tôi có giờ đọc sách. Tôi cũng đang học vẽ, nên khá bận rộn. Làm ơn cứu bồ dùm, Ðức nhé!”

          “Còn gì nữa không, sai bảo tiếp đi. Người gì mà lợi dụng dễ sợ. May mắn là trái tim tôi không dại dột rung động vì bà, nếu không, chắc là tôi phải hui nhị tì sớm, vì bị bà đì tối đa. Mắng nhiếc bà một chút cho vui, chứ tôi đâu có tiếc công với bà. Có điều, mỗi lần tôi đến, Băng Băng có vẻ không vui, nên tôi không muốn làm xáo trộn cuộc sống tình cảm của mẹ con Diễm. Chắc phải có một lần tôi hét vào tai nó- nếu ai bắt bác Ðức cưới mẹ con thì bác thà vào nhà dưỡng lão còn sướng hơn”

          Và còn nữa, bao nhiêu bức điện thư trao đổi quanh quẩn chuyện bạn bè ngày xưa và niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống hiện tại, tuyệt nhiên không hề có chút tình ý thầm kín nào làm vẩn đục tình cảm hồn nhiên của hai mái tóc đã bắt đầu điểm vài sợi tóc bạc. Nhưng có một điều rất lạ khi tôi nghĩ, nếu bây giờ Ðức đột nhiên biến mất thì tôi sẽ ra sao? chắc chắc tôi sẽ hụt hẫng, bàng hoàng và có thể cuộc sống của tôi sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.  Còn như…  nếu một ngày nào Ðức cầm tay và nói “Anh yêu em” tôi sẽ phản ứng thế nào? Tôi ngượng ngùng giấu mặt trong đôi bàn tay khép kín. Hình như … tôi nghe có một tiếng không rất quyết liệt, không biết nó xuất phát từ trái tim hay cái đầu đang nghĩ ngợi viễn vông. Vậy thì thứ tình tôi đang dành cho Ðức là tình gì nhỉ???  Tôi lắc đầu rồi mỉm cười một mình, chịu thôi! không có câu trả lời….

          Chẳng bao lâu Băng Băng trở lại sofa, ngồi xuống cạnh tôi, ngập ngừng nói:

          -Ngày mai… mình đi thăm bác Ðức nghe mẹ.

          Tôi bâng quơ nhìn ra cửa sổ:

          -Ủa! bộ trời sắp mưa hay sao mà con đổi tính mau vậy?

          Băng Băng dúi đầu vào ngực tôi:

          -Con muốn xin lỗi bác Ðức, vì…

          Không muốn con ngượng ngùng, tôi nhẹ nhàng đỡ lời:

          -Ừ! ngày mai mình đi. Chắc bác Ðức sẽ bất ngờ và vui lắm. Con biết không, bác Ðức là bạn tốt từ lúc mẹ bằng tuổi con bây giờ và mẹ muốn giữ tình bạn quý báu ấy mãi mãi. Bởi vì, là vợ chồng thì người ta có thể phản bội nhau, nhưng bạn bè thì không. À! cũng…. không hẳn…  như vậy. Nhưng nếu là bạn bè phản bội thì mình sẽ không đau bằng lúc mẹ bị ba phản bội.

          Băng Băng cau mày lắc đầu:    

          -Nhưng… ba đâu có phản bội mẹ.

          -Ba không phản bội mẹ để theo một người đàn bà khác, nhưng ba đã phản bội lời hứa trang trọng trong ngày cưới “sẽ yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt cuộc đời”. Ba chưa từng một lần tôn trọng mẹ. Và mẹ không bao giờ quên được điều đó.

          Băng Băng nhoài người sang búng vào mũi tôi:

          -Mẹ này… thù dai dễ sợ!  

Ngân Bình

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search