T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: MỘT QUÃNG ĐỜI…

Gió Xoáy – Tranh: Thanh Châu

       Vậy là tháng tới lão sẽ có đứa cháu ngọai thứ hai, thế mà mỗi lần lẩn mẩn tới con cái lão chẳng nhớ gì tuốt, ngay cả đứa con gái lớn bây giờ đã ba mươi sáu, lão cũng phải lẩm nhẩm cộng trừ nhân chia này kia mới lòi ra. Nói là vô tâm vô tính thì cũng không hẳn là đúng, nói cho ngay lão vẫn còn giây mơ rễ má đến cái cổ tục đất lề quê thói như chồng chúa vợ tôi, như lấy vợ đẻ con là chuyện của đàn bà con gái đái không qua ngọn cỏ, để bây giờ lão cặm cụi với …chuyện đời thường cùng một nắng hai mưa.

       Về đứa con gái đầu, lão chỉ mang máng nhớ lúc nó bốn tuổi, cái hồi mà mẹ nó chưa bán hàng sách ngược xuôi thì sáng nào hai mẹ con cũng kêu hàng rong gánh qua cổng, gọi ơi ới như gọi đò sang sông, rồi ngồi chồm hổm xuống húp sì sọat bún riêu với bún ốc. Đến cái ngày mẹ nó buôn đầu chợ bán đầu sông thì cũng hàng quán ấy, quen thói nó gọi vào tận trong sân nhà, cũng cong lưng ngồi lom khom và…ăn chịu, chuyện tiền nong  thì mẹ nó tháng tháng tính tóan với họ, lão nghĩ thấy mà thương, mà bồi hồi.

        Thương hơn nữa là cái ngày mới lóp ngóp qua đây, lão phải đi cầy như vạc ăn đêm nhưng cũng chỉ vắt mũi sủi tăm, một ngày ghé qua tiệm bán đồ chơi, thấy một con lợn nhồi bông to bằng cái cột đình và dài ngoằng như…con lợn ỉn, lủng lẳng là năm, sáu con lợn con ngọam vú, trông thật ngộ nghĩnh cứ như tranh Đông Hồ với “Lợn Đàn” ngày Tết vậy. Hồi tưởng lại những ngày ở phố Hàng Lọng, ngay sát khu Khâm Thiên với hát cô đầu, lúc đó lão bẩy, tám tuổi gì ấy, đồ chơi của lão chỉ có độc một chiếc xe kéo con con đỏ chót, kéo lóc cóc suốt ngày bên cái bể nước. Như đã kể lể ở trên, cái đồng lương của lão ngày ấy chũng chẳng béo bở gì, thế nhưng lão cũng năng nhặt chặt bị bê về cho con và con gái lão tối tối ôm lợn mẹ, lợn con ngủ ngon lành. Cũng đến mươi năm, đến lúc đàn lợn từ mầu hồng qua mầu xám tro, rách nát tả tơi, dỗ dành mãi nó mới chịu cho quẳng đi.

       Lão lại nhớ đến cái xe kéo bằng gỗ mầu đỏ ở phố Hàng Lọng.

       Chẳng cần ngu lâu đần dai nhưng ngay cái buổi chân ướt chân ráo qua đây, lão cũng ngẫm ra một điều là chẳng như các cụ đã dậy là ăn cây nào rào cây nấy. Mà cây cam trông phương đông thì ngọt, trồng phương tây thì chua, để lão lờ mờ hiểu ra thì chuyện đời thường cứ như cuốn theo chiều gió, để chớp mắt một cái, chẳng chóng thì chầy cái ngày hai vợ chồng lão dắt díu nhau vào viện dưỡng lão cũng chẳng bao xa. Và đùng một cái đến ngày con gái lão đi lấy chồng, lại lấy ngay một thằng Mỹ con, lão cũng đành ngậm hột thị, để tự nhủ thầm, nếu cứ như nó lấy chồng người Việt mình thì cái câu chúc hời hợt đầu bạc răng long chẳng phải là truyện phong thần. Quá mù sa mưa, nay rước cái thằng voi dầy này về thì ba bẩy hai mươi mốt ngày, như ông thầy bói mù sờ voi, chẳng ai biết đâu mà mò. Để rồi sống lâu lên lão làng, để lão học mót được một điều mới đây qua báo chợ, báo chùa với…con đặt đâu cha mẹ ngồi đó.

       Trước ngày cưới, lão ghé nhà thăm con thấy trên tủ sách có bầy một quyển dầy cộm, tiếng Tây tiếng u lão ba chớp ba nháng, nhưng cũng ráng hiểu cái tựa đề dài kể gì là: “Làm thế nào để tổ chức một cái đám cưới”. Ấy vậy mà may, vậy là lão khỏe ru, đến ngày đến tháng lão cũng thảnh thơi đi ăn đám cưới con gái lão như bất cứ quan viên hai họ nào khác. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật thì lão cũng ký cóp thủ trong thùng xe được mấy chai rượu Tây, mà Ta uống rượu Tây thì không thể thiếu mấy…cục đá. Bèn nhờ vả đến ông sui gia, để rồi có chuyện vén môi cười không nổi là ông sui sai thằng con đi mua đá cục về bỏ vào ly khua nghe lenh keng, lóc cóc cho vui tai, cái lối uống rượu Đông với Tây không gặp nhau cũng nằm ở cái chỗ ấy. Và rồi tay cầm hai đồng, “Nó”, tức thằng con rể tương lai của lão, nó nói với ông bố: “Ông còn thiếu tôi một đồng”, lão cứ ngớ ra để chẳng hiểu gì cả, rồi cũng đâu vào đó, như chuyện thiên hạ sự.

       Nếu có thêm chuyện thì…không có chuyện chụp hình nhăng nhít ở đây, vì gia đình nhà trai là gốc da đỏ, có tia sáng lóe lên như tia chớp, như bị…sét đánh ngang tai vong mạng cháy thui, nên cũng có kiêng có lành như người Việt ta. Cũng chẳng có mục buổi sáng âm thầm vào nhà thờ, buổi chiều hí hửng với áo cưới trước cổng chùa, cứ như người vợ hai lần cưới không bằng. Hay vẽ chuyện làm cái cổng trào như khải hòan môn bằng lá gồi, treo tòng teng hai chữ vu quy, tiếp đến là lũ lượt đón dâu với rồng rắn lên mây cùng hoa quả với con heo quay, đã lăn quay ra rồi mà trên đầu còn cắm cái hoa hồng to tổ bố. Đơn giản thì tất cả hai họ cứ hú nhau ùa nhau tới nhà trai, rồi kéo rốc ra cái hội quán gần đấy để xem mọi da đỏ đầu cắm lông gà, lông vịt, miệng “..hú..hú..” vang trời đất, cưỡi ngựa chạy vòng vòng chung quanh mấy thằng cao bồi, súng đạn lốp đốp như pháo nổ với đám cưới nhà ai, để nếu biết rằng tôi đã có chồng, giời ơi người ấy có buồn không…Để lão buồn quá cha, vì trong đám da đỏ hò hét ấy lại có…lão.

      Lão cũng chợt nhớ ra là ở cái ve áo “vét” của lão, cũng có cắm một cánh hoa hồng to đùng như…con heo quay.

      Thêm mắm thêm muối một chút cho mặn mà với kiêng cử như đi gặp đám cưới, về gặp đám ma, thì người vợ lão sau này, lúc ấy đang vác cái trống cơm đợi ngày bơi cạn. Lại liên tưởng đến chuyện bà bác lo đám cưới cho con cả năm, đến ngày con gái đi lấy chồng thì bà mẹ ở cái tuổi ngũ tuần tri thiên mệnh còn bon chen…bụng mang dạ chửa, chả lẽ lại có chuyện đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái, thế là cái đám cưới được rời lại một ngày…xa vắng. Riêng vợ gã thì cũng thỏa mái thôi, cứ vác cái bụng cao ngang mặt, chạy tới chạy lui tất bật lo cho con gái chồng, chẳng câu nệ gì này kia. Ấy vậy mà hóa hay, sau họ hàng và dăm ba người bạn kể lại thì ít có đám cưới nào thỏai mái và…bình dân đến như vậy. Chẳng có chuyện họ hàng hang hốc từ mãi đâu đâu kéo về, sắp một hàng dài trên sấn khấu ngơ ngáo nhìn nhau như ngỗng đực. Phần khai mạc chỉ có ông sui gái tóc đen nhánh vì mới nhuộm múa đôi với bà sui giai, bà sui gái mang cái trống chình ình kéo co với ông sui giai cao ngồng, vậy là xong. Cũng chẳng có ban nhạc khua chiêng gõ trống đến đinh tai nhức óc, mà chỉ có cái đàn dương cầm thánh thót buông rơi từng tiếng một và hội quán kiểu nhà quê, ngồi dưới tàn cây ngòai vườn, trong bóng chiều mọi người cứ mặc nhiên thả hồn theo ruộng lúa xa xa, và cũng không thể không thiếu vắng tiếng ễnh ương, chẫu chuộc ồm ộp dưới bụi cây, quanh hồ cá, ma quái cứ như chuyện Bồ Tùng Linh vậy.

       Đến ngày đến tháng lão cũng có cháu ngọai, tiếp đến là thôi nôi, vợ lão lại được thể đầu bù tóc rối lo cơm nước cho cái ngày bỗng dưng khơi khơi lên chức bà ngọai, dẫu gì cũng của người phúc ta. Rồi lẩn mẩn làm sao ấy, cũng chỉ vì cái thói “hòai cổ”, lão thấy thằng con rể có cái bật lửa bằng nhựa, hàng hiệu với cái tên một thời là Ronson, nay đã “đít”…” đít-cân-ti-niu”. Lão hỏi nó để nhớ nhà trong khói thuốc, khói huyền bay lên cây, thì thằng ranh con trả lời tỉnh như con ruồi…Lúc đầu lớ ngớ lão hiểu là “Nó là con chuột”, sau vỡ lẽ ra và hiểu theo nghĩa cây nhà lá vườn là: ‘Cái này của…tôi”, ngắn và gọn thế thôi, chứ chẳng có chuột nhắt, chuột đồng gì sất. Mồ tổ nhà nó chứ, thứ này mà mua ngòai chợ hai ba đồng là hết đất. Thế là mất vui, mất vui hơn nữa là một buổi tới thăm cháu ngọai, thấy thằng con rể lui cui nướng thịt, hương thơm ngào ngạt cứ như là chả chìa với riếng cháy. Lão thèm rỏ rãi, chắc mẩm trong bụng sẽ được miếng thơm nhất, dầy nhất, vì thứ này mà đi với bia lạnh thì ngon kể gì, ngon nhất xứ. Vậy mà cho đến giờ quy cố hương, cái thằng đến ít mồm ít miệng, chẳng thấy nói tiếng nào, chào từ gĩa, nó cứ cắm đâu vào cái lò nuớng, đảo tới đảo lui mấy cục thịt to tổ chảng, mỡ nổ sèo sèo nghe vui cả tai. Cái thằng gì đâu không có một tiếng mời gọi cho phải phép, ngay cả đến ông bố vợ phải đấm như…lão.

       Lúc này lão mới thấm cái câu “dâu là con, rể là…khách trú” thì cũng đúng thôi. Ấy vậy mà lão chẳng có mống con trai để nối dõi tông đường, thế mới đau. Nói thì nói vậy chư lão đâu có phải là hai vị danh tướng bình Tống phá Chiêm Lý Thường Kiệt với đức Tả Quân Lê văn Duyệt bị thiến, để biết…đau hơn họan.

       Thế nhưng cũng nhờ phúc đức ông bà để lại, cái thằng rể mọi da đỏ này thì lại rất …nể vợ, như người mình vậy. Để rồi cũng chẳng dấu gì, cái mộng lớn mộng con của lão là có thằng rể biết nói tiếng Việt trong sáng, để ghét của nào trời cho của nấy, đến thằng rể sau thì cũng cá mè một lứa, nhưng ấy là chuyện mãi về sau này, cái lúc mà mặt trời đã ngả về tây với trời chiều bảng lảng bóng hòang hôn.

       Thêm một chút một gió heo may với đứa con gái lớn, đời sống nào chẳng có những lo toan níu kéo với chồng con, lập gia đình được năm, sáu năm đầu, vào những dịp lễ Tạ Ơn, giáng sinh hay sinh nhật của lão, nó còn gọi và hẹn hò dẫn đi ăn đi uống chỗ này chỗ nọ, ấy là chỉ điện thọai không thôi. Hoặc Tết nhất có dẫn con về thăm ngọai, một công đôi việc, cũng để có cái dịp chỉ chỏ vào lão và dậy thằng con gọi bằng “Ông”. Thằng cháu gọi lão cái tên “..ô.. ô..ng” đầy ngọng nghịu và nheo mắt nhìn cái ông già mũi tẹt da vàng như một…người xa lạ, như ET. ở hành tinh khác tới. Cái không êm của thằng cháu này, cha mẹ sinh con trời sinh tính, lại gần bên nội mắt xanh tóc quăn hơn bên ngọai. Ấy vậy mà còn hơn cụ bạn của lão, cô con gái theo cái đạo tà ma gì chẳng biết, nhất định không cho ông bố thờ ông bà ông vải ở nhà. Thà mất ông bà hơn là mất con, cụ bạn cũng đành buông một câu vớt vát: “Cũng may là chúng không lây chồng xa. ..”. Xa với gần, tất cả cũng chỉ vì nỗi ám ảnh không rời của cái…viện dưỡng lão.

       Giờ thì lão già rồi, nhớ lại năm 75…”Gã” mới qua cái xứ này lúc còn trai trẻ.

***

       Ngày ấy, gã đang nằm búng ghét trên cái ghế bố trong lều nhà binh ở trại “di tản” để đợi thời, thì được một gia đình người gốc Ba Lan đón về nhhà. Cái thằng Ba Lan ngô ngố này cũng lạ, chuyện là cũng chỉ nghe theo lời bố nó:”Tao vác mày qua đây ăn đậu ở thì, sông có lúc người có khúc, nay mày nở mày nở mặt, một miếng khi đói bằng một gói khi no thì cũng nên gíup đỡ người ta”. Thế là thằng Ba Lan rước vợ chồng gã về nuôi báo cô, như nuôi bố nó không bằng, sáng tiểu yến chiều đại yến, bát đĩa kêu lỏang xỏang, dao thìa sáng ngời, sau gã mới hay cái thằng ngỗng này chẳng “nở mày nở mặt” gì cho cam mà nghèo quá mạng đến không một cắc dính túi, cuối tháng chẳng dư dả để thanh tóan cái tiền điện thọai, nhưng ngẫm cho cùng thì nó chẳng thiếu cái tình người. Lúc ấy vợ trước của gã lại có mang, gã nhẩm tính chỉ đợi mẹ tròn con vuông là gã khăn gói gió đưa mang vợ con về ngọai, đang lập cư ở cái đất nắng ấm tình nồng này. Vợ gã lại sinh khó với những vất vả trăm bề và gã cũng chẳng hơn gì cùng những nhiêu khê như chẳng có công ăn việc làm, tiền trợ cấp thì lúc ấy chưa có. Vi vậy đến khi cô y tá ra hỏi đặt tên con thì gã ú ớ với cái tên “Thu Hà”, tên của một người tình cũ nằm ở cái ngõ ngách nào đó trong tâm khảm đã lâu ngày, gã cũng chẳng hay.

       Hơn hai tháng ăn chực nằm chờ thì gã về đây, được một tuần thì gã có việc làm, sắm được ở chợ trời được cái ti vi đen trắng, một cái bàn ăn gỗ mộc với bốn cái ghế sộc sêch. Ba ngày sau, một buổi tối mùa đông, sau một ngày vật vã vì khuân vác ba cái thùng hàng rau cải, đang li bì trên cái nệm trải dưới sàn nhà của căn gác lửng, gã nghe tiếng vợ gã nửa đêm dậy lục đục cho con bú. Rồi bỗng vợ gã gào lên, lay gã dậy và báo cho gã biết là con gái mới sinh của gã đã…chết rồi, gã chòang bật dậy, nhào tới sờ con thì thấy da thịt con đã lạnh ngắt. Sau gã mới biết cũng chỉ vì nuôi con theo lối mới là nằm sấp, úp mặt xuống gối, một lúc nào đó bị nghẹt thở, bé con không tự xoay sở là đi trong êm thắm, chẳng ai biết, không ai hay. Thế là với bộ áo ngủ nhầu nát, gã bung ra ngòai cửa kêu cứu vang trời dậy đất như một thằng khùng, thằng điên, rồi thì hàng xóm láng giềng bu tới, đen có, trắng có, mỗi người một tay để lo cho con gã mồ yên mả đẹp và trên xe đưa con về một cõi viên miễn với giấc ngủ dài của trẻ thơ, gã cũng chẳng biết cái nghĩa trang nằm ở đâu, vì mới chỉ đúng có mười ngày trên mảnh đất lạ này.

      Từ đó gã không thích mấy cái nghĩa trang, mặc dù nó khóang đãng và vắng lặng và gã cũng chẳng ưa gì cho lắm cái mùa đồng ẩm ướt lạnh lẽo. Thế nhưng trong cái vắng gió đìu hiu ngày ấy, gã chẳng thể nào quên được cái thằng Ba Lan cũng lặn lội từ xa tới, để  đưa con gã tới nơi yên nghỉ cuối cùng…Nó đến với gã ngay chiều hôm sau, ngay khi được tin con gã mất và trong đầu gã, gã biết nó không có một đồng dính túi.

       Để rồi ít lâu sau, cũng cái mùa đông, cũng cái nghĩa trang ấy.

       Một lần gã ghi vội trên giấy thì:

       “Hơn mười năm sau nhà tôi bị bạo bệnh, hơn hai năm tôi lấy bệnh viện làm nhà, lấy nhà làm bệnh viện, nhiều khi cả tuần lễ không gặp mặt con. Chiều 30 Tết trong khi thiên hạ rộn rã tống cựu nghinh tân, thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ thì mình tôi lầm lũi, âm thầm đi mua áo quan  cho vợ, lang thang trong cõi u minh của nhà chứa quan tài đầy mùi tử khí, lúc này tôi mới hiểu thế nào là sinh ly tử biệt, kẻ ở người đi. Trên đường về bệnh viện, mưa gió bão bùng, mưa mù trời, mưa mịt mùng, qua sương khói mờ nhân ảnh, tôi chợt oà lên khóc trong cái cùng cực và ảm đạm của một ngày cuối năm.

        Nhà tôi mất, mất mát là tận cùng của chịu đựng, tôi trở nên bình thản và mặc nhiên để có một mặc khải, chấp nhận và an phận với chính mình, nội tâm cũng như ngoại cảnh, cứ để cuộc sống bồng bềnh nổi trôi, không níu kéo thời gian, mà cũng chẳng vấn vương nợ trần một mai. Nhưng cũng có một lúc nào khắc khoải, với những ngày tháng còn lại, nửa đời nửa đoạn, chẳng biết đi về đâu…

       Dẫn con gái út lên thăm mộ mẹ, cháu ngây thơ hỏi:

       – Bố, Thu Hà là ai ?

      Tôi thẫn thờ trong câm nín, biết nói gì với con và nghĩ đến chuyện dời mộ cháu về gần mẹ cháu, có mẹ có con, Thu Vân, Thu Hà…Chiều mùa đông ngoài nghĩa trang chỉ toàn một mầu xám, lạnh lẽo và héo hắt. Thắp nén hương lòng… “Thu Vân, em bỏ anh đi, ngày tháng qua mau, cũng xong một đời người ”….“Thu Hà, anh bỏ em ở lại, đường xưa ướt mưa, cũng xong một cuộc tình…” tôi khẽ nói với cháu như thì thầm:

      – Về đi con.

      Trên con đường ra cổng nghĩa trang, hàng cây xơ xác, một ngày cuối đông…mình bố…mình con…

        Đêm về, tôi nằm nhìn lên trần nhà trắng nhạt nhòa, xa vắng và tiếc nuối, tôi nhìn tôi trên vách, chập chờn đi vào giấc ngủ khôn nguôi.., nửa khuya trở mình, choàng tay qua bên cạnh thấy trống không và lạnh lẽo….

        Ngoài trời, bây giờ là tháng mấy…như vẫn còn mưa rơi…”

        Ngày ấy đứa con gái sau của gã vừa mới mười tuổi và gã đành là gà trống nuôi con với những khó khăn riêng tư. Chẳng hẳn là miếng cơm manh áo, mà là lời ăn tiếng nói, bố nói bố nghe, con nói con nghe vì cái khác biệt của văn hóa cùng những suy nghĩ của giống tính. Nói cho cùng thì khi con gái gã đến cái tuổi mười ba, mười bốn, cái tuổi bẻ gẫy sừng trâu này kia thì gã không biết dậy dỗ con gã ra làm sao như mẹ dậy con, như ở những gia đình khác có một bà mẹ bên cạnh. Rồi cứ mỗi đầu tháng, gã lại dò dẫm vào phòng tắm, lui cui bới cái thùng rác để được nhìn thấy…cái băng vệ sinh, là gã lấy đó làm mừng, mừng vui như một ngày hội xuân…

       Một buổi tối, gã vào thăm con trước khi đi ngủ, thấy con chùm chăn kín mít, che cả cái đầu, sợ con ngạt thở như đứa con trước. Mở cái chăn lên, gã ngỡ ngàng chỉ thấy cái gối ôm và…con gái biến mất. Nhìn cái cửa sổ, thấy cái chốt lỏng le…

       Nội trong ngày hôm sau, gã lấy vé máy bay đưa con gái qua tiểu bang khác để trông cậy vào hai cô em gái, dẫu gì thì có cô, có cháu vẫn hơn, gã nghĩ vậy. Và gã được hai cô em ráo đầu như hai cô em đang dậy dỗ con cái, cả hai nhà không có đến một cái máy truyền hình, điện thọai muốn gọi phải có mã số, nhờ vậy cả hai đứa con năm nào cũng có bảng danh dự như…con cái người ta. Sáu tháng sau gã mới té ngửa người, thằng con cô em út chuyên sửa thông tín bạ, đứa con gái cô em thứ, một hôm bị cảnh sát sách về nhà và báo cho hay, thấy một cái xe không có người lái mà đang đổ dốc, họ chặn lại thì thấy đứa cháu gái gã đang gò cong người đạp ga, lùn quá thể, để chẳng thấy cái đầu ngóc lên.

        Nào có khác gì con gã, gã biết đến cái tuổi mới lớn ở cái xứ này, đứa nào cũng mê lái xe trong những ngày đầu đời, như gã hồi còn nhỏ tập tễnh với cái xe đạp, ngã lên ngã xuống đên u đầu sứt trán. Biết thế, nên gã giữ cái chìa khóa như ông Từ giữ đền, một tối thứ bẩy đi ăn đám cưới lại quá giang xe bạn bè, gã mang chìa khóa theo…Sáng hôm sau thấy cái xe bị móp bên hông, nhìn cái cột nhà xe thấy vết trầy bèn hiểu ngay cớ sự. Đó là chuyện đứa con thứ, mà nào gã không biết dậy con, như đứa con gái lớn lúc còn bé tí, cái quần gã treo trong tủ quần áo, bỗng dưng mất…hai chục bạc. Nhớ lại cái ngày gã cũng bẩy, tám tuổi gì ấy, bố gã treo quần trên tường, cái ví da lồ lộ như cái bánh gai, thế là gã nhón ít tiền tiêu chơi, với không tới thì đã có cái ghế. Nhưng oắt tì khôn mà không ngoan, vết chân bụi bặm còn để lại trên mặt gỗ  và bố gã lấy thắt lưng quất gã một trận để đời. Giờ gã không đánh con như bố gã đập gã vì tự nghĩ rằng chẳng qua cũng là lỗi ở gã, năm, mười đồng dằn túi để ăn quà trong tuần chẳng phải là xong, để không hỏi han tới cái nhu cầu nhỏ nhoi của nó. Lại nữa, cái ví để lù lù ngay trước mặt như gợi lòng tham của con, như miếng thịt mỡ treo trước mặt mèo, ấy là lỗi tại mình. Và gã chỉ nhỏ nhẹ với con là bố đánh rơi mất tiền, con tìm cho bố rồi hai bố con mình chia nhau. Lát sau thì con gái đưa lại cho bố hai chục…

       So với thằng cháu gã nay đã là một người khác, cái thằng chuyên viên sửa thông tín bạ, hè ăm ngóai nó về thăm quê nhà, ở ròng đến ba tháng đi từ bắc chí nam, nay biết uống rượu, ăn mắm tộm, sơi tiết canh thịt vịt và chỉ nói chuyện với ông bác, tức là gã về thịt chó với cái đầu gật gù và giọng nói say mê như một cuộc đổi đời. Cũng như gã một lần về thăm quê nhà với rượu rắn “cửu xà nhất điểu”, để một quãng đời rẽ qua một khúc quanh khác. Ấy là cái ngày mà gã lập gia đình mới, đám con gái gã có bà kế mẫu, xưng hô chỉ là “cô, cháu” chẳng khác gì hai mẹ con và một ngày hai đứa ghé nhà, báo tìn bố sắp có…con và chúng bò lăn ra cười. Nhưng đó là chuyện sau này.

       Trở lại khi vợ mất, khóc mãi cũng vậy thôi, con cái thì mỗi đứa một nơi, gã nghĩ đến cái viện dưỡng lão đang ẩn hiện trước mắt, lù lù nửa vàng nửa xanh như cái mả Đạm Tiên, ốm đau chẳng ai rỗi hơi ngó ngàng tới, nên bèn nghĩ đến chuyện qua đò để đi thêm một bước nữa. Gã cất công đi tìm tòi, thì may quá là may, gã học được bài học là trong tình yêu phải thật thà, mà muốn thật thà thì phải biết ăn gian nói dối. Nên mấy năm sau đếm trên đầu ngón tay cũng được gần chục con nhạn là đà, nhưng cái duyên cái nợ vẫn chưa chịu ló mặt, gã đâm chán đời, đòi rửa tay gác kiếm. Cho đến một ngày đi xem mắt cô chị thì chỉ thấy cô em, cái quần cái áo thì tằn tiện và thóang đãng, lại nghễu nghện đi ra đi vào ngay trước mặt như thách thức để biết làm sao đây, hở giời…

      Thì thôi cũng đành cho số phậnn đẩy đưa, như định mệnh đã an bài.

      Gặp phải gia đình Bắc kỳ di cư chín nút, nhưng vẫn còn cổ hủ với răng đen nhai trầu nhóp nhép, khăng khăng với con chị nó đi, đợi con dì nó lớn. Mãi đến ba tháng sau, gã mới đưa được cô em ra khỏi nhà với con đường tình ta đi, đi lên đi xuống may mà có em. Để gã chớ phở ra vì vợ chưa cưới của gã đẻ đái ở nhà thương Ngã Năm Bình Hòa, nói tiếng Nam rặc, mới ở với Việt Cộng có hơn chục năm, lại ở cái tuổi ngơ ngáo với nhân chi sơ tính bản thiện, thế nên vợ gã rất ư tự nhiên như người Hà Nội, nói năng nổ đôm đốp như dân Bắc Kỳ hai nút sau này.

       Lại thêm một lần…Gã ghi xuống giấy trắng mực đen trong một bài viết:

       “Gã chộn rộn kể lể cuộc tình của gã cũng sốc nổi lắm, mới thấy là bắt mê ngay, không có chuyện đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn như trong nhựt trình, mà y hệt như phim tập “Máu đổ bãi Thượng Hải”, tình tiết hếy ý, hồi hộp quá mạng. Gã tâm sự, ngồi trên xe hắn ngất ngây, bứt rứt nên chỉ dám ngó chừng, thì bỗng nhiên “nàng” hô hóan như mã tà: “Khủng hỏang”. Gã đang nghệt ra như trời chồng, theo ngón tay “nàng” chỉ, hóa ra là cái cao ốc cao mấy chục tầng và to bự sự. Và gã cười giả lả, nghe thấy…ghét, để gã cũng…“khủng hỏang” không thua gì “nàng”, với cú sét ái tình của cái cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm dễ mấy ai quên.

       Rồi gã ngồi sượng trân không biết nói năng gì, mồm mép, chữ nghĩa như trốn đâu mất tiêu. Thì “nàng” bỗng dưng bật cười khan, nói trống không như không có gã ngồi bên cạnh: “Chịu Thầy, ổng nói vừa xuống phi trường, tháng trước tháng sau là gặp ngay….”. Gã thộn người ra, “nàng” cười tình kể lể chuyện sóng nước, trước ngày qua đây, “nàng” của gã đi coi một quẻ, xem phận lục bình mười hai bến nước nổi trôi theo dòng đời, vướng mắc vào đâu và: “Thầy nói…y trang”. Đêm về, gã cứ thao thức, giầy dép còn có số huống chi chuyện vợ chồng, thảo nào, mấy bữa rày, trai tay trái gái tay phải, gã cứ máy mắt hòai hủy. Để rồi gã như bị hớp hồn bởi giọng nói ngọt như đường Thốt Nốt của người đẹp, nhớ muốn thác luôn và dễ thương chi lạ như “Hổng dám đâu”, hoặc “Ngộ héng”. Tối về, gã cứ ôm gối vật vã, vấn vương cùng mộng và mơ: Thấy em nhỏ xíu anh thương.

       “Nàng” cũng như chịu đèn gà, còn khen gã nói chiện chi có diên dữ thần, nhỏ tới lớn hổng thấy. Rồi gã hí hửng, bà cụ gã nói ăn cỗ đi trước lội nước đi sau, cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày nó thối nó thiu, nên ba tháng sau gã cấp kỳ ký giấy hôn thú trước, làm đám cưới sau và gã hỏi tôi: Ly kỳ không? Tôi đang sặc máu mồm dồn máu mũi về chuyện “Một chuyến đò nên duyên” này, và cũng đang ngẫm nghĩ trong đầu câu nói của gã “con là nợ, vợ là oan gia” ở cái khổ nào, thì gã xuống tông, giọng phỗng phào, nhưng vẫn không quên “cái ta” của gã, lớn hơn “cái tôi” của gã nhiều: Đêm tân hôn, gà cứ nhức nhối chịu trời không thấu, là không biết lão thầy mó mu rùa, thầy nước lạnh nói chi về gã. Thiệt tình thì được “khen” ai chẳng sướng rên, mà gã cũng ngon lành lắm chứ bộ, nhìn lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống thì cũng chẳng ai hơn mình. Cuối cùng dằn bụng không thấu, gã nôn nả hỏi thì vợ hắn ỏ ẻn trả lời, không biết dỡn hay thiệt: Bộ quởn sao! Ngu gì, ai lại đứa sáng đi nghe đứa mù. Mà tiền đâu mà coi bói, cha nội. Nghèo mà ham.

       Khôn ba năm dại…một giờ, nghe xong gã muốn chết giấc luôn. Lưỡi hắn cứng đơ …”xà rông” và cả đêm chẳng làm ăn gì được.

       Như quên chuyện cũ, gã bắng nhắng hỏi tôi, kiểu cả vú lấp miệng em, có phải đi cải tạo không. Chưa hỏi xong, gã đã trả lời thay, gã cũng chưa đi cải tạo, nhưng bây giờ đang sống với Việt Cộng và chưa biết ngày nào ra. Tôi không hiểu nhưng lọng cọng thấy rõ, nên vẫn cứ phải ngồi trơ thổ địa mà chịu trận, để nghe gã “tâm sự” một đời đắng cay với buồn nhiều hơn vui:

       Sau đám cưới, ngay ngày hôm sau…Gã chửi thề “Tía nó”, chưa kịp sớ rớ dậy con từ thuở còn thơ, dậy vợ từ thuở bơ vơ mới về, thì sáng chủ nhật mới bảnh mắt ra, đã thấy mình bị nhốt trong…lán tù vì vợ gã đã léo nhéo, ào ào như quản giáo: Chưa “lên kế họach” gì dậy cà. Gã còn đang ngái ngủ, cái gì mà lên với xuống, mà kế họach gì. Vợ gã đã nhắc nhớ, chứ không phải…”nhắc nhở”, là: Thì “phấn đấu” đi ăn trưa. Gã chưa kịp…”kinh qua”, ăn uống thì cứ tàng tàng, làm quái quỷ gì mà phải phấn đấu với tranh thủ…Vợ gã đã dục dã: Còn “lề mề linh tinh lang tang” nữa, “khẩn trương” đi vì trời “có khả năng” mưa. Gã chưa kịp nhìn ra ngòai xem ông trời có khả năng ở cái khổ nào, vợ gã đã nhắc khéo: Đã “quan hệ” với ông già bà già chưa. Gã hơi bực mình, gọi thì gọi, mắc mớ gì mà phải liên hệ với…”quan chức” thì vợ gã đã tía lia: Này “điện” ngay đi, gã chưa kịp sì nẹc, “phôn” thì cắc cớ gọi là điện. Và cũng chưa kịp xỏ đôi dép, đã thấy vợ gã cheng chéc, cheng chéc như hạt lựu sương sa một tràng trong điện thọai, xong cười mỉm chi kiểu ngây thơ vô số tội: Ông già bà già “thống nhất” rồi, vì  “đột xuất”, nên phải “động viên tinh thần” mãi mới chịu “tham gia thị trường”.

       Thế là đêm về gã cứ lo ngay ngáy với cái ám ảnh khôn nguôi, không đi cải tạo nay phải ở với Việt Cộng đến trọn đời. Không ít thì nhiều, ai chẳng mang cái hội chứng vợ ông hàng xóm có hôi nách cách mấy cũng hơn…vợ mình. Nhưng cái giống ăn sổi ở thì, thì chẳng dài lâu, nói cho ngay vợ gã cũng chỉ mơi chớm ăn phải bùa mê thuốc lú, lại không có…”cơ sở” tư duy vững chắc với ba đời là bần cố nông, lại được cái bụng để ngòai da, nên ba bẩy hai mươi mốt ngày là quên bác Hồ trong lòng…quần (chúng) tuốt luốt, nay chỉ lo chuyện cộng đồng, bích chương, cờ vàng đầy xe, đầy nhà, thế nên gã hãi quá thể, để lại thêm một nỗi lo âu canh cánh bên lòng.

        Trở về chuyện vợ con, cuối tuần không có chuyện…“xuống đường” biểu dương khí thế thì vợ gã lại loay hoay nấu nồi canh chua, cá kho tộ mang tới chăm nom hai đứa con chồng. Sinh nhật chúng thì dì nó hè ra đến một, hai giờ sáng với chả giò, cơm chiên này kia để gia đình gã mỗi ngày mỗi có sinh khí thêm lên…Nhưng không phải chuyện nào cũng nhẹ xuồng êm mái, êm đềm như một giấc mơ, một buổi tối không biết con gái kế gã cãi nhau gì với thằng bồ. Con dại cái mang, nó nốc nguyên một lọ thuốc Tây, nửa chừng sợ chết, khóc lóc mếu máo kêu chị với bố và dì nó, nửa đêm cả nhà tức tốc đưa vào nhà thương cấp cứu. Tội nghiệp cho dì nó cái tối hôm ấy, mắt đỏ hoe chầu chực bên cạnh con suốt năm canh. Riêng gã thì chưa có cái khỏang thời gian nửa đêm về sáng nào hãi hùng và dài đến như vậy và cũng nhờ cái biến cố thập tử nhất sinh nhơ đời ấy, dì nó và hai đứa con gã càng ngày càng khắng khít với nhau hơn. Đến độ có những lúc, hai đứa về hùa với dì nó để…”áp đảo” gã là bố thế này, bố thế kia, chạy trời không khỏi nắng, chái nhà quay về hướng nam, âm thịnh dương suy là thế.

       Cái ngày ra khỏi nhà thương, hôm trước hôm sau đã thấy giọng con gái kế gã nheo nhéo như đời nở hoa xuân ở trong tiệm…chó mèo qua đường giây điện thọai với dì nó… Lóang một cái, nó bê về một con chó con, chỉ vì cái tội dì nó không có…em bé.

       Chuyện chẳng là trước khi gã đưa dì nó ra tòa thị chính ký giấy hôn thú, gã thú nhận với dì nó là gã đang lọm khọm ở cái tuổi vào thu nên cũng hơi lười cái mục rửa bình sữa và thay tã cho con. Nói cho ngay thì cái dạo ấy, nhìn hai đứa con lớn lên như cây dại cùng gió Đông gió Tây, nên gã cũng có đôi chút ngán ngẩm với những quan hòai và dì nó chỉ nhè nhẹ gật đầu, chấp nhận cái cảnh chợ chiều với một mai gió đánh đò đưa. Gã cho là đã yên bề gia thất, chồng già vợt trẻ cứ rong chơi theo ngày tháng, nay thung lũng hoa vàng, mai trấn kinh Bắc D.C. Rồi vào cái năm thiên niên kỷ, hai vợ chồng thảnh thơi về thăm quê nhà, như chuyện cái thằng cháu sửa thông tín bạ, nói tiếng Việt giọng mũi. Vậy mà chỉ sau mấy tháng hè, nó làm một cuộc đổi đời cùng mắm tôm, tiết canh vịt và thịt chó.

      Và gã cũng vậy…

      Về đến Sài Gòn, gã rong chơi với bạn cũ trường xưa cùng đám học trò cũ của dì nó, dẫu gì cũng là cô giáo trong cái tuổi xuân thì và được lũ học trò gọi bằng “cô” với …”thầy”, gã cũng thấy ấm lòng với những gì còn rơi rớt lại. Sau được chúng dẫn thầy cô đi thăm Vườn Cò ở một cù lao lững lờ giữa dòng sông bên Thủ Đức, gã thấy mảnh đời nhẹ tênh và khóang đãng, bắc võng nằm trong bụi tre nghe thân cây cọ vào nhau rì rầm kẽo kẹt, lại được trò mua bia cho thầy uống, mà bia thì nhạt thèo như nước ốc. Trở lại thành phố, gã lê la ở chân cầu Thị Nghe bên quán Lá Mơ, cáo chết ba năm quay đầu về núi với nhất bạch nhì vàng tam khoang tứ đốm. Để không thể thiếu vắng cái dàn rượu rắn nhất xà tới ngũ xà lừng lững sếp hàng trên kệ dọc theo tường như trêu ngươi với mời gọi. Thằng em rể tức em giai dì nó là một tửu đồ, biết ý ông anh, bèn “hồ hỡi” và ‘nhất trí” thửa về cho gã một vại hồ tửu có cái tên…“Cửu xà nhất điểu”.

       Nhất điểu đây là con bìm bịp…

       Nghe mà phát chán, không chừng bị…”bịp” cũng nên, số là đã từ lâu gã chê ỏng chê eo mấy thứ rượu thuốc Bắc với Minh Mạng 1 và Minh Mạng 2 cùng lục dạ sinh ngũ tử, mặc dù trộn lẫn với Vodka, lại có lắm tay cầu kỳ với X. O., ực gì đâu chỉ thấy gây gây cùng hăng hắc mùi táo tầu với cam thảo. Thế mà mới nốc dăm ly rượu rắn này gã như bá thở, trời Sài Gòn tháng sáu, tháng bẩy nóng như đổ lửa, nóng muốn đổ đom đóm mắt. Căn hộ thằng em rể mái thì mái tôn, phe phẩy cái quạt nan nằm nghỉ trưa với dì nó trên cái giường đặt chình ình giữa nhà, phòng phiếc không có cửa nẻo, gió nồm gió hanh thông thốc lùa vào đến hốc người. Vậy mà người ngợm gã cứ hừng hực như người động kinh, cực chẳng đã gã phải vào phòng tắm dội nước cho hạ hỏa. Sau hỏi thằng em vợ thì gã mơi hay, con bìm bịp có một cái lạ là vì một lý do nào đó, khi bị gẫy chân, gẫy cánh là nó vùi mình vào bùn đắp hay ăn một thứ lá gì đó là lành bệnh. Nhưng không phải là chuyện, chuyên là rắn máu hàn, bìm bịp khí nhiệt, và không có giống chim nào “mắn” như bìm bịp, nên được ngâm với rượu thuốc là vậy. Để gã ngốt người bốc lửa giũa trưa hè thì cũng chỉ là chuyện bình thường của trời đất với nắng và mưa.

       Đa sự chứ không đa mang, cũng chỉ vì cái bệnh già mà người phương Tây có câu ví von là đang đổ dốc xuống đèo. Chứ đâu có cái chuyện mỏi gối chồn chân cũng phải chèo trong cái tuổi cứ thấy trời lành lạnh với chút gió heo may thì chân tay lại ê ẩm, tê cứng, cứ như cái hàn thử biểu đo thời tiết không bằng. Mấy tháng sau, cậu em vợ nghĩ rằng ông anh xuống núi có gẫy chân gẫy cẳng như con bìm bịp chăng, nên bèn cất công gửi sang một bình rượu khác, nhất xứ với nhất hàng nhì hiệu là “Thập nhị xà nhất điểu”. Cậu ta dặn đi dặn lại, chẳng là nước cốt nên rất phê, một ly phải điều chế thêm hai, ba ly nước suối, nếu không là té bổ chửng ngay đấy. Nam vô tửu như kỳ vô phong, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, để rồi cái đêm hôm ấy là đêm gì. Hỏi vậy cho có chuyện chứ tối hôm đó là sinh nhật của gã, gã rước bằng hữu tới nhà vật lộn với mười hai con rắn với con bìm bịp, gã ực lấy ực để và đêm tàn chụp xuống thì gã như người ăn cháo lú, chẳng biết đâu là bờ với bến. Để rồi trong một thóang mây bay, gã như về một bến mơ với rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng…ngủ quên.

       Tháng sau thì dì nó cũng chẳng biết đâu là bến với bờ cứ ói mửa ho khan như dị ứng với cỏ cây hoa lá. Bèn đi khám lang Ta thì quan lang lắc đầu với cái bệnh hết thuốc chữa và phán chắc như đinh đóng cột là đau…dạ dầy. Sợ bụt chùa nhà không thiêng, hai đứa con dắt díu dì nó đi lang Tây, quá trưa nghe tiếng chuông của kêu “kính koong, kính koong” như xe điện chợ Đồng Xuân dạo nào. Gã thò đầu ra mở cửa, vừa thấy bố già là đứa con gái bò lằn sà sàn nhà cười như nắc nẻ như đã thuật ở khúc trên và báo cho bố biết một cái tin, thọat thóang nghe thì chả mấy vui gì cho lắm…Là:

       Bố có…em bé.

       Quả là vỡ mặt để không vui gì mấy, cũng chỉ vì…ly rượu mừng cho một ngày gã sinh lầm thế kỷ. Riêng gã thì chẳng lấy đó “mừng” vui, hai tuần sau, tối nào cũng như tối nào, cứ hai, ba giờ sáng là gã bật dậy, mồ hôi vã như tắm, đốt điếu thuốc lá, gã đi lòng vòng trong nhà, từ phòng khách ra phòng ăn như người mộng du với một cái tương lai gần quả tình có hơi mờ mịt tăm tối, nếu không muốn nói là tối như đêm ba mươi. Như mường tượng đến cái ngày gã về hưu thì con gái gã mới nhấp nhổm và…“mẫu giáo”. Cái mục vui thú điền viên hay đi Tây, đi Tầu sắp tới được xem là nước lã ra sông để gã học thêm một cụm từ mới là…lão bạc sinh châu với cha già con cọc, mà cớ sự gì “lão bạc” với “con cọc”, gã nghĩ hòai không ra, đành buông một tiếng thở dài giữa khuya.

       Rồi ngày tháng qua mau, cái út của gã, tức cô hai của dì nó đến tuổi đi học…”dự bị” hai năm trước khi vào…mẫu giáo. Bá ngọ cái con Mễ trẻ rửng mỡ lúc làm giấy “đăng ký”, nó cứ nhè gã mà đỏng đảnh một bẩm hay thưa là “Ông ngọai”. Thế nhưng mỗi lần gã đi đâu về, cái út bé con con lon ton ra khoanh tay cúi đầu kêu: “Bố, bố” với “Daddy, daddy” để gã có cái niềm vui nho nhỏ cuối đời. Để gã chẳng quên “Ngày khai trường” của Thanh Tịnh với buổi mai hôm ấy một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh cùng cái ngày đầu tiên con đi học về, cái út chỉ vào ngực hãnh diện nói với bô: “I am BaoHan Phi”, ngày hôm sau cũng dáng điệu ấy, út nói: “I am BaoHan..Phai” để gã bật cười vì người ngọai nhân gọi họ gã Phi là “Phai”, để thấy con gã dễ thương chi lạ. Qua hôm sau thì có hơi khác, cái út không còn những hào khí của hai ngày đầu, lại gặp bố ngay trước, giọng nghiêm và buồn: “Tại sao bé phải đi học hòai vậy bố”.

      Gã lại hồi tưởng đến những ngày còn bé bị ông cụ gã nhiếc: “Không học thì sau chỉ đi xách dép cho người ta”. Mà làm thế nào để thủ thỉ cho con nó hiểu với ngôn ngữ bất đồng, qua tiếng Việt thân yêu cùng bốn nghìn năm văn hiến, với chưa một lần con nghe tiếng hát ca dao vào đời.

       Và niềm vui bình dị của gã cùng êm ấm tràn đầy hơn nữa là mỗi cuối tuần, hai chị về đón em cùng cha khác mẹ về nhà chơi . Hoặc giả dẫn em đi phố mua cái này, sắm cái kia, chúng còn nói với dì nó qua âm hưởng đầy ân tình: “Con của cô là em của con”. Chưa hết, chúng còn nói với gã: “Bố chỉ lo con bò trắng răng, sau này bố già thì có tụi con lo cho em”. Để rồi cuối tuần, con em trông ngóng con chị qua cái điện thọai, như gã ngày nào gã ngóng bà cụ gã đi chợ mua quà về và cũng chỉ mới tối hôm qua đây, con gái lớn gã đẻ non, cả nhà gọi nhau ơi ới vào bệnh viện thăm, dì nó lại bổn cũ sọan lại với một nồi thịt kho Tầu mặn chát, cũng chẳng thể thiếu mấy cái khoanh giò trắng tươi. Ấy là chưa kể dì nó dám khuân vào nhà thương cái hỏa lò, than củi nổ tí tách để hú họa quỷ ma cũng nên, gã có nhăn mặt lắc đầu vì ngài ngại cái thằng con rể cùng cái văn hóa cơ khí hiện đại này kia, thì dì nó chỉ ậm ừ, con so cũng như con dạ, chỉ sợ con nó gió máy này kia, các cụ ta xưa dậy vậy.

***

   Vào đến nhà thương, với niềm hân hoan có cháu ngọai mới, lão rủ hai thằng rể không phải là “người Việt mình” ra tiệm, cái mục này với lão thì cũng năm thì mười họa, chẳng là lão cũng ơn ớn cái mục nói chuyện với chúng bằng tay chân, nên cái mục đi ăn ngòai bất thường có một không hai này, tiếng Việt trong sáng gọi là…“đột xuất”. Thằng rể mới trẻ người non dạ ngồi trên xe gọi điện thọai không giây cho bạn bè khoe nhắng lên, mà lão hiểu lõm bõm là hôm nay trời đi vắng đươc ông già cho đi ăn…”ao-đo”. Ao với chuôm, với thằng này, nói dối phải tội chứ đến bây giờ, đã bao lần trẹo quai hàm, lão không biết gọi tên nó cách nào cho nó đúng cách. Ngồi trên xe, hết điện thọai thì nó lại loay hoay nghịch ngợm với cái máy chơi “gêm” to bằng cái bàn tay ra cái điều thích thú lắm lắm. Chẳng bù với lão, bằng cái tuổi ấy, ngày xưa lão chững chạc ra phết, nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục hay trời không chịu đất, đất chẳng chịu trời gì gì thì nay lão cũng chẳng bận tâm nữa, vì lỡ…quen rồi.

       Còn thằng rể lớn, đưa lão tới một tiệm ăn mà bia bọt được cất trong tiệm, biết ý lão, nó gọi một bình rượu cất với lúa mạch của Nga, cầm cái ly cối mầu nâu, nhấp ngụm đầu, lão lại hồi tưởng đến cái vại thập nhị xà nhất điểu năm nào. Như đọc được cái đầu lão, thằng rể mới gọi cho lão đĩa cẳng gà mà dân xứ khỉ ho cò gáy này gọi bằng cái tên rất tình tự dân tộc là “Trâu rừng” (Buffalo), mặc dù cái tên hình dung thì to đùng với hai cái sừng, chẳng ăn nhậu gì đến con gà cục tác lá chanh. Răng lợi lão lúc này cũng đã chệu chạo, chậm chạp và thăm dò cắn miếng đầu tiên, lão thấy bùi béo lại cay cay và ngập đầy hương đồng cỏ nội và quả tình là có ngon miệng, ngon thấu trời đất. Lão lam man nghĩ thầm đâu phải món ăn nào của người nước ngòai cũng khó nhai khó nuốt, ngay cả với mấy cái đùi gà cục mịch đang nằm lạc lõng trên cái bàn ăn.

      Ngay như cả với hai thằng con rể đang ngồi trước mặt lão. Hôm nay lão ngắm, nhìn để thấy gần gũi như hai đứa con.

      Lão cũng quên khuấy chuyện cái bật lửa Ronson chỉ đáng giá hai, ba đồng bạc, lão cũng đang tập nhớ đến cái tên khó đọc của thằng con rể thứ. Miên man một lúc lâu lão lại nhớ đến đứa con gái út, mới hôm nào đây thỏ thẻ với bố mẹ: “Khi nào bố mẹ già, bé sẽ nuôi bố mẹ” và lão lại nghĩ đến dì nó cùng câu nói đầu môi chót lưỡi của các cụ ta xưa: “Nước mắt chẩy suôi, chứ đâu có chẩy ngược”. Lão lại hồi tưởng lại cùng người vợ cũ với đứa con gái đầu, mặc dù sống trong thành phố tù túng, tối tối vẫn quê mùa hát ru em “Ngủ đi cho mẹ đi mò – Tôm rang đầy chảo, cá kho đầy nồi – Ngủ đi cho cho mẹ đi hôi – Cá nấu đầy nồi, chị múc em ăn”

        Để rồi có những đêm mất ngủ, chập chờn nằm ôn lại những mảnh vụn cũ của một quãng đời ngắn ngủi, lão như vừa chợt tỉnh giấc hòe với nồi kê chưa chí tới.

       Như định mệnh đã an bài…Để tất cả hình như mới chỉ là bắt đầu…

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search