T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Đăng Thường: Cái Chết

(Nguồn: Damau.org)

Cái chết nào cũng khiến tôi cảm thấy hụt hẫng.

Nhiều hay ít, nhưng nó luôn luôn cho tôi cảm giác về một sự mất mát, trống vắng. Có thể một phần đến từ vài cái chết gần đây, của vài người thân, vài người bạn.

Mỗi khi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ, hay tiếng kèn báo tử chia tay nơi nghĩa địa tiễn đưa một chiến sĩ vào lòng đất mẹ, đừng hỏi chuông chiêu hồn ai, vì chuông chiêu hồn mọi linh hồn.

Cái chết, dù là cái chết của một con người hay một con vật. Ðối diện cái chết, ngay tức khắc và chí ít, tôi lặng người, trong vài phút, trước cái chết của một người xa lạ, của một kẻ thù, một người bà con, hay của một người bạn ở nơi xa, xa cách bao nhiêu năm trời chưa được gặp mặt lại. Hay cái chết của một con chó bị xe cán chết nằm trên đường đi. Hay của một con chuột nhắt chết khô dưới chiếc máng sối, trong mùa đông.

Tôi nghĩ tới gia đình của người vừa khuất bóng, những người thân trong gia đình họ. Tôi nghĩ đến cuộc sống của con vật đã qua đời, tại sao con chó đó phải chết vào lúc đó, tại sao con chuột đó đã chết co quắp trong mùa đông.

Tôi đã chứng kiến, đã hứng chịu quá nhiều cái chết từ thuở bé, trước tiên là cái chết của ông bà ngoại tôi, và điều này đã không khiến tôi chai đá, không khiến tôi dửng dưng trước cái chết. Mà ngược lại. Cái chết của một người khác, của một con vật, cũng là cái chết của chính tôi.

Tác phẩm quan trọng. Nhưng con người của tác giả quan trọng hơn. Tôi thiển nghĩ. Hay cả hai đều quan trọng như nhau, không thể thiếu một được. Về phía độc giả, nếu còn xa lạ với tác giả, thì biết được càng nhiều càng tốt, về cái tốt cũng như về cái xấu của con người đó, chí ít là vì nếu không có con người thì sẽ không có tác phẩm.

Dù đó là một tác giả “vô danh” như Homère, chẳng hạn. Khi đọc hai thiên hùng ca, Iliade và Odyssée của ông, tôi đã ráng hình dung, dù không dễ, con người bình thường của ông trong cuộc sống hàng ngày ở một nước cổ Hy Lạp xa xưa, xa xôi. Một người hát dạo thơ ca mù, hay nhiều ông Homère mù? Ai là tác giả của Ngàn lẻ một đêm?

Thậm chí, tác giả của hai câu lục bát ca dao nào đó, tôi cũng cố hình dung ra con người, hoàn cảnh gia đình và xã hội đã khiến người ấy ứng khẩu ra câu ca dao đó, vào thời điểm đó.
Ðọc Tự Lực Văn Ðoàn thì tôi ráng hình dung Hà Nội vào buổi giao thời, thời trai trẻ của các tác giả, cử chỉ, dáng điệu, áo quần của họ. Ðược biết Xuân Diệu và Huy Cận có thể đã là một đôi tình nhân đồng tính đã tăng thêm thú vị cho tôi khi tôi đọc lại các bài thơ tình của hai tác giả này và nghĩ tới cái bối cảnh xã hội, tình yêu, tình dục, khi con người chưa có được nhiều sự tự do trong đời sống như hôm nay.

Ta không thể hiểu tận tường cuốn Ulysses của Joyce, Ði Tìm Thời Gian Ðã Mất của Proust, hay Bản Án của Kafka, nếu ta mù tịt về tác giả và xã hội đương thời. Không thể đọc Nhân Văn Giai Phẩm mà không cần biết về cuộc đời và con người Trần Dần, Lê Ðạt. Không thể đọc Trần Ðức Thảo mà không cần biết về cuộc đời và con người Trần Ðức Thảo. Không thể đọc nhật ký Anne Frank hay nhật ký Ðặng Thùy Trâm mà không cần biết thêm về cuộc đời và con người Anne Frank và Ðặng Thùy Trâm, một cô gái Do Thái và một cô gái Bộ Ðội.

Mặt khác, ta cũng có thể coi một cuốn phim cũ, hay một cuốn phim mới của Hollywood, mà không cần biết về con người và cuộc đời của các diễn viên, của nhà đạo diễn. Nhưng nếu biết được các đạo diễn phim đen của Hollywood thập niên 40, 50 là những người Ðức gốc Do Thái đã trốn qua Mỹ để lánh nạn phát xít Ðức thì ta mới hiểu rõ hơn sự ra đời và cái không khí ngột ngạt, chết chóc trong những cuốn phim đen này.

Tôi không lãng mạng đến mức nghĩ rằng độc giả và tác phẩm là một đôi tình nhân, mà sự có mặt của tác giả khi còn sống hay khi đã chết, như một người chồng chính thức, như một người vợ có hôn thú, có thể ngăn chặn thú vui của đôi tình nhân đó, của một độc giả với một tác phẩm nào đó.

Vì thế, tôi không nghĩ chúng ta cần được giải phóng khỏi tác giả để được tự do thong dong với chữ nghĩa, thì thầm tâm sự với tác phẩm. Nhứt là khi ta quan niệm rằng tác giả, một nhà văn, hay một nhà thơ, là bạn đồng hành, và chúng ta gặp họ trong từng bước chân.

Nếu độc giả cần được giải phóng khỏi tác giả, thì ghi tên tác giả để làm gì, nhứt là khi tác giả đã qua đời? Nếu vậy, thì bây giờ cuốn Hồn bướm mơ tiên không cần phải ghi tên tác giả là Khái Hưng, và Ðoạn tuyệt không cần phải ghi tên tác giả là Nhất Linh. Hay ngược lại, chúng ta có thể ghi Nhất Linh là tác giả của Nửa chừng xuân, và Khái Hưng là tác giả của Bướm trắng. Tới nay, độc giả vẫn muốn biết T.T.Kh. là ai, nam hay nữ?

Một nhà văn, một nhà thơ không thể chỉ là một cây bút, nghĩa là chỉ là một phương tiện cho cuốn sách ra đời, cho bài thơ ra đời. Trẻ con phải có cha có mẹ, và người cha không thể chỉ là một kẻ gieo giống, người mẹ không thể chỉ là một cái máy đẻ. Một tác giả qua đời không chỉ là một cây bút ra đi, như mọi cây bút khác. Có những tác giả chưa chết nhưng bị bloc không viết được. Robin Williams qua đời. Lauren Bacall qua đời. Nhưng họ là Robin Williams, là Lauren Bacall, và họ không chỉ là hai diễn viên ra đi. “John F. Kennedy qua đời” khác với “một tổng thống ra đi”.

Làm sao mà hiểu được Một mùa địa ngục của Rimbaud, hiểu thơ Rimbaud, nếu ta không biết gì cả về con người và cuộc tình đồng tính ngắn ngủi của Rimbaud-Verlaine. Thì thầm tâm sự với Một mùa địa ngục là thì thầm tâm sự với Rimbaud-Verlaine. Ðôi tình nhân, hay đôi vợ chồng, hay hai cha con, không phải là độc giả và tác phẩm, mà tác giả và tác phẩm. Dù muốn hay không, ngưởi thứ ba không phải là tác giả mà chính là độc giả kẻ đã chen vào giữa. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Uống nước nhớ người đào giếng.

Ta có thể thưởng thức một cuốn phim như xem một cái bóng. Nhưng đằng sau cái bóng đó, hay đằng sau những con chữ đó, vẫn là những con người bằng da bằng thịt, diễn viên, đạo diễn, tác giả.

Ta cũng có thể ăn một món ngon mà không cần biết ai nấu, nấu bằng thịt gì, thịt bò hay thịt chó? Nhưng nếu biết rõ, và ta cần biết rõ, xuất sứ của món ăn đó, nó đến từ đâu, vật liệu dùng để nấu, do ai nấu, đầu bếp nhà hàng, hay mẹ già, hay vợ hiền, hay em gái. Nếu biết được, thì vị của món ăn đó sẽ được/bị thay đổi qua cảm tính.

Ta không thể đọc thơ Tố Hữu mà không cần biết tác giả là ai. Tác phẩm của một tác giả trước khi đoạt giải Nobel có thể không có nhiều độc giả bằng sau khi tác giả đó đã được trao giải thưởng. Nói tóm lại, không thể tách rời tác phẩm khỏi tác giả, nhứt là sau khi tác giả đã qua đời.

Marilyn Monroe qua đời từ đầu thập niên 60. Phim Marilyn Monroe, tranh Marilyn Monroe còn đó, bất tử, trong tư gia, trong bảo tàng. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có một cuốn tiểu sử viết về Marilyn Monroe ra đời. J. D Salinger, tác giả cuốn Bắt trẻ đồng xanh vang danh, là một ẩn sĩ. Nhưng càng ẩn thì lại càng khiến người ta muốn biết thêm về ông.

Ngày nay, độc giả nhiều khi chỉ tìm đọc về con người và cuộc đời của một tác giả trên báo, trên mạng, hay qua các cuốn tiểu sử, các cuốn phim, nhứt là khi cuộc đời đó khác thường. Nhưng trái lại họ không tìm đọc tác phẩm, chỉ vì sách vở, tác giả ngày nay quá nhiều, quá đông, không còn biết đâu mà rờ, không còn biết phải lựa chọn ai nữa. Nếu tác giả gây được sự chú ý thì sẽ dễ thành công hơn.

Một người nhà quê Việt Nam xem bức họa Guernica của Picasso có thể thấy nó ghê rợn hay kỳ cục, thế thôi. Vì họ không biết về hội họa Tây phương, về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, về cá nhân Picasso là một người Tây Ban Nha yêu nước, hay chỉ chống bọn quân phiệt theo phát xít Ðức, sống ở Paris, trong thế chiến thứ hai, đã sáng tạo ra tác phẩm đó trong bối cảnh đó.

Biết được Michel Angelo là một người đồng tính, người xem tranh bích họa trên mái vòm thánh đường Sixtine sẽ hiểu tại sao nhà họa sĩ đã vẽ cơ thể đàn bà to lớn lực lưỡng như đàn ông, bởi vì họ chỉ là những người đàn ông, những thanh niên trá hình. Biết được cuộc đời và con người của Van Gogh, Gauguin, Modigliani… ta mới hiểu tranh của họ. Ta không thể tách khỏi tác giả, còn sống hay đã chết, để thì thầm tâm sự với một cuốn tự truyện hay một bức chân dung tự họa.

Do vậy, bảo rằng cái còn lại là tác phẩm và chỉ có tác phẩm là quan trọng, bất tử, thì chỉ đúng nửa phần thôi. Nói cách khác, ném tác giả qua cửa sổ, hắn sẽ chui vào cửa sau ngay lập tức.

Ðọc Kiều, tôi cố hình dung ra một ông quan triều Lê hay triều Nguyễn đi sứ sang tàu và lọt vào một tiệm bán sách cũ lần giở những trang sách của Thanh Tâm Tài Nhân. Nói tóm lại, ta không thể bảo tác giả đi chỗ khác chơi, xem ta có ở đó hay không, để ta thong dong thì thầm tâm sự với tác phẩm.

Nguyễn Xuân Hoàng và tôi tuy có quen biết nhau, tuy là đồng nghiệp dạy học, chúng tôi ít có dịp gặp gỡ nhau vì tôi tánh tôi rụt rè, tôi chỉ cảm thấy thoải khi cô đơn lẻ loi một mình một bóng. Nhưng Nguyễn Xuân Hoàng luôn luôn tặng sách anh viết cho tôi, khi còn ở trong nước cũng như khi đã ra hải ngoại.

Có thể tôi sẽ đọc lại một, hai, tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng. Có thể không. Nhưng tôi sẽ nhớ mãi cái tên Nguyễn Xuân Hoàng, con người Nguyễn Hoàng cho tới khi tôi nhắm mắt. Với tôi, Nguyễn Xuân Hoàng bất tử không vì những tác phẩm anh để lại cho đời, hay đã gởi tặng cho tôi. Với tôi Nguyễn Xuân Hoàng bất tử nếu tôi còn sống và còn nhớ, còn nghĩ tới anh. Khi cầm một tập thơ của Diễm Châu lên, điều tôi nghĩ đến trước tiên là Diễm Châu đã chết rồi, và tim tôi nhói, và tôi cảm thấy một sự trống vắng, một sự hụt hẫng.

Tác phẩm không thể xóa bỏ sự trống vắng đó, sự hụt hẫng đó, vào lúc đó. Một bài thơ của Diễm Châu có thể hay, hay có thể dở nhưng cái hay, cái dở của nó không thể giống với cái hay, cái dở của một nhà thơ, hay của một người làm thơ khác. Một ví dụ khác: Không thể so sánh một cuốn phim hay, hay một cuốn phim dở của Marilyn Monroe với một cuốn phim hay, hay một cuốn phim dở của Nicole Kidman.

Các thế hệ mai sau nếu có đọc, còn đọc Nguyễn Xuân Hoàng và yêu văn chương Nguyễn Xuân Hoàng thì họ cần phải biết về con người Nguyễn Xuân Hoàng, càng nhiều càng tốt, chí ít là trên phương diện lý thuyết, lý tưởng. Tất nhiên trong mai hậu, có thể cái tên Nguyễn Xuân Hoàng không gợi lên trong đầu độc giả một điều gì cả, một hình ảnh nào hết. Tác phẩm sẽ còn đó, nhưng Nguyễn Xuân Hoàng sẽ “vô danh”, như Homère “vô danh”. Nhưng đó là chuyện ngày sau.

Cái chết không xóa bỏ một con người, một tác giả, một diễn viên, một thành phố trong tôi, mà ngược lại, nó chỉ tăng thêm sự hoài cảm, hoài nhớ, hoài tưởng. Sài Gòn vẫn còn đó như một thành phố, như một tác phẩm của thời Pháp thuộc, nhưng Sài Gòn ngày nay khác với Sài Gòn ngày xưa. Sài Gòn của La Pagode, Sài Gòn của Rue Catinat, của đường Tự Do đã chết hẳn rồi.

Nhưng nó, Sài Gòn cũ, vẫn sống trong tôi, bất tử, và những người Pháp đã xây dựng Hòn Ngọc Viễn Ðông, nghĩa là những tác giả, còn sống trong tôi, còn sống trong ký ức của những người như tôi, vì chúng tôi chưa quên, vì chúng tôi còn nhớ, vì chúng tôi còn nghĩ tới nó, tới họ, cho tới khi thế hệ của chúng tôi nhắm mắt qua đời.

Nhà thơ Vương Tân, thập niên 50-60, trên tạp chí Sáng Tạo, “ghi ngày giỗ đầu Q.T.” (Quách Thoại):

Nghe tin anh vừa chết
Buổi chiều đầy hoang liêu
Ngày mai tôi phát vãng
Thương nhớ nhau còn nhiều

Anh đi ôi cô độc
Trần gian vắng quá rồi
Buồn đau nên tôi khóc
Mưa rơi và lệ rơi

Cùng tham gia lịch sử
Chiều nay thiếu một người
Cùng mơ làm thi sĩ
Mỗi kẻ một phương trời…

Người lữ hành cô độc
Là anh hay là tôi
Trùng dương mênh mông sóng
Ôi cô liêu cuộc đời…

Gác xưa còn ai nữa
Hai đứa hai phương trời
Chia nhau thay lịch sử
Vắng anh nhiều mây trôi

Cái chết có thể không có tiếng khóc, không có nước mắt, có thể không gây buồn cho tôi. Hay đúng hơn nó gây ra ở nơi tôi một cái gì đó không thể diễn tả bằng từ buồn, vì nó có thể lớn hơn là cái buồn.

Bài Mới Nhất
Search