T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Giác Phan Tấn Hải: HUỆ TRÂN: TUYỂN TẬP ‘SEN BÁT NHÃ’

Sen Bát Nhã là một tuyển tập văn chương,  nhưng cũng là lời kêu gọi hòa bình khẩn cấp hướng về Việt Nam.

Nhà văn Huệ Trân tuần qua vừa phát hành tuyển tập Sen Bát Nhã, gồm  20 bài tùy bút, trong đó đa phần là  viết về pháp nạn tại Bát Nhã, Lâm Đồng. Sách in trang nhã, dày 148 trang, nhiều hình ảnh.

Một nhân vật độc đáo trong lịch sử và văn học Phật Giáo  là Vua A Xá Thế, được mô tả trong bài tùy bút “Nỗi Khiếp Sợ của Vua A Xà Thế,” nơi trang 17, đã mô tả  về A Xà Thế, người giết vua cha để trở thành một nhà vua đầy quyền lực, làm nhiều hành vi độc ác khác, khởi tâm sám hối và cuối cùng  chỉ nhờ tới Đức Phật mới an tâm tu học, trở thành hộ pháp.

Bài viết gợi thêm một hình ảnh để so sánh, trích:

“…Thế là, vua truyền trang bị một đoàn hộ tống hùng hậu, theo sư hướng dẫn của y sỹ Jivaka, tiến tới tu viện, nơi Đức Phật đang cùng 1250 Tỳ-kheo hội tụ về tu tập. 

Tới trước cổng, Jivaka khuyên nhà vua nên để đoàn tùy tùng đợi bên ngoài để khỏi gây sự huyên náo chốn thiền môn. 

Nhà vua theo chân Jivaka, tiến sâu vào khuôn viên. Bốn phía vắng lặng như tờ, không cả tiếng chim hót, tiếng lá rơi! Sự tĩnh lặng quá đỗi khiến nhà vua chột dạ “Hay Jivaka đánh lừa, đưa ta tới đây để thủ tiêu ta, cho đáng bao tội ác đã phạm”, chứ hơn một ngàn người đang tu tập thì không thể nào vắng lặng đến thế này!” Nhưng ý tưởng đó vừa khởi, cũng là lúc y sỹ Jivaka chỉ tay về phía giảng đường:

– Tới rồi, thưa bệ hạ.

Chính giữa giảng đường, trên một bệ cao, Đức Thế Tôn ngồi uy nghiêm như dáng sư tử chúa, và xung quanh, 1250 vị tỳ-kheo tọa thiền vững chãi, an nhiên như những pho tượng đá.

Im lặng!

Hoàn toàn im lặng mà hùng tráng vô song!

Năng lượng dõng mãnh toát ra từ thiền định trí tuệ, như sắc xanh tuyệt hảo của lằn gươm Bát Nhã, phút chốc vây phủ, mờ ảo mà mạnh mẽ, dịu dàng mà trang nghiêm khiến vị vua trẻ rúng động toàn thân, râu tóc dựng đứng trong nỗi khiếp sợ tột cùng! Nhà vua mất hẳn mọi ý niệm về thời gian, không gian cho đến khi nghe Đức Thế Tôn cất tiếng:

– Hãy vào đây!

Sau lần gặp gỡ đó, sự thành khẩn ăn năn của vua A Xà Thế đã được Đức Phật chứng minh và độ cho nhà vua thoát khỏi tâm bệnh, chuyển hóa từ kẻ cực kỳ gian ác thành một nhà hộ pháp hết lòng tài trợ, vun bồi việc xiển dương hoằng pháp, không chỉ trong vương quốc của mình, mà bất cứ đâu, nơi có dấu chân Tăng đoàn bước tới.

Chuyện xưa như thế, có đọc và hiểu cũng chỉ là cảm nhận trên giấy mực. Ngờ đâu, chuyện nay đang hiển hiện qua những con người bằng xương bằng thịt.

Với kỹ thuật tin học hiện đại, thảm trạng tước đoạt tự do tôn giáo, đàn áp người tu hành bằng những hành động dã man thời tiền sử đang diễn ra tại tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Đồng, đã và đang phổ biến khắp nơi. Những sự kiện đáng xấu hổ đó không phải chỉ vu vơ mà có những hình ảnh xác thực từng giờ, từng ngày, cập nhật trên các mạng lưới; từ cảnh nhà sư vác rựa rượt chém Phật tử và tăng ni sinh, cảnh nổi lửa đốt am cốc khi các sư cô đang tọa thiền, tới cảnh vật dụng, mền gối, kinh sách bị quăng ra sân …Chưa hết, sau ba ngày, bếp bị phá, điện bị cắt, phái đoàn Phật tử và Thầy, Cô từ Sài Gòn, Lâm Đồng, thuê sáu xe buýt mang thực phẩm tới Bát Nhã chỉ với hảo ý tiếp tế lương thực cho gần bốn trăm tăng ni sinh trẻ đói khát đã ba ngày, thì bị nhóm người bạo động ngăn chặn và tấn công ngay ngoài cổng! Một vị Thượng Tọa trong phái đoàn bị thương trầm trọng, đang được cấp cứu tại bệnh viện Lâm Đồng!…” (hết trích)

Nhà nước bao giờ sẽ sám hối? Chúng ta không biết diễn tiến ra sao, nhưng đó là ẩn ý và là ước mơ của nhà văn Huệ Trân khi hoàn thành tập truyện “Sen Bát Nhã.”

Không chỉ nói chuyện quê nhà, tuyển tập  còn nói chuyện quê người, qua chuyện quê người cũng đ ể suy ngẫm chuyện quê mình,  trong đó những hình ảnh về cuộc chiến của người Tây Tạng lưu vong được mô tả trong bài “Bước Chân Lịch Sử”  ở cuối tập, trích:

“…Đường xe lửa nối liền Hoa Lục và Tây Tạng đang ồ ạt đưa người Hán vượt biên hợp pháp, đem theo hành trang ngũ trược cồng kềnh với rắp tâm bôi xóa giá trị đạo đức căn bản của một xứ sở bốn mùa trầm lắng tiếng chuông ngân. 

Nền văn hóa Tây Tạng luôn nằm trong những dự án thẳng tay tiêu diệt của Trung Quốc vì kẻ xâm lược biết, văn hóa mất là dân-tộc-tính mất theo. Dân-tộc-tính không còn thì còn chi dân tộc!

Làm thân phận nhược tiểu luôn bị kẻ lớn hiếp đáp thì điều tiên quyết phải giữ, là nền văn hóa đặc thù. Tự ngàn xưa, Quan Phục hầu Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo:

“ … Như nước Việt ta từ trước

Vốn xưng văn hiến đã lâu

Sơn hà cương vực đã chia

Phong tục Bắc, Nam cũng khác …”

 Rồi những thời bị đô hộ nhục nhằn, Bắc phương cũng không ngừng bắt dân ta cạo răng trắng, bện tóc đuôi sam, đội nón vải tròn, khiến đại đế Quang Trung Nguyễn Huệ từng phải thét vang:

“Đánh cho răng đen, đánh cho dài tóc, đánh cho chích luân bất phản, đánh cho phiến giáp bất hoàn, đánh cho Nam Quốc sơn hà tri hữu chủ”

Trung Cộng xâm chiếm và đàn áp Tây Tạng trước mắt thế giới!

Thế giới vẫn còn lương tâm nhưng sao không ngăn chặn, không lên tiếng bênh vực”…” (hết trích)

Tuy nhiên, tuyển tập không chỉ nói về chuyện thời sự quê mình, quê người. Tập “Sen Bát Nhã” còn mang nhiều suy nghĩ về văn học, như trong bài viết nhan đề “Thi Sỹ – Và Tâm Cảnh Thăng Hoa,”  nơi trang 127 kể về nhà thơ Vũ Hoàng Chương, trích:

“…Vũ Hoàng Chương là một thi sỹ lớn, từ thập niên ba mươi. Tất nhiên, lớn không phải chỉ do số lượng thi phẩm xuất bản mà còn lớn ở phẩm chất văn chương, nét sáng tạo xuất thần, phong phú đã khai sinh được linh hồn cho từng dòng chữ, từng câu thơ.

Bút mực thế gian đã tốn nhiều giấy mực với thi sỹ họ Vũ này.

Ở đây, chỉ xin khiêm tốn pha một bình trà, mời bạn cùng mạn đàm đôi nét về thơ Vũ Hoàng Chương, ở những ngã rẽ tình cờ, trên một khía cạnh khác. Khía cạnh của “Tâm cảnh thăng hoa”.

Bạn cũng biết đó, thời đi học, không cuốn Lưu Bút Ngày Xanh nào truyền tay nhau mà không có dăm câu thơ VHC. Những bài thơ tình nồng nàn say đắm, nếu chép nguyên bài, có thể không thích hợp lắm với tuổi học trò, nhưng “nhặt” ra những câu thơ mộng thì nhiều vô số kể, đám học trò trung học tha hồ chọn lựa mà lưu bút cho nhau, tùy theo tình cảm của chủ nhân cuốn lưu bút và người được mời viết.

Ấy thế mà, thú thật, suốt tuổi học trò, tôi chưa từng trích câu thơ nào của VHC vào những cuốn tập mầu xanh, mầu tím ấy. Không biết tại sao! Có lẽ vì tôi cù lần quá, đọc những bài thơ tình nổi tiếng đó, tôi chưa hiểu, hay chưa cảm được, nên tâm trạng cứ ” Rằng hay thì thật là hay. Vừa toan chép xuống, lại, loay hoay thế nào!”, dựa theo lời  thi hào Nguyễn Du khi tả tiếng đàn của Thúy Kiều “Rằng hay thì thật là hay. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”

Nhưng đến nay, lấp ló trước cánh cửa “thất thập cổ lai hy”, ngẫm đời mình, ngẫm đời người, chợt thoảng nghe tiếng nấc của thi sỹ trong niềm cô đơn cùng cực…” (hết trích)

Một tuyển tập đầy sức mạnh của thơ, của mộng, của đời thực quê mình, quê mình… Đó là tác phẩm “Sen Bát Nhã.”

Nguyên Giác Phan Tấn Hải

(Trích bản thảo Khoảnh Khắc Chiêm Bao)

Bài Mới Nhất
Search