T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Hàn Chung: LỤC BÁT TẢN THẦN (1) – TẬP THƠ

Xin Bấm Vào Đây Để Mở Hoặc Tải Về Máy:

LỤC BÁT TẢN THẦN (1) – TẬP THƠ

(Trích: HỒ ĐÌNH NGHIÊM: Đọc LỤC BÁT TẢN THẦN của NGUYỄN HÀN CHUNG)

. . . . . .

Tản thần theo cách luận chuyện của nhà thơ Nguyễn Hàn Chung thì khó có ai “dễ cởi đâu nghe”. Bạn hãy tạm quên cái nhan có vẻ “tản thần” đầy đe doạ nọ, thử đọc một bài có dính tới “lục bát tản thần” hoạ may ngộ ra, bài Tự Ngôn Thơ:

“Chuyên tâm lục bát tản thần
Không ham cày xới mấy tầng thanh cao

Trữ tình bờ bụi ca dao
Rong chơi tự sự tầm phào lâng lâng
Đôi khi gieo thả rần rần
Cũng là hơi hám cách tân bộn bề

Những gì cấm kị u mê
Tung ra xả láng chẳng hề sợ nhau
Thuốc nào vơi bớt niềm đau
Là ta chích choác cần đâu e dè

Chuyên tâm lục bát vỉa hè
không cam bóng sáo mòn đè lên thơ”.

Có thể đây là một tuyên ngôn, nhằm xác định chủ đích của tác giả. Quan niệm của nhà thơ, tự mình khoanh vùng và rõ là ông chưa từng phụ bạc ca dao. Một đôi bài khiến tôi nhớ qua Bùi Giáng (phân trần), dăm ba bài khác lại tưởng tới Nguyễn Đức Sơn (bông đùa). Ngay cả người luôn tìm cách làm mới thơ, Thanh Tâm Tuyền cũng có khi (1963) tự nhận:

hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao
đêm hôm qua mưa luồn mái dạ
mưa ngủ cùng những kẻ cô đơn
bao nhiêu xa cách không bằng giận hờn
đừng giận anh em hỡi mưa trời còn thương anh

mưa bên kia sông mưa nửa dòng nước
ta thương cô mình như bước nhớ chân”.

Cái khác biệt là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền “làm ca dao”, mượn điển tích trong ca dao mà khi thuật lại, không dụng tới thể lục bát như thường hằng. Và lục bát của Nguyễn Hàn Chung hôm nay đang đứng về phía Luân Hoán, Hoàng Lộc, những bậc tài hoa vẫn muốn tránh xa sự nhàm chán mà lục bát thường gặp phải khi lỡ rơi vào tay những kẻ vừa nhập môn. Chợt nhớ ra, ba người vừa nhắc tới đều được sinh đẻ ở đất Quảng Nam. Nơi có lẫy lừng Bùi Giáng:

“Ta đi gởi lại đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù”.

Sương mù có phải là cõi thơ? Sương mù sẽ vây khốn một đứa như tôi nếu hắn rục rịch “chích choác cần đâu e dè”:

Sáu tám tưởng có bấy nhiêu
Ai ngờ buổi nọ thơ kêu tản thần.

Tôi nhìn ra chút tản thần ở bài Rặn Thơ, in ở trang 183:

“Anh ngồi rặn
méo
tàn nhang

Em ngồi rặn
nhíu
hai làn môi cong

Chúng mình
rặn
quá long đong

Nhưng còn
rặn
nghĩa là lòng còn đau”.

Tản thần khiến tôi chẳng ngán, tôi yêu thích giọng điệu đặc trưng của riêng Nguyễn Hàn Chung qua bài Thời Tiết:

“Gió đâu có biết buồn vui
có khi thành bão giết người
như chơi

Mưa đâu có phải của trời
có khi trần trụi buông lời
phù vân

Sấm đâu có phải là thần
có khi đánh xuống mộ phần
hồn ma

Sét đâu có phải đàn bà
có khi cũng phóng tia ra
phũ phàng

Gió mưa sấm sét ngỡ ngàng
từ nghe chúm chím điệu đàng

Em yêu…”

Mượn thời tiết để luận tới “Em yêu”. Hết nắng mưa xong thì Để Trả Lời Một Câu Hỏi:

“Yêu chay là
kiếp nạn
tôi

Mắc chi
em
trả treo lời
thị phi

Tôi yêu gái đẹp
làm gì

Chỉ yêu
gái hết
dậy thì

Như em”.

Cõi thơ Nguyễn Hàn Chung bộn bề cảnh giới khó lường giữa thực hư, ma quỉ chận đường hoặc ong bướm vờn quanh, tựu trung đều dắt người đọc tới cuối đường “Tình”. Nhiệt tình dắt, vui thú dắt, hướng đạo sinh ấy còn biết đùa cho lữ hành vơi bớt nhọc nhằn. Chặt trái dừa tươi: Ngọt tản thần chưa? Ngậm hột ô mai: Chua tản thần chưa? Lên núi cao dòm xuống triền vực: Đã chóng mặt tản thần chưa? Cứ đi đi về về những lời hỏi han mà đa số là nhắm tới hỏi riêng cho cô em, bà chị, vợ người vợ ta, không thể gom toàn vẹn, chập chùng biết mấy là đủ bóng hường nhan? Bài Tôi Đi Tôi Về là một bài hay, hay khó bề phân giải:

“Tôi đi họ đổi thành tên
tôi về ăn lá rau dền vẫn ngon
tôi đi xe, dép ít mòn
tôi về cái lớp da non phản thùng

Tôi đi từ tạ ngủ mùng
tôi về muỗi vẫn tình chung truy tầm
tôi đi bùn hết níu chân
tôi về xế hạ cởi trần tắm mưa

Tôi đi ra chỗ cây dừa
khắc con tim với câu thơ khật khùng
tôi đi râu tóc rối tung
tôi về bộ dạng yên hùng xuống trai

Tôi đi như bất kỳ ai
Tôi về chẳng giống ai ngoài giống tôi”.

“Lục bát tản thần” gom đúng hai trăm (200) bài thơ chất trong bề dày 242 trang. Layout đẹp, rõ ràng, mát mắt. Bản Sắc Việt in lần đầu, tháng 9, 2018. Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung từng dạy học tại Quế Sơn (1971-2006). Trước đây nhà thơ từng mang các bút hiệu: Nguyễn Phong Hàn, Nguyễn Đức Mù Sương. Hiện định cư tại Houston, Texas. Tác phẩm đã xuất bản:

Tìm Tôi Trong Bóng (1999)
Nói Hộ Phù Du (2002)
Nghịch Lưu Của Tuổi (2011)
Dự Cảm Rời (2016)
Lục Bát Tản Thần (2018)

Góp mặt trong “40 năm thơ hải ngoại” (2017) và “Hư Ảo Tôi” (2018).

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

Bài Mới Nhất
Search