T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện trở lại sau gần nửa thế kỷ câm lặng

 

(Nguồn: Huy Vespa)

Huy Vespa

Tối 16/12 vừa rồi, tại Idecaf, trong khuôn khổ tọa đàm “PHỤ NỮ & VĂN CHƯƠNG” do Viện Pháp tại Vietnam tổ chức; nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, sau gần nửa thế kỷ “câm” (như lời bà nói trong đoạn mở đầu clip) …đã xuất hiện trước công chúng, lên tiếng nói… để kể lại quãng đời văn của mình: về “cái viết” nào là quan trọng nhất (mặc dù sau đó bà cũng cho rằng chẳng có cái viết nào của bà là quan trọng hết); về Vòng Tay Học Trò: nó không phải là tác phẩm quan trọng nhất nhưng nó nó là chứng tích, là khoảnh khắc cứu vớt nữ sĩ trong một đoạn đời tưởng chừng là đã hủy diệt được bà; về sự im lặng của mình: bà đối diện với nó bằng một cách thế chủ động, không phải do ngoại cảnh, do thời cuộc, mà theo bà do tình cảnh riêng, do những xáo trộn riêng của chính mình trong nội cảnh…

Bằng sự im vắng trong ẩn nhẫn đó (sự ẩn nhẫn “đội một hòn than chôn chân sầu đứng đợi” như trong lời một bài hát của Nguyễn Đình Toàn chăng? – nhưng, đối với Nguyễn Thị Hoàng, “bất động cũng là hành tung của một kẻ ẩn mình”!!! ), có lẽ định mệnh đã một lần nữa “gõ cửa”, và phải chăng người nữ sĩ ấy thấy đã đến lúc cần “hoàn thành” điều “đó”, đã đến lúc “làm cho xong hết cuộc tiễn đưa”: “Hoàn thành định mệnh như trời muốn.”(như kết từ trong một cuộc phỏng vấn xa xôi Saigon kiếp trước:1973 trên tạp chí Văn khi được hỏi về “dự định lớn” của bà)

Trong cuộc nói chuyện, bà cũng bày tỏ biết ơn tất cả những khổ nạn, để rồi đó: trong câm lặng, trong những cái không-đưa-ra, không-in, không-phải-là-không-còn-viết…mới thật sự khiến bà cảm thấy mình trở thành một “nhà văn” đúng nghĩa…; khi cái TÔI đã biến thành cái NGÀN TÔI.

P/s: tôi vẫn còn đang tìm 2 quyển còn thiếu/ total 34 quyển của bà:
1. Cho những mùa xuân phai (tập truyện – Văn Uyển, 1968)
2. Bóng tối cuối cùng (truyện dài, Giao Điểm, 1971)
Full huyvespa’s Nguyễn Thị Hoàng collection
1. Sầu riêng (thơ, 1960) (?!?) – no idea?
2. Kiếp đam mê (thơ, 1961) (?!?) – no idea?
3. Vòng tay học trò (truyện dài, Kim Anh,1966)
4. Tuổi Sàigòn (truyện dài, Kim Anh, 1967)
5. Ngày qua bóng tối (truyện dài, Văn, 1967)
6. Trên thiên đường ký ức (tập truyện, Hoàng Đông Phương, 1967)
7. Vào nơi gió cát (truyện dài, Hoàng Đông Phương,1967)
8. Mảnh trời cuối cùng (truyện ngắn, Hoàng Đông Phương,1968)
9. Cho những mùa xuân phai (tập truyện, Văn Uyển, 1968)
10. Về trong sương mù (truyện dài, Thái Phương, 1968)
11. Một ngày rồi thôi (truyện dài, Hoàng Đông Phương, 1969)
12. Cho đến khi chiều xuống (truyện dài, Gió, 1969)
13. Đất hứa (truyện dài, Hoàng Đông Phương, 1969)
14. Tiếng chuông gọi người tình trở về (truyện dài, Sống Mới, 1969)
15. Vực nước mắt (truyện dài, Gió, 1969)
16. Vết sương trên ghế đá hồng (truyện dài, Hoàng Đông Phương,1970)
17. Tiếng hát lên trời (truyện dài, Xuân Hương, 1970)
18. Trời xanh trên mái cao (truyện dài, Tân Văn, 1970)
19. Bóng người thiên thu (truyện dài, Hoàng Đông Phương,1971)
20. Bóng tối cuối cùng (truyện dài, Giao Điểm, 1971)
21. Tình yêu, địa ngục (truyện dài, Nguyễn Đình Vượng, 1971)
22. Định mệnh còn gõ cửa (truyện dài, Đồng Nai, 1972)
23. Bây giờ và mãi mãi (truyện dài, Đời Mới, 1973)
24. Bóng lá hồn hoa (truyện dài, Văn, 1973)
25. Năm tháng dìu hiu (truyện dài, Đời Mới, 1973)
26. Trời xanh không còn nữa (truyện dài, Đời Mới, 1973)
27. Tuần trăng mật màu xanh (truyện dài, Đồng Nai, 1973)
28. Buồn như đời người (truyện dài, Đời Mới, 1974)
29. Chút tình xin lãng quên (truyện dài, Trương Vĩnh Ký, 1974)
30. Cuộc tình trong ngục thất (truyện dài, Nguyễn Đình Vượng, 1974)
31. Dưới vầng hoa trắng (tập truyện, Sống Mới, 197?)
32. Nhật ký của im lặng (Kinh Đô Ấn Quán, 1992)
33. Lỡ cánh chim trời (Đồng Nai, 1990)
34. Hồn muối (tập truyện, Kim Đồng, 2006)
35. Trên Thiên Đường Ký Ức (tập truyện, NewViets, 2020)
36. Mây bay qua trời xưa (thơ, NewViets, 2020)

 
 
“…Hãy thinh không nhé, hãy trùng khơi
Hãy im lặng đến thời lên tiếng
Vì tiếng em cao vọng tuyệt vời.”
(trích từ bài thơ: Sài Gòn trong nhà – Duyên Anh)
Tổng hợp & cắt ghép đầy đủ phần nói chuyện còn lại của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng 16/12 vừa qua, tại Idecaf (Saigon); trong những đoạn nói chuyện này, một lần nữa…bà nói về các “cách thế” của “nhà văn”, về “cõi” viết mới…hoặc nói về một quãng đời không muốn có nhưng nó đã phải có: khi viết để kiếm sống: cảm xúc từ đâu để thành những tác phẩm…kiếm tiền được như vậy!
./.
huyvespa’s collection:
– NGUYỄN THỊ HOÀNG trở lại văn đàn với 2 tác phẩm + tạp chí VĂN phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng
– Sưu tầm: NGUYỄN THỊ HOÀNG & các sáng tác trên VĂN
– Nguyễn Thị Hoàng – Đất Hứa (tuyển truyện của NXB Hoàng Đông Phương năm 1969) (sưu tầm truyện đăng rải rác trong các tạp chí văn chương trước 1975 trước khi đưa vào tập sách)
– Sưu tầm: Nguyễn-thị-Hoàng- truyện trên tạp chí VẤN ĐỀ
./.
Đọc lại một phần đoạn phỏng vấn giữa bà & nữ ký giả Mai Ninh – để hiểu rõ hơn vì sao Vòng Tay Học Trò vừa là “tác phẩm” quan trọng, vừa không là gì cả…đối với bà:
“Chán chương trình, không khí ở Văn khoa, Luật, bỏ học, đi làm không lâu lại bỏ việc này (thư ký riêng của một tỉ phú) 1960, tìm việc khác 1961. Được bổ nhiệm về Nha-Trang dạy học, trường nơi đây từ chối; chuyển lên Đà-Lạt. Trường nữ dư giáo sư, trường nam thiếu nên xảy chuyện “hoa lạc giữa rừng gươm”, 1962. Năm sau bỏ Đà-Lạt. Mùa hè 1964, một xấp pelure ố vàng, một cây bút gì đó, viết một hơi một tháng, VTHT. Bách khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao. Nhưng sau đó chuyển cảnh qua chồng con, bản thảo VTHT xếp lại. Đến 66, một nhóm tìm kiếm VTHT, xuất bản. Tái bản 4 lần trong vòng mấy tháng. Sóng gió nổi lên từ mọi phía, vì những lý do và động lực khác nhau. 5 tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới. Rất tiếc cuộc biển dâu cuốn trôi không còn một mảnh tài liệu nào, còn trí nhớ NTH thì chỉ gạn lọc lưu trữ những gì tốt đẹp. Hình như nhân danh hay đại diện phụ huynh học sinh, nhà trường gì đó có lên tiếng trong một bài báo. Không có những phản ứng trực tiếp tương tự như trong phim đối với cuốn truyện, còn gián tiếp thì không biết.
Khi viết, với không phải viết cái gì đã sống, mà trên khung cảnh, sự kiện, nhân vật của khoảnh khắc thoáng qua “trong vai” cô giáo ấy, tăng giảm biến đổi để đúng vóc dáng một câu chuyện. Đã không tính đến chuyện viết tiểu thuyết hay hình thành một tác phẩm với dụng ý, mục đích nào mà chỉ góp nhặt lại những mảnh vụn của một khúc đời đã vỡ.
Thế mà nó trở thành tác phẩm, tác giả với hàng loạt những hệ quả sinh khắc liên hồi từ ấy.
Được lồng bóng trong một giai đoạn thời sự bất an, những ngộ nhận phê phán không thuần túy qua lăng kính văn học nghệ thuật mà nhiều vấn đề ngoài nó.Cái nhãn hiệu độc dược hiển nhiên dễ dán là vô luân lý đạo đức, hay một chữ gì đó tương đương hoặc nặng nề hơn.
Nhưng nó là như thế nào so với hàng loạt những tác phẩm đã dịch và in ra, những câu chuyện có thật trong đời thật. Trong VTHT hay bất cứ đâu, nếu cô giáo yêu một học trò ngoài lớp mình dạy bị kết án thì những mối tình hay hôn nhân giữa thầy giáo với học trò (chuyện thường thấy), lớp mình hay lớp khác trong trường, thì được phép, tại sao?
Nên hình như chủ đề chỉ là cái khiên, những mũi tên nhắm phần sau là một trường hợp, của một giai đoạn.
Nó là cái chìa khóa mở cửa vào một thế giới, nhưng hơn mười năm sau, cũng là thứ chìa khóa đóng kín thế giới ấy lại để có mặt bỗng nhiên vắng mặt.
Nó là cái khởi đầu muốn chấm dứt tất cả những gì trước và sau nó, nhưng thật phản tác dụng, nó lại là cái tín hiệu, là mối nối của những tương giao, hiệu ứng hai mặt của một tính cách định mệnh. Bởi, nó gián đoạn, chôn vùi gần kín thời gian một đời người hay một đời viết, nhưng bù đắp, cái gián đoạn chôn vùi này lại lắng đọng và tích lũy một tố chất cuồn cuộn khác trong hồn nhiên tự tính.
Trên tất cả, nó đem đến những kiếm tìm gặp gỡ và bù đắp cái không là gì cả mà là tất cả của hôm nay, như giọt lửa sau cùng dưới đám tro vùi, thắp lại được một phần còn mong manh mà kỳ thực là cái khởi đầu chờ mong của SỐNG và VIẾT.
Khoảng 71, 72 gì đó, Kiều Chinh và Đặng Trần Thức có tìm gặp NTH định làm phim VTHT. Về sau lại thôi, hình như vì sợ đọ sức với Mourir d’aimer của Pháp. Sau đó (sách hay phim) ai làm gì liên quan đến VTHT, NTH hoàn toàn không hay biết, cho đến nay. NTH vẫn vấp phải những thứ tương tự oan khiên như vậy. Sự thật, những thứ kia là thuần túy phim ảnh, tiểu thuyết, phía mình thì trích dẫn và phóng tác bằng chính những mảnh vỡ đời mình. Ví dụ, một thời gian sau cuốn Ngày Qua Bóng Tối, NTH xem Un Certain Sourire của F. Sagan. Những nhân vật trong NQBT của NTH lại giống như Luc (với Rossano Brazzi Ý), Bertrand, Dominique và Francoise, chỉ khác ở F.S thì phá phách, ở NTH thì rã rời…”

Bài Mới Nhất
Search