T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyệt Mai: Giới thiệu Giai Phẩm Thư Quán Bản Thảo số 100 tháng 9-2022

Nguyệt Mai đã nhận được:

Giai phẩm THƯ QUÁN BẢN THẢO

Bìa & layout: Trần Hoài Thư
Tranh bìa: Đinh Trường Giang
Sách dày 292 trang
Địa chỉ liên lạc: tranhoaithu16@gmail.com

Chân thành cảm ơn anh Trần Hoài Thư và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Với sự góp mặt của:

Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn An Bình, NgLu, Hai Trầu, Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung, Nguyễn Vy Khanh, Tô Thẩm Huy, Đặng Mai Lan, Đỗ Hồng Ngọc, Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Nguyễn Như Mây, Khuất Đẩu, Lê Văn Trung, Trần Bang Thạch, Lê Ký Thương, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Thất, Trần Thị Nguyệt Mai, Lê Thị Hoài Niệm, Triệu Bào, Từ Hoài Tấn, Ngọc Bút, Trần Thụ Ân, Lê Chiều Giang, Đặng Toản, Viêm Tịnh, Trần Dzạ Lữ, Thục Uyên, Hoàng Xuân Sơn, Doãn Cẩm Liên.

***

DOÃN CẨM LIÊN
Lá thư gửi tòa soạn THƯ QUÁN BẢN THẢO – Trần Hoài Thư,

Thưa anh Trần Hoài Thư, cũng là cha đẻ tờ tạp chí Thư Quán Bản Thảo,

Con số 100 là con số đẹp đó thưa anh. Phải nói là đẹp nhất. Vì nó là con số có ba chữ số đầu tiên và từ đó con số tăng dần lên nhiều cấp số. 100 gồm con số 1 đầu tiên rồi đến hai con số 0 (00). Đó là phần cơ số còn phần ý nghĩa thì nó mang nhiều câu chuyện, nhiều mồ hôi, nhiều cố gắng, nhiều đóng góp, và nhiều tên tuổi được chuyển tải suốt một trăm số (100) Thư Quán Bản Thảo.

Những độc giả sinh sau, đọc muộn này đã nương vào THƯ QUÁN BẢN THẢO mà thấy được nền Văn học Nghệ thuật miền Nam Việt Nam trước 1975 trong nước và sau 1975 cho tới nay ở ngoài nước Việt. Các bài vở được tuyển chọn đăng lại từ các báo Văn, Sáng Tạo, Bách Khoa, nhật báo Tiền Tuyến, tạp chí Tiền Phong, Chiến Sĩ Cộng Hòa, Chỉ Đạo, Ý Thức, Trước Mặt, Hiện Đại và nhiều tờ khác đã được thư viện Cornell lưu giữ.

THƯ QUÁN BẢN THẢO đã tuyển chọn và giới thiệu lại cho độc giả các tác giả và tác phẩm của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Phan Lạc Phúc, Viên Linh, Y Uyên, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Võ Hồng, Vũ Hữu Định, Hoài Khanh, Nguyễn Nho Sa Mạc, Phan Như Thức, Từ Thế Mộng, Trần Dzạ Lữ, Lê Văn Trung, Khuất Đẩu, Doãn Dân, Thảo Trường, Luân Hoán, Lâm Vỵ Thủy, Nguyễn Đức Sơn, Khoa Hữu, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Thanh Sâm, Phùng Thăng, Hoàng Ngọc Hiển, Phạm Ngọc Lư, Lữ Quỳnh, Triều Sơn, Trần Hoài Thư, Cao Đông Khánh, Nguyễn Kim Phượng, Trần Doãn Nho, Lữ Kiều, Trần Phong Giao, Đinh Cường, Nguyễn Nam Châu, cùng vô vàn những thông tin thời sự của hai nền Văn Chương Đô Thị và Văn Chương Chiến Trường.

Đẻ ra THƯ QUÁN BẢN THẢO là một chuyện, nhưng nuôi và dưỡng nó cho đến con số 100 là một chuyện khác. Là chuyện cực kỳ khó khăn mà chỉ Trần Hoài Thư mới làm được. Chả trách rằng Trần Doãn Nho đã tả Trần Hoài Thư như là một Người Khâu Di Sản. Trong THƯ QUÁN BẢN THẢO số 90 – Cảm Tạ Văn Chương, độc giả thấy được tấm lòng của Trần Hoài Thư và người vợ đối với chữ nghĩa như thế nào. Những cuối tuần bất kể mùa Đông giá buốt tuyết rơi hay mùa hè nóng bức, chị Yến và Trần Hoài Thư rong ruổi đường xa đến thư viện Cornell để thu thập các bài trong các báo. Với một đức tính kiên trì không gì lay chuyển để đạt được mục tiêu là nuôi THƯ QUÁN BẢN THẢO cho đến ngày nay, con số 100.

Khâu Di Sản văn chương là sao? Là góp nhặt những tên tuổi người viết, bài viết, lưu giữ chúng, phân soạn chúng thành từng mục, cho từng kỳ báo, rồi đăng trình in ấn nó thành sách báo và truyền bá. Có những tác giả và tác phẩm đã nổi danh từ 1954 – 1975, nay đã ra người thiên cổ. Những nhà văn đã làm nên một thời thịnh vượng nhất nền Văn Học Nghệ Thuật miền Nam Việt Nam. Có những tác giả khởi sự nghiệp viết văn từ chiến trường Quốc – Cộng. Các bài thơ bài văn mang nhiều mùi thuốc súng, tiếng gầm gừ máy bay đạn pháo, tiếng khóc la bi thiết. Hiếm có tiếng cười ở loại thơ văn chiến trường này vì đó là tiếng lòng của các chàng trai mang gánh nặng giang san. Còn có những tác phẩm được ra đời ở Hoa Kỳ sau những chương trình HO (Humanitarian Operation) viết bởi những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Phần lớn là những hồi ký để độc giả cảm nhận được lịch sử bi thương một thời của Việt Nam.

Lại còn thêm nữa, Trần Hoài Thư hô hào sự ủng hộ những tay viết mới tham gia đọc và viết, đương thời. Có thể là những tay viết ở ngoài nước Việt Nam khắp năm châu. Và cũng có những tay viết trong nước gửi bài ra góp mặt. Nhóm viết lách mới này cho độc giả thấy tiếng Việt mình còn hay mất, biến hóa ra sao. Những thế hệ trẻ lưu vong theo cha mẹ mà còn đọc được THƯ QUÁN BẢN THẢO là một điều hiếm có và đáng mừng.

Trần Hoài Thư nếu không đủ “lì” thì làm sao một mình làm được ngần ấy công việc?!

Bên cạnh ông chủ báo, kiêm ông chủ biên tập, kiêm ông tổng phát hành sách là một đống những máy móc cũng già nua như ông. Máy vi tính, máy in, máy cắt, máy đóng gáy làm việc cật lực dưới bàn tay điểu khiển của Trần Hoài Thư. Ông thở phì phò với buồng phổi xẹp khí, nhưng ý chí thì ngược lại cao vời vợi. Đúng là vậy, có những lúc ông gục ngã vì bệnh tật, vì thiếu dinh dưỡng thì sau đó NGƯỜI lại vịn vào thơ để đứng dậy. Lại lần mò khâu vá tiếp văn chương cho người Việt Nam cả người ở ngoài lẫn người ở trong nước. Máy móc lại tiếp tục làm việc để phục vụ con người.

Trần Hoài Thư và THƯ QUÁN BẢN THẢO vượt được con số 100 bao nhiêu số nữa, không ai biết được. Chỉ biết Trần Hoài Thư lực tàn sức cạn nhưng còn thở là còn ngồi vá văn chương. Nghĩa là còn THƯ QUÁN BẢN THẢO. THƯ QUÁN BẢN THẢO với dạng giai phẩm ra được vài số sau này là để giảm áp lực cho Trần Hoài Thư. Đó là điểm sáng tạo và đáng mừng. Và còn thấy được một Trần Hoài Thư trí lực vẫn còn sung!

Mong thay mong thay. Thương chúc anh Trần Hoài Thư và THƯ QUÁN BẢN THẢO vẫn tà tà gửi ấn phẩm đến độc giả khắp nơi nhé.

California ngày 19 tháng 7 năm 2022

Doãn Cẩm Liên

(Nguồn: tranthinguyetmai.wordpress.com)

Bài Mới Nhất
Search