T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phila Tô: Tôi Viết Tên Anh

 

Nón Sắt – Tranh: Thanh Châu

Những ngày tháng cuối năm thường có nhiều niềm vui, người người chuẩn bị tặng nhau những gói quà và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.Ngày Tạ Ơn, Đêm Giáng Sinh, chiều tất niên, sáng tân niên, gia đình, thân hữu, đồng môn, đồng khóa, bạn bè ngồi bên nhau nâng ly chúc mừng:

-Happy ThanksGiving, “Merry Christmas And Happy New Year”.

Người người quây quần bên nhau chúc mừng sức khỏe và mong mọi người vui vẻ với nhau, nhớ đến nhau, gọi tên nhau ở những niên kế tiếp, niên 2021-2029 v.v..

Mong ước tương lai là thế nhưng chúng ta vẫn nhớ lại những ngày tháng khó quên của đời lính chiến, thương tiếc quá những người anh em đã ra đi! Thiên đàng, địa ngục hai nơi, các anh ở nơi nào tôi không biết, nhưng tôi biết tôi nhớ tên các anh. Tôi không biết“viết tên anh trên đá trên hoa, viết tên anh trong trái tim tôi”, nhưng tôi biết viết tên các anh lên trên trang giấy này, những kỷ niệm khó quên như mới xẩy ra ngày hôm qua.

(** đã tử trận. * đã qua đời)

“Hôm Qua”: Sáng 31/12/1964, tôi dẫn anh em Đại Đội 4, TĐ5/TQLC ra bãi tập chiến thuật ở bên cạnh suối Lồ Ồ, (Dĩ An), dưới chân núi Châu Thới (Biên Hòa), bãi tập là cánh rừng thưa có nhiều mai vàng đang hé nhụy, báo hiệu mùa Xuân sắp về. Khi thực tập bài học tấn công, anh em binh sĩ lại ngụy trang bằng những cành hoa mai, việc này tuy sai với nguyên tắc ngụy trang, nhưng tôi chỉ mỉm cười, vì nếu có ai tinh ý sẽ thấy trên ngực áo rằn của tôi cũng ngụy trang một cành mai với hai bông mai vàng.

Mới tốt nghiệp thiếu úy, ra trường vừa đầy tháng mà ngực áo tôi đã cài hai bông mai (hàm ý là trung úy) ắt là có điềm hên xui: hên là được vinh thăng do chiến công, xui là tử trận rồi được truy thăng! Thăng nào cũng là thăng cả, hai cái thăng dính liền với đời lính chiến, một thăng cười, một thăng làm người yêu khóc!

Đang tập cho lính xung phong vào mục tiêu giả thì tôi nghe kèn báo động từ Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, tôi nhận lệnh đem đại đội trở về doanh trại gấp. Tiểu Đoàn 5/TQLC súng đạn sẵn sàng ở sân cờ để tiếp viện cho đơn vị bạn. Mấy sĩ quan trung đội trưởng chúng tôi lo âu ngơ ngác nhìn nhau, nhìn vào phòng “văn khang”, hoa rượu đã sẵn sàng trên bàn tiệc, ngoài cửa, cờ quạt cùng dòng chữ “Cung Chúc Tân Xuân”, thay vì phất phới bay đón gió Xuân thì đang rung lên bần bật theo tin dữ báo về:

-“TĐ4/TQLC đang đụng nặng tại Bình Giả”.

Trung Úy Dương Bửu Long*, ĐĐT/ĐĐ4, sau khi kiểm soát súng đạn xong, kéo tôi ra chỗ vắng nói nhỏ:

-TĐ4/TQLC đụng ở Bình Giả, thiệt hại nặng lắm, Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Phó, Bác Sĩ đều tử trận cả rồi! Các Đại Đội trưởng là Tr/Úy Huệ (K17) tử trận, Tr/Úy Toàn (K16) mất tích, chỉ còn Tr/ÚyTùng** và Tr/ÚyTống* (K16). Hai bạn cùng Khóa 19 của mày là Th/Úy Võ Thành Kháng** và Nguyễn Văn Hùng**** cũng tử trận rồi!

(Các anh Long*, Tùng**, Tống* nay cũng không còn nữa rồi!).

Nghe tin các bạn đồng Khóa 19/TQLC Võ Thành Kháng, Nguyễn Văn Hùng và BĐQ Nguyễn Thái Quan đã tử trận khiến tôi sững sờ, toàn thân tê đi. Tình nguyện về đơn vị chiến đấu là chọn hiểm nguy, nhưng không ngờ các bạn tôi lại tử trận nhanh quá!.

Chúng tôi vừa tốt nghiệp thiếu úy ngày 28/11/1964, mới hưởng xong 15 ngày phép mãn khóa, cặp lon thiếu úy TQLC kim tuyến trắng tinh, chưa dính bụi trần, vẫn còn hương thơm và dấu tay của người yêu, mới ra trận có 15 ngày thì đã nhuộm máu, các bạn tôi đã hy sinh, đã trả xong nợ nước, trả xong “cả vốn lẫn lời” vào ngày 31/12/1964!

Ngày trình diện đơn vị, các anh nắm tay người yêu, thì thầm: “Anh sẽ về dìu em đi ngắm chợ hoa Nguyễn Huệ”. Nhưng Xuân này anh không về mà em đến thăm anh với bó hoa và nước mắt, các anh đã được truy thăng trung úy! Bất chợt tôi nhìn xuống ngực áo, hai cánh hoa mai tôi “ngụy trang” đã rớt hồi nào.

Chẳng ai còn thiết: “Ngày Xuân nâng chén ta chúc…”, mà “chúc người binh sĩ lên đường” trực chỉ Pleiku, Kontum, Đức Cơ, Tân Cảnh, Dakto, nơi nào có súng nổ là có chúng tôi, lần hồi bạn cũ thưa dần vì đi phép dài hạn (tử trận) thì có thêm bạn mới.

“Hôm Qua”:12/1965, khí hậu Kontum lạnh buốt mùa Đông, Đại Đội 4/TĐ5 của tôi dừng quân bên ven rừng. Đêm tối âm u,gió lùa từ dưới võng lên lưng, sương khuya đọng trên poncho nhỏ giọt xuống làm chúng tôi không sao có thể ngủ được, mong cho mau sáng để đốt lửa sưởi ấm và “nhớ nhà châm điếu thuốc”, bất chợt tôi nghe tiếng gọi thì thầm của anh Đại Đội Trưởng:

-Ê Cấp, làm ngụm cafe không?

Nghe tiếng Đà Lạt gọi, tôi vội vùng đậy…

-Đàn anh hỏi khó, đang lạnh cóng từ trong ruột ra tới ngoài da mà anh hỏi uống café không! Nhưng phải thêm điếu con mèo cho trọn nghĩa với người tình khói sương.

Đà Lạt Nguyễn Kim Đễ* (K16VB) là đại đội trưởng của tôi thay thế anh Dương Bửu Long* (K9TĐ đi học), vì cùng tần số Võ Bị nên mỗi khi đóng quân đêm anh thường ở chung với trung đội của tôi để kể chuyện đồi 1515 và “chia xẻ” cho tôi ly café, ly sữa ca-cao, điếu thuốc con mèo, những hàng “cao cấp” này do chị nhà trang bị cho anh mỗi chuyến hành quân.

(Sau này Đà Lạt và tôi cùng dìu nhau từ TĐ5/TQLC sang TĐ2/TQLC, rồi cùng bị thương và về Phòng Ba Sư Đoàn nên anh em tôi có rất nhiều kỷ niệm buồn vui, nay thì Đà Lạt* không còn nữa! Nghe tin anh vĩnh biệt gia đình, tôi bồi hồi nhớ Đà Lạt, tôi viết tên anh:

-“Trâu Già, Mãnh Hổ, Đà Lạt Nguyễn Kim Đễ.

Khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia,

Tiểu Đoàn 2, Tiểu Đoàn 9, Trưởng Phòng Ba SĐ/TQLC.

Một Cọp Biển can trường,

Một cấp chỉ huy lý tưởng,

Một con chiên ngoan đạo,

Đã sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Nhưng đồng đội, đồng môn, đồng khóa thương tiếc Anh”.

***

Sau khi chia nhau ca café, điếu thuốc tôi khều nhẹ ông anh Đà Lạt:

-Đà Lạt, hôm nay chờ tiếp tế, anh cho tụi em “zoọc” ra phố Kontum rửa mắt tí.

– OK, nhưng với điều kiện không say và về đúng giờ.

Tôi rủ thêm mấy người bạn trung đội trưởng nữa rồi cuốc bộ ra phố Kontum, không xa nơi đóng quân, điểm đến đầu tiên là Quán Gió bên bờ sông Dapla của cô Trâm ví bự chân dài. Sau khi nốc vài ly men kiểu “ngưu ẩm”, cảm thấy chẳng có gì vui nên bọn tôi vòng ra phố chính Trần Hưng Đạo, đi ngang tiệm chụp hình, thấy lá Quốc Kỳ treo trước cửa, Chuẩn Úy Trần Tử Phương** gỡ xuống rồi quàng vào người, Quang Gù (K19VB), Lộc Lùn*, Thảo** Thầy Giáo (K17TĐ) và tôi đè Phương nằm xuống, bốn thằng cầm bốn góc lá Quốc Kỳ phủ lên người Phương, miệng đồng ca: “ò, í, e, ò ò í í e…e”, tiếng kèn truy điệu bằng mồm vừa dứt thì Phương vùng dậy, miệng cười toe:

-Tao chưa chết, Tử Phương chưa tử.

Đi hành quân mà chơi trò… cười này thì đúng là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”.

Chẳng phải điềm gở, chẳng phải số, chẳng phải không quý mạng sống, nhưng đứng trước mũi tên hòn đạn ắt nguy hiểm hơn đứng trước bảng đen trong quận đường nên chẳng bao lâu sau đó, trong trận Mộ Đức Quảng Ngãi TĐ5 đụng nặng, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Dương Hạnh Phước, cố vấn Mỹ, Bác sĩ Lê Hữu Sanh tử trận. Đại Đội tôi có 5 sĩ quan thì bị thương 2, một bị bắt là Lê Đình Quỳ, 2 tử trận là Chuẩn Úy Thảo và Trần Tử Phương!

Nếu như ngày “Hôm Qua”, 12/1964 và 12/1965, nhiều đồng đội, đồng khóa, đồng môn của tôi tử trận tại Bình Giả, tại Mộ Đức thì ngày “Hôm Qua”:12/1967, đối với tôi còn quái ác hơn, tôi mất đi những anh em vốn yêu thương nhau còn hơn ruột thịt.

Những ngày cuối năm 12/1967, tin cho biết hai tiểu đoàn địa phương VC 261 và 262 sẽ đánh chiếm hai quận Giáo Đức và Cai Lậy và QL4 để chặn nguồn tiếp tế lương thực Tết từ Vùng IV cung cấp về Saigon, nên Chiến Đoàn B/TQLC gồm TĐ1 và TĐ2 được lệnh lùng và diệt địch trong vùng quận Cai Lậy, Giáo Đức tỉnh Định Tường.

Sáng 31/12/1967, Đại Đội 1/TĐ2 của tôi nhảy trực thăng đợt đầu xuống mục tiêu kinh Cái Thia, quận Cai Lậy, và đụng địch ngay. Đủ mọi thứ súng từ trong bờ kinh bắn ra, quân ta từ đồng ruộng lúa trống không chỗ ẩn núp nên cách duy nhất để tìm cái sống trong cái chết là nhào vô, với kinh nghiệm, Đại Đội Phó Nguyễn Quốc Chính** K20VB đã chỉ huy điều quân thay cho Trung Đội Trưởng Huỳnh Vinh Quang K22VB (mới ra trường) mà phất tay ra lệnh“xung phong” thẳng vào mục tiêu, giặc chạy tán loạn, quân ta giảm thiểu được thương vong, nhưng than ôi, tiếng Quang hét qua máy:

-Anh Cấp! Anh Chính chết rồi!

clip_image002

(TĐ.2 1967: L-R: Trần Hợp*, Kiều Nương, Xuân Phúc**, Kim Đễ*, Kim Đệ…

R-L: Kim Hoàng*, Đồ Sơn và chị*, Duy Diễn…

Đã mang danh họ nhà “Cọp” vào thân thì việc tình nguyện ra chiến trường là đương nhiên, nhưng nếu có ai nghĩ rằng “mọi người vì mình” mà tìm chữ “THỌ” thì cũng có thành phần vì tình “Huynh Đệ Chi Binh” mà hy sinh, tôi gọi họ là ANH HÙNG, trong số đó có Trung Úy Nguyễn Quốc Chính K20VB.

Thông thường đại đội phó đi với cánh quân đầu, nhưng nhiệm vụ của Tr/Úy Chính trong trận trực thăng vận này không phải là nhảy đầu với Th/ÚyQuang mà vì lý do riêng nên tôi chỉ định Chính chỉ huy trung đội súng nặng (nhảy sau cùng), nhưng Chính “lờ lệnh thằng anh” mà “đi kèm thằng em”mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm, nhờ vậy mà Trung Đội 14 giảm thiệt hại, Th/Úy Quang thoát hiểm, cònTr/Úy Chính thì hy sinh!

Mấy ai đã làm được như Nguyễn Quốc Chính?

Nếu không nhìn tận mắt, nghe rõ tận tai thì có ai đó cho là chuyện “thường tình” (!), nhưng với tôi, đã hơn 50 năm rồi (12/1967-12/2020), hành động dũng cảm của Nguyễn Quốc Chính, tiếng kêu thét của Quang ám ảnh tôi như mới xẩy ra hôm qua! Tôi nhớ thương đồng đội, đồng môn thân yêu của tôi, những người hùng: Phúc, Hợp, Chính.

Khi anh Nguyễn Xuân Phúc** làm ĐĐT/ĐĐ4/TĐ2/TQLC thì Trần Văn Hợp** làm Đại Đội Phó, còn Chính** và tôi là Trung Đội Trưởng. Trong giờ làm việc hoặc lúc hành quân thì “Vỏ Bí” (VB) cũng như “Vỏ Khoai” (VK) cứ thẳng mực tàu, gỗ có đau lòng cũng mặc, “thương em anh để trong lòng, việc quân anh cứ phép công anh làm”, nhưng ngoài giờ làm việc và trong thâm tâm thì sự đùm bọc và thương yêu nhau vượt lên trên tất cả.

Một gia đình (ĐĐ4) của tôi có 4 anh em: Phúc, Hợp, Cấp, Chính thì tên nào cũng “ngang” như cua, mỗi khi ngồi bên nhau thì cứ cãi nhau như “mổ bò”, vui như Tết. Nhưng buồn quá, chú em út Quốc Chính ra đi quá sớm, lúc 9 giờ sáng ngày 31/12/1967 bên bờ kinh Cái Thia! Gần 8 năm sau, lúc 9 giờ sáng ngày 29/3/1975, ông anh cả Xuân Phúc cũng biến mất trong khói lửa mịt mù bên bờ biển Non Nước, còn Hợp thì “tử nạn” trong ngục tù CS vào năm 1978 ở rừng núi Hoàng Liên Sơn (Bắc Việt).

“Hôm Qua”: Lúc 5 giờ sáng ngày 29/3/1975,mọi liên lạc với các đơn vị bạn từ Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) Sư Đoàn TQLC trong căn cứ Non Nước, Đà Nẵng bị rối loạn! Khuya đêm qua, Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I Ngô Quang Trưởng đã đến đây (TTHQ) trong quân phục chỉnh tề, ủi thẳng nếp với 3 ngôi sao nhỏ màu đen trên ve áo, ông ngồi trên ghế bố trong góc TTHQ, hai khuỷu tay tì lên hai đầu gối chân, hai bàn tay ôm má chống cằm như để chống lại bao sức nặng đang đè lên đầu và cái nón sắt nằm dưới đất, sát với chân giầy. Hình như ông “ngồi thiền” như thế đã mấy tiếng đồng hồ rồi. Thấy không khí trong TTHQ ngột ngạt quá, tôi thoát ra ngoài tìm tí gió mát thì thấy 3 xe jeeps với máy móc, cần câu, mấy âm thoại viên đang khản cổ hét to vào ống liên hợp liên lạc với các đơn vị trực thuộc:

-“Phúc Yên Gọi Tây Đô, nghe rõ không trả lời”

Còn Trung Tá Lữ Đoàn Trưởng LĐ.369/TQLC Nguyễn Xuân Phúc, Lữ Đoàn Phó Trung Tá Đỗ Hữu Tùng cùng Th/Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC Trần Văn Hợp thì đang đốt thuốc, nhìn trời tìm “sao”.

Hừng Đông, sao trên trời đang lặn và ở nơi nào đó,“sao” trên cổ áo cũng lặn theo thì ở đây, sau lưng chúng tôi, trong TTHQ/TQLC, 3 ngôi sao, tuy màu đen, nhưng vẫn lấp lánh ánh sáng: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng

Tôi đưa tay chào ba “quan lớn”, nhưng không ai thèm trả lời, anh Phúc im lặng đưa tôi cái ca nhôm café, tôi cầm, không nói, không hỏi mà đưa tay móc bao thuốc trên ngực áo của Hợp, còn anh Tùng thì đang “alô, alô” với Tân An Đoàn Văn Tịnh (K22VB), trưởng Ban Ba TĐ.9/TQLC của Tây Đô Lâm Tài Thạnh, đang từ xa rút về Non Nước.

Khoảng 6 giờ 30 sáng ngày 29/3/1975, hai tàu LSM của Hải Quân tiến vào bãi biển Non Nước để đón TQLC nên Đại Tá TLP/SĐ/TQLC Nguyễn Thành Trí cho lệnh TTHQ tiêu hủy tài liệu và chuẩn bị ra tàu LSM, tôi thuộc TTHQ đứng nghiêm chào các anh Phúc** Tùng** Hợp**, những “cây tùng trước bão”.

Đại Tá TLP/TQLC hướng dẫn Trung Tướng TL/QĐI ra bờ biển, chúng tôi theo sau, hai ông đã được đưa lên tàu đậu gần bờ, còn con tàu LSM đón chúng tôi thì đậu xa bờ, sóng to gió lớn, lượng sức người khó mà bơi tới nơi, tôi đang tính quay trở lại đứng chung cùng các anh Phúc, Tùng, Hợp như tìm về “mái nhà xưa”, ĐĐ4/TĐ2 thì gặp anh Phạm Văn Sắt (K16VB) đi tới, có anh có em, tôi cảm thấy an tâm.

Nhớ lại bài học vượt sông năm xưa (1962) ở hổ Than Thở Đà Lạt, anh em tôi (Sắt-Cấp) cuốn poncho làm phao, dập dìu theo sóng bạc đầu, ngụp lặn chiến đấu với hà bá, cuối cùng cũng được kéo lên boong tàu vào lúc sắp xuôi tay, miệng đọc:

-“Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ, nhân danh cha và con..”.

Từ trên boong tàu nhìn xuống mặt nước biển, tôi thấy những người cột phao quanh cổ ngửa mặt tím ngắt lên trời, nằm bất động, họ đã chết thật rồi, vớt người sống chưa xong thì ai mà nghĩ chuyện vớt xác chết, coi như thủy táng, “lính thủy đánh bộ” mà, đằng nào cũng chết vì… nước!

clip_image004

(Hình: Bờ biển Non Nước sáng 29/3, những cái đầu ngụp lặn sắp chết “vì nước”)

Trong lúc bao nhiêu người đang cố gắng tìm cái sống trong cái chết để bơi ra tàu thì VC pháo kích, khói bụi mịt mờ trên bờ, nơi các anh Phúc, Tùng và Hợp còn trên đó, người người tán loạn. Đạn rơi tõm-tõm quanh tầu, LSM vội lui ra khơi, những người bơi chưa tới tàu thì không bao giờ tới được tàu HQ nữa nên đành về Thủy Cung!

Số phận hai anh Phúc và Tùng đứng bên bờ biển, trên bãi cát cũng thế, hai anh “mất tích” ngay sau những loạt hỏa tiễn 130 ly, không ai biết các anh đi về đâu! Nếu như người bình thường thì các anh cũng đã bơi ra tàu, đứng trên boong tàu như chúng tôi, nhưng các anh là những cấp chỉ huy lý tưởng, sống chết cùng đơn vị, cùng thuộc cấp. Các anh là cấp chỉ huy Lữ Đoàn ngồi lại trên bờ biển để chờ đứa con là Tiểu Đoàn 9 đang trên đường rút về Non Nước.

Tuy sách vở dạy: “không bỏ anh em, không bỏ thuộc cấp”, nhưng thực tế, trước sống chết, hành động được như các anh không phải là nhiều. Các anh Phúc, Tùng là những tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo, chúng tôi hãnh diện có những đàn anh như thế:“Tôi viết tên Anh trong trái tim tôi”.

Trần Văn Hợp thì khá hơn, chúng tôi đã gặp nhau khi về đến Vũng Tàu. Nhưng còn một K19/TQLC khác cũng mất tích như hai anh Phúc-Tùng, đó là Hồ Ngọc Hoàng. Hoàng là TĐP/TĐ.6 của Tr/Tá Lê Bá Bình, Bình lên tàu được, nhưng cánh B của Hoàng thì kẹt lại và đã nhập chung với TĐ.9 của Th/Tá Lâm Tài Thạnh, họ chiến đấu suốt ngày đêm 29/3 ở chủng viện Sơn Trà và Hoàng “mất tích”. Tất cả diễn tiến này đã được Đ/Úy Ban 3 TĐ.9 là Đoàn Văn Tịnh K22 viết trong “Xưa Nay Chinh Chiến Mấy Ai Về”.

“Hôm Qua”: Chiều24/12/1975, trong trại tù Suối Máu, Biên Hòa, Trần Văn Hợp kiếm đâu ra được ít vỏ và một miếng bí đỏ cỡ 3 ngón tay, kèm theo cái loon guigoz có ít nước vo gạo, và chừng ¼ chén cơm nguội, hắn bảo tôi:

– Giao cho mày cái này để nấu chè, đêm nay mình ăn “reveillon”.

Tôi cự nự càm ràm với Hợp:

– Đường đâu mà … chè!

– Cho tí muối thay đường, hạt muối chia hai, chia ba còn ngọt hơn đường, đừng cho họ biết, chờ đúng lúc có chuông nhà thờ, mình gọi họ dậy cùng thưởng thức.

“Họ” là gồm các anh Đoàn Trọng Cảo* K13, Đinh Xuân Lãm* và Trần Kim Hoàng* K17. K19 có Trần Xuân Bàng*, Trần Văn Hợp*, Huỳnh Văn Phú, Tô Văn Cấp. K21 có Trần Quang Duật, Doãn Thiện Niệm, Lê Xuân Sơn. Chúng tôi ở cùng trại, nằm sát bên nhau trong nhà tù Suối Máu, thương nhau, an ủi nhau nhưng không có gì cho nhau ngoài hai tiếng “niên trưởng”

Giáng Sinh 25/12/1975:

Trại tù Suối Máu, Biên Hòa, nệm không êm, chăn không ấm

Nệm là miếng chiếu rách trải trên nền xi măng.

Chăn là mảnh “poncho line”, bông gòn không còn, chỉ có cái vỏ mỏng tanh.

Những giọt sương khuya tí tách, lộp độp rơi xuống mái tôn, gió rít qua khe vách.

Lạnh quá, ngủ không được, tôi nằm nghiêng, co chân, ôm đầu gối vào lòng kiếm tí ấm thì đụng Trần Văn Hợp, hắn giật mình hỏi:

– Mày làm gì thế mà thúc đầu gối vào lưng tao?

– Lạnh quá, tao co đầu gối vào bụng kiếm tí hơi ấm.

Hắn im lặng, bản tính là thế. Không co bên phải nữa, tôi xoay qua bên trái, lại co, lại nghe anh Hoàng* càu nhàu:

– Sao mày cứ nhúc nhích hoài vậy, tao đang ngủ ngon, mày làm tao thức, cái đói nó hành hạ dạ dày thì làm sao tao ngủ tiếp đây?

Nghe anh Trần Kim Hoàng cằn nhằn, tôi đành nằm ngửa, đưa bụng đói lên trời, dán da lưng xuống đất, chịu trận cho cái lạnh nó hành. Bụng đói cật rét là vậy.

Tôi không ngủ được vì lý do cái loon guigoz chè mà Hợp giao cho tôi nấu đã bị đổ hết rồi! Khi đi nấu “chè”, tôi móc cái loon guigoz lên đầu cần câu (làm bằng khúc que) để đưa loon guigoz vào trong lò nấu cơm của nhà bếp công cộng, lửa nóng quá, cháy đầu cần câu, lon guigoz nhôm rớt xuống đống than hồng, tôi như rơi xuống địa ngục!

“Bính boong, bính boong”

Từng hồi chuông kéo dài, rồi “Đêm Thánh Vô Cùng”, “Đêm Đông”, “Cao Cung Lên”… từ xứ đạo Kim Bịch, ở cấy số 6, Hố Nai, vút lên trời cao, vọng vào trại Suối Máu, len vào từng thớ thịt, mạch máu của những tên tù bất đắc dĩ.

Xứ đạo Kim Bịch ở cây số 6, rất gần với trại Suối Máu, ban ngày tôi trông rõ cái tháp chuông. Kim Bịch là nơi tôi đã đi tu mấy năm trời, cha bố của tôi là Linh Mục Thọ, ngài có cái đầu hói, thông minh nhưng kỷ luật vô cùng. Ngài giao cho tôi phụ trách tập hát cho ca đoàn, trong ca đoàn có cô học trò nho nhỏ, xinh xinh, tên Lựu, cô hay liếc và cười duyên với thầy dậy hát. Sau lễ nửa đêm Noel năm xưa xa xôi ấy, cô bé Lựu hẹn tôi đến tháp chuông hỏi về một bài hát… thế là cha bố Thọ bắt gặp và tôi bị xuất tu. Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít chứ không phải vì tôi chọn Lựu làm người yêu.

Đêm nay là Giáng Sinh 25/12/ 1975. Giáng Sinh đầu tiên tôi bị nhốt trong tù. Tôi nhớ gia đình, và thầm hỏi không biết cô học trò tên Lựu ngày xa xưa ấy có còn ở xứ Kim Bịch hay không? Tuy gần mà xa.

Tôi ngồi dậy làm dấu Thánh Gía, mở mỉệng không ra nhưng nghe trong đầu có tiếng ca: “Silent Night, HoLy Nigh”.

Trong bóng đêm lờ mờ của căn nhà tù, nhiều tiếng động, tôi biết có nhiều anh em đồng tù cũng đã ngồi dậy cầu kinh và hát theo những bản thánh ca.

Hợp cũng ngồi dậy từ hồi nào, chờ tôi lẩm bẩm xong bài Silent Night, hắn hỏi:

– Hát xong chưa, mang chè ra, tao gọi “họ” dậy.

– Tao làm đổ hết trong lò rồi, cái lon guigoz cũng cháy theo.

Hợp không nói gì, chỉ thở dài rồi nằm xuống.

Tôi vốn là con chiên không ngoan đạo, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn tôi tin là có Chúa. Gặp lúc hiểm nguy, người ta cầu xin cả Chúa lẫn Phật. Tôi cầu xin Chúa và bạn bè tha lỗi cho cái tội “đoảng” của tôi, nấu có lon guigoz nước vo gạo cũng không xong.

Giáng Sinh 25/12/1976.

Trại tù Hoàng Liên Sơn nằm trên sườn núi miền Thượng Du Bắc Việt, vách phên, sạp nằm là những cây tre đan lại. Gió hú từ trên núi đá ập xuống, sương lạnh từ mặt hồ Thác Bà thổi thốc lên. Lạnh quá ngủ không được, tôi lấy miếng nylon quấn vào mình để giữ hơi ấm. Nào ngờ mồ hôi toát ra không lối thoát, đọng lại thành từng giọt trong miếng nylon, nước-mồ hôi thấm trở lại vào người làm tôi run lên bần bật. Tôi bò xuống đất, ôm đống lửa đốt ở giữa lán để sưởi nhưng vẫn lạnh từ sau lưng. Tôi nhìn quanh đám tro, nhìn lên mái nhà, nhìn qua vách xem có con gì động đậy…

Ước chi có củ“khoai nướng vùi bếp tro”.

Chửng 3 giở sáng, tôi nghe tiếng xẻng cạo vào thành chảo cơm ở dưới bếp vọng lên, chừng 3 giờ, chắc là Nhảy Dù Mũ Đỏ Nguyễn Văn Nhỏ*, người bạn cùng Khóa 19, trưởng bếp, đang cạo những tảng cháy. Nghĩ đến miếng cơm cháy tôi nuốt… cái “ực”.

Sáng Chủ Nhật 25/12/1976, là ngày nghỉ, tù được lệnh tập trung xuống hội trường, vài người rỉ tai, hẹn nhau sau buổi tập họp xong sẽ gặp nhau…

Tất cả tù vừa ngồi bệt xuống đất xong thì tên tù trưởng hỏi:

– Các anh có biết hôm nay là ngày gì không?

Nhiều tiếng nhanh nhẩu đoảng trả lời:

– Hôm nay là lễ Giáng Sinh,

-Là Noel,

-Là Sinh Nhật…

Satan tù trưởng nhếch mép cười:

– Sai, hôm nay là ngày 25/12, ngày “Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa”, các anh được đi làm “thông tầm”, nhà bếp tăng cường thêm khẩu phần…

Cai tù thường bắt tù đi làm thêm ½ ngày Chúa Nhật, nhưng lần này làm “thông tầm” là lao động cả ngày, khẩu phần được tăng cường là thêm một mẩu sắn luộc. Chúng bắt tù ra rừng, lên núi chặt cây đốn gỗ cả ngày mưa giá rét cắt da để không có dịp ca hát: “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”

Chúng ta thật thà, còn CS là quỷ quái!

Phila Tô (Cáp Tô Văn)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search