T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thảo Nguyên : Dưới trời Âu mùa thu (ký sự)

 

 

Tôi được đi vòng quanh Âu châu vào mùa thu năm nay là một chuyện tình cờ không chủ định. Từ khi một bóng cô đơn trong căn nhà trống vắng, niềm vui của tôi chỉ còn là đợi chờ, mong ngóng ngày về của những đứa con đã đủ lông cánh bay xa. Ngày qua ngày biền biệt trong hiu quạnh, mà tôi thì cứ mãi ngóng trông.

Khi cô con gái út vừa tốt nghiệp xong lại chọn nơi làm việc ở một nơi hẻo lành miền đông nước Pháp. Thương con và không muốn cháu phải lo lắng một mình trong những ngày đầu tiên, tôi quyết định đi theo nó để chia xẻ một phần nào khó khăn trong những bước đường đời. Vả lại, đến Âu châu, đối với tôi vẫn là niềm mơ ước từ khi vừa mới lớn mà không có điều kiện. Nay tôi có cơ hội sao lại có thể bỏ qua. Được đặt chân đến để xem sứ sở của Monsieur Vincent mà tôi chỉ biết đến trong những trang sách ngày xưa.

Theo như dự định, hai bố con tôi sẽ bay một chặng dài từ Dallas để tới Amsterdam, thủ đô của xứ Hoà Lan. Nơi đây tôi sẽ được nghỉ vài tiếng trước khi chuyển tiếp máy bay tới Geneve, Thụy Sĩ. Từ Thụy Sĩ chúng tôi sẽ đi xe để vượt biên giới sang Annemasse, một tỉnh lỵ nhỏ của miền đông nước Pháp. Thảo Nguyên sẽ làm việc tại nơi đèo heo hút gió này.

Mong ngóng ngày đi và sự trông chờ nơi đến cũng làm tôi hồi hộp. Dù sẽ chẳng có ai đứng đợi ở cửa lối ra và bao nhiêu nỗi âu lo nơi xứ lạ cũng không làm mất cảm giác đầu tiên của tôi khi đặt chân đến Âu châu. Mặc cho cả đêm ngủ chẳng yên giấc trên máy bay cũng không làm tôi mệt nhọc. Phi cơ giảm dần cao độ vào một buổi sáng tinh mơ đưa tôi đến trời Âu. Có một chút gì xao xuyến, bâng khuâng trước con người và cảnh vật khi nhìn qua khung cửa kính đầy nắng ban mai của phi trường Amsterdam. Tôi vẫn nghe rằng Hoà Lan là xứ của ngàn hoaTulip, loại hoa mà ngày xưa Thương của tôi vẫn thích, sao bây giờ tôi chẳng thấy màu sắc gì ngoài vạt đất mênh mông bụi đỏ và một vài hàng cây thưa thớt màu xanh. Hay là đất nơi đây thấp hơn mặt biển nên ít có những cây lớn như tôi từng được nhìn nơi xứ Mỹ.

Nhưng khi ra khỏi máy bay bước vào bên trong phi trường thì sự nhộn nhịp, tươi vui làm cảm giác của tôi khác hẳn. Mọi thứ nơi đây đều được sắp xếp gọn gàng và con người cũng cao ráo gọn gàng đẹp đẽ như tính tình nồng hậu của họ. Các cô gái, những chàng trai làm việc trong phi trường đều tươi cười thân thiện. Họ luôn hỏi han và giúp đỡ nếu thấy hành khách lung túng trong bất cứ vấn đề gì với hai thứ tiếng Pháp và Anh rất nhuần nhuyễn. Đi bên con gái, tôi chợt thấy có một chút gì tiếc nuối nhớ nhung. Phải rồi, tôi lại chợt nhớ đến người bạn đời của tôi. Phải chi có Thuơng ở bên cạnh cha con tôi, trong những phút giây tươi vui này thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Ngày xưa, chúng tôi vẫn thường mơ ước có một ngày bên nhau đi khắp thế gian. Nhưng nay, ngày ấy không bao giờ đến nữa.

Hai bố con ngồi đợi ở phi trường để làm thủ tục nhập cảnh dù rằng với Passport của Mỹ, tôi không phải xin Visa để vào châu Âu như các nước khác. Giã từ Hòa Lan, thêm hai tiếng bay nữa chúng tôi đến được Geneve, Thuỵ sĩ. Với thành phố này, không một người Việt Nam nào ở độ tuổi tôi lại vô tình không biết vì nó là chứng nhân của một hiệp định phân ly đất nước tôi thành hai miền Nam Bắc năm 1954, mở đầu cho một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn hai mươi mốt năm, để lại biết bao nhiêu hệ lụy đau thương cho mọi người dân Việt. Thú thực, không hiểu tại sao tôi không có một chút cảm tình gì với thành phố này. Khi lòng đã không ưa thì nhìn cảnh vật cũng thờ ơ ảm đạm. Geneve, tôi nhìn ra cửa kính của phi trường bắt gặp những con đường nhỏ bé, những căn nhà cũ kỹ, những sườn đồi loang lổ làm xám thêm một buổi trưa mùa thu với những đám mây đen, làm buồn lo thêm trong lòng người lữ khách, đi mà chưa biết về đâu.

Nhưng thật may, lúc đó Thảo Nguyên bảo tôi sẽ có một người bà con bạn của Nguyên ở Dallas ra đón và chỉ vẽ cho lối qua biên giới tới khách sạn của tỉnh Annemasse. Tôi trách con không nói làm bố lo lắng mấy hôm rày. Con bé trả lời rằng, đến giờ phút này nó mới biết chắc có nguời ra đón. Chúng tôi đặt hành lý lên chiếc xe đẩy ra ngoài chờ đợi. Khá lâu sau, ông bà Dumont, cư dân ở thành phố Geneve ra đón. Chị Dung, người miền Nam vợ bác sĩ Dumont, sang du học ở Thuỵ Sĩ đã hơn bốn mươi năm trước khi miền Nam bị mất vào tay Cộng sản. Tuy cũng là bác sĩ như chồng, nhưng chị rất bình dị và thân ái khiến tôi có cảm tưởng như được nói chuyện với một bà chị Nam bộ, Bến Tre nào ngày trước.

Chúng tôi được chở về nhà ở ngoại thành phố Geneve để dùng bữa trưa trước khi về Annemase. Xe chạy vào trung tâm thành phố cảnh vật tươi màu thêm một chút. Có lẽ sự đón tiếp vui vẻ của chị Dung làm lòng tôi phấn khởi hơn, nhất là khi xe chạy lướt qua bờ hồ nước thật xanh trong. Tôi được biết thành phố Geneve nổi tiếng về sự đắt đỏ vì cư dân ở đây đều là những người giàu có, lương bổng rất cao. Chừng hai mươi phút sau xe đậu trước nhà. Đó là một căn biệt thự khá xinh. Nhà chị Dung có một lầu, một basement, rộng chừng hơn 2000sf, dĩ nhiên là cũ mà giá tới khoảng hai triệu rưỡi USD. Thú thực, tôi cũng có một chút hiểu biết và hay tìm hiểu về tình hình địa ốc ở Dallas cũng không thể tưởng tượng được nhà cửa ở đây lại đắt đỏ đến dường này.

Tôi đi một vòng quanh khu vườn nhà chị Dung, thích thú thấy được một vườn rau, thật hiếm với xứ này. Có đủ loại rau thơm, cà chua, bầu, bí do chính tay chị vun trồng. Sau này tôi mới biết thêm là người Việt Nam ở Âu châu thường là ở trong những căn chung cư, chứ ít ai có nhà riêng để có mảnh vườn như chị. Khoảng bốn mươi phút sau chúng tôi được mời ngồi vào bàn ăn. Hôm nay chị Dung nấu cho chúng tôi ăn bún riêu nhưng lại có giò heo. Chị hỏi tôi có ăn giò heo không chứ mấy đứa con và ông chồng Thụy Sĩ của chị không thích món này. Dĩ nhiên là tôi rất thích. Bún riêu được múc vào những tô lớn, đặt trên những điã to, cộng thêm muỗng nĩa và rượu khai vị rất long trọng. Ở Âu châu mọi người thường ăn uống trịnh trọng như vậy. Chuyện này làm tôi nhớ đến một anh bạn tù ngày trước đi du học ở Âu châu về. Anh ấy vót mấy thanh tre làm muỗng và niã để ăn ba lát mì khô trong trại giam ngày xưa.

Người Thụy sĩ nói hai thứ tiếng Đức và Pháp. Tôi chẳng biết tiếng Đức, tiếng Pháp nào ngoài câu hỏi Parlez vous Anglais dạo đầu nên dùng tiếng Anh để nói chuyện với chồng chị Dung, một người đàn ông chắc lớn hơn tôi vài tuổi, trầm lặng và lịch sự nhưng xử sự rất thân tình. Thú thực, tuy chưa ăn gì nhưng tôi không thấy đói bụng lắm, ăn theo phép lịch sự cho xong bữa và phải để ý đến cung cách bên ngoài quá nhiều vì sợ bị chê là thô lỗ.

Nghỉ trưa tại nhà chị Dung vài tiếng chúng tôi được vợ chồng chị chở về Annemase, tới khách sạn mà Thảo Nguyên đã đặt sẵn khi còn ở Dallas. Theo dự trù là hai bố con sẽ đi tìm thuê ngay một căn Appartment để tránh phải ở nhiều ngày ở khách sạn. Nhưng lúc này trời đã về chiều. chúng tôi không có thời giờ nhiều ngoài việc mua được hai thẻ điện thoại và tìm được một quán ăn trong cửa hàng Giant gần đó. Đây là một siêu thị gần giống như Walmart ở Mỹ, bán đủ mọi thứ đồ gia dụng và có những tiệm Fast Food, giá cũng không mắc lắm. Tuy nói là không mắc là chỉ so với Âu châu thôi chứ tính ra tiền Mỹ thì rất là mệt óc vì thời giá bây giờ một Euro của châu Âu bằng 1.485 USD. Thành thử cái gì rẻ nhất cũng đắt gấp rưỡi.

Hôm sau là thứ bảy, hai bố con lội bộ từ sáng đến chiều khắp thành phố Annemase, vưà để tham quan cuộc sống vừa tìm thuê một căn phòng cho Thảo Nguyên, mới biết rằng ngày thứ bảy ở nước Pháp người ta không làm việc. Ngoài những cơ sở thương mại ra, tất cả các dịch vụ khác đều đóng cửa hay chỉ mở từng phần theo nhu cầu. Điện thoại cầm tay mà bên Pháp gọi là Portable rất đắt. Có lẽ đắt hơn cả ở Việt Nam. Gọi liên lạc với nhau trong nước là 0.50 Euro/phút, còn gọi ra nước ngoài thì tùy theo nước. Gọi về Mỹ là 1Euro/phút. Tôi ớn quá định dùng computer để gọi vì tôi có download program Skype, có thể gọi ra ngoài nhưng ngặt nỗi khách sạn tôi ở thuộc loại bình dân, nên không có đường dây internet. Muốn có phải trả tiền 5 Euro trong vài giờ. Như thế tính ra cũng quá đắt.

Thành phố Annemasse nhỏ nhưng xinh xắn. Đó là ý nghĩ ban dầu của tôi khi thường thấy những căn nhà rất cũ, có thể hằng trăm năm nhưng lại đầy màu hoa chung quanh. Các cô gái Pháp, đa số là mảnh mai và dễ thương chứ không mập tròn như ở Mỹ, có lẽ tại họ đi bộ quá nhiều. Ở đây, người ta ít dùng xe hơi như ở Mỹ. Đa số đi xe Bus nên thường phải lội bộ hơi nhiều để đến trạm hoặc đổi xe. Thành phố sát ngay biên giới Thuy Sĩ nên cũng là vùng núi non, lên dốc xuống khe nên trông lạ mắt. Có lẽ vì tôi ở Texas, vùng đất bằng phẳng nhìn cái gì cũng cứ đều đều nên bây giờ thấy một chút nhấp nhô đã nghe rộn rã trong lòng.

Chúng tôi bước vào một văn phòng Tourist, may quá, sắp đóng cửa vì ngày thứ bảy họ chỉ mở đến 12 giờ. Thảo Nguyên hỏi xin bản đồ và tin tức thêm về các văn phòng địa ốc. Một cô gái Á đông tiếp chuyện chúng tôi -dĩ nhiên là bằng tiếng Pháp- Tôi chỉ biết đứng nhìn vì có hiểu gì đâu. Trời vào thu nên hơi lạnh. Cô gái ăn mặc thật giản dị mà sao tôi thấy có vẻ gì rất hài hoà và đẹp mắt. Tôi không nói về nhan sắc mà chỉ chú ý đến cách phục sức bên ngoài. Từ màu sắc của chiếc khăn quàng cột rất xinh trên ngực với cái áo Tshirt, và chiếc áo len mỏng trễ xuống để nâng cao phần ngực, sao mà nó rất hợp với chiếc quần jean hơi chật để lộ cả thân hình dễ thương mà chắc thương thì không… dễ. Cô có một vẻ gì quyến rũ rất Âu châu. Hai mươi lăm năm rồi, nhìn cách phục sức lè phè của dân Mỹ đã quen, nay được nhìn các cô gái Pháp ăn mặc hợp thời trang, hỏi lòng tôi sao không xao xuyến, rộn ràng.

Muốn thuê nhà chúng tôi phải có ngay tiền mặt để trả tiền đặt cọc, tiền tháng đầu tiên. Tôi đã biết ngay chuyện đó, vả lại cũng có ý định đi chơi nên chuẩn bị một số tiền khá lớn. Đáng lẽ tôi phải đổi ngay ở Mỹ, nhưng nghe nói sang Paris đổi cho mấy người Tàu có giá hơn (Ôi lại nghe người ta nói) nên bây giờ kẹt cứng. Ôm mấy ngàn dollar tôi đi lang thang hết nhà bank này đến nhà bank khác mà chẳng đổi được tiền. Dân Âu châu chê tiền dollar nên xua tôi đi, muốn đổi thì qua vùng biên giới có thể đổi ở các nhà Duane. Ở đây họ chỉ đổi tiền Thụy sĩ lấy Euro mà thôi. Mẹ ơi, không biết đường mà cha con tôi cũng cố gắng mò mẫm coi trong bản đồ cầm tay, lội bộ sang biên giới. Tới nơi mới biết rằng thứ bảy không làm việc. Không có cô con gái bên cạnh thì tôi đã chửi thề cho sướng miệng.

Mất hết cả ngày thứ bảy mà không được chuyện gì. Ngày mai chúa nhật chắc chắn là không hy vọng. Tình huống này chắc chắn tôi phải ở khách sạn thêm rất nhiều ngày. Thảo Nguyên, đúng là con gái Mỹ chẳng lo lắng gì. Nguyên hỏi tôi có đi Geneve chơi cho biết hay không nhưng nỗi lo lắng về việc tìm chỗ ở làm tôi không còn chút hứng thú. Tôi bảo cháu không thể đi đâu nếu chưa có chỗ ở chắc chắn để làm tan đi nỗi lo lắng phải tốn tiền thêm. Nó không nói gì, chỉ nhún vai chê tôi sao ” kẹo” quá. Đi loanh quanh một hồi bố con chúng tôi về lại Downtown mà sau này bạn tôi -Phạm cô Giao- giảng cho tôi nghe ở Pháp thường gọi là Hotel de ville. Giờ này nhà bank đã đóng cửa vì người ta chỉ làm việc vài tiếng vào sáng thứ bảy mà thôi. Có vài người đang đứng nơi máy đổi tiền. Thảo Nguyên bước tới và reo lên là với thẻ Visa của Bank of America, tôi có thể rút tiền ở đây được. Dĩ nhiên là Euro chứ không phải Dollars. Mừng quá tôi đợi đến lượt mình, đưa thẻ vào máy mà lòng hồi hộp như đang phỏng vấn việc làm đợi chờ phán quyết của ông chủ xem có nhận hay không.

Một lúc sau máy mới cho dữ kiện, tôi chỉ được rút 300 Euro cho mỗi ngày. Ba trăm Euro làm sao đủ khi tôi cần ngay 1200 Euro để thuê nhà. Ngày mai có rút thêm thì cũng chỉ có sáu trăm. Đang lúc suy nghĩ đến nát óc tôi mới nhớ ra rằng mình còn một cái thẻ khác của Bank of America làm ở California nữa. Tôi lập tức cho thẻ vào. Ba trăm Euro khác chạy ra ngay. Cái thẻ này lý ra tôi phải cancel khi làm thêm thẻ mới nhưng vì cái tật lè phè nên tôi quên mất, thế mà nó lại giúp tôi trong lúc ngặt nghèo này. Đến mai tôi lại chịu khó ra đây rút một lần nữa là đủ tiền thuê nhà.

Đến ngày thứ hai dân Pháp làm việc, nhưng thật không dễ dàng để thuê một căn phòng như chúng tôi tưởng lúc còn ở Mỹ. Bố con lại lê chân khắp thị trấn nộp đơn hết chỗ này sang chỗ nọ nhưng ai cũng bảo chờ. Trước khi đi tôi đã gọi hai người bạn đang ở Pháp là Phạm cô Giao và Nguyễn hiền Trung để nhờ cố vấn một số vấn đề, Trung đã cảnh báo cho tôi biết những khó khăn sẽ gặp nhưng tôi nghĩ anh ta chỉ hù cho tôi ớn chơi nên không “care” lắm. Bây giờ mới biết có tiền chưa chắc làm gì cũng được.

Thuê một căn phòng, người đi mướn phải trả tiền cho nhân viên địa ốc. Khác hẳn với Mỹ là người chủ nhà phải trả. Lại nữa, nếu không có người bảo đảm thì phải đóng luôn số tiền trong thời gian mình ở mà không được trả lại nếu nửa chừng mình bị cho thôi việc hoặc có bất cứ lý do hợp lệ nào khác. Giá cả cũng không rẻ gì. Một căn phòng chiều ngang 3 thước, dài khoảng 7 thước, chỉ đủ kê một chiếc giường, giá là 585 Euro/tháng. Đây là giá tại tỉnh Annemase chứ ở Paris chắc đắt gấp hai.

Tôi đành cầu cứu hai thằng bạn nhờ nó bảo đảm cho, dù rằng hôm mới tới khi gọi thăm hai đứa có nói cần gì cứ gọi tao, tôi đã hùng hồn tuyên bố rằng an tâm đi tao sẽ lo được. Tội nghiệp nhất là chị Trung, cứ bắt thằng bạn tôi lái xe từ Lyon lên Annemase để chở hai bố con ông ấy về đây, khi nào thuê được nhà hãy về làm việc. Tôi cảm ơn nhưng không muốn về Lyon vì thấy mình còn lo được. Chỉ hứa rằng khi nào xong công chuyện sẽ có một ngày mò tới thăm chúng nó.

Ngay trong những lúc gay go nhất thì lại thấy ánh sáng nơi cuối đường hầm. Sau cả tiếng đồng hồ điện thoại lui tới Thảo Nguyên cho biết: sở Giáo dục -nơi Nguyên làm việc- sẽ can thiệp với sở Xã hội ở đây để giúp thuê được một căn phòng rộng rãi với giá phải chăng. Tốt hơn nữa là Nguyên sẽ được trợ cấp thêm để trả một nửa tiền nhà từ tháng thứ hai trở đi nhưng phải đợi gần một tuần sau mới có nhà vì người ta phải chuẩn bị để làm sạch sẽ và sơn phết lại. Đây cũng là một điều may mắn vì ngày mai, thứ tư Thảo Nguyên phải đi về tỉnh Grenoble để training công việc trong ba ngày. Sau đó, Nguyên sẽ gặp bạn bè từ Mỹ sang ở thêm vài ngày nữa.

Còn tôi, hy vọng thuê được chỗ ở cũng làm tôi vui lên. Lại một điều may nữa là cũng vào dịp này có một số người ở Paris tổ chức buổi họp mặt Thu Hội Ngộ ngay tại kinh thành ánh sáng Paris cho mấy ông bà văn, thi sĩ từ Mỹ sang. Tôi có nguời bạn cũng là dân viết lách được mời trong buổi hội ngộ này, rủ rê tôi phiêu lưu lên Paris cho biết. Người bạn quảng cáo rằng ban tổ chức ta sẽ thuê dùm khách sạn và nhất là có người dẫn phái đoàn đi thăm vòng quanh khắp Paris xinh đẹp. Nếu tôi muốn đi ké thì bạn sẽ giữ chỗ cho, nhưng phải đóng tiền khách sạn trước để được giá phải chăng. Tôi nghe bùi tai nên bằng lòng ngay không một chút đắn đo.

Sau đó nghĩ lại tôi rất phân vân vì biết rất nhiều khó khăn. Làm sao tôi phiêu lưu lên Paris một mình mà không có cô con gái làm thông dịch cho. Tiếng Pháp thì không rành, đi xe hay tàu từ Annemasse lên Paris phải đổi bao nhiêu chặng đường mà vốn liếng thì chỉ có một cái địa chỉ khách sạn cộng với một số phone và lời hứa hẹn là tới ga sẽ có người ra đón. Để chắc ăn tôi gọi người đón trước làm quen xem anh ta sẽ đón tôi ở chỗ nào, tôi nên đi đứng ra làm sao. Lấy phone tay ra gọi, đầu dây bên kia reng mãi mới có tiếng người đàn bà trả lời. Tôi hỏi tên người sẽ đón tôi nhưng bà ta nói liền một tràng tiếng Pháp, tôi chẳng hiểu gì. Tôi lỳ mặt nhắc lại một lần nữa bằng tiếng Anh, lại một tràng tiếng Pháp nữa xổ ra. Tôi nản quá đành cúp máy định rằng gọi về Mỹ nói với người bạn tôi không đi nữa.

Xui cho tôi khi gọi về Mỹ thì người bạn đã ra phi trường để bay sang Pháp. Như thế là bạn tôi sẽ cứ đinh ninh rằng tôi sẽ có mặt ở Paris vì đã đóng trước tiền khách sạn cho tôi. Đi hay ở, bây giờ với tôi là câu hỏi lớn. Suy nghĩ mãi thêm nhức cả đầu, hôm sau tôi quyết định cứ liều đi, tới đâu thì tới. Ngày xưa người ta có câu ông vua cũng thua thằng liều”. Không liều lĩnh sao làm được việc. Đời tôi cũng đã nhiều lần liều lĩnh. Cũng lắm lần may mắn với cái liều của mình mà làm được chuyện. Vả lại đi chơi chứ làm vương tướng gì. Có lạc mới có khôn.

Nhưng còn một chuyện khó khăn nữa là làm sao gửi được bốn cái vali to mà hai bố con tôi khiêng từ Dallas qua đây. Tôi vì cái tật hà tiện nên bắt con mang theo đủ thứ để đỡ phải mua. Chẳng lẽ giữ phòng khách sạn mỗi ngày 75 Euro chỉ để bốn cái vali thì đau quá. Mà gửi ai bây giờ? Sẳn Giao gọi thăm, tôi than thở nó lại bảo mày lên Paris làm cái giống gì ở trển, nhà cửa không lo mà lo đi chơi. Lại một màn phân trần tả oán, Giao nghe xong bảo tôi là nhà ga có chỗ cho gửi đồ. Hai bố con chạy lên hỏi ngay nhưng ngưòi ta không nhận. Tôi nản quá đâm cáu kỉnh, quyết định không đi nữa, ở lại khách sạn một mình.

Thảo Nguyên rất muốn tôi đi Paris trong thời gian Nguyên training ở Grenoble, nên gọi điện thoại cho mấy người bạn tới trước để gửi. May mắn quá có một đứa nhận lời. Càng may mắn hơn là nhà của người bạn Thảo nguyên lại cùng trên đường tới ga Annemase. Như thế thì tiện cả đôi bề.

Hai bố con hì hục kéo bốn cái vali to tới nhà cô bạn rồi vui vẻ ra nhà ga Annemasse mua ba tấm vé. Một cho Thảo nguyên đi Grenoble, hai cho tôi đi Paris vì tôi phải đổi xe ở tỉnh Bellgarde. Nguyên còn cẩn thận viết những câu tiếng Pháp thông dụng để cho tôi vừa đi vừa học. Tôi vác balô lên xe trong lòng rộn rã vì sắp được đi xuyên nước Pháp, không một chút gì lo lắng nữa. Đi chơi chứ có đi hành quân như ngày xưa đâu mà sợ. Tôi lên tàu, chọn một chỗ ngồi bên cửa sổ để được nhìn cảnh vật miền quê nước Pháp rõ ràng hơn.

Tàu lửa chạy nhanh và êm ái như ngồi trên máy bay và cảnh vật miền quê xanh tươi quá. Tôi nghe mấy thằng bạn dọa rằng sang Pháp, thăm Paris chỉ đạp nhằm cứt chó chứ chẳng có gì. Chưa tới Paris tôi chưa dám nói. Nhưng miền quê nưóc Pháp quả đẹp và gọn gàng hơn hẳn quê hương tôi.

Những mái nhà cổ kính nấp sau lùm cây đủ các màu hoa. Những lâu đài ẩn hiện trên những ngọn đồi hay sau vách đá cheo leo. Pháp là xứ sở của những lâu đài nổi tiếng mà cũng tình cờ tôi đã được đi thăm sau này. Dọc theo đường xe lửa là những cánh đồng xanh bát ngát. Tuy không thể sánh với ruộng đồng của Mỹ nhưng màu xanh ở đây cũng đủ bao la để tầm mắt tôi mất hút. Những con sông xanh lơ quanh co uốn khúc gợi tình. Tôi chợt khám phá ra con sông nào của nước Pháp mà tôi đi qua hôm nay nước cũng trong xanh quá. Thảo nào làm cho cô gái Pháp nồng nàn hơn trong tình yêu với bao nhiêu thiên tình sử mà ngày xưa tôi mê say, theo tháng năm đã rơi rụng hết thì nay lại lần luợt trở về.

 

Mải ngắm cảnh say sưa, chút nữa tôi quên mất phải xuống ở ga Bellgarde nếu không có anh chàng ngồi bên nhắc nhở. Tôi cũng khám phá ra rằng, nếu tôi hỏi bằng tiếng Anh thì ai cũng vui vẻ trả lời, dù họ chỉ biết chút ít chứ không như nghe người ta đồn rằng dân Pháp rất kỳ thị, dù biết tiếng Anh cũng không muốn nói chuyện với mình. Sở dĩ anh chàng bên cạnh nhắc tôi là vì khi lên xe, tôi đã làm quen, hỏi thăm và nhờ anh nhắc khi nào đến Bellgarde.Anh ta không biết nói nhiều nhưng rất vui vẻ OK.

Dân Pháp, dân Âu châu nói chung hút thuốc lá rất nhiều. Nhất là con gái cô nào cũng cặp điếu thuốc trên tay phun khói liên tục. Họ hút bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Quán ăn ngoài trời, trong nhà, trên ga trên tàu xe lửa tôi không thấy bảng cấm hút thuốc bao giờ. Thảo nào dân Việt sang đây chuyên nghề bán thuốc lá cũng giàu to. Nhìn họ hút mình đâm thèm lây. Ngặt một điều cô con gái tôi kiểm soát dữ quá tôi đành nhượng bộ. Bây giờ đi có một mình tôi liền kiếm ngay một gói Pallmall thủ sẵn trong túi ở ga Bellgarde.

Mua thuốc xong tôi vào trong ga hỏi đường đi Paris. Tôi cứ tiếng Anh nói đại và nhân viên xe lửa cũng cứ tiếng Anh mà trả lời. Gặp người giỏi thì lẹ làng mau chóng, gặp người biết chút chút thì lâu thêm một chút, đôi khi cũng phải dùng tay quơ đại. Sign language vốn là ngôn ngữ đầu tiên của loài người.

Tôi theo sau một chị Pháp vừa đi vừa hút thuốc. Quen nhau vì chị xin lửa của tôi. Chiếc hộp quẹt mới mua đã giúp ngay được chủ. Quen để hỏi thăm đường thôi chứ trông chị cũng khá chán. Được cái là chị vui vẻ nói chuyện huyên thuyên bằng tiếng Anh rành rọt hơn cả dân Mỹ là tôi đây. Ngày xưa chị đã ở New York, gặp tôi có con gái học ở New York lên thăm được vài lần nên nói phét rằng mình cũng là dân New York, thành thử hai người đứng chờ tàu nói không hết chuyện. Tàu Paris đến, thiên hạ đua nhau ùa lên. Tôi dành được hai chỗ ngồi, để cái ba lô lên định bụng rằng để dành cho chị nhưng liếc dọc liếc ngang chẳng thấy chị đâu. Mới nói chuyện vui vẻ đó bây giờ biến mất tiêu. Tôi chẳng tiếc nữa vì còn lâu mới đến Paris. Trong vé đã ghi rõ ràng, tàu sẽ đến ga Lyon đèn vàng của ông Cung trầm Tưởng. Ga này là một trong những ga chính của Paris mang tên Lyon. Nó đã nằm trong dòng nhạc trữ tình miền Nam (mà bây giờ mấy anh Việt Cộng hát ké) mấy mươi năm rồi. Đừng lầm với nhà ga ở tỉnh Lyon mà hai ông bạn tôi trú ngụ. Ít nhất là ba tiếng nữa mới tới Paris. Tôi có quyền thiếp đi một chút vì cả đêm quá lo lắng quá không ngủ được.

Chợp mắt được mười lăm phút tôi tỉnh dậy ngay. Đi du lịch thì phải nhìn, phải thưởng thức chứ không thì thật là phí phạm tiền bạc với thời gian, tôi tự nhủ lòng như vậy nên ráng thức dậy để nhìn ngắm hai bên đường.

Xe lửa chạy êm ái quá. Tôi nhớ khi còn ở ga Annemasse một người thanh niên Pháp khi biết tôi đi xe lửa lần đầu bảo rằng ông ngồi trên xe sẽ có cảm giác như ngồi trên phi cơ phản lực quả không sai. Tôi chăm chú nhìn sang hai bên đường thấy quang cảnh thật sạch sẽ và gọn gàng như trong những bức tranh. Xe đi xuyên qua những rừng cây thấp rồi chạy song song theo một con sông nhỏ.

Nước ở đây xanh lơ, xanh hệt như màu mắt cô con gái Pháp. Màu xanh của nước, màu xanh của cỏ cây, màu vàng đất của đồng lúa đã gặt xong điểm lơ thơ những căn nhà bên rừng lá hay dưới sườn đồi thật đúng là một cảnh đồng quê mà tôi hằng mơ ước.

Tâm hồn tôi như hòa vào cảnh vật nên thời gian đi nhanh. Xe tiến vào ngoại thành Paris và không còn bao lâu nữa sẽ dừng lại ga Lyon, tôi sẽ không sợ lạc vì đó là ga cuối. Tôi lấy phone ra để gọi người đón mình nhưng cũng như khi ở Annemasse, một tràng tiếng Pháp đã xổ ra khi tôi chưa kịp nói gì. Tôi buồn rầu tắt phone đi và hỏi thăm người thanh niên ngồi bên cạnh đường đến khách sạn nằm trong quận 13 là quận có đông cơ sở thương mại của người Việt Nam.

Tôi lo lắng khi anh chàng này cứ ngớ ra khi tôi nói tiếng Anh. Hay tại giọng nói của mình hay quá nên anh ta không hiểu. Tôi cố gắng nói một lần nữa, bắt chước giọng Mỹ mà anh ta cứ lắc đầu quầy quậy. Thôi chết rồi. Hỏi thăm ai bây giờ.

Đang bối rối nhìn quanh, chẳng kịp lấy hành lý thì một người thanh niên khác, ăn mặc khá lịch sự đến gần bên tôi và hỏi bằng tiếng Anh.

-Ông cần tôi giúp gì không?

Tôi mừng quá gật đầu mấy lần, miệng nói please liên tục. Rồi tôi đưa địa chỉ cho anh ta. Xem xong người thanh niên gật đầu làm cho tôi yên tâm hơn.

Trước hết anh bảo tôi đi theo anh ta xuống xe và cẩn thận với chiếc ví của mình vì rất dễ bị móc túi ở một chỗ đông người. Tôi đeo chiếc backpack có laptop trên vai rồi kéo theo va li đựng quần áo, sờ lại túi quần rồi bước xuống. Trời ơi tôi không thể tưởng được ga Lyon đông người đến cỡ này. Người ta phải chen sát vai nhau mà bước. Cũng may là anh thanh niên Pháp nhanh nhẹn đi lên phiá trước rồi đứng lại chờ tôi. Chúng tôi đi xuống hai tầng lầu thì đến cửa ga đối diện con đường có đầy xe bus, Anh ta bảo tôi.

-Ở đây là bến xe bus. Tôi có thể chỉ ông đi xe bus để ngắm cảnh Paris nhưng dễ bị lạc lắm, vì phải đổi xe. Tốt hơn hết ông nên đi subway, dễ dàng hơn.

Tôi chỉ biết gật đầu đồng ý. Hai người lại xuống một tầng hầm nữa, đây là trạm subway của ga Lyon. Người thanh niên dẫn tôi đến một bản đồ lớn chằng chịt những đường xe với màu sắc khác nhau rồi chỉ lên bản đồ bảo tôi.

-Chúng ta đang ở đây, nơi ông đến là chỗ này. Trước hết ông phải lấy xe số 14 theo chiều hướng về Olympiates. Tới trạm đầu tiên là Bercy ông xuống, đổi qua xe số 6 hướng về Charles De Gaulle E toile và xuống ở Place D Italie. Đây là ngã năm, từ đó ông sẽ kiếm ra đường Choisy. Khách sạn Le Barron ở đó.

Ở Dallas chưa có Subway, nhưng tôi có lên New York mấy lần và thường dùng subway di chuyển nên không bỡ ngỡ lắm. Vả lại người thanh niên này chỉ quá rõ ràng. Anh ta còn tặng tôi một vé xe để tôi khỏi phải xếp hàng mua ở quầy. Tôi cố gắng trả lại tiền nhưng anh nhất định không nhận nên tôi đành chỉ biết cảm ơn.

Mười lăm phút sau bước ra khỏi đường hầm đặt chân lên Place D Italie, tôi đã nhìn ra đường Choisy và thong thả ngồi xuống một chiếc ghế ven bùng binh (Round point) và lấy thuốc lá ra tự thưởng cho mình một điếu. Bây giờ tôi mới bình tâm để sung sướng nghĩ rằng mình đang đứng trong lòng Paris, thủ đô của ánh sáng, của những mối tình lãng mạng vào bậc nhất trên đời mà suốt một thời đi học tôi từng mơ ước được đặt chân đến nơi này.

Hoàng hôn đang xuống nhưng trời chưa tối hẳn. Tôi đi dưới tàn cây hai bên đường, lẫn vào những khách bộ hành, tự nhiên như một Parisien, nhưng phải khá lâu mới tìm thấy khách sạn Le Barron. Sau này khi đã quen đường tôi mới nghiệm ra rằng nếu mình xuống Place de Choisy thì không phải đi bộ xa như thế.

Đến nơi, người bạn mừng quá và trách rằng tôi không mở phone để người ta phải lo lắng, tưởng đâu tôi đã lạc rồi. Khi biết rằng tôi một thân một mình dẫn xác tới đây người bạn càng không tin hơn nữa. Xách vali lên tôi được biết mình ở chung phòng với một ông nhà văn có bút hiệu, nói theo kiểu bây giờ là khá ấn tượng là Duy An Đông, tác giả cuốn tiểu thuyết Đời cô Thủy. Chẳng biết cô Thủy có chị em gì với Đời cô Lựu mà cô đào thoại kịch Kim Cuơng thường diễn. Ông này là nhà văn từ Mỹ qua chính thức tham dự đại hội Thu tao ngộ, nhằm giới thiệu các văn thi sĩ Việt nam ở Hoa Kỳ và ra mắt độc giả Paris một cuốn sách có tựa đề: Món ăn theo bước chân di tản, do các văn nghệ sĩ này viết chung.

Sau khi tắm rửa xong tôi xuống đường ra phố. Đêm xuống ở quận 13 thành phố Paris nồng nàn quá. Tôi hân hạnh được gặp một lô các nhà văn, thơ nữ từ Hoa kỳ sang như các chị Ngọc Dung ở VA, Mặc Giao, Ngọc An ở CA. Lưu Hồng Phúc ở Dallas, Chu kim Oanh ở Ar và một lô các nàng Thu như Phong Thu ở VA, Tiểu Thu ở Canada và Mây Thu ở Paris. Phía đàn ông chỉ có tôi, nhà văn Duy an Đông và anh Đoàn phú Lập, phu quân của nhà báo Chu kim Oanh. Người hướng dẫn đêm nay là Thi Như, cựu tiếp viên hàng không Việt Nam đã ở Paris ba mươi lăm năm rồi.

Trời đêm se lạnh, hương đêm ngọt ngào như mật ong. Chúng tôi mười mấy người vừa bước đi vừa cười nói vui đùa.

Đặc điểm ở Paris là có những nhà vệ sinh bên lề đường, Người nào muốn đi phải bỏ tiền vào máy cửa mới mở ra. Nhưng cũng có đôi cái máy bị hỏng, bỏ tiền vào mất luôn mà việc cần giải quyết vẫn còn nguyên trong bụng. Chúng tôi giăng hàng ngang chụp hình làm cho mấy người du khách khác thấy lạ. Họ tưởng chúng tôi không biết đó là restroom. Vào trong những quán nhỏ mua hàng, các chị vừa trả giá vừa chọc ghẹo chủ quán. Quả đúng là mấy bà hiệp lực lại chẳng sợ một ai. Tôi lấy máy hình ra chụp mái tóc đuôi gà của Thi Như. Chụp lén thôi, không ngờ mấy chị khác la lên. Tôi tái mặt tưởng đâu phen này là chết chắc, nhưng Thy Như đã không giận mà còn nghiêng mình làm duyên cho chụp thêm một tấm nữa.

Chúng tôi đi qua các dãy phố đêm rộn ràng đầy người qua lại. Các quán bên đường dường như mới bắt đầu sinh hoạt. Người ta ngồi lan ra khắp các con đường hẻm. Tôi không biết đây là khu nào. Nhà cửa san sát, những con đường chật hẹp lót bằng gạch đá càng đi càng lên cao. Tuy thế cả khu phố đêm bừng bừng sức sống.

Đến một quán nhạc người ta hát hò, bắc ghế ngồi chật cả góc đường. Một người nghệ sĩ cầm Tây ban Cầm hát một bản tình ca bằng tiếng Pháp. Tôi đoán là tình ca vì nghe êm dịu và tha thiết chứ có hiểu gì đâu. Gặp đoàn chúng tôi người nghệ sĩ đưa tay chào đón. Thi Như nói nhỏ với anh ta vài lời. Anh ta im lặng dạo lại tiếng đàn rồi bắt đầu hát bản Việt Nam, Việt Nam của Phạm Duy. Chúng tôi cùng vỗ tay và vui vẻ hát theo. Những người trong quán cũng vỗ tay. Không khí sống đông hẳn lên. Mấy chị ôm nhau cùng nhảy. Ô. tôi không ngờ ban đêm Paris vui nhộn đến thế này.

Hát xong ai có tiền thì cho người Nghệ Sĩ vì anh ta hát để kiếm sống hàng ngày. Chúng tôi cứ nối tiếp di chuyển từ gian hàng này đến gian hàng khác. Múa hát, rượu bia và thuốc lá không thể thiếu trong những quán ven đường phố nhỏ Paris.

Đến gần nửa đêm thì đi đã quá xa. Chị Thi Như đưa ra ý kiến nên về lại khách sạn bằng xe bus. Ở Paris ai cũng có thẻ đi xe hàng tháng. Riêng chúng tôi không có nên phải mua vé. May mắn vì Thi Như lên trước, nói gì đó với người tài xế thế là anh ta gật đầu bằng lòng cho cả bọn lên, khỏi cà thẻ, khỏi mua vé, đỡ phải tốn tiền.

Sáng hôm sau dù rất muốn ngủ, chúng tôi cũng phải thức dậy sớm vì huớng dẫn viên đã có mặt ở văn phòng khách sạn, sẵn sàng đưa chúng tôi đi thăm những thắng cảnh nổi tiếng của Paris.

******

Paris, thủ đô nằm ở phiá bắc của nước Pháp, được xây dựng hai bên bờ sông Seine, ngay hợp lưu của sông Seine và sông Mame. Mật độ dân số vào hàng cao nhất trong các thủ đô của châu Âu. Từ thế kỷ thứ 10 Paris đã là một trong những thành phố chính của Pháp với các cung điện hoàng gia, các tu viện và nhà thờ. Đây cũng là nơi diễn ra cuộc cách mạng nổi tiếng 1789 của Pháp cùng các sự kiện lịch sử quan trọng của châu Âu. Paris cũng là một trong những trung tâm văn hóa lớn của thế giới, thủ đô của nghệ thuật và giải trí cho mọi người

Ngừơi Việt ở Paris khoảng độ 300.000. Không có khu phố Việt Nam như ở Mỹ nhưng có rất nhiều tiệm ăn Việt Nam ở khu phố Tàu thuộc quận 13. Có một giáo xứ công giáo ở quận 17 và vài ngôi chùa ở ngoại ô như chùa Khánh Anh và Trúc Lâm Thiền viện.

Paris có quá nhiều nơi để chúng ta tìm đến nhưng vì giới hạn bởi thời gian chúng tôi chỉ được hướng dẫn đến một số nơi nổi tiếng. Người hướng dẫn nhóm chúng tôi hôm nay là giáo sư Nguyễn ngọc Chân và nơi chúng tôi đến đầu tiên là Khải Hoàn môn nằm trên đại lộ danh tiếng nhất thế giới: Champ Élysées.

Khải Hoàn Môn là một trong những biểu tượng lịch sử nổi tiếng của nước Pháp nằm trên điểm cuối cùng trên đại lộ Champ Élysées. Kích thước gần như hình vuông với chiều rộng 45 mét và chiều cao 50 mét nằm trên quãng trường có đường kính 240 mét là công trình điêu khắc lớn nhất của Pháp trong thế kỷ 19. Đây là khu vực tập trung đông đảo khách du lich nhất vì đến Paris không thể không đi dọc theo đại lộ Champs Élysées. Khải Hoàn Môn được hoàng đế Napoléon xây vào năm 1806 sau chiến thắng Austerlitz để vinh danh chiến thắng của quân đội, do kiến trúc sư Jean-Francois-Thérèse thiết kế, nhưng chỉ được hoàn thành vào năm 1836. Ngày nay có bảy con đường họp lại thành quãng trường Étoile.

Chúng tôi mua vé để đi subway. Khoảng 13 Euro cho 10 vé tàu. Cứ mỗi lần xuống và lên khỏi mặt đất là tốn hết một vé. Hướng dẫn viên khỏi lo chuyện này vì ông có vé đi lại cả năm trên bất cứ tuyến đường nào.

Chui ra khỏi đường hầm lên đại lô Champs Élysées. chúng tôi đã thấy một khối lượng lớn du khách qua lại.

Giáo sư Chân giảng giải cho chúng tôi nghe về lịch sử Khải Hoàn Môn. Nghe thì nhiều song nhớ lại chẳng bao nhiêu vì tôi cứ chú ý đến muôn người qua lại, sinh hoạt nhộn nhịp bên lề đại lộ. Nếu bạn có nhiều tiền bạn có thể mua vé để leo lên hành lang cao tít trên Khải Hoàn Môn mà nhìn quanh một vùng Paris rộng lớn. Chúng tôi không có nhiều tiền và cũng không có thì giờ để sắp hàng nên chỉ đứng xa nhìn ngắm cái vĩ đại của người xưa rồi cùng nhau đi dọc theo đai lộ Champs Élysées.

Một cô gái nhỏ chừng mười lăm, muời sáu rất xinh, ăn mặc theo kiểu Hồi giáo chận tôi lại và hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Tôi vui vẻ gật đầu thì cô liền đưa cho tôi một tấm giấy bià dầy viết đại khái rằng mẹ cô đang nằm bệnh viện và gia đình cô không có tiền ăn, xin được giúp đỡ. Tôi không ngần ngại móc ra hai Euro đưa cho cô bé. Sau tiếng cảm ơn ngắn ngủi cô lẫn vào đám đông mất hút. Giáo sư Chân đến bảo tôi là từ nay đừng cho như thế vì sau đó sẽ có nhiều người đến làm phiền mình. Quả nhiên, một lúc sau một đám người toàn là bà già và con nít đến bao quanh tôi và ông Chân. Chúng tôi phải nhắm mắt lại bước đi sau nhiều lần nói không liên tục. Ra khỏi đám đông giáo sư Chân nói thêm là những người ăn mày Hồi giáo được một tổ chức xã hội đen đưa từ các nước Hồi giáo nghèo đói tới đây huấn luyện cho họ ăn xin, được bao nhiêu cũng phải nạp cho tổ chức và họ chỉ phát lương đủ sống hàng ngày. Tôi bắt đầu chú ý thấy suốt dọc con đường những người xin ăn với nhiều kiểu cách trình bày khác nhau đầy dẫy trên con phố.

Đại lộ Champs Élysées là đại lộ lớn và nổi tiếng của Paris, nối liền hai quảng trường Concorde và Étoile, nơi quần tụ tất cả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới với nhiều cửa hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim. Hãng xưởng nào, công ty nào cũng có muốn có một mảnh đất cắm dùi ở đây để cho thế giới biết tên nên giá đất đai và sinh hoạt ở đây khỏi phải nói về khoản đắt đỏ. Hai bên đại lộ trồng cây xanh được lát bằng gạch vuông nhỏ, cứ đi một quãng lại có ghế để cho du khách ngồi nghỉ chân. Đây là nơi các người làm ăn lợi dụng để kiếm tiền. Có một người mặc quần áo Ai Cập xa xưa thời các Pharaon cai trị ngồi sẵn. Ai muốn chụp ảnh cũng được, nhưng nhớ rằng sau khi chụp xong phải bỏ tiền vào chiếc thau gần đó. Không thiếu những nghệ sĩ vỉa hè đờn ca hát xướng giúp vui nhưng cũng đừng quên những chiếc thau chờ tiền đặt ngay cạnh đó.

Chúng tôi đi qua những gian hàng lừng danh, những toà nhà cổ kính mà tôi không còn nhớ là nhà hát hay toà quốc hội Pháp và hướng đến công trường Concorde.

Quảng trường Concorde là nơi nổi tiếng nhất của Paris, nằm ở đầu phía đông đại lộ Champs Élysées, ngay bên bờ sông Seine. được khởi công xây dựng năm 1748 đặt một bức tượng của vua Louis 14 cưỡi ngựa, để chào mừng nhà vua hồi phục sau cơn bạo bệnh. Đầu tiên quảng trường được gọi là Quảng trường Louis 14. Quảng trường có hình bát giác.

Nơi đây đã xẩy ra biết bao nhiêu chuyện bi thảm. Đầu tiên là 133 người chết ngạt do cuộc bắn pháo bông mừng đám cưới hoàng tử Louis 16 và công chúa Marie Antoinette. Khi cuộc cách mạng 1789 bùng nổ, máy chém đã được đặt tại nơi đây và đôi tình nhân vương giả này đã chấm đứt cuộc đời trên máy chém. Đây là địa điểm đẫm máu nhất trong lich sử cách mạng Pháp. Có tất cả 1119 người bị xử tử tại nơi đây trong cuộc cách mạng. Khi ấy tượng vua Louis 14 bị kéo xuống và người ta lại đặt tên là Quảng trường Cách mạng. Năm 1826 khi vương quyền trở lại trên chính trường, quảng trường lại đổi tên thành Quảng trường Louis 16, cuối cùng năm 1830 lại một lần nữa đổi tên thành quảng trường Concorde cho đến ngày nay.

Nhìn từ xa tôi thấy một cột đá giống như cây tháp bút ở Washington DC nhưng nhỏ hơn. Giáo sư Chân bảo rằng cây tháp đó là nguyên một cột đá chứ không phải là ngọn tháp được lắp ghép bằng nhiều tảng đá chồng chất lên nhau.

Cột đá đó có tên là Obélisque là một trong hai chiếc cột đá của đền Luxor Ai Cập mà phó vương Mahammad Ali tặng cho dân Pháp năm 1831. Cột có 3300 năm tuổi, chiều cao 22.86 mét nặng 227 tấn được tạc nguyên từ khối đá syenite hồng. Bốn mặt tháp được tạc những hình tượng thể hiện sự vinh quang của Pharaon Ramesses Ai Cập. Cột được đặt trên một bệ đài cao 9 mét và chóp mạ vàng trên đỉnh có chiều cao 3.5 mét.

Chúng tôi tới gần cột đá để chứng kiến tận mắt một vùng đất trải qua bao nhiêu bi hùng trong lich sử Pháp. Có hai đài phun nước tại quảng trường. Đài phiá bắc mang tên: Đài phun nước của các giòng sông tượng trưng cho hai con sông lớn Rhin và Rhône. (La fontaine des fleuves). Đài thứ hai nằm ở phía nam mang tên: Đài phun nước của các đại dương (La fontaine des Mers) tượng trưng cho biển Địa Trung Hải và Đại Tây dương.

Cả đoàn người thi nhau chụp ảnh, tôi muốn nhân đây ghi lại hình ảnh của mình trên một vùng đất có lắm oan khiên. Chiều dần xuống. Gió vi vu thổi, lạnh lùng đâu đây như tiếng của những oan hồn xưa cũ. Bao nhiêu triều đại hưng phế qua rồi. Từ Vương triều xa hoa lộng lẫy đến Cách Mạng sắt máu bạo tàn để đến hôm nay nền Cộng Hòa mang lại cho người dân Pháp tự do dân chủ. Tôi nhớ đến quê hương Việt Nam xưa cũng có nền Cộng Hòa non trẻ, chưa lớn đã bị người ta bóp nghẹt để con dân trong cuộc sống lưu vong, lang thang khắp năm châu bốn biển. Đi và nghĩ chỉ thấy những nỗi buồn.

Quảng trường Concorde là địa điểm mọi người dừng chân lâu nhất. Ai cũng muốn thu lại hình ảnh mảnh đất mà một thời xưa khi còn đi học đã mường tượng ra biết bao nhiêu biến cố. Tôi nhìn quanh. Nơi nào ngày xưa người ta đã lê máy chém? Nơi nào nàng công chúa yêu kiều Marie Antoinette gục xuống để chịu khổ hình? Thời gian đã xóa đi tất cả để hôm nay quãng trường Concorde là niềm tự hòa của người dân Pháp. Họ đã cho chúng ta một bài học: Hoa tự do phải tưới bằng máu mới trường tồn.

Rời Concorde, chúng tôi lại tiếp tục đi đến một nhà thờ cũ xây từ thế kỷ 14 có tên là Saint Germain des Pres. Vào trong nhà thờ nhìn những bức tranh đã trải qua hằng bao thế kỷ nhưng màu sắc vẫn còn tươi rói như mới vẽ hôm qua mới thầm phục cái bí quyết gìn giữ màu sắc của người xưa.

Đi bộ như thế, đến giờ này ai cũng đói lắm rồi. Chúng tôi mời giáo sư Chân và chị Mây Thu vào một quán ăn. Cả bọn đồng ý với nhau là trả tiền theo lối Mỹ, nghiã là chia đều cho tất cả trừ hai hướng dẫn viên.

Lần đầu tiên tôi bước vào một quán ăn sang trọng ở trên một đại lộ danh tiếng của Paris. Giáo sư Chân và chị Mây Thu hướng dẫn chúng tôi gọi thực đơn bằng tiếng Pháp nhưng điều này xem ra hơi thừa. Du khách vào quán ăn nào cứ việc nói tiếng Anh vì tất cả nhân viên trong nhà hàng đều biết.

Bữa ăn ở Pháp thật cầu kỳ. Người ta dọn ra rượu khai vị để thực khách uống cho mau đói rồi mới dọn thực đơn sau. Muỗng niã lỉnh kỉnh mà đồ ăn thì khiêm nhường vì chúng tôi sợ tốn tiền không dám kêu nhiều thứ. Ăn uống xong, tính ra chia đều, mọi người đều phải trả 55 Euro, tương đương với khoảng chừng tám mươi đô la Mỹ .

Rời quảng trường Concorde, chúng tôi đi băng ngang qua đường Voie Georges Pompidou là đã thấy sông Seine. Cầu bắc qua sông ở đoạn này mang tên Pont de la Concorde. Tôi bước mau qua bên kia đường đứng tựa vào thành cầu để nhìn xuống giòng sông.

Sông Seine lừng danh của Paris đã đi vào văn học của miền Nam nước Việt xưa với những giòng thơ lời nhạc bất hủ của Nguyên Sa , Phạm trọng Cầu mà thanh niên thời ấy mấy ai là không biết.

Paris có gì lạ không em.

Mai anh về giữa bến sông Seine.

(thơ Nguyên Sa)

Cả đoàn người dừng lại để thi nhau chụp ảnh. Tôi cũng cố bon chen nhờ Lưu hồng Phúc chụp giùm cho một tấm. Thật vậy, bao nhiêu năm rồi, thời còn đi học tôi vẫn thường ao ước dược nhìn thấy sông Seine một lần nhưng vì nhà nghèo và học dốt nên tôi biết đó chỉ là ước mơ. Ba bốn mươi năm cuộc đời dâu bể để đến hôm nay giấc mơ xưa đã thành sự thực.

Nước sông, dù nằm trong thành phố, chứa bao nhiêu chất thải vẫn còn trong xanh lắm. Những con tàu chở hàng ngược xuôi. Những du thuyền chở khách du lịch lại qua rộn rã. Hai bên bờ sông cây lá và màu sắc thật tươi đẹp quá, ngay nơi đây, trong tầm mắt, tôi thấy chỗ nào cũng gọn gàng xinh xắn.

Tôi nghĩ rằng sông Seine đã cho Paris những nét đẹp và những phong cảnh trữ tình để cô con gái Pháp thêm duyên dáng và tâm hồn thêm lãng mãn với tình yêu.

Sông Seine của nước Pháp dài chừng 776 Km, thượng nguồn ở Saint Germent cao nguyên Langres thuộc Cote d’ Or và đổ ra biển ở vùng Le Havre. Chảy qua Paris sông để lại cho thành phố nhiều cù lao xinh đẹp và chính tại một trong những cù lao này nhà thờ nổi tiếng của nước Pháp: Cathrédrale Notre Dame được dựng nên. Có ba mươi bảy cây cầu được bắc qua sông Seine trong thành phố Paris. Hôm nay trời mát dịu nên người đi ngược xuôi như trẩy hội. Các bến trạm khắp hai bên bờ sông để phục vụ du khách đi vào lòng sông Seine để nhìn thấy một Paris yêu kiều quyến rũ, để nhìn thấy tháp Eiffel hùng vĩ và nhà thờ Notre Dame cổ kính hơn lên. Bạn chỉ cần có tiền thôi. Nào mời bạn lên tàu. Giá cũng chẳng đắt là bao.

Nhưng tiếc thay, sông Seine không phải là điểm chính để chúng tôi thăm viếng thành thử chỉ khỏang hai mươi phút sau chúng tôi được hướng dẫn tới một trạm metro ở ven đường để đi đến nhà thờ Notre Dame, Paris mà thời còn đi học ít ai mà không nghe nói về nhà thờ này với thiên trường thiên tiểu thuyết lừng danh của Victor Hugor: Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà.

Sau này khi coi lại bản đồ , tôi mới biết rằng cứ đi con đường Georges Pompidou theo bờ sông về hướng đông nam, thì cũng tới nhà thờ. Đi như thế chúng tôi có nhiều thời gian để nhìn ngắm giòng sông. Nhưng bây giờ đi chung cả toán nên chúng tôi chỉ biết theo sự chỉ dẫn của hướng dẫn viên. Nhưng tôi cũng chụp vội được một tấm hình có tháp Eifeel nhìn từ xa.

Từ trạm xe subway trồi lên mặt đất chúng tôi lại thấy sông Seine và cầu Pont de Notre Dame. Các bà lại thi nhau chụp ảnh. Chúng tôi đã bước vào khỏang sân rộng mênh mông lát đá trước nhà thờ. Chị Chu kim Oanh mau mắn ngồi xuống nghỉ mệt trên một ghế đá, đưa tay vẫy ông chồng đang lê bước đằng xa. Anh Lâp mấy hôm nay sưng chân nên tôi thường đi chậm lại để nói chuyện với anh. Khi cả hai tới nơi chị Oanh đưa đùi ra bảo anh Lập ngồi xuống đùi mình. Chị Oanh thường hay đùa vui như thế. Khi thấy anh Lập quay đi chị nạt anh : Có ngồi xuống hay để tôi cho người khác ngồi bây giờ. Cả bọn thi nhau cười, tôi bảo anh Lập: Anh không ngồi thì nhường cho tôi nhé .

Chúng tôi tình cờ quen nhau trong chuyến đi chung, nhưng tính anh chị Chu kim Oanh , Đoàn phú Lập rất cởi mở vui nhộn nên dễ dàng thân nhau ngay. Sau này nói chuyện ra mới biết tôi và chị Oanh cùng học chung một trường, một thày ở Đà Nẵng mấy mươi năm trước.

Khi qua khỏi cây cầu tôi đã cố ý nhìn quanh tìm kiếm một đỉnh cao vút với lầu chuông và thánh giá nhưng chẳng thấy, dù rằng giáo sư Chân chỉ về hướng phiá trước nói rằng nhà thờ Đức Bà kia kìa. Mãi cho đến khi tới gần khoảng sân rộng mênh mông, lát bằng đá, tôi mới biết ngôi nhà thờ với hai ngọn tháp song song cao vượt lên không.

Thú thực tôi hơi thất vọng vì trong trí tưởng của tôi nhà thờ Đức Bà có thằng Gù đi vào văn học sử của thế giới chắc phải uy nghi cao lớn lắm. Tôi không dám nói hai ngọn tháp kia không đủ cao. Nhưng chính vì chúng đứng song song, mà trên mái lại vuông vức chứ không nhọn, làm tôi cảm thấy như thiếu hẳn một cái gì như maí nhọn và thánh giá như những nhà thờ khác. Thực sự trong lần thấy đầu tiên này tôi có cảm tưởng đây là một lâu đài cổ kính hơn là nhà thờ nổi tiếng. Tôi, tuy không khỏi thán phục khỏang sân trước nhà thờ lát đá rộng mênh mông nói lên cái to lớn vĩ đại của nhà thờ nhưng vẫn ấm ức, tiếc rẻ vì thấy nhà thờ sao không cao giống như trong trí tưởng tượng của tôi, nghiã là phải có mái nhọn như ngọn tháp cao vút lên không với cây thánh giá để lan toả sự nhiệm màu vào cả không gian.

Tuy nghĩ thế tôi vẫn phải công nhận rằng đây là một ngôi nhà thờ to lớn. Một kiến trúc độc đáo mà tôi chưa từng gặp từ khi đặt chân đến trời Âu. Chúng tôi cùng nhau sắp hàng lần lượt đi vào trong nhà thờ, để chiêm ngưỡng một công trình vĩ đại của người xưa.

Gần hai ngàn năm truớc, thánh Danis truyền bá Ki-tô giáo vào đất Pháp, khỏang năm 250 AD. Trên cù lao Ilde la Cité từng đã có nhà thờ Saint Etienne. Đến thế kỷ 12 Paris trở thành thành phố quan trọng của Ki- tô gíao. Thành phố phát triển mạnh về dân số và kinh tế. Trên bến sông Seine, người dân lao động và thương thuyền vào ra tấp nập.

Năm 1960 Tổng giám mục Maurice de Sully đắc cử và quyết định xây dựng một nhà thờ mới trên quảng trường Saint Etienne, thay thế nhà thờ Saint Etienne cũ bị phá bỏ. Đó là Nhà thờ Notre Dame de Paris ngày nay.

Notre Dame de Paris là nhà thờ chính tòa Công giáo của tổng giáo phận Paris, xây cất theo phong cách kiến trúc Gothic, được đức Giáo hoàng Alessandro và vua Louis VII đặt viên đá đầu tiên năm 1163 và chính thức xong năm 1350. Người ta không rõ t ên kiến trúc sư đầu tiên. Nhưng từ thế kỷ 13, 14 từng phần của công trình vĩ đại này được vẽ bởi các kiến trúc sư Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Piere the Chelles.

Gần hai thế kỷ để xây dựng đủ nói lên sự vỹ đại của ngôi nhà thờ, đủ cho nhà văn Victor Hugor có nhiều cảm hứng để viết nên tác phẩm Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, mà những nhân vật chính với những số phận bi thảm, sống và chết gắn liền với ngôi nhà thờ uy nghi này đây.

Bước vào bên trong, tôi như lạc vào một thế giới trầm lắng và huyền diệu khác hẳn với những sôi động , ồn ào của bên ngoài. Những tác phẩm tuyệt vời được khắc hoa trên vách đá, trên những trần cao của mái nhà thờ. Với khoảng rộng và cao vút như vượt khỏi tầm mắt, tôi tự hỏi người xưa làm sao để vẽ được những bức hoa sống động về tôn giáo mà màu sắc còn nguyên vẹn tươi rói kéo dài đã cả ngàn năm. Dù biết rằng tác phẩm Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà chỉ là một hư cấu tài tình của văn hào Victor Hugor sao tôi vẫn cứ nghĩ rằng đây là một câu chuyện thực góp phần vào sự nổi tiếng của ngôi nhà thờ. Tới bên tháp, tôi liên tưởng đến thằng gù Quasimodo với công việc kéo chuông hằng ngày, để âm thanh ngân dài vào không gian trong những buổi cử hành thánh lễ. Trong đầu óc hoang dại có bao giờ con người tật nguyền ấy biết được những âm mưu thâm độc của một vị giám mục Claude Frollo đầy quyền uy và kiến thức.

Quasimodo với đời sống hoang vu như thú vật, chỉ biết tin vào Cha, vào Chúa mà trái tim cũng đã rung động những nhịp đập lọan cuồng trước sự nhân ái của cô bé Esméralda. Tôi đi quanh với ý nghĩ tìm một nơi nào có thể cho Quasimodo dấu cô bé Esméralda để che mắt ngài giám mục bị quỷ ám Claude Frollo và luật pháp. Chính niềm khoan dung và nhân ái của Esméralda đã đánh thức trái tim hoang vu của Quasimodo trở lại kiếp người bằng một tình yêu mà sự kết thúc đầy đớn đau và bi thảm. Chuyện xưa đọc đã mấy mươi năm, trong khung cảnh trầm buồn này tôi dần nhớ lại để ngạc nhiên thấy rằng ở tuổi về chiều này tôi đã nhận ra tình yêu có thực, nhưng bất hạnh thay người mà tôi muốn hiến dâng cả một tình yêu thực sự đã không còn ở trên đời.

Chúng tôi trở ra ngoài sân sau khi đi vòng quanh nhiều lần trong nhà thờ. Trong lúc chờ đợi những người bạn đồng hành tôi và Lưu Hồng Phúc đi về phía sân bên phải cho chim ăn. Chim bồ câu ở đây nhiều và bạo dạn quá chừng. Nếu bạn có thức ăn là chim bay đến, đậu trên đầu, trên vai để mổ thức ăn, rất dạn dĩ vì đã từng quen như thế.

Du khách đang cho chim bồ câu ăn ở phía góc trái của khỏang sân từ nhà thờ nhìn ra. Chờ mọi người đông đủ thì chiều đã đi vào tối. Bên dòng sông Seine vẫn còn vô số người qua kẻ lại. Cuộc sống về đêm như mới bắt đầu. Chúng tôi xuống hầm xe điện ngầm, đón xe về lại khách sạn. Nghỉ ngơi một lúc tôi mời Hồng Phúc tìm đến một quán ăn Việt Nam.

Quán Việt Nam ở quận 13 Paris lẫn lộn với mhững quán ăn Tàu và các nước Đông Nam Á khác. Tôi không thấy những khu vực thuần túy Việt Nam như ở Mỹ. Chủ nhân các quán ăn, chủ yếu là phở thường là những người gốc miền Bắc. Vì sự chật hẹp nên khó tìm thấy những nhà hàng Việt Nam lớn như ở Mỹ nhưng nói chung cũng khá sạch sẽ và tiếp đãi lịch sự . Dù gì cũng là dân Pháp mà. Một tô phở nhỏ bình thường gía 7.50 Euros. Nước uống cũng phải mua dù là nước lạnh. Một chai coca cola chỉ bằng nhỏ giá 3 Euros cộng thêm tiền cover charge 1.50 euros. Như thế nếu một người vào ăn một tô phở, uống nước ngọt sẽ phải trả cho nhà hàng khoảng 12 Euros. Thời giá trong lúc này tương đương với 17,50 Dollars. Như vậy có thể nói đắt gấp hai lần ở Mỹ.

Đi suốt một ngày và ăn uống thanh lịch hương hoa như thế nên tối đến ai cũng đói bụng. Mấy bà nhà thơ nhà văn nữ ở phòng bên gồm có Ngọc An, Mặc Giao, Hồng Phúc, Phong Thu, Chu Kim Oanh xuống phòng ăn dưới tầng cuối cùng nấu mỳ. Tôi và anh Duy An Đông được mời ăn ké. Ở đây khách sạn cũng bán đồ ăn cho lữ khách nên họ có đủ nước sôi, muỗng niã và microwave để nấu ăn. Có người ngồi bán hàng nhưng ta có thể nấu lấy đồ ăn đơn giản cho mình như mỳ gói. Cả bọn ngồi ăn, kể chuyện cho nhau nghe những gì tai nghe mắt thấy trong suốt ngày đầu tiên thăm viếng Paris. Tôi nhìn cô bán hàng ăn người Trung Hoa ngồi buồn rầu bên quầy , rồi bảo cả bọn là chắc cô ấy ghét tụi mình lắm vì mang đồ ăn tới nấu mà chẳng mua gì. Không ngờ cô ấy trả lời:

-Sao ông lại nói vậy, tôi có ghét ai đâu.

Chết rồi, cô này biết nói tiếng Việt Nam. Tôi ngượng quá chạy thẳng vào thang máy đi một nước vào phòng ngủ. Tới phòng tôi mới nhớ là chưa lau miệng và uống nước. Thật là một bài học thấm thía cho tôi về viêc phát ngôn thiếu cảnh giác và thận trọng. Thôi hãy ngủ say một giấc để đi tiếp vào sáng sớm mai. Ngày mai chúng tôi sẽ chọn những nơi sẽ đến, dĩ nhiên là những nơi đã từng ước ao một thuở ngày xưa.

*********

Sáng ngày kế tiếp chúng tôi thức dậy sớm, làm vệ sinh cá nhân thật mau để khi hướng dẫn viên tới khách sạn khỏi phải chờ như ngày hôm trước. Tính toán như thế, nhưng khi chúng tôi bước xuống đường thì giáo sư Chân và chị Mây Thu đã chờ sẵn tự bao giờ. Tuy vậy so với ngày hôm qua cũng là sớm lắm.

Mọi người đều đồng ý hôm nay đi thăm tháp Eiffel một biểu tượng của thành phố Paris. Ai cũng đồng ý rằng đến Paris mà không được chiêm ngưỡng tháp Eiffel thì mất hẳn đi một nửa niềm hứng thú.

Chuẩn bị kỹ nhưng khi chúng tôi tới khoảng sân rộng trước tháp thì trời đã quá trưa. Lý do đơn giản là hôm nay rất nhiều nhà thơ, nhà văn nữ cùng đi. Mỗi người đều có những lý do riêng để hướng dẫn viên phải chờ, mà hướng dẫn viên chờ thì dĩ mhiên cả đoàn phải dừng lại để chờ.

Tháp Eiffel được xây dựng đầu năm 1887 do hai kỹ sư Maurice Koechlin và Émile Nouguier của công ty Eiffel thiết kế để đón chào cuộc triển lãm của thế giới vào năm 1889. Tháp tọa lạc tại đại lộ Anatole France nhưng có rất nhiều con đường để tới. Trước khi bước xuống những bậc thang để xuống công viên Champ-de Mars, cạnh sông Seine là nơi dựng tháp Eifell chúng tôi phải đi qua một khoảng sân rộng, có lát đá vuông màu ngà. Hai hàng theo lối đi là những bức tượng mỹ nhân khỏa thân màu vàng, nằm gần sát bức tường của hai tòa nhà song song, chạy dài xuống bờ sân cỏ. Vì đi theo đoàn tôi không có thì giờ để đọc kỹ về những bức tượng đó, mà giáo sư Chân thì cũng không có gần đây để hỏi.

Tôi đi vào chân tháp thấy từ tầng thứ ba có một đoàn người đang tuột xuống bằng dây, chắc họ đang thực tập một môn thể thao nào đó. Những thao tác tuột dây giống hệt như ngày xưa chúng tôi được học nhảy tuột dây từ trực thăng trong khóa học Hành quân Biệt động Rừng Núi Sình lầy thời còn trai trẻ. Thuở ấy chúng tôi đi vào cuộc chiến, sống nay chết mai mà cứ vui như dự một cuộc phiêu lưu dài, chẳng biết sợ hãi là gì. Lý tưởng có, tuổi trẻ có, can đảm pha một chút liều lĩnh cũng có luôn, thế mà vẫn thua trận quả thật đau khổ cho những người lính ở thế hệ chúng tôi. Bất ngờ hôm nay nhìn cảnh mà chua chát cho số phận của mình.

Giáo sư Chân kể rằng trước đây người ta đã định phá bỏ tháp vì nhận thấy một khối sắt chẳng mang đến lợi ích gì ngoài việc phải bảo trì tốn kém vì ngày một xuống cấp nhưng chiến tranh đã cứu tháp vì người ta phải đặt đài vô tuyến để phát sóng tại đây. Đến nay thì Eiffel chính là biểu tượng của Paris, kinh đô của ánh sáng, một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất hoàn cầu với chiều cao 325 mét kể cả cột ăng ten. Hoàn thành vào năm 1889, Eiffel là công trình cao nhất thế giới hồi đó và giữ cương vị này trong 40 năm.

Tháp có bốn tầng, có hai nhà hàng ở tầng 2 và 3. Có thang máy để du khách lên các tầng hai ba và bốn để ngắm nhìn toàn cảnh Paris. Tầng 2 cao 57 mét, có diện tích 4200 m2. Có một hành lang bao quanh cho du khách ngắm Paris bắng kính viễn vọng. Tầng 3 cao 115 mét có diện tích 1650 m2. Ở tầng nầy được xem là lý tưởng nhất đễ nhìn cảnh vật xa tới 55 miles chung quanh. Tôi chỉ biết thế qua những lời ghi chú chứ không có thời giờ để sắp hàng leo lên các tầng cao vì phải đi theo đoàn người du lịch.

Đi vào sân cỏ xanh rì chúng tôi dừng lại chụp hình, Cả bọn đứng trước hàng rào quanh sân cỏ. Hôm nay chúng tôi đi chung một toán đông người, có ba bốn hướng dẫn viên, như thế cho mãi đến chiều mới ra khỏi vùng chung quanh tháp. Cứ người nọ chờ người kia, toán này đợi toán khác, mất hết nguyên một ngày chúng tôi chỉ đi thăm được tháp Eiffel, nhưng bù lại chúng tôi có rất nhiều chuyện vui cười, đùa cợt nhau thật là thoải mái.

Ban đêm, nhìn lên tháp người ta thấy cả một cây ánh sáng cao lên lưng trời. Chẳng thế mà người ta gọi Paris là kinh thành ánh sáng. Mấy trăm năm rồi vẫn còn đúng tới hôm nay.

Rút kinh nghiệm việc mất thời gian vì chờ đợi, tìm nhau nếu đi một toán đông người nên ngày hôm sau chúng tôi lại chia thành những nhóm nhỏ và hướng dẫn viên sẽ dẫn đến những nơi nào mà du khách yêu cầu. May mắn tôi lại được xếp trong toán có giáo sư Nguyễn ngọc Chân hướng dẫn.

Buổi sáng chúng tôi đến thăm một nhà thờ nổi tiếng khác của phía bắc thành phố Paris, đó là nhà thờ Thánh Tâm (Basilique du Sacré Coeur).

Từ quận 13 chúng tôi dùng xe điện ngầm đi lên quận 18, ra khỏi bến Anvers đã thấy một quang cảnh náo nhiệt khác thường. Tôi được biết phía bắc Paris thường là nơi cư ngụ của người Pháp gốc Bắc Phi nên dân số đông đúc và mang một sắc thái đặc biết hơn hẳn các khu khác. Tại sao? không có câu trả lời. Tôi chỉ đoán rằng tại vì lối sống của người Pháp gốc châu Phi bình dân hơn, trái tim họ cuồng nhiệt hơn và tôn giáo mà họ theo xa lạ, huyền bí và khó hiểu hơn chăng?

Chúng tôi chen chân qua con phố lúc nào cũng đông đúc và tiến dần lên những bực thang mỗi lúc một cao của ngọn đồi Montmartre. Người đâu mà nhiều quá. Du khách, người tứ xứ và người bản xứ trộn lẫn vào nhau như ở thành phố New York. Đủ mọi sắc dân, đủ mọi hạng người, đủ mọi màu da, đủ loại áo quần trộn chung vào những con phố dưới chân đồi Montmartre tạo thành một sắc thái riêng Paris hoa lệ. Chúng tôi đang ở quận 18 trong 20 quận của Paris. Tới đây tôi mới để ý và được giảng giải rằng ở Paris nguời ta thường hay cho thêm tên quận hạt vào các bảng chỉ tên đường.

Bước chân lên những bậc thang đầu tiên để lên ngôi nhà thờ uy nghi trên cao chúng tôi vẫn bị cái ồn ào náo nhiệt vây quanh. Nhà thờ trên đỉnh đồi và chúng tôi phải bước lên rất nhiều những bậc thang nếu không muốn mất tiền đi thang máy kéo lên. Rất nhiều thanh niên Ả Rập hay Phi châu chờ đợi để làm phiền du khách. Đang đi bạn có thể bị chận ngay lại. Nếu yếu bóng viá hay quá lịch sự bạn có thể bị cột vào tay một sợi dây màu rồi họ giảng giải cho bạn những phép nhiệm màu nào đó của tôn giáo họ và cuối cùng thì bạn phải xì tiền ra. Hoặc có thể bạn được dúi vào tay những món đồ lưu niệm rồi phải trả bằng giá cao như trên trời. Tôi được giáo sư Chân báo đông trước nên just say No cho tất cả mọi thứ , mọi câu hỏi và mọi yêu cầu. Vì thế không bao lâu chúng tôi bước lên tới đỉnh.

Phiá trước nhà thờ có một điểm để ta có thể nhìn thấy toàn cảnh Paris. Có cả kính viễn vọng để ta bỏ tiền vào nhìn được xa hơn. Bên cạnh đó là nơi cho các họa sĩ vẽ chân dung cho du khách và quán Ca phê.

Chúng tôi sắp hàng để bước vào bên trong nhà thờ. Cũng như khi bước vào nhà thờ Notre Dame, tôi bị sự cao lớn vĩ đại trong một không gian trầm lắng mà uy nghi với ánh sáng u huyền cuốn hút theo những bức tranh huyền hoặc trải dài trên trần cao với vợi. Nhà thờ Thánh Tâm được trang trí theo phong cách La mã Byzance. Tháp chuông uy nghi với quả chuông Savoyarde lớn nhất nước Pháp.

Nhà thờ được xây dựng vào năm 1875 để tưởng niệm các binh lính của Công xã Paris. Đồi Montmartre là địa điểm tôn giáo lâu đời. Bên cạnh nhà thờ Thánh Tâm có những tu viện, những nhà nguyện đã xây dựng lâu đời từ thế kỷ thứ 5. Đến nay nhà thờ Thánh Tâm là địa điểm thu hút đông đảo du khách hơn cả tháp Eiffel và viện bảo tàng Louvre

Tuy thế, chúng tôi chỉ có một buổi sáng để thưởng thức vẻ đẹp của nhà thờ, trầm mình vào không khí u huyền của tôn giáo bên trong và sự rộn rã với đời sống tưng bừng ở bên ngoài và phiá dứơi chân đồi.

Buổi trưa, chúng tôi trở ngược lại đại lộ Champs Élysés để bước vào một tiệm Mac Donald. Quán đông quá chúng tôi phải chờ lâu mới tới lượt dù có cả chục quầy bán hàng và phục vụ. Ở đây bạn có thể uống bia thay nước ngọt. Đối với người ở Mỹ thì thấy lạ chứ với dân Pháp thì rất bình thường. Dĩ nhiên là giáo sư Chân uống bia để ăn hamburger và French fries. Bọn tôi thì chịu thua chỉ kêu nước ngọt.

Ăn xong muốn có chỗ để xả cũng phải chờ. Khu của nam giới thì chờ ít chứ khu của các bà thì dài lê thê. Xong hết nhu cầu thì trời đã vào chiều.

Chúng tôi quyết định đi thăm vườn hoa Luxembourg. Chẳng là khi còn đi học tôi rất thích bài tập đọc một đoạn văn của Anatole France mà cụ Hà mai Anh đã dịch nói về một cậu bé thường hay đi học qua vườn hoa Luxembourg, cậu bé đó chính là Anatole France hai mươi lăm năm về trước. Mê văn tôi tò mò muốn xem vườn hoa để xem những bức tượng có lá vàng rơi đầy trên lối đi trong tâm tưởng của thuở học trò năm mươi năm trước có khác gì không với cảnh vật hôm nay.

Từ trạm metro chui lên mặt đất chúng tôi phải đi bộ khá xa vì giáo sư Chân lạc đường. Cuối cùng sau mấy lần hỏi thăm chúng tôi cũng tới được khu vườn mong đợi.

Luxembourg là khu vườn lớn nổi tiếng nằm trong quận 6 thành phố Paris với diện tích 23 mẫu tây. Được thành lập từ năm 1612 bởi một vị hoàng hậu đang nhiếp chính vương quyền nước Pháp. Bên trong khu vườn có cung điện Luxembourg mà ngày nay đã trở thành văn phòng thượng viện Pháp.

Chúng tôi bước vào bên trong khu vườn đẹp, cổ kính với rất nhiều con đường có những bức tượng cổ miêu tả những vị thần Hy lạp. Bây giờ là mùa thu, lá ngoài vườn rụng vàng trên vai những pho tượng và những con thú chỉ có trong thần thoại nên không khí đượm buồn.

Luxembourg là nơi đi dạo của người dân, nhất là nơi mà sinh viên Paris hẹn hò gặp gỡ, cũng là nơi du khách thường xuyên thăm viếng. Có đài phun nước, có phòng âm nhạc. Phiá trước lâu đài Luxembourg nay là văn phòng Thượng Viện là hồ nước hình bát giác, trẻ em thường thả những thuyền buồm nhỏ chạy theo chiều gió. Có bảo tàng viện, sân quần vợt và không gian dành cho trẻ em.

Cả toán chúng tôi ai cũng trầm ngâm không nói. Ai cũng muốn thưởng thức vẻ đẹp của vườn hoa Luxembourg bằng một không gian kỷ niệm riêng biệt của mình.

Lá vàng rơi nhiều quá. Tôi đi vào kỷ niệm trong tôi. Ô hay mùa thu đang chết. Nghĩ về một câu thơ để rồi lại nhớ về một người đã ra đi vĩnh viễn khỏi thế gian này:

Muà thu trần gian đang ở nơi đâu.

Hãy chỉ cho tôi về những mùa thu đã chết.

Hãy cho tôi sống lại những phút giây sinh ly tử biệt.

Của một tình yêu trân quý nhất trên đời.

Ngay bây giờ trong tôi nhớ lại ngày bé thơ xưa, ngày đau năm cũ và lòng buồn muốn khóc. Nhưng thôi, cố lên cuộc sống vẫn trôi qua.

Tôi và Hồng Phúc đi qua những hàng cây lá vàng, kể cho nhau nghe về những giấc mơ không bao giờ thành sự thực của cuộc đời.

Trời chiều xuống mau, chúng tôi sửa soạn trở về quán trọ. Ngày mai là ngày các nhà thơ, nhà văn tao ngộ. Tôi không phải là một thành viên trong đại hội nhưng có lẽ tôi cũng tham dự để chụp giùm bạn tôi những tấm hình. Sau đó thì đại hội bế mạc, mọi người đều ra về không còn ai hướng dẫn nữa. Muốn ở lại Paris tôi sẽ phải tự xoay sở một mình. Còn bao nhiêu địa điểm cần và muốn đến như cung điện Versailles, viện bảo tàng Louvre và các lâu đài và bao nhiêu thành phố khác. Tôi sẽ ở lại Paris để đi đến những nơi mà tôi hằng mong muốn, nhưng phải chọn cách nào để đạt được điều mong ước?

*********

Hôm nay là ngày gặp gỡ chính trong chương trình Thu Tao Ngộ của các văn, thi sĩ từ đất Mỹ cùng bà con Việt Nam ở Paris. Từ sáng sớm mọi người đã chuẩn bị cho mình những bộ áo quần đẹp nhất, hợp thời trang nhất vì ai cũng biết rằng Paris là kinh đô thời trang cuả thế giới.

Riêng tôi chẳng phải lo lắng gì chuyện này vì không phải là khách mời của ban tổ chức, cũng không phải là nhà thơ hay nhà văn, nghiã là không có cơ hội để bước lên sân khấu để mọi người chú ý đến mình. Đáng lẽ tôi đã đi lang thang dọc bờ sông Seine để được nhìn những sinh hoạt của người dân Paris bên giòng nước trong xanh, nhưng vì người bạn tôi yêu cầu chụp giùm cho vài tấm ảnh, nên tôi phải có mặt tại hội trường.

Hội trường nằm sâu ở tầng dưới cùng của một nhà thờ. Không rộng lắm và rất khó tìm nhưng người tham dự thì rất đông. Tôi chen chân vào đám đông nhưng chỉ chụp được một tấm hình người bạn tôi đang ngỏ lời với thính giả đang lắng nghe bên dưới.

Sau buổi chiều nay, chúng tôi chỉ còn lưu lại một đêm khách sạn, rồi ngày mai chia tay mỗi người một ngả. Mọi người sẽ tuỳ ý mà sắp xếp công việc của mình, hoặc là trở về hay nhân cơ hội này đi thêm những nơi nào mình muốn, dĩ nhiên là sẽ không còn ai hướng dẫn.

Ai nấy đều đã có chương trình riêng của họ. Vợ chồng chị Chu Kim Oanh dự tính đổi khách sạn về trung tâm Paris và sẽ cùng đi nhiều nơi. Các chị Phong Thu, Ngọc An cũng có những chương trình đặc biệt. Những vị khác như Hồng Phúc, Ngọc Dung đều đã có người quen tới đón khi chương trình chấm dứt chiều nay. Người ở chung một phòng với tôi, anh Duy An Đông sẽ có chuyến bay về Mỹ ngày mai. Bây giờ tôi phải suy nghĩ xem ở lại đây hay trở về Annemase, nếu muốn ở lại tôi phải giữ lại phòng ngủ trong đêm nay để ngày mai yên tâm đi thăm viện bảo tàng Louvres và vài nơi khác nữa.

Đang lúc phân vân chưa biết tính sao, tôi được Hồng Phúc mời cùng đi tới nhà anh chị Trần ngọc Cân ở ngoại thành Paris hiện đang tham dự buổi hội ngộ chiều nay. Gặp anh chị sau buổi lễ với vẻ ân cần và hiếu khách tôi đồng ý liền. Tuy nhiên vì muốn đi thăm viện bảo tàng Louvre trong ngày mai nên đêm hôm đó chúng tôi vẫn ở lại Paris. Hồng Phúc gửi hành lý nặng nề đi trước. Hai đứa chỉ để lại những vật dụng cần thiết và laptop trong túi xách trên vai. Anh chị Cân hứa sẽ lên đón vào tôi ngày hôm sau, ngay tại chợ Việt nam ở quận 13 gần đó.

Đêm tại khách sạn tôi cố gắng tìm đọc trong Google những điều cần biết về viện bảo tàng Louvre cũng như xem lại bản đồ tàu điện ngầm mà tôi đã xin được ở các trạm những ngày trước đây. Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy sớm, chia tay giã biệt bạn bè mới quen và bước về trạm tàu điện ngầm trên đường Choisy. Tôi vào quầy mua vé, nói tiếng Anh với nhân viên trạm xe tuy rằng tôi cũng đã học đuợc vài câu tiếng Pháp đơn giản. Mọi sinh hoạt đều thuận tiện chắc vì hầu hết người Pháp đều biết tiếng Anh.

Khi chúng tôi ra khỏi trạm bước lên mặt đất, khỏi cần phải hỏi thăm đã thấy viện bảo tàng Louvre ở phía bên kia đường, từng đoàn người nối đuôi đi vào. Chúng tôi băng qua đường đi theo qua một hành lang rộng chưa vào sân đã thấy những bức tượng to lớn trong những căn phòng rộng trưng bày bên dưới. Viện bảo tàng Louvre quá lớn đối với một người chưa biết gì và không được ai hướng dẫn như chúng tôi.

Thấy từng đoàn người sắp hàng ngay trên hành lang để chờ vào cổng tôi tuởng đâu quầy bán vé ngay đâu đó tôi cũng sắp hàng theo, hóa ra không phải thế. Đây là chỗ dành cho người có vé rồi đi xem những phần đặc biệt của viên bảo tàng. Tôi phải hỏi thăm, dĩ nhiên bằng tiếng Anh mãi một lúc sau mới được chỉ dẫn là phải tiến về phía trong, băng ngang qua sân rộng tới toà Kim tự tháp nằm sừng sững phía trước, sắp hàng đi xuống phía dưới. Quầy bán vé nằm dưới đó.

Lần hỏi thăm nay khá vất vả với tiếng Anh vì đa số người sắp hàng là du khách, nói đủ mọi thứ tiếng của địa phương họ. Tôi cố gắng diễn tả họ chỉ lắc đầu không hiểu.

Khu viện bảo tàng là ba dãy nhà nối kết vào nhau theo hình chữ U. Phải nói là ba con đường phố mới đúng. Người ta gọi ba dãy dọc theo con đường là ba cánh (Wing). Ngay ở giữa là một kim tự tháp xây bằng kiếng, phần đỉnh nhô lên khỏi mặt đất sừng sững như các dãy lầu sáu bảy tầng, một phần thân chìm xuống đất. Ngay đó là các cổng vào của từng phần viện bảo tàng. Muốn tham quan đúng nghĩa tôi nghĩ phải mất hàng tháng trời chưa chắc đủ huống hồ chúng tôi chỉ có buổi hôm nay. Thôi đành cưỡi ngựa xem hoa, nhận thức được tới đâu hay tới đó.

Viện bảo tàng Louvre được mở cửa năm1793 vốn là một pháo đài nằm trong quận 1 Paris bên dòng sông Seine, được xây dựng vào năm 1190. Đến thế kỷ 14 Louvre trở thành cung điện hoàng gia của vương quyền Pháp cho đến năm 1672, khi cung điện được chuyển về Versailles thì Louvre trở thành nơi lưu trữ những sưu tập của hoàng gia. Đến thời kỳ cách mạng, Loure trở thành viện bảo tàng quốc gia Pháp.

Những cuộc chinh phạt của Napoléon đại đế đã đem về cho Louvre biết bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật lừng danh của các nước bại trận. Diện tích rộng lớn tới 210 ngàn mét vuông, Louvre trưng bày cho khách thăm viếng chiêm ngưỡng 35 ngàn hiện vật trong tổng số 380 ngàn hiện vật đang lưu giữ. Có những tác phẩm nổi tiếng về lịch sử cũng như về nghệ thuật của thế giới như Tượng thần Vệ Nữ, Tượng thần chiến thắng Samothrace, nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân. Bức tranh nàng Mona Lisa với nụ cười huyền hoặc, các hiện vật rất giá trị về lịch sử như phiến đá ghi bộ luật Hamurachi, tấm bia Mesha.

Diện tích trưng bày các hiện vật là 60.000 mét vuông được chia thành 8 khu như: Khu phương đông cổ đại, khu Ai cập, La mã, Hy lạp, khu Etruna cổ đại và nghệ thuật Hồi giáo, khu hội họa và điêu khắc, khu nghệ thuật họa hình và khu nghệ thuật trang trí.

Ngoài tám khu chính, Louvre còn có một khu trưng bày lịch sử của chính mình và các nghệ thuật của Châu Á, Phi Mỹ và Úc đại lợi.

Chúng tôi xếp hàng mua vé. Giá vé không đắt lắm, khoảng chừng 17 Euro cho mỗi người đi khắp viện bảo tàng trong suốt thời gian mở cửa. Có ba cửa vào cho ba cánh khác nhau là Richelieu, Sully và Denon nhưng thật ra du khách có bắt đầu bằng bất cứ cửa nào cũng có thể đi khắp mọi nơi. Có bản đồ chỉ dẫn từng khu vực nhưng chúng tôi không có thì giờ để xem vì đi hết một ngày cũng chưa chắc đã hết những nơi mà mình muốn đến. Nói như thế để biết rằng viện bảo tàng Louvre rộng lớn biết bao nhiêu.

Chúng tôi vào cửa Denon đi qua một rừng những bức tượng nổi danh như La Vénus de Milo là một bức tượng Hy lạp cổ đại nổi tiếng nhất thế giới, khắc họa Aphrodite mà người La Mã gọi là Venus. Đó là vị nữ thần tình yêu và sắc đẹp của Hy Lạp. Tượng được khắc bằng cẩm thạch hơi lớn hơn người thật. Tượng nay đã mất cả hai tay và người ta cho rằng đây là tác phẩm của Alexendros của xứ Antioch được khắc vào khoảng năm 130 trước công nguyên.

Cái khổ của hai đứa chúng tôi là phải đeo trên vai hành trang quá nặng nên giảm đi rất nhiều hứng thú khi thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật. Có một lần mệt quá, chúng tôi bỏ ba-lô xuống ghế. Tôi đứng giữ hai cái ba- lô cho Hồng Phúc đi xem trước, còn tôi vừa trông chừng vừa đi xem các bức tranh chung quanh. Mải mê nhìn ngắm tôi dần dần rời xa hai chiếc ba-lô không biết gì xẩy ra ở chung quanh. Cho đến khi có những tiếng ồn ào vang động tôi nhìn lại thì một cảnh tượng dở cười dở khóc đã xẩy ra. Hai chiếc ba-lô của tôi và Hồng Phúc bỏ trên ghế đã được một nhóm an ninh vây quanh và những người tò mò đứng tản ra xa. Thì ra người ta tưởng đó là chất nổ của quân khủng bố. Tôi chạy ngay lại phân trần với họ và nhận là ba-lô của mình. Đến lúc ấy mấy người an ninh mới đưa tay vuốt ngực thở phào nhẹ nhõm. Họ bảo tôi là đã cho họ một phen hú vía và khuyến cáo tôi phải luôn đeo bao lô trên vai.

Rời khu có những bức tượng tôi đi vào một rừng tranh vẽ. Có những bức danh họa to bằng cả một bức tường dài. Màu sắc còn tươi như mới vẽ hôm qua, dù rằng có những bức họa xưa đến ngàn năm. Có rất nhiều họa sĩ ngồi vẽ lại những bức tranh cho du khách. bạn muốn bức tranh nào sẽ có ngay cho bạn . Có điều bạn phải có tiền. Tôi không dám hỏi giá nhưng chắc rằng không rẻ để cho mình với tới.

Chúng tôi đi tới một khu rất đông người bu quanh. Một rừng máy ảnh được giơ lên cao và ánh sáng thi nhau chớp sáng. Đoán là một nơi lý thú tôi cố chen vào và nhận ra ngay bức tranh của Léona de Vinci vẽ nàng Mona Lisa treo trên bức tường phía trước, bao quanh là một hàng rào gỗ để người xem không được tới gần. Tôi cố gắng chụp một tấm để làm kỷ niệm thôi chứ với khoảng cách khá xa, và bức tranh thì nhỏ bé thế kia chụp ảnh chắc là không rõ. Muốn có một nàng Mona Lisa thật đẹp, cứ ra ngoài kia nói với người họa sĩ , chắc chắn có một bức ảnh to lớn, đẹp đẽ hơn nhiều.

Cứ đi như thế chúng tôi đến khu trưng bày của Ai Cập với những tượng nhân sư nằm dài và các cổ vật lấy được bên dòng sông Niles. Phải công nhận khu trưng bày Ai cập với ánh sáng lờ mờ nhạt nhòa làm cả khung cảnh cũng u buồn, huyền bí. Tôi chỉ nhìn chứ không dám động đến các cổ vật vì cuốn phim Exorcist cứ ám ảnh tôi. Thôi đừng mang về đất Mỹ một con quỷ Ai Cập để rồi bị quỷ ám sợ đến run người. Rất nhiều ngõ ngách để đưa du khách vào những cuộc phiêu lưu không giới hạn sự dừng chân vì thế đi hai người thường hay lạc. Tìm nhau trong viện bảo tàng Louvre không phải là dễ dàng.

Buổi chiều chúng tôi đến được căn phòng trưng bày mà lúc sang tôi đã thấy khi vừa mới tới. Đã gần hết giờ. Một ngày thăm viếng coi như đã xong dù thực sự không biết là mình đã đi giáp vòng hay chưa. Dù có bản đồ các khu trên tay chúng tôi cũng không có thì giờ để xem. Như tôi đã nói, muốn thăm thú và thưởng lãm hết cả các tác phẩm nghệ thuật của viện bảo tàng Louvre phải mất hàng tháng. Một nửa buổi, một buổi hay vài hôm chúng ta chỉ có thể lướt qua để khi về có những hình ảnh lộn xộn trong ký ức mà thôi.

Đi suốt một ngày như thế chúng tôi quên cả đói. Khi ra đến bên ngoài mới thấy trên dãy hành lang là một Cafeteria với nhiều thực khách ngồi thưởng thức đồ ăn thức uống. Có nhiều ông râu tóc rậm như rừng già Trường sơn đang phì phèo khói thuốc. Hút thuốc trên đất Pháp được đối xử rộng rãi hơn đất Mỹ nhiều. Bất cứ ở đâu ta cũng thấy thơ Hồ Zếnh “Khói huyền bay lên cao”. Tôi và Hồng Phúc chọn một vài món ăn tạm cho đỡ đói vì biết ở đây giá cả đang ở trên trời. Chút nữa đây về khu Việt Nam chúng tôi sẽ được ăn những gì mình thích, rẻ và ngon hơn.

Chúng tôi đi về lại quận 13, còn hơi sớm theo giờ hẹn chúng tôi bước vào quán ăn và đi chợ Việt Nam mua những đồ cần thiết. Rất đúng giờ anh Cân đã đến đón chúng tôi về nhà anh ở ngoại thành Paris. Tôi rất vui vì sẽ được lưu ngụ tại một gia đình người Việt Nam sống lâu năm ở Paris để biết thêm cuộc sống phong phú của những con dân Việt Nam xa xứ.

Giã từ Viện bảo tàng Louvre lừng danh của đất Pháp. Ngày nay Louvre là một trong những viện bảo tàng lịch sử và nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới thu hút 8.5 triệu lượt du khách viếng thăm trong năm vừa qua. Và nếu không có dịch khủng bố, đi lại dễ dàng, trong tương lai con số du khách sẽ tăng lên gấp bội .

********

Những ngày đầu tiên vừa đặt chân tới tỉnh Annemase của nước Pháp, hai bố con tôi gặp rất nhiều khó khăn nơi xứ lạ. Bạn bè thì nhiều, nhưng ở khá xa. Hai người gần nhất là Nguyễn hiền Trung và Phạm cô Giao thì ở mãi tận Lyon, cách nhau cả vài tiếng lái xe. Mặc dù hai người luôn luôn nhắc nhở mầy cần gì gọi chúng tao ngay, sẽ tới liền, nhưng tôi vốn ngại ngùng khi phải nhờ vả bạn bè nên gồng mình chịu trận.

Nay qua người bạn, tôi quen được anh chị Cân, thật là một cái duyên may vì anh chị đối đãi với tôi như người trong nhà, và nhất là anh Cân đã về hưu, rất thích đi đây đó. Hôm nay như đã nói, anh sẽ đưa tôi và Hồng Phúc đi thăm lâu đài Chateau de Chambord.

Vì phải đi xa nên anh Cân đánh thức chúng tôi dậy sớm khi trời chưa sáng tỏ. Cũng như hôm qua anh đã lo đầy đủ mọi vật dụng và thức ăn cần thiết rồi chúng tôi ra xe đi ngay. Anh âm thầm làm việc trong im lặng khi chị Dung và chúng tôi còn đang ngủ. Tôi muốn nói nhiều lời cảm ơn anh nhưng tôi biết sẽ dư thừa và khách sáo bởi anh Cân đâu cần, hoặc chỉ một lời là đủ.

Tôi vô cùng háo hức vì sẽ được đi trên những con đường xuyên qua lòng nước Pháp. Những con đường về những miền quê mà mấy mươi năm trước đây đã là niềm mơ ước của một cậu học sinh nghèo mỗi lần mở trang sách trong cuốn Cours de langues của giờ Pháp ngữ.

Trời còn sớm không kẹt xe nên chỉ vài phút sau là chúng tôi đã ra xa lộ. Tuy có máy chỉ đường (GPS) nhưng anh Cân cũng đưa cho tôi một tấm bản đồ để liên tục theo dõi đường đi. Hai bên đường cây xanh nhìn chưa rõ lá, ánh đèn vàng mờ tiếp nối nhau làm không gian như có màu tơ. Không biết có phải bị ảnh hưởng bởi cái trữ tình lãng mạng của nước Pháp hay không mà với khí hậu mát mẻ, êm đềm của một đêm gần sáng mùa thu hôm nay tôi cảm thấy hương đêm như có mùi mật ngọt, nồng nàn.

Anh Cân cho xe dừng đổ xăng trong một quán convenience store bên đường. Quán mang tên Flunch Express, sạch sẽ với những trụ bơm hiện đại, lắp ráp và trình bày như ở Mỹ. Tôi mua Café cho mình và anh Cân, ngạc nhiên thấy anh tu một hơi như người ta uống nước ngọt. Trong quán người ta bày bán nhiều thứ làm Hồng Phúc cứ thẩn thơ nhìn ngắm. Tôi lưu ý là phải tiết kiệm thì giờ.

Đi một lúc thì trời hừng sáng. Chúng tôi đã ra khỏi thành phố để đi vào vùng quê nước Pháp. Khoảng một tiếng sau anh Cân cho xe ra khỏi xa lộ dừng lại ở một rest area ven đường để chúng tôi ăn sáng. Vì còn sớm nên khu nghỉ chân vắng lặng. Chúng tôi tìm một cái bàn bày thức ăn mà anh Cân đã mua sẵn, lấy ra đĩa giấy và muỗng niã, phết bơ vào bánh mỳ và cho thịt nguội cà chua vào trong rồi rót nước ngọt ra ly như ở nhà. Người dân Pháp ăn uống trịnh trọng và thú vị khi thưởng thức đồ ăn chứ không xuề xoà mau mắn như người dân Mỹ.

Khoảng hai giờ sau chúng tôi rời bỏ xa lộ vào những con đường quê quanh co trong những hàng cây. Có những lúc đi qua những ngôi nhà nối liền nhau như ở phố nhưng rõ ràng là một làng quê. Có những khi đi qua những con đường thật đẹp, anh Cân tiếc rằng mùa này còn sớm lá chưa vàng đủ để màu sắc vương vào không gian tạo nên một bức tranh đẹp mùa thu.

Rồi chúng tôi cũng tới con đường nhỏ dẫn vào lâu đài. Nơi đây không có xóm làng, không có nhiều hoạt cảnh sinh động như ở ngoài kia. Giữa một không gian im vắng lâu đài Chambord uy nghi và đồ sộ toạ lạc giữa cánh rừng. Chúng tôi gửi xe đi vào con đường đá sỏi dẫn vào hồ nước phiá sau lâu đài. Qua những tàng cây bấy giờ chúng tôi mới thấy phía bên phải là những quán xá chắc để bán đồ lưu niệm và những tiệm ăn, nhà ở cho những nhân viên bảo tồn phục vụ. Tôi đi theo con đường đá cũ, tới bức tường thành một phần đã đổ nát bên hồ nước, yên lặng nhìn toàn cảnh lâu đài lặng yên soi bong bên hồ, hoang vu mà lồng lộng giữa trời xanh.

Nếu ngày xưa còn bé, đọc chuyện nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, mơ ước làm hoàng tử để đánh thức nàng công chúa dậy trong một lâu đài mơ mộng ở trong rừng thì hôm nay đây, giữa đất Pháp trữ tình và lãng mạng này một phần ước mơ đã thành sự thực. Lâu đài Chambord đẹp quá tuy rằng có những chỗ rêu phong mái đổ trầm buồn, nhưng càng buồn càng đẹp với thời gian.

Lâu đài có bốn ngọn tháp to ở bốn góc, bốn tầng cao và hơn hai mươi ngọn tháp chen chúc nhau ở phía trung tâm. Mái nhọn cao vút lên không của những ngọn tháp mang đến cho tôi cảm tưởng như lọt vào một không gian xa xưa với những tình yêu mang đầy huyền thoại. Thì chính tình yêu đã xây dựng nên lâu đài này đây. Nghe chuyện thật có trong sử sách mà cứ tưởng như chuyện hoang đường.

Mua vé xong chúng tôi đi vòng bên hông lâu đài tiến về phía trước vào con đường trải đá trước cổng lâu đài. Tọa lạc trong một cánh rừng rộng hơn 13 ngàn mẫu với vô vàn muông thú, tôi được anh Cân kể rằng, lâu đài được vua Francois đệ nhất của Pháp xây dựng từ năm 1519 chỉ dùng để nghỉ khi săn bắn và để gần nàng tình nhân vốn là vợ của một nhân vật trong gia đình giàu có Pháp, chủ lâu đài Muides ở gần đó. Mê gái đến độ xây hẳn một lâu đài nguy nga để dâng tặng người tình thì trên đời này mấy ai hơn được ông vua này. Huy hiệu của nàng Claude Rohan, người tình nhân tốt số được trang trí trong khắp lâu đài đủ cho ta biết vua Francois lãng mạng vô cùng. Vua đã thế trách nào dân Pháp không đa tình sao được.

 

Trình vé qua cổng, ba anh em tiến vào sân gạch được bao quanh bốn bức tường cao biệt lập với bên ngoài. Hôm nay không đông người lắm làm tăng thêm vẻ hoang phế vốn đã tự ngàn năm. Thật vậy, chateau de Chambord được xây dựng nên để dâng tặng cho một tình yêu, để làm chỗ nghỉ chân khi săn bắn chứ không để ở, mà suốt dọc về sau này, số phận của nó cũng trống vắng như lúc ban đầu người ta xây dựng nó.

Tôi đi thẳng vào phòng thuyết trình và chiếu phim để muốn biết về lâu đài. Có máy thuyết trình bằng tiếng Anh để du khách biết tổng quát những nơi mình muốn đến. Tôi đi lên lầu hai, lầu ba ,bốn cho đến hết bậc thang xoắn ốc. Người ta đồn rằng bậc thang này là một kiến trúc độc đáo của Leona de Vinci với hai đường lên xuống du khách không hề chạm mặt nhau. Người ta cũng đồn rằng chính Leona deVinci mới là người vẽ kiểu đầu tiên để xây dựng lâu đài chứ không phải Domenico da Cortona.

Những phòng rộng lớn được bài trí thiếu thực tế. Ngay cả hệ thống phòng thủ an ninh cũng không được nghĩ đến. Sự thay đổi về kiến trúc luôn xẩy ra trong suốt hơn hai mươi năm xây dựng lâu đài.

Về lịch sử của lâu đài Chambord cũng lạ lùng. Khi vua Francois I mất đi, lâu đài bị bỏ hoang phế mục nát trong 80 năm sau đó. Đến năm 1639 vua Louis 13 cho người em là Gaston d ‘Orleans. Ông này chỉnh trang lại một phần. Đến đời vua Louis 14 lâu đài được tu sửa lại hoàn toàn nhưng cũng chỉ dùng để nghỉ ngơi trong lúc săn bắn mà thôi rồi từ năm 1685 lâu đài cũng trở thành hoang phế.

Đời Louis 15 lâu đài được cho Stanislas Leszcinsky, vua Ba Lan bị truất ngôi, cũng là nhạc gia của Louis15. Sau bao nhiêu trôi nổi điêu tàn cuối cùng lâu đài thuộc về Ducal family rồi thành tài sản của chính phủ Pháp ngày nay.

Bên trong lâu đài được tô bằng đất sét màu ngà. Trần nhà được khắc tỉ mỷ những huy hiệu của vua Francoi I là những con rồng lửa. Tôi lên tới đỉnh, cả một mặt bằng của sân thượng rộng mênh mông được xây dựng nên hơn hai mươi ngọn tháp với đủ hình đủ kiểu với những mái nhọn cao vút lên trời.

Tôi đứng rất lâu để nhìn ngắm một công trình vừa vĩ đại vừa lãng mạng của người xưa. Tình yêu quả là vĩ đại để hai mươi mấy năm trời, với bao nhiêu công sức tiền của người dân Pháp xây dựng nên, hiện hữu mà tay tôi sờ thấy được hôm nay.

Trên bậc thang cuối cùng để lên tầng tháp có biết bao nhiêu tên tuổi và trái tim được khắc vào tường đá của những cặp tình nhân đã đến đây. Tôi cũng muốn khắc tên mình vào trong đá nhưng một nửa của tôi đã đi vào thiên thu cho nên tôi chỉ khắc được một trái tim cô độc mà thôi.

Đi hết những tháp cổ chúng tôi xuống thang vào những phòng được trưng bày bên trong như phòng ngủ của vua Louis 14, phòng giải trí và vô số các phòng khác mà tôi không thể nào nhớ hết. Lâu đài Chambord có tất cả 440 phòng lớn nhỏ, 365 lò sưởi và 84 cầu thang lên xuống. Được kiến trúc đặc trưng thời Phục hưng, pha trộn truyền thống Pháp, Ý cổ xưa. Đây là một lâu đài rộng nhất vùng Loire Valley, đẹp như tranh vẽ và gây ấn tượng đẹp nhất trên thế giới.

Chúng tôi đi qua các phòng để những dụng cụ quyền quý thuở xưa. Cỗ xe ngựa vương giả mà vua chúa xưa dùng. Những bức tượng khoả thân của những nàng thiếu nữ với vòng đo không thể chê vào đâu được.

Đến chiều chúng tôi mới ra về. Đói quá ba anh em ghé vào một quán ăn lộ thiên ngay đó. Tưởng rằng sẽ bị chém tới nơi vì đây nằm trong khu du lịch ai ngờ lại rẻ hơn nơi khác. Chúng tôi tự thưởng cho mình rượu vang và thịt bò, khoai tây chiên vừa ăn vừa nhìn lại lâu đài. Ngày xưa vua quan Pháp mỗi khi đi săn về chắc cùng nhau chè chén nơi này. Tôi cứ trầm ngâm mãi cho đến khi Hồng Phúc và anh Cân giục giã ra về.

Anh Cân cho xe vào trạm trả tiền để vào xa lộ. Tổng cộng con đường khoảng hơn một trăm miles chúng tôi phải trả hết 28 Euro lệ phí, thật là quá đắt so với Hiệp chủng quốc Hoa kỳ. Nhưng để đi đến một nơi mà mình đã thích thì cũng không đắt lắm.

Anh Cân lại bảo ngày mai sẽ chở chúng tôi quanh một vòng ven bờ sông Seine, phía bắc Paris xem phong cảnh, sinh họat và vào rừng hái trái noir về làm bánh. Tôi và Hồng Phúc cảm động với sự săn sóc của anh, nhưng không thể phiền anh chị thêm được nữa.

Theo đúng dự trù thì chiều ngày mai chúng tôi sẽ phải giã từ anh chị Cân để lên quận 20 Paris thăm một người anh của Hồng Phúc. Ngay đêm đó chúng tôi sẽ ra Gare du Nord để mua vé vượt biên giới Pháp qua thành phố Frankfurt của nước Đức. Ở đó có anh chị Phạm trương Long đang chờ chúng tôi viếng thăm xứ xở của những thiên tài.

Buổi trưa sau khi từ giã anh chị Cân, chúng tôi đáp xe lửa (train) đi tới quận 20 thành phố Paris. Mặc dù anh chị Cân đã nhiều lần dặn dò đường đi, trạm lên trạm xuống tôi vẫn còn cảm giác bất an. Thực vậy, nơi chúng tôi sẽ đến chỉ là một cái địa chỉ của một chung cư, nằm trên một con đường có rất nhiều ngõ hẻm, chúng tôi với phương tiện công cộng, ngôn ngữ bất đồng và không hy vọng gì có người đón ở cuối con đường.

Tuy thế tôi vẫn có niềm vui là được thấy rất nhiều cái hay, cái lạ của những chuyến đi.

Trước hết hình ảnh nhà cửa hai bên đường xe lửa sao cũng giống Việt Nam. Dĩ nhiên là sạch sẽ, khang trang và an toàn hơn nhiều. Bây giờ mới chớm thu nên cây cối còn xanh, chúng tôi đi trong màu xanh của lá trên đường tới Paris.

Nhớ tới môt bài hát của nhạc sĩ Lam phương “Đường vào Paris có lắm nụ hồng. nhưng anh chẳng cần, mình sống cho nhau” tôi mới để ý xem có nụ hoa nào không. Hoa hồng đâu chẳng thấy, chỉ thấy trước mắt tôi một cánh hoa rực rỡ hơn cả hoa hồng. Đó là một nàng con gái da trắng, má đỏ môi hồng.

Ba bốn trăm năm trước, người da trắng vào tận trong rừng rậm Phi châu lùng bắt những người da đen để đem bán cho những nông trại trồng bông vải ở miền nam nước Mỹ. Những người châu Phi da đen này thường không được đẹp theo tiêu chuẩn đánh giá bây giờ vì mũi họ to, môi dầy và hình như thiếu cân đối giữa các vòng đo. Con cháu họ mà ta thường thấy ở Mỹ ngày nay cũng không khác gì họ nên hình như tôi có thành kiến là cứ người da đen là không mấy đẹp. Sau này lớn khôn, gặp gỡ nhiều và đọc thêm sách vở tôi nhận ra rằng mình lầm lẫn lớn. Những người da đen ở miền bắc Phi châu đã có những nền văn minh rực rỡ hàng ngàn năm trước và một vẻ đẹp không hề thua kém người da trắng với mũi cao, thân hình tuyệt mỹ và những vòng đo lý tưởng.

Cứ tưởng rằng chỉ ở Mỹ, xứ của tự do tôi mới thấy những cặp uyên ương đen trắng. Nhưng không, trước mắt tôi hôm nay, trên chuyến xe lửa đi tới Paris là một cặp tình nhân đen trắng, mà cô gái đẹp rực rỡ như bất cứ một đóa hoa hồng nào trong bài hát của ông Lam Phương và chàng trai, một thanh niên da đen to cao, với những nét đẹp thanh thoát, khoẻ mạnh rất xứng đôi với người thiếu nữ. Thì ra ở đâu cũng thế, tình yêu vốn không có biên cương.

Tôi đưa máy lên, giã vờ chụp ảnh cho Lưu Hồng Phúc mà thật ra là để ghi lại đôi trai gái tương phản màu da nhưng rất xứng đôi này. Anh con trai chắc là mắc cở nên che ngang đôi mắt e thẹn dễ thương.

Chẳng bao lâu chúng tôi tới Gare du Nord. Chúng tôi tìm trạm subway rồi lên xe tới quận 20. Ra khỏi hầm, bước lên mặt đất một quang cảnh đông đúc vui nhộn đang diễn ra trước mặt. Phố xá quận 20 sao mà giống như Chợ Lớn thuở nào. Người nhiều như nêm cối, xe cộ và khách bộ hành trộn lẫn vào nhau khắp các con đường.

Các tiệm Tàu dưới những dãy phố, tuy lớn hơn Chợ Lớn nhưng chắc cũ kỹ không kém. Và sự bầy hầy bẩn thỉu với những đống rác to đầy ruồi nhặng thì chắc hẳn bằng nhau. Hai bên đường đầy dẫy những quán hàng lộ thiên bày bán đủ thứ. Chúng tôi đang đi trên con đường đúng như địa chỉ đã ghi và tìm con số. Số đây rồi nhưng đó là một cửa hàng rất lạ, chất đầy hàng hóa không có vẻ gì là một nơi để ở. Đi qua đi lại mãi tôi thấy người ra,vào trước một cánh cửa chỉ to bằng cửa các căn nhà ở Mỹ, phía trên treo gương bùa bát quaí. Gọi mãi người quen không được, mà đi vào thì không mở cửa được vì cần phải nhớ số, chúng tôi đành đứng chờ. Rất may có người ra, chúng tôi nhân cơ hội ấy tiến vào.

Phía sau những dãy nhà buôn bán là một khoảng sân rộng chừng năm thước, chạy dài theo chiều rộng của một chung cư cũ kỹ chắc xây từ hồi vua Bảo Đại chưa sinh ra. Theo đúng địa chỉ chúng tôi biết căn nhà ở tầng lầu 5. Nhưng lên trên ấy bằng cách nào.

Thấy người ra vào một căn phòng chúng tôi cũng bước vào. Thì ra thang máy ở đây. Chiếc thang máy vừa chật, vừa cũ chỉ vừa đủ cho hai người, có thêm hành lý thì phải ôm sát lấy nhau mới lọt. Tôi nín thở khi thang máy rung lên từng chặp đưa người lên cao. Chúa ôi, nếu mà bị cúp điện mà mắc kẹt trong này thì chỉ năm bảy phút là chết chắc vì ngộp thở.

Gõ cửa mãi mà chủ nhân không có ở nhà chúng tôi lại đi xuống. Thôi đành dạo phố với hành lý mang theo và chờ. Tôi mặc kệ những bất tiện, chăm chú nhìn xem những sinh hoạt của một khu phố Tàu phảng phất những nét của quê hương Việt Nam.

Cuối cùng cũng gặp được người quen, chúng tôi lại theo anh lên nhà, ngồi chơi nghe anh đọc thơ. Anh mới về Việt Nam cưới vợ nên có nhiều niềm vui nhưng cũng hơi vất vả với cô vợ trẻ. Hai vợ chồng ở trong một căn phòng rộng chỉ độ 500sft, cũ kỹ tưởng chừng như không thể cũ hơn được mà giá lên tới ba trăm ngàn Euro, tức là khoảng bốn trăm năm mươi ngàn USD theo thời giá hôm nay.

Gần một tiếng sau chúng tôi xin phép ra đi. Trước khi ra lại Gare du Nord chúng tôi ghé vào một quán mỳ hoành thánh. Khỏi lo về ngôn ngữ vì đa số người Tàu nói được tiếng Anh, tiếng Việt. Giá cả ở đây cũng không mắc lắm.

Tới trạm mua vé xong chúng tôi phải chờ lâu vì 12PM xe bus mới khởi hành. Một đặc điểm ở châu Âu là chúng ta có thể mua vé xe bus hay xe lửa trên cùng một trạm, khởi hành nơi đến cũng cùng một nhà ga. Có nhiều giờ khởi hành khác nhau, nhưng chúng tôi phải đi giờ này vì giá vé rẻ gần một nửa. Vả lại khi tới nơi cũng rất tiện cho người ra đón.

Tôi ngồi trên ghế cố dỗ giấc ngủ vì biết rằng chút nữa đây trên đường đi tôi sẽ thức để nhìn quang cảnh dù rằng trời đêm. Tới giờ, leo lên trạm trên mặt đất chờ xe đến. Cả một dãy xe rất giống nhau làm tôi lớ ngớ kiếm tìm. Đến khi chắc đúng xe, bước lên thở phào mới hết lo. Rất đúng giờ xe khởi hành ngay. Nửa giờ sau chắc xe đã ra khỏi Paris vì trên xa lộ trời tối đen như mực. Muốn coi cảnh vật hai bên đường cũng chẳng thấy gì mà ngủ thì không sao ngủ được.

Trời chưa sáng hẳn đã đến Frankfurt. Chúng tôi bước vào nhà ga, ngạc nhiên vì sự to lớn và sạch sẽ của người dân Đức. Hàng vài chục đầu tàu tỏa ra khắp mọi nơi, hàng mấy chục con đường đi về muôn hướng. Ở châu Âu người ta dùng tàu lửa làm phương tiện chính, tôi nghĩ có lẽ hơn cả đường hàng không. Chúng tôi tìm một chiếc ghế ngay nơi các đoàn tàu đi ngồi đợi sáng. Giờ này chắc anh chị Long chưa thức dậy, chúng tôi ngại ngùng không dám gọi điện thoại làm phiền.

Không lâu sau đó, chúng tôi vừa liên lạc thì anh chị Long đã có mặt tại sân ga. Anh ra sớm vì sợ chúng tôi đi lạc. Chúng tôi được đón về nhà ngay khi bữa điển tâm đã được dọn sẵn trên bàn.

Anh Long đã đi du học ở Âu châu ngày trước. Về nước anh làm giám đốc cho một ngân hàng và kẹt lại sau ngày Việt Cộng xâm chiếm miền Nam. Anh và chị Yến gặp nhau trong những tháng ngày thuyền nhân Việt Nam đánh thức lương tâm nhân loại, tố cáo cho cả thế giới biết cái tàn bạo phi nhân của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Được sống trong thiên đường Cộng Sản anh có nhiều kinh nghiệm về sự cùng khổ của người dân, vì thế anh luôn luôn dùng ngòi bút để đấu tranh và phê phán cái giả trá điêu ngoa của chế độ. Một sự tình cờ tôi được biết anh là bạn học của giáo sư Đàm trung Pháp ở Dallas và là đồng chí của chị Quế Hương, vợ một người bạn thân của tôi.

Cũng giống như anh chị Cân, nhà của anh chị Long cũng là một đơn vị chung cư nhưng ở ngay tầng trệt. Sự trang trí bên trong rất gọn gàng. Mọi thứ cần, dùng xong người ta có thể xếp ngay lại và đẩy vào trong tường thành thử căn phòng trở nên rộng rãi. Chỉ có hai vợ chồng nhưng nhà anh chị có bốn phòng vì anh Long thường có khách. Toàn là bạn đấu tranh. Anh đưa tôi vào một căn phòng và bảo.

-Tôi dành cho anh phòng này. Mấy năm trước ông Phan Nhật Nam, rồi ông Nguyễn chí Thiện sang Đức cũng nằm đây.

Ăn sáng xong chúng tôi nghỉ lưng vì cả đêm qua ít ngủ. Đến chiều chị Yến dẫn chúng tôi đi dạo quanh vùng. Khu gia cư này đầy cây xanh và rất nhiều mảnh vườn nhỏ trên những lối đi dễ thương chi lạ. Tuy là khu chung cư nhưng lại có rất nhiều biệt thư (single house) chung quanh. Mỗi nhà một vẻ cổ kính khác nhau. Ngay cả đến các loại hoa trồng, chủng loại và màu sắc cũng có phần riêng biệt.

Ngày hôm sau chị Yến dẫn chúng tôi đi thăm phố phường Frankfurt. Anh Long có nhiệm vụ chở chúng tôi ra bờ sông Main và hẹn sẽ đón ở đó vào buổi chiều.

Frankfurt có tên gọi chính thức là Frankfurt am Main, nằm ngay trên bờ sông Main, là thành phố lớn nhất của tiểu bang Hessen, Đức quốc. Đây cũng là trung tâm tài chánh quan trọng nhất, nơi đặt trụ sở chính của ngân hàng trung ương và nhiều nhà băng lớn nhất Âu châu. Thị trường chứng khoán của Frankfurt lớn nhất thế giới, nơi tổ chức hội chợ và là điểm giao thông quan trọng nhất châu Âu.

Chúng tôi đi dọc theo bờ sông Main qua những chiếc cầu cũ, kiến trúc rất đẹp được xây từ năm 1222. Hai bên bờ sông là cả một không gian hấp dẫn nhất trong thành phố. So với sông Seine của Pháp tôi thấy nơi đây trầm lắng, u tịch hơn nhiều.

Từ bờ sông chúng tôi đi vào khu phố thương mại đông đúc chỉ dành cho người đi bộ. Hàng quán nhỏ dọc theo đường đi. Người ta bán đồ ăn thức uống trên những chiếc xe có mái che như những gian hàng. Rất nhiều người sắp hàng chờ mua xúc xích. Chị Yến bảo chúng tôi rằng xúc xích của Đức rất ngon và được mọi người ưa chuộng. Dân Đức thường ăn xúc xích kẹp vào bánh mỳ cùng các thứ nước sauce cay nồng cho bữa trưa như người Mỹ ăn fastfood. Tôi muốn ăn thử xem sao, thế là ba chị em sắp hàng trước xe xúc xích. Tôi chỉ đại vào một cây trong rất nhiều loại được bày ra trước mặt khách hàng. Người bán hàng nướng xúc xích xong, xẻ đôi ổ bánh mỳ kẹp vào đưa cho thực khách. Muốn ăn thứ sauce nào thì người ta tự động cho vào. Đúng như lời chị Yến nói. Xúc xích rất ngon, hương vị đậm đà, cay nồng khó quên. Một cây lớn kẹp ổ bánh mỳ ăn no luôn mà giá chỉ có 1 Euro rưỡi.Tính ra quá rẻ cho một bữa ăn trưa.

Ăn xong chúng tôi đi vào khu thương mại. Các chợ ngoài trời ở Đức bày bán đủ thứ từ rau cỏ, trái cây thit thà và gia vị như ở Việt Nam. Họ trình bày sắp xếp thật là đẹp mắt. Nói chung sạch sẽ và gọn ghẽ hơn nhiều. Người dân Đức đi chợ ngoài trời rất đông, các quán bia đầy nghẹt những tay bợm nhậu. Họ uống bia với xúc xích và thịt ướp sắt mỏng nói cười vui vẻ ngay trong chợ nhưng các khu chợ không ồn ào như ở Việt Nam, chắc có lẽ vì tính tình của họ trầm lặng hơn ta hay tại vì người ta cố gắng giữ gìn trật tự công cộng hơn mình.

Bạn muốn thưởng thức xúc xích Frankfurt, cứ tự nhiên, chỉ 1.5 Euro một cái

Chúng tôi đi dần đến khu mua sắm quần áo dọc theo con đường. Ở đây không có xe hơi qua lại. Có một loại xe hình dáng hơi lạ chắc là để chở du khách đi quanh vòng khu du lịch. Chúng tôi bước vào một thương xá, đó là một tòa nhà cao tầng được xây bằng những tấm kiếng xoáy hình trôn ốc trông rất lạ mắt.

 

Thang máy đưa người lên cao quanh co, lên tới tầng trên cùng vẫn còn trông thấy người bắt đầu leo thang ở dưới.

Cũng như ở Mỹ, thương xá thường có rất nhiều gian hàng và mỗi thương hiệu đều có một vẻ riêng biệt cho mình. Có một gian hàng quảng cáo bằng cách mướn một lô người thật giả làm những bức tượng. Du khách tưởng thật đứng chụp hình là họ múa may chỉ trỏ tạo nên một không khí tươi vui.

********

Cứ lang thang đi bộ qua các con đường của khu mua sắm Zeil chúng tôi đã mất hết buổi trưa. Không khí đầu thu thích hợp lạ lùng với những quán cà phê suốt dọc con đường nên rất đông người thưởng thức. Cái lành lạnh trong không khí sao mà đồng điệu với vị đăng đắng nồng nàn của cà phê, làm cho làn khói thuốc không thể thiếu trong những quán hàng đông vui. Người ta làm việc và thưởng thức cuộc đời ung dung nhàn nhã, chẳng thấy một dấu hiệu gì cho sự khó khăn khốn khó.

Chị Yến dẫn chúng tôi đi vào khu phố cổ. Toàn bộ khu quảng trường Romerberg rộng mênh mông được lát bằng những hòn đá nhỏ mà có lần tôi được thấy chiều sâu dài gấp hơn hai lần bề mặt. Sâu như thế chẳng trách nào khoảng sân bền bỉ mãi với thời gian.

Quảng trường nằm ngay trung tâm thành phố với toà thị chính có từ thế kỷ thứ 14, được bao quanh bởi những toà nhà cổ có lối kiến trúc thời hậu Gothic kiểu cách và tôn nghiêm như những thánh đường. Nơi đây có con đường trải đá như trong sân dẫn đến nhà thờ lớn ( Kaiserdom st Bartholomaus). Ngày xưa các vị vua của vương triều Đức thường đi bộ từ nhà thờ sau lễ đăng quang đến quảng trường để dự tiệc mừng trong tòa thị chính. Trước nhà thờ lớn là vườn treo lịch sử với các cổ vật được khai quật từ thời La Mã cổ xưa.

Đứng tại nơi đây tôi như thuộc về dĩ vãng của sáu bảy trăm năm trước, thời mà các hiệp sĩ vung gươm chỉ kiếm tiến ra sa trường với cung tên trên lưng ngựa. Ra đến ngoài kia, chỉ khoảng mười lăm phút dạo chơi tôi đã lạc vào một thế giới hoàn toàn khác hẳn, với những nhà cao tầng như muốn chọc thủng trời xanh với những phương tiện tối tân của điện tử mà ngồi tại nơi đây với chiếc handphone nhỏ xíu, bấm vài con số ta có thể đánh thức được người phía bên kia, xa ta hằng nửa vòng trái đất thực dậy để nói chuyện tâm tình.

Chiến tranh thế giới thứ hai đã tàn phá một phần lớn khu phố cổ này. Ngày nay chính phủ Đức đã trùng tu và sửa sang mới lại các căn nhà nhưng không mất đi dấu vết cổ xưa nhất là sáu căn nhà phía đông của quảng trường hầu gần như phải làm mới lại hoàn toàn.

Cả một phần thành phố, từ khu mua sắm Zeil đến khu phố cổ là một thế giới khác hẳn. Sinh hoạt nhộn nhịp tươi vui nhưng không xô bồ ồn ào, không có những âm thanh như muốn xé toang màng nhĩ. Không có xe hơi, xe máy mà chỉ có xe đạp và người đi bộ. Muốn dạo chơi mà thương hại đôi chân người ta có thể thuê những chiếc xe nhỏ dễ thương chắc rằng chạy bằng điện vì không bao giờ có khói và tiếng động.

Tôi ngồi xuống một bệ đá dưới chân đài phun nước trong quảng trường Romerberg để nhìn về phiá nhà thờ lớn có vườn treo lịch sử tần ngần nhớ về một khoảng thời gian đen tối của chiến tranh xưa. Sao một đất nước tươi đẹp như thế này mà mấy mươi năm trước lại sản sinh ra một chế độ Phát Xít cực kỳ tàn bạo tiêu diệt hơn sáu triệu người Do Thái chỉ vì khác giống vơí mình. Lòng kiêu hãnh cộng thêm quyền uy và bạo lực đã xô đẩy nhân loại đến vực thẳm kinh hoàng.Thật vậy, con người nếu một ngày nào đó xa rời ánh sáng của chân thiện mỹ thì sẽ sa ngay vào địa ngục tối tăm. Hôm nay tôi có giây phút may mắn bình an được chiêm ngưỡng những công trình thiện mỹ của người xưa, cầu mong những giây phút này sẽ kéo dài mãi mãi trong đời. Cầu mong lòng tự tôn và quyền lực đang ngự trị trên quê hương tôi sẽ sớm nhận ra chân lý.

Thời gian trôi nhanh, chưa thưởng thức được bao nhiêu thì chiều đã xuống. Mưa thu lất phất bay khiến trời càng thêm mau tối. Chúng tôi vội vã trở lại điểm xuất phát ban đầu để chờ anh Long đến đón. Tôi và Hồng Phúc đi dọc theo bờ sông để nhìn hoàng hôn xuống, mặc cho gió thổi mưa bay.

Tôi nhận xét một điều là tại Frankfurt xinh đẹp này chỉ thấy những chiếc xe hơi bóng loáng, sang trọng chứ không thấy một chiếc xe cũ kỹ sờn chóc nước sơn nào thì chị Yến đã giải thích rằng đó là luật của thành phố. Người chạy xe xấu xí, không thẩm mỹ sẽ bị phạt nên ai cũng phải o bế chùi rửa chiếc xe của mình để giữ vẻ mỹ quan cho thành phố.

Ngày hôm sau, anh Long và chị Yến đưa chúng tôi đi thăm người em gái của chị, một dược sĩ làm việc ở tỉnh kế bên. Cô là một thuyền nhân của thập niên 80, kết hôn với môt thanh niên cùng lứa là một nhà đấu tranh nhân quyền nổi tiếng của châu Âu. Tuy hai người không muốn được nói đến nhưng tôi vẫn nhắc tới đây như một lời cảm ơn trân trọng.

Ngày kế tiếp chúng tôi được anh Long và chị Yến cho đi một chuyến chơi xa. Cho dù anh chị đã nói trước về chuyến đi này nhưng thú thực tôi không ngờ là nó mang đến cho tôi nhiều ngạc nhiên và thú vị đến thế. Đó là đi dọc theo dòng sông Rhein để thưởng thức một vùng thung lũng đẹp nhất của nước Đức nếu không muốn nói là của cả Âu châu.

 

Chúng tôi đi bằng xe hơi, bắt đầu từ sáng sớm, chỉ khỏang mười lăm phút qua các con đường là đã ra tới xa lộ A 5. Khi trước ở Pháp tôi được anh Cân giải thích rằng nếu các xa lộ mang chữ A ở đầu là xa lộ liên bang. Chắc ở Đức cũng mang cùng ý nghiã này nhưng khác hơn là chạy trên các xa lộ của Đức quốc không bao giờ phải trả tiền như hầu hết các xa lộ ở Mỹ nên rất là thoải mái. Cái ngạc nhiên của tôi là không ngờ nhà cửa lúc nào cũng san sát, chạy dọc theo hai bên bờ sông hàng trăm cây số,và có lẽ còn nhiều hơn nữa vì chúng tôi chỉ đi tới hợp lưu giữa hai con sông Rhein và Main mà thôi. Tôi có cảm tưởng rằng con sông là con đường chính chạy dài bất tận. Nơi đây cũng có “Cánh đồng bất tận ” của nhà văn Nguyễn ngọc Tư, nhưng là sự bất tận của những bức tranh sông nước tuyệt vời và sự giàu sang không bao giờ hết.

Xe chạy trên con đường phiá bắc của dòng sông. Tôi nhìn sang bờ phía Nam để thấy một màu xanh non của những ngọn đồi trồng nho với những hàng cây đều đặn. Phía duới là nhà cửa với đủ mọi kiểu cách chen nhau giữa những con đường ngắn dẫn lên đồi. Xa hơn nữa trên lưng chừng núi, lẩn khuất trong những tảng đá to và cây cổ thụ là những toà lâu đài đá cổ mà tuổi đời có khi đã ngàn năm. Màu xám xanh của đá bền vững như thách thức với thời gian. Ở đâu, giữa trời Âu chúng tôi đều thấy dĩ vãng và hiện tại như trộn lẫn vào nhau.

Nhớ lại lời của người bạn tôi Đỗ nguyên Thiện, đã từng sống lâu năm ở Âu châu khuyên rằng muốn khám phá vẻ đẹp của châu lục cổ xưa này phải từ từ, bóc dần từng lớp áo sao thấy hợp lý vô cùng.

Sông Rhein, nguyên âm bằng tiếng Đức là con sông dài và quan trọng nhất nước. Nó dài hơn 1200 km bắt nguồn từ Thụy sĩ, vượt qua một hành trình dài, xuyên qua xứ Hoà Lan để chảy về biển Bắc. Các hợp lưu của sông Rhein và sông Main cùng với sông Neckar tạo nên một vùng ấm áp, đầy ánh mặt trời và là vùng dân cư sầm uất đứng vào hàng thứ hai của nước Đức với hơn năm triệu người. Nơi đây khí hậu rất thích hợp với nông nghiệp, các vườn trồng nho cheo leo trên sườn núi chạy bạt ngàn hai bên bờ sông và là chiếc xương sống của kỹ nghệ rượu nho trên thế giới.

Anh Long dừng lại ở một thị trấn bên sông . Ở đây người ta xây dựng một tượng đài lớn. Sừng sững trên trời cao một vị tướng quân mà tôi đã quên tên để vinh danh sự chiến thắng trong một cuộc chiến tranh giữa Pháp và Đức. Theo lời của anh Long, ngày ấy nước Pháp bại trận phải mất một phần lãnh thổ cho người Đức.

Nơi đây người ta có đường dây cáp di chuyển khách du lịch lên đỉnh núi để ngắm nhìn một vùng sông núi hữu tình, một khúc quanh của dòng sông chảy siết.

Chúng tôi tìm chỗ để xe để đi bộ vào thị trấn. ngoài con đường chính chạy dọc ven sông là những con đường ngang nho nhỏ chạy ngược lên sườn đồi. Cái đặc biệt là những con đường đều lát gạch, thứ gạch chôn sâu xuống đất hai phần như tôi đã nói. Những con đường quanh co như vào ngõ hẻm vừa đủ rộng để cho người ta tản bộ. Tuyệt nhiên xe hơi không thể đi vào.

Du khách đông vui như ngày mở hội. Chúng tôi đi qua những gian hàng, những tiệm ăn những bar rượu ngoài trời. Những người bán hàng chào mời vui vẻ, không giằng co lôi kéo, không chụp giựt ồn ào. Các cô gái Đức rất trẻ chào mời du khách một loại rượu nho sống vừa mới lên men. Tôi uống thử cho biết vì cũng rẻ, chỉ 1 Euro một ly chẳng ngờ ngon quá với vị vừa chua vừa ngọt. Tôi uống thêm tới ly thứ hai đã ngấm men say, chắc vừa say rượu vừa say đôi má hồng hồng của người con gái phương xa.

Chúng tôi tình cờ gặp hai cô gái Việt Nam. Chào hỏi nhau tôi biết là hai du học sinh đến từ miền Bắc. Các cô đi dạo chơi trước khi nhập học

Chúng tôi vào ăn trưa ở một gian hàng mà phòng ăn chính ở dưới tầng hầm. Thức ăn ngon và không đắt lắm so với bên Pháp nhưng vào đến phòng vệ sinh thì tôi hơi thất vọng. Nhìn bên ngoài tuy sạch sẽ nhưng mùi hôi thì vẫn còn. Có lẽ họ không dùng hóa chất như ở bên Mỹ như chúng ta chăng.

Ăn xong, thay vì phải dùng dây cáp thì chúng tôi lên xe để lên đỉnh núi cho đỡ tốn tiền. Nơi đỉnh này có cái tên mà tôi vẫn nhớ: Lorely.

Đường đi quanh co theo sườn núi lên cao dần. Có lẽ đỉnh này là nơi cao nhất trong khúc quanh của dòng sông. Trên đỉnh có những chỗ để người ta nhìn toàn cảnh giòng sông. Tôi bắt gặp một dòng chữ bằng tiếng Anh: Bạn đang đứng ở một nơi đẹp nhất trên thế giới. Thực vậy hay chăng?.

Xen giữa các căn nhà dành cho khách du lịch là một bức tượng cô gái tóc đỏ. Anh Long kể tôi nghe về chuyện cô gái này là con một người giàu có trong vùng rất hiền hòa và đầy nhân ái hay giúp đỡ người nghèo khó. Không hiểu vì lý do gì mà cô từ giã cuộc đời ngay giữa giòng sông ( Anh Long có kể chi tiết mà tôi không nhớ rõ). Trước kia. khúc sông này quanh co hiểm trở nên các thương thuyền qua đây thường gặp tai nạn khi trời giông bão. Từ khi cô gái tóc đỏ mất đi, thương nhân thường hay cầu nguyện đến cô mỗi khi gặp sự hiểm nguy. Lạ lùng thay sau đó trời quang mây tạnh, sông nước yên bình, tai qua nạn khỏi. Từ đó người ta biết ơn cô và dựng tượng kỷ niệm ở khúc quanh này.

Khi xuống núi anh Long chở chúng tôi đi thêm một đoạn đường dài, đến tận ngã ba của hai giòng sông Main và Rhein. Nơi đây cũng có một bức tượng to lớn mà tôi cũng không thể nhớ tên. Tôi và Hồng Phúc trèo lên những bậc thang để tới đỉnh đài nơi đặt bức tượng đồng to lớn của một vị tướng quân đang cưỡi ngựa. Tuy dưới chân tượng đài nhưng tôi cũng có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn hợp lưu của hai giòng sông .

Trời bắt đầu vào tối mà chúng tôi vẫn còn ở rất xa Frankfurt. Anh Long cho xe đi qua phía bên kia sông để trở về. Khi trên đỉnh cao tôi nhìn thấy giòng sông quanh co đầy những ánh đèn lóng lánh đẹp vô cùng. Lâu lâu lại có những chiếc cầu bắc ngang như một giải ánh sáng vắt qua giòng sông. Trời đêm lành lạnh cho chúng tôi thêm sức khoẻ. Tôi cảm ơn anh chị Long đã cho tôi được biết một vùng đất xinh tươi của châu Âu mà trước đây tôi không ngờ tới.

Ngày mai chúng tôi sẽ giã từ Frankfurt. Giã từ thung lũng sông Rhein và nước Đức để trở về đất Pháp. Tôi sẽ xuôi Nam, băng qua Thuỵ Sĩ để đến tỉnh Annemase. Lưu Hồng Phúc sẽ sang đông để về lại Paris. Tất cả những ngày qua sẽ là những ngày tươi đẹp đáng nhớ trong đời.

********

Cầm chiếc vé trên tay, tôi ngồi trên sân ga Frankfurt, nhìn mười mấy con tàu nằm trên đường sắt chạy về muôn hướng mà lòng không khỏi lo âu, bởi vì vé tàu chỉ ghi bằng tiếng Đức. Tôi cố lắng nghe tiếng loa phát thanh thông báo những chuyến đến và đi nhưng tuyệt nhiên chẳng nghe một tiếng Anh nào. Đường xuôi nam về Pháp không dễ dàng gì. Tôi sẽ phải đổi tàu khác ở Olten, một trạm gần biên giới để vào Thuỵ Sĩ , vì con tàu đi bây giờ sẽ chạy về miền đông nước Đức. Chưa hết, khi lên con tàu mới, tôi chỉ đến được Geneve là trạm cuối cùng. Từ Geneve tôi sẽ phải tìm ra xe điện để về một trạm vùng biên giới Pháp, Thụy Sĩ. Từ trạm này tôi sẽ đón xe bus về trung tâm thành phố Annemase. Thảo Nguyên sẽ chờ ở đây để dẫn tôi về căn phòng vừa thuê được.

Khi còn trong phòng vé tôi đã hỏi kỹ cô nhân viên người Đức tên thành phố phải xuống và tên thành phố sẽ tới nằm trên con đường đi Geneve, vì biết rằng không phải hành khách nào của Đức cũng biết tiếng Anh. Một trở ngại nữa là trên suốt cuộc hành trình tôi không thể liên lạc được với Thảo Nguyên hay bất cứ ai, vì chiếc cell phone mang theo không thể dùng được ở nước Đức. Tất cả những thông tin mà tôi biết được là khi còn ở nhà chị Yến mà thôi.

Trước khi xe đến tôi đã bắt chuyện được với một anh chàng Đức biết tiếng Anh, trông bên ngoài có vẻ là một tay giang hồ lãng tử, định bụng rằng sẽ bám theo anh ta để nhờ nhắc nhở khi phải xuống trạm đổi tàu. Vài phút sau tàu đến, anh ta đi mãi về cuối toa làm tôi lo ngại đành bước lên bất cứ cửa nào vì sợ tàu chạy mất. Bất cứ giá nào tôi không thể trễ, vì trễ một chuyến sẽ không ăn khớp với giờ đón của Thảo Nguyên.

Tuy nhiên sự tò mò háo hức được nhìn thấy đời sống và sinh hoạt của một cường quốc đã từng làm mưa làm gió trên thế giới trước đây cũng xua bớt nỗi lo sợ lạc đường. Vả lại cái tính liều mạng hồi còn trẻ vẫn còn nguyên trong tôi nên tới đâu lo tới đó.

Tôi chưa đi xe lửa ở Mỹ nên không thể so sánh với xe lửa của Âu châu. Chắc rằng ở đây rất nhiều người dân dùng xe lửa làm phương tiện di chuyển vì tôi thấy ga nào cũng đông người chờ đợi. Trên tàu không nghe, không đọc được thì tôi coi bản đồ tiếp nối con đường và những ga trạm sẽ tới. Nhớ cái tên phải xuống tôi nhìn trên màn hình báo thành phố kế tiếp mà an tâm thưởng thức phong cảnh hai bên đường.

Cẩn thận như thế mà tôi cũng suýt bị trễ chuyến tàu kế tiếp ở Olten, nếu không nhanh nhẹn hỏi đại một người hành khách. Chẳng là người ta thông báo thay đổi số tàu, số cổng bằng tiếng Đức mà tôi không biết, cứ chờ ở cổng đã ghi. Đến khi gần tới giờ mà chẳng thấy ai tôi mới cuống lên hỏi đại một ông khách đi qua, bấy giờ mới biết rằng người ta đã thông báo đổi cổng, đổi tàu đi Geneve. May quá tôi chạy như bay và kịp khi tàu vừa chuyển bánh. Lên đựơc tàu rồi tôi hỏi đi hỏi lại mãi cho chắc ăn là mình đã đúng tàu. Thật là hú vía.

Nhưng hình như xui xẻo cứ tìm đến với tôi khi chuyến tàu điện từ Geneve tới trạm biên giới ngừng ngang giữa đường vì trở ngại kỹ thuật. Thế là tôi phải theo đám hành khách đi bộ suốt dọc con đường để tìm tới trạm. Đoạn đường quá dài mà tôi phải kéo hành lý cồng kềnh nên thấm mệt. May mà Thảo Nguyên chờ ở Annemase cũng được thông báo về trở ngại này.

Mọi khó khăn và gian nan cũng qua đi khi thấy gương mặt tươi cười của con gái hiện ra khi tàu vừa tới. Hai bố con lại leo lên một xe buýt khác để về chỗ Nguyên mới thuê. May mắn là căn phòng Thảo Nguyên thuê được vừa rẻ, vừa rộng rãi, có giường ngủ sẵn sàng hơn hẳn những căn phòng trước đây mà lại được chính phủ trả cho một nửa tiền. Chỉ có điều đây là khu dành cho giới trẻ, an ninh rất nghiêm ngặt không cho ở thêm người. Vì là khách nước ngòai nên họ bằng lòng cho tôi ở cùng, nhưng chỉ tổng cộng ba mươi ngày trong suốt cả năm học. Thế là đã quá đủ, vì tôi đâu cần ở lâu hơn thế.

Chỉ vài ngày Thảo Nguyên đã quen với công việc. Một tuần làm việc có ba ngày nên cuối tuần rất rảnh rang. Nguyên sẽ dẫn tôi đi thăm thành phố Annecy rất đẹp ở gần đó và khuyên tôi nên đi thăm hai ông bạn Phạm cô Giao và Nguyễn hiền Trung ở thành phố Lyon.

Thế là ngày thứ bảy, hai bố con lên xe buýt chạy tới bến xe lửa mua vé xe tới Annecy. Bây giờ thì Thảo Nguyên đã thông thạo đường xá ở đây và tôi cũng quen dần nên tự tin và bớt đi nỗi lo. Tuy mua vé ở nhà ga nhưng hai bố con chọn đi xe buýt thay vì xe lửa để ngắm cảnh hai bên đường. Thảo Nguyên đã đi tới đây thăm bạn mấy lần nên rành rẽ lắm.

Qua rất nhiều ngọn đồi tròn, cây xanh lá phủ đầy nắng ban mai tiếp nối nhau trên con đường quanh co như núi đồi Đà Lạt làm tâm hồn tôi trẻ lại. Ngày xưa , xưa lắm tôi cũng mang tâm hồn rất trẻ này khi tiến vào một ngọn đồi mang tên 4648 ở Đà Lạt, nhận nơi đó là mái nhà cư ngụ suốt hơn hai năm để rèn luyện thể chất và kiến thức trước khi bước vào cuộc chiến bảo vệ quê hương. Hôm nay tôi cũng đi trên những con đường đầy những ngọn đồi giống như xưa để cho con tôi vào đời. Có một chút gì xao xuyến trong lòng.

Xuống xe, hai cha con đi bộ dọc theo bờ một con kênh đào rộng chừng bằng một con đường phố mà nước trong suốt như gương, hai bên trồng những cây xanh lá to rợp mát. Có những con thiên nga, từng cặp lội trên dòng nước, với chiếc cổ dài thỉnh thoảng đưa mỏ xuống tận đáy kênh để tìm thức ăn mà tôi nhìn rõ như trên cạn. Một chiếc cầu bắc ngang để qua bên kia bờ kênh mà cũng là giới hạn của bờ hồ Annecy rộng lớn phía bên kia. Chiếc cầu này có cái tên mà ai cũng thích và mong muốn được một lần dắt tay người mình yêu đi qua, đó là Cầu của tình yêu (Bridge of Love). Tôi nhìn lại phía sau để bất ngờ thấy một phần thành phố nằm sâu trong dòng nước của nhiều đoạn kênh đào chằng chịt giao nhau như những con đường để tự hỏi rằng có phải đây là thành phố Venice lừng danh mà tôi chỉ nghe, chỉ biết trong những áng văn chương. Không đây chỉ là thành phố Annecy của Pháp quốc. Một thành phố đẹp mang đầy vẻ lãng mạng với những dòng kênh xanh lơ như mắt người con gái phương Tây. Thành phố được mệnh danh là Venice của nước Pháp này đây.

Về địa lý và tổ chức Anncy là một thị xã của khu hành chánh Haute-Savoir thuộc vùng Rhon-Alpes đông nam Pháp quốc. Khác với Annemase nằm sát cạnh, Annecy nằm về phía nam cách thành phố nổi tiếng Geneve khoảng 35 cây số. Nơi đây có hồ mang cùng tên Annecy thơ mộng nằm dọc theo các sườn núi đá với chiều dài khoảng mười lăm cây số và chỗ rộng nhất của bề ngang khoảng ba cây số. Các ngọn núi đá, đồi xanh quyến rũ bao quanh tạo nên một khung cảnh thơ mộng vô cùng. Thành phố Annecy nằm trên một đỉnh cực bắc, chạy dài cả bốn năm cây số ven hồ.

Hôm nay là thứ bảy nên du khách và người trong thành phố ra hồ hóng mát rất nhiều. Hai bố con đi dọc theo con đường ngay bên cạnh bờ hồ xem người ta phơi nắng. Nói chung thì sinh hoạt ở bất cứ nơi nào trên đất Pháp cũng gần giống như ở Mỹ. Có khác chăng là chỉ một vài sắc thái đặc biệt mang nhiều tính chất địa phương, nhưng đó mới là cái quyến rũ cho sự thoả mãn những ước mơ được biết mà tôi khát khao từ hồi còn trẻ.

Con đường chạy sát theo bờ hồ, sát đến nỗi lề đường để du khách dạo chơi cũng chính là đường viền của hồ nước. Tôi nhìn ra xa, giới hạn của hồ đã ra ngoài tầm mắt. Thành phố nào bên hồ cũng đẹp. Nhất là những thành phố có nhiều đồi núi bao quanh như Annecy này đây. Hai bố con đi lang thang tới một bến tàu chở khách du lịch định giờ sẽ đi rồi ngược lại để thăm thành phố.

Một phần thành phố Annecy nằm trên các con kinh đào nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy một chiếc thuyền nào như đã thấy trong các hình chụp về thành phố Venice của Ý. Có lẽ nước ở đây cạn quá. Tuy cạn nhưng rất trong và sạch sẽ vô cùng. Thảo Nguyên chỉ cho tôi một căn nhà cũ năm giữa con kênh, bảo tôi đó là nhà tù cũ nổi tiếng với cái tên Palais de L’Ile được xây từ thế kỷ 12 (?), dấu hiệu của Annecy và là một trong những hình ảnh tiêu biểu trong số những hình ảnh đặc trưng về nước Pháp.

Qua một chiếc cầu khác đã nằm sâu trong thành phố hai bố con tìm đến một quán ăn nhưng chỉ dừng lại trước xe bán đồ ăn bên đường nằm trước quán. Bánh mì ăn với phô mai cộng thêm một lát thịt heo khô trong lúc đói sao mà quyến rũ lạ lùng. Chỗ này nhìn cũng phần nào giống chùa Cầu ở Hội An nhưng khí hậu mát mẻ nên con người cũng tươi vui hơn. Du khách vừa đi vừa ăn uống nhưng không thấy xả rác bừa bãi như ở Việt Nam dù lâu lâu tôi mới thấy một thùng rác công cộng. Chắc đây là khu trung tâm phố cổ vì tôi thấy những căn nhà, những con đường được lát bằng những loại gạch đá vuông như hầu hết các căn nhà cổ ở Âu châu. Lâu lâu bên đường phố hẹp lại thấy những dấu hiệu của thời xưa.

Tôi cứ đi theo Thảo Nguyên chứ không thể định hướng được rằng tới đâu. Phần vì lười, phần vì không có bản đồ trong tay, mà phần lớn là cũng ỷ lại vào con gái nên tôi không lo gì chuyện lạc đường. Thảo Nguyên đã sắp xếp kỹ những nơi nào muốn đến và với bản đồ trong tay chúng tôi vô tư bước trên đường phố.

Qua những hàng rào sắt của những căn biệt thự rồi công sở, chúng tôi theo dần các con đường lên đồi cao. Ở đây người ta ở và bán buôn xen kẽ lẫn nhau chứ không riêng biệt như ở Mỹ. Có thể vì thế mà ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào cũng thấy rộn rã tươi vui.

Chúng tôi vào một nơi, chắc là khu nghèo nàn cuả Annecy. Đường lên dốc đứng cheo leo, quanh co như những sợi giây lớn giăng ngang qua bức tranh. Vào một căn nhà mà mấy người bạn Thảo Nguyên, cũng từ Mỹ qua thuê ở để đi dạy học. Căn nhà dài, sâu làm theo thế đất của sườn đồi. Các phòng tiếp nối với nhau cứ như những toa tàu. Có nhiều bất tiện nếu người ta muốn sông riêng biệt như ở Mỹ.

Nghỉ chân chừng gần một tiếng cho các cô cậu hàn huyên chuyện trò hai bố con tiếp tục ra đi. Chúng tôi qua một vườn hoa rồi leo lên một con đường khác, trải nhựa rộng hơn và lên tới lâu đài Annecy. Một điểm du lịch của thành phố.

Lâu đài tọa lạc trên một quả đồi cao trong thành phố được xây dựng từ thế kỷ thứ 11. Lúc đầu tiên là để làm chỗ cư ngụ cho giới chức quyền quý Geneve. Sau nhiều lần bị cháy, lâu đài bị bỏ hoang rồi có lúc đuợc làm trại lính. Đến năm 1953 lâu đài được sửa sang và trở thành viện bảo tàng. Một viện bảo tàng không có tâm hồn bởi vì bên trong là nơi trưng bày những bức tranh tân kỳ của thời cận đại khác hẳn với vẻ bên ngoài cổ kính của một lâu đài được xây dựng từ thế kỷ 11 xa xưa.

Leo lên tới lâu đài đã mệt, nhìn quanh sân chật hẹp của chu vi ngọn đồi nhỏ mà cứ bị chiếm dần bởi những con đường xung quanh, cộng thêm với gạch cát đá sỏi được bới tung lên của những chỗ đang sửa chữa dở dang làm tôi không muốn buớc thêm nữa. So với lâu đài Chambord mà tôi đã viếng thăm thì lâu đài Annecy chỉ bằng một phần mười. Nghỉ ngơi một lúc, đi quanh một vòng tôi ngồi chờ Thảo Nguyên đang coi những bức tranh để đi nơi khác.

Sắp đến giờ tàu đón khách chạy vòng trên hồ nên Thảo Nguyên và tôi phải vừa đi vừa chạy để có đủ thì giờ thăm nhà thờ chính tòa Annecy. Đến nơi tôi hơi thất vọng vì nhà thờ không lớn lắm, lại xây bằng những tảng đá tô nặng nề như một pháo đài. Nhà thờ chánh toà được xây từ thế kỷ 16, thoạt đầu chỉ là một nhà nguyện nhỏ cho tu sĩ dòng Francis. Đến năm 1822 trở thành nhà thờ chính toà khi giáo phận Annecy được thành lập. Có lẽ bị ám ảnh bởi nhà thờ là phải có nóc chuông cao vút tôi tần ngần nhìn quanh phía bên ngoài mà nghĩ rằng đã đủ rồi, nên vội vàng trở về lại hồ Annecy.

Hai bố con bước lên vừa kịp tàu rời bờ để ra giữa mặt hồ. Cuộc hành trình theo chiều dài, hai bên bờ là những ngọn núi mỗi lúc một cao dần hơn. Người ta chơi thể thao trượt nước bằng đủ mọi loại khác nhau như ở Mỹ. Nơi tôi ở cũng có nhiều hồ lớn nên chẳng ngạc nhiên gì với những loại tàu và thể thao trượt nước như ở đây. Có khác chăng là phong cảnh nhìn từ xa những lâu đài nhỏ thấp thoáng dấu mình trong những khoảng xanh mát mắt. Đi đâu ở đâu cũng có những lâu đài chẳng trách nào người ta bảo đất Pháp là xứ sở của những lâu đài. Chuyến đi hết dọc chiều dài của hồ Annecy cũng mất đi hơn một tiếng khiến chúng tôi cũng mệt nhoài vì sông nước.

Buổi chiều về tối lắm chúng tôi mới ra được bến xe thì đã trễ chuyến xe buýt cuối cùng về lại Annemase. Chắc lại phải ngủ đêm ở đây, lại tốn tiền thuê khách sạn. Tiếc tiền tôi cứ cằn nhằn Thảo Nguyên bởi cái tính rềnh rang của nó. Được cái là Nguyên không nói gì, chỉ chúi mũi vào những máy bán vé trong nhà ga. Một lúc sau nó vui vẻ cho biết đã mua được tàu lửa về một tỉnh khác và từ tỉnh đó chúng tôi có tàu về Annemase. Không bao lâu sau tàu đến, chúng tôi bước lên con tàu khá vắng người, rồi chuyển qua con tàu khác ở trạm tiếp chuyển. Về đến Annemase chúng tôi mới an tâm bước vào quán ăn buổi tối dù đã khuya rồi.

*********

Sau những ngày lang thang trong thành phố Lyon với những người bạn cũ tôi lại đáp xe bus trở về Annemase, chờ đợi tuần kế tiếp, Thảo Nguyên được nghỉ hai tuần sẽ đưa tôi đi thăm nước Ý. Nơi chúng tôi dự định dừng chân đầu tiên là thành phố Florence, một trung tâm thương mãi và văn hóa của Âu châu thời trung cổ, rất nổi tiếng về nghệ thuật và kiến trúc.

Du lịch theo kiểu nhà nghèo nên hai bố con chuẩn bị hành trang thật gọn nhẹ, vì sẽ phải đi bộ thật nhiều. Tôi dồn tất cả quần áo và đồ dùng cá nhân vào ba-lô cộng thêm laptop, máy ảnh nên khá nặng với tuổi trên sáu mươi của mình, bù lại Thảo Nguyên sẽ được mang thêm nhiều quần áo để thay đổi hàng ngày. Nhìn con gái xếp quần áo bằng cách cuộn tròn mọi thứ như đòn bánh rồi mới cho vào backpack, tôi ngạc nhiên hỏi tại sao và được giải thích rằng như thế để áo quần khỏi nhăn và đỡ tốn công ủi lại.

Hai bố con đón xe tới Geneve. Tại đây, Thảo Nguyên đã đặt vé tốc hành tới Florence, nhưng khi nhận vé xong thì tàu tốc hành không tới. Nhìn nét mặt lo âu của con gái tôi lại càng lo hơn. Ngày đầu tiên đã thế, chẳng biết những ngày sau sẽ ra sao. Bằng mọi cách chúng tôi phải tới Florence trong ngày hôm nay vì khách sạn đã đặt sẵn với tiền cọc rồi.

Cả đoàn người chờ tàu thất vọng đi qua một con tàu khác. Thảo Nguyên giải thích cho tôi biết rằng con tàu này sẽ tới một tỉnh của Thụy Sĩ trên đường tới Florence, nhưng rẽ qua nơi khác, vì thế chúng tôi phải đổi tàu liên tục để giữ hướng đi tới Florene. Tôi hỏi, phải đổi mấy lần, nó bảo ba hay bốn chưa biết rõ. Như thế trên mỗi trạm dừng đều phải hỏi thăm xem có đúng tàu đi hướng Florence không hay phải qua tàu khác. Ở Mỹ, cái gì cũng chính xác và nhanh chóng quen rồi nên nghe nói tôi ớn quá. Ớn cả cách làm việc của mấy ông bà Âu châu luôn.

Con tàu chầm chậm, ỳ ạch bò qua những rặng núi cheo leo của đất nước Thụy Sĩ chở nỗi lo lắng của tôi nên nặng thêm. Ngoài khung cửa tàu, những xóm nhà liên tiếp nối nhau trên những ngọn đồi xa, xinh xắn mà tôi chẳng bình tâm để thưởng thức đất nước Thuy Sĩ nhỏ bé, núi non hiểm trở nhưng đẹp vô cùng.

Rất may, sau hai lần đổi tàu, tới trạm thứ ba thì được thông báo tàu tốc hành vừa tới. Chúng tôi mừng quá, cùng nhau leo lên, thở phào nhẹ nhõm. Trên tàu sạch sẽ đầy đủ tiện nghi, có bàn để laptop hoặc đồ dùng. Hai bố con bây giờ mới vui vẻ nói chuyện với nhau bằng những tiếng cười. Tôi mở gói thức ăn mang theo, xẻ bánh mì, cho phô mai và cà chua vào rồi cắt làm đôi đưa cho Thảo Nguyên một nửa. Bố thì sợ tốn tiền lo mua đồ ăn mang theo. Con thì chê đồ ăn dở quá nên đi lên quầy bán hàng ăn. Một lúc sau cũng vác về một ổ bánh mì kiểu Ý.

Tàu đi qua vùng núi non trùng điệp, tới miền đồng bằng. Miền quê nước Ý gần giống như nước Pháp, cũng ruộng đồng, nông trại và những xóm làng. Có khác chăng là cái cảm tưởng trong tôi hình như mọi vật ở đây đều nhỏ bé xinh xinh.

Quá trưa tàu đến ga Florence. Bây giờ mới bắt đầu cho màn lội bộ. Thảo Nguyên ghé vào Tourist Information hỏi thăm tin tức và xin bản đồ. Chúng tôi sắp hàng và nói chuyện với người tới trước.

Toàn những thanh niên, sinh viên ở khắp các nơi đi du lịch theo kiểu ba-lô. Chỉ có mình tôi già mà ham vui cố theo chân bọn trẻ. Tôi nhận thấy ngôn ngữ hình như bắt đầu khó khăn hơn vì chúng tôi không biết tiếng Ý, mặc dù Thảo Nguyên đã mua một cuốn sách học thêm những tiếng thông dụng mà xem ra vẫn còn nhiều lúng túng vì đôi khi người Ý không muốn nói tiếng Anh hoặc Pháp.

Khi đựợc chỉ vẽ nơi đến là khách sạn tập thể dành cho bọn trẻ là chúng tôi đi ngay. Chúa ơi, chúng nó còn trẻ, tuổi ngoài đôi mươi đi mà như chạy. Tôi cố theo muốn hụt hơi nên không chú ý là mình đã qua những con đường nào. Thảo Nguyên lâu lâu coi bản đồ rồi đi tiếp. Tôi cố gắng theo sau. Qua bốn năm con đường, đến được khách sạn tập thể thì không còn chỗ, mặc dù mình cũng có tên đặt trước. Nhân viên làm việc có lẽ thấy không ổn nên chỉ vẽ cho chúng tôi một khách sạn gần đó, có phòng riêng cho hai người mà giá cũng tương đương. Thế là rủi mà hóa ra may mắn.

Trút được cái ba-lô nặng trên vai xuống là đã có một phần sung sướng. Hai bố con tắm rửa mau chóng rồi bỏ tất cả đồ đạc lại khách sạn thênh thang đi dạo phố phường và kiếm cái gì ăn. Khỏi phải chọn lựa, vì hai bên đường quán ăn nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Thực đơn để sẵn trước cửa cho du khách chọn trước khi quyết định bước vào.Thảo Nguyên thích đồ ăn Ý nên dễ dàng chọn lựa, còn tôi chẳng biết ăn gì ngoài Pizza.

Mặc dù Ý là quê hương của Pizza cũng như Việt nam là quê hương của phở nhưng pizza ở đây không thể ngon bằng Mỹ. Hay là mình ăn bánh Mỹ quen rồi.

Đường phố Florence hẹp nhưng gọn gàng sạch sẽ. Cũng giống như lối kiến trúc ở Pháp, thành phố có rất nhiều bùng binh, nơi năm sáu con đường tụ họp rồi phân ly muôn hướng.

Thành phố Florence mà người Ý thường gọi là Firence là thành phố lớn nhất trong vùng dân cư Tuscany với dân số khoảng 367 ngàn. Nếu kể các vùng lân cận dân số lên đến hơn một triệu ruỡi người. Trước đây vào thời trung cổ Florence là trung tâm văn hóa và thương mại lớn của Âu châu. Đặc biệt về nghệ thuật và kiến trúc, Florence đứng vào bậc nhất, là quê hương của biết bao nhiêu danh tài, những gương mặt lịch sử của thế giới như Leonardo da Vinci, Michelagelo, Botticelli. vv. Thành phố được mệnh danh là nơi khai sinh ra phong trào phục sinh Ý, được gọi là Athen của thời Trung cổ. Đã có một thời Florence là thủ đô của vương quyền Ý.

Florence cũng là quê hương của giòng họ nổi tiếng Medici, dòng họ danh giá đã làm nên cuộc cách mạng văn hóa nghệ thuật cho nước Ý và cả thế giới.

Khu vực lịch sử nằm ở trung tâm thành phố đã thu hút hàng triệu du khách hàng năm và được công nhận là di sản của cả thế giới năm 1982.

Nằm bên con sông Arno thơ mộng, với những cây cầu rất cổ xưa làm tăng thêm vẻ đẹp quý phái của Florence với rất nhiều nhà thờ và viện bảo tàng nằm gần như san sát bên nhau. Thú thực tôi chưa thấy nơi nào có nhiều nhà thờ nằm gần nhau như Florence. Với bước chân bộ hành chỉ mười lăm phút tôi đã gặp một nhà thờ, có khi cùng một con đường, mà nhà thờ nào khi bước vào trong mới thấy quả là một công trình vĩ đại. Dĩ nhiên đứng ở một nhà thờ này ta có thể nhìn thấy mái hay tháp chuông của nhà thờ kế cận.

Với rất nhiều kiến trúc cổ xưa, vĩ đại và tôn nghiêm, nếu muốn thưởng thức thấu đáo những nét đẹp của những kỳ công này phải mất cả tháng. Thời gian hai bố con dự trù ở Florence chỉ có hai ngày, thế nên đành cưỡi ngựa xem hoa, nhận biết, thưởng thức được tới đâu hay tới đó.

Thảo Nguyên bảo tôi, tối nay hai bố con đi khắp các đường phố, thăm các nhà thờ. Ngày mai phải dậy thật sớm để sắp hàng vào viện bảo tàng thăm các công trình nghệ thuật trong đó có bức tượng Davis bằng ngọc thạch của Michelagelo, rồi qua bên kia sông có quảng trường Michelangelo trên ngọn đồi cao. Từ đó, có thể nhìn thấy toàn khu phố cổ Florence và những cây cầu tuyệt đẹp bắc qua sông.

Chúng tôi đi ngay sau bữa ăn vội vã. Ngôi thánh đường chúng tôi tới đầu tiên là Piazza Duomo với hai ngọn tháp màu xanh cao sừng sững như hai ngọn núi. Nhà thờ chạy dài với hậu cung tròn , cao rộng và ngọn tháp cao hơn cả hai cột tháp phía trước. Bên ngoài trông đồ sộ vĩ đại như thế nhưng bước vào bên trong mới thấy cái đẹp đẽ, tài hoa của người xưa hơn lên gấp bội, không thể diễn tả trên giấy bút.

Từ trên nền đá hoa tôi ngước nhìn lên hành lang bao quanh nhà thờ và cung thánh thấy người thăm viếng bên trên nhỏ li ti. Tôi ngửa cổ đến muốn rớt cả chiếc mũ đang đội trên đầu y như anh cán binh giải phóng năm xưa đếm những tầng cao ốc Sài Gòn đến nỗi rơi cả nón cối xuống đường.

Từ chiều đến tối hai bố con tôi chỉ đủ thời gian để đi qua mấy con đường rồi tới khu Piazza della Signoria và lâu đài Vecchio. Nơi đây có rất nhiều bức tượng đàn ông khỏa thân được đắp bằng thạch cao màu trắng, hay đúc bằng đồng xanh trên những đài phun nước. Tất cả những bức tượng đều xa lạ. Tôi chỉ nhận ra được bức tượng vua David của Michelangelo, nhưng sau đó Thảo Nguyên cho tôi biết đây chỉ là tượng giả. Bức tượng thật bằng đá cẩm thạch đúc từ nguyên một khối đá rất quý mà Nguyên dự trù sẽ đi xem ở viện bảo tàng Academy Gallery trong ngày mai.

Khu sân của quảng trường và lâu đài được lát bằng đá rộng mênh mông nhưng người qua kẻ lại như mở hội. Tôi nhìn lên toà lâu đài kiến trúc cầu kỳ với những góc tường chạm trổ công phu bỗng nhô lên một ngọn tháp phía bên phải thật không cân đối. Sự không cân đối làm tôi có cảm tưởng như nó có thể bị gãy đổ bất cứ lúc nào.

Các cô con gái Ý (hay là du khách nước ngoài) cũng hút thuốc thoải mái không kém gì những nàng con gái Pháp. Nhìn những điếu thuốc được đốt lên liên tiếp tôi bỗng tiếc cho những đôi môi đỏ như son, ngon lành như chiếc bánh bao buổi sáng.

Chúng tôi đi thẳng con đường lên một chiếc cầu chính bắc ngang qua sông Arno. Đi trên cầu mà người ta ngỡ rằng đi trên một con đường thương mại. Trên cầu có những gian hàng buôn bán, tầng phía trên là những nhà hàng và để làm nơi cư ngụ. Trời vào đêm, hai bên cầu đèn sáng như sao và người đi về tấp nập không khác gì đêm ở New York, Hoa kỳ.

Từ cây cầu chính tôi nhìn thấy rất nhiều cây cầu bắc ngang sông. Nước trong xanh. Hai bên bờ là những toà nhà cổ kính. Phía xa một cây cầu nối liền hai bờ. Cảnh thật mà nhìn như tranh vẽ.

Hai bố con dạo quanh bờ sông rồi trở về lại những con phố chính. Cứ đi độ vài con đường nhỏ tôi lại thấy một nhà thờ với những lối kiến trúc cầu kỳ khác lạ. Dĩ nhiên những nhà thờ này không thể lớn bằng nhà thờ Duomo nhưng vào bên trong thì sự tráng lệ không kém chút nào.

Khi chúng tôi trở lại nơi xuất phát đầu tiên là quảng trường có nhà thờ Diomo trời đã vào đêm, nhưng số người trên đường phố đã không giảm mà mỗi lúc một tăng thêm.

Suốt dọc các con đường nối liền các quảng trường tới bờ sông, các quán nhỏ bán hàng hóa và đồ lưu niệm bày chật cả con đường, xen lẫn các nhà hàng ăn bày bàn ghế ngoài trời với thực đơn và giá cả được trưng bày bằng những tấm bảng viết tay to cho thực khách chọn món ăn cho vừa túi tiền trước khi bước vào. Hãy cẩn thận với giá cả ở đây vì bất cứ cái gì người ta cũng có thể tính tiền cho du khách cho dù là nước lạnh.

Tôi đã mệt và mỏi chân lắm nhưng không dám than thở, cố gắng đi theo con gái tới lại lâu đài Vecchio và quảng trường Della Signoria. Cũng như buổi chiều, số lượng du khách không hề giảm bớt. Suốt dọc theo một sân dài lát đá dẫn tới Uffizi Gallery là một khoảng ánh sáng lờ mờ. Một cô gái gầy cao đứng trong hành lang mỉm cười vẫy tôi lại. Tưởng có chuyện gì tôi đổi hướng bước tới gần và nhận ra ngay một khuôn mặt phấn son, dạn dày mệt mỏi. Tôi quay ra ngay giữa sân đi như chạy theo Thảo Nguyên trước khi nghe người con gái kia nói gì.

Ra khỏi khoảng sân là tới khu bờ sông rộng. Từ nơi này tôi nhìn thấy cầu Vecchio chan hòa ánh sáng. Ban đêm Florence cũng quyến rũ lạ lùng không kém gì đêm đầu tiên mà Thi Như dẫn chúng tôi đi lang thang trong những con đường sống động của Paris.

Đứng chơi một lúc tôi đành chịu thua không thể đi thêm được nữa. Tôi ngỏ ý muốn về khách sạn một mình còn Thảo Nguyên cứ tự do đi chơi thêm. Nhưng cuối cùng cả hai bố con đều muốn về lại để nghỉ ngơi vì ngày mai còn phải dậy sớm để đi thăm phòng trưng bày Academy Gallery.

Mờ sáng hôm sau khi chúng tôi có mặt tại Academy Gallery đã thấy rất nhiều người đứng xếp hàng chờ sẵn. Hai bố con xếp hàng phía sau và không hy vọng gì được vào trong buổi sáng vì phòng trưng bày chật hẹp chỉ nhận một số lượng khách thăm viếng giới hạn mua vé trước .

Tất cả những người trước mặt tôi đều có vé mua online, hay gọi từ hôm qua. Tôi thắc mắc không biết bên trong có cái gì quý giá lắm mà ai cũng nô nức muốn vào coi dù bên ngoài phòng trưng bày Academy chỉ là một dãy cao ốc bình thường không có gì đặc biệt. Tôi không hỏi vì thấy Thảo Nguyên cứ đi tới đi lui kiếm mua vé khi tôi đứng sắp hàng giữ chỗ. Một bà đứng phía sau, chắc cỡ tuổi tôi hay trẻ hơn một chút nói với Thảo Nguyên bằng tiếng Mỹ, bảo cháu đừng lo lắng, sau khi cho dám người có vé vào trước thể nào cũng còn dư chỗ và họ sẽ bán vé cho mình.

Tôi mừng quá bắt chuyện ngay. Trong lúc trò truyện để giết thời gian chờ đợi tôi được biết bà đang dạy ở một trường trung học tại Austin, thủ đô của tiểu bang Texas, là con gái của một cựu quân nhân không lực Mỹ tham chiến và là tù binh của Cộng Sản Việt Nam trong hơn bốn năm trời. Tôi không bỏ lỡ cơ hội khoe rằng mình cũng là tù nhân của Cộng sản sau 1975. Bà reo lên thích thú. Câu chuyện trở nên thân mật hơn khi bà nhắc lại lời xin lỗi của thống tướng Wesmoreland tới quân nhân Việt Nam Cộng Hòa khi chính phủ Mỹ đã bỏ rơi và giao những người anh hùng này cho kẻ thù miền Bắc. Vì là giáo sư của trường trung học bà cho tôi biết sở dĩ người ta xếp hàng đông đảo chờ vào coi trong Academy Gallery này là vì ai cũng muốn được nhìn thấy bức tượng David thật bằng đá cẩm thạch của Michelangelo mà ở chương trình trung học Mỹ, thường dạy cho học sinh về bức tượng này. Ngày mai bà sẽ đi thăm tháp nghiêng tại thành phố Pisa rồi trở về Texas.

Quả đúng như lời bà Mỹ nói, một lúc sau người ta bắt đầu bán vé cho những người chưa mua khi đám người chờ đợi đã vơi dần. Thảo Nguyên mua vé cho hai bố con vào cửa cũng khám xét như khi lên máy bay. Bên trong tối và chật, người đông như đi xem đại nhạc hội. Rất nhiều bức tượng và tranh vẽ mang những sắc thái, đường nét riêng biệt, phần đông là màu đen và trắng càng làm cho ánh sáng mất dần đi.

Academy Gallery được thành lập năm 1784 như là một trường dạy nghệ thuật, chứa đựng những tác phẩm và công việc quan trọng về nghệ thuật của Florene. Nổi danh với những tác phẩm điệu khắc của Michelangelo, nhất là bức tượng vua David.

Ở tầng đầu tiên người ta trưng bày những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc và bổ sung những tác phẩm cửa cuối thế kỷ 14 đến thế kỷ 15 trong phòng Byzantine và Flatine . Tôi đi qua những bức tranh, những bức tượng mà chẳng thấy một chúc xúc động nào chắc tại vì mình không hiểu hết cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật.

Trong phòng chính người ta trưng bày bức tượng David, tác phẩm điêu khắc tuyệt vời và nổi danh của Michelangelo. Bức tượng bằng đá cẩm thạch có vân màu đen, khắc thân hình vua David khỏa thân cao khoảng 4m34. Đường nét rất sống động như người thực. Đây là một kiệt tác của thời phục hưng được hoàn thành vào năm 1504.

Người ta không thể tới gần bức tượng. Một hàng dây ngăn cấm cách bức tượng với mọi người chừng vài mét. Tôi vừa giơ máy ảnh lên đã có nhăn viên an ninh tiến lại gần xua tay chỉ vào tấm biển có chiếc máy hình gạch chéo ở trên cao.

Để bảo vệ bức tượng với sự tàn phá của thời tiết, người ta di chuyển từ nơi đầu tiên Piazza della Signoria năm 1873 đến đây. Tôi nghe kể lại rằng có một du khách đã dùng búa đập vỡ một ngón chân của bức tượng để phá hoại nên mới có sự bảo vệ an ninh chặt chẽ đến như thế.

Có rất nhiều nhà điêu khắc làm tượng vua David theo nhiều hình thể kích cỡ khác nhau, tùy theo ý tưởng mỗi người, nhưng đây là một bức tượng hoàn hảo và vĩ đại nhất từ trước đến nay. Vì không thể chụp hình bức tượng thật, tôi phải chụp một trong những bức tượng giả trưng bày trước lâu đài Vecchio để quý vị thưởng lãm.

Đến trưa hai bố con tôi ra khỏi Academy Gallery, tìm vào một quán nhỏ ăn sáng và trưa cùng một lúc rồi đi thẳng ra phía bờ sông. Chúng tôi qua cầu Alle Grazie, đi dọc theo bờ sông về hướng đông leo lên con đường vòng theo ngọn đồi nhỏ, đó là quảng trường Michelangelo. Trên đường đi tôi gặp lại rất nhiều nhà thờ lớn nhỏ mang những sắc thái riêng biệt mà đêm qua bóng tối và sự vội vàng làm mất đi phần lớn vẻ hài hòa của màu sắc. Bao nhiêu năm qua rồi, dưới ánh nắng mặt trời tàn phá từng ngày mà những sắc màu đó vẫn cứ tươi mãi với thời gian.

Một trong những nhà thờ lạ lẫm đó là nhà thờ của người Do Thái ở Florence. Tôi nhận ra của người Do Thái vì những ngôi sao David sáu cánh chính giữa đỉnh cao. Không có thì giờ bước vào xem để giải tỏa nỗi thắc mắc của tôi vì thấy cây thánh giá hai bên. Có phải đây là nhà thờ của người Do Thái theo đạo Kitô.

Chừng mười lăm phút sau chúng tôi lên tới quảng trường Michelangelo. Đi bằng đường tắt, bước lên những bậc thang dành cho người đi bộ. Trưa nắng nhưng bây giờ là mùa thu nên không nóng lắm. Từ trên quảng trường tôi có thể nhìn thấy toàn bộ thành phố Florence đang trầm mình dưới nắng. Tôi nhìn thấy những nơi đã đi qua và thưởng thức vẻ đẹp của Florence lượn theo giòng sông quanh co uốn khúc.

Florence không rộng lớn, không đồ sộ nguy nga với những nhà cao chọc trời. Florence hiền hòa êm đềm bên dòng sông Arno. Florence khép nép, nhu mì nhưng Florence chứa đựng tâm hồn sáng tạo, là linh hồn của thế giới nghệ thuật ngày xưa.

Khi chúng tôi về lại thành phố trời đã về chiều. Đứng bên cầu nhìn xuống giòng sông tôi thấy thời gian như trôi theo giòng nước. Mau quá, mới hôm qua tôi vội vã đến đây, tất tả, vội vàng theo đám người du lịch. Háo hức trước cảnh lạ người xa mong khám phá cái hay cái lạ của xứ người để làm niềm vui mà bây giờ đã sắp phải giã từ.

Vào trong phố, những con đường vẫn đầy dẫy người qua kẻ lại. cuộc sống cứ nhộn nhịp trôi, các hàng quán hai bên đường vẫn đông vui. Người ta bày hàng ra bán la liệt

khắp trên đường phố.

Thảo Nguyên đề nghị tôi vào thăm viện bảo tàng nghệ thuật Uffizi Gallery, nơi trưng bày những bức tranh danh tiếng của Ý và thế giới. Tôi đã mệt, chỉ muốn đi dạo phố để thư giãn, vả lại tôi cũng không hiểu nhiều về nghệ thuật nên bảo Nguyên đi một mình. Tôi muốn dùng thời gian còn lại để đi dạo phố, tìm hiểu thêm những nét đặc biệt về đời sống của một thành phố nổi tiếng về nghệ thuật của Âu châu. Hai bố con hẹn gặp nhau ở khách sạn trước khi lên đường.

Mấy mươi ngày được may mắn sống giữa trời Âu mùa thu nồng nàn ấm áp, mùa thu mây giăng đầy trời và nắng vàng như tơ lụa, đẹp như tranh vẽ. Âu châu quả nhiên là xứ sở được nhắc đến đầy ắp trong văn chương.

Thảo Nguyên

 

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search