T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thảo Nguyên: Chiều Cao Non Thái

on the top

Trên Đỉnh – Tranh: Mai Tâm

Khi máy bay chuẩn bị chào phi đạo để đáp xuống phi trường Kuala Lumpur vào lúc nửa đêm về sáng ,tôi đã biết mình không còn thời giờ để nghỉ. Những chiếc đèn màu thấm đẫm sương đêm, nhoẹt nhòe, lóng lánh mỗi lúc một gần hơn.Phi cơ giảm dần cao độ , mang đến cho tôi một cảm giác hồi hộp bâng khuâng .Đây là vùng đất lạ .Lạ cả người lẫn cảnh mà sao lòng tôi vẫn cảm thấy thân thương như ở quê nhà thuở còn bé dại.

Tôi lớn lên trên đất Mỹ,nhưng vẫn mang trong hồn mảnh đất phương đông .Có lẽ vì thế mà dù rằng đặt chân đến Mã tôi đã có cảm tưởng rằng mình đã về lại quê cha. Ngày tôi vừa đủ trí khôn để nhớ,đã nghe hơn một lần bài hát của những người cùng một quê hương, nhưng không hẳn là mình “Xưa tôi yêu quê vì có hoa có bướm.Có những lần trốn học chịu đòn roi. Nay tôi yêu quê vì trong từng nắm đất. Có một phần xương thịt của em tôi”. Thì ra nơi nào ta sinh ra, nơi nào người thân gửi nắm xương tàn, nơi ấy đất đã hóa thành tâm hồn và có thể gọi là quê hương .

Máy bay đã xuống đầu phi đạo. Những chiếc đèn màu chạy dài liên tiếp về phía sau vùn vụt nhanh hơn gió thổi. Bánh xe vừa chạm trên mặt đất, máy phản lực đã đổi chiều rú lên kéo thân phi cơ chậm lại. Chưa vào bãi đáp mà hành khách đã xôn xao hẳn lên, kẻ đứng người ngồi trông chờ được xuống. Ai cũng hớn hở vừa qua một chuyến bay dài mệt nhọc và sắp gặp lại người thân. Tôi không có gì để mà vội vã ngoài cái cảm giác bâng khuâng vừa chợt đến. Không, không có ai chờ đợi tôi ở ngoài quầy hành khách giờ này. Tôi đến đây chỉ có một mình, và sẽ đi thật xa để có thể đến một nơi mà hai mươi năm trước tôi đã đặt những bước chân đầu tiên ở đất nước này.

Cô tiếp viên người Mã gốcTàu xinh đẹp đến gần để tôi vừa kịp nhận ra hành khách đã xuống hết cả rồi . Dòng suy tưởng của tôi tạm ngừng khi tiếng người đẹp vang lên.

May I help you,Sir.

-Ồ không . Xin lỗi tôi quên rằng đã đến lúc phải rời khỏi nơi đây.

Tôi vội vàng lấy chiếc va li từ trên giá xuống rồi bước đi ngay.Ra khỏi máy bay tôi mới có đủ chỗ căng hai bánh xe trong chiếc va li để kéo.Cô tiếp viên xinh xắn cũng rời khỏi thân tàu đi về cùng hướng. Tôi cố ý đi chậm lại, song song với cô gái rồi bạo dạn hỏi thăm.

-Thưa cô, tôi muốn chờ ở phi trường đợi sáng để đến một nơi xa.Tôi có thể thuê taxi để đi ngay ở phi truờng này có được không cô?

Cô gái hơi ngạc nhiên, hỏi lại.

Ông không định vào Kuala Lumpur à? Không có ai đón ông sao? Mà ông muốn đến nơi nào?

Tôi định đến tỉnh Terengganu. Bây giờ đã hơn bốn giờ sáng.Vào thành phố cũng không còn thời gian để ngủ. Tôi định nếu có thể thuê xe được ngay ở đây thì tôi sẽ đi luôn cho kịp.

Đến tỉnh Terengganu à.Xa lắm,cả bốn năm trăm cây số, có xe taxi nào chạy tới.Mà họ có chịu chạy thì ông cũng phải trả một món tiền rất lớn.Ông chỉ có thể thuê xe taxi ở đây tới bến xe Kuala Lumpur rồi từ đó mua vé xe đò để tới Terengganu thôi.Hoặc là ông mua vé máy bay rồi chờ ở đây nếu còn chỗ trống ,nhưng mà đắt lắm.

Tôi phải đành tính toán lại dự định của mình . Mới học xong và đi làm được gần một năm nay.Tiền bạc còn rất nhiều thiếu thốn.Nhưng tôi không thể không tới Terengganu được .Phải đành chọn lựa một cách nào để đỡ tốn kém hơn.Tôi nhìn cô gái nói thật hoàn cảnh của mình .

Tôi không có nhiều tiền như những người du khách khác.Cô làm ơn chỉ cho tôi cách nào để đến Terenggnu mà đỡ tốn kém nhất không ?

Cô gái nhìn tôi dò xét.Rồi không nén nổi tò mò cô lại hỏi tôi.

Ông từ đâu tới đây,và đến Terengganu để làm gì ?

Tôi là người Việt nam định cư ở Mỹ.Hai mươi năm trước đây Mã lai là mảnh đất đầu tiên cho tôi trú ngụ để tìm được tự do.Tôi muốn về lại nơi mà hai mươi năm trước tôi đã đi qua.

Cô gái reo lên vui vẻ.

-Thế ra ông là một thuyền nhân của hai mươi năm trước đây .Chắc ngày ấy ông còn bé lắm.

-Cô nói đúng .Ngày ấy tôi chỉ là cậu bé tị nạn nghèo nàn vừa tròn tám tuổi.Thời gian đi nhanh quá .Mới đó ngày nào mà đã mấy mươi năm.

-Từ đây tới Terengganu đường còn xa lắm.Nếu ông muốn tôi có thể giúp ông về tới bến xe thành phố.Từ đó ông có thể mua vé rẻ hơn.Nhưng sao ông không ở lại nghỉ ở Kuala Lumpur một ngày cho khỏe.Mai hẵng ra đi.Tôi chỉ cho ông tới một hotel không đắt lắm.

-Xin cảm ơn cô.Nhưng tôi muốn đi ngay.Vả lại tôi cũng không có nhiều tiền để nghỉ đêm trong khách sạn.

Cô gái hình như bằng lòng với lời nói thành thực của tôi.Cô mỉm cười thông cảm .Khi cả hai bước tới quầy quan thuế dành cho hành khách, cô gái quay sang bảo tôi.

Thôi được , kiểm soát hành lý xong ông chờ tôi một chút.Tôi sẽ chở ông tới bến xe vì trên cùng một đường về nơi tôi đang ở.

Nói xong cô bước vào phòng vé.Tôi mừng qúa ngồi xuống hàng ghế trong phòng đợi .Bước đầu tiên như thế đã là may.Đáng lẽ ra tôi phải chờ một vài năm sau mới có thể đi đến nơi này với tiền bạc dư thưà một chút.Nhưng không thể đợi lâu hơn nữa.Hai mươi năm đã là một khoảng thời gian rất dài cho một việc mình muốn mà vẫn chưa làm.

Một lúc sau cô gái đi ra.Trên tay cô kéo một chiếc xách to,chắc là đồ đạc cá nhân.Đã xong mọi việc,tôi nhanh nhẹn đứng lên bước theo ngay.Đến chỗ đậu xe dành riêng cho phi hành đoàn , tôi mau mắn khiêng giúp chiếc va li của nàng lên xe rồi xin phép được ngồi bên cạnh. Vẻ rụt rè và lễ phép của tôi làm cô gái cảm động , thân mật hơn.

-Tôi sẽ giúp ông mua được vé xe trong ngày hôm nay.Nếu đi từ sáng sớm như hôm nay thì buổi chiều chắc sẽ tới nơi.Xin lỗi ông tôi hơi tò mò một chút.Ông tới Terengganu vì một chuyện của hai mươi năm về trước.

-Vâng ,thưa cô tôi muốn đi tìm một chút bình yên cho tâm hồn.

-Ngày còn đi học tôi vẫn được nghe chuyện về những thuyền nhân liều chết vượt biển ra đi hàng đoàn hàng loạt.Tôi chẳng biết vì lý do gì mà họ sợ hãi không thể sống trên mảnh đất mà mình đã sinh ra .

-Có nhiều thứ làm người ta sợ hãi.Nhưng nỗi sợ hãi ghê gớm nhất là mất hết tự do.Đất nước tôi giàu có tài nguyên.Dân nước tôi thông minh, chăm chỉ nhưng vẫn đói nghèo vì không được tự do làm những gì mình muốn .

Đường về thành phố nữa khuya về sáng loang lổ ánh đèn.Trời đêm Kuala Lumpur trong xanh qúa.Thành phố hiện đại không kém gì đất Mỹ,nhưng đằm thắm tình người .Tôi may mắn đã gặp được một người thuần túy đông phương , nhân hậu ,tin người như cô gái đang lái xe bên cạnh .Nàng dễ dàng giúp đỡ những người đang cần được giúp.Tôi muốn nói một đôi lời ca ngợi để tỏ lòng biết ơn cô.

-Đất nuớc Mã lai giàu đẹp,dân Mã lai sung suớng quá.Chắc chẳng bao giờ cô thấy được nỗi khổ sở,sự nghèo nàn của một đất nước sau chiến tranh ,dẫy đầy thù hận như nứơc chúng tôi.

-Tôi nghe nói dân tộc của ông anh hùng và thông minh lắm.Đất nước ông lúc nào cũng là đề tài quyến rũ chúng tôi.Nếu có thể được ,xin ông kể cho tôi nghe một vài câu chuyện về mình .Đường về còn xa lắm . .

….. Tôi lớn lên trong đói rách ,nghèo nàn,của những ngày thơ cùng khổ.Được chăm lo bởi đôi tay gầy yếu của ông bà nội,với các cô chú còm cõi thiếu ăn trong một xã hội mà người cai trị lúc nào cũng dòm ngó,kỳ thị đổ xuống gia đình tôi.Thuở mới lọt lòng ,mẹ đã gửi tôi cho ông bà nội để đi làm việc ở xa.Thỉnh thoảng một thoáng đôi lần mẹ mới đến thăm .Vì thế cái sạp cũ kỹ trong những buổi chợ chiều là không gian quen thuộc.Tôi thường luẩn quẩn bên bà nội với gánh hàng rau tàn héo.Khi nhớ mẹ hay nhìn những đứa trẻ khác được mẹ nó âu yếm tôi lại hỏi bà.

-Bà nội,sao má cháu đi lâu quá không về.

Mỗi lần như thế bà lại ôm lấy tôi ,xoa đầu an ủi.

-Tại bây giờ đi cách mạng giải phóng miền Nam.Ai ai cũng phải vào đội vào đoàn làm việc bằng hai nên bận lắm,làm gì có thì giờ để lo cho con cái nữa.

Tôi lại hỏi bà.

-Thế còn bố cháu đâu rồi bà nội.

Bà tôi thẫn thờ, nghẹn ngào trả lời rất nhanh .

-Bố mày là ngụy,bị công an bắt đi tù rồi.

Một ngày đã lâu tôi không còn nhớ nữa,chú Khôi đi đâu về ghé tai bà nội thì thầm những gì tôi không được rõ.Rất lâu bà ngửng lên nhìn tôi rồi rơm rớm nước mắt.Khi tôi chạy tới,bà ôm chầm lấy tôi rên rỉ.

-Tội nghiệp cháu của tôi,Còn cha còn mẹ mà cũng như mồ côi.

Ngày ấy tôi còn nhỏ qúa,chẳng hiểu gì nên hỏi lại bà.

-Mồ côi là sao hở bà.Sao cháu lại mồ côi.

Bà nội không nói,cứ ôm chặt tôi vào lòng .Từ đó về sau tôi chẳng bao giờ được mẹ tới thăm.Thật lâu tôi mới biết được rằng mẹ tôi đã vượt biên đến một nơi nào xa lắm.

Năm tôi lên bảy tuổi,phải cố gắng lắm bà nội tôi mới có thể cho tôi đi học.Tuy là lớp vỡ lòng nhưng tôi đã biết đọc và tính tóan vì chú Khôi thường dạy ở nhà.Sau buổi học tôi thường ra chợ giúp bà nội bán hàng và sai vặt.Thỉnh thoảng bà nội thường cho tôi xem lại ảnh một người lính mặc áo màu hoa rồi bảo.

-Đây là bố mày đó.Bố mày là sĩ quan ngụy nên bị chúng nó bắt đi rồi.

-Sao bố cháu mặc đồ không giống mấy ông bộ đội.Mặc quần áo này sao giống mấy thằng Mỹ qúa.

-Giống Mỹ nên mới bị bắt đi tù

Sự cách biệt giữa tôi và những thằng cùng lớp để tôi hiểu thêm rằng cha tôi là một người lính của chế độ miền Nam thua trận , đã bị bắt đi tù khi tôi vừa tròn hai tháng .

Cuộc đời chúng tôi trôi trong mệt mỏi.Những bữa ăn trộn đầy khai sắn và thức ăn hôm nào cũng giống hôm nào.Buổi tối ăn xong tôi thường quanh quẩn bên bà,học bái ê a dưới ngọn đèn nê ông duy nhất.Chú Khôi hay dạy tôi làm toán và cô Trâm thường đắt tôi ra bể nước rửa ráy tay chân trước khi đi ngủ.

Cho đến một hôm vừa đi học về bụng đói,tôi định chạy ra chợ đòi bà mua bánh .Hình như có ai đang thập thò trước cửa.Tôi ngước nhìn lên để thấy mot người đàn ông gầy gò trong bộ quần áo màu xanh sọc trắng .Thấy tôi ông vội hỏi.

-Không có ai ở nhà sao cháu.

Tôi mau mắn trả lời.

-Dạ,bà nội còn ở ngoài chợ.Cô Trâm cô Ái đi bán bánh chưa về.

-Thế còn ông nội.

-Ông nội đi kinh tế mới với chú Hoà rồi.

-Thế mẹ cháu đâu?

Mẹ cháu vượt biên sang Mỹ lâu rồi

Ông yên lặng nhìn tôi một lúc thật lâu,lâu lắm rồi lại hỏi tôi.

-Có phải cháu tên là Hiếu không .

Tôi ngạc nhiên nhìn ông nói lớn.

-Dạ cháu là Hiếu đây.Sao ông lại biết tên cháu.

Người đàn ông ngẩn người ra .Một lúc sau ông chạy đến,quỳ xuống ôm chặt tôi vào lòng kêu lên như muốn khóc.

Bố của con đây.Hôm nay bố được về ở với con đây.

Tôi ngỡ ngàng nhìn cha .Chưa bao giờ tôi thấy đuợc mặt người ngoại trừ tấm ảnh áo hoa mà bà nọi thường đưa tôi coi mỗi khi nói về người tù thân thiết .Nhưng nét mặt quen thuộc và một mãnh lực vô hình nào đó siết chặt lấy tôi.Đúng cha thật rồi.Tôi ôm chặt lấy ông nức nở.

Bố ơi ,sao bố đi lâu qúa.Ở nhà mấy thằng con nhà cán bộ chúng nó bắt nạt con.

Hai cha con ôm nhau thật lâu.Rồi tôi dắt cha tôi ra chỗ bà nội bán rau.Tình cờ có cả cô Trâm cô Ái đi bán bánh mới về ở đó.Tôi vưà kéo tay cha vưà la lớn.

-Bả nôi ơi,bố cháu về đây rồi bà nội.

Bà tôi và hai cô chỉ một thoáng ngỡ ngàng cùng la lên rồi bỏ cả hàng chạy ngay lại vây quanh rồi ôm lấy cha.Bà tôi khóc rống lên,hai cô tôi đầm đìà nước mắt và tôi cũng khóc theo.Bao nhiêu giọt nước mắt nhỏ giữa khu chợ chiều hiu quạnh .

Từ ngày có cha về cuộc sông của tôi thay đổi hẳn.Tuy vẫn cơm độn ngô khoai nhưng trong nhà đã có tiếng cười.Ông nội và chú Hoà lâu lâu lại về thì thầm với cha.Mặt bà nội đã thôi ủ dột buồn bã như dạo trước.Chú Khôi,chú Hoà và hai cô đã có lúc vui đùa.Tôi không còn cảm thấy sợ mấy thằng con nhà cán bộ thường hay bắt nạt bắt tôi nộp kẹo..Có cha tôi cảm thấy can đảm hơn lên

Cha tôi chỉ nghỉ ngơi vài ngày rồi lại bắt đầu làm việc kiếm sống .Không có chỗ nào cho một người tù chính trị trở về ngoài những việc phải đổi sức người lấy miếng cơm.Một người chị họ của mẹ tôi đi buôn hàng chuyến cần người đẩy xe ba-gác để giao hàng .Thế là cha tôi hân hoan nhận công việc ấy.

Tôi thích được đi theo giúp cha đẩy xe trong những ngày nghỉ học .Nói là giúp chứ thực ra tôi trèo lên xe cho cha đạp.Thỉnh thoảng gặp chỗ giốc cao hay ổ gà tôi mới phụ thêm sức lực .Đó là những ngày thơ vui nhất trong đời không bao giờ tôi còn tìm lại được.Có đi với cha , tôi mới thấy được những khổ sở nhọc nhằn trong công việc hàng ngày của người.Những kiện hàng nặng chất cao trên xe,đẩy qua những khu chợ hẹp,bừa bộn quang gánh và hàng hóa .Những ngày đầu chưa quen việc ,làm đổ cả gánh cá của người ta.Bà bán cá tiếc hàng , tiếc của nhảy lên chửi rủa.Hai cha con cuống quýt sợ hãi bắt cá bỏ lại và năn nỉ bồi thường thiệt hại.Lại có lần làm đổ cả gánh hàng rau.Cô bán rau vốn có cảm tình với cha .chỉ mắng yêu thôi.

-Gớm cái nhà bác này mới ra nghề,chẳng biết lái xe gì cả ,làm đổ cả gánh của người ta .

Mỗi lần như thế tôi lại hỏi cha về mẹ.Bố không trả lời mà chỉ vuốt tóc tôi an ủi.

-Tại cuộc sống con ạ.Tại thời thế đổi thay,mẹ cũng đâu muốn thế.

Tôi thường khoe với bố thành tích đạt được trong trường.Nào là cố gắng phấn đấu làm cháu ngoan bác Hồ để được quàng khăn đỏ.Tôi say sưa hát cho bố nghe những bài hát được dạy trong lớp học

Em mua một cây bút chì

Vẽ ngay một tên giặc ngụy

Em tô đôi mắt đỏ kè

Cái mặt nhăn nhó thấy ghê

Nó đang kêu khóc lạy van

Chú giải phóng quân miền nam

Cầm súng chúng đứng hiên ngang

Bắt tên ngụy giơ tay hàng ,

Cha tôi lặng người đi một lúc không nói gì.Từ đó về sau ngày nào cha cũng giảng giải cặn kẽ cho tôi nghe về cuộc đời của ông và những người lính miền Nam xưa chiến đấu cho tự do của người dân Việt.Nhưng không may đã bị bỏ rơi,bị tù tôi và lăng nhục.Về sự ngu dốt bạo tàn của người cộng sản mang đến đói nghèo cho đất nước bây giờ.

Thỉnh thoảng cha tôi phải lên đồn công an để trình diện chính quyền.Viết bản tường trình hàng tháng nộp cho họ.Mỗi lần như thế ông trở về nhà ngồi buồn bã hàng giờ .

Một ngày ông nội tôi và chú Hòa lại về.Ông ngồi nói chuyện với cha thật lâu , kể về những mưu chước của những người cộng sản .Họ thường giả làm những người của chế độ cũ,dò hỏi,dụ dỗ những người lính miền Nam đi vào rừng kháng chiến.Nhưng thật sự đó chỉ là cái bẫy để bắt những ai còn có tư tưởng chống đối mà thôi.Ông nội thở dài bảo cha

-Chỉ có cách ra đi thôi con ạ.Ra đi mới tìm được con đường sống để có thể trở về.

Một buổi chiều cha đi làm về sớm hơm thường lệ , lôi ra một chiếc ba lô đã cũ,khoét hai cái lỗ dưới đáy rồi bảo tôi xỏ chân vào.Ông nhấc bổng tôi lên rồi đeo ba lô vào vai.Tôi thích qúa vì được cõng trên lưng cha mà tay chân vẫn được tự do.Thử đi thử lại mấy lần cha dục tôi đi ngủ sớm.Mờ sáng hôm sau bác Phú-một người bạn tù cùng với cha tôi- đến nhà và rủ cha con tôi đi ngay.Buổi trưa chúng tôi đến Vũng tàu và có người dẫn ngay vào một căn chòi nhỏ.Suốt từ đó đến đêm chúng tôi không được ra ngoài.

Chúng tôi được đánh thức dậy vào lúc nửa khuya.Bác Phú và cha tôi đã chuẩn bị từ lúc nào.Tôi không dám hỏi nhưng được cha giải thích rằng ở đây gần kề bãi biển lại nhiều đá lớn.Thuyền không vào sát được ,chỉ neo ở xa và mọi người phải cố gắng bơi ra .Đó là lý do tai sao bố bỏ tôi vào ba lô để đeo trên vai.Chỗ này vì nguy hiểm thế nên công an thường không nghi ngờ canh gác.Chỉ một lúc sau có người vào ra hiệu cho chúng tôi đi theo xuống ngay bờ biển.Ở đó đã có một tốp nguời toàn đàn ông con trai chờ sẵn.Có lẽ tôi là đứa bé duy nhất trong cuộc trốn chạy này.Khi ánh đèn pin trên con tàu ra hiệu là nhửng đọan dây đã đuợc móc xong , mọi người cùng ào ra ngay.

Đến bây giờ tôi mới thấy sợ sự cuồng nộ của thiên nhiên.Từng ngọn sóng cao quá đầu người làm sợi dây chìm sâu trong nước.Mọi người đều chỉ đi người không ,còn cha thì phải đeo tôi trên vai vượt sóng nên không thể nhanh nhẹn được.Ra được nửa chừng tôi sợ qúa.Trong cái ánh sáng mờ mờ như địa ngục của những chòm sao đêm,bao nhiêu bóng người nhấp nhô trên sóng dữ.Mấy lần chìm sâu trong nước.Sợ qúa tôi khóc ầm lên.

-Thôi đi về đi bố ơi.Không bơi ra được đâu,chết mất.

Đang lúc ấy thì trên bờ tiếng súng nổ vang.Tiếng la hét chửi bới của mấy thằng công an có lẽ còn to hơn tiếng sóng vỗ.Con tàu vôi vã bỏ bây xuống biển,chặt neo chạy vội ra xa bỏ mặc cha con tôi và những người chậm chân chìm trong hỗn loạn.Chỉ còn một con đường sống là trở lại bờ đá để nạp mạng cho mấy thằng công an đang chửi rủa trên bờ.Cha bảo tôi yên lặng .Ông buông dây lần ngang con sóng .Tôi hiểu ông không thể nạp mình .Phải đi vào cái chết tìm con đường sống .Tôi nghiến răng nhắm mắt ôm chặt lấy cha,mặc cho sóng biển đưa đi.Trời còn tối qúa nên cha con tôi lần được vào bờ ,cách xa chỗ mấy thằng công an đang đứng ,lẫn bên những tảng đá to.Núp trong bờ đá đến trưa mới lần ra đường tìm tới bến xe.

Sau lần vượt biên hụt ấy cha tôi không dám trở về nhà bà nội nữa.Ông lang thang ,trốn tránh trong vùng ven biển để cố gắng tìm đường ra đi.Một may mắn tình cờ cha đươc một người quen của ông nội mướn ở trên thuyền.Từ đó ông học lái thuyền,đi cào,đi câu hàng ngày.Mấy tháng sau cha lại trở về dắt chú Khôi chú Hòa ,cô Trâm và tôi vội vã đi ra Bà rịa,để bắt đầu một cuộc phiêu lưu khác .

Đêm hôm ấy chúng tôi ra khơi trong giông tố hãi hùng .Tháng mười hai ,sóng to gió lớn.Không có tàu nào dám vượt biên nên công an cũng lơ là canh gác.Vì thế chúng tôi thoát ra được khỏi cửa biển không mấy khó khăn,nhưng thiên nhiên thì hung dữ qúa.Từng ngọn sóng cao như những căn nhà lầu mấy từng ập lên con thuyền mong manh bé nhỏ.Bấy giờ tôi mới thấy được cái uy dũng của người cha.Ông điều khiển con thuyền chống sóng .Mọi lệnh đưa ra mọi người đều phải thi hành tuyệt đối.Suốt đêm hôm ấy và ngày hôm sau chỉ là những chống đỡ để khỏi chìm,và khi đêm đến ,sóng gió dịu dần nhưng con thuyền đã lạc mất hướng đi.

Cha tôi gọi người tài công phụ và chú Khôi lên cabin để góp thên ý kiến.Ông đăt nhiều giả thiết về vị trí của con tàu rồi chọn một hải trình tuơng đối an toàn hơn cả.

Cả ngày hôm sau con thuyền trôi trên những lượn sóng khổng lồ ,màu nước đã trở nên đen thẫm.Chiều đã xuống rồi mà không gặp gì ngoài một chiếc phao và đôi guốc đàn bà.Không khí ghê rợn chết chóc bao quanh từng mỗi con người.

Ngày thứ ba và thứ tư con thuyền vẫn lầm lũi trôi trong vô định .Một vài người góp ý nên đổi hướng đi nhưng cha cương quyết giữ ý định của mình .Cha bảo chú Khôi,chú Hòa rằng nếu ông tính đúng thì đêm nay hoặc sáng mai con thuyền sẽ đi vào đường băng Hồng kông –Singapore.Chừng đó sẽ đổi hướng đi theo hải trình này,an toàn và dễ được tàu vớt hơn.

Đến nửa đêm lúc tôi còn đang ngủ bỗng có tiếng ai đó la lên.

Trông kià có ánh đèn.Chúng ta đã tới đất liền.

Thật ra đó không phải là hải đảo hay lục địa.Đó chỉ là con tàu lớn bỏ neo dừng lại.Bố ra lẹnh cho chú Khôi,chú Hoà và những anh thanh niên lấy quần áo thấm dầu làm thành những cây đuốc vẫy trong đêm tối, cầu cứu đến con tàu và tiến lại gần.Những buồn thay, cái ánh sánh hy vọng kia lại chạy đi xa rồi mất hút.Sau mấy giờ hy vọng tôi nghe thấy tiếng thở dài buồn bã của cha.Suốt đêm trong giấc ngủ chập chờn tôi cứ nghe thấy cha và các chú bàn tán mãi vền con đường thuyền đã đi qua.

Sáng sớm hôm sau trời quang đãng hẳn.Gió nhẹ nhàng thơm tho mùi biển mặn.Để tiết kiệm nhiên liệu cha tôi ra lệnh căng buồm .

Mười mấy người kéo giã cào ra dựng cột buồm.Sáu người con trai đứng phiá dưới nâng giã cào lên lắp vào lỗ đã đục sẳn ở giữa thuyền .Một đám khác leo lên nóc cabin kéo cho cột đứng lên.Mảnh buồm kết lại bằng những bao cát ngày xưa được luồn vào một cây ngang rồi kéo lên cao.Buồm căng lộng gió.

Cha bảo với chú Khôi là hôm nay gió nhẹ có thể căng buồm lên để tiết kiệm nhiên liệu vì đường còn mịt mùng xa thẳm.

Người ta yêu mẹ bởi những nét hiền hậu dịu dàng ,nhưng người ta yêu cha bởi những nét oai phong lẫm liệt.Tôi thương cha-dĩ nhiên-nhưng càng thương kính và hãnh diện hơn bởi những lời nói của cha được mọi người thi hành tuyệt đối.

Một lúc sau tiếng người reo hò như vỡ chợ.Một chiếc tàu xuất hiẹn phía trái chúng tôi mỗi lúc một rõ dần.Trời càng sáng hơn ,chúng tôi càng thấy nhiều tàu cứ mỗi lúc gần hơn đi cùng hướng với chúng tôi.Cha và chú Khôi vui mừng quá vì đã tính đúng đường đi.Ông hãnh diện ra lệnh cho người tài công phụ.

Đổi hướng tàu đi 270 độ.Mình sẽ theo các con tàu kia để đi tới Singapore.

Nửa giờ sau thì con tàu đi phiá sau dần dần hiện rõ.Có lẽ đó là một chiếc tàu buôn mang cờ Nhật bản.Mọi người đều dùng đủ mọi cách vẫy cờ cầu cứu nhưng xem ra không có kết qủa gì.Con tàu thản nhiên vượt qua như không thấy sự hiện diện của chúng tôi.Rồi rất nhiều tàu hiên ra ở chung quanh nhưng khoảng cách quá xa .Chắc chắn là họ đã thấy chúng tôi nhưng chẳng có tàu nào lại gần.Đế khoảng hai giờ chiều thì có một chiếc quay ngang dừng lại.Đó là một chiếc tàu mang cờ Pháp.Mọi người reo lên mừng rỡ.Sau năm ngày mệt mỏi ai cũng vui mừng bàn tán.Trên chiếc boong tàu kia là bờ bến của tự do.

Nhưng không ,khi chúng tôi hồ hởi tới gần thì những chiếc thùng ,những kiện hàng đã được móc dây thả xuống .Đầy đủ thực phẩm và dầu chạy máy.Cam táo nho lê đủ cả với giòng chữ chúc mừng giáng sinh bằng tiếng Pháp.Đến lúc ấy mọi người mới nhớ ra hôm nay là ngày chúa giáng trần.Xong xuôi tàu lại rời xa ,vội vã như hkông muốn nghe lời năn nỉ cầu cứu của chúng tôi.

Đến đêm tàu qua lại ,đèn sáng một khỏang đêm.Chúng tôi lại dốt bao nhiêu quần áo để xin được vớt .Đến nỗi mỗi người chỉ còn một cái quần mà vẫn chẳng thấy một tia hy vọng nào.

Sáng hôm sau đã sang ngày thứ sáu lênh đênh trên biển đột nhiên chúng tôi gặp đuợc ba chiếc tàu chiến mang cờ Mỹ đi ngược lại.Cha tôi đặt ống dòm xuống la lên.

Tàu mỹ,tàu Mỹ kia kià.Chắc chúng ta sẽ được vớt rồi.

Mọi người đều reo hò sung sướng .Mà thật vậy.Khi tàu Mỹ thấy chúng tôi là hụ còi vang lên ầm ỹ.Rồi cà ba chiếc tiến lên theo đội hình bao quanh chúng tôi.Một chiếc lớn nhất ở giữa ra hiệu cho chúng tôi lại gần và chạy vòng quanh tàu.Xuồng cấp cứu được thả xuống ngay.Ba quân nhân Mỹ mang máy truyền tin,dụng cụ y khoa cấp cứu chạy đến chúng tôi.Họ bước lên tàu đếm số người rồi đi vào hầm máy.Sau đó người mang máy gọi đi,chắc là báo cáo cho chiến hạm chỉ huy.Một lúc sau một chiếc thuyền nữa được thả xuống .Ai nấy đều reo hò mừng rỡ. Xuồng tiến gần lại.Họ mang đến cho chúng tôi bao nhiêu thực phẩm,áo quần với lời chỉ dẫn cứ chạy thẳng sẽ tới Mã lai hoặc Singapore.Cả thuyền đều chưng hửng bất ngờ hỏi tại sao tàu Mỹ mà không vớt người tỵ nạn.Họ giải thích rằng tàu đang bắt đầu đi công tác.Vả lại trên tàu không có ai đau yếu cần cấp cứu.Lại nữa là tàu còn chạy nhanh và chạy tốt có thể đến được Mã lai.

Cha tôi kinh ngạc đến sững sờ.Ông cấm mọi người không được nhận bất cứ một món đồ gì của người Mỹ mang xuống với hy vọng khơi dậy lòng thương hại.Nhưng cha tôi lại lầm lẫn nữa vì dù chúng tôi không nhận ,hai chiếc xuồng lại chất những kiện hàng trở lại rồi thản nhiên quay về tàu lớn.Một lúc sau cả ba chiếc đều hụ còi vội vã ra đi.

Trước cảnh này, cha tôi có lẽ là người đau đớn nhất.Ông lại tiếp tục cho tàu chạy về hướng cũ.Đến mờ sáng ngày thứ bảy thì chúng tôi tới đã thấy mờ xa là những núi non,và bao quanh không biết bao nhiêu tàu lớn nhỏ mang đủ loại cờ. Phiá trước mặt chúng tôi là một vùng ánh sáng lớn, chắc chắn là Singapore.

Đột nhiên có hai chiếc máy bay nhỏ hướng về chúng tôi rồi giảm dần cao độ.Họ bay sát trên đầu.Cha tôi vội gọi bác Châu,bạn của cha là một sĩ quan không quân dạo trước.

Ông ở không quân,biết thủ hiệu xin cấp cứu không .Làm đi xin tụi nó vớt chúng mình.

Bá Châu nằm lăn xuống khoang tàu đưa cả tay chân ra làm hiệu.Hai chiếc máy bay lộn đi lộn lại nhiều vòng rồi bay thẳng .Một chặp sau hai chiếc tàu sắt nhỏ tiến tới chúng tôi.Thôi thế là thoát rồi,chắc họ tới để đưa tất cả lên bờ.

Khi hai chiếc tàu tới gần họ quăng giây ra hiệu cho chúng tôi buộc lại.Trên tàu toàn là lính với đầy đủ súng ống ,chắc họ đang đi tuần tiểu. Nhưng lạ quá, sao mấy người lính cứ chiã súng vào chúng tôi như sẵn sàng nhả lên đạn.Thôi chết rồi họ kéo chúng tôi ra biển .

Bao nhiêu người quỳ xuống ,chắp tay vái lạy những người lính Singapore tha cho , tất cả đều quay mặt đi không nhìn lại,nhưng súng vẫn cứ chiã về chúng tôi.Họ bắc loa giải thích rằng đất Singapore không nhận người tỵ nạn.Chúng tôi muốn đi tới đâu thì tới ngoại trừ Singapore.

Đến đây ai cũng đầy tuyệt vọng .Có rất nhiều người bật lên tiếng khóc.Kéo trở ra biển chừng hai giờ sau họ dừng lại chỉ cho chúng tôi đi về hướng tây để tới Mã lai.

Không còn cách nào hơn ,con thuyền lầm lũi đi về đất Mã.Nhưng chỉ một tiếng sau thì tai họa đến với chúng tôi.Thuyền không thể tiến thêm , máy dần chậm lại.Ngưòi tài công phụ la lên.

Chân vịt vướng lưới giăng câu của tụi Mã lai rồi.

Chúng tôi đang ở gần bờ.Những lượn sóng to ngoài khơi võ ra nâng con thuyền lên cao rồi rơi xuống thật mau.Không ai dám nhảy xuống nước bây giờ để gỡ những mảnh lưới kia ra.Chúng tôi không còn thời gian nữa vì mỗi cơn sóng giập ngang,con thuyền ọp ẹp như muốn vỡ tung ra

Mọi người đều sợ hãi, cái chết như đã lởn vởn quanh đây.Tuy vậy không ai dám lặn xuống biển để gỡ lưới ra dù trên thuyền rất nhiều dân đi biển.Không còn thì giờ để suy tính nữa,cha tôi lao đầu vào cơn sóng sau khi dặn dò chú Khôi ,chú Hòa và những người gìữ lái ở trên thuyền.

Tôi ngừng kể,nhắm mắt để nhớ lại hình ảnh hào hùng của người cha lao vào cơn sóng giữ để cứu những người đang chờ chết ở trên thuyền.Cô gái vẫn lặng yên nghe nhưng mắt không rời đường phố.Co giảm dần tốc độ cho xe trở ra khỏi xa lộ.Đêm đã nhạt màu khi trời đang đợi sáng .Những vì sao muộn cũng đã lẩn khuất trong mây.Hồi lâu cô mới nói.

-Nghe chuyện ông kể tôi hồi hộp và cảm động quá.Đúng là một thiên anh hùng ca trên biển.Chính các ông đã viết vào lịch sử nhân loại một trang sử vĩ đại,hào hùng hơn cả những người Pilgrims tìm về đất Mỹ ngày xưa.Trang lịch sử của những thuyền nhân vượt biển bằng những con thuyền mong manh .Anh tôi học về xã hội ở đại học Kuala Lumpur này.Đang làm luận án tiến sĩ về những thuyền nhân như ông đó.Nếu anh tôi có dịp gặp được ông để mà phỏng vấn thì thật là may mắn.Chắc ông có thể giúp anh tôi biết được nhiều điều bổ ích trong luận án tốt nghiệp này.Khi nào xong công việc,nếu có thì giờ xin mời ông ghé nhà chúng tôi chơi.

-Vâng ,cảm ơn cô đã có lòng .Nhất định là tôi sẽ ghé lại nếu cô cho phép.

Một lúc sau chúng tôi đã tới bến xe.Cô gái nhanh nhẹn và quen thuộc dẫn tôi vào phòng vé.Bến xe ở đây cũng sạch sẽ và ngăn nắp như những bến xe Greyhound bên Mỹ.Nhìn những hàng xe chờ theo thứ tự,mới mẻ gọn gàng làm tôi nhớ lại những chuyến xe than đầy bụi cát , chìm đắm trong những bến xe loang lổ ổ gà của quê huơng Việt nam ngày sau giải phóng .Thủa ấy mỗi khi theo ông nội về Long khánh tôi phải bước lên những chiếc xe than không có chỗ ngồi.Phải đứng trong tất cả những cuộc hành trình .Chao ôi,cũng cùng trên một giải đất Đông nam á mà sự cách biệt qúa xa vời.

Nửa giờ sau tôi đã ngồi trên xe , ngay bên cửa sổ.Cô gái đặn dò tôi kỹ lưỡng vì biết tôi xa lạ với xứ sở này.Cô đưa cả cho tôi danh thiếp,có địa chỉ và số điện thoại cả hai nơi rồi mới quay trở lại chỗ xe nàng đang đậu.

Tôi đọc vội danh thiếp để biết tên cô là Amy Chen.Xe sắp sửa rời bến đột nhiên Amy quay trở lại, nói nhỏ với tài xế điều gì rồi lại vụt chạy đi.Tôi ngạc nhiên thấy xe dừng hẳn như chờ đợi điều gì.Một lúc sau cô quay trở lại với một gói trên tay.Amy đưa tất cả cho tôi rồi nói.

-Tôi mua cho ông bánh bao và nước ngọt.Trên đường đi ông khó mà kiếm được thức ăn vừa ý vì hàng quán dọc đường chỉ toàn đồ ăn Mã.Tôi đã dặn tài xế giúp đỡ ông nếu cần.Ở xứ này ai cũng nói được tiếng Anh nên ông đừng ngại.Thôi chúc ông đi đường bình an.

Tôi cảm động trưóc sự chu đáo của cô gái mới quen.Gương mặt cô bầu bĩnh hồn nhiên và trắng ngần,tương phản hẳn với những người Mã lai bản xứ.Với tôi bây giờ cô đáng yêu và nhân hậu như những bà tiên trong chuyện kể.

Xe đi qua nhũng con phố hẹp,bỏ Kuala lumpur hiện đại dàng sau.Đường xuyên bang ở đây chỉ có hai lane ngược xuôi nhưng được tráng nhựa bằng phẳng và sạch sẽ,không hề có dấu vết loang lổ hay ổ gà nào.Nắng mai đã chói chang bên khung cửa xe.Từ Kuala Lumpur phải đi về hướng đông để tới Terengganu.Đất nước Mã lai rất nhiều đồi núi.Con đường nhấp nhô lên dốc xuống đèo.Hai bên là những cánh rừng cao su ngút ngàn với những hàng cây thẳng tắp.Có những đoạn đèo cao phủ mờ mây trắng .Nhìn về phía đông ,cả một vùng ánh sáng trong không gian trong suốt, lóng lánh như thủy tinh .

Đến xế chiều xe bắt đầu đổ dốc xuống miền đông .Làng mạc thôn xóm hiện ra trong tầm mắt.Ở đâu cũng thấy cây xanh,một màu xanh tươi đẹp hiền hòa.Những người đàn ông Mã cởi trần,quấn xà rông và đội nón trên đầu.Chiếc nón màu đen,hình ống như những cái ly to úp xuống .Lũ trẻ mặc những chiếc áo sặc sỡ ,vui đùa trong những hàng cây.Những đền thờ hồi giáo mái tròn như những cũ hành tây, khổng lồ vàng chóe cong vút như toát ra cả sự màu nhiệm vào không gian.Ôi quê hương ngừơi ta sao thanh bình êm ấm quá .Đã không có chiến tranh mà cũng chẳng có hận thù.

Tôi lại nhớ đến quê hương Việt nam dưới tay người cộng sản.Tuổi thơ lê la đầu đường xó chợ.Tuổi thơ đang trốn chạy khỏi quê hương trong những đêm tối hãi hùng đạn bay súng nổ trên đầu.Ngừơi ta dạy chỉ dạy cho tôi toàn những hận thù.

Em mua một cây bút chì

Vẽ ngay một tên giặc ngụy.

Chính vì thế mà cha con ,chú cháu chúng tôi phải bỏ nước ra đi.

Đến xẩm tối xe mới tới Terengganu.Tôi thuê phòng ngủ ngay tại bến xe để ngày mai đi về bến tàu Marang thật sớm.Tôi dự định sẽ dừng lại ở đây xin giấy phép và mướn một vài người giúp đỡ.Từ Marang theo những chuyến tàu tôi sẽ ra khơi.

Đến Marang ,thật may tôi gặp được một sĩ quan quân đội chính quyền Mã lai gốc Tàu giúp đỡ.Đó là ông Đại úy chỉ huy Task force miền duyên hải Marang .Khi biết tôi là một cựu thuyền nhân và muốn đi ra hải đảo,ông mỉm cười nói lớn.

Trại đã dẹp lâu rồi.Không còn ai trên đảo nữa.Paulo Bidong bây giờ hoang vắng lắm.Chỉ có sóng biển và chim trời với một tiểu đội Task force luân phiên canh giữ .Ông định tìm ai trên đó?

Khi tôi nói rõ mục đích chuyến đi của mình ,ông đại úy yên lặng nhìn tôi cảm động .Một lúc sau ông nói.

Tôi sẽ giúp anh trở lại Paulo Bidong nhưng phải chờ thêm hai ngày nữa.Nếu anh không có gì gấp,tôi sẽ cho đi theo chuyến tàu tiếp tế.Như thế anh đỡ tốn tiền thuê tàu.

Tôi bằng lòng ở lại,sung sướng với sự may măn không ngờ.Tôi gọi ngay cho Amy để nhờ xác nhận chuyến bay nhưng không gặp.Nàng đã theo máy bay về lại Mỹ.Nhưng không sao,tôi có đủ thời gian.

Buổi chiều chờ đợi tôi đứng trên bến tàu Marang nhìn ra biển cả.Hàng dừa non tươi xanh ru hồn tôi về một không gian đớn đau.Hai mươi năm trước đây,một nơi nào đó trên bến tàu này tôi không nhớ rõ.Người ta đã chở một cậu bé thuyền nhân ốm yếu gầy còm ,vừa đi vừa khóc.Cậu đang lo sợ sẽ mất đi một tình yêu thiêng liêng và cao cả nhất trên đời.Cả chú Khôi,chú Hòa cô Trâm và nhiều người đi theo cũng khóc.

Những cây dừa năm ấy rũ rợi ngả nghiêng theo gió tháng mười hai.Những cây dừa già nua tang tóc in đậm trong hồn tôi cho đến cuối cuộc đời.

Hai hôm sau,khi ở trên chuến tàu đổi phiên của tuần duyên Mã,tôi đã chuẩn bị đầy đủ hành trang cho chuyến trở về Paulo Bidong .Bây giờ là tháng tư,trời yên lăng gió.Biển xanh tĩnh lặng như mặt nước hồ thu.Con tàu lướt trên mặt nước nhẹ nhàng khác hẳn ngày xưa.Gần ba tiếng đồng hồ sau một người lính Mã chỉ cho tôi một khoảng lờ mờ giữa trời mây nuớc bao la.

Paulo Biđong kia rồi.

Tôi hồi hộp nhìn theo không nén nổi bồi hồi.Vết lờ mờ hiện rõ hơn trongtừng phút.Không lâu thì mảnh đất trần trụi với những cây dừa gãy đổ ngày xưa hiện ra trọn vẹn .Đó là hòn cá mập đứng án ngữ ngay trước cửa Bidong .Chúng tôi ngày ấy thường đứng từ hải đảo Paulo Bidong nhìn ra hướng này, để mơ đến một vùng trời xa lạ ,giàu sang và hấp dẫn.Đó là hướng nhìn hy vọng .Hy vọng những con tàu đến chở đến nước uống và thực phẩm tươi.Chở theo những phái đoàn phỏng vấn nhận người,rồi từ đó chở người đi định cư về những phương trời xa lạ.

Ngày xưa đảo cá mập xác xơ với những hàng dừa gãy đổ,bây giờ đã trở lại tươi xanh .Những cây dưà non ,chắc mới được trồng đang bừng lên sức sống .Tàu qua hòn cá mập.Paulo Bidong ở kia rồi.Tôi hỏi người lính đi cùng .

-Chút nữa tàu sẽ cập vào cầu Jetty phải không ông .

Người lính ngơ ngác nhìn tôi như không hiểu.Có cầu Jetty nào nữa.Anh ta còn quá trẻ nên chẳng biết gì về Paulo Bidong ngày ấy.Có một chiếc cầu đầy ắp tình thương và hy vọng ở gìữa Biđong nối đi muôn hướng .Nó được bắt đầu từ cổng chính chạy dài ra biển hằng năm chục thước để cho tàu đến và đi ghé sát vào.Tử Jetty mang đến cho người bao nhiêu mơ ước.Vượt biển đến được Jetty là như đã đến cổng thiên đường .Từ Jetty người ta ra đi để đến thiên đường của những xứ xở tự do.Buổi chiều dân tỵ nạn thường ra đây câu cá ,ngóng chờ và hóng mát.Riêng tôi thường ra đây để khóc ,để nhớ người thân

Hai mươi phút sau tôi được đặt chân lên đảo tuy rằng chẳng còn cầu Jetty thuở ấy.Sau hai mươi năm dấu vết chẳng còn gì ngoài những ngọn đồi.Tuy cỏ cây đã phủ mờ lối cũ nhưng tôi vẫn nhận ra ra dốc đá dựng đứng.Phía dưới là bãi biển cát trắng ngần với nước yên lặng trong veo mà tôi thường tắm.

Tôi lần theo dấu vết xưa để trèo lên dốc đá.Từ trên đỉnh cao này tôi có thể nhìn bao quát Paulo Bidong .Những lán nhà ,trường học,chùa chiền rộn rịp khi xưa đâu còn nữa.Cả một tập thể sống động mấy chục ngàn người chen chúc trên một hải đảo chu vi chừng vài ba cây số.Một xã hội Việt nam lưu lạc ngay trên xứ người có biết bao nhiêu tâm tình,bao nhiêu đời sống giờ đây đã trôi vào thời gian để hoàn tòan im vắng .

Tôi quay sang mỏm đồi xanh phía trái.Những hòn đá to ,khắc những tên người và những lời nhắn gửi,nỗi vui mừng khi tới đất tự do hay những lời than óan chia lìa không biết có còn hiện hữu tới hôm nay.Lần theo sườn dốc,tôi huớng về đất thánh.Đó là nơi tôi đã ngồi yên lặng hằng giờ đe nhìn ra biển cả khóc thương cho một kiếp con người.Bước chân tôi hôm nay bồi hồi,chậm rãi để xác định lại những dấu vết khi xưa.Đây rồi,tôi cúi xuống cùng người phụ giúp phủi đi cát bụi bám trên phiến đá.Hàng chữ mờ nhạt qúa.Nó đõ gần như mòn nhẵn trong nắng mưa dù rằng năm ấy chú Khôi,chú Hoà đã cố đục cho sâu.Hôm nay tôi vẫn còn đọc được.Những hàng chữ này đưa tôi về cái ngày đau thương ấy..

..Chiếc thuyền không thể tiến về đằng trước,cũng không thể quay ngang tránh sóng .Máy kêu xành xành từng tiếng như đứt hơi dù chưa tắt hẳn.Nó sẽ bị sóng đánh chìm nếu chân vịt không còn quay được.Những mảnh lưới dày cộm của dân đánh cá Mã lai đã quấn vào làm chân vịt ngừng quay.Con thuyền gần như chết máy.Từng con sóng lớn vỡ ra ập đến làm con thuyền sắp vỡ tung ra..Biển đang cuồng nộ.Ai dám lao vào biển bây giờ.

Cha tôi đứng lên dặn chú Khôi và người tài công phụ vài điều rồi lao ngay xuống biển.Ông lặn thật sâu bám vào chân vịt lôi ra từng mảng lưới.Nhưng cứ gỡ được cánh quạt này thì hai cánh kia lưới lại bám vào.Sức và hơi người chỉ có gìới hạn nếu không nghĩ ra một cách nào.Tôi vất xuống cho cha một sợi dây thừng lớn và nói với ông cột những mảnh lưới kia vào để người trên thuyền giữ chặt.Sau hai giờ vật lộn với sóng gió,những mảnh lưới đã được gỡ ra khỏi cánh quạt của con thuyền.Trong lúc mọi người đang quá đỗi vui mừng thì một con sóng nhấc bổng thuyền lên.Nước ào qua tạo thành khoảng trống để cho con thuyền gần như rơi tự do xuống mặt nuớc trong khi cha tôi đang vùng vẫy cố ngoi lên.Máu loang đỏ ra ngay.

Cố đưa tay cho người trên thuyên nắm lấy cha tôi ngất liền sau đó.Chân vịt đã quay lại được,con thuyền bây giờ đã lấy lại được thăng bằng hướng mũi vào bờ.Hơn nửa tiếng sau chú Khôi và người tài công đưa được con thuyền vào bãi cát.Mọi người vui mừng ào ngay xuống mặt đất tự do,chỉ riêng cha tôi vẫn không tỉnh dậy.Những người dân Mã ở ven biển chạy đến nhìn chúng tôi với vẻ lạ lùng .Khi biết chúng tôi là dân Việt nam vượt biển họ reo hò cười nói.Người đổ tới mỗi lúc một đông hơn để xem chúng tôi.Có cả quân đội không biết từ đâu cũng đến.Người chỉ huy nói chuyện với bác Châu và chú Khôi rồi đến chỗ cha tôi đang nằm bất đông trên thuyền.Tôi với chú Hòa cô Trâm vẫn ở bên cha chờ người ta khiêng xuống .

Hai giờ sau nhân viên hồng thập tự Mã lai ở hội trăng liềm đỏ mang thức ăn và quần áo đến rồi chở chúng tôi đi ngay.Tôi không thiết tha gì đến áo quần và thức ăn dù thiếu thốn nhiều ngày.Tôi chỉ nắm lấy tay cha để khóc.cả chú Khôi,chú Hòa ,cô Trâm và nhiều người cũng khóc .

Đến chiều, chúng tôi đến Marang ,cha tôi được đưa vào bệnh viện nhưng người chẳng bao giờ thức dậy.Cuối cùng nguời ta đưa cha tôi về lại Bidong để yên nghỉ nơi đây ,trong nghiã trang buồn cho những người không may mắn trước khi tới cổng thiên đường .Mới ngày nào mà nay đã hai mươi năm chẵn..

Tôi vẫn đứng đây, nơi đất thánh Bidong ,nhìn bao quát quanh vùng .Hải đảo cô đơn giữa biển cả chập chùng này có một lần nhà văn Duyên Anh đã gọi là quán trọ trước cửa ngõ của thiên đường .Đây là nơi trú ngụ đầu tiên của mấy trăm ngàn người đi tìm tự do dạo ấy.Đối với tôi Paulo Bidong đã hóa thành tâm hồn,đã là một phần quê huơng vì đã cưu mang tôi trong những ngày đầu bỡ ngỡ.Đã gìn giữ xương cốt cha tôi mấy chục năm trời.

Tôi bảo người phụ giúp bắt đầu công việc.Những xẻng đất chìm sâu trong ngôi mộ đã mang tầm mắt tôi đến gần cha.Một mảnh trăng trắng lẫn trong xẻng đất vừ mới được hất lên.Tôi bồi hồi nhận ra đó là chiếc lược bằng nhôm mà cha tôi đã làm ở trong tù để đem về tặng mẹ.Chiếc lược đó không bao giờ đến tay người nhận.Chính tôi đã bỏ xuống đây trả lại cho cha khi mọi người khác ném những hòn đất cuối cùng .Không có ai xứng đáng chải chiếc lược mà cha tôi đã hằng ngày mài dũa.

Tôi nhớ đến một đọan thơ trong cuốn nhật ký của cha mà chú Khôi đã trao khi tôi khôn lớn.

Xin có đôi lời gửi đến con.

Đời cha nợ nước vẫn chưa tròn

Thì xin trao cả giang sơn ấy.

Con gánh giùm cha những nỗi buồn.

Từng nắm đất được xúc lên.Khi nắp áo quan vừa bật mở,nhìn lại xương thịt của cha,tôi bật khóc.Hôm nay tôi có mặt nơi này là để mang hài cốt của người về cố quốc .Tôi thì thầm khấn nguyện,tin rằng nơi đào nguyên xa xăm nào đó cha tôi nghe được.

-Thưa cha,con sẽ gánh nỗi buồn của cha để lại và cố gắng đi trọn con đường dang dở của cha.

Buổi chiều Paulo Bidong buồn trong quạnh vắng .Gió biển mơn man lùa vào thịt da sao quá lạnh lùng .Tôi nhớ tới Amy với tấm lòng nhân hậu.Hy vọng sẽ gặp được nàng trong chuyến trở về.

Thảo Nguyên 5/2001

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search