T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thuở ban đầu Nam – Bắc gặp nhau

Ảnh (vntaiwan.catholic.org.tw)

20 tháng 7 năm 2022, đúng 68 năm ngày ký kết Hiệp Định Geneve 20-7-1954 chia đôi đất nước và mở đầu cho cuộc chạy trốn cộng sản của hơn 1 triệu người miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do và cũng mở đầu cho một giai đoạn lịch sử vừa bi thương vừa rực rỡ của dân tộc Việt Nam. Cùng lúc, chúng tôi nhận được một số những tài liệu quý báu về giai đoạn này do nhóm Lymha sưu tầm và gởi đến chúng tôi qua nhà thơ Như Thương, một cây bút trẻ thuộc thế hệ thứ hai luôn quan tâm tới các vấn đề mà thế hệ thứ nhất chúng tôi đã và đang phải đối mặt. Để nhắc nhở nhau, những người Việt hiện đang sống ở quê nhà hay đang ngụ cư rải rác khắp nơi trên thế giới, chúng tôi mạn phép các tác giả tập tài liệu, anh chị em trẻ thuộc nhóm Lymha, được đăng tải lại ở đây các tập tài liệu nói trên. Mở đầu là bài Ghi Chép của nhà văn kỳ cựu Trùng Dương, một cây bút luôn có mặt vào các thời điểm cần thiết nhất từ gần 60 năm nay.

T. Vấn & Bạn Hữu

Trùng Dương: 68 năm nhìn lại cuộc di cư 1954 Vĩnh Biệt Hải Phòng

Toàn văn Hiệp định Genève 20-7-1954 và Bản Tuyên bố cuối của hội nghị 

Tổ chức di cư và định cư 1954

Định cư 1 triệu người Bắc trên đất miền Nam

Thuở ban đầu Nam – Bắc gặp nhau



Lần đầu gặp người miền Nam


Tôi còn nhớ máy bay cargo chở chúng tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc khoảng 9, 10 giờ một đêm mưa tầm tã, Từ đó chúng tôi được đưa đến trại Liêu Tây chờ định cư. Thú thật lúc đó tôi không để ý gì đến khung cảnh chung quanh, vì đang chìm ngập trong tâm trạng hoảng sợ của một cô gái 16 tuổi mồ côi mẹ, chợt nhận biết từ đây mình không còn ở trong mái nhà quen thuộc, không còn anh, không còn bố, là hai người thân duy nhất bên cạnh. Các thiếu nữ 16 tuổi thời nay thì trưởng thành lắm rồi, nhưng thời đó, chúng tôi hiền và khờ khạo lắm, từ trước đến giờ chưa bao giờ đi máy bay, chưa bao giờ ra khỏi nhà một mình. Mới hôm trước, ba cha con chúng tôi còn chuẩn bị hành lý vào Nam, thì đùng một cái người anh quyết định ở lại đi vào bưng, còn bố thì đưa tôi ra phi trường, đẩy tôi vào dòng người đang lên máy bay, rồi bảo, “Con đi trước đi, bố ở lại tìm anh, sẽ gặp con trước hạn 300 ngày.” Miền Nam trong thời gian đầu tiên với tôi đồng nghĩa với buồn bã và lo sợ.

Nữ tài tử Kiều Chinh

Lúc mới di cư vào Sài Gòn tôi là một sinh viên 20 tuổi. Cảm nhận đầu tiên là sự thanh bình và thịnh vượng của miền Nam so với cái điêu tàn đổ nát vì chiến tranh của miền Bắc. Lúc đó sinh viên vào Nam được chính phủ chăm sóc khá chu đáo, nên tôi cảm thấy lạc quan với tương lai. Nhìn xung quanh thì thấy rõ hơn là người miền Nam tính tình dễ dãi và có lồi sinh hoạt rất lè phè, tiêu xài thoải mái, không cần kiệm như người Bắc. Sau này mới hiểu là vì đời sống ở đây không khó khăn như ngoài Bắc.

Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm

Ồ, lúc đó tôi mới có 7 tuổi. Không nhớ gì nhiều, chỉ nhớ là vui lắm vì lúc đó gia đình ở một trại tạm trú gần Sở Thú, và đang từ đời sống rất trật tự, quy củ, tự nhiên như được sổ lồng. Lúc đó sáu, bảy anh chị em chúng tôi cứ kéo nhau đi chơi suốt ngày, mà thường là vào Sở Thú. Chưa bao giờ được đi Sở Thú nhiều như thế, nên với chúng tôi lúc đó Sài Gòn là một chỗ thần tiên. Tiếc thay thời gian đó cũng không lâu, chỉ được vài tháng…
Luật Sư Phan Huy Ðạt


Nhắc đến những ngày mới vào Nam, tôi chỉ nhớ nhận xét đầu tiên là sao đường ở đây nhiều cứt ngựa thế, cứ ra đường là toàn thấy cứt ngựa. Dĩ nhiên đó là nhận xét của cậu bé 8 tuổi. Hình như gia đình tôi lúc đó ở trại tạm trú Phú Thọ. Sau khi ra khỏi trại rồi, đi học thì chỉ nhớ hay vật nhau với mấy thằng bạn cùng trường. Hễ tụi nó cứ: “ê, ê, thằng Bắc kỳ ăn cá rô cây” là tụi tôi tức lắm, sau mấy hôm im lặng không biết nói gì, một hôm tôi bỗng xuất khẩu thành thơ, nói lại: “Còn tụi mày Nam kỳ thì ăn mì khô cứt ngựa.” Thế là cả đám nhào vào vật nhau ra đất.
Bác Sĩ Minh Bùi


Lúc mới vào Nam gia đình tôi định cư ở gần đường Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Lúc đó tôi vừa lập gia đình nên quan tâm lớn nhất là làm sao kiếm việc làm để ổn định đời sống. Ðiều tôi nhớ nhất là thấy người miền Nam sung sướng và có lối sống hồn nhiên quá. Ở gần nhà tôi có gia đình người đạp xích lô. Buổi sáng ông chồng chở cả vợ lẫn con ra đầu chợ ăn sáng, chở con đi học, rồi chở vợ về, buổi trưa về mua cơm chở về cho vợ ăn rồi ngủ trưa xong mới đạp xe tiếp. Buổi tối lại về đón vợ con chở đi ăn tối. Ra chợ thì nếu mình mua cái gì một đồng mà đưa giấy hai đồng thì người bán hàng xé tiền ra làm đôi, đưa lại một nửa. Rất thoải mái!
Bà Phạm Thị Hậu


Lần đầu thấy người miền Bắc

Tôi còn nhớ buổi phát thanh cuối cùng của Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội trước khi từ giã đất Bắc để vào Nam, nghe xong lòng tôi buồn như muốn khóc. Thế rồi một ngày đầu Thu năm ấy, thành phố Hội An nhỏ bé và cổ kính của chúng tôi bắt đầu đón tiếp người Bắc di cư, mấy cái lều lớn được dựng lên trong khu vực sân quần vợt đầy ắp người ở. Niên khóa mới 1954-1955 trường Trần Quý Cáp chúng tôi có thêm một số bạn học mới nói tiếng Bắc, trong đó có những “cô em Bắc Kỳ nho nhỏ” rất duyên dáng. Và, một tiệm phở được khai trương một cách tạm bợ ở một con đường gần chợ. Tiêm phở này tôi cho là nét văn hóa ẩm thực Bắc Kỳ đầu tiên xuất hiện một cách rõ rệt tại thành phố Hội An.
Nhà văn Phạm Xuân Ðài

Lúc người miền Bắc di cư vào Nam tôi vừa lên trung học, ở một trường trung học gần Gia Ðịnh. Trường toàn học trò người Bắc. Nhận xét đầu tiên của tôi là họ học rất giỏi và rất chịu khó, lại rất tằn tiện. Ở gần trường có một quán bán thức ăn, nhưng buổi trưa thấy bạn bè người Bắc toàn ăn cơm gia đình gói cho. Họ không xài tiền. Tôi cũng nhớ mình ngưỡng mộ tài ăn nói khéo léo của người Bắc, nhất là giọng nói của các cô gái Bắc, nghe thật ngọt ngào. Còn nữa, người Bắc rất mộ đạo, gần trường có một cái nhà thờ, giờ ra chơi nào cũng thấy họ rủ nhau vào nhà thờ cầu nguyện…
Ký giả Kiều Mỹ Duyên

Tôi ở miền Trung, nhà ở gần một nhà thờ. Cuối năm 1954, một buổi sáng Chủ Nhật, tự nhiên có một đoàn người rất đông, ăn mặc rất lạ lùng đi ngang qua nhà tôi. Cha tôi giải thích đó là người Bắc di cư, họ rất sùng đạo nên chắc kéo nhau đến nhà thờ cầu nguyện. Và phì cười khi tôi hỏi, “Bắc ở đâu, người Bắc có phải là người Việt không?” Cha tôi bảo họ là đồng bào của mình, họ bỏ nhà cửa vào đây vì không muốn sống chung với cộng sản, và được đưa đến đây định cư. Lúc đó tính tò mò của đứa trẻ khoảng 12, 13 tuổi khiến tôi tìm cớ đến nhà thờ gần giờ tan lễ để lén nhìn những “người Việt lạ lùng” này. Họ ăn mặc lạ quá. Phụ nữ đa số người nào cũng bịt khăn trên đầu, có người vấn khăn, và đặc biệt là răng của người già đen như than khiến tôi sờ sợ. Tiếng nói của họ nghe cũng được, nhưng sau này nghe thêm thì tôi lại thấy thích cách phát âm giọng Bắc.
Ông Nguyễn Văn Nam

Với tôi, kỷ niệm với người Bắc di cư gắn liền với mấy cọng rau muống. Hồi mấy người Bắc vào Nam, nhà tôi ở Biên Hòa. Tôi nhớ lúc đó giữa họ với người Việt mình có một cái gì thật xa lạ. Một hôm thấy mấy bà mặc quần áo lạ lùng này đi vào các xóm tìm mua rau muống, tôi để ý thì biết họ mang về bán lại cho mấy người Bắc khác mua về ăn. Rau muống miền Nam hồi đó mọc hoang ở ruộng, người ta hái về băm ra trộn cám cho heo ăn, nên tụi tôi thấy lạ lắm. Nhưng họ thích ăn thì kệ. Từ từ, các ruộng rau muống trong vùng đều được người Bắc đến mua sạch, và tụi tôi đặt cho họ cái tên là “dân rau muống.” Lâu dần tôi thấy người Bắc bắt đầu đào ao thả cá, và thả luôn rau muống ở ao. Rau muống ở ao lớn và dài cọng ăn mềm hơn. Ðến khi một bà người Bắc hàng xóm gần nhà mang qua cho má tôi một thố canh bún, tụi tôi ăn thử mới biết mê cái món này, mê luôn mấy cọng rau muống.
Bà Trần Thị Huệ

Thú thật, hồi mới gặp mấy người Bắc di cư tôi không mấy thiện cảm. Mấy bà lớn tuổi răng đen thui, quấn khăn kín mít trên đầu, còn mấy ông thì đi đâu cũng mang theo cái điếu cầy, hút thuốc kêu sòng sọc. Nói năng thì khách sáo, giữ kẽ. Ở trường, gặp mấy cô em Bắc Kỳ, thì dù xinh đẹp tới mấy tụi tôi cũng đứng cho thật xa, nhìn mặt thôi cũng biết là khó tính, và cái tính (không) xài tiền của dân Bắc thì khỏi nói. Vậy mà tôi có người bạn thân là ông Bắc Kỳ di cư hồi nào không hay, mà còn lấy cô em gái của bạn mình làm vợ. Giờ tôi nói còn bị lây giọng Bắc nữa mới chết…
Ông Hoàng Văn Lượng

Source: nguoiviet.com

Bài Mới Nhất
Search