T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Vấn Lệ: Hội Thơ Tài Tử Việt Nam, Những Công Trình Đáng Quý

Trần Vấn Lệ : Hội Thơ Tài Tử Việt Nam,

Những Công Trình Đáng Quý

và Hưởng Ứng Của Người Đọc

(Câu chuyện 15 năm trước)

clip_image002

(Nguồn: Nguyệt San Rạng Đông)

Trước 30/4/75, ở Việt Nam -nói đúng hơn là miền Nam Việt Nam, phong trào làm thơ, viết văn đăng báo rất sôi nổi. Điều dễ hiểu là dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, quyền Tự do Tư tưởng và quyền Tự do Ngôn luận, Báo chí rất được tôn trọng. Tỉnh nào, thành phố nào, đặc biệt là Đô thành Sài gòn, các báo có mặt càng ngày càng nhiều. Báo vừa đăng tải tin tức thời sự, vừa có nhiều mục nói về văn học nghệ thuật.

Các hội văn và thơ đưọc ngọn gió mát tha hồ mà phất. Riêng về thơ, người ta thấy cứ năm người là có thể họp thành Hội Thơ, Nhóm Thơ, Chẳng hạn Hội Thơ Quỳnh Giao, Nhóm Thơ Mây Biển, Trường Thơ Bạch Nga…

Sau 30/4/75, phong trào thơ trong nước hình như đã lặng vì chế độ mới không…thích Tư do Tư tưởng !

Cũng sau 30/4/75, hơn hai triệu ngườu bỏ được xứ sở khổ cực ra đi, có một số nặng lòng với văn chương – đã viết văn, làm thơ, ra báo…Nhưng hội văn, nhóm thơ thì chưa hình thành đa số – chỉ mới lai rai. Về mặt Thơ, chúng ta thấy có Hội Thơ Lạc Việt của Thi sĩ Dương Huệ Anh, quy tụ được hơn 50 nhà thơ, Hội Thơ Cội Nguồn của Thi sĩ Song Nhị – Song Linh tập họp đâu khoảng 20 nhà thơ.

Gần đây, phát triển mạnh nhất là Hội Nhà Thơ Tài Tử Việt Nam (HNTTTVN). Hội này thành lập và hoạt động liên tục từ năm 1995 đến nay. Điểm hội tu xuất phát từ Sacramento, Thủ dô của Tiểu bang California, Hoa Kỳ. Hội không “cục bộ” mà phóng tầm xa ra khắp thế giới, có nhắm về trong nước nữa.

HNTTTVN đã xuất bản được ba thi tập khá dày*. Năm 1995, ra Cụm Hoa Tình Yêu I với thi phẩm của 17 tác giả tham gia. Năm 1996, với 45 tác giả tham gia trong thi tập Cụm Hoa Tình yêu II. Và năm 1997, thì số thi nhân hưỏng ứng lên tới 89 vị trong thi tập Cụm Noa Tình Yêu III. Không phải HNTTTVN chỉ chú trọng tập trung những người làm thơ nhập Hội, Hội còn đứng tên xuất bản cho nhiều tác giả muốn…ra riêng nữa, như trường hợp xuất bản tập thơ của Nguyễn Lý Tưởng (nguyên Dân biểu Quốc hội VNCN); của Ngọc An, của Nguyễn Phúc Sông Hương; của Vũ Thành; của Lưu Trần Nguyễn.

HNTTTVN mấy năm nay “làm ra ăn nên” được trong hoàn cảnh khó khăn của văn học nghệ thuật Viêt Nam ở ngoài nước thật là một điều lạ! Nhìn chung sở dĩ Hội “trụ” đươc là nhờ tinh thần tương thân tương ái của những người yêu chung một nghiệp thơ.

Chúng tôi xin lược dẫn dưới đây một số báo chí và người nhận xét về Hội, và công trình của Hội:

*Những Cái Nhìn Về Tuyển Tập Cụm Hoa Tình Yêu II:

“Kể ra người làm thơ Việt Nam nào cũng là tài tử chứ chẳng ai “chuyên nghiệp” nhưng việc lập một “hội thơ tài tử” là một sáng kiến hay. Tuyển tập nhiều tác giả có cái lợi là người đọc, chỉ trong một cuốn sách, được thưởng thức nhiều dáng vẻ của nhiều tài năng khác nhau”. Thế Kỷ 21, số 84 tháng 4/96.

“Tuyển tập Cụm Hoa Tình Yêu II được Hội Nhà Thơ Tài Tử Việt Nam thực hiện với sự góp mặt của 45 nhà thơ tác thành những đóa hoa đượm màu sắc quê hương, thanh sắc bát ngát không gian, nhạc tính thơ đa dạng, hài hòa,vẽ nên những bức tranh bằng những nét chấm phá đáng yêu”. Nhật Thịnh, báo Đất Đứng # 49, 21/4/96.

*”Những tâm hồn tha phương thường gặp nhau ở nỗi niềm cô đơn, tiếc nhớ những quảng đời đã qua, gợi trong ký ức những hoài niệm về tình quê hương, lứa đôi…Hầu hết tác giả trong tuyển tập CHTYII đã đạt được những rung động và xúc cảm cao độ…”. Thanh Tâm – Mõ #318, 7/9/96.

*”Tập trung nhiều người viết, cùng ngồi chung một tuyển tập là một việc làm không đơn giản. Phải có cơ duyên và một tâm hồn đồng điệu. Độc giả cảm nhận qua nhiều khía cạnh nơi mỗi tác giả…Cụm Hoa Tình Yêu, sẽ mang đến niềm vui ý nhị, tao nhã, niềm thông cảm sâu xa giữa người viết và người đọc”. Đỗ Hữu – Diên Nghị, Saigon Post #48, 8/11/96.

Qua một số lời giới thiệu, phẩm bình vắn tắt trên đây, chắc bạn yêu thơ đã có mỹ cảm với HNTTTVN rồi. Chúng tôi không có nhận xét riêng của mình, nghĩ sẽ thừa.

Tuy nhiên, để bạn yêu thơ phóng mắt xa hơn, qua tới Paris, Thủ đô của nước Pháp, chúng tôi mời bạn đọc bức thư của Duyên Hùng – một người rất yêu thơ, tỵ nạn từ miền Bắc bằng cách vượt biển được tàu Pháp vớt – viết cho ông Như Hoa, Hội Trưởng HNTTTVN.

Nội dung thư của ông Hùng là nội dung của một bài phê bình đầy “cảm tính” và “cảm tình”. Ngĩa là “Tốt Đẹp”. Nghĩa là “Hảo Ý”. Chúng tôi và chắc tất cả chúng ta đều “nhất trí” điểm này: “Cái Tốt Thì Khoe”, ” Cái Xấu Thì Che”. Bài của ông Duyên Hùng, nói dễ hiểu là bài khen ngợi việc làm của HNTTTVN, nặng về phần “phẩm bình” thi tập III, Cụm Hoa Tình Yêu. Xin mời bạn đọc bức thư ấy:

Vài Cảm Nghĩ Nhân Đọc “CHTY 3”

(Viết dưới dạng thư văn nghệ)

Lyon ngày 30/7/97

Anh Như Hoa thân mến,

Như có một sự sắp sẵn nào đó của định mệnh, chúng ta đã gặp nhau trong “Ngày Hội Thơ” giới thiệu và ra mắt thi phẩm “CHTY3” tại Paris của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam ở Mỹ qua.

Công việc phê bình lý luận đã được các bậc trưởng lão của nền thi ca Việt Nam Hải ngoại như Nhà thơ Song Thái, Giáo sư văn chương Đào Tuấn Ngọc đảm trách, dẫn thi hữu Paris dạo ngắm “CHTY3” vừa nở.

Là một độc giả yêu thi ca nghệ thuật, tôi chỉ dám gởi đến anh những cảm nghĩ của mình khi thưởng lãm thi phẩm này, còn phê bình lý luận là một việc quá sức ở tôi.

Nếu bên địa hạt chính trị, nhân dân đang đấu tranh cho nền dân chủ đa nguyên thì ở địa hạt thơ, các anh trong HNTTTVN đã thành công trong việc đa nguyên hóa một thi phẩm. Văn học nghệ thuật nhắm đạt được cái gì, nếu không phải là đạt được chủ nghĩa cá nhân phong phú, mỹ lệ, đa sắc thái.

Sống ở nước ngoài, đi giữa những tiếng nói lạc giống, người yêu thơ đi vào vườn hoa văn học nghệ thuật Viêt Nam hải ngoại là sự trở về cội nguồn. Bạn thơ ở Paris, Pháp quốc đón mừng thi phẩm “CHTY3” và các anh từ xứ Cờ Hoa qua bằng thơ, bằng nhạc và bằng tình.

Tôi nhận thấy tính đa dạng nhiều sắc thái khác nhau của thi phẩm. Mỗi tác giả là một phát hiện mới lạ đối với đoc giả. Độc giả luôn bị bất ngờ qua từng bài thơ, bởi nét độc đáo cá biệt của từng thi pháp, thi ngữ. Và trên hết là tính chân thiện mỹ thoát ra từ lòng chân thật của hồn người trong thơ.

Mỗi bài thơ là một tâm cảnh riêng. Người nghệ sĩ viết có khi là để quên đi, vơi đi những điếu mình nhớ, đôi khi để nói những điều chính nghệ sĩ muốn giấu mọi người. Chữ nghĩa giúp ta tiếp cận với quá khứ, xao xuyến với vui buồn, trầm thăng của một thời đã hằn dấu ấn, có cả những kỷ niệm chỉ mới thoáng qua thôi, nhưng đã chín ở trong lòng. Đồng thời đưa ta đến bến bờ lãng mạn, để ta suy tư rồi viết, vì thơ đã có sẳn trong cuộc đời mỗi con người. Thi nhân chỉ khác người thuờng là sinh thành tác phẩm, hàm dưỡng như một đứa con!

Cái thích đồng thời với thú thưởng lãm thơ trong thi phẩm này là ở chổ, người yêu thơ được ngắm từng chân dung nhà thơ, biết được thêm thân thế tác giả. Trí tò mò sẳn có của độc giả với thi cảm nghệ thuật do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc khi đọc thơ.

Có thể nói, mỗi bài thơ là một không gian hoài niệm. Mỗi tác giả là một miền quê thân yêu đầy ắp kỷ niệm, hiện lên trươc mắt người yêu thơ hôm nay trên bước đường lưu vong ở một quê hương mới nào như Paris, Luân Đôn, Nữu Ước…chợt dừng chân ngắm trời mây, non nước mà chạnh lòng nhớ “Một mảnh tình xưa”. “CHTY” giàu Việt tính là sự quy tụ về “Nguồn Việt” của nhiều tác giả ở khắp nơi, dẫu xa nghìn trùng mà vẫn gần nhau – Hoa tình yêu xóa mọi khoảng cách! -Ta được sưởi ấm bằng năng lượng tình yêu quê hương, đất nước qua thi ca. Khi con người ta còn yêu nhau thì quê hương và những người mình yêu cho ta những cảm xúc trùng hợp.

Những xung đột nội tâm và đời sống của từng tác giả ở nơi hải ngoại. Những mất mát đau thương của từng cuộc đời. Nỗi nhớ nhung miền quê nghèo. Nắng và gió. Trời và mây. Kỷ niệm ấu thơ. Tình yêu đôi lứa. Mỗi tác giả, bằng ngôn ngữ thơ, thi pháp riêng chuyển tải những rung động của chính quả tim nhà thơ, cho ta một trong những lạc thú tinh thần quý nhất lúc thưởng lãm. Chả thế, có người nhận xét rằng: Trong số bạn bè, người nào làm được thơ là quý nhất. Rồi tới người nói chuyện được. Sau cùng, mới tới hạng biết những trò chơi trong xã hội.

Tôi còn đồ rằng, văn học nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng còn có tính chất dự báo thời cuộc, thẩm định mọi giá trị lương tâm con người.

Bàng bạc trong nhiều bài, các tác giả khẳng định cái trớ trêu trong cuộc đời như một quy luật nhân quả. Rồi trên tất cả là lòng độ lượng, môt điểm son của văn hóa Việt nam, vốn giàu tính nhân bản.

Có những tứ thơ hóm hỉnh, ngang tàng, dùng từ sắp xếp, giàu tính nhạc. Có bài như bức tranh thủy mạc, như thơ Đường.Thơ mới với phong cách trẻ như một bản tình ca! Triết lý nhất vẫn là lớp thi nhân già dặn tuổi đời như anh, và một số nhà thơ khác trong thi tập. Họ là những sĩ quan võ kiêm văn, đã từng trải chiến trường, chịu đựng trại cải tạo cộng sản, có độ dày về kiến thức và vốn sống, thường nhìn thế sự bằng giác độ bao dung và cận nhân tình. Những tác giả đó đã buộc độc giả phải suy ngẫm trước các cặp phạm trù “Chính Tà”, “Thiện Ác” mà nhân danh này nọ con người đã vi phạm. Độc giả sẽ thấy thi sĩ nói hộ chúng ta, vì chân lý ở trong Thơ!

Hoa không thể không có bướm. Thưởng hoa nên ngồi với giai nhân. Uống rượu ngắm trăng nên ngồi với khách tao nhã. Ngắm người đẹp phải dưới trăng. Thưởng ngoạn thơ, lấy lòng yêu thơ mà yêu tư tưởng nhà thơ thì thêm cái thâm tình. Triết lý của tiền nhân là vậy, cứ thế mà làm. Cái triết lý tình yêu văn nhân, thi ca, hoa lá ấy thực là giản phác mà cao thượng, đạt được sự điều hòa tâm linh mà chỉ có ngôn ngữ thơ mới cô đọng nổi những niệm và thực của thi nhân. Tôi mến mộ những câu này của anh:

Nghĩ xưa Nghiêu Thuấn một thời
Đâu cần ánh sáng cách mạng Bastille”
Ôi Tự do! Tự do!
Nhân loại đã nhân danh ngươi
Giết chết lương tri con người.”

Sau “Ngày Hội Thơ”, chia tay anh và nhà thơ Trúc Tâm, tôi háo hức đọc thơ của hai anh; phần vì tò mò, phần vì yêu thơ, yêu những người nghệ sĩ có sáng kiến trong công cuộc duy trì văn hóa Việt Nam nơi hải ngoại.

Những sắc thái tinh tế trong thơ Trúc Tâm hẳn dễ đi vào lòng người lưu vong:

Đêm ta nằm khép tâm cho bớt lạnh
Gió vẫn lùa từ kẽ nứt ăn năn

Trái tim ta đã bao lần đổi sắc
Bởi cảnh đời ẩn dụ giữa nhân gian”

Hoặc ngang tàng, hài hước, vô thường như bài “Thẩn” của Trương Văn Vấn:

Từ “Con ngựa già” – “Tráng sĩ già” – “Người mẹ già” – “Cô gái già” của một kiếp nhân sinh và kết thúc của cái kiếp người già này là:

Thi sĩ già
Ngồi nặn thơ bên bờ sông lạnh
Mặc đời trôi dặm đường cô quạnh
Khóc oa oa”.

Tuyệt, tôi cho là tinh tế, hóm hỉnh. Nhà thơ nhìn diễn trình của một kiếp người, một đời người tâm sinh lý, còn có một con nguời tâm linh, đến phút chót đời vẫn “nặn thơ” cho anh, cho tôi, cho đời và cho chính cái “Kiếp” ấy. Vì cuộc đời là một hí trường, vật lộn, cạnh tranh, một cuộc đấu còn nhiều trớ trêu, nghịch cảnh. Nhà thơ thấy được lẽ vô thường nên tiêu diêu trong thơ. Tiếng “khóc oa oa” chính là tiếng cười đấy! Vì “Môt già một trẻ bằng nhau”. Tục ngữ Việt ghi nhận rằng cái tiếng khóc của người già là tiếng cười trẻ thơ!

Còn nhiều lắm, rất nhiều bài thơ có nhiều ý tưởng giá trị mà tôi đang tiếp tục thưởng lãm. Phải đọc tư từ, đọc dần dần, để có thời gian thấm thấu hết giá trị của từng nhà thơ qua từng thi phẩm của họ trong “Cụm Hoa Tình Yêu 3”.

Chính cái thi vị chua chát, đắng cay, mặn nồng, trớ trêu, đời thường, cùng cái lãng mạn trừu tượng giàu thi cảm của các tác giả có cả trong thi tập, rung cảm thúc dục tôi cao hứng viết thư gởi anh. Nếu không có những cái đó “Cụm Hoa Tình Yêu III” đã không đến được tay bạn yêu thơ. Giá trị hơn, nó lại là tuyển tập thơ của nhiều miền quê hương, nhiều nỗi lòng và nhiều, của rất nhiều tác giả ở khắp nơi hải ngoại và từ ở trong nước tri ngộ cùng bạn yêu thơ, bởi một thông điệp lớn của “CHTY” là tình yêu không mệt mỏi với con người.

Thân ái.

Duyên Hùng

Lyon, Pháp quốc

Một ngày nắng đẹp, 7/97

###

Ông Như Hoa, Hội trưởng Hội Nhà Thơ Tài Tử Việt Nam có nhã ý khi tặng chúng tôi Thi Tập III Cụm Hoa Tình Yêu, muốn chúng tôi “hồi âm” những gì mình “suy nghĩ” về thi tập này. Ban đầu, chúng tôi muốn có “qua lại cho toại lòng nhau” nhưng may quá, sau khi nhận được Thi Tập trên, chẳng bao lâu thì đọc được bức thư của ông Duyên Hùng gửi cho ông Như Hoa…

Một lời của ông Duyên Hùng mở đầu thư đã như cởi tấc lòng của chúng tôi. Hơn nữa, ông Duyên Hùng đã để công sức viết nên một bức thư dài, đầy đủ những nhận xét, chúng tôi đâu dám”động” thêm bút mực?

Chủ đích của bài này – chúng tôi muốn đạo đạt đến bạn yêu thơ…một Mối Tình Thơ Thời Đại rất Việt Nam, ngoài nước và trong nước, dù bàng bạc, nhưng đã thấy mênh mông tình nghĩa.

Trần Vấn Lệ

(Trích Nguyệt San Rạng Đông, Chamblee, GA

Tân Niên Mậu Dần -Issue73 -Feb.1998 -NămThứ 8)

*Tình đến nay, tháng 12 năm 2013, Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngọai  đã thực hiện được 14 tuyển tập Cụm Hoa Tình Yêu , và tuyển tập số 15 đang được nhà thơ Như Hoa nỗ lực kêu gọi thực hiện để kịp ra mắt vào kỳ đại hội thơ lần thứ 9 sẽ được tổ chức ở tiểu bang Arizona , Hoa Kỳ. (TV&BH)

Bài Mới Nhất
Search