T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Yên Hạ : Thêm chút dịu dàng

clip_image002

(Hình cắm hoa : Trương T Vinh )

Chị Hương rời khỏi hãng với tâm trạng bực bội vô cùng. Cái chỗ mà chị chờ đợi, mong muốn được chuyển qua bấy lâu nay đã bị mụ Lê chiếm mất. Nhất định con mụ nầy phải lo lót làm sao đó với lão supervisor! Chị nhớ có mấy lần mụ Lê ở lại nói chuyện với lão ngoài parking và đưa một cái bao thư cho lão với nụ cười rất lẳng. Mụ đâu có gì tài cán hơn chị, chỉ được cái "mã" bên ngoài có vẻ sexy … còn mọi việc làm đều không hơn chị, lại là người ít thâm niên. Cho dù tiếng Anh có khá một chút, nhưng mụ đâu có kinh nghiệm và siêng năng bằng chị! Nhớ lại … sáng nay thấy mụ ngồi nhàn nhã ở phòng Q.C mà ứa gan. Nếu mụ không có tài nịnh bợ thì nhất định chỗ đó là cuả chị … càng nghĩ càng tức tối? Nỗi ấm ức đã dày vò chị suốt quãng đường về nhà.

Vừa bước vào cửa, đưá con gái chạy lại báo cáo với vẻ "khẩn trương":

-Má ơi, anh Ngôn chạy xe đi chơi đụng vào gốc cây nát hết cái đầu xe rồi mà người đụng xe anh Ngôn không có bảo hiểm

-Nó đâu rồi?

Chị hốt hoảng hỏi con.

-Ảnh đang ngồi ở trong kià!

Bước vào phòng ăn, thấy thằng Ngôn ngồi ăn pizza tỉnh queo, chị nổi nóng quát to:

-Tao đã nói bao nhiêu lần, mới biết chạy xe thì phải cẩn thận, để bị tai nạn, tiêu chiếc xe là mất toi chục ngàn rồi, bảo hiểm có một chiều, đào đâu ra tiền để sửa xe đây!

Quay sang thấy ông chồng đang ngồi xem tivi, chị cũng giận lây:

-Gặp chuyện như vầy mà ông còn xem TV được hả? Tôi đã dặn ông, cứ giữ bảo hiểm xe hai chiều đi, nó mới biết lái xe thế nào cũng có chuyện, vậy mà ông có nghe đâu! Nhà nầy ai muốn làm gì thì làm mà, đâu có coi tôi ra gì!

Thằng Ngôn đứng dậy bỏ ra ngoài sân. Anh quay lại sừng sộ với chị:

-Em chỉ biết tiếc cuả, chỉ biết đổ lỗi người nầy, người kia mà không hề quan tâm đến cái mạng sống cuả con mình, không hề tìm hiểu tại sao đã xảy ra cớ sự. Em có biết là nó đã bị tên tài xế say rượu lái xe đâm vào phiá sau, làm xe nó va vào gốc cây … thằng nhỏ không chết là may mắn rồi! Không mừng mà còn nói!

Suốt một tuần sau, Ngôn còn giận mẹ vì chị không hề hỏi han sức khoẻ cuả nó, chỉ lo tiếc chiếc xe!

***

Đang nấu ăn trong bếp, chị Hiền nghe tiếng la hốt hoảng cuả thằng Thanh ngoài phòng khách:

-Mẹ ơi, bé Thuỷ ăn cái "penny" mắc trong cổ rồi nè!

Chạy ra, chị thấy Bé Thuỷ khuôn mặt xanh mướt trong tiếng khóc bị ngắt từng đoạn như không thoát ra được. Chị ôm con vào lòng, cho ngón tay vào cổ họng con bé. Chị muốn làm cho nó ói, nhưng nó càng dẫy duạ đau đớn. Chị quay sang Thanh:

-Con chạy ra gọi ba, mau lên.

Anh Hiền đang rửa xe ngoài sân chạy ngay vào. Biết chuyện, anh tức giận, tát một cái vào má Thanh, quát:

-Tao đã dặn biết bao nhiêu lần, em còn nhỏ không cho chơi tiền cắc.

Thằng Thanh khóc mếu máo:

-Con đâu có cho nó tiền, ai để tiền cắc ở bàn đó.

Anh Hiền quay lại chị nạt lớn:

-Tiền cắc nầy ở đâu ra? Vậy là em chứ ai! Đã dặn rồi, nhà có con nhỏ, phải ý tứ, không được rơi vãi bạc cắc..

Chị Hiền trừng mắt nhìn chồng:

-Anh chỉ gặp chuyện là đổ thừa! Bế con đi, để tôi gọi cấp cứu ngay.

Hai giờ sau, bé Thuỷ được trở về nhà bình yên, sau khi xe cứu thương đem vào phòng emegency cuả bệnh viện để bác sĩ gắp miếng nickel kẹt ở thực quản ra. Ba ngày sau, anh chị Hiền vẫn chưa nói chuyện với nhau!

***

Lúc còn ở Việt Nam, một hôm vào buổi chiều tan học sớm, tôi ghé vào nhà anh chị Thắng chơi. Vừa dựng xe đạp bước vào nhà, một cảnh hỗn loạn ngay phòng trước làm tôi hoa mắt. Thằng con trai lớn của anh chị Thắng mới mười tuổi, đang ngồi ôm cái chân, máu chảy dầm dề, nước mắt ràn ruạ, đã vậy còn bị ba nó tát tay mấy cái nẩy lửa vì tội không nghe lời ông, ra sân cỏ đá banh mà không chịu mang giày, nên bị miểng chai cắt chân. Chị Thắng chạy đến bênh vực. Hai ông bà cãi nhau dữ dội. Người thì đổ thừa tại thằng nhỏ ngỗ nghịch, người thì cho rằng làm cha mà nhẫn tâm!…mặc cho thằng nhỏ ngồi khóc, ôm cái chân đầy máu. Tôi tức tốc cởi ngay chiếc áo thung đang mặc, bó vết thương lại, bồng cháu, đón xích lô chạy ngay vào bệnh viện để khâu vết thương lại và chích thuốc ngừa phong đòn gánh. Hình ảnh nầy đã gây một ấn tượng sâu đậm trong lòng tôi. Tôi tự nhủ rằng, sau nầy, tôi không bao giờ xử phạt con tôi khi chúng đang bị tổn thương tinh thần cũng như thể xác.

***

Ba câu chuyện trên đây không phải là những chuyện tưởng tượng được kể lại trên trang giấy nầy, mà luôn xảy ra trong nhiều gia đình.

Trường hợp chị Hương, thay vì cứ chấp nhận công việc bình thường của mình, rồi chờ cơ hội khác để tiến thân, chị lại nghi ngờ đồng nghiệp của mình có âm mưu bất chánh rồi sinh lòng oán giận. Cũng vì không thoải mái ở sở làm, về đến nhà, chị đã phạm thêm một sai lầm khác là vẽ nên hình ảnh một người mẹ coi trọng của cải hơn sự an toàn cũng như tính mạng của con mình.

Anh Hiền và anh Thắng chắc chắn cũng đau lòng vì con gặp nạn, nhưng lúc đó chỉ lo kết tội- ai là người đã không tuân thủ những biện pháp an toàn mà anh vẫn nhắc nhở trước đây để xảy ra cớ sự, chứ không nhanh chóng đưa con đi cứu chữa.

Tôi được nghe chị bạn kể lại, có lần chị ấy lui xe đụng vào cột đèn, ông chồng ngồi cạnh bên đã quay sang gay gắt "cứ cái tật ẩu tả! không chịu dòm trước ngó sau". "Dù có nói thế nào thì chiếc xe vẫn bị trầy, không thể cứu vãn được, nhưng vô tình anh ấy đã cưá một vết dao trong lòng tôi". Chị buồn bã kết luận. Tôi nghĩ, có lẽ chị ấy cũng sợ hãi khi gây ra tai nạn, nhưng nếu được nghe một lời trách móc nhẹ nhàng như đùa giỡn "Ủa! Em muốn thử coi xe mình có cứng hơn cột đèn không hả" thì chắc chắn chị sẽ thầm cám ơn anh chồng và tự hứa sẽ cẩn thận hơn.

Dù vô tình hay vô ý để gây ra một tai nạn, thì chính người thân của mình cũng phải chịu đau đớn rồi, đừng nên xét xử để làm họ tổn thương thêm nữa. Hãy dịu dàng, bình tĩnh để tìm cách đối phó những khó khăn ngay lúc đó. Muốn nhắc nhở, sửa chữa thì nên chờ cơ hội khác []

Trần Yên Hạ

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search