T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trịnh Công Sơn: Dấu Chân Địa Đàng

“. . .Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá. Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm. Mới hôm nào, bão trên đầu, lời ca đau trên cao. Lời ca của đóa hoa trên rừng thẳm ấy, đã mất một đời thơm trong kẽ núi ấy, cũng là lời ca của loài sâu ngủ quên trong tóc chiều ấy, cũng là lời ca của loài rong ngủ yên trong lòng sông ấy.. .”

Trịnh Công Sơn: Dấu Chân Địa Đàng

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Dấu Chân Địa Đàng – Sáng Tác: Trịnh Công Sơn

Trình Bày: Cẩm Vân

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2019

Đọc Thêm:

Nguyễn Quang Thanh

Dấu chân địa đàng Trịnh Công Sơn

Nghe xót xa hằn lên tuổi trời
Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi
Tin buồn từ ngày mẹ cho 
mang nặng kiếp người
(Trịnh Công Sơn, Gọi Tên Bốn Mùa)

Cuộc đời quay cuồng khốc liệt. Con người là nạn nhân đáng thương trong cơn lốc cuộc đời ấy. Không ai được hỏi ý kiến trước khi chào đời. Không ai tự mình tình nguyện lăn xả vào cuộc đời để làm nạn nhân của cuộc đời. Người đi trong ấy, có vẻ như là đang thực hiện một cuộc hành trình bất đắc dĩ.
Khi mới chào đời, trẻ thơ chưa được biết sự thật ấy. Cho nên trẻ thơ vẫn hồn nhiên vui chơi chạy nhảy trong đời, ngày tháng trôi qua nhẹ nhàng như giọt nắng giọt mưa. Khi tuổi trời hằn lên thân xác, là lúc mỗi ngày mỗi thêm thấm thía chuyện đời, mới thấy mưa nắng ưu phiền nặng trịch hai vai. Bấy giờ, cái “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” ấy được lột tả. Nó không phải là một nỗi buồn bâng quơ, tạm thời, phút chốc, mà là một nỗi buồn đứt ruột, sâu đậm và kéo dài nhùng nhằng giữa mưa gió cuộc đời. Tâm trạng ấy rất xót xa, rất chua chát, nghe như hòa tan vào tiếng kêu não nuột của một loài sâu phiền muộn giữa đêm trường dâu biển:

Trời buông gió, và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó, nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm…
(Trịnh Công Sơn, Dấu Chân Địa Đàng)

Tiếng ca não nuột của loài sâu than thở giữa đêm trường dằng dặc, cũng bàng hoàng như tiếng khóc của loài người lạc lối giữa trùng điệp bể dâu. Tiếng ca ấy kể lại câu chuyện lạc gió mây miền của người đi giữa đời. Chuyện ngựa buông vó, chuyện người chùng chân, chuyện đêm hồng bỏ ngõ, chuyện ngày xanh bỏ hoang, chuyện khóc cười của những cuộc đời dở dang nham nhở.
Ngựa buông vó, người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó, lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối, loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em
Người vì yêu thương tha thiết cuộc đời mà phải hát lên khúc ca trách móc cõi đời. Cứ như say, cứ như tỉnh. Cứ như sáng suốt, cứ như hôn mê. Cứ như đúng đường, cứ như lạc lối. Cứ như dở dang, cứ như hoàn tất. Cứ như tiếp nối, cứ như bỏ cuộc. Ngựa đã bao lần buông vó. Người đã bao lần chùng chân. Dạ lan đã ngại ngùng khép cánh. Đêm hồng vẫn bỏ ngõ đêm hồng. Khung trời chân thật vẫn vắng bóng người chân thật. Người quốc sắc, kẻ thiên tài, đã phải lang thang đơn độc giữa rừng đời thiếu vắng thiên hương. Sương trời nước đất dâng trào lên mắt em hờn tủi. Bật khóc.

Những đấng tài hoa, những trang thiên hương quốc sắc, họ được tạo hóa ban tặng điều gì nổi bật hơn những người khác, có lẽ là để làm phương tiện gánh vác nhiều trọng trách hơn, nhiều truân chuyên hơn, nhiều muộn phiền hơn những người khác. Họ như được chắp cánh, họ đi những bước đi trên cao và cô độc vô cùng.
Em có khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn
(Bùi Giáng).
Hẹn thề với truông ngàn, hẹn thề cuộc hội ngộ với lẽ chân, với lẽ mỹ, với chân như. Nối tiếp nhiều thế hệ, họ bước đi giữa địa đàng trần gian, khi cặm cụi lần giở cảo thơm, lúc góp nhặt hoa thơm cỏ lạ, từ gió, từ mây, để chép thành thơ, để ghi thành ca khúc, để dìu dắt anh em cùng nhau khiêu vũ giữa lễ hội hồng trần mà họ hoài mong có lẽ sẽ được cùng nhau vi vu.
Đó là hoài mong. Còn sự thật lại là một câu chuyện ngược lại, mỉa mai và cay đắng lắm. Lễ hội chân thật vẫn thường vắng người tham dự. Còn lễ hội điên đảo thì tấp nập trống chiêng. Những con tim chân thật vẫn thuộc về cộng đồng những kẻ lẻ loi cô độc. Những tiếng hát chân tình đành phải ngượng ngùng trong vùng u tối nửa đêm.
Ngựa buông vó, người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó, lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối, loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em
Khung trời chân thật vẫn vắng bóng người chân thật. Người đành lang thang đơn độc giữa rừng đời thiếu vắng thiên hương. Sương trời nước đất dâng trào lên mắt em hờn tủi. Bật khóc lúc nửa đêm, lúc ca lên khúc ca “cuối cùng” của niềm hy vọng. Khúc ca của loài sâu ấy cũng buồn như khúc ca của bà Huyện Thanh Quan lúc bước tới đèo Ngang bóng xế tà, lúc cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Khúc ca não nuột ấy, vì sao em đã hát, và rồi vì sao em đã khóc, hỡi người quốc sắc, hỡi kẻ thiên tài, hởi mảnh tình riêng Bà Huyện Thanh Quan? Trịnh Công Sơn trả lời:
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô, từ mưa gió
Từ vào trong đá xưa, đến bây giờ mắt đã mù…
Em đã hát và rồi đã khóc, vì cuộc đời tươi đẹp bỗng nhiên không còn tươi đẹp. Vì bầu trời trong xanh bỗng nhiên mưa gió đùng đùng. Vì trần gian địa đàng đã hóa thành trần gian địa ngục. Vì lẽ thiện không đủ nguồn sáng để xua đuổi lẽ ác. Vì nước mắt suốt trăm năm, mà nụ cười thì chẳng được bao ngày.

Làm kiếp con người, suốt đời chịu đựng muôn chiều đau khổ, tác động từ hàng triệu biến cố lớn nhỏ chung quanh. Cái thiện, cái ác đan chen trong cuộc đời từ ngàn xưa. Người sáng mắt, kẻ mù lòa, không thể lượng định rạch ròi nguyên nhân và kết quả của những chuỗi hành động hằng ngày của mình. Và càng không lường trước được những hậu quả tai hại dây chuyền mà một hành động nào đó của mình có thể gây ra cho những người chung quanh, cho đồng loại, ngay trong thế hệ này và giây giưa qua nhiều thế hệ tiếp nối theo sau.
Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Vì vậy mà Bà Huyện Thanh Quan dừng chân đứng lại giữa trời non nước, vì vậy mà Trịnh Công Sơn đã ôm đàn lên tiếng bên lưng đèo, vì vậy mà “loài sâu” nửa đêm ca lên than phiền. Tiếng ca não nuột ấy bắt nguồn từ đứt ruột đất khô, từ mưa gió đáng tiếc, từ đá vàng dang dở, từ sáng mắt hồng ân bữa trước cho đến mù lòa oan uổng bây giờ.
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô, từ mưa gió
Từ vào trong đá xưa, đến bây giờ mắt đã mù
Tóc xanh đen vầng trán thơ…
Cuộc đời tươi đẹp bỗng nhiên không còn tươi đẹp, là từ khi tấm lòng trong sáng bỗng nhiên tăm tối. Tình yêu không đẹp đã dọn đường cho thù hận thế chân. Hận thù thì như loài cỏ dại, dễ dàng lan tràn mà chẳng nhọc nhằn. Còn tình yêu thì như một loài hoa đẹp, cần nhiều công phu chăm sóc, cần hấp thụ dưỡng chất từ suối nguồn nội tâm, mới mong được tươi thắm thường xuyên. Suối nguồn nội tâm trong xã hội càng lan tỏa dồi dào, hoa thơm tình yêu càng phổ biến, thì cỏ dại vô minh càng mất dần cơ hội lây lan. Thế gian thêm buồn, vì hận thù cứ nhìn ngó hận thù, bắt chước nhau, theo đuôi nhau nới rộng biên cương thù hận. Cái xấu huênh hoang tự đắc. Cái đẹp liên tục bị tổn thương. Khiến cho mắt sáng đã hóa mù lòa, khiến cho tâm hồn không còn biết trong sạch hồn nhiên. Đôi khi thấy có những “tình yêu” được xây dựng từ sự đồng cảm hận thù. Khiến cho thế giới quái đản của ma quái đã chiếm hết không gian của địa đàng trẻ thơ, khiến cho tà ma đắc thắng lan tràn mặt đất, và khiến cho chính nhân quân tử phải vươn mình ẩn dật trên cao.

Tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó, loài rong yên ngủ sâu
Mới hôm nào, bão trên đầu, lời ca đau trên cao

Sở dĩ lời ca đau trên cao, vì lời ca kia quá cao nhã, vì hương hoa kia quá dịu dàng, vì tài sắc kia quá tròn vẹn. Hoa đẹp phải ẩn mình, cố ý che giấu bớt phần nào hương sắc. Có khi hóa thành loài rong dưới đáy nước, có khi hóa thành loài hoa vô danh trên rừng cao, có khi hóa thành một người “điên chơi” giữa phố phường đông đúc những kẻ “điên thật” (mà tưởng rằng mình không điên). Ẩn mình để hoàn tất một sứ mệnh thiên thu. Mặc kệ hoàn cảnh khắc nghiệt, mặc kệ mưa gió phũ phàng, mặc kệ bão táp hung bạo, mặc kệ dày vò thân xác, họ vẫn ca hát tự nhiên như trong lòng thúc giục, vẫn phát tiết tinh anh như tạo hóa từ đầu đã giao cho tài sắc vẹn toàn. Một cách xuất thần, Xuân Diệu lặng lẽ ghi chép lại một trong những lời ca đau trên cao ấy thế này:
Biết bao hoa đẹp trên rừng thẳm
Đem gởi hương cho gió phụ phàng
Mất một đời thơm trong kẽ núi
Không người du tử đến nhằm hang
Những tưởng đem hương gởi gió kiều
Là truyền tin thắm gọi tình yêu
Song le hoa đợi càng thêm tủi
Gió mặc hồn hoa nhạt với chiều
Tản mác phương ngàn lạc gió câm
Dưới rừng hoa đẹp chẳng tri âm
Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá
Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm
Thiên hạ vô tình nhận ước mơ
Nhận rồi không hiểu mộng và thơ
Người si muôn kiếp là hoa núi
Uống nhụy lòng tươi tặng khách hờ
Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá. Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm. Mới hôm nào, bão trên đầu, lời ca đau trên cao. Lời ca của đóa hoa trên rừng thẳm ấy, đã mất một đời thơm trong kẽ núi ấy, cũng là lời ca của loài sâu ngủ quên trong tóc chiều ấy, cũng là lời ca của loài rong ngủ yên trong lòng sông ấy. Tài sắc càng lắm, nơi ẩn mình càng xa, núi sông càng heo hút, gió sương càng lạnh lẽo, tri âm càng hiếm hoi, bão táp dèm pha càng dữ dội, lời ca trên cao càng đau đớn trên cao.
Dòng sông đó, loài rong yên ngủ sâu
Mới hôm nào, bão trên đầu, lời ca đau trên cao…
Lời ca đau trên cao. Lời ca quá đau từ trên quá cao. Biết bao hoa đẹp trên rừng thẳm. Đem gởi hương cho gió phụ phàng. Mất một đời thơm trong kẽ núi.
Không người du tử đến nhằm hang.
Em quốc sắc em thiên hương đã uổng
Làm sao khuây khỏa hận của thiên tài
(Bùi Giáng)

Tạo hóa ngày ấy đã ban cho em tài sắc, nhẹ nhàng đặt em vào giữa mặt đất trần gian, âm thầm giao cho em một sứ mệnh, một lần ấy rồi thôi, không dặn dò gì thêm, và không quay về can thiệp. Em phải tự xoay xở lấy mọi sự, một mình, từ bấy tới nay, và cho tới tận cuối chân đời. Buồn vui sướng khổ, hay trong đục sang hèn, tất cả đều do tài sắc em vận dụng. Cuộc đời đã “dạy” em làm hoa đẹp bằng cách đem gởi em cho gió phụ phàng. Đôi khi tưởng chừng tuyệt vọng. Nhưng rồi, sau cơn đau bệnh, em vẫn biết cách tự đứng lên. Từ trăng thôi là nguyệt, một hôm bỗng nghe ra, buồn vui kia là một, như quên trong nỗi nhớ (Nguyệt Ca). Bao buồn xưa sẽ quên. Hãy yêu khi đời mang đến một cành hoa giữa tâm hồn (Đời Gọi Em Biết Bao Lần). Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế (Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng).
Nay tôi không lệ thuộc trần gian một cách “trần gian” như thế nữa. Hãy ghi nhớ sứ mệnh nguyên thủy của mình: phụng hiến tất cả cho đời, một cách im lặng, không cần đền đáp, không cần mặc cả. “Sống là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không chờ đợi và không hy vọng (Phạm Công Thiện. Hố Thẳm Tư Tưởng). Tôi định thần trở lại, mạnh mẽ bước tới, về giữa sơ nguyên địa đàng, thôi không giằng co đối chất om sòm với trần gian luộm thuộm nữa, thôi không so bì buồn vui phải trái phàm phu trần thế nữa.
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh…
(Bùi Giáng)
Ngay từ giữa lòng đời phũ phàng, hóa giải chính cuộc phũ phàng thành những bài ca địa đàng nhẹ nhàng. Vậy đó, vào những giây phút bất ngờ, người đã vùng thoát khỏi những ràng buộc kinh niên của ta bà thế giới. Sực tỉnh.
Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó, loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
Để người về hát đêm hồng
Địa đàng còn in dấu chân bước quên
Đó là bức tranh tịnh độ. Tuy mây trần gian vẫn xám xịt chiều nay trên bầu trời trần gian, nhưng loài sâu đã quên đi những cuộc ưu phiền giằng co bữa trước. Lời ca tiếng hát lại hồn nhiên vang lên như buổi ấy sơ khai, chẳng còn nề hà với ý niệm phân biệt buồn vui phàm thánh đúng sai phải quấy nữa. Tự nhiên hát giữa ngày xanh và hát giữa đêm hồng. Hồn nhiên ca giữa địa ngục và hát giữa địa đàng. Cười trong cơn hạnh lạc và cười trong cuộc ưu phiền. Khóc trên từng bước đúng, khóc trên từng bước sai, bước lầm, bước lỡ, bước quên giữa địa đàng trần gian mặt đất. Ca hát và cười khóc một đời. Ca hát và cười khóc nghìn thu.

Đó là Dấu Chân Địa Đàng của Trịnh Công Sơn, còn đây là dấu chân của Xuân Diệu đã để lại trên trần gian địa đàng:
Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hát chơi
Khi gió sớm về reo um khóm lá
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời
Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn
Kêu tự nhiên nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa…
Hát vô ích thế mà chim vỡ cổ
Héo tim xanh cho quá độ tài tình
Ca ánh sáng bao lần giây máu đỏ
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh
Và đây là Dấu Chân Địa Đàng của Bà Huyện Thanh Quan, người cũng thuộc nòi giống những bậc tài hoa mà tạo hóa đã ném vào đời:
Bước tời đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta
Đó là những bài ca từ cõi tịnh độ. Do các bậc anh tài hát lên. Tiếp nối nhau ca hát mãi giữa đời. Cho dồi dào thêm sứ mệnh của một thiên tài, cho phong trần thêm những trang quốc sắc, cho thanh cao thêm những đóa thiên hương, cho hồn nhiên thêm những dấu chân xuân sắc. Họ đã để lại những dấu chân, những dấu chân người giữa trần gian lở dở – dường như là địa ngục, dường như là địa đàng.

Nguyễn Quang Thanh

Theo http://www.nguyenquangthanh.com/

Bài Mới Nhất
Search