T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trường hợp Thu Tứ

Trường hợp Thu Tứ

Đặng Phú Phong

(Nguồn: Damau.org)

Tôi thấy không cần phải tìm hiểu động cơ nào đưa Thu Tứ viết bài tố cha ông ta. Ví dù đó là sự suy tư, thao thức muốn “…mỗi khi nghĩ về thân phụ mình như một người dân của tổ quốc Việt Nam…”(*), nguyện vọng của chính Thu Tứ; hay ông ta muốn làm nổi tiếng cái tên Thu Tứ bao lâu nay rất khiêm nhường trong giới văn học; hay để làm tròn hứa hẹn với những nhà “văn hóa” kiểu Tố Hữu “Thương cha, thương mẹ, thương chồng /Thương mình thương một, thương Ông thương mười.”Hay là vì gì gì đi nữa, đối với tôi bài “Trường họp Võ Phiến” chỉ nói lên được một sự thật : Một đứa con dùng tài trí do cha mẹ nuôi dưỡng để đánh lại cha mình. Một chiêu “gậy ông đập lưng ông” vô tiền khoáng hậu!. Tôi không muốn dùng chữ bất hiếu cho một người từng được ca ngợi như một khoa học gia.

Nhà văn Võ Phiến đã nói về trường hợp Thu Tứ đối xử với mình như thế này: “Chuyện này để lịch sử phán xét, cha con cãi cọ làm gì?”

Vậy tại sao tôi phải lên tiếng về bài của Thu Tứ? Thưa, chỉ vì tôi thấy cần đưa ra một số điều liên quan đến hành động của ông ta để mọi người thẩm định. Tôi hoàn toàn không muốn “cãi cọ “ với ông ta chút nào.

1/ Về quyền thừa kế quản lý toàn bộ sự nghiệp văn chương của nhà văn Võ Phiến. Tôi được người bạn, là em ruột của nhà văn Võ Phiến cho biết trong bản Di Chúc (Living Trust) do ông Võ Phiến lập có một điều khoản là sẽ giao lại toàn bộ tác phẩm của ông cho Đoàn Thế Phúc tức Thu Tứ quản thủ. Người luật sư đã giải thích rõ là khi nào cả hai ông và bà Võ Phiến qua đời thì di chúc này mới có hiệu lực. Và, cũng trong điều khoản này không có ghi thêm bất kỳ câu nào có ý cho Đoàn Thế Phúc có quyền biên tập lại những tác phẩm của Võ Phiến.

Vậy thì việc Thu Tứ Đoàn Thế Phúc tự ý đục bỏ, sửa chữa và cho in (trong nước) hai tác phẩm của nhà văn Võ Phiến là một việc làm hoàn toàn sai với di chúc của thân phụ ông. Việc sửa chữa hai tác phẩm Quê hương tôi và Tạp văn được Thu Tứ nói rõ: “Cả hai tác phẩm này đều do chúng tôi chọn lựa và biên tập, theo sự ủy quyền từ lâu của thân phụ.”

Nói như vậy, Thu Tứ lợi dụng sự liên hệ cha con, cho rằng mọi người không biết về bản di chúc, qua mặt mọi người để làm việc hoàn toàn không đứng đắn của một người có học:

Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước. Chúng tôi đã tưởng mình thế là chu đáo với nhà với nước!”.

Tôi chợt nhớ câu chuyện giữa trò là cụ Đào Tấn (1845- 1907) và thầy là cụ Tú Nguyễn Diêu (1822-1880) Hai thầy trò được người đời tôn xưng là “Bình định song hùng” nhờ tài văn chương trác tuyệt. Cụ Đào Tấn muốn thêm vào câu “Bớ Cáp man ! Truyền Cáp Man mở ải, đặng ta đưa Nguyên soái lên đàng” trong vở tuồng “ Địch Thanh ly Thợn” cho trơn tru tình tiết. Cụ Đào Tấn phải làm một mâm cơm mang đến nhà cụ Nguyễn Diêu (đã qua đời), cúng để xin thầy cho mình thêm câu chữ ấy. Vậy mà Thu Tứ…

Thu Tứ còn viết: “Đáng tiếc, một thiểu số đang lợi dụng tình hình quốc tế mà âm mưu tái phổ biến cả những nội dung chính trị sai lầm. Việc tái phổ biến này vừa có thể gây mất đoàn kết, hại cho nước, vừa xúc phạm sự thực lịch sử.” Dù không chỉ ra “một thiểu số” ấy là ai nhưng người ta đều hiểu rằng đó là Trang mạng Tiền Vệ, Trang mạng Viet Messenger,  vanviet.info– trang mạng của văn đoàn Độc lập v.v, họ đã và đang chủ trương phổ biến lại tác phẩm chính của Võ Phiến làm nhức nhói bộ máy tuyên truyền trong nước.

2/ Vào ngày 16 tháng 9/14, ông bà Võ Phiến đã đến Luật sư, làm lại di chúc, trong đó đã rút lại quyền quản thủ tài sản văn chương Võ Phiến của Đoàn Thế Phúc, giao lại cho một người con khác của ông bà tên là Đoàn Giao Liên. Những thành viên trong gia dình của nhà văn Võ Phiến cũng đã cắt đứt liên lạc với Thu Tứ. Việc làm này dù có thụ động nhưng là sự bày tỏ đứng đắn, chắc nịch, chặn đứng được hành động phi văn hóa, phi đạo đức của Thu Tứ Đoàn Thế Phúc.

Qua bài viết “Trường hợp Võ Phiến” cũng như việc biên tập lại trong hai tác phẩm Quê Hương TôiTạp Văn do Thu Tứ cho ấn hành trong nước là một vết thương xé lòng của gia đình nhà văn Võ Phiến, là một vết nhơ của giới cầm bút. Tuy nhiên bằng vào việc truất quyền thừa hưởng, những tác phẩm bị què quặt của Võ Phiến do bởi bàn tay của Thu Tứ sẽ không còn có cơ hội in ra được nữa. Và, tác phẩm thật sự của Võ Phiến chắc chắn được những ai chưa đọc hay ngay cả đã xem rồi vẫn sẽ tìm đọc. Đọc nhiều, đọc mạnh.

Kết thúc bài viết ngắn này tôi muốn nói với những ai mưu toan xào nấu những tác phẩm của nhà văn Võ Phiến để thực hiện những ý đồ đen tối, là: “Của Ceasar trả lại cho Ceasar, văn Võ Phiến phải giữ nguyên cho Võ Phiến!”

(*) Những chữ in nghiêng là trích từ bài “Trường hợp Võ Phiến” của Thu Tứ trongtrang mạng GOCNHIN.NET

Bài Mới Nhất
Search