T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Xin chào người phụ nữ hôm nay

clip_image002

Hôm rồi, do một tình cờ trong quan hệ nghề nghiệp, tôi gặp lại người phụ nữ mà tôi được biết trước đây vài năm. Đó là một phụ nữ rất đáng chú ý. Đẹp, tự tin, lưu loát. Cô nói tiếng Anh như một người được sinh ra trên mảnh đất này và giọng nói, cách dùng chữ tiếng Việt của cô khiến người nghe không thể tin rằng cô sống ngòai đất nước đã 25 năm nay. Và giỏi. Cô làm chủ một căn nhà ở khu vực thượng lưu của thành phố với lối kiến trúc, cách bầy biện chứng tỏ một cá tính rất mạnh mẽ của người chủ. Cũng tình cờ, chúng tôi có cơ hội trò chuyện khá lâu, lâu hơn mức độ xã giao bình thường. Buổi nói chuyện giữa chúng tôi đã xóay quanh vai trò và sự trưởng thành của người  phụ nữ Việt nam trung niên sống trên những mảnh đất ngòai quê hương. Theo cô, đó là một bước ngoặt đáng kể. Nó đã đưa người phụ nữ (Việt Nam) thóat ra khỏi cái bóng người đàn ông che phủ suốt mấy ngàn năm nay. Trên mọi lãnh vực của đời sống, từ vai trò người đi làm mang đồng tiền về nhà (bread winner), đến các họat động chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, đâu đâu cũng thấy bóng dáng người phụ nữ (Việt Nam) – nếu không nổi bật lên hẳn –thì cũng xác định được chỗ đứng rất bình đẳng bên cạnh người đàn ông (vốn thường được coi là, tự coi mình là – chủ tể ). Cô đọc cho tôi nghe những cái tên phụ nữ giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền (Mỹ), những vị đang vận động ra tranh cử vào các chức vụ dân cử cấp liên bang, những vị đã thành danh trong lãnh vực sinh họat văn hóa, nghệ thuật xứ người v.v.. .Điều cô muốn nhấn mạnh, đây là những người đứng hai chân trên hai nền văn hóa hòan tòan khác nhau: văn hóa Việt Nam và những nền văn hóa không phải Việt Nam. Đó là thế hệ những người phụ nữ Việt Nam vượt hẳn các thế hệ đàn chị của mình (ra khỏi nước khi  đã bận bịu với gia đình, tuổi tác không còn trẻ để học hành) về phương diện năng lực xã hội, cửa ngõ thuận lợi nhất để họ chen vai thích cánh cùng nam giới, chứng tỏ khả năng tự điều chỉnh của mình và đồng thời, hòan thành cuộc cách mạng nữ giới đã được khởi xướng từ nửa cuối thế kỷ trước. Nói cách khác, người phụ nữ Việt Nam (ở ngòai nước) đã hòan tòan vượt thóat khỏi bốn bức tường gia đình và tự khẳng định được cho mình chỗ đứng ngòai căn nhà truyền thống ấy.  Nhìn người phụ nữ trẻ (vừa phải) ấy say mê nói về những điều còn gây khá nhiều tranh cãi (trong giới đàn ông chúng tôi), tôi ngạc nhiên không hiểu cô tìm đâu ra được sức mạnh để nâng đỡ cô trong cuộc đấu tranh gai góc hàng ngày, như người ta thường nói thân gái dặm trường.  Khi được hỏi về cuộc sống riêng, cô tự tin trả lời rằng còn gì hạnh phúc hơn sau một ngày bươn chải bận rộn, buổi chiều được hòan tòan tự do với một quyển sách hay, một dĩa nhạc ưa thích và ly rượu đỏ dịu dàng sóng sánh trên tay, cùng với sự cô đơn cần thiết trong khỏanh khắc tuyệt diệu nhất của một ngày sống. Nhìn tôi với ánh mắt như có sự thách thức, cô bảo đó là chính là  nơi chốn và là lúc cô tìm thấy cái sức mạnh mà tôi nói đến. Tôi giật mình thấy trong những điều cô nói, không có chỗ cho người đàn ông. Về điều này, cô cũng xác định rằng, người phụ nữ hiện đại có quyền không chọn mua bất cứ thứ gì để rồi sau đó hối hận vì mình đã mua lầm (cô muốn ám chỉ hôn nhân – quả là một ý tưởng đáo để). Và hạnh phúc – với cô – phải là hạnh phúc tuyệt đối trong khuôn khổ một sự tự do tuyệt đối. Ngòai ra, cô cũng đang dự định viết  sách nữa. Vì cô cho rằng mình có ý tưởng, cái ý tưởng nhạy bén, tinh tế của  người phụ nữ. Và cô cười, nụ cười tự tin, coi mọi chuyện đều vừa ở trong tầm tay, rồi nói, chỉ cần tập luyện cách diễn đạt.

Buổi nói chuyện với người phụ nữ trẻ này đã giúp tôi nhìn rõ hơn vai trò tiên phong của một phụ nữ khác, có lẽ cũng cùng độ tuổi với cô, đã là một hiện tượng nổi bật lên trong cộng đồng người Việt hải ngọai từ nhiều năm nay.

Nhân câu chuyện về một người phụ nữ còn gợi trong đầu tôi nhiều suy ngẫm, tôi lại nhớ đến một người phụ nữ Việt Nam lừng danh khác. Bà thuộc về thế hệ đàn chị của người phụ nữ trong câu chuyện của tôi nói đến ở trên. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi theo gót đòan quân chiến thắng từ miền Bắc vào tiếp thu Sài Gòn, ngay lúc đó bà đã biết rằng trong suốt mấy chục năm cả một nửa đất nước đã bị lừa gạt. Kể từ khi ấy, mầm “làm giặc” đã được ươm trong đầu “người đàn bà răng đen mắt tóet”. Với thời gian, cái mầm ấy đã khai sinh ra “một chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ“.Không cần đến cương lĩnh giải phóng phụ nữ, không cần đến nhu cầu “phá bỏ cái bóng người đàn ông phủ lên người đàn bà đã mấy nghìn năm“, không cần đến cái tự do tuyệt đối nhằm chứng minh sự độc lập tuyệt đối của người phụ nữ hiện đại, bà đã khẳng định vị trí nổi bật của mình – một người đàn bà Việt Nam răng-đen-mắt-tóet- trong lãnh vực từ trước tới nay chỉ – một cách mặc nhiên – dành cho người đàn ông vì tính cách khốc liệt, không khoan nhượng, không thương xót của nó. Đó là lĩnh vực “làm giặc“. Cũng chính đức tính thường thấy ở người phụ nữ Việt Nam (lòng kiên nhẫn, khả năng chịu đựng) – theo lời bà- đã giúp bà sống còn cho đến nay. Trước đây , bà đã từng nhiều năm trải qua một cuộc chiến tranh có súng đạn, có mìn bom hầm hố, và tất nhiên có người chết, có nhà cửa xóm làng tan hoang. Sống sót trở về chưa hẳn đã là sự may mắn theo cái nghĩa anh thợ cày lau kiếm, ngày ngày vui thú bên nương dâu, cái cày, con trâu và người vợ trẻ, tự do hưởng khí trời. Là người sống sót, con “mắt tóet” của bà nhìn thấy ngay rằng, trên đất nước từ nay đã thu về một mối của mình, người ta không được quyền làm người, chữ Người viết hoa.

Và người phụ nữ ấy đã chọn cho mình con đường làm giặc, để giúp cho dân của bà (trong đó có gần một nửa là đàn ông) “mở mắt ra và biết sống cuộc sống con người.”, dù biết rằng, khi chọn con đường “làm giặc“, có nghĩa là chọn một con đường chết, con đường không có lối ra.

Đồng ý hay không đồng ý với quan điểm của bà về nhiều vấn đề – và đôi khi những quan điểm ấy bộc lộ một cách quá “kiêu hãnh”  – nhưng sự can đảm ở người phụ nữ ấy là điểm ít người phủ nhận. Bà đã khiến nhiều người đàn ông tai to mặt lớn trong nước kiềng mặt, vì “con giun xéo lắm cũng quằn”, nhất là con giun ấy lại là một người phụ nữ có giọng nói rất khỏe, một trái gan rất to, một khả năng lập luận rất . . . không đàn bà, một vốn sống rất thật và một khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ rất sắc bén.

Bây giờ thì  – người phụ nữ có  “rất nhiều cái rất” ấy, sau khi được cho ra khỏi nước tham dự Liên Hoan Văn Học Quốc Tế theo lời mời của chi hội Văn Bút Hoa Kỳ tại thành phố New York hôm tháng 4 vừa rồi, bà quyết định ở lại Pháp  – theo lời bà- để có điều kiện hòan tất những dự tính văn học của bà.

Ở trong nước, hẳn có nhiều người đàn ông thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin này.

Mới đây, người đàn bà “làm giặc” đã cho ra đời một tác phẩm đồ sộ, công trình của nhiều năm thai nghén trong nỗ lực “giúp cho dân của bà mở mắt ra và biết sống cuộc sống con người”. Từ mảnh đất truyền thống văn học thế giới là Pháp quốc, bà đã gởi tiếng nói của mình đến khắp thế giới. Đó là tác phẩm “Đỉnh cao chói lọi”, một tác phẩm tiểu thuyết trộn lẫn giữa hư cấu và những sự kiện, nhân vật lịch sử.

Như tôi đã viết ở trên, rất khó để có sự đồng thuận hòan tòan với những điều bà phát biểu trong tác phẩm của mình, nhưng tự thân những tiếng nói dõng dạc ấy, đã là một thách thức rất lớn cho những kẻ cầm quyền mà tiếng nói ấy muốn truyền đạt tới . Mặt khác, không thể bỏ qua được cái “ma lực” của chữ nghĩa mà bà đã sử dụng một cách thành thạo trong những tác phẩm của mình. Rồi đây, các thế hệ Việt nam mai sau, không ít thì nhiều, sẽ nhìn lịch sử (hôm nay) qua lăng kính của người đàn bà rất sắc sảo này. Một sự thực khác cũng khó có thể phủ nhận là thế giới đã “mở mắt” khi nhìn về chế độ tòan trị ở Việt Nam, phần lớn là nhờ những nhà văn phản kháng như bà – những người đã từng sống trong lòng chế độ- .

Thời thế đã thay đổi. Ngày nay, người phụ nữ có mặt ở những nơi trước đây là chỗ người đàn ông thường chiếm đa số. Họ đã chứng tỏ bản lĩnh của người đồng hành (chứ không phải của người thuộc “phái yếu”) với người đàn ông trong mọi lãnh vực của đời sống. Từ chỗ chỉ biết sống vì chồng, vì con, nay họ đã bước ra ngòai cánh cửa gia đình để còn biết sống cho mình, cho đời, cho đất nước.

Ý niệm về một người đàn ông thành công có bóng dáng người vợ đảm đang của mình luôn đứng đằng sau khó có thể áp dụng cho người phụ nữ thành công, vì có lẽ, ít có người đàn ông nào chịu là cái bóng cho vợ của mình. Có lẽ là do tâm thức  “gia trưởng” chưa thể một sớm một chiều xóa bỏ được sau mấy ngàn năm ngự trị của một nền văn hóa xem người đàn bà chỉ là “thứ yếu”.

Hàng năm, còn có ngày 8 tháng 3 là ngày Quốc tế Phụ Nữ, được chính thức công nhận bởi cơ quan Liên Hiệp Quốc từ năm 1975. Hai năm sau, các quốc gia thành viên trên thế giới đã được kêu gọi nên dành một ngày để trân trọng những nỗ lực phi thường của người phụ nữ nhằm giải phóng chính mình, góp phần phát triển thế giới  ngày một tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Thực ra, với người phụ nữ Việt nam, không đợi tới những phong trào giải phóng phụ nữ trên tòan thế giới thúc đẩy, họ đã trưởng thành theo với từng giai đọan lịch sử của đất nước, cả ở hai nghĩa xã hội và chính trị. Và không thể không nhắc đến những người phụ nữ vợ con tù cải tạo sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở miền Nam. Họ đã cùng một lúc đảm nhận vai trò người chồng, người cha, và người mẹ của gia đình trong một hòan cảnh hết sức khắc nghiệt. Tôi muợn một đọan viết rất hình tượng của nhà văn Phùng Nguyễn để diễn tả những người phụ nữ ấy như sau :

” . . . bà là người vợ trẻ có chồng đi xa. Bà là người mẹ có con đi xa. Bà là người em có anh đi xa. Rất xa và không hẹn ngày về. Người đàn bà, cô đơn và sợ sệt trong những ngày đầu của dâu bể, nay phải đương cự với những thảm họa vô cùng lớn lao, một mình. Nước mất nhà tan,  người chồng, người cha đang gánh vác gông xiềng ở một xó rừng nào đó, không hẹn ngày về. Và những đứa con thơ phải nuôi nấng, phải bảo bọc. Ngoài kia, cùng với những khẩu hiệu ồn ào sắt máu vọng ra không ngưng nghỉ  từ loa phóng thanh, là cả một hệ thống bạo lực võ trang tận răng sẵn sàng nghiến nát tất cả những gì có thể được xem là chướng ngại của chế độ. Và đêm đến, là tiếng chân dọa nạt, tiếng gõ cửa rụng tim, tiếng quát tháo rợn người, và tiếng than van uất nghẹn. Nhưng người vợ trẻ, nạn nhân của một thời điêu linh cùng cực, giữa gọng kềm của một thế lực hung bạo, sau cùng đã không cho phép mình gục ngã. Bởi vì có quá nhiều điều cần phải được chống đỡ bởi chính bờ vai mỏng manh trên tấm thân gầy yếu vì đói khát của nàng. Và bằng vào tình yêu và sự can trường không thể giải thích được, nàng gượng dậy và bắt đầu cuộc chiến đấu mới. Và chiến thắng. Nỗi đau nước mất nhà tan, nỗi đau sinh ly tử biệt, nàng nuốt ngược vào. Nỗi kinh hoàng dành cho thế lực hung tàn, nàng đạp xuống. Núi đồi hiểm trở, nàng bước lên, vượt hàng ngàn cây số để tìm đến chồng đến cha đến anh và mang đến họ thẻ đường, bịch muối, những gừng cay, những khô mặn, và trên hết,  hy vọng. Vào những buổi tối, phía sau bức vách rách nát hoặc trống trải ở một nơi nào đó giữa lòng đô thị cũ đông đúc hay vùng kinh tế mới hoang vắng, từng mảnh và từng mảnh, nàng tháo gỡ những nọc độc văn hóa đang tìm cách xâm nhập trí não đứa con thơ bởi nền giáo dục hồng hơn chuyên. Và như thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng tháng khác, năm này qua năm khác, nàng gìn giữ cho mình, cho người chồng đi xa, xuyên qua đứa con, ước mơ về một tương lai tươi sáng.  Người đàn bà, đối diện với những thử thách vô cùng to lớn, những đe dọa vô cùng khủng khiếp, đã không cho phép mình gục ngã. Nàng nhìn thẳng vào nỗi sợ, và khuất phục nó. . .  (Trích từ “Nạn Nhân” – Phùng Nguyễn. Tạp chí điện tử Damau.Org)”.

Năm 2008, trong ngày Hội Ngộ cựu Tù Nhân Chính trị ở thành phố Dallas do một người phụ nữ đáng nể trọng tổ chức, tôi có dịp nhìn thấy khuôn mặt những người đàn bà mà nhà văn Phùng Nguyễn đã mô tả. Thời gian đã để lại những dấu ấn không thể tránh khỏi, nhưng nét cứng cỏi năm xưa vẫn còn đậm nét. Giờ đây, hồi tưởng lại, tôi bất giác muốn so sánh vẻ cứng cỏi “lịch sử ” của những người phụ nữ vợ con tù cải tạo năm xưa và vẻ tự tin thật mạnh mẽ nơi người phụ nữ trẻ mà tôi được trò chuyện.

Hình như cô đã thừa hưởng được “kinh nghiệm  đắt gía” ấy nơi người mẹ, người chị của mình.

T.Vấn

(Tháng 3-2009)

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search