T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (Bài 17)- DONNA DONNA – ca khúc dân gian của người Do-thái lưu vong

clip_image002

Theo phác họa ban đầu, chương trình “Những ca khúc ngoại quốc lời Việt” của chúng tôi sẽ khởi đầu với thời kỳ nhạc cổ điển, tiếp đến là thời kỳ hiện đại, sau đó tới một số ca khúc dân gian điển hình, rồi tới những ca khúc nổi tiếng trong phim ảnh, và cuối cùng là một số ca khúc được ưa chuộng sau năm 1975.

Hiện nay, chúng ta đã bước vào thời kỳ hiện đại, và trong mấy kỳ vừa qua, chúng tôi đã giới thiệu những ca khúc điển hình của tiền bán thế kỷ thứ 20. Theo dự trù, tiếp theo sẽ là những ca khúc của thời nhạc Pop (thập niên 1950), nhạc Rock (thập niên 1960), tuy nhiên khi nhìn lại thời điểm xuất hiện của những ca khúc dân gian sẽ được giới thiệu, chúng tôi nhận thấy hầu hết đã được phổ biến và ưa chuộng trước thời nhạc Pop. Vì thế, để dòng nhạc chảy xuôi theo dòng thời gian, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc các ca khúc dân gian ấy trước khi giới thiệu các ca khúc của thời nhạc Pop.

Ca khúc dân gian đầu tiên chúng tôi giới thiệu là một ca khúc của người Do-thái lưu vong, sau khi được nữ ca sĩ du ca Joan Baez của Mỹ hát lời bằng tiếng Anh và Claude Francois hát bằng tiếng Pháp, đã trở nên nổi tiếng quốc tế. Riêng tại Việt Nam, trước năm 1975, Donna Donna đã được Tuấn Dũng đặt lời Việt với tựa “Tiếc Thương”, và sau này được ca nhạc sĩ du ca Trần Tiến dịch lời hát bằng tiếng Pháp sang tiếng Việt, tuy nhiên vẫn giữ nguyên tựa “Donna Donna”.

Donna Donna có tựa đề nguyên thủy là “Dana Dana”, trích từ vở ca kịch “Esterke” của người Do-thái lưu vong sống ở Hoa Kỳ (diễn trong 2 năm 1940, 1941), viết bằng tiếng Yiddish.

[Yiddish là ngôn ngữ của một bộ phận lớn người Do-thái vong quốc, bắt đầu hình thành vào thế kỷ thứ 10 tại vùng sông Rhine (Rhineland, Đức), rồi phát triển sang Trung Âu và Đông Âu, nơi có nhiều người Do-thái sống lưu vong. Về mặt cấu tạo, Yiddish là sự phối hợp giữa thổ ngữ của người Đức ở khu vực sông Rhine với tiếng Do-thái cổ và tiếng Slavic. Tới thế kỷ thứ 18, Yiddish trở thành ngôn ngữ chính thức của nhiều cộng đồng Do-thái ở Bắc Âu, Đông Âu. Hiện nay, Yiddish chỉ còn được gần 2 triệu người Do-thái hải ngoại sử dụng như ngôn ngữ chính thức, và khoảng 12 triệu người khác sử dụng như ngôn ngữ thứ hai]

Tác giả của vở ca kịch “Esterke” là nhà soạn kịch Aaron Zeitlin và nhạc sĩ Sholom Secunda; nội dung vở kịch nói về số phận bi thảm của người Do-thái đang bị Đức Quốc Xã tàn sát trong các trại tập trung.

clip_image003clip_image005

Nhà soạn kịch Aaron Zeitlin và nhạc sĩ Sholom Secunda

Cho tới nay, vẫn chưa có một sự giải thích thống nhất về tựa đề nguyên thủy “Dana Dana”; tuy nhiên theo đa số, có lẽ chữ “Dana” ở đây là rút gọn của chữ “Adonai”, có nghĩa là “Thượng đế” trong tiếng Do-thái cổ. Sự giải thích này ra vẻ hợp lý, bởi vì trong điệp khúc, lời hát đã lập đi lập lại “Dana Dana Dana Dana…” như một khúc vãn ca tuyệt vọng.

Lời hát của “Dana Dana” kể một câu truyện mà chúng tôi cho là gần giống truyện ngụ ngôn “Mỗi người một số phận” (Chacun son sort) của Pháp mà chúng ta đã đọc từ thời tiểu học. Khác biệt đáng kể chỉ là trong truyện “Mỗi người một số phận”, con vật bị chủ đem ra chợ bán cho người ta giết thịt là một con lợn, còn trong bản “Dana Dana”, con vật xấu số ấy là một con bê.

Trên đường đi tới chợ, con bê luôn miệng than thở cho số phận bi thảm của mình, và so bì với con chim sẻ đang tung cánh bay trên bầu trời, và gió thì cứ cười đùa lả lơi trước sự nghiệt ngã, bất công ấy.

Thấy con bê cứ than thân trách phận, người chủ bực mình bảo nó:

“Tại sao mày sinh ra làm con bê làm gì cho người ta giết thịt? Sao không sinh ra làm con chim sẻ để tung cánh trên bầu trời tự do?!”

Tự trong câu nói của người nông dân đã vô tình hàm chứa một nghịch lý trong nhân sinh mà không ai có khả năng giải thích thỏa đáng: tại sao cùng sinh ra trên cõi đời này, trong khi có những người, hoặc nói rộng ra là những dân tộc, phải chịu quá nhiều thua thiệt, đau khổ triền miên, thì những người khác, những dân tộc khác lại sung sướng, hạnh phúc ấm no từ thế hệ này sang thế hệ khác?!

Chính vì không giải thích được, người Do-thái lưu vong chỉ biết vãn than với Thượng đế “Dana Dana Dana Dana…”. Và ca khúc này đã mau chóng trở thành một bài hát dân gian phổ biến trong các cộng đồng Do-thái lưu vong.

Sau đó, nhạc sĩ Sholom Secunda đã dịch lời bản Dana Dana từ tiếng Yiddish sang tiếng Anh với tựa Donna Donna.

[Mặc dù trong lời hát bằng tiếng Anh, chữ “dana” được chuyển âm thành “dona”, nhưng hầu như tất cả mọi ấn phẩm bằng tiếng Anh đều viết tựa của ca khúc là “Donna” (2 mẫu tự “n”) mà không có một sự giải thích nào]

Cũng xin viết thêm, tên của ca khúc chúng tôi đang đề cập tới là “Donna Donna”, xin đừng lẫn lộn với “Donna”, một ca khúc của nam ca nhạc sĩ Mỹ Ritchie Valens, do anh viết và thu đĩa năm 1958, để tặng người yêu thời trung học là nàng Donna Ludwig, và đã lên tới hạng 2 toàn quốc Hoa Kỳ.

Tới thập niên 1960, bản “Donna” này đã được nam ca sĩ Anh Cliff Richard (Cliff Richard & The Shadows) thu đĩa.

Ritchie Valens cũng là người đã thu đĩa bản dân ca “La Bamba” của Mễ-tây-cơ, giúp nó trở thành một ca khúc nổi tiếng quốc tế.

* * *

Nhưng bản Donna Donna lời Anh của Sholom Secunda không mấy phổ biến, phải đợi tới giữa thập niên 1950, sau khi hai tác giả Arthur Kevess và Teddi Schwartz dịch lần thứ hai thì Donna Donna mới được nhiều người biết tới, và vào năm 1960, đã lên “top” qua sự trình bày của Nữ hoàng du ca Mỹ quốc Joan Baez.

clip_image006

Donna Donna

On a wagon bound for market
There’s a calf with a mournful eye.
High above him there’s a swallow
Winging swiftly through the sky.

*

How the winds are laughing
They laugh with all their might
Laugh and laugh the whole day through
And half the summer’s night.

Dona, dona, dona, dona,
Dona, dona, dona, do,
Dona, dona, dona, dona,
Dona, dona, dona, do.

*

“Stop complaining,” said the farmer,
“Who told you a calf to be?
Why don’t you have wings to fly with

Like the swallow so proud and free?”

*

How the winds are laughing …

Calves are easily bound and slaughtered
Never knowing the reason why.
But whoever treasures freedom,
Like the swallow has learned to fly.

Dona, dona, dona, dona,
Dona, dona, dona, do,
Dona, dona, dona, dona,
Dona, dona, dona, do.

 

Phụ lục (1): Donna Donna, Joan Baez

DonnaDonna-JoanBaez

Viết thêm về Joan Baez:

clip_image008

Joan Baez sinh năm 1941, là một nữ ca nhạc sĩ du ca Mỹ gốc Mễ-tây-cơ, có tài đàn guitar và một giọng hát thiên phú từ nhỏ. Ngày ấy, Joan Baez cùng với Bob Dylan thường được giới sinh viên phản chiến ở Sài Gòn so sánh với cặp Trịnh Công Sơn – Khánh Ly.

Joan Baez không chỉ có công quảng bá các sáng tác của Bob Dylan mà còn được các thành phần phản chiến quốc tế suy tôn làm thần tượng với bản nhạc thiều phản chiến “We Shall Overcome” và bản du ca phản chiến “Blowing in the wind”, một sáng tác để đời của Bob Dylan (video: Blowing in the wind – YouTube)

Joan Baez là một trong những nghệ sĩ Mỹ tham gia tích cực vào phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, không thua gì cô đào Jane “Hanoi” Fonda. Tháng 12 năm 1972, Joan Baez cùng một đoàn phản chiến sang Hà Nội đúng vào thời gian xảy ra cuộc oanh tạc kéo dài 11 ngày đêm của các pháo đài bay B-52 của Không Lực Hoa Kỳ (người Mỹ gọi là The Christmas Bombing).

Tháng 5 năm 1975, sau khi cộng sản chiếm miền Nam, Joan Baez đã hát bản “The War Is Over” trong cuộc xuống đường liên hoan của các thành phần phản chiến thiên tả tổ chức ở thành phố Nữu Ước.

Nhưng khác với một Jane Fonda phản chiến một cách xuẩn động, mù quáng, ít lâu sau khi Sài Gòn đổi chủ, Joan Baez đã công khai chỉ trích những vi phạm nhân quyền của chế độ CSVN, đặc biệt là hành động trả thù đối với quân nhân công chức của chế độ cũ. Năm 1979, Joan Baez đã vận động lấy chữ ký của nhiều nhân vật uy tín, và vào ngày 30 tháng 5, mua nguyên một trang quảng cáo trên bốn nhật báo lớn ở Hoa Kỳ, để đăng một bài dài tố cáo sự tàn ác của chế độ CSVN (nguồn tham khảo: (1) Joan Baez starts protest on repression by Hanoi”. The New York Times. May 30, 1979. p. A14), (2) A Voice To Sing With… – A Memoir by Joan Baez)

* * *

Sau Joan Baez, Donna Donna (lời Anh) còn được nhiều danh ca khác trình bày, và cũng đều lên “top”, như Donovan, cựu thần đồng Patty Duke ở Mỹ, Julie Roger, Mary Hopkin ở Anh…

Phụ lục (2): Donna Donna, Julie Roger

02-DonnaDonna-JulieRoger 

Donna Donna được dịch hoặc đặt lời hát mới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, và trở thành một ca khúc dân gian được ưa chuộng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở Đức, Pháp, Nga, Nhật.

Tại Pháp, Donna Donna được ca nhạc sĩ Claude Francois đặt lời bằng tiếng Pháp với nội dung hoàn toàn khác với ca khúc nguyên thủy.

clip_image010

Nhắc tới Claude Francois, quý độc giả yêu nhạc Pháp thuộc lứa tuổi “baby boomers” (ra chào đời sau Đệ nhị Thế chiến) hẳn còn nhớ anh là một tên tuổi được ái mộ hàng đầu ở Pháp và các quốc gia nói tiếng Pháp, có lẽ chỉ đứng sau Johnny Halliday. Chúng tôi sẽ có dịp viết thêm về Claude Francois trong tương lai khi giới thiệu bản Comme d’habitude – ca khúc đã được Paul Anka đặt lời tiếng Anh với tựa My Way, và trở thành ca khúc “nhãn hiệu cầu chứng” của Frank Sinatra.

Claude Francois là một người đa tài, vừa sáng tác vừa trình diễn, đặt biệt là những ca khúc ngoại quốc thịnh hành do anh đặt lời Pháp, trong đó có bản Donna Donna.

Lời hát do Claude Francois đặt nghe như một bài hát ru, kể chuyện một cậu bé sống đầy đủ, hạnh phúc trong một ngôi nhà to đẹp, nhưng trong lòng lúc nào cũng khao khát sớm được trở thành người lớn; thấy vậy bà mẹ thường vừa bẹo má cậu vừa nói: “Rồi đây, con sẽ nuối tiếc những ngày ấu thơ”.

Năm tháng trôi qua, cậu bé ngày xưa ấy nay đã trở thành một người đàn ông mỏi mòn, xác xơ, tơi tả sau khi trải qua bao nỗi bất hạnh trên đường đời – tình phụ, đói khổ, thất bại, bơ vơ…, và chợt nhớ lại lời mẹ ngày xưa:

Phụ lục (3): Donna Donna, Claude Francois

06 – Track 6

Donna Donna

Il était une fois un petit garçon
Qui vivait dans une grande maison
Sa vie n’était que joie et bonheur
Et pourtant au fond de son cœur
Il voulait devenir grand
Rêvait d’être un homme.
Chaque soir il y pensait
Quand sa maman le berçait:


Donna Donna Donna Donna
Tu regretteras le temps
Donna Donna Donna Donna
Où tu étais un enfant…

*

Puis il a grandi, puis il est parti
et il a découvert la vie
Les amours déçues, la faim et la peur et souvent au fond de son cœur
Il revoyait son enfance
Rêvait d’autrefois
Tristement il y pensait
et il se souvenait:
Donna Donna Donna Donna
Tu regretteras le temps
Donna Donna Donna Donna
Où tu étais un enfant…

*

Parfois je pense à ce petit garçon,
Ce petit garçon que j’étais.

Video: Dorothée & Hélène ~ Dona Dona (Rock’n Roll Show 1993) YouTube

Trước năm 1975, Donna Donna lời Pháp do Claude Francois thu đĩa đã trở thành một trong những ca khúc Pháp được ưa chuộng nhất tại miền Nam Việt Nam. Vào thời gian “trăm hoa đua nở” trong phong trào đặt lời Việt cho các ca khúc ngoại quốc thịnh hành (đầu thập niên 1970), Donna Donna đã được Tuấn Dũng đặt lời Việt với tựa Tiếc Thương.

Nội dung của Tiếc Thương là lời một người con trai khóc thương người yêu vừa từ giã cõi đời. Sau khi được ban hợp ca Mây Trắng của Lê Hựu Hà (thành lập sau khi ban Phượng Hoàng tan rã) thu băng, Tiếc Thương đã trở thành một ca khúc “thời trang” (mà có người còn gọi là nhạc “sến”) phổ biến bậc nhất ở miền Nam VN.

Tiếc Thương

Ánh đèn vàng hiu hắt, khói trầm cay đôi mắt.
Em nằm đó sao thôi cười thôi nói?
Dáng buồn còn vương nét. Mắt huyền giờ đã khép.
Em nằm đó như đang mơ mộng gì.

*
Em theo mây bay quên cuộc đời, đời đầy nghĩa thương đau.
Mây đưa em bay đi tìm trời, và nơi đó em có nhớ tôi.
Em ơi em ơi em, hỡi người yêu dấu!
Sao em yêu vội sớm ra đi. Em ơi em ơi em, hỡi người yêu dấu!
Đau lòng thay phút giây xa rời.

*

Tiếng đàn ai buông lơi, tiếng đàn như tiếng khóc
rung từng phím tơ não nùng ai oán.
Khiến lòng tôi thổn thức, khiến lòng tôi ray rức.

Môi mặn đắng nước mắt thương tiếc nàng.

*
Em theo mây bay quên tình người,
người đầy những dối gian.
Mây đưa em bay đi về trời, và nơi đó em có nhớ tôi.
Em ơi em ơi em, hỡi người yêu dấu!
Sao đôi ta vội sớm chia ly!
Em ơi em ơi em, hỡi người yêu dấu!
Thế rồi tôi mất em suốt đời!

 

Phụ lục (4): Tiếc Thương, Như Quỳnh

07 – Nhu Quynh – Tiec Thuong (Donna Donna)

Ngày ấy tại Sài Gòn, nhiều người từng nghe quen bản Donna Donna lời Pháp đã không hài lòng cho lắm, nếu không muốn nói là bất mãn trước bản lời Việt của Tuấn Dũng. Nguyên nhân chính không phải vì lời hát khá tầm thường mà vì ý nghĩa cũng như tác động của nó: trong khi Donna Donna đem lại cho người nghe những rung cảm nhẹ nhàng, man mác, thì Tiếc Thương lại gợi tưởng những bi lụy thảm sầu – một cách khá ngô nghê, gượng ép.

Gần đây, Donna Donna lời Pháp đã được nhạc sĩ Trần Tiến ở trong nước dịch sang lời Việt. Chúng tôi viết “dịch sang lời Việt” chứ không viết “đặt lời Việt” bởi vì trên thực tế, Trần Tiến đã phỏng dịch một cách tuyệt vời bằng sự rung động của một người viết và hát du ca nổi tiếng. Nhưng có một chữ mà Trần Tiến không thể dịch, hoặc không muốn dịch, đó là “Donna Donna”. Rất có thể anh cho rằng “Donna Donna” trong bản lời Pháp đã trở thành tiếng ru quốc tế, không cần dịch và không nên dịch, cho nên anh đã giữ nguyên tựa “Donna Donna” của ca khúc và những lời ru “Donna Donna…” trong toàn bài.

Donna Donna

Mái nhà xưa yêu dấu, bức tường rêu phong cũ
nơi cậu bé qua những ngày thơ ấu.
Muốn mình mau khôn lớn. Giữa đùa là yên ấm,
em ngồi ước mơ bước chân giang hồ.
Mơ bay theo cánh chim ngang trời, biển xa núi chơi vơi.
Mơ bay đi khát khao cuộc đời. Một đêm nhớ tiếng ai ru hời:
Donna Donna Donna ngủ đi nhé.
Ngoài trời đường nhiều gió tuyết rơi.
Donna Donna Donna ngủ đi nhé.
Hãy nằm trong cánh tay của mẹ.

*

Có một người đàn ông, trước thềm nhà rêu phong
bỗng ngồi khóc nhớ những ngày thơ ấu.
Sống đời bao cay đắng, tóc bạc phai mưa nắng.
Tay đành trắng những giấc mơ thơ dại.
Đi qua bao núi sông gập ghềnh.
Cuộc tình mãi lênh đênh.
Đi qua bao tháng năm vô tình, một đêm nhớ tiếng ru mẹ hiền:
Donna Donna Donna ngủ đi nhé.
Ngoài trời đường nhiều gió tuyết rơi.
Donna Donna Donna ngủ đi nhé,
Hãy nằm trong cánh tay của mẹ

*

Oo-ooh-oo…
Giờ này người đã khuất xa tôi

Oo-ooh-oo…
Uớc ngàn năm bé trong tay người.

clip_image012

 

Phụ lục (5): Donna Donna, Tam Ca áo Trắng

Donna Donna – Tam Ca Ao Trang [NCT 6855860693]

Phụ lục (6): Donna Donna, Hòa tấu (Jazz)

DonnaDonna-HoaTau

Phụ lục (7): Donna Donna (guitar) Vô Thường

DonnaDonna-VoThuong

 

 

HOÀI NAM

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search