T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(12): Qui Sait (Nào biết nào hay), FARRES – Cherry Pink (Cánh bướm vườn xuân), LOUIGUY

clip_image001

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc, nhạc khúc nổi tiếng viết theo các thể điệu thịnh hành của châu Mỹ -La-tinh, kỳ này chúng tôi nói về bản nổi tiếng nhất của thể điệu Cha-cha-cha: Cherry Pink and Blossom White, được đặt lời Việt với tựa Cánh bướm vườn xuân.

Tương tự Bolero thoát thai từ Rumba, Cha-cha-cha là một biến thể của Mambo (bách khoa tự điển Wikipedia gọi Cha-cha-cha là “một loại Mambo”), vì thế trước khi viết về Cha-cha-cha chúng tôi xin sơ qua về Mambo, cùng với ca khúc Quizas Quizas Quizas (Nào biết nào hay) nổi tiếng được viết theo thể điệu này.

* * *

Cùng với các thể điệu Habanera, Rumba, Bolero (hiện đại)…, Mambo cũng phát xuất từ Cuba, cái nôi của nền ca nhạc châu Mỹ La-tinh. Sở dĩ Cuba có một nền nhạc phong phú và đa dạng là vì hòn đảo này chịu ảnh hưởng của cả mẫu quốc Tây-ban-nha, lẫn lân quốc Hoa Kỳ (nhạc jazz) và người da đen gốc Trung Phi, mà tổ tiên trước kia bị đưa tới làm nô lệ trong các đồn điền mía ở Haiti và Cuba. Trong số những thể điệu phát xuất từ Cuba, Mambo là thể điệu chịu ảnh hưởng Phi Châu mạnh mẽ nhất.

Về mặt ngữ học, chữ “Mambo” không phải là tiếng Tây-ban-nha là tiếng Kikongo, ngôn ngữ của người da đen gốc Trung Phi, có nghĩa là “đối thoại với các thần linh” (conversation with gods). Về sau, ở Haiti chữ Mambo được người da đen sử dụng để gọi các phụ nữ làm nhiệm vụ tế thần kiêm phù thủy (voodoo priestess). Mãi tới thập niên 1930, chữ Mambo mới được người Cuba sử dụng để gọi thể điệu nhạc và vũ nói trên.

clip_image002

Perez Pradoông vua Mambo

Mambo là một thể điệu vui tươi, sống động, sau khi được nhạc trưởng Perez Prado của Cuba – người được mệnh danh là “ông vua Mambo” – đem sang phổ biến ở Mễ-tây-cơ, tới đầu thập niên 1950, đã chinh phục cả Bắc Mỹ lẫn châu Mỹ La-tinh.

Cũng chính vì đặc tính vui tươi, sống động của Mambo, vào cuối thập niên 1950, nhiều nhạc sĩ của nền tân nhạc Việt Nam đã sử dụng thể điệu này để sáng tác các ca khúc mà ngày ấy người Sài Gòn gọi đùa là “dân ca mắm bò” (Mambo), điển hình là các bản Gạo trắng trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu của Hoàng Thi Thơ, Nắng đẹp miền Nam của Lam Phương, Tình thắm duyên quê của Trúc Phương, v.v…

Phụ lục (1): Trăng rụng xuống cầu, Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết (trước năm 1975)

01-TrangRungXuongCau

Nhưng Mambo không chỉ vui tươi, sống động mà còn sôi động và sexy. Vì ngày ấy chưa có điệu Twist hay bất cứ thể điệu “kích động” nào khác, nên Mambo được xem là thể điệu sôi động nhất, và riêng với nữ giới, là điệu nhảy sexy (hấp dẫn) nhất.

Trong khi tính cách gợi tình của Tango Á-căn-đình là do cách lột tả đầy dục tính, và phần hạ thân của cặp nam nữ quyện vào nhau, thì tính cách hấp dẫn của Mambo là do động tác lắc vòng số 3 (và trong nhiều trường họp, còn là động tác “hẩy hẩy” cái bụng dưới) của người nữ.

Những ai thường đi nghe nhạc tại các phòng trà, vũ trường ở Hòn ngọc Viễn đông vào những năm cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, thưở miền Nam còn thanh bình, các phòng trà và vũ trường chưa bị đóng cửa, hẳn còn nhớ hình ảnh các cô ca sĩ vừa hát Mambo vừa lắc vòng số 3, mà ngày ấy người Sài Gòn gọi là “lắc đ… Mambo”!

Riêng những độc giả sinh sau đẻ muộn muốn biết ngày ấy người ta nhảy Mambo ra sao, hấp dẫn như thế nào, chỉ cần xem cuốn phim The Motorcycle Diaries (2005) kể lại cuộc đời của lãnh tụ du kích quân cộng sản Ersnesto Che Guevara của châu Mỹ La-tinh. Nếu gạt bỏ yếu tố truyên truyền cho cộng sản sang một bên để chỉ nói về mặt ca nhạc thì cuốn phim này xứng đáng được cho 5 sao, trong đó cảnh các cô bạn gái của Che “lắc Mambo” vô cùng hấp dẫn, được giới mộ điệu không tiếc lời ca tụng.

Trường hợp chưa có thì giờ, phương tiện để xem phim The Motorcycle Diaries, độc giả có thể vào YouTube để thưởng thức các cảnh nhảy Mambo nổi tiếng, chẳng hạn dirty dancing – johnny’s mambo (phim Dirty Dancing – Patrick Swayze, Jennifer Grey), hoặc Sophia Loren MAMBO italiano – YouTube (giới thiệu nữ minh tinh Ý Sophia Loren và ca khúc Mambo Italiano).

Động tác “lắc vòng số 3” trong điệu Mambo về sau này đã được các ca sĩ gốc Mỹ La-tinh như Jennifer Lopez, Shakira, Ricky Martin… khai thác tối đa trong lúc trình diễn, cho dù ca khúc được trình bày không phải là một bản Mambo!

clip_image003

Trở lại với thời gian cuối thập niên 1950, Mambo được du nhập vào miền nam Việt Nam qua cuốn phim Ý Mambo (1954) do Sylvana Mangano, thần tượng nhục thể đầu tiên của điện ảnh Ý, thủ vai chính, và ca khúc Mambo Italiano (1955).

Mambo Italiano có nghĩa là Mambo Ý-đại-lợi, là bản Mambo phổ biến nhất ở quốc gia này, nhưng về nguồn gốc lại là một bản Mambo Mỹ 100%.

Mambo Italiano nguyên là một trong 8 ca khúc được lên Top 10 của Bob Merill (1921-1998), một nhà viết ca khúc kiêm soạn giả ca nhạc kịch, kiêm nhà viết kịch bản phim nổi tiếng của Mỹ.

Hoàn cảnh ra đời của bản Mambo Italiano cũng khá khác thường.

Lúc đó là cuối năm 1954, vào ngày cuối cùng của thời hạn phải trao một ca khúc Mambo theo “đơn đặt hàng” của nhạc trưởng Mitch Miller, người đang thực hiện một album cho nữ danh ca kiêm diễn viên Rosemary Clooney, Bob Merill mới sực nhớ ra. Lúc đó ông đang ở trong một tiệm ăn Ý ở Nữu Ước, và nảy sáng kiến lấy Ý làm đề tài. Ông lấy một tấm khăn ăn bằng giấy, viết vội vã nhạc và lời hát, rồi tới pay-phone trong tiệm ăn, đọc cho một nhạc sĩ phụ tá của Mitch Miller đang ở trong studio ghi lại.

Không ngờ qua đầu năm 1955, Mambo Italiano qua sự trình bày của Rosemary Clooney đã lên hạng 10 toàn quốc Hoa Kỳ và hạng nhất ở Anh quốc.

Phụ lục (2): Mambo Italiano, Bette Milder (thu đĩa năm 2003)

02-MamboItaliano-BetteMidler

clip_image005

Một trong những bản Mambo nổi tiếng quốc tế khác được ưa chuộng tại miền Nam trước năm 1975 là bản Quizas Quizas Quizas của nhà nhà soạn gốc Cuba Osvaldo Farrès (1903-1985).

Ra chào đời và hành nghề tại Cuba, nhưng tới năm 1962, sau khi Fidel Castro thiết lập chế độ cộng sản tại đảo quốc này, Osvaldo Farrès, cùng với vợ, đã phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ, và qua đời tại New Jersey năm 1985.

Quizas Quizas Quizas được Osvaldo Farrès sáng tác năm 1947 và lập tức nổi tiếng quốc tế ngay. Ca khúc này được tác giả Mỹ Joe Davis đặt lời hát mới bằng tiếng Anh, nội dung nói về một cô gái yêu chàng trai nọ, nhưng chàng cứ lửng lơ con cá vàng! Đã hàng nghìn lần cô hỏi chàng có yêu cô không thì chàng đều trả lời “có lẽ thế” – Perhaps Perhaps Perhaps.

Perhaps Perhaps Perhaps đã được hầu hết các sĩ Mỹ thu đĩa, từ Nat King Cole, Dean Martin, tới Doris Day, Mari Wilson… và 60, 70 năm sau, vẫn được các ca sĩ nhạc pop ưa chuộng, điển hình là hai nàng Geri Halliwell và Emma Bunton trong ban Spice Girls – tức Ngũ Vị Nương – của Anh Quốc, cũng như ban nữ ca The Pussycat Dolls đang làm mưa gió trên thế giới hiện nay.

Phụ lục (3): Perhaps Perhaps Perhaps, Mari Wilson

03-Perhaps Perhaps Perhaps

Phụ lục (4): Perhaps Perhaps Perhaps (hòa tấu), James Last Orchestra

04-PerhapsPerhapsPerhaps-JamesLast

Riêng bản lời Pháp “Qui Sait Qui Sait Qui Sait” thì được Jacques Larue phóng tác từ lời hát nguyên thủy của Quizas Quizas Quizas, kể về một chàng trai luôn miệng nói “Anh chỉ yêu một mình em, và yêu trọn đời”, nhưng tới khi gặp một bóng hồng khác trong một buổi dạ vũ, chàng ta đã quên ngay những lời thề hứa của mình!

Vì thế, cô gái bị phụ tình đã cảnh giác mọi người: khi một chàng trai nói những lời yêu đương, chỉ có trời biết chàng thật lòng hay chỉ chót lưỡi đầu môi.

Qui Sait Qui Sait Qui Sait được nam ca sĩ kiêm diễn viên Maurice Chevalier thu đĩa, rồi tới Dalida, Charles Aznavour… Bản lời Việt của Minh Thảo (?) với tựa đề Nào biết nào hay đã được dịch khá sát nghĩa từ bản tiếng Pháp.

Chỉ có điều là đa số các sĩ Việt Nam khi thu đĩa bản này, đã hát theo thể điệu Cha-cha-cha, khiến nhiều người lầm tưởng đây là một bản Cha-cha-cha nguyên gốc.

Phụ lục (5): Nào biết nào hay, Ngọc Huệ

05-NaoBietNaoHay-NgocHue

Tới đây, nói về thể điệu Cha-cha-cha.

Chỉ một vài năm sau khi Mambo làm mưa gió tại Bắc Mỹ và châu Mỹ La-tinh, thì bên này bờ Đại tây dương, một thể điệu gốc Cuba khác đã chinh phục cả lục địa Âu châu, đó là Cha-cha-cha.

clip_image006

Điều thú vị nhất liên quan tới Cha-cha-cha là thể điệu này không phải là công trình sáng tạo của nhiều thế hệ, hoặc nhiều người cùng thế hệ, mà chỉ là của một cá nhân: nhà soạn nhạc kiêm nhạc sĩ vĩ cầm gốc da đen Enrique Jorrin (1926-1987).

Vào đầu thập niên 1950, Enrique Jorrin, khi ấy mới 24, 25 tuổi và là thành viên của một ban nhạc nọ, đã sử dụng óc sáng tạo và bỏ công thực nghiệm những cải biến của mình về nền nhạc và các vũ điệu của Cuba. Kết quả, năm 1953, Enrique Jorrin đã trình làng một thể điệu mới, cũng có 4 nhịp mạnh (beat) như Mambo nhưng nhanh hơn, và đặc biệt có thêm một nhịp lẻ (syncop) trước nhịp thứ tư, mà ông đặt tên là Cha-cha-cha.

Lập tức, thể điệu mới này đã làm mưa gió tại thủ đô Havana. Cùng thời gian này, Monsieur Pierre đang thăm viếng Cuba để nghiên cứu về các điệu vũ tại hòn đảo nổi tiếng này.

Monsieur Pierre (1890-1963) tên thật là Pierre Jean Phillipe Zuecher-Margolle, là một vũ sư gốc Pháp nổi tiếng bậc nhất tại Âu châu thời bấy giờ. Ông sống tại Anh quốc và mở trường khiêu vũ tại thủ đô Luân-đôn; ông cũng là một trong những người sáng lập World Dance Council (WDC), cơ quan điều hành các cuộc thi khiêu vũ Ballroom quốc tế hiện nay.

Monsieur Pierre được xem là người đã có công du nhập các điệu vũ Mỹ La-tinh vào Anh quốc, sửa đổi cho thích hợp, tiêu chuẩn hóa rồi giới thiệu với công chúng – từ Paso Doble của Tây-ban-nha, Tango của Á-căn-đình, tới Samba của Ba-tây, Rumba của Cuba, và sau đó là Cha-cha-cha (ở Âu châu và Bắc Mỹ gọi là Cha-cha) vào năm 1954.

Cha-cha-cha của Monsieur Pierre, tức Cha-cha-cha quốc tế (Ballrom Cha-cha-cha) so với Cha-cha-cha nguyên thủy của Cuba có khá nhiều khác biệt, nhưng về căn bản vẫn giống nhau ở chỗ có thêm một nhịp lẻ (syncop) trước nhịp mạnh thứ tư, và đặc biệt, khi khiêu vũ, bắt đầu vào bằng nhịp mạnh thứ hai, thay vì nhịp mạnh thứ nhất như các điệu vũ khác.

Trong khi không sexy bằng Mambo, Cha-cha-cha lại vui nhộn hơn, dễ nhảy hơn, và lẽ dĩ nhiên phổ cập hơn, bởi vì đây là vũ điệu mà mọi thành phần đối tượng, không phân biệt tuổi tác, nam nữ, vợ chồng, tình nhân, hay bè bạn… đều có thể cùng nhau ra sàn nhảy.

Cha-cha-cha cũng là một trong năm điệu vũ Mỹ La-tinh bắt buộc trong các cuộc tranh tài quốc tế (Ballroom), gọi là Latin Dance Group, gồm Rumba, Samba, Paso Doble, Cha-cha-cha và Jive (Swing).

Nguyên tắc di chuyển khi nhảy Cha-cha-cha (tiêu khiển chứ không phải biểu diễn) cũng rất đơn giản: nam tiến thì nữ lùi, và ngược lại. Chính vì nguyên tắc căn bản này, mà ngày xưa sinh viên học sinh rất thích nhảy Cha-cha-cha tập thể, một bên nam một bên nữ, cùng tiến cùng lùi, rất vui mắt và đẹp mắt.

Chúng tôi không nhớ đích bản Cha-cha-cha đầu tiên được du nhập vào miền nam Việt Nam là bản gì, chỉ biết một điều khi người Sài Gòn bắt đầu nhảy Cha-cha-cha vào cuối thập niên 1950, bản Cha-cha-cha phổ biến nhất (qua đĩa hát hoặc do các ban nhạc Phi-luật-tân trình diễn) là Rico Vasillon của nhà soạn nhạc gốc Cuba Ruben Gonzalez (1919-2003), vốn là nhạc sĩ dương cầm trong ban nhạc của Enrique Jorrin (người khai sinh thể điệu Cha-cha-cha).

Nhắc tới tựa đề Rico Vasillon, rất có thể nhiều độc giả nay đang ở tuổi “cổ lai hi” không còn nhớ là bản gì, nhưng chỉ cần đọc câu đầu trong lời hát mà ngày ấy trẻ con đặt để hát nhái theo, chắc chắn 100% người Sài Gòn sẽ nhớ ra ngay; câu hát ấy như sau: “Cha-cha-cha, ma-ní lấy chồng chà-dzà…”

Phụ lục (6): Rico Vasillon, Xavier Cugat Band

06- Ricovacilon

Bản Cha-cha-cha được ưa chuộng kế tiếp tại Hòn ngọc Viễn đông, và cũng là một trong những bản Cha-cha-cha ngoại quốc đầu tiên được đặt lời Việt là bản Pepito, hoặc đầy đủ hơn, là Pepito mi Corazon, tiếng Tây-ban-nha có nghĩa là “Pepito, người yêu dấu của em”.

clip_image008

 

Pepito là một sáng tác của ban nhạc Pháp Los Machucambos và đã đưa ban này lên đài danh vọng.

Gọi Los Machucambos là một “ban nhạc Pháp” chỉ vì nó được thành lập năm 1959 ở Quartier Latin – khu của sinh viên và nghệ sĩ – ở kinh thành ánh sáng Ba-lê, còn ba thành viên của ban nhạc không có ai là người Pháp cả!

Hai tay guitar Rafael Gayoso và Milton Zapata là người Tây-ban-nha và Pérou, nữ ca sĩ Julia Cortés là ái nữ của cựu Tổng thống Léon Cortés Castro xứ Costa Rica. Ngoài ra, khi thu đĩa hoặc trong những buổi trình diễn đặc biệt, Los Machucambos còn được sự tăng cường của một số ca nhạc sĩ gốc Mỹ La-tinh khác, cho nên giới mộ điệu ở Âu châu đã gọi Los Machucambos là “sự hội tụ của châu Mỹ La-tinh tại Ba-lê”.

Los Machucambos đã có công giới thiệu bản La Bamba, một ca khúc truyền thống nổi tiếng của Mễ tây-cơ, vào Âu châu, và đĩa nhạc này đã đoạt giải thưởng của Hàn lâm viện Âm nhạc Pháp quốc. Nhưng đỉnh cao sự nghiệp của Los Machucambos phải là bản Pepito, một trong những ca khúc điển hình nhất viết theo thể điệu Cha-cha-cha, mà cho tới ngày nay, vẫn tiếp tục làm mưa gió ở cả Âu châu lẫn châu Mỹ La-tinh.

Phụ lục (7): Pepito, Los Machucambos

07-Pepito-LosMachucambos

Độc giả muốn xem một video sống động của bản Pepito, có thể vào YouTube: LISA DEL BO IN TOTZ met PEPITO -YouTube. Lisa del Bo, sinh năm 1961, là một nữ danh ca gốc Bỉ, rất được ái mộ ở Đức và các nước Âu châu.

Trước năm 1975, bản Pepito được đặt lời Việt với tựa Người tình Nam Mỹ, và được nữ ca sĩ Trúc Mai trình bày trong băng nhạc Shotguns 34. Sau năm 1975 tại hải ngoại, Ngọc Lan đã hát lại ca khúc này với lời hát có sửa đổi đôi chút. Căn cứ theo danh sách ca khúc ở bìa sau băng nhạc Shotguns 34, thì tác giả lời Việt của bản Người tình Nam Mỹ là Phạm Duy. Tuy nhiên trong danh sách các ca khúc, nhạc khúc ngoại quốc được Phạm Duy đặt lời Việt, được phổ biến trên Internet, chúng tôi không thấy ghi bản này (?).

Phụ lục (8): Người tình Nam Mỹ, Trúc Mai

08-NguoiTinhNamMy-TrucMai

Tới đây, nói về bản Cha-cha-cha quen thuộc và nổi tiếng nhất thế giới, đó là ca khúc Pháp có tựa đề Cerisier rose et pommier blanc (Hoa anh đào màu hồng và hoa táo màu trắng), được dịch sang tiếng Anh là Cherry Pink and Apple Blossom White, thường được gọi tắt là Cherry Pink, hoặc Cereza Rosa theo tiếng Tây-ban-nha; cũng có khi còn gọi là bản Gummy Mambo.

Thực ra, muốn cho chính xác, phải viết Cherry Pink là “bản nhạc quen thuộc và nổi tiếng nhất thế giới được trình bày theo thể điệu Cha-cha-cha”. Có nghĩa là ca khúc nguyên thủy không phải là một bản Cha-cha-cha!

clip_image009

Louis Guglielmi (1916-1991).

Trước khi đi vào nội dung ca khúc, cũng cần nói về chữ “cerisier” (tiếng Pháp), tức “cherry” (tiếng Anh) sử dụng trong ca khúc này. Đó là loài cây có hoa kết trái (fruit tree) thuộc họ prunus (mận), cho ta trái “cherry”, chứ không phải “hoa anh đào Nhật Bản” (japanese cherry blossom) chỉ có hoa mà không kết trái, được xếp vào loại cây cảnh (ornamental tree).

Cerisier rose et pommier blanc do Louiguy viết nhạc và Jacques Larue đặt lời vào năm 1950.

Louiguy là bút hiệu của nhà soạn nhạc gốc Tây-ban-nha Louis Guglielmi (1916-1991). Ông cũng chính là người đã viết phần nhạc cho ca khúc nổi tiếng La Vie en Rose của nữ danh ca Pháp Edith Piaf.

Còn Jacques Larue, tên thật là Marcel Ageron (1906-1961), là nhà viết lời hát tài ba và uy tín bậc nhất của Pháp. Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, Jacques Larue cũng là người đã viết lời Pháp cho bản Quizas Quizas Quizas với tựa Qui Sait Qui Sait Qui Sait.

Phần nhạc của bản Cerisier rose et pommier blanc ngày ấy được nhạc sĩ Louiguy viết dưới hình thức một bản “Jazz Mỹ La-tinh”, nhịp 4/4, được các ca sĩ trình bày theo một thể điệu vui tươi. Bởi nội dung lời hát của Jacques Larue cũng là những gì vui tươi:

Ngày xưa, dưới gốc cây anh đào và cây táo đang nở hoa, có hai trẻ nhỏ, một trai gái, cùng nhau chơi nhảy lò cò (hopscotch). Và theo các thi sĩ, dưới ánh trăng, dưới gốc hoa, tình yêu sẽ nảy sinh. Ngày tháng trôi qua, cũng như hoa anh đào và hoa táo của mùa xuân sang hè đã kết trái, đôi trẻ ngày xưa ấy đã yêu nhau, lấy nhau, và có hai con…

Người đầu tiên thu đĩa bản Cerisier rose et pommier blanc là nam ca sĩ André Claveau, tuy nhiên với thính giả ở Sài Gòn ngày ấy, bản này được biết tới qua tiếng hát của Tino Rossi – đệ nhất thần tượng ca nhạc và điện ảnh Pháp vào các thập niên 1940, 1950.

Phụ lục (9): Cerisier rose et pommier blanc, Tino Rossi

09-Tino Rossi – Cerisier rose et pommier blanc

Qua năm sau, 1951, Cerisier rose et pommier blanc được tác giả Mark David đặt lời bằng tiếng Anh với tựa Cherry Pink and Apple Blossom White, gọi tắt là Cherry Pink, đồng thời được ban nhạc của nhạc trưởng gốc Cuba Perez Prado – người được mệnh danh là “ông vua Mambo” – hòa tấu.

Tới năm 1955, ban nhạc Perez Prado được mời thu đĩa lại bản Cherry Pink để làm nhạc đệm cho cuốn phim Underwater, và lần này, có thêm tiếng kèn trumpet của Billy Regis, Cherry Pink đã đứng nhất trên bảng xếp hạng toàn quốc Hoa Kỳ (Billboard) trong suốt 10 tuần lễ liên tục.

Là “ông vua Mambo”, dĩ nhiên Perez Prado đã trình tấu Cherry Pink theo thể điệu Mambo, vì thế, bản này còn được người Mỹ gọi là Gummy Mambo.

Cũng trong năm 1955, hai tuần lễ sau khi bản Cherry Pink của Perez Prado xuống khỏi bảng xếp hạng ở Hoa Kỳ, thì tại Anh Quốc, Cherry Pink do tay kèn trumpet thời danh Eddie Calvert trình tấu đã đứng hạng nhất tại vương quốc này trong 4 tuần lễ liên tục.

Tới cuối thập niên 1950, thời gian mà điệu nhảy Cha-cha-cha làm mưa gió khắp nơi trên thế giới, nhiều ban nhạc đã trình tấu bản Cherry Pink với phần hòa âm gần như giống hệt đĩa Cherry Pink của Perez Prado năm 1955, có khác chăng là thay vì thể điệu Mambo, các ban nhạc này đã trình tấu theo thể điệu Cha-cha-cha.

Phụ lục (10): Cherry Pink (Cha-cha-cha), Oracle Band

10-Cherry pink and apple blossom white

Tính cho tới nay, Cherry Pink vẫn tiếp tục được ghi nhận là bản nhạc dành cho ban nhạc hòa tấu (tiếng Anh gọi là instrumental) phổ biến nhất, cũng như Dòng Sông Xanh (Blue Danube) là bản cho dàn đại hòa tấu (orchestral) phổ biến nhất xưa nay.

Ngoài hai đĩa nhạc do ban Perrez Prado và ban Oracle Band hòa tấu, Cherry Pink còn được ưa chuộng qua nghệ thuật trình bày của các ban nhạc nổi tiếng khác, như Xavier Cugat, James Last…; về độc tấu tây ban cầm, bản do Chet Atkins đàn vào năm 1955, được ghi nhận là đĩa nhạc đầu tiên.

Về đơn ca, bản do nam ca sĩ Mỹ Pat Boone thu đĩa năm 1960 có lẽ là đĩa nhạc phổ biến nhất.

Riêng tại miền nam Việt Nam, ngay từ giữa thập niên 1960, Cherry Pink cũng là bản bắt buộc của các tay kèn trumpet, và giới thưởng ngoạn cũng thường lấy bản này để đánh giá tiếng kèn của họ.

Còn với những người yêu chuộng bộ môn khiêu vũ, trước khi các bản Cha-cha-cha của ban Santana làm mưa gió vào đầu thập niên 1970, thì Cherry Pink là bản Cha-cha-cha quen thuộc nhất trên các sàn nhảy của Sài Gòn năm xưa.

Trước năm 1975, Cherry Pink đã được đặt lời Việt với tựa Cánh bướm vườn xuân. Một số nguồn tài liệu trên Internet ghi tác giả là Phạm Duy, tuy nhiên tương tự trường hợp bản Pepito (Người tình Nam Mỹ), trong danh sách (được phổ biến trên Internet) các ca khúc, nhạc khúc ngoại quốc được Phạm Duy đặt lời Việt, chúng tôi cũng không thấy ghi bản này.

Phụ lục (11): Cánh bướm vườn xuân, Kiều Nga

11- Canh buom vuon xuan

 

Hoài Nam

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search