T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam :NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (Bài 14 )-LA VIE EN ROSE (Cuộc đời hồng) – LOUIGUY & EDITH PIAF

clip_image002

Kỳ này, trước khi bước vào đề tài “La Vie en Rose”, chúng tôi xin được bổ túc một chi tiết liên quan tới bài kỳ trước (bài thứ 13), viết về Les Feuilles Mortes (Autumn Leaves), một tình khúc bất hủ của Pháp đã được khá nhiều tác giả đặt lời Việt với những tựa đề khác nhau. Ở phần cuối bài, chúng tôi đã giới thiệu bản có tựa “Lá Rụng” do nam danh ca Sĩ Phú hát trong một băng nhạc trước năm 1975, nhưng không biết tên tác giả. Gần đây, sau khi nhạc sĩ Phạm Duy qua đời tại Việt Nam, qua đọc những bài viết về sự nghiệp của ông mới được phổ biến, chúng tôi được biết ông chính là tác giả của bản lời Việt “Lá Rụng”.

LÁ RỤNG
(Les Feuilles Mortes, lời Việt: Phạm Duy)

Ngày vui lúc còn thơ ấu giờ biết tìm đâu?
Bạn ơi! Nhớ gì khi chúng mình thôi gần nhau.
Đẹp sao những chiều nắng lung linh chiếu muôn mầu,
Nhìn lá thu vàng ước mơ nhiều đến ngày sau.
Mình tôi bẽ bàng khi vắng hình bóng người xưa.
Tình yêu vẫn còn chưa phai úa.
Nhặt lá khô vàng dưới chân mà nhớ nhung nhiều
Mùa ấy qua rồi với khung trời gió nhẹ đưa.
Êm đềm như câu hát bên cung đàn mơ,
Dù cho xa vắng vẫn mong chờ.
Năm tháng trôi âm thầm tôi vẫn nhớ
Đến khúc ca năm xưa khi còn thơ.
ĐK:

Bài ca năm ấy,
Dìu nhau trong mê say,
Tìm trong bàn tay,
Dệt mộng ngày mai.
Tình yêu đôi lứa
Đừng như ngàn lá úa
Rụng ngoài rèm thưa
Khi gió sang mùa.
Chiều nay có mình tôi
Từ ngày chia phôi
Đôi mình xa xôi
Lặng lẽ đơn côi.
Và, trên cát vết chân hai mình sóng êm trôi.
Thời gian xóa đi rồi những ngày vui.

Đồng thời, qua tìm hiểu trên các trang mạng, chúng tôi được biết nhà văn & nhà thơ & nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn cũng từng đặt lời Việt cho ca khúc Les Feuilles Mortes, và cũng với tựa “Lá Rụng”.

Bản này được ghi là trích từ “Những tình khúc muôn đời của nhân loại”, tuyển tập 2, do Nhà xuất bản Bút Nhạc ấn hành năm 1973 tại Sài Gòn.

Cũng xin được viết thêm: theo lời thuật lại của một văn hữu trong T.Vấn & Bạn Hữu quen biết Nguyễn Đình Toàn, nhạc sĩ cho biết bản Lá Rụng được phổ biến trên trang mạng có những chỗ sai, tuy nhiên sau 40 năm, hiện nay ông cũng không còn nhớ rõ những lời hát do mình đặt.

LÁ RỤNG
(Les Feuilles Mortes, lời Việt: Nguyễn Đình Toàn)

Ngàn muôn lá vàng xao xác rụng xuống vườn xưa
Kỷ niệm u buồn thôi cũng tàn theo làn gió
Tình ta âm thầm sao vẫn còn mãi trung thành
Cười cám ơn đời dẫu cho tình đã mờ phai
Lòng anh yêu hoài ôi dáng người quá đẹp xinh
Em nỡ muốn vùi chôn đi hết
Thời gian ấy đời như giấc mộng quá êm đềm
Và nắng tưng bừng cũng nghe chừng cháy bỏng hơn
Dịu dàng yêu dấu trăm năm của anh
Nhưng vụng về anh đã đánh mất em
Em thấy anh không hề quên khúc hát thắm thiết năm xưa em hay thường ca

ĐK:

Một bài tình ca
Tựa như tình đôi ta
Và em yêu anh
Và anh yêu em
Mình cùng chung sống
Nồng nàn trong nắng ấm
Tình đời mong manh
Rồi vỡ tan tành
Đời chia ta lìa nhau
Vực sầu thêm sâu
Em về nơi đâu
Lặng lẽ đêm thâu
Và biển sót xoá trên cát mềm dấu chân yêu
Tình xưa đã thương đau đã chìm sâu

 

* * *

 

Sau đây, mời quý độc giả cùng bước vào đề tài kỳ này: La Vie en Rose.

Trong số những ca khúc Pháp thời hiện đại (modern songs) nổi tiếng quốc tế, sau Cerisier Rose et Pommier Blanc (tựa tiếng Anh:Cherry Pink and Apple Blossom White) Les Feuilles Mortes (Autumn Leaves), phải nói tới La Vie en Rose, ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của đệ nhất nữ danh ca Pháp Édith Piaf.

Thực ra, gọi Édith Piaf một nữ danh ca mà thôi thì chưa đủ, bởi vì bà đã được thế giới xem là một biểu tượng văn hóa của Pháp. Một trong những điều kỳ diệu nơi Édith Piaf là mặc dù thất học từ nhỏ, sau này bà thường tự viết lời hát, hoặc viết chung lời hát cho các ca khúc của mình – những ca khúc được xem là phản ảnh cuộc đời bi thảm, bất hạnh, ly kỳ, sôi nổi, đầy đam mê, và bất chấp dư luận của bà.

Cuộc đời của Édith Piaf đã được đưa lên màn bạc cũng như màn ảnh nhỏ nhiều lần, qua hình thức phim tài liệu cũng như phim truyện. Gần đây nhất, vào năm 2007, cuốn phim có tựa đề La Vie en Rose do nữ diễn viên Marion Cotillard thủ vai Édith Piaf đã khiến hàng triệu khán giả phải rơi lệ, và trở thành cuốn phim nói tiếng Pháp đầu tiên đoạt được hai giải thưởng Oscar của Hàn lâm viện Điện ảnh Hoa Kỳ, cho nữ diễn chính và cho hóa trang.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một cuốn phim, La Vie en Rose cũng chỉ trình bày được một phần về cuộc đời ly kỳ của Édith Piaf, kỳ này, nhân viết về ca khúc bất hủ La Vie en Rose, chúng tôi mời quý độc giả cùng tìm hiểu thêm về đường đời và sự nghiệp của Édith Piaf – người nữ nghệ sĩ lớn lên trong động điếm, khởi nghiệp trên hè phố, và khi chết đã được trên 100.000 người ái mộ tiễn đưa nhưng lại không được Giáo hội Công giáo cho cử hành Thánh lễ An táng.

* * *

clip_image004

Édith Piaf tên thật là Édith Giovanna Gassion, ra chào đời ngày 19 tháng 12 năm 1915 tại Belleville, Quận 20, một khu của di dân ở kinh thánh ánh sáng Paris. Ông bố Louis Alphonse Gassion là một tay làm xiếc rong, chuyên biểu diễn nhào lộn và uốn dẻo ngoài đường phố, người vùng Normandie; còn bà mẹ Annetta Maillard – mang ba dòng máu Pháp – Ý – Bắc Phi (Algérie), xuất thân cũng là một ca sĩ hát dạo ngoài đường phố, về sau hát trong các quán rượu bình dân.

Lúc đó là thời gian Đệ nhất Thế chiến, Louis Alphonse phải lên đường tòng quân, đời sống trở nên khó khăn, Annetta bèn trao con gái cho bà mẹ của mình là Aicha Said Ben Mohammed, một phụ nữ gốc Algérie theo Hồi giáo. Aicha có tật nghiện rượu nặng, thường bỏ mặc cô cháu gái trong căn phòng bẩn thỉu, không có nước mà cũng chẳng có phương tiện vệ sinh, thậm chí cả đến cái bình sữa của Édith cũng chỉ là một cái vỏ chai rượu vang!

Hậu quả, cô bé mắc đủ thứ bệnh, từ suy dinh dưỡng trầm trọng tới bệnh ngoải da (eczema). Tới khi Édith được một tuổi rưỡi, ông bố Louis Alphonse từ mặt trận trở về, thấy vậy liền giành lại Édith từ tay người bà ngoại để giao cho bà nội, một chủ nhà chứa ở vùng Normandie.

clip_image005

Dưới sự chăm sóc của các cô gái điếm, bé Édith dần dần khôi phục sức khỏe, nhưng tới năm 7 tuổi thì bị “mù tạm thời” do chứng kết mạc. Trước sự việc này, các cô gái điếm đã phải gom góp tiền bạc, rồi cùng với bà nội của Édith đưa cô bé đi hành hương tại Đền thờ Thánh nữ Thérèse ở Lisieux – mà người Công giáo Việt Nam gọi là Thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su. Họ cùng cầu nguyện trước mộ Thánh nữ để xin phép lạ. Và phép lạ đã xảy ra: Édith hết bị mù! Từ đó cho tới cuối đời, cô luôn luôn giữ bên mình sợi dây chuyền có hình Thánh nữ Thérèse và thường xuyên cầu nguyện trước hình Thánh nữ.

Khi Édith lên 14 tuổi thì Thế chiến đã chấm dứt, ông Louis Alphonse được giải ngũ và trở lại với cuộc sống của một nghệ sĩ xiếc rong nghèo khổ; Édith được ông cho đi theo để học nghề, nhưng cô bé không có tài nhào lộn mà lại có khiếu ca hát. Sau một năm đảm trách vai trò “phụ diễn văn nghệ” cho bố, khi tới Paris, Édith đã quyết định nối nghiệp hát dạo ngoài đường phố của bà mẹ trước kia, theo cô bạn Simone Berteau đi hát dạo ở hai khu Pigalle, Ménilmontant, và các vùng ngoại ô Paris.

Chính trong thời gian này, Édith Giovanna Gassion đã lấy nghệ danh là Édith Piaf. “Piaf” theo cổ ngữ Pháp, có nghĩa là con chim sẻ.

Nhưng cuộc sống của một ca sĩ hè phố vốn thường đã không êm ả, với Édith Piaf lại càng truân chuyên hơn. Năm 16 tuổi, nàng có bầu với bạn trai là Louis Dupont, một thanh niên làm nghề bỏ hàng, với kết quả bé gái Marcelle ra chào đời nhưng 2 năm sau chết vì viêm màng óc. Đây là người con duy nhất của Édith Piaf.

Nhân tình kế tiếp của Édith Piaf là Robert, một tay ma-cô chuyên cặp với các cô gái để dụ dỗ, ép buộc họ làm điếm. Khi được biết một cô nhân tình khác của Robert đã phải tự tử vì ô nhục, Édith đã dứt khoát với gã ma-cô nhưng y không buông tha, và đã có lần dí súng vào đầu nàng để hăm dọa.

Thời may, cứu tinh đã xuất hiện!

Lúc đó là vào năm 1935, Louis Leplée, chủ nhân của phòng trà (cabaret) Le Gerny nổi tiếng ở Đại lộ Champs-Élysée, nơi lui tới của giới thưởng ngọan sành điệu, đã khám phá ra cô ca sĩ hè phố 26 tuổi khi nàng đang hát tại khu Pigalle.

Louis Leplée là một ông bầu có một không hai: ông chỉ dạy cho Édith Piaf cách trình diễn của một ca sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu, và vì nàng chỉ cao 1m42, tức là quá thấp so với tiêu chuẩn phương tây, ông đã khai thác khuyết điểm ấy bằng cách đặt cho Édith Piaf biệt hiệu “La Môme Piaf”, nghĩa là con chim sẻ bé nhỏ, đồng thời cố vấn cho Édith Piaf chỉ mặc một mầu đen, màu mà sau này sẽ trở thành “nhãn hiệu cầu chứng” của nàng.

Rồi Louis Leplée ra sức quảng cáo cho đêm hát ra mắt của Édith Piaf tại phòng trà Le Gerny, đến nỗi cả nam diễn viên kiêm ca sĩ lừng danh Maurice Chevalier cũng phải tới tham dự. Buổi trình diễn thành công rực rỡ, cả khán giả lẫn giới nghệ sĩ đều bị chinh phục trước giọng hát độc đáo, tuyệt vời của Édith Piaf, đưa tới kết quả chỉ nội trong năm ấy (1935), nàng đã được mời thu hai đĩa hát, và trong vòng vài năm, đã trở thành ca sĩ trình diễn số một của Paris.

Tuy nhiên, đường đời của Édith Piaf không bao giờ suông sẻ. Qua năm 1936, Louis Leplée bị bắn chết tại nhà riêng, thủ phạm là bọn côn đồ ở khu Pigalle mà người ta nghi trong số ấy có cả Robert – tay ma-cô nhân tình cũ của Édith Piaf, cho nên nàng bị nghi ngờ có dính líu tới vụ án. Tuy kết quả cuộc điều tra cho thấy Édith Piaf vô tội, sau đó nàng cũng bị đuổi việc tại phòng trà Le Gerny, và trở lại với hè phố hoặc hát ở các quán rượu bình dân xô bồ.

Nhưng vị cứu tinh thứ hai đã kịp thời ra tay. Đó là nhạc sĩ Raymond Asso, người đã bị giọng hát tuyệt vời của Édith Piaf chinh phục ngay trong đêm hát ra mắt tại phòng trà Le Gerny (Raymond sau này trở thành bạn thân và viết một số ca khúc cho Édith Piaf). Ông vận động cho Édith Piaf được trình diễn tại các nhà hát (music-hall), đồng thời giúp nàng luyện tập thêm nghệ thuật trình diễn.

Tháng 3 năm 1937, Édith Piaf trình diễn buổi đầu tiên tại nhà hát ABC ở thủ đô Paris, và chính tại đây, Édith Piaf đã thực sự trở thành ngôi sao sáng của nền ca nhạc Pháp.

* * *

clip_image006

Năm 1944, khi đã ở trên đỉnh cao danh vọng, Édith Piaf gặp gỡ Yves Montand tại hí viện Moulin Rouge, nơi chàng trẻ tuổi (kém Édith 6 tuổi) xuất thân phu bến tàu đang tập tễnh bước vào làng ca nhạc và điện ảnh. Hai người trở thành tình nhân, và Édith Piaf tìm mọi cách để giúp đỡ “cậu em” trên bước đường sự nghiệp.

Như chúng tôi đã trình bày trong bài kỳ trước, viết về ca khúc Les Feuilles Mortes (Autumn Leaves, Những chiếc lá úa) do Joseph Kosma & Jacques Prévert soạn riêng cho phim Les Portes de la Nuit (1946), sau khi thủ vai chính và hát ca khúc này trong phim, Yves Montand vụt nổi tiếng, trở thành thần tượng điện ảnh lẫn ca nhạc, và chia tay “đệ nhất nữ danh ca” để cặp với “đệ nhất nữ diễn viên” Simone Signoret. Hai người chính thức kết hôn năm 1951.

Thế nhưng, Édith Piaf vẫn luôn nhìn cuộc đời qua cặp mắt kính màu hồng, như lời hát trong ca khúc La Vie en Rose do bà viết trước đó 2 năm.

Phụ lục (1): La Vie en Rose, Édith Piaf

01-LaVieEnRose-EdithPiaf

La Vie en Rose được xem là ca khúc hay nhất trong tổng số khoảng 80 bản do Édith Piaf tự viết lời hát hoặc viết chung với tác giả khác. Cảm hứng tới với Édith Piaf vào một buổi tối trong năm 1944 khi bà đối diện với một người đàn ông Mỹ đầy sức quyến rũ, và sau đó lời hát đã được Louiguy phổ nhạc.

Louiguy tên thật là Louis Guglielmi (1916–1991), cũng là người soạn nhạc cho một ca khúc bất hủ khác của Pháp mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài số 12, đó là bản Cerisier rose et pommier blanc (Cherry Pink and Apple Blossom White, Cánh bướm vườn xuân).

Lúc đầu, những người trách nhiệm sản xuất đĩa nhạc cho Édith Piaf cũng như chính bản thân bà không đánh giá cao La Vie en Rose, vì cho rằng cả lời hát lẫn nét nhạc “không gây ấn tượng mạnh”, cho nên Édith Piaf cứ để đó, mãi tới năm 1946 mới hát lần đầu tiên trong một buổi trình diễn của mình.

Không ngờ La Vie en Rose đã chinh phục khán giả ngay trong đêm đó, và tiếp theo là thính giả qua làn sóng điện. Qua năm 1947, La Vie En Rose được hãng EMI thu vào đĩa nhựa và đã tạo ra một “hiện tượng La Vie En Rose” khắp nơi trên thế giới. Theo các nhà quan sát, nhà phê bình, sở dĩ tình khúc có lời hát đơn sơ dung dị và nét nhạc nhẹ nhàng ấy lại có sức thu hút mạnh mẽ là vì nó đã khiến mọi người, sau những đau thương, đói khổ, chết chóc, mất mát trong cuộc Đệ nhị Thế chiến, nhận ra rằng có một thứ hạnh phúc luôn luôn tồn tại, đó là tình yêu.

Édith Piaf viết:

Des yeux qui font baiser les miens

Un rire qui se perd sur sa bouche

Voila le portrait sans retouche\

De l’homme auquel, j’appartiens
Quand il me prend dans ses bras

Il me parle tout bas

Je vois la vie en rose
Il me dit des mots d’amour

Des mots de tous les jours

Et ça me fait quelque chose
Il est entré dans mon coeur

Une part de bonheur

Dont je connais la cause
C’est lui pour moi

Moi pour lui dans la vie

Il me l’a dit, l’a juré pour la vie
Et, dès que je l’apercois

Alors je sens en moi

Mon coeur qui bat


Des nuits d’amour à ne plus en finir

Un grand bonheur qui prend sa place

Des enuis des chagrins, des phases

Heureux, heureux a en mourir
Quand il me prend dans ses bras

Il me parle tout bas

Je vois la vie en rose
Il me dit des mots d’amour

Des mots de tous les jours

Et ça me fait quelque chose
Il est entré dans mon Coeur

Une part de bonheur

Dont je connais la cause
C’est toi pour moi

Moi pour toi dans la vie

Il me l’a dit, m’a juré pour la vie
Et, dès que je l’apercois

Alors je sens en moi

Mon coeur qui bat
Lalalala, lalalalaLa, la, la, la

Vừa được tung ra, đĩa La Vie En Rose do Édith Piaf hát đã được nồng nhiệt đón nhận khắp nơi trên thế giới, đứng hạng nhất tại nhiều quốc gia, riêng tại Hoa Kỳ đã bán được hàng triệu đĩa, một việc chưa từng xảy ra với một ca khúc hát bằng tiếng Pháp.

Sau đó, La Vie En Rose đã được tác giả nổi tiếng Mack David đặt lời bằng tiếng Anh, và đã được hàng chục ca sĩ thượng thặng lần lượt thu đĩa, trong đó có Louis Armstrong.

Điều thú vị là Mack David đã không thể, hoặc không muốn dịch mấy chữ “La Vie En Rose” sang tiếng Anh. “La Vie En Rose” nếu dịch từng chữ sang tiếng Anh là “Life in Pink”, còn muốn văn chương, thơ mộng thì “Life in Rosy Hues”, hoặc “Life Through Rose-Colored Glasses”. Thế nhưng, Mack David đã giữ nguyên văn tiếng Pháp “La Vie en Rose” trong cả tựa đề lẫn nội dung ca khúc. Có thể nói, cùng với tên tuổi của Édith Piaf, mấy chữ tiếng Pháp “La Vie en Rose” đã được quốc tế hóa.

Phụ lục (2): La Vie en Rose, Louis Armstrong

02-LaVieEnRose-LouisArmstrong

La Vie en Rose (lời Mack David):

Hold me close and hold me fast
The magic spell you cast
This is la vie en rose
When you kiss me heaven sighs
And tho I close my eyes
I see la vie en rose
When you press me to your heart
I’m in a world apart
A world where roses bloom
And when you speak…angels sing from above
Everyday words seem…to turn into love songs
Give your heart and soul to me
And life will always be La vie en rose

Tạm dịch:

Hãy ôm em thật chặt và thật nhanh

Câu thần chú diệu kỳ của anh

Đây là la vie en rose (cuộc đời màu hồng)

 

Khi anh hôn em thiên đường khoan khoái

Cho dù nhắm mắt lại

Em vẫn thấy la vie en rose

Khi anh ôm em sát vào tim anh

Em như sống trong một thế giới khác

Nơi có những bông hồng nở rộ

 

Khi anh cất tiếng, các thiên thần cùng hát trên cao

Mỗi lời nói thường nhật dường như trở những bài tình ca

 

Hãy trao trọn trái tim và linh hồn cho em

Và cuộc đời sẽ luôn luôn là La Vie en Rose.

Hiện nay, chỉ tính trên Internet, người ta có thể tìm thấy La Vie en Rose được đặt lời ngoại quốc qua hàng trăm ấn bản khác khác nhau. Nhiều nhất, lẽ dĩ nhiên là tiếng Anh với 8 ấn bản; các ngôn ngữ Đức, Ý, Maltese, Hy-lạp, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Lỗ-mã-ni (Romania), Ba-tư, Serbia, và Nhật đều có 2 ấn bản; các ngôn ngữ Thụy-điển, Thổ-nhĩ-kỳ, Croatia, Ả-rập, Azerbaijian, Trung Hoa với một ấn bản. Về lời hát bằng tiếng Việt, chúng tôi sẽ trình bày ở phần cuối bài.

Tính cho tới nay, La Vie en Rose đã được hát trong 41 cuốn phim điện ảnh, trong đó có hai phim điệp viên 007 James Bond “You Only Live Twice” và “Diamonds Are Forever”, và trong vô số phim tập truyền hình.

Năm 1998, tại giải âm nhạc Grammy của Hàn lâm viện Âm nhạc Hoa Kỳ, bản La Vie en Rose đã được chọn để trao giải Hall of Fame Award – nghĩa là một ca khúc, nhạc khúc bất tử.

* * *

clip_image008

Năm 1947, Édith Piaf sang Mỹ trình diễn lần đầu tiên và gây tiếng vang lớn; qua năm 1948, bà được mời làm ca sĩ thường trực tại các phòng trà (cabaret) ở Nữu Ước. Cũng trong năm 1948 tại Nữu Ước, Édith Piaf gặp gỡ Marcel Cerdan, võ sĩ huyền thoại của Pháp sang Mỹ thi đấu và đoạt giải vô định quyền Anh thế giới hạng nhẹ vào tháng 9/1948. Khi ấy Marcel đã có vợ con, và việc Édith Piaf cặp kè với Marcel bị không ít người đương thời lên án.

Nhưng Édith Piaf vẫn gọi đây là mối tình lớn nhất đời mình – mối tình đã tạo cảm hứng, rung động cho bà viết một ca khúc để đời khác, bản Hymne de l’Amour (Bài ca tình yêu), do nữ nhạc sĩ Marguerite Monnot phổ nhạc, đề tặng Marcel Cerdan. Hymme de l’Amour được Édith Piaf trình diễn lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 9, 1949 tại phòng trà Versailles ở Nữu Ước.

Phụ lục (3): Hymne de l’Amour, Édith Piaf

 

Hymne de l’Amour được nam ca sĩ kiêm diễn viên Eddie Constantine, một người được Édith Piaf dìu dắt nâng đỡ, dịch lời sang tiếng Anh với tựa Hymn to Love, do Édith Piaf thu đĩa năm 1956 trong album La Vie En Rose / Édith Piaf Sings In English. Về sau, vào năm 2003, nữ danh ca Cyndi Lauper đã hát lại bản này trong alblum At Last của cô.

Đồng thời, Hymne de l’Amour cũng được nhà viết lời hát Geoffrey Parsons của Anh quốc đặt lời với tựa If You Love Me (Really Love Me), và đã đem lại đĩa vàng ca nữ danh ca Anh Shirley Bassey vào năm 1959.

Nhưng chính Nhật Bản mới là nơi Hymne de l’Amour được yêu chuộng nhất. Năm 1951, ca khúc này được Tokiko Iwatani đặt lời Nhật với tựa Ai no Sanka (Bài ca tình yêu), và đã trở thành ca khúc cầu chứng của nữ danh ca Fubuki Koshiji với số đĩa bán ra trên 2 triệu. Cũng từ đó, Ai no Sanka hầu như đã trở thành ca khúc bắt buộc của các ca sĩ hát nhạc tình ở Nhật Bản.

Tới đây, tưởng cũng nên đề cập tới một ca khúc không viết riêng cho Édith Piaf, nhưng sau đó nhờ tiếng hát của bà đã nổi tiếng quốc tế, và gần như trở thành nhạc thiều (anthem) của kinh thành ánh sáng Paris. Đó là bản Sous le ciel de Paris (Dưới bầu trời Paris).

Bản này được viết cho cuốn phim có cùng tựa, sản xuất năm 1951, do nam ca sĩ Jean Bretonnière trình bày. Tuy nhiên, phải đợi tới khi được Édith Piaf thu đĩa, Sous le ciel de Paris mới thực sự gắn liền với Paris.

Phụ lục (4): Sous le ciel de Paris, Paul Mauriat Orchestra

04-SousLeCielDeParis-PaulMauriat

Trở lại với cuộc sống tình cảm của Édith Piaf, chỉ hơn một tháng sau ngày bà trình diễn ra mắt bản Hymme de l’Amour để riêng tặng Marcel Cerdan, định mệnh nghiệt ngã đã ra tay: ngày 27 tháng 10 năm 1949, trên đường bay từ Pháp sang Hoa Kỳ để tái ngộ Édith Piaf, Marcel Cerdan đã bị tử nạn phi cơ. Cái chết đột ngột và bi thảm của người tình đã khiến Édith Piaf suy sụp tinh thần một cách thê thảm.

Năm 1951, trong lúc Édith Piaf di chuyển bằng xe hơi cùng với Charles Aznavour (sau này nổi tiếng với bản Et Pourtant trong thập niên 1960), người trợ tá và cũng là một trong những nam ca sĩ trẻ chưa thành danh đang được bà nâng đỡ, một tai nạn khủng khiếp xảy ra. Trong khi Charles Aznavour chỉ bị thương tương đối nhẹ, thì Édith Piaf bị gẫy một cánh tay và hai xương sườn, đưa tới việc bà bắt đầu uống rượu và sử dụng morphine.

Giữa năm 1952, Édith Piaf bước thêm bước nữa với nam ca sĩ Pháp Jacques Pills; người làm chứng cho Édith Piaf là nữ minh tinh điện ảnh kiêm ca sĩ gốc Đức nổi tiếng quốc tế Marlene Dietrich. Nhưng cuộc hôn nhân chỉ bền được 4 năm. Trong thời gian chung sống, vào năm 1953, Jacques Pills đã phải đưa Édith Piaf vào viện cai, trải qua một đợt trị liệu gian khổ để mong dứt khỏi tác hại của các chất gây nghiện, nhưng như sau này người ta được biết, cho tới cuối đời, Édith Piaf chưa bao giờ bỏ được ma túy.

Năm 1958, Édith Piaf bắt đầu quan hệ tình cảm với Georges Moustaki, một ca sĩ trẻ gốc Ai-cập được bà đỡ đầu. Thế rồi những gì xảy ra 7 năm trước đó với Charles Aznavour, nay lại tái diễn: Édith Piaf cùng Georges Moustaki bị một tai nạn xe hơi trầm trọng, khiến tình trạng sức khoẻ của bà càng trở nên tệ hại, và càng phải lệ thuộc vào những liều morphine để có đủ sức trình diễn. Đó cũng là thời gian Édith Piaf hát ra mắt một trong những ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình, bản Milord, do người tình Georges Moustaki viết lời và cô bạn Marguerite Monnot phổ nhạc (Marguerite Monnot cũng là người trước đó đã viết nhạc cho ca khúc Hymne de l’Amour)

Phụ lục (5): Milord, Édith Piaf

05-Milord-EdithPiaf

Năm 1959, trong lúc đang trình diễn tại Nữu Ước, Édith Piaf đã bị quỵ ngay trên bục hát. Sau khi trải qua nhiều cuộc giải phẫu, Édith Piaf trở về Paris trong một tình trạng thảm hại, và người tình trẻ cũng vỗ cánh bay đi…

clip_image010

Năm 1960, Édith Piaf bắt đầu chung sống với Théo Saparo (tên thật là Theophanis Lamboukas), một anh thợ uốn tóc gốc Hy-lạp kém bà gần 21 tuổi. Dĩ nhiên, cách đây hơn nửa thế kỷ, hầu như không ai chấp nhận việc này, nhưng Édith Piaf bất chấp, và đã trả lời dư luận bằng một ca khúc nổi tiếng khác: Non, je ne regrette rien (Không, tôi không hối tiếc điều cả), do Charles Dumont viết riêng cho bà. (Quý độc giả muốn xem video của bản Non, je ne regrette rien cũng như những ca khúc khác của Édith Piaf trên YouTube, chỉ cần vào trang Google với từ khóa Edith Piaf – YouTube)

Phụ lục (6): Je Ne Regrette Rien, Édith Piaf

06-NonJeNeRegretteRien-EdithPiaf

Năm 1962, vào tuổi 46, bệnh tật, nghiện ngập, kiệt lực, Édith Piaf chính thức kết hôn với Théo Saparo, lúc này đã bỏ nghề uốn tóc để chuyển sang ca hát và đóng phim. Có thể nói, Théo như một người con trai chăm sóc cho Édith Piaf hơn là một người chồng.

Hơn một năm sau, vào ngày 11 tháng 10 năm 1963, Édith Piaf qua đời vì ung thư gan, hưởng dương 47 tuổi. Vì cuộc sống tình cảm cá nhân tai tiếng của bà, và với luật đạo thời bấy giờ còn khó khăn nghiêm ngặt, Đức Tổng Giám Mục thành Paris đã ra lệnh cấm cử hành Thánh lễ Cầu hồn (Funeral Mass) trong tang lễ của Edith Piaf. Nhưng số người đi sau quan tài của bà để đưa tiễn vẫn lên tới hàng chục nghìn người, và tại nghĩa trang Père Lachaise nổi tiếng của Paris, tổng số người tham dự đám tang đã lên tới trên 100.000 người. Nếu không kể ngày dân chúng Paris xuống đường ăn mừng thủ đô được giải phóng khỏi bàn tay Đức Quốc Xã vào năm 1945, chưa bao giờ có một cuộc tụ tập dân chúng đông đảo như đám tang của Édith Piaf.

Édith Piaf được chôn chung mộ phần với ông bố Louis Alphonse, mất năm 1944, và bé gái Marcelle, đứa con duy nhất của bà chết khi mới lên 2 tuổi. Năm 1970, Théo Saparo, người chồng cuối cùng của Édith Piaf tử nạn xe hơi, cũng được mai táng trong mợ phần này.

Mặt trước mộ ghi hàng chữ Famille GASSION – PIAF (Gia đình GASSION – PIAF), mặt phía bên phải ghi tên, tuổi của Louis Alphonse, Édith Piaf và Théo Saparo, mặt phía bên trái dành cho bé Marcelle.

Tuy không phải là một tác phẩm nghệ thuật để đời như ngôi mộ của Frédéric Chopin, ngôi mộ của Gia đình GASSION – PIAF cũng là một trong những ngôi mộ được du khách và người ái mộ thăm viếng nhiều nhất ở nghĩa trang Père Lachaise.

Cho tới ngày nay, Edith Piaf vẫn tiếp tục được xem là một trong những nữ nghệ tài ba, và độc đáo, không chỉ ở Pháp mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Tượng của bà được dựng lên ở nhiều công viên và đường phố.

Năm 1982, nhà nữ thiên văn Lyudmila của Nga, sau khi khám phá ra tiểu hành tinh số 3772, đã đặt tên cho vì sao này là “Piaf” để vinh người nữ nghệ sĩ tài hoa bạc phận.

clip_image012

* * *

Điều lạ lùng, kỳ diệu nhất nơi Édith Piaf là chính cô gái có tuổi thơ u ám, đường đời đau khổ, đường tình truân chuyên ấy lại cống hiến cho đời một ca khúc tin yêu tuyệt vời, mà tựa đề nguyên thủy bằng tiếng Pháp – La Vie en Rose – đã trở thành một thành ngữ trong hầu hết mọi ngôn ngữ.

Tuy nhiên tại miền Nam Việt Nam, cho tới những năm cuối thập niên 1960, La Vie en Rose không nằm trong số những ca khúc ngoại quốc được ưa chuộng hàng đầu. Nguyên nhân: muốn thưởng thức được hết cái hay của ca khúc, người ta cần phải có cả trình độ nghe nhạc lẫn trình độ ngoại ngữ. Bởi vì cho tới lúc đó, theo sự hiểu biết của chúng tôi, chưa có ai đặt lời Việt, và ngoài đĩa hát của Édith Piaf (lời Pháp), của Louis Armstrong (lời Anh), chỉ có một vài ca sĩ trình bày La Vie en Rose lời Pháp tại các phòng trà ở Sài Gòn, như Lệ Thu, Bạch Yến…

Mãi tới năm 1970, mới có bản lời Việt của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương với tựa đề “Kiếp Hoa” do Lệ Thu hát trong băng nhạc Phạm Mạnh Cương 9 – Hương Xa.

Tự tựa đề “Kiếp Hoa” đã cho thấy Phạm Mạnh Cương chỉ đặt lời Việt, chứ không dịch, mà cũng không dựa theo ý nghĩa của ca khúc nguyên thủy. Cũng cần lưu ý, chữ “rose” (tiếng Pháp) trong ca khúc này không có nghĩa là “hoa hồng” mà là “màu hồng”.

Phụ lục (7): Kiếp Hoa, Lệ Thu

07-LaVieEnRoseKiepHoa-LeThu_3amxu_hq

Sau khi ra hải ngoại, chúng tôi được biết có thêm bản La Vie en Rose do Julie Quang đặt lời Việt với tựa “Hoa Hạnh Phúc” (Video: Julie Quang – La Vie En Rose – Hoa Hanh Phuc – YouTube)

Gần đây, người yêu nhạc đã được thưởng thức La Vie en Rose lời Việt của Diệu Hương với tựa Cuộc Đời Hồng. Diệu Hương không phải là một tên tuổi xa lạ với người nghe nhạc ở cả hải ngoại lẫn trong nước. Trong tổng số sáng tác của cô chỉ có khoảng 10 bản nhạc ngoại quốc lời Việt, nhưng phải nói đây là một điển hình của “quý hồ tinh”. Lấy La Vie en Rose làm thí dụ: Diệu Hương không dịch từng chữ, mà chuyển lời chuyển ý một cách hết sức tài tình, như thể những lời hát lãng mạn ấy đã được Édith Piaf viết sẵn bằng tiếng Việt.

Cho nên cũng không có gì lạ khi Cuộc Đời Hồng của Diệu Hương đã được nhiều ca sĩ – những ca sĩ có trình độ – ở hải ngoại cũng như trong nước lựa chọn để trình bày.

Cuộc Đời Hồng (Diệu Hương):

Ôi khát khao đầy trời đôi mắt
Ôi đôi môi mền dịu dàng ngây ngất
Để bước chân tinh tuyệt vời duy nhất
Tình yêu ơi đêm nay đang về quanh đây.
Giữ em trong tay, người dấu yêu
Thiết tha bao lời ấm êm
Ôi đời đẹp tựa giấc mơ hồng.
Giữa không gian vang lời ái ân
Tiếng yêu thương đầy tháng năm
Với em, nguồn hạnh phúc vô ngần.

Bước chân anh ru buồn lãng quên
Dẫn em qua vùng đất yêu
Mơ màng một trời say hương đêm.
Ơi! Hỡi người ơi!
Xin ngàn năm mãi bên người!

Trong thinh lặng em nghe cuồng say
Nghe đời ngất ngây.

Nỗi cô đơn bao ngày đã qua
Trái tim trao người thiết tha
Tình yêu dâng trong ta.

 

Phụ lục (8): Cuộc đời hồng, Y Phương

08-cuocdoihong-dieuhuong-yphuong

Phụ lục (9): La Vie en Rose, Mantovani Orchestra

09-LaVieEnRose-Mantovani

Phụ lục (10): La Vie en Rose, Vô Thường (Guitar)

10-LaVieEnRose-SaxoXuanHieu

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search