T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(26)-TELL LAURA I LOVE HER (Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu) – Barry & Raleigh

clip_image002

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc ngoại quốc phổ thông nổi tiếng được đặt lời Việt, kỳ này chúng tôi viết về bản Tell Laura I Love Her, trước năm 1975 được Nam Lộc đặt lời Việt với tựa Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu.

Tell Laura I Love HerTrưng Vương Khung Cửa Mùa Thu không chỉ có nội dung khác hẳn nhau mà còn mang lại cho người nghe những cảm xúc hoàn toàn trái ngược: một bi thương sầu thảm, một bâng khuâng thơ mộng.

Nội dung của Tell Laura I Love Her, một sáng tác của hai nhà viết ca khúc Jeff Barry và Ben Raleigh, là một thảm kịch tuổi “teen” thời đại:

Laura và Tommy là đôi tình nhân trẻ. Tuy còn rất trẻ, nhưng Tommy đã mong muốn xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Để có tiền mua cho Laura cái nhẫn cưới, Tommy quyết định tham gia cuộc đua xe hơi với giải thưởng 1.000 đô-la. Trước khi tới trường đua, Tommy điện thoại cho Laura nhưng không gặp, đành nhờ bà mẹ của nàng nhắn lại: Tell Laura I Love Her!…

Trong cuộc đua, xe của Tommy bị lật và bốc cháy; khi nhân viên cấp cứu tới nơi, họ chỉ kịp nghe được câu nói cuối cùng của Tommy trước khi tắt thở: Tell Laura I Love Her!…

Rồi một mình trong giáo đường thanh vắng, cầu nguyện cho linh hồn người yêu, Laura vẫn có thể nghe văng vẳng tiếng Tommy: Tell Laura I Love Her!

clip_image004

Tell Laura I love her

Laura and Tommy were lovers
He wanted to give her everything
Flowers, presents,
But most of all, a wedding ring

He saw a sign for a stock car race
A thousand dollar prize it read
He couldn’t get Laura on the phone
So to her mother, Tommy said

Tell Laura I love her
Tell Laura I need her
Tell Laura I may be late
I’ve something to do, that cannot wait

He drove his car to the racing grounds
He was the youngest driver there
The crowed roared as they started the race
Around the track they drove at a deadly pace

No one knows what happened that day
Or how his car overturned in flames
But as they pulled him from the twisted wreck
With his dying breath, they heard him say

Tell Laura I love her
Tell Laura I need her
Tell Laura not to cry
My love for her will never die

Now in the chapel where Laura prays
For her poor Tommy, who passed away
It was just for Laura he lived and died
Alone in the chapel she can hear him cry

Tell Laura I love her
Tell Laura I need her
Tell Laura not to cry
My love for her will never die

Tell Laura I love her
Tell Laura I need her
Tell Laura not to cry
My love for her will never die.

Tell Laura I Love Her được nam ca sĩ Ray Peterson thu đĩa, hãng RCA Victor phát hành vào tháng 7 năm 1960, mặc dù bị nhiều đài phát thanh tẩy chay vì tính cách bi thảm của nội dung, tới tháng 8, ca khúc này đã lên tới hạng 7 trên bảng xếp hạng toàn quốc cho mọi thể loại (Billboard Hot 100).

Phụ lục (1): Tell Laura I love her, Ray Peterson

01-Tell laura I love her – Ray Peterson

Trước thành công của Tell Laura I Love Her tại Hoa Kỳ, hãng đĩa Decca của Anh lập tức thương lượng với hãng RCA Victor để được độc quyền phát hành tại Anh quốc. Chỉ tới khi đợt đĩa nhựa thứ nhất gồm 25.000 ấn bản đã được thực hiện, hãng Decca mới nhận ra điều mà họ gọi là “tính cách quá sức tầm thường và vô vị đối với cảm quan của người Anh” trong lời hát; và quyết định tiêu hủy toàn bộ số đĩa hát nói trên!

Nhưng “cương luân nghề nghiệp” (tạm gọi như thế) của những người đứng đầu hãng đĩa Decca lại trở thành dịp may hiếm có cho hãng đĩa EMI (cũng của Anh): EMI liền mua ngay tác quyền Tell Laura I Love Her, trao cho ca sĩ Anh Ricky Valance thu đĩa, và tung ra thị trường vào tháng 9 năm 1960. Kết quả: Tell Laura I Love Her đã đứng nhất trên bảng xếp hạng ở Anh quốc trong ba tuần lễ liên tiếp, nhưng lại bị hệ thống truyền thanh BBC liệt vào danh sách những ca khúc bị cấm.

Nguyên nhân BBC cấm Tell Laura I Love Her ra vẻ thực tế hơn nguyên nhân của hãng Decca khi cho tiêu hủy 25.000 đĩa nhựa: ca khúc này sẽ khích động giới trẻ lái xe bạt mạng hơn, trong khi số tai nạn lưu thông gây tử vong nơi giới này hiện đã gia tăng tới mức báo động!

[Truyền thông Anh Mỹ liệt Tell Laura I Love Her vào loại “teen tragedy songs”, hoặc “death rock ballads”, rất thịnh hành trong khoảng thời gian từ giữa thập niên 1950 tới đầu thập niên 1960; những ca khúc có tác dụng phủ hào quang lên những cái chết trẻ, nhất là chết vì lái xe bạt mạng, mà nổi tiếng nhất là cái chết vào tuổi 24 của thần tượng điện ảnh James Dean (1931-1955), khi anh lái chiếc xe thể thao Porsche 550 Spyder trên đường tới Salinas, Califorinia để tham dự một cuộc đua.

Các “teen tragedy songs”, “death rock ballads” nổi tiếng nhất vào khoảng thời gian này, ngoài Tell Laura I Love Her còn có Endless Sleep (1958), Teen Angel (1959), Last Kiss (1962), Laurie (Strange Things Happen, 1964)…, tất cả đều có lời hát viết về những cái chết trẻ. Tại Hoa Kỳ, cho dù không có lệnh cấm chính thức như ở Anh quốc, đa số các đài phát thanh ở miền Đông (East Coast) vốn có tiếng bảo thủ, nề nếp hơn miền Tây, đã từ chối phát những ca khúc này trên làn sóng điện]

* * *

Tuy nhiên, lệnh cấm của BBC ra vẻ đã không ảnh hưởng gì tới thành công của bản Tell Laura I Love Her do Ricky Valance thu đĩa. Ngoài thứ hạng No.1 ở Anh với trên một triệu đĩa được bán ra trong năm 1960, đĩa hát này còn đứng trong Top 10 tại 13 quốc gia khác, và bán được tổng cộng 7 triệu đĩa – một con số kỷ lục vào thời đó.

clip_image006

Ricky Valance, nguyên là một cựu quân nhân trong Không lực Hoàng gia Anh mới ký hợp đồng với hãng đĩa Decca được mấy tháng, bỗng một sớm một chiều nổi tiếng quốc tế, trở thành ca sĩ gốc xứ Wales (Welsh) thứ hai có đĩa hát lên No.1. Người trước đó là (Dame) Shirley Bassey, sau này được khán giả của loạt phim điệp viên 007 James Bond biết tới qua các ca khúc trong phim, như Goldfinger (1964), Diamonds Are Forever (1971), Moonraker (1979)…

Phụ lục (2): Tell Laura I Love Her, Ricky Valance

02-Ricky Valance – Tell Laura I Love Her

VIẾT THÊM: Cho tới nay, ít ra cũng là trên Internet, vẫn còn rất nhiều người Mỹ lầm tưởng Ricky Valance chính là nam ca nhạc sĩ Ritchie Valens của Mỹ, và có đến hơn ba phần tư trang mạng khi nhắc tới ca khúc Tell Laura I Love Her đã viết là do Ritchie Valens thu đĩa!

Ritchie Valens tên thật là Richard Steven Valenzuela, sinh năm 1941 (kém Ricky Valance hai tuổi), là ca nhạc sĩ (guitar) và nhà viết ca khúc gốc Mỹ la-tinh đầu tiên của nền nhạc rock and roll, tử nạn phi cơ vào tuổi 18. Trong sự nghiệp kéo dài chưa đầy tám tháng, Ritchie Valens đã để lại hai ca khúc nổi tiếng là Donna, viết cho cô bạn gái Donna (không phải bản Donna Donna của Joan Baez đã nhắc tới trong loạt bài này) và La Bamba (The Dance), cải biến từ một ca khúc dân gian Mễ-tây-cơ.

Ngày 3 tháng 2 năm 1959, chiếc phi cơ nhỏ trên đó có Ritchie Valens và hai nhạc sĩ bạn Buddy Holly, J.P. Richardson đã đâm vào núi ở tiểu bang Iowa, cả ba người và viên phi công tử nạn. Năm 1972, trong ca khúc American Pie (đứng No.1 nhiều tuần lễ) sáng tác để tưởng niệm ba đàn anh vắn số, ca nhạc sĩ Don McLean đã gọi ngày này “The Day the Music Died”. Năm 1987, cuốn phim La Bamba, nói về cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi của Ritchie Valens, do nam diễn viên Lou Diamond Phillips thủ vai chính, đã được đón nhận nồng nhiệt và đoạt nhiều giải thưởng quan trọng.

Video:

Ritchie Valens – La Bamba – YouTube

Trở lại với ca khúc Tell Laura I Love Her do Ray Peterson và Ricky Valance thu đĩa, sau đó đã được nhiều ca sĩ thời danh của Mỹ thu đĩa, trong đó có Paul Anka, Ricky Nelson, Johnny T. Angel…

Về các phiên bản ngoại quốc, có tiếng Đức (Das Ende Der Liebe), tiếng Ý (Ditte a Laura che l’amo), tiếng Tây-ban-nha (La Historia de Tommy), còn tiếng Pháp thì có hai bản, một của Richard Anthony với tựa Dis à Laura, một của Frank Michael với tựa Dis-lui que je l’aime.

clip_image008

Richard Anthony, sinh năm 1938, là ca sĩ Pháp nổi tiếng với những ca khúc ngoại quốc do ông đặt lời Pháp. Đầu thập niên 1960, Richard Anthony đã làm say mê hàng triệu người yêu nhạc Pháp với bản J’entends Siffler Le Train nguyên là ca khúc 500 Miles của Mỹ (chúng tôi sẽ trở lại với 500 Miles trong một bài sau). Dis à Laura (Tell Laura I Love Her) được ông thu đĩa năm 1961.

Dis à Laura

Viens, mon ami le geôlier
A toi, je vais tout raconter
Demain très tôt, au petit jour
J’aurai mon tour, j’aurai mon tour
Et je dirai adieu à la vie
Pour lui payer bien des folies
Si par hasard tu la vois
Va saluer Laura pour moi

Dis-lui que je l’aime
D’un amour trop grand pour son coeur
Et que je pars sans un pleur
Dis-lui tout cela, dis-le-lui pour moi

Laura bravait le monde entier
Pour ses désirs d’enfant gâtée
Ses yeux, son corps au long des jours
Chantaient l’amour, chantaient l’amour
Je l’ai tenue dans mes bras, serrée
Pour la garder j’ai tout renié
Et quand Laura m’a trahi
Notre roman s’est mal fini

Dis-lui que je l’aime
D’un amour plus fort que la mort
Et pour chasser ses remords
Dis-lui tout cela
Dis-le-lui pour moi

Pour moi, Laura était trop jolie
Un soir, j’ai tué par jalousie
Et je pourrais, sans regret
Pour un baiser, recommencer

Dis-lui que je l’aime
Qu’il lui faut oublier mon nom
Et m’accorder son pardon
Dis-lui tout cela, dis-le-lui pour moi

Video:

Richard Anthony – Dis à Laura – YouTube

Bản Dites-lui que je l’aime của Frank Michael (sinh năm 1953) thu đĩa hai thập niên sau đó không có lời hát bi lụy mà nói về một cuộc ra đi… có hẹn ngày về. Có lẽ vì thế, các cô nữ sinh Trưng Vương (chúng tôi đoán như thế) đã sử dụng lời hát của bản này để đưa lên YouTube (từ khóa: Dites-lui Que Je L’aime – Frank Michael – Trung Vuong Khung Cua Mua Thu – YouTube)


Dites-lui que je l’aime

L’amour parfois se flétrit et s’endort
Mais de ces cendres peut renaitre encore
Un bonheur oublie, qu’il tenait tant à lui donner
Sur sa guitare il a composé
Une chanson son il lui disait
Son espoir de la retrouver
Et cette histoire à tous il l’a chantée

Dites-lui que je l’aime
Mais que je dois partir
Un jour je reviendrai
Et ce jour je pourrai encore l’aimer

Depuis ce jour la chance lui sourit
De part le monde chacun l’applaudit
Mais dans sa vie plus rien ne comptait
Car c’est toujours à elle qu’il pensait
Roulant trop vite vers elle dans la nuit
Dans un tournant le destin le surprit
Et quand à l’aube on le retrouva
Jusqu’au dernier mot à tous il murmura

Dites-lui que je l’aime
Cachez-lui que je souffre
Un jour je reviendrai
Et ce jour je pourrai encore l’aimer

Aujourd’hui elle est seule
Mais elle ne peut l’oublier
Car sa voix est toujours là
Et par ce disque toujours il lui dira

Dites-lui que je l’aime
Mais que je dois partir
Un jour je reviendrai
Et ce jour je pourrai
Encore l’aimer
Dites-lui que je l’aime…

Video:

Frank Michael – Dites-lui que je l’aime – La vidéo – YouTube

Về mức độ phổ biến của bản Tell Laura I Love Her tại Á Đông, chúng tôi còn nhớ trong một tài liệu đọc được ở đâu đó, tác giả (không phải người Việt) đã viết đại khái: tại Á châu, Tell Laura I Love Her chỉ được đặt lời hát bằng ba ngôn ngữ: tiếng Nhật, tiếng Hoa, và tiếng Việt. Nếu quả đúng như thế, người Việt cũng nên hãnh diện về trình độ thưởng thức nhạc ngoại quốc của mình.

Tell Laura I Love Her tiếng Nhật, chúng tôi không biết tựa đề và nội dung, chỉ biết được nam ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Takeshi Kaneshiro trình bày; còn bản lời Hoa (tiếng phổ thông), chúng tôi cũng không biết tựa đề lẫn nội dung; trước năm 1975, ca khúc này đã được trình bày qua giọng hát trầm ấm của đệ nhất danh ca Tân-gia-ba Fu Su Yin (tên tiếng Anh là Henri Fu).

Tới thời disco, Tell Laura I Love Her lời Hoa được nữ diễn viên kiêm ca sĩ Mimi Chu (tức Chu Mi Mi, phiên âm Hán Việt: Chu Mễ Mễ) của Hương Cảng thu đĩa năm 1980, trở thành bản disco thịnh hành bậc nhất ở những xứ nói tiếng Hoa.

Hơn 10 năm sau, tới lượt nam ca sĩ kiêm diễn viên Jincheng Wu (Kim Thành Vũ) hát bằng cả tiếng Hoa lẫn tiếng Anh. Điều thú vị là Jincheng Wu ở đây chính là nam diễn viên kiêm ca sĩ Nhật Takeshi Kaneshiro đã nhắc tới ở trên.

clip_image010

Takeshi Kaneshiro là một tên tuổi lớn của điện ảnh Á Châu, vào năm 2003 đã được tạp chí Time của Mỹ gọi là “Johnny Depp của Á châu”.

Ra chào đời tại Đài-bắc năm 1972, cha là người đảo Okinawa (thuộc Nhật Bản), mẹ là người Đài-loan, Takeshi Kaneshiro mang hai quốc tịch, dưới hai tên Jincheng Wu và Takeshi Kaneshiro. Sau bậc trung học, Takeshi Kaneshiro vừa theo học trường Taipei American School với mục đích trau dồi Anh ngữ, vừa bắt đầu đóng những màn quảng cáo có ca hát trên truyền hình, và tới năm 1992 được hãng đĩa EMI ký hợp đồng. Năm 1993, Takeshi Kaneshiro bắt đầu đóng phim, và đạt thành công lớn ở cả Đài-loan, Nhật Bản, Hương Cảng lẫn Hoa Lục.

Hai cuốn phim nổi tiếng trong thời gian gần đây của Takeshi Kaneshiro là House of Flying Daggers (Thập Diện Mai Phục) năm 2004 của đạo diễn Zhang Zimou (Trương Nghệ Mưu), đóng chung với Andy Lau (Lưu Đức Hòa) và Zhang Ziyi (Chương Tử Di), và bộ phim Red Cliff (Đại Chiến Xích Bích) năm 2008 của đạo diễn John Wu (Ngô Vũ Sâm), trong đó Takeshi Kaneshiro thủ vai quân sư Gia Cát Lượng của nhà Thục Hán, còn Tony Leung (Lương Triều Vĩ) thủ vai Đô đốc Chu Du của Đông Ngô.

Video:

SU YIN “Tell Laura I Love Her ” 196X YouTube

Chu Mimi Tell Laura I Love Her 1980 – YouTube

Tell Laura I Love Her ” 1994 Takeshi Kaneshiro – YouTube

clip_image012

Tại miền nam Việt Nam trước đây, so với những ca khúc phổ thông khác của Mỹ được phổ biến vào đầu thập niên 1960, như Diana, You Are My Destiny của Paul Anka, Oh! Carol, You Means Everything to Me của Neil Sedaka, It’s Now or Never của Elvis Presley…, Tell Laura I Love Her không mấy thịnh hành; nguyên nhân có thể vì trình độ tiếng Anh giới hạn của người nghe, có thể vì lời hát kém phần thơ mộng, cũng có thể vì giai điệu không có sức thu hút bằng những ca khúc kể trên. Vì thế, vào khoảng năm 1973, khi nhạc sĩ Nam Lộc đặt lời Việt với tựa đề “Trưng Vương Khu Cửa Mùa Thu”, đã không mấy người biết đây là một ca khúc ngoại quốc được đặt lời Việt.

Nhà báo Trường Kỳ kể lại:

…Điểm đặc biệt trong cách viết lời Việt của Nam Lộc là nghệ thuật dùng chữ khéo léo khiến người nghe quên hẳn nguồn gốc ngoại quốc của nhạc phẩm đã được hoàn toàn Việt Hoá như chủ trương của phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ. Điển hình là nhạc phẩm “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”.

Nếu ai không am hiểu và theo dõi nhạc ngoại quốc sẽ cho rằng đó là một nhạc phẩm thuần túy Việt Nam. Thật ra đó là nhạc phẩm “Tell Laura I Love Her” với giai điệu rất phù hợp và ăn ý với lời ca bằng tiếng Việt, hoàn toàn khác biệt với nội dung. “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” được Nam Lộc coi là nhạc phẩm ưng ý nhất của anh suốt thời gian hoạt động trong phong trào nhạc trẻ lúc còn ở Việt Nam.
Về trường hợp viết lời “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”, Nam Lộc cho biết đã lấy ý từ tên một đặc san do các nữ sinh Trưng Vương thực hiện vào đầu thập niên 70. Tính chất lãng mạn và mềm mại của tên đặc san đã khơi dậy tâm hồn nghệ sĩ nơi anh, một cựu học sinh
Chu Văn An, với những mối tình thơ mộng cùng những hẹn hò của tuổi học trò.

(Trích “NAM LỘC: Con người văn nghệ và con người xã hội” – Tivi Tuần-san)

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Trường Kỳ, và trong phạm vi bài này chỉ nêu thêm một chi tiết thú vị: ở Sài Gòn, thành phố của các tà áo trắng “Trưng VươngKhung Cửa Mùa Thu” không hề có… mùa thu!

Viết ra điều này, chúng tôi không chủ ý bài bác, mà ngược lại, chỉ muốn đề cao trí tưởng phong phú của các cô nữ sinh Trưng Vương nói riêng, các thi, văn, nhạc sĩ viết về mùa thu ở một nơi chốn chỉ có mưa nắng hai mùa nói chung.

* * *

Theo các nhà khí hậu học, lãnh thổ Việt Nam được chia ra làm hai vùng khí hậu chính:

– Miền khí hậu phía Bắc: bao gồm lãnh thổ phía bắc dãy Hoành Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) và Bắc Bộ, có khí hậu “cận nhiệt đới” với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt.

– Miền khí hậu phía Nam: gồm lãnh thổ Trung Bộ từ phía Nam dãy Hoành Sơn và Nam Bộ, có khí hậu nhiệt đới với hai mùa: mùa khô và mùa mưa.

Suy ra, Nhìn những mùa thu đi, Chiếc lá thu phai, Gọi tên bốn mùa của Trịnh Công Sơn, Mùa thu mây ngàn của Từ Công Phụng, Mùa thu cho em của Ngô Thụy Miên, Mùa thu trong mưa của Trường Sa, v.v…, đều là những mùa thu đến trong trí tưởng; riêng mùa thu trong bản Thu Ca của Phạm Mạnh Cương có thể gọi là một mùa thu hồi tưởng (những ngày ông ra Hà Nội dạy học).

Còn nhớ năm 1993, Trịnh Công Sơn ra Hà Nội thăm Văn Cao; trong bút ký của mình, họ Trịnh đã so sánh cái ảm đạm của mùa thu Hà Nội với nỗi cô đơn của Văn Cao một mình ngồi uống rượu suốt mấy chục năm trường.

Mùa thu của Hà Hội buồn lắm. Đó là thu trong Buồn tàn thu, Thu cô liêu của Văn Cao, Giọt mưa thu, Đêm thu, Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong…

Còn những mùa thu trong Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến, Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh… của Đoàn Chuẩn, có lẽ đã được “công tử thành phố Cảng” thi vị hóa, hoặc thu trong Thu Vàng của Cung Tiến đã được cậu học trò 15 tuổi (vào năm 1953) ấy tô điểm thêm.

* * *

Trở lại với “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”, trong số các trường nữ trung học của Hòn ngọc Viễn đông năm xưa, Trưng Vương nằm ở một vị trí yên tĩnh nhất, thơ mộng nhất, ngay cạnh thảo cầm viên Sài Gòn đầy hoa bướm, trên con đường rợp bóng me xanh…

Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Trường Sa chỉ cần trí tưởng mà sáng tác được những ca khúc để đời về mùa thu, thì cô (hoặc các cô) nữ sinh Trưng Vương áo trắng nào đó, dù “tim chưa nghe qua rung một lần”, cũng chỉ cần một thoáng mơ mộng, nhìn qua khung cửa, bỗng thấy mùa thu.

Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu

Tim em chưa nghe rung qua một lần
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh
Như lá me xanh
Ngơ ngác rơi nhanh

Thu giăng heo may cho bóng cây lạnh đầy
Người cho em nghe câu nhớ thương từng ngày
Những ngày đợi chờ
Trong nắng vu vơ
Trong mắt ngây thơ

Nhớ khói xưa lạc vấn vương
Cho hơi ấm lên môi người
Lùa sương kín nhẹ vây ngập trường
Làm mây yêu thương
Vương trong hồn em

Người cho em nghe quen môi hôn ngọt mềm
Tình cho tim em rung những đêm lạnh lùng
Từng chiều cùng người
Về trong cơn mưa bay
Nghe thương nhớ tràn đầy
Lên đôi mắt thật gầy

Trưng vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời
Công viên năm xưa hoa vẫn rơi tuyệt vời
Bóng người thì mịt mùng
Từng hàng me rung rung
Trong cơn gió lạnh lùng
Trong nắng ngại ngùng

Nắng vẫn vương nhẹ gót chân
Trưng vương vắng xa anh dần
Mùa thu đã qua một lần
Chợt nghe bâng khuâng
Lá rơi đầy sân.

Dù không thể có con số chính xác, chúng tôi cũng tin rằng trong số những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt của thời kỳ “Việt hóa nhạc trẻ” ở miền nam Việt Nam, Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu là bản được nhiều ca sĩ trình bày nhất, được thính giả ưa chuộng nhất.

Trước năm 1975, Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu được thu vào băng nhựa lần đầu tiên với tiếng hát thật dễ thương của Thanh Lan.

clip_image014

 

Phụ lục (3): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Thanh Lan

03-TrungVuongkhungcuamuathu-ThanhLan

Rất tiếc, Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu do Thanh Lan hát chưa kịp phổ biến rộng rãi thì xảy ra biến cố 30 tháng Tư. Mấy năm sau tại hải ngoại, “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” đã trở thành một trong những ca khúc “cầu chứng” của Ngọc Lan.

Ở đây, chúng tôi không làm công việc so sánh các giọng hát, mà chỉ nhấn mạnh tới tính cách phù hợp giữa lời hát đầy bâng khuâng với tiếng hát mong manh buồn của người nữ danh ca vắn số.

Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu qua tiếng hát Ngọc Lan đã trở thành một trong những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt được ưa chuộng nhất tại hải ngoại cũng như ở quê nhà, đặc biệt là giới nữ sinh trong nước, vốn thiếu thốn những ca khúc tình cảm nhẹ nhàng, trong sáng trong bối cảnh xã hội xô bồ yêu cuồng sống vội thời “mở cửa”!

clip_image016

 

Phụ lục (4): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Ngọc Lan

04-Trung Vuong Khung C a Mua Thu – Ng c Lan

Khoảng 20 năm sau, Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu đã được Trần Thu Hà hát với một phong cách mới. Trần Thu Hà là một nữ ca sĩ trong nước có thực tài và lối diễn tả rất đa dạng, dù hát du ca với (chú) Trần Tiến hay hát nhạc jazz theo tiếng đệm dương cầm của Nguyễn Ánh 9, cô luôn thể hiện được tính cách nghệ thuật và phong cách riêng của mình. Hiện nay, số người nghe Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu của Trần Thu Hà trên các trang mạng trong nước đã nhiều hơn gấp đôi so với bản của Ngọc Lan. Điều này cũng dễ hiểu, bởi thế hệ trẻ hiện nay lớn lên cùng với tiếng hát Trần Thu Hà chứ không phải tiếng hát Ngọc Lan.

Hơn bốn mươi năm về trước, khi đặt lời Việt cho Tell Laura I Love Her, có lẽ Nam Lộc cũng không thể ngờ Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu sẽ thành công tới mức ấy, và rồi đây chắc hẳn vẫn tiếp tục được giới nữ sinh yêu thích. Cho dù ở khung cửa Trưng Vương, chưa bao giờ, và sẽ chẳng bao giờ có mùa thu!

clip_image017

 

Phụ lục (5): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Trần Thu Hà

05-TrungVuongkhungcuamuathuTellLaur

Phụ lục (6): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Thanh Trúc

06-TrungVuongKhungCuaMuaThu-ThanhTruc

Phụ lục (7): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Như Quỳnh

07-TrungVuongKhungCuaMuaThu-NhuQuynh

HOÀI NAM

 

PHỤ LỤC:

Phụ lục (1): Tell Laura I love her, Ray Peterson

Phụ lục (1): Tell Laura I love her, Ray Peterson

Phụ lục (2): Tell Laura I Love Her, Ricky Valance

Phụ lục (2): Tell Laura I Love Her, Ricky Valance

Phụ lục (3): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Thanh Lan

Phụ lục (3): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Thanh Lan

Phụ lục (4): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Ngọc Lan

Phụ lục (4): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Ngọc Lan

Phụ lục (5): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Trần Thu Hà

Phụ lục (5): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Trần Thu Hà

Phụ lục (6): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Thanh Trúc

Phụ lục (6): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Thanh Trúc

Phụ lục (7): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Như Quỳnh

Phụ lục (7): Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Như Quỳnh

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search