T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam :NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(36)- THE WEDDING (Oui Devant Dieu – Ngày Tân Hôn) – J. Prieto & F. Jay

clip_image002

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc điển hình trong “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” (British Invasion) vào nền nhạc phổ thông Hoa Kỳ được đặt lời Việt, kỳ này chúng tôi viết về The Wedding, một ca khúc tiếng Tây-ban-nha có nguồn gốc Nam Mỹ được đặt lời Anh, phổ biến tại miền nam Việt Nam qua phiên bản tiếng Pháp Oui Devant Dieu, và được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Ngày Tân Hôn.

Nhận xét một cách chung chung, The Wedding không phải là một ca khúc thuộc vào hàng “bất hủ”, nhưng mức độ phổ biến trên trường quốc tế thì không thua bất cứ ca khúc nổi tiếng nào, và cho tới nay vẫn được ghi nhận là ca khúc hiện đại (modern song) được sử dụng nhiều nhất trong các đám cưới.

The Wedding cũng là ca khúc đã giới thiệu “cựu vũ công kiêm ca sĩ mới vào nghề” Julie Rogers của Anh quốc tới người yêu nhạc, và là một trong những ca khúc đầu tiên trong “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” vào thị trường nhạc phổ thông Hoa Kỳ.

The Wedding nguyên là bản La Novia (tiếng Tây-ban-nha: Cô Dâu) của tác giả Joaquin Prieto, sáng tác năm 1958. Joaquin Prieto là một nhạc sĩ dương cầm ở Chí-lợi (Chile); về sáng tác ca khúc, các tài liệu chúng tôi có được không cho biết ngoài La Novia ông có viết bản nào khác hay không. Trước sau, Joaquin Prieto chỉ hành nghề tại Chí-lợi, và tên tuổi của ông chỉ được quốc tế biết tới sau khi người anh/em trai ruột Antonio Prieto thu đĩa bản La Novia tại Buenos Aires, thủ đô Á-căn-đình, vào năm 1961.

Antonio Prieto (1926–2011) là một diễn viên điện ảnh kiêm ca sĩ nổi tiếng bảnh trai của châu Mỹ la-tinh. Antonio Prieto ra chào đời và lớn lên tại Chí-lợi nhưng khởi nghiệp diễn xuất tại Á-căn-đình. Tới đầu thập niên 1960, Antonio bước cả sang lĩnh vực ca nhạc và qua năm 1961 nổi tiếng khắp châu Mỹ la-tinh với ca khúc La Novia do người anh/em trai Joaquin sáng tác.

clip_image003

Joaquin Prieto

Video:

ANTONIO PRIETO “La novia” con audio renovado

Cũng trong năm 1961, La Novia được nhà viết lời hát Fred Jay đặt lời hát bằng tiếng Anh với tựa The Wedding.

Fred Jay (1914-1988) ra chào đời tại Áo quốc, là một nhà viết lời hát cho nhiều ca khúc nổi tiếng quốc tế, trong đó có bản Rasputin của ban Boney M. và The Wedding.

Nội dung của the Wedding là tâm tình của cô dâu khi đứng bên cạnh chú rể trong thánh đường để chuẩn bị nói “I Do”.

The Wedding

You by my side
That’s how I see us
I close my eyes
And I can see us
We’re on our way to say: “I do-oo!”
My secret dreams have all come true-oo

I see the church
I see the people
Your folks and mine happy and smiling
And I can hear sweet voices singing
Ave Maria
Ave Maria

Oh my love, my love
This can really be
That some day you’ll walk
Down the aisle with me

Let it be
Make it be
That I’m the one for you
I’ll be yours
All yours
Now and forever

I see us now
Your hand in my hand
This is the hour
This is the moment
And I can hear sweet voices singing
Ave Maria
Ave Maria

Trong những năm đầu thập niên 1960, The Wedding đã được một số ca sĩ thu đĩa, trong đó có Anita Bryant của Mỹ và Malcolm Vaughan của Anh, nhưng không đạt thành công đáng kể. Phải đợi tới cuối năm 1964, sau khi được Julie Rogers thu đĩa, ca khúc này mới thực sự nổi tiếng quốc tế.

Julie Rogers ra chào đời tại thủ đô Luân-đôn năm 1943. Được học dương cầm từ nhỏ, nhưng công việc đầu tiên của cô sau khi tốt nghiệp trung học là làm vũ công trong một đoàn vũ ở Tây-ban-nha, sau đó trở về Anh quốc làm thư ký. Rồi vì buồn chán với công việc văn phòng, Julie xin làm tiếp viên trên một du thuyền quốc tế của hãng Union-Castle Line.

Một ngày nọ, trong thời gian dàn nhạc Teddy Foster Orchestra của Anh trình diễn trên du thuyền, Julie Rogers tới xin hát thử và được thu nhận ngay. Từ đó, Julie theo dàn nhạc này đi trình diễn nhiều nơi ở Anh Quốc và Hoa Kỳ; tới năm 1964 Julie được Johnny Franz, người đặc trách công việc săn mầm non của hãng đĩa Philips Records ký hợp đồng.

Sau khi thu đĩa đầu tay It’s Magic, Julie Rogers chợt nhớ tới bản La Novia, tức The Wedding, mà trước kia cô rất thích nghe trong thời gian làm vũ công ở Tây-ban-nha. Và, nói theo cách nói của người Anh, …the rest is history!

clip_image004

Như chúng tôi đã viết ở đoạn đầu, The Wedding không phải là một ca khúc thuộc vào hàng “bất hủ”. Giai điệu bình thường, lời hát chỉ là tâm tình của bất cứ một cô dâu nào trong một hôn lễ được cử hành theo nghi thức Công giáo.

Thế nhưng, như người ta thường nói, những điều bình thường nhất, đơn giản nhất, chính là những gì mang giá trị vĩnh cửu. Thập niên 1960 là khoảng thời gian của thuyết hiện sinh, thuyết vô thần, dọn đường cho phong trào hippy và cuộc cách mạng tình dục, thì một ca khúc làm theo nhịp bước của cô dâu tiến lên bàn thờ, với lời hát ca tụng một tình yêu lành thánh, quả là lỗi thời, lạc hậu.

Vậy mà sau khi được tung ra vào tháng 8 năm 1964, The Wedding do Julie Rogers thu đĩa đã lên tới hạng 3 trong bảng xếp hạng ở Anh, hạng 10 trong bảng xếp hạng Billboard Hot 100 (tính tất cả các thể loại) và No.1 trong bảng xếp hạng thể loại “adult contemporary” ở Hoa Kỳ vào tháng 1-1965. The Wedding cũng đứng No.1 tại Úc và lọt vào Top 10 ở nhiều quốc gia khác. Tính tới giữa thập niên 1970, The Wedding do Julie Rogers thu đĩa đã bán ra trên 7 triệu đĩa, một con số kỷ lục vào thời bấy giờ!

Chỉ có một “tranh cãi nho nhỏ” liên quan tới đĩa hát này là Julie Rogers vốn là một tín đồ Tin Lành “Protestant” mà lại hát một ca khúc về một đám cưới Công giáo. Tiểu sử của Julie Rogers trên Wikipedia viết: The only controversy about the song was to have a Protestant woman sing a song about a Catholic wedding, especially with the use of the Latin words: “Ave Maria”!

Tại sao tín đồ Tin Lành Protestant lại không cảm thấy “thoải mái” trước hai chữ “Ave Maria”? Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi cho rằng không nên đi sâu vào những khác biệt về Đức Tin và cách hành đạo giữa các tín đồ Tin Lành Protestant và tín đồ Công giáo, mà chỉ viết ngắn gọn như sau: đa số các giáo phái Tin Lành, trong đó Protestant, không tôn sùng Đức Mẹ Maria.

Và theo suy nghĩ của riêng cá nhân chúng tôi, Julie Rogers không chỉ gây tranh luận vì cứ hát đi hát lại hai chữ “Ave Maria” mà còn vì cách Julie phát âm chữ “Maria” đặc la-tinh, y hệt như những dân tộc nói tiếng Tây-ban-nha, tiếng Ý, trong đó chữ “” được nhấn mạnh và kéo dài – như trong các chữ margarita, catarina – senorita… Với nhiều người, đây là một nét độc đáo của các ngôn ngữ la-tinh, nhưng một số khác thì lại cho là một “âm” chói tai, và có khi còn chế nhạo!

Nhưng dù sao chăng nữa, vì âm điệu hai chữ “Ave Maria” trong bản The Wedding được lấy từ ca khúc “Ave Maria của Schubert”, ca khúc bất hủ hiện đang đứng đầu trong Top 10 “ca khúc đám cưới”, chúng tôi cho rằng một nửa cái hay, sức thu hút trong lời hát của The Wedding nằm trong câu “And I can hear sweet voices singing – Ave Maria Ave Maria”

Phụ lục (1): The Wedding, Julie Rogers

Video:

The Wedding (La Novia) – Julie Rogers – YouTube

Sau khi được Julie Rogers thu đĩa, The Wedding đã trở thành “bài hát đám cưới” được ưa chuộng nhất trên thế giới, và được nhiều ca sĩ nổi tiếng quốc tế thu đĩa lại, bằng lời hát tiếng Anh (The Wedding) hoặc nguyên tác tiếng tiếng Tây-ban-nha (La Novia).

Riêng với thính giả yêu nhạc jazz, điều thú vị là bản La Novia được ưa chuộng nhất lại là của một nữ ca sĩ người Nhật, Peggy Hayama, thu đĩa năm 1964 (cho tới nay, Peggy Hayama vẫn được ghi nhận là đệ nhất nữ danh ca nhạc jazz của Nhật Bản).

Về các phiên bản lời hát ngoại quốc (không phải tiếng Anh hoặc tiếng Tây-ban-nha), phổ biến nhất phải là bản lời Pháp Oui Devant Dieu (Nói “I Do” trước mặt Thiên Chúa) của tác giả Maurice Tézé.

Maurice Tézé sinh năm 1918, là một tên tuổi lớn trong làng ca nhạc Pháp. Ông không chỉ là một nhà viết lời hát nổi tiếng mà còn nhà sản xuất (đĩa hát, ca nhạc kịch), và quan trọng hơn cả là một ông bầu ca nhạc, người đã đào tạo, hoặc giới thiệu tới quần chúng những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng của Pháp như Édith Piaf, Gilbert Bécaud, Charles Aznavour, Sacha Distel…, và đặc biệt Gloria Lasso.

Gloria Lasso (1922-2005) là một nữ ca sĩ gốc Tây-ban-nha được Maurice Tézé lăng-xê tại Pháp, từng được xem là một “đối thủ” của Dalida trong thập niên 1950.

Năm 1961, sau khi La Novia lời tiếng Tây-ban-nha được Antonio Prieto thu đĩa, cùng với việc Fred Jay đặt lời hát bằng tiếng Anh với tựa The Wedding, Maurice Tézé đã đặt lời Pháp với tựa Oui Devant Dieu để Gloria Lasso thu đĩa.

Oui Devant Dieu

Oui devant Dieu devant les hommes
Oui pour l’amour que tu me donnes
Et pour qu’un jour je te pardonne
Si malgré toi tu m’abandonnes

Oui pour les joies et pour les peines
Et pour les lois qui nous enchaînent
Oui je promets quoi qu’il advienne
De rester près de toi

Dans tes yeux je vois des larmes de joie
Et j’entends en moi monter une voix
Mon Dieu qui veillez sur ma vie
Protégez mon amour je vous en prie

Oui devant dieu devant les hommes
Oui prends mes jours je te les donne
Et plus que tout mieux que personne
Je t’aimerai toujours
Je t’aimerai toujours
Jusqu’à mon dernier jour.

Như những độc giả thông thạo cả hai ngôn ngữ Anh, Pháp có thể nhận thấy, lời hát của bản Oui Devant Dieu có phần thiết tha, sùng mộ, và trữ tình (…Dans tes yeux je vois des larmes de joie) hơn The Wedding. Chỉ có điều đáng tiếc là đã mất đi hai chữ “Ave Maria” độc đáo trong ca khúc nguyên thủy La Novia của Joaquin Prieto.

Video:

GLORIA LASSO Oui Devant Dieu (La Novia) Version 1961

Những độc giả cao niên hoặc trung niên chuộng nhạc Pháp có thể nhận thấy chất giọng của Gloria Lasso êm hơn Dalida, đồng thời vẫn ít nhiều mang nét cổ điển như trong giọng hát của Édith Piaf.

Thế nhưng bản Oui Devant Dieu do Gloria Lasso thu đĩa đã chỉ lên tới hạng 56 trên bảng xếp hạng của Pháp năm 1961, cho thấy hình như người Pháp không chuộng ca khúc này cho bằng các dân tộc khác. Trong số tất cả các danh ca của Pháp chỉ có một người duy nhất thu đĩa ca khúc này là Sacha Distel, một đĩa hát không được mấy người chú ý tới.

Ca sĩ nổi tiếng thứ ba (sau Gloria Lasso và Sacha Distel) thu đĩa Oui Devant Dieu cũng không phải là một người Pháp chính gốc “Gô-loa” mà là một người gốc Do-thái, ra chào đời tại Maroc (Morocco), mang tên họ Tây-ban-nha, và hành nghề tại Pháp: Maya Casabianca.

clip_image006

Maya Casabianca là một trường hợp khá đặc biệt trong làng nhạc Pháp quốc. Cô ra chào đời với cái tên “Ả-rập” Margalit Azran năm 1945 trong một gia đình giàu có tại Casablanca, thành phố cảng cổ kính nhất, lớn nhất, đẹp và thơ mộng nhất của Vương quốc Maroc (Bắc Phi) nhìn ra sóng nước Đại Tây Dương.

[Casablanca trước kia được gọi là “Anpha”, tới thế kỷ thứ 15 bị người Bồ-đào-nha chiếm làm thuộc địa và đặt tên là “Casablanca”, có nghĩa là “ngôi nhà trắng”. Năm 1942, Casablanca đã được chọn làm bối cảnh cho cuốn phim có cùng tựa, do nam diễn viên Mỹ Humphrey Bogart và nữ diễn viên gốc Thụy-điển Ingrid Bergman thủ vai chính, cuốn phim mà cho tới nay vẫn được đại đa số cho đứng No.1 trong danh sách những cuốn phim bất hủ của nghệ thuật thứ bảy]

Năm 1948, cùng thời gian với trong trào “về miền đất hứa” (exodus) để lập quốc của người Do-thái, cha mẹ của Margalit sang Paris, còn cô bé 3 tuổi thì được cô chú nhận làm con và đưa về Do-thái; mãi tới năm 11 tuổi (1956) khi cùng gia đình (cô chú) sang Pháp, Margalit mới được biết, và đoàn tụ với cha mẹ thật của mình.

Sống trong một chung cư sang trọng ở kinh thành ánh sáng, Margalit rất thích ca hát, và một ngày nọ đã được một nhà sản xuất của hãng đĩa Philips sống ở tầng lầu phía trên khám phá. Với hãng đĩa Philips, Margalit Azran hội đủ điều kiện để cạnh tranh với Dalida của hãng đĩa Barclay lúc đó đang nổi như cồn. Cả hai đều có gốc gác “Sephardi” (Do-thái lưu vong sống ở Nam Âu, Bắc Phi) với màu da sậm, đều có những nét đẹp đằm thắm não nùng và giọng hát mang âm hưởng Ả-rập, có khác chăng là Margalit Azran trẻ hơn Dalida tới 18 tuổi (chúng tôi sẽ viết về Dalida một cách chi tiết hơn trong phần “ca khúc Pháp”).

Việc trước tiên của hãng đĩa Phlips là tìm cho Margalit Azran một nghệ danh, vừa để thay thế cái tên “Ả-rập” vừa mang “màu sắc Địa trung hải”: Maya Casabianca. Chữ “Casabianca” ở đây là thành phố “Casablanca” được viết theo cách viết của người Ý và Tây-ban-nha (blanca = bianca).

Hát bằng hai ngôn ngữ Pháp và Tây-ban-nha, Maya Casabianca đạt thành công một cách mau chóng, và đạt tới đỉnh cao danh vọng vào giữa thập niên 1960. Theo các cuộc thăm dò ý kiến thính giả, có thời gian Maya Casabianca còn được ái mộ hơn cả nữ “tiền bối’” Édith Piaf và đàn anh Charles Aznavour. Tổng số đĩa hát của Maya Casabianca bán ra lên tới 38 triệu.

Video:

Maya Casabianca – Adieu mon pays

Rất tiếc, bước sang đầu thập niên 1970, Maya Casabianca đã về hẳn Do-thái, sinh sống và ca hát tại thành phố cảng Haifa, chỉ thỉnh thoảng mới trở lại Paris để xuất hiện trên các chương trình truyền hình.

Một trong những thành công lớn nhất của Maya Casabianca chính là bản Oui Devant Dieu, tức The Wedding do Maurice Tézé đặt lời Pháp, thu đĩa giữa thập niên 1960.

Phụ lục (2): Oui Devant DieuMaya Casabianca

Sau đó ít lâu, Oui Devant Dieu đã được nữ ca nhạc sĩ kiêm diễn viên Ginette Reno của Gia-nã-đại thu đĩa.

Ginette Reno, sinh năm 1946, được xem là một trong những nghệ sĩ lớn nhất ở phần đất nói tiếng Pháp của Gia-nã-đại (French Canadian) trong những thập niên cuối thế kỷ thứ 20, từng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh và âm nhạc, cũng như những tước hiệu cao quý nhất dành cho một nghệ sĩ.

Bản Oui Devant Dieu do Ginette Reno trình bày mang một sắc thái riêng biệt, khác hẳn The Wedding của Julie Rogers và Oui Devant Dieu của Maya Casabianca. Mặc dù Ginette Reno được liệt vào hàng ngũ ca sĩ hát nhạc phổ thông (pop), chất giọng cũng như cách trình bày của cô ít nhiều mang âm hưởng bán cổ điển; và dĩ nhiên, có thành phần thính giả chọn lọc hơn.

clip_image008

Phụ lục (3): Oui Devant Dieu, Ginette Reno

Tới thập niên 1980, Oui Devant Dieu đã được ban Sweet People “hiện đại hóa”. Tuy có tên gọi bằng tiếng Anh nhưng Sweet People lại là người Thụy-sĩ và hát bằng tiếng Pháp (phần lớn dân Thụy-sĩ nói tiếng Pháp). Sweet People do nhạc sĩ Alain Morisod thành lập năm 1977.

Alain Morisod, sinh năm 1949, là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng của Thụy-sĩ, sau này kiêm cả nhả sản xuất chương trình truyền hình. Năm 1977, Alain Morisod thành lập ban Sweet People để đại diện Thụy-sĩ tham dự giải ca khúc Âu châu (Concours Eurovision de la chanson, thường được gọi tắt là giải Eurovision), và ca khúc Hey le musicien do họ trình bày đã đoạt giải nhì. Giọng nữ duy nhất trong Sweet People là của Mady Rudaz, người sau này trở bạn đời của Alain Morisod. Vì danh tiếng của Alain Morisod cũng như tầm quan trọng của tiếng dương cầm của ông, trên bìa các đĩa nhạc cũng như các poster, tên của ông luôn luôn đứng trước Sweet People.

clip_image010

Video:

oui devant Dieu, devant les hommes – YouTube

Phụ lục (4): Oui Devant Dieu , Alain Morisod & Sweet People

Tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, đại đa số người yêu nhạc đã quen thuộc với Oui Devant Dieu của Maya Casabianca qua chương nhạc ngoại quốc của Đài phát thanh Sài Gòn trước khi nghe The Wedding của Julie Rogers trên các chương trình phát thanh của người Mỹ ở Việt Nam.

Sau khi được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Ngày Tân Hôn,

Oui Devant Dieu đã trở thành một hiện tượng, và góp phần không nhỏ vào việc đưa Thanh Lan lên đài danh vọng.

Như những độc giả thuộc thế hệ “baby boomers” còn nhớ, ngày ấy nếu chỉ kể nhạc Pháp, trước hết Thanh Lan nổi tiếng với bản Bang Bang, một bản lên No.1 của cặp Sonny & Cher, được Sheila hát lại bằng lời Pháp, và được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Khi xưa ta bé.

Tuy nhiên, không phải ai cũng “cảm” được ca khúc ấy, với ca từ mà người Việt chúng ta cho là “trẻ con”, chẳng hạn “Khi xưa đôi ta bé, ta chơi công an đi bắt quân gian…, anh bắn ngay em – bang bang…”, nhưng tới khi Thanh Lan hát bản Oui Devant Dieu – Ngày Tân Hôn thì mọi người đều ưa thích.

Sau năm 1975 tại hải ngoại, nhiều nam nữ ca sĩ đã hát lại – đơn ca hoặc song ca – Oui Devant Dieu – Ngày Tân Hôn, trong số đó, theo nhận xét và cảm quan của chúng tôi, có lẽ Diễm Liên là người hát đạt nhất.

Ngày Tân Hôn

Em bên mình anh, lặng im dưới bàn thờ
Và quanh chúng ta là vui sướng chan hoà.
Tình duyên nhỏ bé thành đôi ước mơ già
Bao nhiêu tóc tơ, giờ đây đã kết se.
Ta bên mình nhau, rồi đi suối con đường
Ðưa ta suốt đời về nơi xứ Thiên Ðường
Về nơi tổ ấm nhờ ơn Ðức cao vời, Ơn Mẹ Mari-a.
Người yêu ơi ! Ơi người ! Người yêu dấu ơi !
Cùng bên nhau suốt đời, cùng chia sớt nỗi vui
Hay nỗi sầu, cùng cho nhau biết bao là yêu,
Ví dầu đời qua mau, với mái đầu, rồi đây sẽ trắng phau.
Ôi vai kề vai, và tay nắm tay rồi,
Ðời thôi vắng tanh, lẻ loi kết đôi rồi !
Từ nay nồng ấm, đời thôi hết u hoài.
Ave Mari-a
Ôi tình chăn gối bao la
Sẽ mang về mãi tận cõi già.

Phụ lục (5): Oui Devant Dieu – Ngày Tân Hôn, Thanh Lan

Video:

Thanh Lan – Oui Devant Dieu

Phụ lục (6): Ngày Tân Hôn, Diễm Liên

Hòai Nam

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search