T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Vài điều tranh cãi từ một ca khúc

clip_image001

Vào đầu thập niên 70 chiến tranh đến hồi cao điểm, những trận đánh lớn giữa hai phe đối nghịch ngày càng ác liệt, tổn thất của cả hai bên được ghi nhận với con số chóng mặt. Xác những người con yêu của đất Việt không hẳn chỉ nằm lại trên chiến trường đất mẹ mà còn rải rác trên vùng Hạ Lào và biên giới Việt Miên. Trực thăng tải thương, trực thăng chuyển xác, nước mắt, băng tang, hoa rừng, hòm gỗ.

Văng vẳng đâu đó có tiếng hát vọng ra từ một chiếc radio nhỏ, âm hưởng vừa buồn vừa hào hùng như minh họa sinh động cho một thực tế mà số phận nào sinh ra trong thời chiến đều phải chấp nhận khi em hỏi anh bao giờ trở lại? Câu trả lời có thể,

Anh trở về trên chiếc băng ca

Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Anh trở về hàng cây nghiêng ngả

Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa

Còn ‘Em’? những cô gái vừa qua lứa tuổi học trò, duyên tình chưa bén, đã phút chia phôi, ‘chít khăn tang trên đầu vội vã’ / ‘cố quên đi một lần chăn gối’…May mắn hơn thì còn người yêu trong niềm cay đắng, ‘Anh trở về trên đôi nạng gỗ/có khi là bại tướng cụt chân”…

Phần ca từ nghe nói trích từ một bài thơ nhưng lại lập lờ không nói xuất xứ. Chỉ biết nguyên phần ca khúc lấy tên soạn giả là người phù thủy chuyên đề phổ nhạc cho thơ có tên Phạm Duy. Bài hát có ngôn từ lạ, tác giả nổi danh cùng sự chấp cánh lần đầu của tiếng hát xuyên thế kỷ – nữ ca sĩ Thái Thanh – thính giả bốn phương như bị thôi miên vì cung bậc của ca khúc quyện theo nét bi tráng của ca từ và cứ thế bài hát trở thành phổ biến không ngớt được yêu cầu hát đi hát lại bất kể tiền tuyến, hậu phương, tiền đồn heo hút, phòng trà thủ đô.

Bài hát có tên Kỷ Vật Cho Em mặc nhiên trở thành cái gai cho những người làm công tác tư tưởng trong quân đội. Chỉ ít tuần sau, bài hát được liệt vào danh sách các ca khúc phản chiến, chỉ chờ cấp lãnh đạo duyệt xong là bị cấm phổ biến trên các đài phát thanh, truyền hình truyền thông cả nước. Nếu chuyện này xảy ra theo dự kiến thì giới bị thiệt thòi sẽ là thính giả bốn phương mà trớ trêu giới hâm mộ đa phần là chiến sĩ ngoài tiền tuyến!

Hoài niệm những ca khúc một thời, có lần tôi đã viết,

Một trong những bài hát được lính và người yêu của lính yêu chuộng nhất vào đầu thập niên 70 phải nói là bài ”Kỷ Vật Cho Em”. Tuy được yêu thích, nhưng bài hát cũng gây nhiều tranh cãi. Tranh cãi về nội dung, xôn xao về tác giả và nếu không có cách nhìn cởi mở của một ông tướng đầu ngành tâm lý chiến thì bài hát đã nằm chung trong danh sách những bài hát bị cấm phổ biến trong quân đội.

Khi viết như vậy mặc nhiên bài hát đã thoát khỏi lưỡi hái kiểm duyệt mà câu chuyện khởi đầu từ nhà văn Văn Quang, lúc này anh đang làm Quản đốc Đài phát thanh quân đội tại Sài gòn. Trong cương vị một người lính (trung tá T.), anh đã trung thực đề nghị Tổng cục CTCT duyệt xét lại vài bài hát dự trù có trong danh sách cấm phổ biến trong đó có Kỷ Vật cho em (và vài bài của TCS). Anh công nhận bài hát này ca từ có những chỗ cần được cân nhắc nhưng bằng chứng không thể chối cãi là ca khúc được các chiến sĩ thuộc bốn vùng chiến thuật thường xuyên yêu cầu với Đài cho hát mỗi đêm. Bằng thư tín, bằng điện thoại Kỷ Vật Cho Em chiếm tỷ lệ áp đảo trong chương trình nhạc yêu cầu từ khi bài hát được công khai phổ biến trên làn sóng phát thanh của quân đội ta.

Công văn đề nghị được gởi thẳng cơ quan chủ quản dưới dạng bán chính thức và cá nhân tôi phụ trách phần điểm báo quốc phòng đã tự ý đưa vào bản tin trình riêng cho người đầu ngành mỗi buổi sáng đầu giờ.

Đưa đẩy thế nào tướng Trần Văn Trung cho gọi anh Quang gặp ông và sau đó bài hát được rút ra khỏi danh sách bị cấm. Hai bài Nối Vòng Tay Lớn và Gia tài của Mẹ của TCS được giao cho đài Mẹ Việt nam, một đài địch vận bí mật phát sóng hướng về các cán binh dọc Trường Sơn và các tỉnh dọc bờ biển miền Trung nhằm chiêu hồi họ trở về chính nghĩa.

Từ đây Kỷ vật cho em trở thành ‘top hit’ chẳng phải cho lính tiền đồn mà các em gái hậu phương nơi phố thị cũng hâm mộ và thuộc lòng ca khúc. Ca sĩ hát phòng trà Sài gòn lại càng phải thuộc bản này khi khách hàng yêu cầu hằng đêm và hơn ai hết họ biết bản nhạc ‘bị cấm hay không bị cấm’. Chẳng cần lý giảì, bài hát tự nó đã đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các nơi phát hành và kinh doanh băng đĩa. Kéo theo có tin đồn xôn xao một dạo khi tác giả bài thơ nguyên gốc có tên Để trả lời một câu hỏi của một thi sĩ có tài (nhưng ít tiếng) cũng lên tiếng về chia sẻ bản quyền và bạch hóa tên tuổi cạnh người phổ nhạc, một tiền lệ trở thành phổ biến với các nhà thơ cùng chung số phận hồi đầu thập niên ’70. Như có lần tôi có viết,

nhiều bài hát nổi tiếng của Phạm Duy là nhờ phần lời của những con tằm nhả tơ xuất xứ từ các nhà thơ. Nhưng cũng phải công nhận Phạm Duy là phù thủy về chọn thơ chuyển chữ để đưa vào âm nhạc và theo tôi ông cần được nhắc nhớ như nhà phổ nhạc bậc thầy của thế kỷ 20. Rất tiếc do bị lép vế, nhiều nhà thơ không được kể là đồng tác giả, khiến tên tuổi họ bị lu mờ hoặc lãng quên. Chính vậy mà ở những ca khúc đi vào lòng người nhờ sự chuyên chở của thơ, như “Kỷ vật cho em” có ai biết Linh Phương? “Em gái Pleiku”, còn ai nhớ Vũ Hữu Định? “Ngày xưa Hoàng thị”, chẳng ai đi tìm Phạm Thiên Thư!

Quay lại bài hát, người viết muốn bàn là tính tranh cãi về sự tồn tại của nó. Là những nhân chứng trực tiếp, anh Văn Quang và chúng tôi hơn ai hết hiểu rõ số phận của bài hát này. Thế nhưng trong Hồi Ký của một trong hai tác giả của nó lại cứ khăng khăng liệt nó vào…‘danh sách cấm phổ biến’. Tôi đã đọc cuốn hồi ký này, không dài không dày, văn chương bình dân, in ấn tựa như một dạng có thể bỏ túi đọc cho vui khi ngồi hay di chuyển bất cứ ở đâu trên tàu trên xe, ngồi chờ khám bệnh, giỗ giấc ngủ đêm.

Khó tin ở chỗ sách này được người trong nước đọc nhiều hơn ở hải ngoại, điều này càng đúng ý tác gìả vì nội dung đề cập nhiều đến những ngày đi theo kháng chiến, những kỷ niệm với các người cùng thời trước khi quay đầu về với những tháng năm tự do sáng tác. Đặc biệt nghe nói nó đã được tái bản để tung ra thị trường trong nước nhân chuyến ‘Ngày trở về’ vĩnh viễn tái định cư trên quê hương một lần tác giả đã hăm hở ra đi.

Một người đã tập được tính kiên nhẫn sau nhiều năm dài trong những trại tù cải tạo, dù yêu nghệ sĩ và hay bỏ tiền mua tác phẩm vơí tiền túi eo hẹp, tôi đã nóng mặt khi người nhạc sĩ già cha đẻ của tiểu phẩm, một ngưòi tôi luôn coi như thần tượng từ thiếu niên cho đến tuổi về chiều, khi không phải là vô tình đã dành một đoạn minh họa về ca khúc gây nhiều tranh cãi và tác giả tự cho là nạn nhân của một chế độ kiểm duyệt khắt khe khi chánh quyền không cho phổ biến ca khúc Kỷ Vật Cho Em vì “họ” sợ dao động tinh thần binh sĩ dù có cả lực lượng máy bay, súng đạn, xe tăng…

Phụ họa cho luận điệu này giới phê bình âm nhạc trong nước khi nhắc đến chuyến trở về của Phạm Duy, đã chế diễu cơ quan tư tưởng của quân đội miền Nam hồi đó đã sợ hãi và làm thui chột ca khúc dựa theo những gì đã được chính tác giả của nó minh họa. Chẳng ai trách họ làm điều này khi trong chỗ riêng tư qua các cuộc gặp gỡ nghệ sĩ và khán giả hâm mộ tại Hà nội , tác giả KVCE vẫn ngầm biểu tỏ tính xác thực của ca khúc bị cấm.

Nay thì một trong hai cha đẻ của bài hát đã đi vào yên nghỉ, ca khúc tự nó cũng đi dần vào quên lãng, có được hát lại cũng chỉ là hoài niệm về một thời bi tráng. Người lên tiếng lẽ ra là nhà văn Văn Quang, tác giả tiểu thuyết và kịch bản chuyển thể Chân Trời Tím nổi tiếng một thời, nhưng do tế nhị anh đã im tiếng và cũng là dễ hiểu khi anh muốn tế nhị biểu cảm với người nghệ sĩ lớn nên bất đắc dĩ đứa em trong ngành phải làm chuyện này để minh bạch hóa một điều cần tranh cãi khi nhìn lại chuyện đời dâu biển 40 năm trên quê hương thân yêu.

Đỗ Xuân Tê

bốn mươi năm nhìn lại – 2015

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search