T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông (2)

Label 6-NVD

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

 

II. Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông

Nhạc lính, nói sao đi nữa cũng từng là “nhạc thời trang” ở miền Nam Việt Nam một thời nào. Loại nhạc thời trang “đặc biệt” này khá phổ biến và có tuổi thọ đo được bằng chiều dài của cuộc chiến tranh hai miền Nam-Bắc, nghĩa là kéo dài hơn bất cứ nhạc thời trang nào khác. Còn chiến tranh là còn nhạc lính, và nhạc này có lúc trở thành cực thịnh vào thời kỳ cường độ cuộc chiến gia tăng đến mức khốc liệt nhất.

Trong những năm dài chinh chiến ấy, có rất nhiều ca khúc khá hay viết về người lính và đời lính của một số tác giả ở trong và ngoài quân ngũ, ngợi ca tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh cao cả và thầm lặng của người lính chiến. “Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông” là một trong số ấy. Hơn thế nữa, nhạc lính của ông có những nét rất “riêng”, mang sắc thái đặc biệt, được rất nhiều người yêu nhạc (lính hoặc không phải lính) yêu thích.

Trong phạm vi nói về “nhạc lính” của Nguyễn Văn Ðông, những ca khúc quen thuộc của ông nhưng không kể là “nhạc lính” (đôi lúc được ông ký dưới những tên khác) sẽ không đề cập trong bài này hoặc chỉ nói phác qua.

Những năm trước ngày chiến tranh kết thúc, ngoài những bài “chiến đấu ca” trong quân đội và những bài hát cộng đồng, có vẻ những bài nhạc đề cao lý tưởng, chính nghĩa, tinh thần chiến đấu và hy sinh của người lính ngày càng ít đi (trừ ít bài ngợi ca những tên tuổi cá biệt của người lính đã đền nợ nước, như “Huyền sử ca một người mang tên Quốc” của Phạm Duy, “Anh không chết đâu em”, “Người ở lại Charlie” của Trần Thiện Thanh…). Không còn nghe thấy nữa những bài nhạc một thời làm nức lòng chiến đấu của người lính vì nước quên mình:

Khi nước nhà phút ngả nghiêng

em mơ người trai anh dũng

mang thân thế hiến giang san

chí quật cường hiên ngang(“Chiến sĩ của lòng em”, Trịnh Văn Ngân)

Em chúc cho chàng lập chiến công oai hùng

vang vang lời chiến thắng

muôn thu danh chàng lừng lẫy với núi sông(“Chàng đi theo nước”, Hiếu Nghĩa)

Anh đi mai về chiến thắng

khi súng quân thù thôi vang trên non sông

tươi thắm màu cờ / vui reo trên kinh thành(“Anh đi mai về”, Hoàng Nguyên)

Anh đi xây chiến thắng / dưới màu cờ quật cường

cho loài người hòa bình(“Dặn dò”, Thanh Châu)

Anh sẽ là anh đàn em nhỏ

là con của mẹ giữ quê hương(“Tình quê hương”, Ðan Thọ & Phan Lạc Tuyên)

Không quên lời xưa đã ước thề

dâng cả đời trai với sa trường(“Anh đi chiến dịch”, Phạm Ðình Chương)

Và ít bài nhạc khác như “Lá thư người chiến sĩ” (Phạm Ðình Chương), “Lá thư gửi mẹ” (Nguyễn Hiền & Thái Thủy), “Bức tâm thư” (Lam Phương), “Anh về thủ đô” (Y Vân), “Biệt kinh kỳ” (Minh Kỳ & Hoài Linh), “Chiều biên khu” (Tuấn Khanh & Châu Ngân), “Trên bốn vùng chiến thuật” (Trúc Phương), “Mười sáu trăng tròn” (Trần Thiện Thanh)…

Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông, trong lúc ấy, trước sau vẫn dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, vẫn ngợi ca người lính chiến, vẫn đề cao lý tưởng và chính nghĩa cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam (mà không phải… “tuyên truyền tâm lý chiến”).

Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông không có những “tô son điểm phấn” cho đời lính kiểu “anh tiền tuyến, em hậu phương”, “người yêu của lính”… Trong những lời nhạc của ông không có những mộng mơ, lãng mạn kiểu Anh là lính đa tình… (“Tình lính”, Y Vân), hay Ba-lô thay người tình yêu dấu… (“Ai nói với em”, Minh Kỳ & Huy Cường), hay Những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới… (“Những đóm mắt hỏa châu”, Hàn Châu), cũng không có những lời thở than hoặc cay đắng như Nhiều đông lắm hạ nối tiếp đi qua / thiếu bóng đàn bà… hay Đến với tôi / hãy đến với tôi / đừng yêu lính bằng lời… (“Kẻ ở miền xa”, Trúc Phương) vân vân… (Người viết chỉ nêu những khác biệt, không có ý bình phẩm).

Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông, như đời lính của ông, là cuộc chiến đấu gian khổ, là những lần xông pha trận mạc, là những cuộc hành quân không giống như là đi… picnic để đem cánh hoa rừng về tặng em (“Người yêu của lính”, Anh Chương), mà luôn cận kề những bất trắc, những hiểm nguy… Ở một đôi bài Nguyễn Văn Ðông, giai điệu có lúc gần gũi với nét nhạc phóng khoáng, mênh mang của nhạc sĩ Lâm Tuyền, tác giả “Tiếng thời gian”, “Khúc nhạc ly hương”, “Hình ảnh một buổi chiều”, “Nhớ người viễn xứ” (Nguyễn Văn Đông & Lâm Tuyền)… Lời nhạc Nguyễn Văn Ðông như có “khẩu khí” riêng, đôi lúc phảng phất cái khẩu khí đầy vẻ thi vị trong thơ Quang Dũng, Thâm Tâm hoặc cả trong “Chinh phụ ngâm khúc”, tạo nên sắc thái đặc biệt tiêu biểu cho dòng nhạc lính của ông. Có thể nói, Nguyễn Văn Ðông là một trong những nhạc sĩ sử dụng sớm nhất những từ ngữ “đường mây”, “sơn khê”, “giang đầu”, “khanh tướng”, “sa trường”, “biên thùy”, “khu chiến”, “tang bồng”, “hội trùng dương”… Những từ ngữ khá cổ điển ấy, qua nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thích ứng và tài tình, lại có vẻ rất phù hợp với chất “lính tráng”, làm dậy lên những cảm xúc rất “lính”, khiến nhạc lính Nguyễn Văn Ðông như có một “khí hậu” riêng, mang mang thi vị của hơi thơ cổ, nhuốm vẻ hùng tráng và lãng mạn tựa bức họa đẹp và buồn của một “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. (2)

Anh như ngàn gió / ham ngược xuôi theo đường mây… (“Mấy dặm sơn khê”)

Ngoài mưa khuya lê thê / qua ngàn chốn sơn khê… (“Mấy dặm sơn khê”)

Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu?(“Chiều mưa biên giới”)

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng… (“Chiều mưa biên giới”)

Thương mầu áo gửi ra sa trường… (“Chiều mưa biên giới”)

Chốn biên thùy này xuân tới chi?(“Phiên gác đêm xuân”)

Xưa từ khu chiến về thăm xóm(“Sắc hoa màu nhớ”)

Lòng này thách với tang bồng… (“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Hội trùng dương hát câu sum vầy(“Hải ngoại thương ca”)

“Đường mây” chẳng hạn (Đường mây chân núi xa…, Ngược xuôi theo đường mây…) là từ ngữ rất cũ, từ thuở… “Chinh phụ ngâm khúc” (“Sứ trời sớm giục đường mây”…), được đưa vào lời nhạc Nguyễn Văn Ðông, lại như có vẻ “mới” và nghe rất “lính”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí trước năm 1975, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông cho biết ông chịu ảnh hưởng ít nhiều nền văn hóa Pháp trong các sáng tác âm nhạc và nhắc đến tên vài bài nhạc cũ của những thập niên 1940’s, 1950’s như “J’attendrai”, “Ma Normandie”, “La vie en rose”…

clip_image006

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông,

nghệ sĩ Trần Văn Trạch và nhạc sĩ Lê Thương

III. “Lòng này thách với tang bồng

Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông là lính trận, là lính tác chiến, là những người lính áo anh mùi thuốc súng, những người lính vừa trở về từ chiến trường lửa đạn.

Hơn bất cứ một nhạc sĩ nào khác viết về lính, nhạc Nguyễn Văn Ðông làm nổi bật lý tưởng của người quân nhân cầm súng chiến đấu. Mặc “ai công hầu, ai khanh tướng”, người đi vì lý tưởng đã vẽ lên những hình tượng đẹp, lãng mạn và đầy hào khí của những chàng Kinh Kha thời đại.

Người đi giúp núi sông

hàng hàng lớp lớp chưa về / hàng hàng nối tiếp câu thề

giành lấy quê hương

Người đi giúp nước nào màng danh chi

cầu cho đất nước vượt ngàn gian nguy(“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng

thì đường trần mưa bay gió cuốn / còn nhiều anh ơi!… (“Chiều mưa biên giới”)

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, (3) những chàng trai đất Việt nặng một lời thề, mang tổ quốc trên vai, mang tình yêu nước trong tim, hàng hàng lớp lớp theo nhau lên đường. Từng đoàn người tiếp bước những đoàn người, đi viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc Việt.

Đời tôi quân nhân / chút tình gửi cho núi sông(“Sắc hoa màu nhớ”)

Nước non còn đó một tấc lòng

không mờ xóa cùng năm tháng(“Mấy dặm sơn khê”)

Đời dâng cho núi sông

Dù ngàn nắng lửa mưa dầu

lòng người nhất quyết không đầu

giành lấy mai sau(“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Khi lòng đã nhất quyết không đầu, khi đời đã dâng cho núi sông thì… “Mẹ thà coi như chiếc lá bay” (4)

Mẹ hiền ơi chớ buồn vì con / nước non chưa tròn (“Lá thư người lính chiến”)

Chút tình riêng đành gác lại, vì tình nước sâu hơn tình lứa đôi.

Đường đi biên giới xa / Lòng này thách với tang bồng

Đừng sầu má ấy phai hồng / buồn lắm em ơi!...

Hỡi người anh thương / chưa trọn thề ước

Nhưng tình đất nước / ôi, lớn lao không đành lòng

dệt mối thắm riêng tư(“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Vầng trăng xẻ đôi / vẫn in hình bóng một người(“Chiều mưa biên giới”)

“Chiều mưa biên giới” (1956, được sáng tác tại Đồng Tháp Mười, biên giới Việt-Miên), một trong những bài nhạc lính quen thuộc của Nguyễn Văn Ðông, là trường hợp khá đặc biệt, nổi tiếng do hai sự kiện: thứ nhất, nhờ sự trình diễn thành công của nghệ sĩ Trần Văn Trạch qua các làn sóng phát thanh và truyền hình Paris, dẫn đến một hợp đồng thu thanh bài hát bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp với một hãng dĩa lớn của Pháp (sự kiện chưa từng có trong lịch sử tân nhạc Việt thời ấy); và thứ hai, nhờ quyết định… cấm phổ biến của Bộ Thông Tin thời bấy giờ, với lý do là lời nhạc không thích hợp.

Vì sao cấm phổ biến? Vì sao “lời nhạc không thích hợp”? Nghe lại “Chiều mưa biên giới”, tôi không thấy có “vấn đề” gì đáng gọi là cấm kỵ. Có thể là những lời lẽ như thế này:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu

sao còn đứng ngóng nơi giang đầu?…

Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay?…

Người lính chiến… mất phương hướng, không biết đi đâu, về đâu! Hoặc những câu hát:

Kìa rừng chiều âm u rét mướt…

Một vùng mây nước cho lòng ai thương nhớ ai…

Cờ về chiều tung bay phất phới

gợi lòng này thương thương nhớ nhớ…

Người đi khu chiến thương người hậu phương…

Người lính chiến “nhìn trời hiu quạnh”, lòng còn vương vấn chút tình… riêng.

Nếu không phải vì những lời nhạc kể trên, có thể là do giai điệu u uẩn, man mác của bài nhạc làm… nản lòng binh sĩ, làm suy giảm tinh thần chiến đấu của quân đội chăng(!).

Dù với bất cứ lý do gì, những câu hát này thực sự chẳng thấm tháp vào đâu so với những bài bản “phản chiến” ít năm sau đó, phổ biến tràn lan một thời mà chẳng ai cấm nổi, chẳng hạn Tôi có người yêu chết trận Pleime… (“Tình ca người mất trí”, Trịnh Công Sơn), Quyết chối từ chém giết anh em… (“Chính chúng ta phải nói”, Trịnh Công Sơn), hoặc Anh trở về bại tướng cụt chân… (“Kỷ vật cho em”, Phạm Duy & Linh Phương), Ngày mai đi nhận xác chồng…/ Anh lên lon giữa hai hàng nến chong… (“Tưởng như còn người yêu”, Phạm Duy & Lê Thị Ý)…

“Chiều mưa biên giới” bị cấm phổ biến chỉ vì ra đời… sớm vài năm, trở thành một trong những bài nhạc đầu tiên được khoác cho cái tên gọi là “phản chiến”.

“Chiều mưa biên giới” trở thành bài nhạc lính tiêu biểu của Nguyễn Văn Ðông, gắn liền với tên tuổi của ông, gắn liền với giọng ca Trần Văn Trạch, gắn liền với câu hát Lòng trần còn tơ vương khanh tướng / thì đường trần mưa bay gió cuốn / còn nhiều anh ơi!… vừa mang tính “triết lý” về đời lính, vừa đượm vẻ… “lãng mạn Nguyễn Văn Ðông”.

clip_image008

Nghệ sĩ Trần Văn Trạch hát “Chiều mưa

biên giới” tại đài truyền hình Pháp (1961)

IV. Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông

“Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt

xếp bút nghiên theo việc đao cung” (2)

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc luôn có những năm thái bình thịnh trị và những năm chinh chiến điêu linh. Khi vận nước ngả nghiêng, những chàng trai thời loạn đã hiến dâng tuổi trẻ, lên đường theo tiếng gọi của non sông, bỏ lại sau lưng những mộng ước chưa tròn. Hình tượng người lính chiến qua dòng nhạc Nguyễn Văn Ðông, ngoài lý tưởng, lòng yêu nước thương dân, tinh thần hy sinh và chiến đấu, vẫn không thiếu nét lãng mạn của “Chí lớn chưa về bàn tay không, thì không bao giờ nói trở lại…” (4)

Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha

ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em(“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên… (“Mấy dặm sơn khê”)

Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông đẹp tựa câu thơ cũ, “Chàng từ đi vào nơi gió cát…”, (2) câu thơ về những chàng trai, những chàng lính chiến ôm mộng hải hồ, bạn cùng sương gió. Trên khắp các nẻo đường đất nước, từ miền địa đầu giới tuyến đến những nơi đầu sóng ngọn gió, từ những tuyến đầu lửa đạn đến những tiền đồn heo hút xa xăm, nơi đâu cũng in hằn dấu chân người lính.

Anh như ngàn gió / ham ngược xuôi theo đường mây

Tóc tơi bời lộng gió bốn phương(“Mấy dặm sơn khê”)

Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông đẹp tựa huyền thoại “trăng treo đầu súng” trong một “phiên gác đêm xuân” giữa vùng hành quân đồi núi chập chùng.

Xác hoa tàn rơi trên báng súng

ngỡ rằng pháo tung bay / ngờ đâu hoa lá rơi(“Phiên gác đêm xuân”)

Đêm nằm gối súng / chung ánh trăng

cho người này gợi nhớ thương người kia(“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Câu hát gợi nhớ câu lục bát Nguyễn Du.

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”

Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông không chỉ ở những bản tình ca gợi nhớ những mùa xuân thanh bình một thuở, như là Chiều nay hoa xuân bay nhiều quá hay là Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người… (“Nhớ một chiều xuân”), mà còn tìm thấy trong những câu hát của một mùa chinh chiến.

Trong khói lửa chiến tranh, bên cạnh những nỗi bất trắc, tình yêu vẫn nở hoa, như những đóa hồng vẫn nở bên những hầm hố và hàng rào kẽm gai. Vẫn có chút tình yêu làm quà tặng cho những người lính cầm súng chiến đấu, vẫn có những ánh mắt, nụ cười xinh tươi trong câu chuyện tình thời chiến, câu chuyện tình “người hùng và giai nhân”.

Còn đây giây phút này

còn nghe tiếng hát / nụ cười xinh tươi

còn trông ánh mắt / còn cầm tay nhau(“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Tình yêu thường xen lẫn thân phận người lính xa nhà, xa người mình thương yêu. “Chàng thì đi cõi xa mưa gió / Thiếp lại về buồng cũ gối chăn”. (2) Một người đi, một người ở lại và những năm chờ tháng đợi mỏi mòn.

Một người gối chiếc cô phòng

còn người góc núi ven rừng / chân mây đầu gió(“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Con đường đấu tranh gian khổ còn dài, những chuyến về thăm, những lần về phép, người lính chiến dừng chân trong chốc lát, rồi lại lên đường, lại miệt mài đi khi quê hương còn tiếng súng, khi máu xương còn rơi…

Anh đến thăm / áo anh mùi thuốc súng…

Anh đến đây / rồi anh như bóng mây…

Anh hỡi anh / đường xa vui đấu tranh(“Mấy dặm sơn khê”)

Tôi lại đi giữa trời sương gió

Mầu hoa thắm vẫn sống trong tôi(“Sắc hoa mầu nhớ”)

Người nghe đôi lúc bắt gặp đâu đó trong lời nhạc Nguyễn Văn Ðông những câu hát thật là đẹp.

Cầm tay nhau đi anh

tơ trời quá mong manh (“Mấy dặm sơn khê”)

“Tơ trời”?… Là sợi nắng lung linh hay sợi mưa phùn giăng mắc? Tơ trời mong manh hay những phút giây gần nhau cũng mong manh như những sợi… tơ trời?

Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông vẫn có những phút để hồn mình lắng xuống, để lòng mình bâng khuâng vì một sắc hoa, một mầu áo…

Chiều hành quân nay qua lối xưa

giữa một chiều gió mưa / xác hoa hồng mênh mông…

Nhìn mầu hoa vừa tan tác rơi

nhớ muôn vàn nhớ ơi / hát trong mầu hoa nhớ(“Sắc hoa mầu nhớ”)

Cuộc đời lính chiến, nhờ vậy, cũng sẽ đẹp thêm lên một chút.

Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông không phải là không có trái tim đắm say mộng mơ (“Ai nói với em”, Minh Kỳ & Huy Cường). Những ước mơ của người lính thật đơn sơ và trắng như mây chiều.

Ước mong nhiều đời không (cho) bấy nhiêu

vì mơ ước trắng như mây chiều(“Phiên gác đêm xuân”)

“Mơ ước” gì vậy? Nếu không phải là nỗi ước mơ của những người đi đấu tranh để mang về mùa xuân mới cho quê hương.

Mong sao nước Việt đời đời

anh dũng oai hùng chen chân thế giới…

Người về đây giữa non sông này

Hội trùng dương hát câu sum vầy

Về cho thấy con thuyền nước Nam

đi vào mùa xuân mới sang

xa rồi ngày ấy ly tan(“Hải ngoại thương ca”)

V. “Người lính già không bao giờ chết”

clip_image010

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Xuân 2013

“Hải ngoại thương ca” cũng là trường hợp đặc biệt khác, sau “Chiều mưa biên giới”. Không rõ động lực nào, hoàn cảnh nào đã khiến nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông cho ra đời ca khúc ấy. Trước và sau ông hầu như chưa có nhạc sĩ nào viết về đề tài tương tự. Ðiều thú vị, các “cán bộ” văn hóa văn nghệ ở trong nước đã lầm tưởng “Hải ngoại thương ca” là “sáng tác mới” của Nguyễn Văn Ðông, đến lúc hiểu ra rằng đấy là bài nhạc cũ (1963), đã phải thốt lên, “Làm sao mà ở miền Nam ngày trước lại có bài nhạc hay đến như thế, lại phù hợp với hiện tình đất nước đến như thế!”

Cái “hay” trong lời ngợi khen ấy có thể hiểu là cái hay của nội dung bài nhạc được diễn dịch theo chiều hướng có lợi và phù hợp với chính sách kiều vận, với chủ trương “hòa hợp và hòa giải dân tộc” của “nhà nước ta” đối với “khúc ruột ngàn dặm” là cộng đồng người Việt ở nước ngoài, một “bộ phận không thể tách rời” của dân tộc. Cái “hay” ấy là cái hay của những câu hát được xem là thể hiện tâm tư tình cảm của “bà con Việt kiều yêu nước” trong những chuyến về thăm quê nhà.

Một mùa thương kết muôn hoa lòng

Người về đây nối câu tâm đồng

Tôi đi giữa trời bồi hồi

Cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa

Người về đây giữa non sông này

Hội trùng dương hát câu sum vầy

Không có gì ngạc nhiên khi các báo trong nước đưa tin “Hải ngoại thương ca” là một trong những bài đầu tiên được Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa Thông tin nhanh chóng duyệt qua, trong số 18 ca khúc của Nguyễn Văn Ðông được phép lưu hành trong nước kể từ năm 2003. (Trong số, có vài ca khúc quen thuộc như “Nhớ một chiều xuân”, “Về mái nhà xưa”, “Thầm kín”, “Khúc xuân ca”, “Núi và gió”, “Trái tim Việt Nam”… Tất nhiên là không có những bài… nhạc lính).

Trong lúc “Hải ngoại thương ca” được viết với nhạc điệu Slow Rock khá thịnh hành giữa thập niên 1960’s, thể hiện tình cảm phấn chấn như những bước chân đi tới, như niềm tin phơi phới về một vận hội mới, “Mấy dặm sơn khê” có tiết tấu chậm rãi hơn, tình cảm sâu lắng hơn, phác họa nét đẹp của người lính ngược xuôi trên khắp các nẻo đường đất nước. Một bài nhạc lính khác, “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”, là bức tranh hoành tráng về đời lính được vẽ bằng những giai điệu dạt dào tình nước, khi réo rắt, khi trầm bổng, khi lãng mạn như một bản tình ca, khi hùng tráng như một khúc quân hành.

Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông từng được thể hiện qua những giọng ca khác nhau, từ Thái Thanh, Lệ Thanh, Hà Thanh, Khánh Ngọc, Lệ Thu… đến Trần Văn Trạch, Hùng Cường, Thanh Hùng, Duy Trác, Elvis Phương, Anh Khoa… và cả những ca sĩ “học trò” của ông. “Chiều mưa biên giới” phù hợp với chất giọng “nam bộ” và làn hơi ấm áp của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, trong lúc “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” lại phù hợp với chất giọng mềm mại, ngọt ngào của Hà Thanh quyện với giọng ténor vang lộng của Hùng Cường. Người nghe “Mấy dặm sơn khê” qua những giọng Thái Thanh và Hà Thanh đều nhận ra mỗi giọng có cái hay riêng, có nét đẹp riêng trong cách thể hiện.

Hình tượng người lính chiến, khắc họa qua dòng nhạc Nguyễn Văn Ðông, như được “nâng” lên ở tầm mức cao hơn và đẹp hơn. Lý tưởng của những người trai anh dũng hiến thân vì tổ quốc như được tô đậm hơn, chính nghĩa của cuộc chiến đấu gian khổ của quân dân miền Nam như được soi sáng hơn. Người đời, qua đó, thấy yêu mến hơn và gần gũi hơn những người lính, thấy cảm kích và ngưỡng phục những hy sinh cao cả và thầm lặng của người chiến binh vì nước quên mình. Không thể nào không cám ơn ông, cám ơn người nhạc sĩ đã gieo vào lòng người những mối cảm xúc sâu đậm, những ấn tượng đẹp và sắc nét về người lính và đời lính.

Chiến tranh đã đi qua, những bài nhạc lính như thế ngày nay ít còn được nghe hát, thế nhưng dư âm lời ca tiếng nhạc của một mùa chinh chiến ấy và hình tượng hào hùng của người lính chiến quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đọng lại mãi trong tâm tưởng biết bao người, như câu nói bất hủ của một danh tướng Hoa Kỳ, “Những người lính già không bao giờ chết; họ chỉ nhạt mờ đi thôi.” (“Old soldiers never die; they just fade away.” – Douglas MacArthur).

Sau bao mùa tang thương dâu bể, sau bao nhiêu giông tố dập vùi, “người lính già” Nguyễn Văn Ðông, ở độ tuổi gần 80, vẫn một niềm tin sắt son vào hồn thiêng sông núi, vẫn còn nguyên vẹn trái tim chàng lính trẻ nặng trĩu tình quê, tình nước của những ngày đầu bước chân vào đời quân ngũ.

Non nước ơi!

Hồn thiêng của núi sông / kết trong lòng thế hệ

nghìn sau nối nghìn xưa… (“Mấy dặm sơn khê”)

Nghìn sau nối nghìn xưa, những thế hệ tiếp nối những thế hệ, những bàn chân tiếp nối những bàn chân, rộn ràng theo nhau lên đường đi xây lại những ước mơ chưa thành tựu của những người đã nằm xuống cho một vận hội mới về trên quê hương.

“Mai sau dù có bao giờ”, (5) nghe lại những khúc hát về người lính và đời lính, những khúc hát của một mùa nào ly loạn, hẳn người đời vẫn còn nhớ tới những người hùng tên tuổi hay những chiến sĩ vô danh, những người con yêu của tổ quốc, những người “nhẹ xem tính mệnh như mầu cỏ cây”, (2) những người đã hy sinh cả máu xương, đã hiến dâng cả tuổi trẻ, cả những năm tháng tươi đẹp nhất của đời người cho tình yêu đất nước.

Chinh chiến đã qua một thì, (6) thế nhưng những bài hát về người lính anh dũng cầm súng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất quê hương, như những bài nhạc lính Nguyễn Văn Ðông, mỗi lần nghe lại là mỗi lần nghe dậy lên một niềm kiêu hãnh, một nỗi tự hào về một thiên anh hùng ca của dân tộc.

Cám ơn anh, người lính già, người nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông.

Lê Hữu

(2011)

—————————

(1) Trả lời phỏng vấn, Hoàng Lan Chi (ĐPT “Việt Nam hải ngoại”, WA DC, 19/5/07)

(2) Chinh phụ ngâm khúc, Ðặng Trần Côn/Ðoàn Thị Ðiểm

(3) Tây tiến, thơ Quang Dũng

(4) Tống biệt hành, thơ Thâm Tâm

(5) Kiều, thơ Nguyễn Du

(6) Người về, nhạc Phạm Duy

Nguồn ảnh: nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

“Mấy dặm sơn khê”, Nguyễn Văn Đông / Hà Thanh:

https://www.youtube.com/watch?v=KdvngnIlbyg

“Chiều mưa biên giới”, Nguyễn Văn Đông / Trần Văn Trạch:

https://www.youtube.com/watch?v=WQGGGMEOcu8

Phụ Lục:

“Người Lính trong nhạc Nguyễn Văn Đông” – Chương trình Thơ Nhạc phát thanh trên đài VOA (2008) do Bích Huyền phụ trách.

(Xin bấm vào dưới đây để nghe)

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search