T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: GIỚI THIỆU TẬP THƠ: BẠCH VÂN VÔ SỞ TRÚ

                                                        (Ảnh bìa tập thơ)

 

VÀI HÀNG TIỂU SỬ

Cảm ơn nữ sĩ Hạt Cát đã gởi tặng thi phẩm Bạch Vân Vô Sở Trú (Mây Trắng Thong Dong) như món quà quý. Tập thơ in rất trang trọng và rất đẹp.

Xin được ghi ra đây vài hàng về tiểu sử của nữ sĩ:

Hạt Cát tên thật Trần Thị Bạch Vân, bút hiệu thường dùng: Hạt Cát, Lăng Già Nguyệt, Sa Sa, Lạp Sa … Cựu học sinh trường Trịnh Hoài Đức tỉnh Bình Dương, quê Lái Thiêu Việt Nam. Hiện đang sống ở Mỹ.

Tập thơ Bạch Vân Vô Sở Trú gồm 125 bài thơ chữ Hán đủ các thể loại, sau mỗi bài thơ chữ Hán, tác giả còn phiên âm ra Hán Việt và dịch ra thơ thuần Việt rất mượt mà. Về thơ chữ Hán, tác giả làm theo lối chữ phồn thể – Lối chữ hiện được dùng tại Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và trong các tác phẩm cổ của văn học Việt Nam. Thi sĩ Hạt Cát cho biết là chị đã học chữ Hán từ gia đình, từ bạn bè. Chị học và yêu thích chữ Hán, rồi làm thơ dễ dàng như làm bằng tiếng mẹ đẻ – tiếng Việt.

NHAN ĐỀ BẠCH VÂN VÔ SỞ TRÚ

Trước khi giới thiệu vài bài thơ tiêu biểu của nữ sĩ Hạt Cát, tôi có vài ý về nhan đề của thi tập.

  1. Được biết người cha là nhà Nho, thầy giáo; cụ dặt tên cho các người con gái đều bẳt đầu bằng chữ Mây (Vân). Gia đình có 4 người con gái: Bạch Vân, Thanh Vân, Hồng Vân và Huỳnh Vân.

Tên đặt ảnh hưởng đến cuộc đời riêng chăng? Mây thì phải lơ lửng, lang thang lưng trời:

Phiêu vân bạch mộ không / Quá kiều hốt tâm vong (Chiều hôm mây trắng lênh đênh/ Qua cầu lơ đãng bỏ quên tim này – Hạt Cát)

  1. Nhan đề Bạch Vân Vô Sở Trú gợi ta nhớ đến bài thơ nổi tiếng “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu (704–754) một nhà thơ thời nhà Đường. Tương truyền Lý Bạch (701 – 762) khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, thấy bài thơ này của Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong ông vội vứt bút, ngửa mặt than: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.(Trước mắt thấy cảnh không tả được / Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu)

Đây là 4 câu đầu của bài thơ Hoàng Hạc Lâu:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

(Hoàng Hạc lâu -Thôi Hiệu)

 

Nguyên Lạc phóng dịch:

Hạc vàng ai cưỡi bay xa

Đây lầu Hoàng Hạc cùng ta đối sầu

Hạc vàng không trở về đâu

Nghìn năm mây trắng trên đầu vẫn bay

“Bạch Vân Vô Sở Trú” của Hạt Cát chính là “Bạch vân thiên tải không du du” của Thôi Hiệu, nói về lẽ “vô thường”.

 

VÀI NHẬN XÉT KHI ĐỌC BẠCH VÂN VÔ SỞ TRÚ

  1. Xin được trích đoạn ra đây Nhận Định Về Tập Thơ của Nguyễn Đức Cung đăng ớ phần đầu của thi tập:

[… Trước hết, khi đọc thi tập viết bằng chữ Hán này độc giả tưởng rằng sẽ gặp ở đây những khuôn mẫu cứng nhắc, những luật lệ gò bó của những quy luật về thi ca đời Đường Trung Quốc mà người làm thơ chữ Hán có sẵn trong đầu, đó là các loại thơ Cổ phong và thơ Luật. Thơ Cổ phong chỉ cần có vần mà không phải theo niêm luật; thơ Luật mỗi bài 8 câu 5 vần theo đúng niêm, luật, bằng, trắc. Nếu mỗi câu 5 chữ thì là ngũ ngôn, mỗi câu 7 chữ thì là thất ngôn. Dù ngũ ngôn hay thất ngôn thì cũng không bao giờ được dùng vần trắc; nếu dùng vần trắc thì là cổ thi rồi. Ngoài ra cũng còn có loại thơ tuyệt cú chỉ có 4 câu (nên cũng gọi là tứ tuyệt) có thể theo luật bằng trắc (thể luật) có thể không theo (thể cổ thi) [Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, cuốn II Đời Đường]

Tính phóng túng và đa điệu của tác giả tập thơ này chẳng những thể hiện trong các thể thơ từ ngũ ngôn Cổ phong đến lục ngôn, tứ tuyệt; nhiều nhất là ngũ ngôn cho đến cả thể thơ Lục bát – vốn là một kỹ thuật sáng tác độc đáo của người Việt Nam cũng được nhà thơ Hạt Cát vận dụng, đưa vào thi tập của mình qua các bài Dị Hương Xuân I, Khán Vân Hiên, Hư Hư Thực Thực với những câu trích dẫn như sau:

Khách địa xuân vô đào, mai

Thô thi, đạm tửu nghinh lai vị hà?

Cái hàn khô thụ tuyết hoa

Vọng thiên lý ngoại sầu ga hương tình

(Dị Hương Xuân I)

 

Xứ người xuân chẳng mai, đào

Thơ suông, rượu nhạt đón chào chi đây?

Lạnh lùng tuyết phủ ngọn cây

Trông ngoài ngàn dặm thêm đầy sầu quê … ] [Nguyễn Đức Cung]

  1. Về tính phong phú, đa điệu của thơ Hạt Cát tôi xin trích ra đoạn này:

” Trong lãnh vực thi ca, việc đặt ra luật lệ xét cho cùng không phải là việc vô ý thức, nhưng nói như nhà văn Nguyễn Hiến Lê thì luật lệ, qui tắc là “để điều khiển cái hứng, giúp cho lối phô diễn được hoàn hảo, đẹp đẽ hơn, du dương hơn; chứ không phải để bóp chẹt cái hứng. Phải biết vứt bỏ luật lệ để giữ cái hứng, chứ không nên hy sinh cái hứng cho luật lệ. Thơ là để diễn tả nỗi lòng; diễn tả bằng hình thức nào cũng được: Cổ phong, thể Luật … Hễ tả mà cảm động được lòng người là mục đích đã đạt. Thơ không phải là những tiếng ghép cho thành văn, cho có đối, cho đủ bằng trắc …” [Nguyễn Hiến Lê, sách đã dẫn]

Đoạn văn này áp dụng đúng cho thơ của Hạt Cát.

  1. Về tính nhân bản:

Ngoài sự mượt mà, phong phú, đa dạng trong thơ của Hạt Cát còn đầy ắp tình người. Tôi xin dẫn những đoạn thơ sau đây để minh chứng.

a.

Dạ Dạ

Dạ dạ phong sàng thượng

Bán tịch bán liêu nhai

Tương luân đài tảo mộng

Thi cổ thiểu đa sầu

 

Đêm Đêm

Đêm đêm tôi trải lên giường

Nửa chăn chiếu nửa phố phường quạnh hiu

Loanh quanh mộng mị rong rêu

Mấy hàng thơ cổ ít nhiều bâng quơ

 

Khiến ta nhớ đến Hàn Ốc hay Hàn Ác (844-923) tự Trí Nghiêu, thi nhân thời Vãn Đường

Xuân khuê kỳ 2

Nhân uân trướng lý hương,

Bạc bạc thụy thời trang.

Trường hu giải la đới,

Khiếp kiến thượng không sàng.

 

Dịch nghĩa:

Trong màn hương thoang thoảng dễ chịu,

Ăn mặc sơ sài để ngủ.

Cởi dải áo, than dài một tiếng,

Vì thấy cái giường không mà kinh hãi.

 

Bản dịch của Trần Tuấn Kiệt:

Thoang thoảng mùi hương quanh trướng gấm,

Đâu cần giấc ngủ với y trang?

Tháo dải lưng quần, ôi lạnh lẽo!

Giường kia sao rộng, rộng thênh thang! [Thivien net]

b.

Xin trích ra thêm 4 câu cuối bài thơ đầy tình người Thu Mộ Phùng Y (Khâu Áo Chiều Thu)

Tọa khán tiêu tiêu diệp

Giáng hạ tâm hoang vu

Cổ độ văn chiêu tập

Nhất chẩm sầu thiên thu

 

Em ngồi trông chiếc lá

Rơi xuống lòng hoang vu

Nghe nghìn xưa góp lại

Một gối sầu thiên thu

d.

Đặc biệt nhân bản nhẩt theo chủ quan tôi là tứ tuyệt này, đầy tính humour – hóm hỉnh

Thả Tiếu

Nhân sinh hàm khổ lụy

Y thực tích bại thành

Phóng thủ vạn sự tuyệt

Đắc tiếu, tiếu nhất thanh!

.

Kiếp người nhiều khổ nhọc

Cơm áo lắm được thua

Buông tay muôn việc hết

Đùa được thì cứ đùa!

VÀI BÀI THƠ TIÊU BIỂU

Mời bạn đọc vài bài thơ tiêu biểu của tác giả Hạt Cát trong thi phẩm Bạch Vân Vô Sở Trú.

                                        (Ảnh thơ Lăng Già Nguyệt)

1.

 

       Lăng Già Nguyệt

Lăng Già nhất phiến nguyệt,

Kim cổ vọng du du.

Sát na sinh trụ diệt,

Hà xứ ngã chân như?

 

    Trăng Đỉnh Lăng Già

Mảnh trăng treo đỉnh Lăng Già,

Mang mang kim cổ ta bà vọng chân.

Sanh trụ diệt sát na tâm,

Biết đâu nguồn cội truy tầm cái ta?

                                        (Ảnh thơ Cầm Nguyệt)

 

2.

        暮鳥

孤鳥高飛何處

烟霜歲月浮游

暮風虛無久叫

已心一日天秋

 

         Mộ Điểu

Cô điểu cao phi hà xứ,

Yên sương tuế nguyệt phù du

Mộ phong hư vô cửu khiếu

Dĩ tâm nhất nhật thiên thu!

 

       Cánh Chim Chiều

Về đâu một cánh chim bay,

Khói sương lãng đãng tháng ngày phù du,

Gió chiều gọi mãi hư vô,

Nghe lòng như đã thiên thu một ngày.

 

3.

      江月

江流重浪白

雲水月終深

茫茫愁輪落

杜宇惱鄉心

 

Giang Nguyệt

Giang lưu trùng lãng bạch,

Vân thủy nguyệt chung thâm.

Mang mang sầu luân lạc,

Đỗ Vũ não hương tâm.

 

Sông Trăng

Sông trôi ngàn sóng bạc,

Mây nước một màu trăng.

Mênh mông sầu luân lạc,

Hồn nước quốc kêu thương.

 

4.

瓊花

素瓣抱貞香

知音會一方

為君開半夜

不讓蝶蜂詳

 

Quỳnh Hoa

Tố biện bão trinh hương,

Tri âm hội nhất phương.

Vị quân khai bán dạ,

Bất nhượng điệp phong tường.

 

Hoa Quỳnh

Tay ngà ôm ấp hương trinh,

Cùng tri âm một tấm tình gửi trao.

Vì người nở giữa đêm thâu,

Không cho ong bướm lao nhao tỏ tường.

                               (Ảnh thơ Chân Mộng)

 

HỌA THƠ

Cảm xúc những vần thơ mượt mà như tơ, tôi xin được họa theo vài bài của nữ sĩ:

  1. Họa bài Giang Nguyệt

 

            Trầm Tư Bên Sông

Tóc rồi sương điểm theo năm tháng

Sắc cũng tàn phai theo tuổi đời

Ai xui trăng rụng trên dòng lắng

Một kiếp người thôi thế nhân ơi!

(Nguyên Lạc)

 

  1. Họa bài Mộ Điểu

           Cánh Vạc Chiều

Rụng chiều rải nắng vàng mơ

Sóng dờn dợn sóng khói mờ mờ phai

Lặng lờ cánh vạc mồ côi

Thời không tĩnh lặng bóng đôi với chùa

 

Giật mình chuông động ngàn xưa

Nhân sinh bể khổ mây đưa lưng trời

Trầm luân hiện kiếp người ơi

Sinh ly tử biệt

Biết rồi kiếp sau?

(Nguyên Lạc)

 

  1. Họa hai câu thơ bài Vô Đề 1

 

Trăm Năm

Quê người nửa kiếp phù sinh

Trăm năm biết nắm xương mình gởi đâu? (Hạt Cát)*

.

Hợp tan đời đó bể dâu

“Phù sinh bào ảnh giọt sầu sương tan”

Lời kinh Không Sắc thế gian

Thôi thì phần mộ chẳng màng trăm năm!

.

Bụi tro theo gió mây ngàn

Trùng khơi sóng biển quê hương trôi về

Biệt ly chẳng vẹn câu thề

Quê ơi. xin nhận bụi mê hồn này!

………

* Bán sinh hành lữ đoản/ Hà xứ ngã chung khâu? – Vô Đề 1

 

***

Và nhiều, nhiều nữa những câu thơ mượt mà, sâu lắng … Xin trân trọng giới thiệu tập thơ đến các bạn, hãy tìm và thưởng thức.

Nếu muốn đọc toàn tập thơ Bạch Vân Vô Sở Trú (Mây Trắng Thong Dong) hãy vào trang nhà Online của tác giả ở địa chỉ: Hatcat.net

 

Nguyên Lạc

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search