T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Giấc Mộng Nghìn Năm

da

Đá – Tranh: Mai Tâm

Dẫn nhập:

Trong cái tâm thái mây ở đầu ô, mây lang thang cuối núi qua biên cương mồ viễn xứ của người đi mở cõi…10 năm trước, thiên cổ chi mê tôi có bài viết thuộc dạng thiên hôn địa ấm, hiểu nôm là mù mịt, rối rắm. Bài phiếm sử có tên Giấc mộng nghìn năm.

Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời nam thương nhớ đất Thăng Long

(Huỳnh Văn Nghệ)

Chuyện tiền nhân đi mở cõi không thể tránh khỏi tên bay đạn lạc với người Chàm. Như chuyện Miền Viễn Tây, những người đi tìm vùng đất mới súng đạn, cung tên với người da đỏ. Sử ta hay sử Chàm không ngoài chuyện đánh nhau, gả bán (ba lần), rồi lại đánh nhau tiếp. Với nắng trưa mưa tối, thiên cổ chi mê tôi quắn quả được câu nói của Fustel de Coulanges: “Sự thật của lịch sử là gì? Sự thật của lịch sử là quả cầu tròn, mỗi người chỉ nhìn một phiá…”. Vì trong văn bài nhân vật chính nhìn trận chiến phia này thì thiên cổ chi mê tôi lại nhìn trận địa phía khác. Từ chuyện binh đao có những con số ngẫu nhiên trùng hợp để ngẫu hứng cho cho thiên cổ chi mê tôi vặn chữ véo câu. Nhưng thiên cổ chi mê tôi vừa viết vừa thấp thỏm vì…ít ai đọc sử Chàm.

Với ngẫu sự trên thì lẩn khuất ven Hồ Tây có đền thờ một nữ thần người Chàm. Đền có tên là “chùa” Bà Banh. Thần ban phúc cho người cầu cúng khi người này vừa cầm cây gậy bằng đà thọc vào hạ bộ của thần vừa thành kính lâm râm khấn. Bà Banh nghĩa là “phô phang”, người Việt gọi theo dân gian phồn thực là Lõ Lường hay…Đĩ Dàng. Sau có tên là Bà Đanh, vì “đanh” là cây gậy dùng cho việc cầu xin. Với bài viết trước kia, thiên cổ chi mê tôi ngụp lặn đến ngộp chữ mới tìm ra nghi vấn trong văn học: Chùa Bà Banh là…chùa Bà Đanh. May cũng nhờ ngụp lặn trong bể khổ với chữ nghĩa nên thiên cổ chi mê tôi mới tìm ra chân lý tuyệt đối của Aristotle: Người đọc sử Chàm…vắng như chùa bà Đanh. Vì vậy bài viết…viết rồi…rồi bỏ quên ở đâu đó.

Năm tháng đắp đổi, gặp buổi mây chiều gió sớm, thiên cổ chi mê bắt gặp bài viết có tựa đề: Núi xanh nay vẫn đó của một người viết nặng nợ với sử học. Ông cũng viết về tộc Chàm, một dạng sử ít người viết vì tác giả và tác phẩm đều có chung một dòng sinh mệnh: Vì người viết mai một dần theo sử phẩm với tín tại thư bất như vô thư. Nào khác gì các cụ ta xưa tìm về cội nguồn và quốc thổ ở vùng đất Giang Nam, ở đây có bộ tộc Lạc Việt nay đây mai đó nên các cụ chẳng biết tổ phụ và đất đai mình ở đâu. Sử Việt đã thế, sử Chàm cũng vậy, nên ít ai ôm rơm rặm bụng về một mảnh đất không còn nữa của người Chàm. Thêm nữa người viết sử Chàm không phải người Chàm mà thường là người Tây phương. Đảo qua địa dư chí từ nhà Lý đến nhà Nguyễn, gần như có thể nói Chiêm Thành không có tên trên đồ chí. Vì từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, Chiêm Thành hết là thuộc quốc của đế quốc Funan (Phù Nam), tiếp đến bị đế quốc Sri-Vijaya (Java-Sumatra) thống trị, rồi tới bị sát nhập vào Chân Lạp như một phiên quốc. Cuối cùng bị Đại Việt…xoá tên vĩnh viễn trên bản đồ.

Thêm thắt để rối ren thêm là địa danh khi Trà Bàn lúc…Chà Bàn. Tên gọi người Chàm còn rối rắm nữa vì không biết lúc nào là Chàm, khi nào là…Chăm. Để vua biết mặt chúa biết tên qua vương hiệu dài ngoẵng như Po Paramesvaravarman, hay Po Vijaya Sri Harivarmadeva, người đọc rối mù chẳng biết “Po” là vua ông hay vua bà?

Từ bài khảo sử: Núi xanh nay vẫn đó ở trên, thiên cổ chi mê tôi bòn mót được một số sử kiện mới, vì vậy bài phiếm sử này lại được tiếp nối theo câu nói của Theodor Mommsen: “Người viết sử có lẽ gần với nhà văn hơn là học giả”. Thế nên bài văn sử được viết theo thể loại “hiện thực giả hư cấu thật”. Bởi theo Socrates: “Sự kiện này ảnh hưởng đến sự kiện khác”, bởi có hiện thực giả mới có hư cấu thật như dưới đây…

(…)

Giấc mộng nghìn năm

Nhớ lại những năm đầu qua đây với nỗi sầu viễn xứ của người di tản buồn, năm thỉnh mười thoảng, thiên cổ chi mê hồi tưởng lại những ngày ở quê nhà nằm khểnh nhàn nhã đọc truyện Exodus của Leon Uris tả cuộc hành trình từ Cypress về Palestine lập quốc của người Do Thái. Để rồi ngẩn người không hiểu nổi, là lúc này mình cũng đang có mặt ở đây, để bỗng chốc thành một người Do Thái da vàng với những vu vơ hụt hẫng. Rồi ngày là lá tháng là mây, sau đấy là mong ngóng, đường mưa ướt đất sẽ có một ngày…qua đường không ai hay, lá vàng rơi trên giấy.

Mà tha hương ngộ cố tri bỗng dưng không đâu gặp người về tự nghìn năm…Một ngày như mọi ngày, khi trưa phơi nắng khi chiều tưới cây, nhởn nha ngồi đọc bài báo về truyện đất khách quê người, viết về giải đất đai núi rừng phía bắc Dakota, phía nam ngút ngàn với những đàn trâu rừng buffalo. Rồi tác giả dẫn dắt thiên cổ chi mê tôi tới thung lũng Little Big Horn nhòm ngó bức tượng Crazy Horse. Ông là một chiến tướng da đỏ bộ lạc Lakota đánh nhau với quân của tướng George Armstrong Custer vào năm 1875. Trận chiến sinh tử này để chặn làn sóng di dân của người da trắng đang tiến về miền Viễn Tây. Đòan quân lọt vào ổ phục kích của Crazy Horse và bị tiêu diệt hòan tòan, cả một Trung đòan 7 Kỵ binh không một ai sống sót. Thế nhưng, chiến thắng của Crazy Horse cũng đánh dấu ngày suy tàn của sắc dân da đỏ, vì quy luật tất yếu của lịch sử là mỗi khi hai nền văn minh khác biệt va chạm nhau thì bất cứ phía nào có nền văn hóa cao hơn sẽ thắng.

Với những người da đỏ, những cư dân đầu tiên của nước Mỹ ngày nay đã đến Châu Mỹ vào thời gian nào? Các nhà khảo cổ tìm thấy cuối kỷ nguyên Pleitoxen tức là cả chục ngàn năm trước Công nguyên đã có dấu tích của cụ tổ người da đỏ là người Châu Á. Căn cứ trên các di chỉ cổ vật khai quật được ở Bắc Mỹ, các nhà khoa học cho biết, cách nay 25.000 năm chắc chắn có người Châu Á sinh sống ở đây với những sắc tộc du mục khác như Lakota, Hauden Sauno, Dineh, Ojibnay. Riêng bộ lạc Lakota của Crazy Horse thuộc gốc dân du mục Arikara từ Á Châu vượt eo biển Behring cách đây 20.000 năm và lập cư ở vùng rừng núi này ở phía bắc. Thế kỷ 17 bộ lạc Lakota mua được ngựa của người Tây Ban Nha nên tiêu diệt những nhóm dân du mục khác như Arapacho, Cheyenne, Sioux để làm chủ những vùng đất về phía nam.

Tướng George Armstrong Custer tử trận năm 1875 vì kế nghi binh của Crazy Horse. Lịch sử là những trùng hợp vì đúng 500 trước, năm 1375: Chế Bồng Nga vào cướp Hóa Châu, vua Trần Duệ Tông tự làm tướng thân chinh đi đánh cũng bị kế nghi binh của Chế Bồng Nga. Ngẫu sự hơn nữa qua người da đỏ với người Chàm: Cả hai sắc dân đều cởi trần, cưỡi ngựa và hút thuốc với cái dọc tẩu, như…cái điếu cày.

clip_image006_thumb.jpg

Chế Bồng Nga

clip_image008_thumb.jpg

Crazy Horse

Mặc dù thiên cổ chi mê có những giẹo giọ vậy, nhưng không quên búi bấn đến khuôn mặt tượng Crazy Horse giống Chế Bồng Nga ở cái mũi và không có… râu (người Chàm mắt sâu, mũi thẳng và cao, tóc đen và xoăn). Thì thiếp đi lúc nào không hay và giật mình thót người khi thấy một người cụt đầu lù lù đứng ngay trước mặt. Rồi lẳng lạng kéo ghế ngồi, tự nhiên như nhà của ông ta vậy…Hóng mắt nhìn kỹ hơn, tay cầm cái dọc tẩu thuốc, cằm không có râu thật. Hơ! Đang ngờ ngợ nghi nghi ông ta là Crazy Horse ở thung lũng Little Big Horn thì thiên cổ chi mê chóang người muốn nhẩy nhổm lên, khi nghe giọng nói khè khè phát ra từ cái cổ họng cụt ngủn:

– Ta là…Chế Bồng Nga.

Dù chập chờn giữa mộng và thực nhưng thiên cổ tôi không quên chuyện…

Năm 1371 Chế Bồng Nga kéo quân vào kinh đô Thăng Long của nhà Trần nằm bên bờ sông Hồng. Đúng 500 năm sau, năm 1871 Crasy Horse bao vây thị trấn Ft Pierre bên bờ sông Missouri, sau này cũng là thủ phủ của Dakota.

Đang miên man những trùng hợp ngẫu nhiên này nọ, bỗng ”lão”… Thực tình mà nói tuổi tác giữa chủ và khách cách biệt cả mấy trăm năm, lại không biết mặt mũi thần tướng, thần khí ra sao. Thế nên thiên cổ chi mê tôi trộm gọi là ” lão” cho tiện xưng hô vậy thôi. Lão chỉ vào bài phiếm sử Giấc mộng nghìn năm và gợi chuyên:

– Nhà ngươi đang bặt thiệp gian nan với u mặc của sử thi, trong dạ trăm mối u sầu vương vấn. Giải cấu vong niên, cửu trùng tri ngộ nên Ta muốn giải bày đôi điều…

Thiên cổ chi mê tôi đang đần đù với mớ chữ nào là “bặt thiệp” với “u mặc” thì lão cầm cái dọc tẩu, vừa vân vê viên bi thuốc, vừa chậm rãi:

– Gia dĩ ngươi nghe chuyện xưa rồi biện chứng qua chuyện nay cũng đặng lắm ru.

Cắm cái dọc tẩu nhét vào cổ họng đã đóng sẹo sần sùi, mồi lửa bằng hai hòn đá với nhúm rơm, lão rít một hơi, phà khói mờ mịt rồi lững lờ tiếp:

– Nhưng rồi ra sẽ rõ, chuyện đất nước ngươi đâu có khác gì vương quốc ta.

Xuôi dòng lịch sử, lão đã cất giọng ồ ề…

Vương quốc ta từng tồn tại liên tục từ năm 192 TCN (nhà Hán, thế kỷ thứ 2) đến năm 1832. Cương vực lúc mở rộng từ dãy núi Hoành Sơn xuống phía nam. Từ biển đông cho đến tận miền núi phía tây của nước Cao Mên ngày nay gồm Kontum, Pleiku.

Như bài văn nhà ngươi viết kia: Thế kỷ 17 bộ lạc Lakota mua được ngựa của người Tây Ban Nha nên tiêu diệt những nhóm dân du mục khác như Arapacho, Cheyenne, Sioux để làm chủ vùng đất về phía nam. Cũng vậy, tộc Chàm ta xưa kia có lúc trở nên hùng mạnh, nhờ mua được ngựa của người Trung Hoa ở đảo Hải Nam nên đất đai của tộc Chàm trải rộng từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Khi ấy lãnh thổ của Chiêm Thành ta lớn hơn Đại Việt của ngươi nhiều. Bởi Đại Việt ngươi chỉ giới hạn từ đồng bằng sông Hồng đến Thanh Hoá là…hết đất.

Trong cái đầu đất thiên cổ chi mê tôi ngẫm ngợi mảnh đất của lão cụt đầu này có họ dừa và họ cau vốn kình địch nhau, nếu như họ hợp nhất thì đúng như lão ấy gọ gạy thật. Cái đầu đất thiên cổ chi mê tôi lại mượn cớ đầo xới theo truyền thuyết dòng dừa phía bắc vì ảnh hưởng Tàu họ thờ Buddha, Siva và các vị thần Ấn Độ khác. Một vị vua khi chết (như Chế Bồng Nga) được dân Chàm tạc tượng thờ như Phật. Về bộ tộc cau phía nam, cũng theo truyền thuyết, trong cung đình có một cây cau trổ một buồng thật lớn. Đến ngày trổ hoa, buồng cau không nở, vua lấy gươm chẻ mo cau ra thấy một em bé. Vua nhận làm hoàng tử, nhưng hoàng tử không chịu bú sữa người thường mà chỉ bú sữa bò. Sau làm vua. Vua bắt người Chàm ở phía nam…thờ bò.

Mặc thiên cổ chi mê tôi hết trèo cau đến trèo dưa, lão cụt đầu vẫn trên đường cô lý…cô lý xa xôi tìm về nguồn cội của mình…

Gốc tổ của tộc Chàm ta là giặc bể từ các hải đảo Mã Lai, Nam Dương tràn lên bến bờ miền trung từ nhiều thế kỷ trước. Và giao tiếp với người mọi Kiratas, những người mọi (Pháp gọi là mọi) này không chịu được tộc Chàm ta chế ngự nên bị dồn lên dẫy núi Trường Sơn, sau này được gọi là người Thượng hay…người dân tộc của ngươi.

Hơ! Lý sự này Dr Chu dựa vào di truyền học DNA chứng minh được con người cận đại (sapiens) từ Đông Phi Châu, khoảng 150.000 năm trước, họ đã đi vòng từ phía nam và tụ lại những quần đảo giữa Nam Dương và Úc. Khoảng 90.000 năm họ đi lên vùng Đông Nam Á. Họ tụ ở đây 40.000, rồi tách làm hai ngược lên miền bắc lập nên nước Trung Hoa. Trong đó có ba bốn nhóm khác vượt eo biển Behring đến Mỹ Châu.

Những sắc dân ở quần đảo giữa Nam Dương và New Guinea được gọi là người Nam Đảo (Austronesian) nói ngôn ngữ của ngữ hệ Nam Đảo. Otto Dempwolff là nhà nghiên cứu đầu tiên đã khảo sát một cách rộng rãi ngữ hệ Nam Đảo bằng cách sử dụng phương pháp so sánh. Từ đó, học giả người Đức khác là Wilhelm Schmidt đã tìm ra ở Việt Nam, thuộc ngữ hệ Nam Đảo có 5 sắc tộc: Chàm, Giarai, Êđê, Raglai và Churu sinh sống ở Tây Nguyên và miền núi các tỉnh từ Phú Yên vào Bình Thuận.

Bà Silvia Gonzaler nghiên cứu một số xương sọ cổ đại tìm thấy ở tiểu bang Dakota hình dáng ngắn và tròn khác với các xương sọ dài và hẹp của người da đỏ ở tiểu bang Washington. Xương sọ người da đỏ ở Dakota giống với xương của người Nam Á (Đông Nam Á) hơn là người Bắc Á (bắc Mongoloid) như những giả thuyết trước đó. Họ nhập cư qua ngả Behring, trước cả những thổ dân da đỏ Kennewick.

Thiên cổ chi mê tôi…mê muội dám người Chàm gốc từ sắc dân Arikara với người da đỏ Lakota lắm ạ. Chưa kịp tuếch toác, lão cụt đầu đã gióng giả…

Vương quốc ta thái hết thì đến bỉ, suy tán lắm do thịnh mãn nhiều. Thời cực thịnh tộc Chàm ta đã đánh bại Chân Lạp thuộc đế quốc Phù Nam. Đế quốc này bao gồm Thái Lan, Chân Lạp và Thủy Chân Lạp kéo dài xuống tiểu quốc Malaixia, Mã Lai. Vì Chân Lạp là thuộc quốc của Phù Nam, nên Paul Pelliot, P. Dupont cho rằng kinh đô Phù Nam có thể là Angkor Wat do hiện vật khảo cổ có niên đại của Phù Nam.

  clip_image012_thumb.jpg

Phù điêu thế kỷ 12 ở đền Bayon (Angkor)

Thủy binh Chàm tấn công Chân Lạp.

Văn hoá Phù Nam (Funan) vươn dài tới đế quốc Abbassid ở Baghdad và vịnh Bengan, Ấn Độ. Thế kỷ thứ 5, Ấn Độ nắm quyền cai trị Phù Nam. Phù Nam lập triều đình lưu vong tại Óc Eo, Thế kỷ thứ 6, Chân Lạp đánh chiếm Óc Eo và đặt tên cả vùng đồng bằng Cửu Long của ngươi là Thủy Chân Lạp. Chiêm đế ta đánh Thủy Chân Lạp rồi đánh luôn Chân Lạp. Sau vua Chân Lạp (người đã xây dựng Angkor Wat) mang quân đánh lại tàn phá kinh đô Đồng Dương của dòng dừa. Tiên đế ta (cùng thời Lý Cao Tông) thuộc dòng cau kinh đô ở thành Trà Bàn, tiến công đánh Chân Lạp trả thù bằng cách tàn phá Angkor Wat.

Chuyện lão chui vào tai lọt ra miệng, thiên cổ chi mê tôi buột miệng rằng đọc ở đâu đó người Java đã tiêu diệt đế quốc Phù Nam. Thế là được thể lão hặm hụi…

Thế kỷ thứ 6 do sự hùng mạnh của đế quốc Sri-Vijaya ở Java và Sumatra, đế quốc này đã khống chế đường hàng hải ở vùng Đông Nam Á từ thế kỷ thứ 6 đến 13. Vì vậy Hồi giao ảnh hưởng sâu đậm tộc Chàm ta từ đế quốc này. Trong khi tộc Chàm ta theo Ấn Độ giáo từ đế quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ nhất cho đến thế kỷ thứ 6. Vì vậy tộc Chàm ta mới có tiếng Phạn. Vào giửa thế kỷ thứ 6, đế quốc Phù Nam bị Chân Lạp đánh bại. Các kiến trúc tháp Chàm theo Ấn giáo chỉ mới được dựng lên vào giữa thế kỷ thứ 8 sau khi đế quốc Phù Nam sụp đổ. Đế quốc Sri-Vijaya (Java và Sumatra) cai trị Thủy Chân Lạp hai thế kỷ. Khi đế quốc Sri-Vijaya bắt đầu suy, tiên đế ta thiên đô về Trà Bàn (Đồ Bàn). Vì bị ảnh hưởng hai nền văn hoá, nên hai phần ba tộc Chàm ta theo Ấn Độ giáo, còn một phần ba theo Hồi giáo. Vì Hồi giáo chỉ bắt đầu xâm nhập vào vương quốc ta từ sau thế kỷ thứ 10 từ người Java ở Nam Dương.

Rồi lão thủng thẳng, thủng thỉnh ngược dòng lịch sử với bia ký…

Thời Đường gọi vương quốc ta là Hồ Tôn (Tinh), năm 800 TCN, họ mang quân xâm lấn vương quốc ta và gọi là Chiêm Thành. Tiên đế ta lui binh, khi đi về mé bắc, nhận ra một dãy cao phong, chỏm núi trùng điệp, ẩn ẩn hiện hiện trong mây trắng, bên đường đi mấy ngọn núi mọc tách ra để lộ những hang hốc nhỏ. Đến vùng đất thấy nhiều cổ thụ xanh um, một cung đất dâm mát, cảnh thật đáng yêu, vì vậy tiên đế ta chọn đất này làm kinh đô. Như bia ký năm 757 (nhà Đường, thế kỷ thứ 8) viết rằng tiên đế ta dựng nước, kinh đô là Đồng Dương (1) thuộc đất Quảng Nam (2).

Đến niên kỷ thứ 9, vì Quảng Nam gần với đất Việt, vì chuyện binh đao nên phải rời đô. Tiên đế ta đi tìm đất, một ngày xuân sáng dịu, hoa cỏ đua tươi, thấy vài ba cây trổ hoa mùi hương lạ. Tiên đế ta trèo lên núi, đưa mắt ngắm khói mây, biết bao hứng thú qua ánh mặt trời chiếu xiên ngang, nhìn thấy sông Côn như sông Thu Bồn, sông Trường Giang ở đất xưa. Tiên đế ta lấy quốc hiệu là Campura, tiếng Phạn cổ “pura” là “thành” nghĩa là đất nước của người Campa (3), và đặt kinh đô ở thành Trà Bàn (4) ở Bình Định. Campa là cây hoa đại hay cây bông sứ có hoa thoảng mùi hương lạ.

Tiếp đến, giọng lão đều đều như chiêu hồn quá khứ:

Nhà Tiền Lê, Lê Đại Hành là vị vua đầu tiên xuất chinh mang quân xâm lấn vương quốc ta. Chuyện là vua ngươi lên ngôi sai sứ sang giao hảo ba lần đều bị tiên đế ta bắt giam sứ nên manh quân đánh báo thù. Khi về ngang qua Quảng Bình, vua ngươi để lại một số lính thú trà trộn với tộc Chàm ta để dùng làm hậu binh về sau này.

Lý Thái Tông tấn công vào kinh đô chém đầu tiên đế Sạ Đẩu ta, giết 5.000 tù binh, xác chất thành núi, máu chẩy thành sông. Đến nỗi vua ngươi phải hạ lệnh rằng kẻ nào giết bậy người Chiêm sẽ bị chém, không tha. Từ năm 1054 đến năm 1072, Lý Thánh Tông mượn cớ Chiêm đế Chế Củ ta (5) quấy nhiễu miền đất ven bể, vua ngươi là người cơ công, thường kính nhường kẻ sĩ trong thiên hạ, nên được Lý Thường Kiệt hộ giá mang chiến thuyền thành Trà Bàn đốt phá hơn 2.500 gia cư và quan thổ ở đây.

Hơ! Đụng niên đại 1054, khi không lại lay lắt tới một bài viểt cũ của thiên cổ chi mê tôi về một ngày năm 1954 xuôi Nam theo những bước chim di của chúa Tiên:

(…) Qua đồng chiều cuống rạ, tôi mang con cu đất vào bài văn khảo. Từ như cánh hạc bay trong cái đĩa Mai Hạc của cụ Nguyễn Du qua mấy cành mai thuộc thành Đồ Bàn xa xưa. Rồi chúa Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi về phương nam: Cây mai đi đến đâu, dân tộc Chàm mất đất đến đó. Chơ vơ còn lại là những tháp Chàm, qua những lớp sóng phế hưng, văng vẳng cùng tiếng chim cuốc khắc khỏai cùng một cõi đi về với bà Huyện Thanh Quan. Với lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng, là người viễn xứ u hòai vọng cố hương trong những ngày cuối năm, hình ảnh ngày nào còn đang ẩn khuất. Năm 54 xuôi Nam theo những bước chim di của chúa Tiên, tôi chỉ mang theo hoa đào năm ấy còn cười gió đông qua tâm tưởng. 75 khăn gói gió đưa qua đây, khi không hóa thân là người vong quốc như người Chàm lúc nào không hay. (…)

Với ngày tháng đắp đổi, lão cũng khăn gói gió đưa với chữ nghĩa…

Năm 1068 Chiêm đế ta mang vợ con chạy đến trấn Phan Thiết bị tướng Lý Thường Kiệt bắt cùng với năm vạn binh mã. Ngươi là kẻ sơ cuồng chốn sơn lâm cây cối um tùm, nhởn nhơ nơi núi hang cùng chim kêu hoa nở, quen thói gió thỏang hương đưa nên chẳng hay chuyện thế sự. Vì sinh linh của tộc Chàm nên Chiêm đế ta phải cắt đất Quảng Bình và Quảng Trị, cái thế tất phải vậy, làm vương làm tướng lặn lội trong bể họan, phải gánh chịu cái nguy cơ nổi chìm. Biên trấn Lý triều ngừng lại ở đất Quảng Trị, di dân Hà Tĩnh, Nghệ An vào lập lên thôn ấp họ tộc trà trộn với tộc Chàm ta ở đây để tạo thành nhóm người miền Trung sau này.

Ừ mà cũng hay, chạm tới niên kỷ 1068 lặn lội trong bể họan, trong trí nhớ mù sương của thiên cổ chi mê tôi lại lãng đãng như sương khói về trận Mậu Thân 1968…

(….) Đoàn người đông vô kể, bồng bế, gồng gánh, khuân vác, đi như chạy. Chập chập súng nổ từng tràng lớn. Tiếng súng lớn súng nhỏ lẫn lộn. Mỗi chập như vậy, mọi người co rúm lại, ngồi thụp xuống. Sau tiếng nổ lớn, là những tiếng hô hoán: Hoả tiễn 122 ly rớt trúng rạp Văn Hoa cháy rồi. Cháy ở Đa Kao. Việt Cộng đột kích trại Hoàng Hoa Thám. Trực thăng bay vần vũ về phía Thị Nghè. Một người nói đi theo hướng trực thăng bên mình. Người khác chửi đang đánh ở Thị Nghè, đi về hướng đó cho chết hả. Súng nổ chát chúa. Đám đông lại rú lên nhốn nháo. Tôi bấu cứng lấy u vì sợ. Đột ngột từ đầu đoàn chạy loạn phát lên tiếng kêu mừng rỡ: Lính Cộng Hoà! Lính Cộng Hoà!

Những người lính Biệt Động Quân đội mũ sắt vẽ hình đầu cọp vàng bước hàng một từ hướng nghĩa địa Mạc Đỉnh Chi tiến xuống. Một đại uý đi đầu không ngớt khua tay: Đồng bào yên tâm, đồng bào yên tâm, Việt Cộng đã bị đánh bật ra khỏi quận nhất. Tiểu đoàn chúng tôi xuống tăng cường quận Phú Nhuận. Đồng bào cứ tiến về phía trước, tiếp tục tiến về phía trước. Đừng chen lấn. Chính quyền quốc gia sẽ đánh bật Cộng Sản ra khỏi Sàigòn…Một người lính Biệt Động Quân trèo lên cột đèn tháo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam xuống. Mọi người mừng quá đến chảy nước mắt. (…)

Trầm ngâm một chút, lão nao nuốt tiếp…

Sang tới thời Trần ngươi, giang sơn cẩm tú của Chiêm đế Chế Mân ta (6) trải dài lên tận cao nguyên Darlac và Langbian, giao hảo với Trần triều như bát nước đầy. Cựu vua ngươi là Trần Nhân Tông xuống tóc, mây đơn hạc nội, ngao du sơn thủy, đi thăm thú các nước lân bang và được Chế đế ta tiếp đãi rất nồng hậu. Vua ngươi văn kiến súc tích, uẩn khúc kinh luân bốn bể nghe danh, gặp Chiêm đế ta cũng là người đồ thư nửa gánh gươm đàn một bao nên rất tương đắc. Cả hai như tiên thánh tiên hiền ca xướng náo nhiệt nhiều phen, nửa vách đèn tàn, luận cổ đàm kim, đối xử nhau sớm đào tối mận. Một đêm kia trăng chiếu vào hiên, trúc thưa gió lọt, tiết trời êm dịu, hình bóng u nhã, móc đọng trên hoa, hương bay nhè nhẹ, cựu vua ngươi hàm súc, tức cảnh si tình bèn hứa gả công nương Huyền Trân. Chế đế ta thuận tặng cho Trần triều đất Quảng Trị, Thưà Thiên. Điều đó chẳng lầm lạc lắm ru, nay hối thì quá muộn. Công nương lên làm hòang hậu được một năm thì Chế đế ta băng hà. Theo tục tộc Chàm ta, quân vương mất hòang hậu phải tự thiêu để đi theo hầu hạ cơm nước. Trần triều sợ công nương bị hại nên sai Trần Khắc Chung sang điếu tang và cướp hòang hậu và hoàng tử Đa Đa rong chơi trên thuyền cả năm. Dật sử ngươi viết như thế đấy.

Giọng lão cụt đầu trầm hẳn xuống và eo óc…

Sử gia ngươi chỉ viết Huyền Trân lấy tiên đế ta để được đất. Họ quên rằng ngay từ thời Lý triều, Chiêm đế ta gả công chúa cho Lý Anh Tông, vua nức lòng nhận. Nhân dịp này cao nguyên Darlac được sát nhập vào Chiêm quốc ta, tộc Chàm ta xây đền đài chung quanh Ban Mê Thuột, Peiku, Kontum. Tiếp đến phía nam, đại quân ta đánh đuổi người Thượng sắc dân Jarai, lập nên vùng đất mới Blao sau này.

Vào thời Trần ngươi, phụ vương ta không phải người trong hòang tộc mà từ hàng tướng lãnh lên. Phụ vương ta có nét mặt đồng nhan, nghiễm nhiên như tùng bách dạn sương, thuở nhỏ theo cử nghiệp nhưng không có điều sở đắc, sau theo tiên đế ta đi đánh giặc có công nên mới tiến thủ trên đường võ bị, thăng tới tạo sĩ rồi xưng đế. Phụ vương ta lập kiến ra lịch triều mới, thổ địa trải rộng tới Chân Lạp. Nhưng vì binh đao với cả ba nước Đại Việt, Chân Lạp và nhà Nguyên nên…

Hơ! Nghe lạ vì theo lịch sử Chiêm Thành, người dân không được làm vua ngoài hai dòng họ dừa và cau. Đành phải hỏi thôi. Cầm cái dọc tẩu, lão râm ran…

Tộc Chàm ta có dòng dừa với quyền nối ngôi vương theo họ cha, dòng cau quyền thừa kế theo họ mẹ. Mỗi thị tộc có một vật tổ và lấy vật tổ ra gọi tên hiệu hay đặt tên đất đai, những tên này lại theo những địa danh có sẵn bên Ấn Độ. Như miền nam dòng cau-Panduranga để có Pan Rang (Phan Rang), Pan Thiết (Phan Thiết). Vương dòng này thường là nữ vương như Bà Thiên Y, Bà Đen…

Trong cái đầu đậu phụ thiên cổ chi mê tôi sũng nước với: Chế Bồng Nga là đàn ông hay đàn bà? Vì các nữ vương Chàm có chữ đầu là “Po”: Như nữ vương Po Shanu (Bà Châu Rế), nữ vương Po Sah (Bà Tranh). Lão họ Chế tên: Po Binasor, Po Bhinethuor. Lão lại cụt đâu nên không biết là bà hay ông. Thế là lại phải hỏi nữa:

– Tiên sinh là đàn ông hay…đàn bà?

Mồi thuốc thuốc xong, “tiên sinh” củng quẳng:

– Đàn bà sao gọi là…vua.

Thế là thiên cổ chi mê tôi ngọng trông thấy (“Po” tiếng Chàm là “trưởng”, tiếng Việt lúc gọi là thần, vua, hay nữ vương). “Vua” trở lại với nhà Nguyên, và rề rà…

Thời Trần ngươi, phụ vương ta gửi 4 phái bộ sang Đại Việt để thương thảo chống lại nhà Nguyên nhưng không được đáp ứng, vì vậy Toa Đô mới thống trị vương quốc ta. Nhưng Đại hãn Mông cổ ở vùng thảo nguyên rộng rãi đem quân đánh xuống phương nam không còn ưu thế của kỵ binh, hoàn toàn bất lợi ở núi non rừng rậm, muỗi mòng, bệnh tật. Nhà Nguyên đặt trọng tâm vào Miến Điện nước lớn nhất, Chân Lạp, và vương quốc ta để kéo quân xuống Ấn Độ. Nếu nhà Nguyên chinh phục vương quốc ta và các nước khác thì lúc đó Đại Việt bị bao vây tứ phía, không đánh cũng tan. Vậy mà sử gia ngươi đề cao những chiến thắng của nhà Trần, chớ quên rằng những chiến thắng ấy nhờ nhà Nguyên thất bại không chiếm được vương quốc ta đấy thôi.

Mồi lửa, làm một hơi, nhả khói xong, lão giọng vạy vọ thấy rõ…

Ta sống nhọc nhằn trong kinh, lăn lộn trong phồn hoa đất đô hội, Ta thầm nghĩ: Trải bao năm nay, một trường danh lợi phó dòng nước xuôi, chỉ vui chơi cảnh suối rừng, lấy cái nhàn làm đắc sách, không thiết tha với danh lợi mà cái thân lại vướng mắc vào danh lợi. Sự thể ngày nay là giận mình chẳng vào ở sâu thêm trong núi. Tuy nhiên vì phụ thân ta có tài như Cơ công, thường kính nhường hậu đãi kẻ sĩ trong thiên hạ, huống hồ đối với ta? Vì thế khi phụ vương băng hà, Ta đành lên làm…vua.

Ta lên ngôi vua, không phụ tình hoa cỏ chốn xưa nên lấy đế hiệu là Chế Bồng Nga (7), là “Bông hoa ánh sáng của người Champa”. Đúng một năm sau, vì muốn đòi lại đất, gặp đúng dịp nhà Hậu Trần đang thời sa sút…Ta mang đại quân ra thăng Long

Lần thứ nhất qua quân ta theo đường biển kéo rốc vào Thăng Long. Tượng binh ta cứ nhắm cửa thành mà xông tới, Ta thấy thổ thành không cao lắm, kế bên có dẫy tường nhỏ, trên mặt tường ngựa đi được, phía ngòai là hàng rào tre dầy đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Thế nhưng Trần Nghệ Tông đã bỏ thành, đi thuyền qua sông Đông Ngàn để lánh nạn từ lâu. Vậy mà dật sử ngươi viết đại quân ta vào Thăng Long cướp châu báu, bắt cung nữ, đốt sạch cung điện, Thăng Long cháy cả tháng ròng, quả đà sai lạc lắm ru, bất tất nói làm gì.

Lần thứ hai Trần Duệ Tông lên ngôi, xuống chiếu thân chinh. Ta thực tình không hiểu nổi vua ngươi thế nào, theo tà ma đạo giáo, trước khi xuất chinh đi chầu bà bóng, lúc này thần linh vừa giáng phụ vào đồng nữ, đầu lắc lư: “Thánh mẫu linh hiển báo ứng không sai rằng quẻ nguyên thủ, đó là vua sáng tôi hiền, Chu tước ở giữa, bạch hổ ở cuối, Quả nhân gặp bản mệnh, dịch mã ứng với hành niên. Ba lần truyền đều có nhật can thời chi lục hợp, ứng với dời chỗ đi xa, xuất hành xuất quân, cát hung lành ít dữ nhiều, cẩn thận củi lửa”. Lại nữa, giữa đường gặp đám tang đi qua, vì kiêng cử nên vua ngươi phạt họ 30 quan tiền. Tin vào chuyện…“củi lửa”, binh lính phải căn cơ bếp núc, chỉ lót dạ một bữa. Sau đó vua ngươi mặc áo đen, cưỡi ngựa mốc, đêm tối tắt đuốc ngậm tăm, quan quân nối gót nhau như xâu cá mà đi…đi thẳng vào trại doanh ta. Thế là vua ngươi chết tốt. Thừa dịp Ta kéo quân như thế chẻ tre, tiến đánh Thăng Long, vua gì đó phải dấu của cải, tiền đồng ở núi Thiên Kiện, nhưng đại quân ta cũng chiếm giữ được từ Quảng Bình cho đến Nghệ An, đất đai thu về một mối.

Lần thứ ba, lại vừa khi Trần Phế Đế lên ngôi, Ta lại tiến đánh chiếm Thăng Long, Cảnh cũ vẫn vậy vì Ta có đốt phá Thăng Long hồi nào đâu! Phật điện, đình đài, quan xá, quân cư nhất nhất còn hình dạng thuở xưa. Người qua kẻ lại như nêm, ngựa xe rộn ràng. Ô Quan Chưởng có bức tường gấm có cửa thông ra con đường thẳng. Trong thành cung điện rộng, nhà cao, nhà chơi mát thống thoáng, Hoa lạ đua nở, nụ tầm xuân xanh biếc bên nơi thềm đá trắng. Ta du ngoạn giờ lâu, than rằng: “Quả thật là tiếng đồn không sai, đất thần tiên cũng không hơn được vậy! Cho nên tao nhân mặc khách say mê cái khí vị của chốn Thăng Long ngàn năm văn vật từ lâu là vì thế”.

Ta du ngoạn ra Tây Hồ, màu trời sắc nước long lanh trên mặt hồ, có đám chim sâm cầm bay nhảy nơi góc bến. Nơi Ly cung, thụ sắc âm u hoặc ẩn hoặc hiện, trong vùng là một dãy lâu đài, hoa cỏ tốt tươi phô lục khoe hồng. Gác chuông chùa Trận Quốc nọ, tiếng vang như giục mặt trời lặn tiễn bóng chiều tà. Ta ở trong thuyền, khoái ý khôn xiết, bỗng thấy ở đằng xa một nơi điện các nguy nga, tùng bách rợp đất. Đến đây thầy mới thầm phục vua Quang Trung ngươi sau này khi có mặt ở Bắc Hà. Có một ông tiến sĩ họ Đỗ, để lấy lòng vua mới, xin đổi hồ ra tên khác, ngài trả lời:

“…Tây Hồ là thắng cảnh của người Thăng Long, người Thăng Long vẫn yêu mến và lưu luyến với Tây Hồ, lẽ nào nay vì trẫm lại đổi tên hồ đươc. Khách Tây Sơn, cảnh Tây Hồ, cũng là duyên kỳ ngộ, cảnh chẳng phụ người, làm sao người phụ cảnh…”.

Cũng là…duyên kỳ ngộ gặp Trần Khát Chân. Ta làm ma không đầu vì tên tiểu tướng đây, vua ngươi phong y thị àm tướng đi đánh ta, y thị khóc lóc lạy từ giã, vua ngươi cũng gạt lệ tiễn đưa, cứ như thái tử Đan tống tiễn Kinh Kha sang Tần không bằng…Trong Khi Ta đang nghe xa xa vẳng tiếng chuông chùa, mờ mờ sương phủ lùm cổ thụ. Mấy nơi đèn chài lạnh lẽo rọi sáng, hai con bói cá sóng đôi nghỉ ngơi. Tục Chàm ta, đi chinh chiến gặp chim bói cá là sui, mà sui thật vì nội phản phía bên quan quân ta. Trần Khát Chân dồn hỏa súng nhất tề nhả đạn xuyên suốt ván thuyền, Ta chẳng may bị tử thương. Y thị nhẫn tâm cắt đầu ta bỏ vào thùng trấu mang về. Canh ba trong đêm, binh lính ngươi chiến thắng về đến cửa ngọ môn, vua ngươi cứ ngỡ ta kéo quân ra Thăng Long lần nữa, hỏang hốt định xuống thuyền chạy…Vậy mà vua ngươi còn phán được câu: “Ta với Bồng Nga tương tri từ lâu, nay mới được thấy mặt, khác gì Hán Cao Tổ thấy Hạng Vũ. Thiên hạ yên rồi…”. Ôi! Ta không đành ngậm cười nơi chín suối, vì Ta chết về tay ai: Trần Khát Chân hay….Trần Khắc Chân đây?

Nhà ngươi có hay rằng Ta đã 12 lần ra Bắc nhưng Ta không bao giờ nghĩ đến việc xâm chiếm một mảnh đất nhỏ nào của Đại Việt ngươi. Đại quân ta di hành theo nhịp trống, chiêng, thành từng nhóm 5 người, nếu một người bỏ chạy thì cả năm người đều phải chết. Ngươi mụ sử cũng biết đấy, theo R.C. Majumdar, lính Tây Sơn trong trận Việt Thanh mà người Thanh miêu tả thì Quang Trung phải chăng học y hệt Ta điều quân. Ngoài ra Ta ra vào Thăng Long…như đi hóng mát thì Nguyễn Huệ cũng học ta, uy nghi thoắt ẩn, thoắt hiện ra Bắc vào Nam, đi không biết, về không hay.

Không ai hay như lần Nguyễn Huệ thoắt ra Bắc, Vũ Văn Nhậm nhìn thấy Nguyễn Huệ như…Từ Hải chết đứng! Như ngươi nhòm thấy…cái đầu cụt của Ta hồi nãy vậy!

Hốt nhiên lão cụt đầu gật gù…cái đầu:

– Ngươi có hay rằng khi vua Quang Trung ngươi qua chầu nhà Thanh. Y thị tâu với Càn Long y thị là người tộc Chàm của Ta chăng?

Hơ! Thiên cổ chi mê tôi đang ớ ra vi những điều cóc cáy này không hề hay biết,

đang định hỏi thì lão với tay cầm cái dọc tẩu và lẫm đẫm…

Trong sử ngươi có vua nào dùng voi như Quang Trung, như Ta chăng? Ngươi đâu có hay Ta đã biết dùng tượng binh từ lâu. Trên điêu tượng ở Angkor Wat có nhiều cảnh giao tranh giữa lính Chân Lap và quân Đại Chiêm ta, hai bên đều dùng voi xông trận. Odoric de Pordenone cho biết khi ông đến vương quốc ta thì vương ta đã có đến 14.000 thớt voi.

Ha! Lão ra vào Bắc tới 12 lần làm như đi Kẻ Chợ như…đi chợ ấy! Dám lão đọc sử Chàm qua…Wikipedia lắm ạ! Với chuyện binh đao, Chế Bồng Nga và Nguyễn Huệ đều có chỗ đứng trong lịch sử. Thêm sự tương đồng Chế Bồng Nga tiến ra Thăng Long “như đi chơi mát” 3 lần như Nguyễn Huệ ra Bắc vào Nam không ai hay.

Chế Bồng Nga ra Thăng Long:

1371, Trần Nghệ Tông phải chạy lên Bắc Ninh lánh nạn.

1377, Trần Duệ Tông chết, Chế Bồng Nga thừa thắng tiến vào Thăng Long.

1378, Trần Phế Đế…như phế đế vì phải trốn lên núi, Đại doãn kinh sư Lê Giốc

không chịu lạy Chế Bồng Nga nên bị giết chết.

Nguyễn Huệ ra Thăng Long:

Lần thứ nhất theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh.

Lần thứ hai bắt giết Vũ Văn Nhậm.

Lần thứ ba, Quang Trung xưng đế tiến quân đánh nhà Thanh.

Tiếp đến qua nhà Lê. lão leo heo với vận nước đến hồi mạt vận…

Năm 1472, Lê Thánh Tông mang quân phá hủy hoàn toàn kinh đô Đồ Bàn, Vương Trà Toàn (vua cuối cùng của Chiêm Thành) bị bắt sống và chết trên đường chở về Thăng Long. 60.000 quan binh ta bị giết và 30.000 bị bắt làm nô tỳ cho quân Đại Việt. Vua ngươi Việt hóa Chiêm tộc ta bằng cách chiêu mộ dân vào Bình Định, đa số là dân chài Nghệ An, tù nhân bị án lưu hình. Để vương quốc ta yếu đi, vua ngươi chia làm 3 nước: Chiêm Thành (Phan Rang), Hóa Anh (Phú Yên, Khánh Hòa), Nam Bàn (Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk). Đã thế vua ngươi sau này lại còn chia nước Nam Bàn làm hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá. Vì vậy tộc Chàm ta lần đầu tiên…”di tản” sang Chân Lạp (con số sinh sản tới thế kỷ 20 khoảng 270.000 người). Thời Lê, vương quốc ta chỉ còn lại một phần năm đất đai. Âu cái vận nước ta đã đến hồi mạt. Đúng là cái số!

Với giầy dép còn có số, làm như bị ám ảnh con số của năm 1472. Trong trí nhớ như sương khói, thiên cổ chi mê tôi lờ mờ như khói sương về Mùa hè đỏ lửa 72…

(…) Ngày 30-3-1972, 2 Sư đoàn 304 và 308 Bắc quân với hỗ trợ của các trung đoàn xe tăng và pháo binh đã vượt cầu Hiền Lương. Từ phía tây Quảng Trị, Sư đoàn 324B với xe tăng theo đường 9 từ Lào vượt qua Khe Sanh tiến vào thung lũng sông Thạch Hãn. Các trận pháo ác liệt của Bắc quânt gồm pháo tầm xa 122 ly, 130 ly, cùng hỏa tiễn địa không tầm nhiệt SA-7 Strela đã dẫn đến 11 căn cứ hỏa lực của quân đội miền Nam thất thủ (Khe Gió, Ái Tử…) Đại lộ kinh hoàng được đặt tên cho đoạn đường dài độ 9 km trên Quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá tới quận Hải Lăng nơi Nam quân rút chạy về hướng nam trong những ngày cuối tháng 4 năm 1972. Đoạn đường này nằm giữa các đụn cát trắng, không nhà cửa, cây cao và chỉ là các lùm cỏ bụi do vậy dễ dàng nằm trong tầm pháo 122 ly, 130 ly từ hướng Trường Sơn nã vào dòng người di tản. Ước tính có gần 2000 người bị chết chỉ thu gom được 1841 xác người không còn lành lặn trong trận pháo thảm sát trên Đại lộ kinh hoàng của Mùa hè đỏ lửa 72 này. (…)

Làm như có ngẫu cảm, lão đường xưa lối cũ về địa danh Quảng Trị…

Chúa Nguyễn Hòang ngươi vào trấn thủ Quảng Trị, mượn cớ Chiêm hậu Bà Tấm ta quấy phá Bình Định, nhà chúa kéo quân xuống miền nam. Đại quân ta ở cái thế lao dật đã rõ, chỉ sau đánh nhầu, từ tối đến sáng quân ta thua to. Từ đó nhà chúa chiếm cứ từ đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi, lập ra phủ Phú Yên (Tuy Hoà). Tiếp, chúa Nguyễn Phúc Tần kéo xuống Phan Rang lập thêm hai trấn Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Sau chúa Nguyễn Phúc Chu lấy cớ Chiêm hậu Bà Tranh ta không tiến cống, nên mang quân đánh, sát nhập Bình Thuận vào lãnh thổ mình. Ngôi có tôn ti lễ có cấp bậc, chúa ngươi há quên sao mà bắt Chiêm hậu ta về Phú Xuân bằng đường bộ, đường đá gồ ghề bặt thiệp gian nan, chẳng mảy may có tống nghênh, Việc đời biến cải, thời gian đổi đời, cảnh thu ly khiến tộc Chàm ta buồn đau khôn xiết, để rồi không ai hay số phận của Chiêm hậu sau luân lạc nơi nao, u mặc lắm thay. Theo ta thì Vương quốc ta chấm dứt vào thời Nguyễn Phúc Chu. Vì sau khi nhà chúa đưa Chiêm hậu Bà Tranh ta và 5.000 quan binh ra Bắc giam giữ làm tù binh. Vương quốc ta chỉ còn nửa mảnh đất hẻo phía nam của Thuận Thành trấn, chúa ngươi tập trung tộc Chàm ta lại (con số sinh sản tới thế kỷ 20 khoảng 140.000 người) và được “tự trị” ở đây, không cho giữ quan binh và binh khí nữa. Nhà chúa đồng hoá tộc Chiêm ta bằng cách đổi họ, mặc quần áo Việt và đặt “chúa” Trần Vương để giám sát và 2 quan Cai bạ và quan Ký lục trông coi sổ sách và thuế má nộp cho nhà chúa. Ta không biết ông “chúa” này là ai nhưng hai quan là người Việt, nên với Trần Vương ta ngờ là người họ Trần.

Tới chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp tục sách lược của Nguyễn Phúc Chu là tập trung tộc Chiêm ta ở đất cũ của vương quốc ta là Thủy Xá và Hỏa Xá trên vùng cao nguyên rừng sâu núi thẳm để ‘’cải cách’’ và ‘’tạo dựng’’ nơi ăn chố ở. Vì Thủy Xá và Hỏa Xá từ thời Lê bị bỏ hoang từ lâu, nên nhà chúa lập ‘‘lán‘’, cung cấp nồi niêu xong chảo, gạo rau một năm…hai lần. Lịch sử lập lại là thế đó, sau này miền Bắc cũng lấy trại binh, đồn lính của miền Nam ngươi lập trại “cải tạo” với “lán” đấy, thấy chưa.

Hơ! Lão cụt đầu ngờ rằng Trần Vương họ Trần, tức người Việt. Thiên cổ chi mê tôi quệch quạc với lão trong sử Chiêm Thành có ai làm vua là người Việt chưa? Lão lụng bụng là…là có một người Việt tên Lưu Kế Tông làm vua chỉ có ba năm (983-986). Chợt nhớ ở khúc trên, lão dẫn giải: Chiêm Thành kéo dài từ năm 192 đến năm 1832 là…chấm hết. Thế nhưng năm 1832 thuộc vào Minh Mạng thư 12. Bèn nắn no hỏi.

Lão không trả lời ngay mà chậm rãi, từ từ như ông Từ vào đền…

Ngươi không biết đấy thôi, vì ít ai để ý đến công lao của họ Hồ trong cuộc Nam tiến: Hồ Hán Thương đánh Chiêm Thành, vương ta là Ba Đích nộp đất Chiêu Động (Quảng Nam) và Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) cho họ Hồ. Như vậy theo dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang) vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, người Việt đã mở rộng lãnh thổ của mình xuống 3 phần 5 lãnh thổ của ta. Chính sách di dân của người Việt ngươi chỉ thật sự bắt đầu với họ Hồ. Vì trước đó Hồ Hán Thương đã cho làm con đường thiên lý từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, như thế đủ thấy về sự khai khẩn lãnh thổ của họ Hồ.

Lúc này lão mới vào chuyện…

Chúa Nguyễn Phúc Chu dành một phần đất Thuận Thành cho người Chàm cơ chế tự trị, nhưng vẫn thuộc vào sự bảo hộ của nhà chúa. Năm 1832, Minh Mạng xoá bỏ cơ chế tự trị trên và đổi Thuận Thành trấn thành tỉnh Bình Thuận. Chỉ có vậy thôi mà vua ngươi cũng cố len chân vào sử sách cho bằng được. Nào khác chi…ngươi.

Nếu có thêm vào bài văn sử ngươi là năm 1832 Minh Mạng sai Trương Minh Giảng đánh Cao Mên. Nhà Nguyễn bắt nữ vương Ang Mey (Ngọc Vân công chúa) đưa về Gia Định quản thúc, bầu đoàn thê tử cận thần quan lại Cao Mên bị đưa ra Bắc tập trung. Như ngươi biết đấy: Lịch sử là những gì lập lại với “cải tạo” và “lán”. Với cải tạo, theo Tây Hồ chí: Ở đây thôn Bà Già có trại của người Chiêm Thành. Gần đó ở phường Thụy Phương sát Hồ Tây có chùa Bà Banh thờ tượng nữ thần Po Yan Dari.

Như suy nghĩ gì nung lắm, rồi lão khong khảy…

Sau chúa Nguyễn Phúc Khoát đến chúa cuối cùng là Nguyễn Phúc Thuần.

Năm Ất Mùi, Cảnh Hưng thứ 36 thời Lê, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ kéo quân từ Phú Xuân xuống. Tháng 3, chúa Nguyễn Phúc Thuần và đông cung thái tử Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long sau này, bỏ Quảng Nam, mang 1.000 quân đánh chiếm Bình Thuận của Chiêm quốc ta để tử thủ. Tháng 4, nhà Tây Sơn tiến như vũ bão, thế nên vì vương mệnh bất sĩ giá, nội trong ngày ngựa không kịp thắng yên, lên đường cùng gia quyến 100 người chạy vào Long Xuyên và bị nhà Tây Sơn diệt vong tại đây.

Ở Bình Thuận, quan Cai bạ tên Tá (người Việt) đem sổ bạ nạp cho nhà Tây Sơn. Lịch sử Chiêm quốc ta được xem như…lịch sử sai trang, chạy quàng là…lịch sử.

Tha ma mộ địa xong, lão nhướng mắt và khẽ khọt…

Tiên đế thứ nhất ta dựng nghiệp ở Bình Thuận từ thế kỷ thứ 2 kéo dài gần 3.000 năm vời khoảng 100 hoàng đế và nữ vương. Vận nước ta vì…cọp Khánh Hoà ma Bình Thuận ám chướng sao ấy, nay cũng chấm dứt ở Bình Thuận tháng 4 năm 1775.

Đột dưng lão mặt ngầy ngật như say thuốc và lụng bụng…

Nói thì ngươi bảo Ta nói nhiều như tàn cuộc chiến bằng vào 200 năm trước, tháng 3-1775 chúa Nguyễn bỏ Quảng Nam, thì đúng tháng 3-1975, tỉnh Quảng Nam của miền Nam ngươi cũng bị bỏ ngỏ…Lại không nói không được vì năm Ất Mùi 1775 có chuyện Cai bạ tên Tá đem sổ bạ nạp cho nhà Tây Sơn. Thì năm Ất Mão 1975 có người Đội Cơ họ Dương lên đài bàn giao đất nước ngươi cho địch!

Mặc lão ôm mảng chữ của riêng lão “luận đàm cổ kim, uẩn khúc kinh luân”. Với năm 75…với ngày là lá tháng là mây, thiên cổ chi mê tôi một mình về thăm ký ức…

(…) Đêm tháng 4-75, các TĐ249, TĐ275 ĐPQ rút cùng lúc với chi khu Hải Long. Xe tăng và bộ binh của Bắc quân, chiếm tòa hành chánh, nhưng khắp các vị trí, vẫn còn nhiều đơn vị địa phương quân chống trả. Nói chung, khắp thành phố lửa đạn mịt mù, bộ binh của Bắc quân tuy vào được trong thành phố nhưng chỉ cố thủ trong các vị trí vừa chiếm được, chứ không dám bung ra trong đêm, vì chỗ nào cũng còn quân ta chiến đấu. Gần nửa đêm tháng 4-75, tất cả các đơn vị địa phương quân đang chiến đấu trong thành phố, được lệnh cố gắng tập trung về bãi biển Kim Hải để chờ tàu HQ vào đón về Vũng Tàu. Bình Thuận được xem như bỏ ngỏ…(…)

Với Bình Thuận bị bỏ ngỏ, tạm hiểu là cờ đang giở cuộc không còn nước. Bèn hỏi:

– Tiên sinh là người Chăm?

Để cái dọc tẩu lên bàn, “tiên sinh” dàng dênh…

Cuộc chiến xem như đã xong, Chiêm tộc ta phải chung sống lẫn lộn với 54 sắc tộc khác nên tự gọi là: người Chăm. Bởi nhẽ đó, cái tên phải theo dòng lịch sử. Khá khen cho ngươi đã biết đặt Nguyễn Huệ và Quang Trung đúng vào thời điểm của sử thi.

Trong tâm thức, chỉ một chữ không thôi, tộc ta gọi “Chăm” chứ không phải “Chàm” để đề kháng lại sự đồng hoá của Việt tộc ngươi. Sử gia ngươi cứ giải thích gượng gạo về sự đồng hoá của mình, bằng cách vay mượn người khác: “Quy luật tất yếu của lịch sử khi hai nền văn minh va chạm nhau, bên nào có nền văn hóa cao hơn sẽ thắng”. Theo Ta: Lịch sử là đánh nhau, kẻ nào mạnh sẽ thắng. Ngươi có thấy lịch sử nước nào mà không đánh nhau chăng? Vì đánh nhau để sinh tồn”. Giản dị vậy thôi.

Sử gia ngươi bị gò bó vào Herodotus hay Thucydides từ thời trung cổ của Hy-La để diễn sử. Với thời nay, Ta chỉ thích câu văn vẻ của văn hào Voltaire: “Lịch sử là gì? Lịch sử là những chuyện bịa nên mọi người đều thích đọc”. Vì vậy Ta thích…ngươi.

Như người Chăm…chăm chăm nhòm cái dọc tẩu. Lão lậu bậu trong cổ họng:

– Chuyện đáng hỏi thì không hỏi! Chuyện nên viết lại không viết!

Hơ! Chuyện nên viết là sinh thực thực khí Linga và Yoni ở mấy cái tháp Chàm nhưng chẳng có gì hay hớm lắm nên thôi. Bởi lão cụt đầu “khá khen” thiên cổ chi mê tôi biết dùng chữ…trước thế đấy, nay thế đó. Thế nên thiên cổ chi mê tôi muốn hỏi lão bài phiếm sử của mình “bịa tạc” và “văn vẻ” ra sao để được…“khen” tiếp thì…

***

Thì chòang tỉnh dậy, lão biến mất hồi nào không hay. Nhắm mắt hồi tưởng lại chặng đường đã qua của những người đi mở cõi qua rừng núi chơi vơi, rải rác biên cương mồ viễn xứ. Bỗng không cảm hoài đến cụ Nguyễn Trãi mấy kẻ công danh nhàn lẵng đẵng, mồ hoa cỏ lục thấy ai đâu…Chợt thấy trên mặt bàn cái dọc tẩu còn quyện dăm sợi khói xanh lặng lờ…Theo nhang khói tự lững lờ hiểu rằng lão đã về cõi tịch mịch. Ở nơi chốn ấy, qua lời lão bộc bạch ở trên về thân thế lão…”chỉ vui chơi cảnh suối rừng, lấy cái nhàn làm đắc sách, ai có hay lòng đã không thiết tha với danh lợi mà cái thân lại vướng mắc vào danh lợi”…như cụ Ức Trai. Quá quan chiều vắng, chân mây địa đàng cùng hương tàn khói lạnh, văng vẳng trong chốn không vọng xuống trăm năm một cõi đi vê, lời nào của cây lời nào cỏ lạ của người về tự nghìn năm…

Mai này nhân lúc cung đàn chén rượu, trăng chiếu vào hiên, trúc thưa gió lọt, tiết trời u nhã. Ngươi hãy thay ta lấy đồ tứ bảo mài mực cho nhẵn, vuốt bút cho nhọn ghi lại những trang văn sử này. Bởi nhẽ ngươi viết sử như viết văn nên viễn tưởng, viễn mơ không đâu. Do vậy ngươi chớ có viết trong cái tâm thái mây ở đầu ô, mây lang thang cuối núi với nỗi nhớ rừng núi chơi vơi, thuộc thể loại…hiện thực giả hư cấu thật.

Ngươi ngộ chữ vừa vừa thôi để ta ngộ chữ với chứ!

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

(viết xong 2005, thêm bớt 2016)

Nguồn:

Phan Khoang, Nguyễn Duy Chính, Trần Gia Phụng, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Nguyễn văn Huy, Xuân Sơn, Trần Vũ, Vũ Bằng, Mường Giang, Nguyễn Trọng Tín, Mường Giang, Tạ Chí Đại Trường, Phạm Thắng Vũ và Kata.

Chú thích:

1 – Đồng Dương: Indapura, nay là Trà Kiệu.

2 – Quảng Nam: Amavarati.

3 – Campa: Địa danh ở miền bắc Ấn Độ, trên sông Hasdo, tỉnh Madhya Pradesh.

(Địa danh của Chiêm Thành đều xuất sứ từ Ấn Độ như: Panduranga (Bình Thuận)

Quy Nhơn (Sri Bini) – Amaravati (Đà Nẵng) – Kauthara (Nha Trang), v…v…)

4 – Trà Bàn: Vijaya. Còn được gọi là Đồ Bàn hay Phật Thệ.

(Theo Hoàng Xuân Hãn phiên âm Đồ Bàn là sai vì chữ Hán với “Trà” và “Đồ” rất dễ bị lộn. Trong sách vở của Âu Châu đọc là “Chaban” vì vậy phải gọi là Chà Bàn – Qua góp nhặt của người viết: Khi người Chàm rời đô từ Quảng Nam vào Bình Định ở Quảng Nam có những địa danh như Trà Câu, Trà Khê, Trà Khúc, Trà Kiệu và…Trà Bàn).

Vì vậy có thể họ mang địa danh Trà Bàn vào Bình Định chứ họ không nghĩ đến “Trà” và “Đồ”. Không lẽ theo Hoàng Xuân Hãn cứ dựa vào người Tây Phuơng để đổi “Trà” thành “Chà”, để đổi những địa danh ở Quảng Nam là Chà Câu, Chà Kiệu, v…v…?)

5 – Chế Củ: Rudravarman II.

6 – Chế Mân: Jaya Simhavarman III.

7 – Chế Bồng Nga: Jaya Simhavaman VII.

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search