T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm – Nguyễn Xuân Hoàng (III)

 

 

clip_image002

 

Mục Lục

Đà Lạt năm tôi 18 tuổi…

Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu

Ðời sống vẫn không ngừng chảy – Phan Nhiên Hạo

Có một chuyện tình như thế không?

30 năm nhìn lại…nền văn học Việt Nam hải ngoại

Phụ đính:

Căn nhà năm cũ – Chuyện kể trên đồi cam – Em bé đứng chờ xe ở ngã tư

Vòng hoa và quên lãng –

Đà Lạt năm tôi 18 tuổi…

Tôi đến Đà Lạt lần đầu năm 1958, khi vừa mười tám tuổi. Hành lý của tôi chỉ là một chiếc áo len và một bàn chải đánh răng. Đêm Đà Lạt lạnh buốt. Tôi bước vào một quán cà phê có tên là Tùng. Ánh đèn mờ không soi rõ mặt khách, và khói thuốc mù làm đục cả cái không khí chật chội. Tiếng nhạc mở lớn làm căn phòng như vỡ tung ra. Tôi gọi một ly cà phê đen nóng và đốt một điếu thuốc trong khi chờ đợi. Một người từ bàn bên cạnh bước sang, hỏi tôi từ đâu đến và muốn tôi ra ngoài nói chuyện.

Tôi biết “nói chuyện” là gì. Và tôi theo anh ta ra sân.

Choàng chiếc áo len sau lưng, buộc hai tay áo trước ngực, tôi đứng chờ. Cũng dễ thôi. Thói quen “một đụng một” của thời học trò vẫn thường xảy ra giữa đám trẻ chúng tôi. Và tôi hiểu tôi phải làm gì để thắng trong trường hợp đó.

Nhưng tôi đã tính sai. Bởi vì tôi phản ứng qúa chậm, vây quanh tôi là ba tên vừa tầm, nhanh như chớp đã giáng xuống đầu tôi, ngực tôi, thân thể tôi một trận đòn tàn bạo, dữ dội và bất ngờ nhất. Đêm đầu tiên ở Đà Lạt tôi đã được chào đón như thế đấy!… Hình như Đà Lạt thời đó có cách tiếp khách riêng của nó.

Kỷ niệm ấy của thị trấn “hàn đới” để lại trong tôi một vết đau nhức nhối, mặc dù máu ở cơ thể tôi chảy ra có làm tăng nhiệt độ đôi chút để chống lại hơi lạnh của một vùng khí hậu cao nguyên. Vết đau đó phải đợi đến một tháng sau tôi mới rửa được trên sân Cù.

Dãy nhà thuộc khu 28B của Viện Đại Học Đà Lạt là nơi trọ của đám sinh viên từ các nơi xa mới đến. Tôi đã nằm đó. Chỉ đến lớp đúng vào thời khóa biểu nhà trường, rồi quay về phòng ngay, không bước chân ra phố. Tôi ôn lại trận đòn, tôi nhớ lại cái mùi máu tươi ở khóe môi, những sợi tóc bết ướt máu chảy xuống trán, những cú đấm tá hỏa tam tinh đập vào mắt tôi, những cú đạp vào bụng làm thót người. Trận đòn không thù oán gây cho tôi nhiều ngạc nhiên hơn là căm phẫn.  Dù sao tôi không thể không đáp lại sự tiếp đón có phần hơi “cuồng nhiệt” của chủ nhà. Tôi ưa thích sự công bằng. Và Đà Lạt rất sòng phẳng với tôi. Chính ở sân Cù một buổi tối là nơi tôi đã tẩy được vết chàm kia bằng cách trả lại cho người khách ở quán cà phê Tùng những gì y đã ép tôi phải nhận.

Bỏ hai tuần chờ cho vết thương trên đầu, trên ngực và trên mặt lành lặn, và thêm hai tuần mài lại con dao mà anh tôi đã tặng sau chuyến hành quân trở về. Tôi ra quán cà phê Tùng hẹn X., là tôi chờ hắn ở sân Cù. X. nói nếu lần này mày không muốn sống, tao cho mày đi luôn. Tôi không trả lời. Tôi biết tôi muốn gì.

Buổi tối Đà Lạt lạnh. Tôi mặc quần áo mua ở chợ trời, dày và ấm, đứng nép vào một gốc cây trên sân Cù. X. không đến một mình. Cùng đi với X. tôi thấy thấp thoáng bóng 3 tên cùng bọn. Trong bóng tối, tôi thấy loé lên một ánh thép. Bước ra khỏi gốc cây, tôi nói to: “Tao muốn nói chuyện một mình thằng X. thôi.” X không trả lời. Y lừng lững một mình đi lên. Tôi đi xuống, đến trước mặt X. Vừa giáp mặt, không chờ X. kịp nói năng, tôi choàng tay kẹp cổ X. dí dao ấn vào yết hầu y. Tôi đã thuộc bài học X. đã dạy tôi lần đầu.

Sau trận đáp lễ đó, tôi và X. trở thành bạn. Tình bạn chỉ nhìn từ xa. Nhưng phải nói là nhờ X. nhiều lần tôi thoát được những va chạm chết người trong suốt 3 năm ở Dalat.

Chính là sau đêm ở Sân Cù trở về cư xá sinh viên trong Viện Đại Học tôi đã làm những câu lục bát đầu tiên của mình.

Ba năm trời, tôi buộc đời tôi vào với những người bạn học mới, cả những X. và Y., với Viện Đại Học trẻ trung vừa được thành lập, với cái lạnh lẽo của rừng núi, với tiếng gió hú trên đồi thông, với những giờ triết học buồn nản…

Tôi nhớ cha Gauthier, người gầy và thấp, da mặt nhăn nheo, đôi kính cận dầy cộm làm mặt cha nặng hơn. Tôi không quên LM Bửu Dưỡng, người rất quyết liệt và cực kỳ hữu khuynh trong mọi nhận định của mình. Tôi yêu mến LM Alexis Gras, một trong những khuôn mặt trí thức hiếm hoi mà tôi đã gặp trên đường đời. Chính cha Gras đã khắc trong trí nhớ tôi hồi đó những dấu ấn tươi mát về tri thức không khác nào các cô giáo thầy giáo tiểu học đã khắc lên trái tim thời thơ ấu tôi những hiểu biết đầu đời.

Ba năm trời ở Đà Lạt, mỗi năm thay đổi chỗ ở một lần, nhưng bầu trời mù ám của nó, những trận mưa lạnh của nó,… đã cột chặt đời tôi như một lần mãi mãi.

Một năm sau tôi dọn chỗ ở mới. Phòng trọ nằm trên đường Võ Tánh, con đường dốc đất đỏ mà sau mỗi trận mưa luôn luôn gây cho người ta cái cảm tưởng đang nhìn thấy máu ở một vết thương vô hình nào đó chẩy ra.

Từ nơi trọ đến Viện Đại học tôi phải đi ngang qua trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Những buổi có giờ học trễ, ngủ nướng trong giường, tôi có thể nghe thấy tiếng trống vào lớp. Đó là thời gian tôi tập hút thuốc và uống rượu. Những ly rượu đắng cay đốt cháy mối tình đầu tiên của tôi. Đó là thời gian khi tôi làm bài luận văn về Descartes, cha Gauthier đã kêu lên rằng tôi đã “để vào miệng nhà triết học trong sáng của nước Pháp này những điều ông ta chưa bao giờ viết xuống”.

Đà Lạt, đó là một thành phố rất Tây trên quê hương Việt Nam. Nhà hàng Mekong, Chic Shanghai, L’eau Vive, Hôtel Sans – Souci, Palace, Thủy Tiên, Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux, … làm chứng cho những suy nghĩ của tôi. Đà Lạt là một thành phố hòa bình trên một đất nước ngập tràn máu lửa. Đà Lạt là một giấc mơ thần tiên trong một hiện thực sắt thép địa ngục. Đà Lạt, căn hầm trú ẩn bằng bê tông cốt sắt giữa một trận địa đầy bom mìn và xác chết. Đà Lạt là một hòa bình riêng rẽ trong một Việt Nam vang rền tiếng súng. Thứ triết học kinh điển mà Đà Lạt nhét vào đầu tôi thời gian đó bị chìm trong ca khúc Vũng lầy Của Chúng Ta vào một buổi tối khi Lộc và cô bạn của anh hát cho tôi nghe những ca khúc đầu tiên của anh. …Đây là thời gian tôi đọc André Gide nhiều hơn Martin Heidegger, Albert Camus nhiều hơn Jean-Paul Sartre, và…

Tôi đã nhìn Đà Lạt như một bức tranh. Và tôi chỉ là một vệt màu đỏ do người hoạ sĩ lỡ tay để rơi lại trên khung vải. Tôi khám phá ra tại sao tôi còn sống sót trong một cuộc chiến tranh mà cha tôi vì nó đã bỏ mình, anh tôi vì nó đã hy sinh, bạn bè tôi đã ra đi vĩnh viễn hoặc trở về với một phần thân thể bỏ lại trên chiến trường.

Đà Lạt của hồ Than Thở và Rừng Ái Ân, Đà Lạt của Cam Ly, của Trại Hầm. Đà Lạt, nơi chôn vĩnh viễn trong tôi một câu hỏi chưa được trả lời về một quá khứ đen.

Đà Lạt, thành phố trên cao của Việt Nam, tôi biết là nơi tôi sẽ trở về, luôn luôn mong ước trở về, để tìm cho tôi câu trả lời tôi đã sống như thế nào trong những ngày tôi vừa mới lớn với sách vở và chữ nghĩa trên trời giữa một dân tộc mà chiến tranh, tàn bạo, nghèo khó và chết chóc đang trùm phủ xuống đất nước tôi. Tôi là một người mù trong một thế giới tràn đầy biến động âm thanh cuồng nộ.

Đà Lạt trong trí nhớ tôi giờ đây vẫn còn là một câu hỏi. Cho tôi.

Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu…

clip_image004

Em đừng hỏi giờ này tôi đang làm gì và đang ở đâu. Lúc này đây, khi viết những giòng chữ này cho em, tôi đang ngồi trong toà soạn của một tạp chí nằm trên con đường Phạm Ngũ Lão. Con đường ấy, khá nhiều nhà in, nhà báo, nhà phát hành, chắc em đã biết, là một con đuờng nhỏ, đầy bụi và nhiều xe. Trên bàn làm việc của tôi hiện có một lá thư của “nhà-làm-kịch-không-bao-giờ-dựng-kịch” gửi cho tôi, nhưng tôi không hiểu gì cả. Có lẽ ông ta lầm tôi với một nguời nào khác có một cái tên tương tự. Những cái tên tương tự! Có bao nhiêu cái tên tương tự như tên của tôi, và tên của em trong cõi đời này. Và em. Vy của tôi, tên em phải viết i ngắn hay y dài? Và tại sao phải là y dài mà không là i ngắn.?
Lúc viết những giòng này cho em, những người thợ sắp chữ vừa vỗ bản in truyện ngắn của tác giả Rừng Mắm đặt trên bàn tôi, cây quạt trần đang xoay theo một tốc độ chậm nhất, và mưa rơi ngoài kia. Mưa ào ạt như tiếng kêu thất thanh của một nguời bị săn đuổi, chờ chết. Tại sao lúc nào tôi cũng thích nhìn những trận mưa thúi trời thúi đất. Mưa điên cuồng, man dại; mưa ập xuống như cái thúng chụp không thương tiếc ngậm ngùi….
Thế còn em, nơi em ở hiện giờ trời đang có mưa không? Những trận mưa đầu mùa nắng là những dòng nuớc được đợi chờ. Mưa luôn luôn làm tôi nhớ em. Nhớ những hôm nào em ngồi sau chiếc xe lambretta màu bạc của tôi. Hơi thở tình yêu của em đã thổi ấm xuyên suốt lưng tôi, hâm nóng một trái tim tưởng chừng đã nguội lạnh, thổi bay đi những đám mây buồn bã từ bấy lâu nay vẫn ám mãi xuống đời tôi. Những trận mưa hân hoan tầm tã; mưa biển mưa rừng, mưa cao nguyên, mưa đồng bằng. Mưa chảy trong tôi tình yêu muộn màng, mưa xối trong em tình yêu vừa mới lớn. Những giọt nước mưa hy vọng đang ướt sũng cuộc đời chúng ta.
Bữa qua có tin từ mặt trận về cho hay chiến trường miền Trung đang hồi ác liệt, một bạn tôi vừa mất xác. Sáng nay trên cao nguyên báo xuống, một người bạn khác nữa của tôi vừa mới tử trận. Những tin tức ấy đã làm tôi chảy nước mắt. Bao nhiêu người ở tuổi tôi đang đối mặt với cái chết, tại sao tôi vẫn ngồi đây yên ổn. Tại sao tình yêu của chúng ta? Có phải tôi là một người may mắn bất hạnh. May mắn sống sót, nhưng bất hạnh thay chưa sống đủ kiếp người.
Có phải là một điều nhảm nhí không khi ta nói đến tình yêu trong một thời đại mà người ta chỉ đề cập đến sự chết. Tôi vẫn nghĩ rằng con người càng đến gần với tình yêu chính là tiến gần đến cái chết. Yêu là chết. Và truớc cái chết, nguời ta bao giờ cũng ham muốn sự sống. Và sự sống là gì nếu không là tình yêu? Ngụy biện quá, phải không?
Vy yêu, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào mường tượng ra nỗi nơi Ởn chốn ở của em. Thành phố trên cao ấy đã một thời nhìn thấy tôi lớn lên, đã nghe tôi thở, đã thấy tôi yêu, đã chứng kiến những trận đòn thù trên đồi Cù, đã dí tôi trong quán cà phê Huyền nữa đêm về sáng. Và giờ đây những dấu chân em in trên con đường đất đỏ dưới những cơn mưa tầm tã đang làm tôi thương nhớ em. Cánh cửa sổ từ căn phòng em ở mỗi sáng mở ra có thể nhìn thấy chăng đỉnh núi LangBiang? Quyển sách nào em đang đọc? Và tờ thư nào em đang viết dỡ cho tôi?… Tôi đang nghĩ đến em, đến hơi thở em, khuôn mặt thần thánh em…. Sẽ buồn biết bao nếu trí tưởng tôi không còn cái khả những tưởng tượng ấy nữa, cái khả nănng khiến cho đời sống tình cảm chúng ta giàu có hơn, màu sắc hơn….
Em có còn nhớ những quán nước quán ăn mà chúng ta đã đến: một chỗ sang trọng, một nơi tồi tàn; những cuốn phim ta đã cùng xem: đam mê, hung bạo, hay dịu dàng và thơ mộng; những khúc nhạc mà chúng ta đã từng nghe chung với nhau trong một tối nào; quyến rủ và lôi cuốn. Và hơi thở em tràn ngập trong lồng ngực tôi. Thân thể em trong vòng tay cuồng dại tôi.
Ừ, nhiều khi tôi ước phải chi chúng ta là cỏ cây hay loài vật, chúng ta sẽ yêu nhau như loài thú hoang giữa đất trời mà không sợ bóng dáng của Thần Tuyệt Vọng. Như loài thú, chúng ta rong chơi trong rừng, nằm dưới bóng mát của những tàn cây và ngủ an nhiên trên xác lá khô. Như cỏ cây ta không thèm mọc vội vàng. Ta lớn theo gió, và nắng và mưa sẽ làm ta rắn chắc hơn. Cái vòng tròn vàng óng buổi sáng sẽ đánh thức ta dậy, mặt trời đỏ hực buổi chiều sẽ gọi ta về, và trăng sao trên cao sẽ soi thấu tình yêu của chúng ta.
Vy yêu, bây giờ là mười giờ. Buổi sáng trong một toà soạn báo. Tiếng máy chạy ì ầm. Những bản vỗ ướt mực và ướt nước. Cơn mưa đã dứt. Trời trong suốt và nắng đang thổi luồn những hơi thở nóng hổi lên thành phố tôi đang ở. Có lẽ những con đường rợp bóng cây mà chúng ta đã đi sau trận mưa lớn đã ngập nước, vòm cong của những tàn me cụm đầu dài đến cổng trường Saint-Paul còn óng ánh chút nước mưa đã rơi trên đầu chúng ta theo từng cơn gió nhẹ. Giờ đây, tôi không biết mình đang đốt đến điếu thuốc thứ mấy trong ngày nhưng tôi biết là tôi đang nghĩ đến em.
Vy yêu, em có còn nhớ cái lối quảng cáo của người Nhật về những sản phẩm đặc chế của họ. Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu Cũng Chỉ Có Hai Ta . Ừ, cũng chỉ có hai ta.
Ngày mai, tôi sẽ phải vào bệnh viện trở lại. Những dấu hiệu tái phát của căn bệnh cũ đang bắt đầu lộ diện và đang hành hạ tôi. Bạn tôi bảo: “Mày chưa chết đâu. đừng sợ. Sống thì khó chứ chết thì ai mà chẳng có phần.”
Buổi sáng hôm nay, sau cơn mưa mặt đuờng trước tòa soạn sạch trơn. Nhưng sao mà lòng tôi vẫn còn đầy chật hình bóng em. Nhớ em, nhớ những sợi tóc dài buộc chết đời tôi, nhớ hai con mắt màu nâu thầm lặng, nhớ cái mũi hếch kiêu căng, nhớ giọng nói sao mà ngọt ngào kỳ lạ. Nhớ nụ cười em tràn ngập cơn mê tôi, nhớ đôi chân dài quấn quít, nhớ bờ ngực nặng, nhớ hơi thở nóng, nhớ bàn tay hốt hoảng của em…
Nhưng sao tôi vẫn có cảm tưởng nhu rồi ra chẳng bao giờ chúng ta còn có cơ hội gặp lại nhau nữa. Bởi vì, giữa tôi và em, chúng ta có bao nhiêu là sông núi, bao nhiêu là hố thẳm, bao nhiêu thung lũng, bao nhiêu biển trời. Có cả sương mù và sấm sét. Có đêm và ngày. Có cả “khổng tử” và “gia phong”. Và….
Thư từ làm cái gì, chữ nghĩa cũng sẽ chỉ là điều vô ích, một khi nguời ta không còn muốn đọc nhau nữa.
Phải không?
Tháng Chín 1968

 

Ðời sống vẫn không ngừng chảy

Phan Nhiên Hạo thực hiện

Phan Nhiên Hạo (PNH): Ba mươi năm kể từ 1975, anh vẫn sống đời sống của một người làm văn chương toàn thời gian: sáng tác và làm báo (tạp chí Văn và Việt Mercury). Cuộc sống của một người làm văn nghệ hải ngoại như anh có những vui, buồn, phần thưởng tinh thần và khó khăn gì?
Nguyễn Xuân Hoàng (NXH): Tôi không nghĩ là tôi đã sống 30 năm của một người làm văn chương toàn thời gian đâu. Sau 1975, tôi mất hết 10 năm lang thang ở Sài Gòn, Rạch Giá, U Minh, Nha Trang, Ðà Lạt, không định hướng, cũng có viết lách đôi khi nhưng cái chính là làm những chuyện không ăn nhập gì đến chuyện chữ nghĩa: lái xe ủi đất, làm ruộng, lơ xe đò, đốn cây làm than, và… ở tù, mãi đến 1985 tôi mới đến được Mỹ.
Và trong những ngày đầu ở đây tôi làm nghề đi rải flyers cho mấy tay địa ốc. Như vậy nếu nói đúng tôi chỉ có chưa đầy 20 năm sống lại đời làm báo viết văn. Những ngày ở trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân, tôi không hề có ý nghĩ là mình sẽ có thể / muốn / cầm bút trở lại, nói gì chuyện làm báo. Ở Virginia chừng nửa năm, anh Mai Thảo ở Nam California gọi điện thoại bảo xuống Quận Cam chơi một chuyến thăm bạn bè. Tại đây, trong một bữa cơm đón người ở trại tị nạn mới qua tại quán Doanh Doanh của Thái Tú Hạp trên Los Angeles, anh Ðỗ Ngọc Yến chủ nhiệm nhật báo Người Việt, chắc là được anh Mai Thảo nhắc nhở – nói với tôi “thôi về Người Việt đi, bạn bè cả”. Tôi gặp Nguyễn Ðức Quang, nhạc sĩ du ca ở đây.
Tôi làm nhật báo Người Việt, sau đó cùng lúc làm nguyệt san Thế Kỷ 21 [từ số ra mắt cùng với Lê Ðình Ðiểu], còn tạp chí Văn thì từ tháng Chín 1996 và Việt Mercury từ tháng 11. 1998 [số ra mắt 29/01/1999]. Làm báo tin tức thời sự như một thứ nghề, cũng giống như làm thợ mộc thợ nề, làm technician vậy. Tuy nhiên đó là thời gian tôi cầm bút trở lại. Tôi viết không nhiều. Làm báo giết ráo làm văn. Khi anh Mai Thảo bệnh, giao cho tôi tờ Văn, tôi đang là tổng thư ký tờ Người Việt. Làm hai tờ báo một lúc, khủng khiếp, tôi không hiểu tại sao mình làm được? Làm báo Văn là một niềm vui và cũng là một nỗi khổ. Tờ báo nuốt hết thì giờ của tôi sau khi ở toà soạn Người Việt về, nó không nuôi nổi một người sống hết mình với nó đã đành, mà ngược lại nó bắt người làm ra nó phải nuôi nó. Khi tôi vào làm tờ Việt Mercury, may mắn hơn, đời sống thường ngày đã nhẹ, nhưng việc nuôi tờ Văn thì vẫn tiếp tục. Ðấy là tôi chỉ nói phần vật chất, tôi chưa nói chuyện bài vở, chuyện độc giả, chuyện đóng gói, bỏ bì đem ra bưu điện cho mỗi số báo, chuyện đau nhói của một ngưòi làm báo văn học. Khó khăn thì nhiều thứ lắm. Còn phần thưởng tinh thần hả? Ðó là tôi tìm lại được bạn bè cũ, và quen biết thêm bạn bè mới. Ðó là mỗi khi tờ báo ra, cầm tờ báo trên tay, tuy không còn ngửi được mùi mực in như ở Sài Gòn ngày nào, nhưng sao lòng vẫn bồi hồi. Bao giờ tôi cũng trân trọng những người viết mới. Cứ mỗi lần đọc được một sáng tác mới của một người viết mới tôi nghĩ chắc tờ báo vẫn còn có người đọc. Ðời sống vẫn không ngừng chảy.
PNH: Có ý kiến cho rằng văn chương hải ngoại là sự nối dài của văn chương miền Nam trước 1975, anh có nghĩ điều này hiện còn đúng với văn chương hải ngoại không? Anh thấy những chuyển động nào đáng kể trong văn chương hải ngoại, sự hình thành những người viết mới đáng chú ý ba mươi năm qua?
NXH: Nói văn chương hải ngoại là sự nối dài của văn chương miền Nam trước 1975 có thể đúng trong những năm đầu khi những ngưòi cầm bút lẻ loi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ. Thế nhưng đã 30 năm qua từ tờ Văn Học của Võ Phiến, Lê Tất Ðiều rồi Nguyễn Mộng Giác và giờ đây, năm 2005 là Cao Xuân Huy, đến tờ Văn của Mai Thảo nay chuyển sang tôi từ 1996, và Hợp Lưu của Khánh Trường giữa sóng gió bước đầu giờ chuyển qua Phùng Nguyễn, rồi Trần Vũ – Ðặng Hiền; tạp chí Thơ của Khế Iêm một mình một ngựa nay chuyển qua Ðỗ Kh. Ðó là chưa kể tờ Nhân Văn của Thượng Văn, Văn Uyển của Trần Nghi Hoàng ở San Jose, tờ Việt của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn ở Úc, Chủ Ðề của Nguyễn Trung Hối, Phố Văn của Nguyễn Xuân Thiệp, Gió Văn, Sông Văn…, tôi nghĩ là đã có chuyển động. Những cuốn hồi ký trong thập niên 80 đã gần như biến mất vào đầu thập niên 90. Lý luận phê bình trước kia trong nước và sau này ở hải ngoại đã được tạp chí Việt của Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn bổ khuyết một cách mạnh mẽ và phong phú. Nhiều người viết đến với văn chương như Trần Vũ, Phùng Nguyễn, Mai Ninh, Miêng, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Quí Ðức, Ðinh Linh…, đã và đang mang đến cho văn học hải ngoại một hơi thở mới. Thật ra còn nhiều nữa mà tôi kể không hết. Còn nếu phải kể những người không sáng tác bằng tiếng Việt thì làm sao quên được Linda Lê, Kim Lefèvre ở Pháp, lê thị diễm thúy, Monique Trương, Andrew Lâm, Andrew Phạm ở Mỹ…
PNH: Tôi nghĩ văn chương miền Nam trước 1975 là một nền văn chương rất sinh động và gồm nhiều tác giả xuất sắc. Vì lý do chính trị, ở trong nước người ta vẫn chưa chính thức công nhận nền văn chương này, những người viết trẻ thì thường có thái độ hãnh tiến, vội vã phủ nhận người đi trước mà không đọc họ kỹ (cũng có thể vì không có sách để đọc). Là người trong cuộc, sau ba mươi năm, nhìn lại văn chương miền Nam trước 1975, anh đánh giá nó thế nào?
NXH: Tôi biết là tôi sẽ thiếu khách quan khi tôi nhìn lại nền văn học miền Nam trước 75. Tại sao? Bởi vì tôi lớn lên trong không khí đó, chiến tranh không chỉ ở mặt trận, chiến tranh còn ở thành phố. Sáng tác của họ không thoát ra khỏi chiến tranh. Ngay cả âm nhạc cũng vậy. Họ tiếp nhận nhanh những chuyển động của văn học thế giới. Tiểu thuyết Mới ở Pháp đến Sài Gòn rất sớm. Hồi chúng tôi còn học đại học Đà Lạt, anh Hoàng Ngọc Biên đã giới thiệu Michel Butor, Nathalie Sarraute, Alain Robbe-Grillet. Văn chương của Jean-Paul Sartre, Albert Camus, thơ Jacques Prévert, triết của Martin Heidegger, Karl Jaspers cũng du nhập vào miền Nam. Chúng tôi cũng có thơ và truyện của Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Viên Linh, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Ðình Toàn, Nhã Ca, Huỳnh Phan Anh, Trùng Dương, Túy Hồng, Trần thị NgH.,… Một trong những khuôn mặt được chú ý trong thời gian đó không thể không nhắc đến là Phạm Công Thiện. Về phê bình lúc đó có Ðặng Tiến ở Pháp và Cao Huy Khanh trong nước. Ngoài ra còn có cả Ðỗ Long Vân từ Pháp về nữa. Ðó là chưa kể những tờ như Trình Bầy, Hành Trình, Tin Văn… khá là “phản chiến” và vẫn tồn tại.
Phong phú và đa dạng là những tĩnh từ có thể gán cho văn học miền Nam trước 1975.
PNH: Anh từng làm thư ký tòa sọan tạp chí Văn ở Sài Gòn trước đây, anh có thể nói đôi điều về sinh hoạt văn chương thời đó được không? Anh nhớ nhất kỷ niệm nào?
NXH: À, thời đó chuyện văn chương mới ấm áp làm sao. Báo chưa ra hay báo đã ra, sáng nào cũng gặp nhau ở quán Cái Chùa [La Pagode] trên đường Tự Do [nay là đường Ðồng Khởi] bên ly cà phê và những điếu thuốc lá. Khi thì nói về chủ đề số báo của tờ X. hay bài viết của A trên tờ Y, về cuốn sách mới in của Z. hay bài điểm sách của tay B., về cái truyện sắp viết, cuốn sách mới đọc, bài thơ mới làm. Nhưng cũng có khi nói về những thứ gì khác không phải văn chương, về tình hình chính trị, về người bạn vừa gặp nhau tuần trước mới hôm qua bỗng được tin vừa tử trận. Buổi tối không ra quán ăn nhô ra bờ sông Sài Gòn Point des blageurs thì cũng tới Chợ Ðủi, bên những ly bia, nói năng ba trợn hay nghiêm túc, hết chai này đến chai khác với người bạn ngày mai ra trận, không biết còn có ngày gặp nhau không, sau đó luôn luôn phóng xe chạy hết tốc độ vì đã quá giờ giới nghiêm.
Lúc đó tờ Văn nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, con đường có nhiều nhà in báo, đặc biệt nhà phát hành Sống Mới. Ông Nguyễn Ðình Vượng, chủ nhiệm tờ Văn có nhà in riêng, in cho ít nhất ba tờ tạp chí: Văn, Tuổi Ngọc của Duyên Anh và Vấn Ðề của nhà viết kịch Vũ Khắc Khoan. Hai tờ Tuổi Ngọc và Vấn Ðề đều đặt toà soạn trên tầng hai và tầng ba của toà soạn Văn.
Thời đó báo có toà soạn đâu ra đấy chứ không như bây giờ ở hải ngoại “hình như” không tờ báo văn học nào có toà soạn đúng nghĩa của nó: toà soạn trong ga-ra hay trong phòng khách; điện thoại nhà cũng là điện thoại toà soạn; người lo cho tờ báo phải lo từ đầu đến đũa: xin bài, đọc bài, lay out bài, gửi nhà in, bỏ báo vào bao thơ, chở báo đến bưu điện, và mặc dù bạn đọc rất ưu ái, người tạm gọi là “chủ báo” phải chạy tiền trả nhà in vì có một khoảng cách đáng buồn giữ thu và chi.
Có quá nhiều kỷ niệm, nhưng một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi là chuyện viết bài cho tờ Vấn Ðề. Hồi đó ông Vũ Khắc Khoan khi đến toà soạn phải đi ngang qua Văn để lên tầng trên. Bao giờ gặp mặt tôi ông cũng bảo “H. đưa cho Vấn Ðề một truyện ngắn đi”, và bao giờ tôi cũng hứa “Thế nào cũng sẽ có cho anh mà!”. Hứa vậy thôi, chứ tôi lu bu quá. Mỗi ngày tôi vẫn đi dạy, hết giờ ra thì toà soạn, đọc bài, đọc bản vỗ, sửa bài, viết thư toà soạn, trả lời hộp thư, gọi điện thoại đặt bài cho số đặc biệt…, buổi sáng còn ra Cái Chùa, buổi tối còn tới Chợ Ðủi, thế là quên tiệt.
Một hôm tác gỉa Thần Tháp Rùa vừa bước vào toà soạn nhìn thấy tôi, ông đứng lại, rút trong túi ra xấp bạc, đặt trước mặt tôi. “Năm ngàn đấy nhé, cậu đưa cái truyện đã hứa cho tôi tuần tới nhé!”. Ông làm tôi bối rối. Ông cười: “Tờ Văn chỉ trả truyện ngắn có ba ngàn, Vấn Ðề trả năm ngàn đấy nhé!”. Và ông lên lầu.
Tôi biết mình không thể ù lì được nữa. Sáng thứ Hai, tôi mang truyện lên lầu đặt trên bàn Vũ Khắc Khoan. Ông chưa tới. Tôi xuống nhà gọi điện thoại rủ Huỳnh Phan Anh ra quán Cái Chùa. Và tôi quên cái truyện mình đã viết cho Vũ Khắc Khoan. Một buổi sáng ông Mai Thảo đến toà soạn, kéo ghế ngồi bên tôi hỏi, cậu viết cái gì thế? Tôi nói có viết gì đâu, đang đọc bài cho số báo tới. “Không, tôi hỏi H. viết cái gì cho tờ Vấn Ðề kia.” “Ồ, một truyện ngắn đó mà!” “H. có biết là tờ Vấn Ðề bị đóng cửa vì cái truyện ngắn gì đó của H. không?”. Tôi không biết. Nhưng ngay buổi chiều hôm đó tôi nhận cái trát hầu toà vì cái truyện ngắn của tôi, có nhắc đến bài hát Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy. Ông Phạm Duy không biết điều đó, nhưng nhà văn-bác sĩ Ngô Thế Vinh biết vì sáng hôm sau ra quán Cái Chùa gặp Ngô Thế Vinh ngồi bên ly cà phê cho biết anh cũng nhận được một cái giấy như tôi qua truyệnMặt trận ở Sài Gòn của anh. Truyện ngắn của tôi viết cho tờ Vấn Ðề có tựa Cha và anh viết về giai đoạn tản cư thời chiến tranh chống Pháp.
PNH: Sau vụ hầu tòa đó, chuyện gì xảy ra với anh?
NXH: Tôi vẫn làm việc và viết lách bình thường. Anh Ngô Thế Vinh cũng vậy.
PNH: Anh có thể nói thêm về tạp chí Văn và các báo văn nghệ thời đó?
NXH: Thực ra văn chương thời đó tập trung vào một số tạp chí văn học ở Sài Gòn. Sáng Tạo ra đời vào những năm 54 – sau khi hiệp định Genève được ký kết – với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, về sau có Dương Nghiễm Mậu, tờ Bách Khoa với Lê Ngộ Châu, Võ Phiến, tờ Hiện Ðại với Nguyên Sa, tờ Thế Kỷ với Trần Hồng Châu-Nguyễn Khắc Hoạch, tờ Văn với Trần Phong Giao, tờ Khởi Hành với Viên Linh, tờ Văn Học với Dương Kiền, tờ Giữ Thơm Quê Mẹ với Nhất Hạnh, tờ Ðại Học ở Huế với Nguyễn Văn Trung, tờ Trình Bầy với nhóm Thế Nguyên, Diễm Châu… Thú thật với anh là tôi không chắc mình nhớ hết và nhớ đúng. Ba mươi năm rồi còn gì!
Tôi chỉ nhớ tờ Văn lúc đó in trên 10.000 bản và tiêu thụ mạnh nhất ở miền Trung hơn là ở Sài Gòn, mặc dù ở Sài Gòn sinh viên khá đông, chưa kể trường Ðại học Văn Khoa và Ðại học Sư phạm. Thành thật mà nói, với số dân khoảng 24 triệu người – tính riêng miền Nam – mà chỉ in có 10.000 bản thì không thể xem là nhiều, nhưng nên nhớ đây là báo văn chương chứ không phải báo tin tức, con số đó phải coi là đáng kể trong một đất nước chiến tranh. Tôi không rõ các tờ khác thế nào, chứ riêng tờ Văn, lúc nào bài vở cũng có sẵn, có thể làm được từ ba đến năm số. Từ đầu năm đã có thể lên lịch những số đặc biệt cho 12 tháng trong năm. Và tùy theo tình hình thời sự văn học thay đổi đột xuất sẽ có những số đặc biệt khác. Người viết đông đảo và sự đóng góp của họ cũng nồng nhiệt. Tờ báo được bạn đọc đón nhận khi vừa phát hành. Nhiều người lính hành quân ở miền Trung hay miền cao nguyên trong những làng mạc xa xôi cho biết họ có mang theo Văn trong ba-lô.
PNH: Chiến tranh chấm dứt đã ba mươi năm, nhưng hố ngăn cách ý thức hệ vẫn còn, anh nghĩ gì về vai trò của nhà văn hiện nay?
NXH: Tôi muốn hỏi lại anh, nhà văn có thể đóng một vai trò nào trong cuộc sống chúng ta? Có người nói, văn chương ở một khía cạnh nào có tác động trên đời sống xã hội. Như Căn lều của chú Tom (Uncle Tom’s Cabin) của Harriet Beecher Stowe góp phần vào sự thay đổi tâm lý kỳ thị màu da của người Mỹ da trắng. Nhưng liệu đó có phải là một định đề không?
Ở Việt Nam, tôi nghĩ mặc dù chiến tranh chấm dứt đã 30 năm, nhưng hố ngăn cách ý thức hệ vẫn còn. Liệu văn học có lấp được cái hố cạn mà khó qua đó không? Tôi không hiểu những người viết trong nước ra sao, và các bạn tôi những người cầm bút hải ngoại suy nghĩ thế nào, riêng cá nhân tôi tôi biết mình là một ngưòi viết không hạnh phúc vì cái hố cạn đó.
PNH: Ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh đang làm gì, ở đâu, tâm trạng lúc đó thế nào?
Hôm đó từ nhà tôi đạp xe chạy lang thang trong thành phố đầy người chạy ngược xuôi, bọn tự động mang băng đỏ hôi của, lái xe jeep chạy bạt mạng, súng chĩa lên trời cướp bóc giựt dọc, bàn ghế quần áo, giấy má sách báo tung ra đường phố… Tôi đạp xe như một người mất hồn, cứ thế từ con đường này qua con đường khác, tôi thấy nhà cửa phố xá trở nên xa lạ như lần đầu tiên tôi đến. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng một người gọi tên tôi. Tôi dừng xe ngó qua bên kia đường. Tác giả Mùa hè đỏ lửa Phan Nhật Nam hỏi, “Cậu đi đâu vậy?” Tôi hỏi lại: “Sao bây giờ còn ở đây?” Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, không ai trả lời ai. Dưới chân chúng tôi là những cuốn sổ thông hành nằm như rác. Những người mang thẻ này chắc chắn là những người thường có cơ hội đi ngoại quốc, chắc họ đã bỏ chạy hay đã xuống tàu, lên máy bay. Lúc đó đâu khoảng 10 giờ sáng. Con đường hai chúng tôi đứng mang tên Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận.
PNH: Cảm ơn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.

 

Có một chuyện tình như thế không?

Sáng nay, mở computer tôi thấy một mail lạ. Thường thì tôi vẫn delete hoặc cho vào spam ngay những mail không biết xuất xứ, nhưng mail này khiến tôi dừng lại vì dòng chữ trên ô subject: XIN DUNG DELETE MAIL CUA K. Mail của K.? K. là ai? Tôi có một người bạn tên K. Nhưng bạn tôi đã “ra đi” vào những ngày cuối của cuộc chiến tại Sài Gòn. K. nào? Tôi bấm chuột, kéo xuống. Đọc.
Gửi ông H.
Tôi gửi thư này theo lời yêu cầu của bà Huyền, thân mẫu của anh K. bạn của ông. Tôi là cháu của bác Huyền. Trong một dịp tình cờ tôi vô tình nhắc đến tên ông qua một bài viết của ông trên trang mạng điện tử, bác hỏi tôi có phải ông ngày xưa ở Nha Trang không? Và ông có phải là bạn cùng lớp của K. con trai bác không? Nếu ông đúng là người bạn của K., bác tôi muốn biết tin tức của ông. Bác tôi hiện sống ở Hà Nội. Năm nay bác Huyền tôi đã 88 tuổi. Rất mong được thư ông.
PXL
Tôi không quen ông PXL, nhưng tôi có biết ông là một nhà nghiên cứu văn học trong nước. Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp đọc bài của ông. Đây là lần đầu tiên tôi đọc thư ông. Tôi sẽ trả lời thư ông L. Và chắc chắn tôi sẽ liên lạc với Mẹ Huyền. Đúng bà là mẹ của K. bạn học thời nhỏ của tôi, và bà cũng là Mẹ của tôi, như Mẹ tôi cũng từng là Mẹ của K. Tôi muốn kể cho ông PXL biết đôi điều về K. và… tôi. Tôi muốn tặng bài viết này cho Mẹ Huyền của chúng tôi.

***

1.
Không biết điều gì đã kéo chúng tôi lại gần nhau, mặc dù hai chúng tôi khác nhau về nhiều phương diện. K. đẹp trai, con một, dân “bắc-kỳ-di-cư”. Còn tôi, dân địa phương, mặt mũi không giống ai, nhà lại đông “dân cư”. Cũng như nhiều gia đình di cư khác, lúc đầu nhà của K. ở trên một khu nhà tạm ở dưới Cầu Đá, Nha Trang, trước khi dọn đến một căn nhà gần thành phố hơn.
Những ngày mới bước vào lớp, K. được xếp ngồi ở bàn đầu, sát bên tôi. Bọn ma cũ luôn bắt nạt ma mới. Và K. luôn luôn là nạn nhân của mấy tay ngồi cuối lớp. Chính tôi lúc đầu cũng không ưa K., nhưng ngồi bên nhau lâu chúng tôi dần dà thích nhau. Tôi hỏi “cậu có cần tôi nói chuyện với chúng nó để cho cậu yên không?” K. nói “cám ơn cậu, không cần đâu. Cậu để tôi tự giải quyết.” Và K. đã giải quyết cách nào tôi không biết, chỉ thấy sau đó, không đứa nào chọc phá “bắc-kỳ-cá-rô-cây” K. nữa.
Cái khác nhau lớn nhất giữa K. và tôi là chuyện học. Tôi thích toán và luôn luôn đạt điểm cao về môn này, trong khi K. chỉ ưa chuyện văn chương. Có lần thầy Phan N. dạy môn Văn trong khi trả bài luận, đã làm cả lớp ngạc nhiên khi nói: “Tôi muốn giới thiệu với các em, một nhà văn trong lớp chúng ta: Phạm Thế K. Bài luận của K. không chỉ là một bài luận mà là một truyện ngắn, một truyện ngắn đặc sắc.” Thầy nhắc đi nhắc lại “một truyện ngắn đặc sắc” mà thầy được đọc từ bài viết của một học sinh từ mấy chục năm đi dạy đến nay. Và thầy đã làm copy phát cho cả lớp cùng đọc.
Bài viết nói về ngày K. giã từ Hà Nội. K. nhắc đến bạn bè thầy cô, khí hậu thời tiết, tình cảm của một đứa trẻ trước một chuyến đi sẽ là mãi mãi. Hà Nội trong trí nhớ của một cậu bé 14 tuổi. K. nói đến một cô bé học cùng lớp đã khóc khi chia tay vì gia đình của cô quyết định ở lại. Còn mẹ K. là một phụ nữ xinh đẹp, bà giống như chị của K. hơn là mẹ. K. còn có ông chú là một nhạc sĩ nổi tiếng. Những chiều cuối tuần, bọn tôi thường kéo nhau ra bờ biển nghe ban nhạc của những người di cư chơi các ca khúc của ông. Đó những bài nhạc luôn luôn nhắc về một Hà Nội đã xa, một Hà Nội trong trí nhớ. Những ca từ thấp thoáng trong bài luận của K.
Mẹ K. yêu thương tôi như yêu thương K. Nhờ bà, tôi biết bún chả Hà Nội, canh giò thì là, những món ăn đặc biệt Bắc Kỳ mà trước đó tôi chưa hề được ăn. Về phần mẹ tôi, bà cũng đặc biệt thương K. và bà luôn đem K. ra để làm tấm gương cho tôi soi.
“Học hành như thằng K. mới là học, chớ đâu như mày. Học trò gì mà không bao giờ có một cuốn tập cầm tay.” Có lần bà nói với K., “con nhớ nhắc nhở nó học hành dùm cho mẹ. Mẹ lo cho tương lai nó quá.” Bà giống mẹ của K. gọi bọn tôi là con và xưng mình là mẹ. Thật ra, tôi biết, mẹ tôi chỉ nói thế chứ trong lớp tôi chỉ kém môn Văn chứ các môn khác tôi đâu có thua đứa nào.
Trong khi đó thì mẹ của K. cũng thường nhắc: “Con nhớ bảo vệ K. nhé. Đừng để đứa nào hiếp đáp K. nhé. Con nhé!” Bà nói thế thì tôi nghe thế chớ thật tình K. không hiếp đáp người khác thì thôi chớ làm gì có chuyện người khác hiếp đáp K. Điều đặc biệt là hai bà mẹ của chúng tôi chưa hề một lần gặp nhau.
Năm 1956, gia đình K. dọn vào Sài Gòn, vì bố của K. nhận được một chức khá lớn trong chính phủ. Hôm tiễn K. ra ga xe lửa, mẹ K. ôm tôi nói: “Con có muốn vào Sài gòn sống với K. và mẹ không?” Tôi không biết nói sao. Vào Sài Gòn ở với K. thì được, nhưng tôi sẽ đi học ở đâu? Trường nào sẽ nhận tôi? Nhưng K. vào Sài Gòn được ít lâu thì ông anh tôi từ Ban Mê Thuột cũng được đổi về Sài Gòn làm việc ở Quân Khu Thủ Đô. Anh biên thư về nhà xin phép mẹ cho “nó vào trong này để con dạy dỗ nó, theo dõi chuyện học hành của nó, kẻo nó trở thành bọn đầu đường xó chợ mất.”
Thế là K. và tôi lại gặp nhau. K. ở Chu Văn An học ban C. Tôi vào Petrus Ký học ban B. K. học ban C vì giỏi sinh ngữ, và văn. Tôi theo ban toán và thật tình tôi không ưa chuyện thi phú “vớ vẩn” như tôi vẫn thường nói với K.. Năm Đệ Nhất, K. đã có truyện và thơ đăng báo Hiện Đại của thi sĩ Nguyên Sa. Còn tôi, không có gì kéo tôi ra khỏi những định lý, định đề, những con số và những bài toán khó và …
K. và tôi cuối tuần nào cũng gặp nhau. Mẹ của K. thường hỏi: Tuần này cả nhà ăn gì nào? Bún chả nhé? Có bữa bà nhắc K. hôm nay mẹ có món canh giò thì là đấy, gọi bạn con đến đi.
Trong đầu tôi lúc đó ngoài Euclid, Riemann, Lobatchewsky ra, bao giờ tôi cũng có ý nghĩ là phải làm sao cho trái đất này rung lên, làm sao có thể đi sâu xuống tận cùng dưới đáy đại dương, làm sao bay lên những vì sao, làm sao? Có lúc tôi nghĩ chiến tranh là cần thiết. “Si vis pacem, para bellum.” “Muốn hoà bình phải có chiến tranh.” Tôi ghét những giọt nước mắt. Tôi khinh bỉ sự đau khổ. Còn K.? “Đau khổ là một thứ tình cảm cần thiết. Bất cứ sự đau khổ nào cũng làm cho người ta lớn lên. Chỉ có hạnh phúc làm người ta nhỏ lại.”
Tôi mơ ước mình sẽ trở thành nhà khoa học, và những phát minh của tôi sẽ biến đổi cả thế giới này. Tôi muốn khám phá những bí ẩn của vũ trụ, trong khi K. chỉ muốn khám phá những bí mật của tâm hồn. Có lúc tôi nghĩ ước gì mình có thể chế tạo được chiếc máy “làm ra những nụ cười”. K. thì bảo tôi “cậu là người tưởng tượng giỏi sao không viết văn đi, còn khoa học ấy à, có ghê gớm đến đâu đi nữa cũng chẳng giải quyết nổi được chuyện con người đâu. Thế kỷ này không có Albert Einstein thì thế kỷ khác cũng sẽ có thôi, chứ thế kỷ này mà không có Nguyễn Du thì chưa chắc gì thế kỷ khác sẽ có.”
Chúng tôi càng lớn lên càng thấy mình quá khác biệt nhau, nhưng không hiểu sao chúng tôi bao giờ cũng tìm đến nhau trong những lúc khó khăn nhất. Chúng tôi biết rằng mỗi người chỉ là một nửa của người kia. Phải có một nửa kia, chúng tôi mới hoàn toàn là một con người.

2.
Sau khi tốt nghiệp trung học, mặc dù là con một, K. nhất định thi vào Võ bị Đà Lạt, còn tôi thì vào Văn khoa, ban Triết. Có vẻ như mỗi đứa chúng tôi vẫn đang đi tìm cái mà chúng tôi thiếu hồi thời học trung học. Ra trường K. đi Không quân, tôi vẫn còn được đi học nhờ nhà tôi có cả hai ông anh đều đi lính.
Chúng tôi đang đi tréo đường nhau, nhưng cái khoảng cách giữa chúng tôi dường như bỗng thu ngắn lại. K. khoẻ mạnh hơn, vững chãi hơn. Cái vẻ yếu đuối ngày xưa không còn nữa. Còn tôi thì bắt đầu quan tâm tới thế giới chữ nghĩa, văn chương. Khoảng cách giữa hai chúng tôi biến mất dần nhờ con đường mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
K. yêu một người Trưng Vương, còn tôi làm công việc đi theo bạn đến “chầu” một cô gái ở con đường đầy bóng mát để bạn tôi yên chí lấy tinh thần “nhìn người yêu hững hờ bước đi, mắt không hề ngoảnh lại”. Đó là chữ nghĩa của K. khi viết về N., người mà K. yêu.
Phải nói N. là một cô gái đẹp lạ lùng. Từ cổng trường túa ra, giữa những chiếc áo dài trắng toát, N. nổi bật lên như một ngôi sao. Mái tóc ngắn chải kiểu con trai, hai con mắt to và đen, đôi môi hơi dầy, nhưng chiếc răng khểnh làm cho khuôn mặt của N. trở nên quyến rũ mời gọi. Lần đầu tiên theo K. “chầu N.”, K. vỗ vai tôi chỉ người thiếu nữ xinh đẹp kia và hỏi “cậu thấy con bé đó thế nào?” “Thế nào là thế nào?” Ngay lúc đó, tôi thấy K. đứng bất động nhìn N. đi qua, đi qua như một người lạ mặt. Cho đến khi N. bước lên chiếc xe có tài xế đón, K. mới chịu chở tôi ra về.

N. có biết là K. yêu cô không, tôi không biết. Điều duy nhất tôi biết đó là chưa bao giờ tôi thấy N. dừng chân nói với K. một lời nào.
Gần một năm trời, theo K. chầu N. ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi khám phá ra mình không có người yêu. Không phải vì tôi không muốn yêu ai, nhưng nếu có muốn thì chắc cũng chả có ai yêu mình. Em gái tôi bảo anh học chi cái môn triết học, gàn ơi là gàn, nói năng chẳng ai hiểu ra làm sao cả, đứa con gái nào ngu lắm mới yêu anh. K. bảo “này, cậu bỏ dùm tôi ra khỏi cái đầu rắc rối của cậu mấy ông Jean-Paul Sartre, Martin Heidegger, Emmanuel Kant, và Nít Niết đi,… cho con nhờ tí. Không biết tình yêu à. Thế thì sống để làm gì nhỉ?”
Có lần tôi hỏi K. “Này ông, cứ đứng nhìn người ta như vầy mãi sao? Muốn gì thì nói đi chớ, bạn.” K. bảo “cần gì nói, cứ đứng nhìn thế này là nói rồi. Bây giờ đến lượt cô ấy phải nói chứ tại sao tớ phải nói nhỉ?” K. cười: “Mỗi người đàn bà là một bí ẩn: một giọng nói, một cử chỉ, một niềm im lặng.” Tôi hỏi K. ai đã nói thế? K. bảo thì cái lão Le Petit Prince đã nói thế. K. gần như thuộc nằm lòng những câu của St. Exupéry trong cuốn Le Petit Prince. Tôi hiểu tại sao anh chọn binh chủng không quân. Có lần K. nói K. mơ ước được sống và chết như St. Ex. Sống như một nhà văn, chết như một phi công. Thời gian đó ở Sài Gòn, người ta vẫn hay nói một câu rất thời thượng của St. Ex: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng.”
Mối tình thầm lặng ấy của K. kéo dài bao lâu, tôi không nhớ. Có thời gian K. đổi đi Cần Thơ, rồi ra Nha Trang. Sau đó là Đà Nẵng và mất liên lạc. Còn tôi, sau chín tuần ở Quang Trung, chuyển qua Thủ Đức. Ra Vùng Một chiến thuật. Bị thương nhẹ trong một vụ đụng độ, rồi may mắn được trở lại Sài gòn. Đơn vị 3 Quản trị. Tôi trở lại nhà trường.
Tôi vẫn chưa có người yêu.

3.
Nhiều năm sau, gặp lại K. tại quán Cái Chùa Sài Gòn, chúng tôi đã không còn trẻ nữa. Mẹ tôi đã qua đời. Mười ba anh chị em trong gia đình tôi đã ly tán. Hai ông anh tôi một chết mặt trận Đông Hà, một là thương phế binh. Bà chị tôi lấy chồng bỏ quê hương đi xa. Tôi hỏi K. “lâu nay có gặp N. không, cô ấy bây giờ ra sao?” K. cười: “Có, thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau… Cô ấy đã lập gia đình.” “Thế những điều ông định nói với cô ấy đã nói được chưa?” “Chưa. Vả lại, nếu nói thì nói trước khi người ta lấy chồng, chứ bây giờ còn nói gì.”
Đó là lần sau cùng tôi gặp K. Bởi vì anh đã chết trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam. Người ta đưa xác K. về nhà anh ở Phú Nhuận trong những ngày tháng Ba, Bảy Lăm, những ngày mở màn cho một Sài Gòn bắt đầu hỗn loạn. Suốt mấy ngày liền, tôi ở nhà K., ngồi bên quan tài anh. Mẹ K. già sụm thấy rõ. Cụ ôm tôi khóc, gào lên; “Con ơi là con. Sao con bỏ mẹ mà đi thế này!” Bức ảnh của K. rọi lớn đặt trên bàn thờ. Đôi mắt sáng. Nụ cười buồn. Một khuôn mặt “bô” trai. Những người sĩ quan đứng bên quan tài anh đổi phiên nhau.
Sáng ngày động quan, bất ngờ tôi thấy một thiếu phụ bước vào. Chiếc áo dài màu trắng, hai con mắt to và đen, chiếc răng khễnh. N. đến trước mặt tôi chào hỏi như một người quen đã lâu không gặp. Tôi đưa cho chị cây nhang. N. chắp hai tay đưa cao lên trán, đứng lặng hồi lâu. Tôi có cảm tưởng là lâu lắm. Và khi chị bỏ tay xuống xá mấy xá trước khi quỳ lạy trước quan tài K. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của chị. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên một khuôn mặt xanh xao. Tôi thấy như mình đang đứng với K. ngày nào trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy bóng mát, nhìn xéo qua cổng trường Trưng Vương. Con đường cắt đôi, một bên là Thảo cầm viên và một bên là ngôi trường của N. Và người thiếu nữ với mái tóc cắt ngắn, hai con mắt to và đen, chiếc răng khểnh đang bước đi, đầu ngoái lại nhìn chúng tôi với một nụ cười buồn. Tôi nhớ câu của St. Ex có lần K. nói: “C’est tellement mystérieux, le pays des larmes.”
Mối tình ấy có thật không hay chỉ là trong trí tưởng của tôi?

* Antoine de Saint-Exupéry, [1900-1944] nhà văn phi công Pháp, tác giả Courrier Sud [1929], Vol de Nuit [1931], Terre des Hommes [1939], Le Petit Prince [1943], …

30 năm nhìn lại…nền văn học Việt Nam hải ngoại

Thử đọc lại những bài thơ của Cao Tần* và những lá Thư Nhà của Võ Phiến, những bài thơ Thanh Nam, Nguyên Sa, Viên Linh, Du Tử Lê, … những dòng chữ đầu tiên viết trong đợt di tản đầu tiên của người Việt trên đất mới, rồi sau đó là Mai Thảo, Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Tháo Trường, Tạ Tỵ, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Tô Thuỳ Yên, Thanh Tâm Tuyền, và những đợt người vượt biên ào ạt cao độ vào những năm 80, những chuyến bay ODP đoàn tụ gia đình và H.O. mang theo dần dần từng đợt những người viết Sài Gòn còn lại…. mang theo những trang viết nóng hổi của một thời sự lao khổ, lao tù và phân biệt….

Giờ đây, trong khi Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Đặng Tiến, Lê Tất Điều, Viên Linh, Bình Nguyên Lộc, Duy Lam, Thế Uyên, Hà Thúc Sinh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Văn Sâm, Kiệt Tấn, Luân Hoán, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Phan Nhật Nam, Hồ Trường An, Trần Doãn Nho, Ngô Thế Vinh, Khế Iêm, và ….., đang bắt đầu lơi tay “chấm bút vào một lọ mực chữ nghĩa đang cạn dần theo thời gian, thì người ta có thể đọc Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Danh Bằng,…. [ở Mỹ], Trần Vũ, Mai Ninh, Liễu Trương, Thuận… [ở Pháp], Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc [ở Úc], Lê Minh Hà, Hoàng Nga [Đức],… những cây bút sâu sắc và đầy sức sống cùng một loạt những người viết mới không viết trực tiếp bằng tiếng Việt mà bằng tiếng bản xứ: Kim Lefèvre [Métisse Blanche], Linda Lê [Voix], ở Pháp, Nguyễn Quí Đức [Where the Ashes Are…], Lan Cao [Monkey Bridge], Đinh Linh [Diorama, Drunkard Boxing…], Monique Truong [the Book of Salt], le thi diem thuy [The Gangster We Are All Looking For], Mộng Lan, [Song of the Cicadas], Andrew Pham [Catfish and Mandala], Andrew Lam [Forever Tigers, Drinking Tiger Soup…], Kien Nguyễn [The Unwanted, Tapesteries, The Colonial]….

Giữa hai lớp người này là những nhà văn bản lề: Võ Đình, Nam Dao, Thuỵ Khuê, Phùng Nguyễn, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm, Trang Châu, Nguyễn Ngọc Ngạn, Song Thao, Cao Xuân Huy, Lâm Chương, Mặc Bích, Đặng Thơ Thơ, Nguyên Hương, Vi Khuê, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Thị Thảo An, Thu Thuyền, Nguyễn Thị Thanh Bình, Hoàng Thị Bích Ti, Trần Diệu Hằng, Vũ Quỳnh Hương, Trân Sa, Miêng, Đặng Mai Lan, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Võ Kỳ Điền, Mạch Nha, Đỗ Quỳnh Dao, Cổ Ngư, Trần Thị Diệu Tâm, Trần Mộng Tú, Lê Thị Thấm Vân, Lê Thị Huệ, Phạm Ngọc, Đức Phổ, Trương Anh Thụy, Hoàng Mai Đạt, Thận Nhiên,…. mà tác phẩm của họ đã là và đang là một đóng góp to lớn hình thành nền văn học hải ngoại.**

Toàn bộ những tác giả đó đang, hay đã có một thời sung sức, nhưng dường như chưa thấy một tác giả nào ngoài Trần Vũ, và Võ Đình có thể cho nổ một bộc phá làm vỡ tung con đường mà những người trước đã đi….

Người ta hỏi văn học haœi ngoại sẽ đi về đâu sau 30 năm?

Tất nhiên đó là câu hỏi không dành cho những người viết văn bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh – giống như trường hợp các nhà văn Phạm Duy Khiêm, Phạm văn Ký, Cung Giũ Nguyên,… trước đây – và những Monique Truong, le thi diem thuy, Andrew X. Pham,… hiện nay – họ đi thẳng vào chính mạch, nhưng liệu có thể gọi họ là nhà văn Việt Nam được không?

Nhiều người nhắc đến hiện tượng lão hoá trong văn học Việt Nam –như Nguyễn Mộng Giác đã có lần nói trong tạp chí Văn Học, thời ông chủ trương**** – theo đó, văn học hải ngoại không được tiếp nối tiếp sức bởi người trẻ.

Còn trong nước thì sao?

Sau Nguyễn Huy Thiệp [Tướng Về Hưu,…], Phạm Thị Hoài [Thiên Sứ, Ma-ri Sến,….nay đã sống tại Đức, chủ trương mạng Talawas], người ta thấy Tạ Duy Anh [Bước Qua Lời Nguyền], Bảo Ninh [Nỗi Buồn Chiến Tranh],….là hết.

Trên Evăn [21/01/2005], ông Nguyễn Hoà, dưới tựa đề Văn Chương Việt Nam 2004 –Oằn Mình Giữa Nhập Nhoà Cũ Mới – cho rằng “’Cái mới’ đang là khát vọng với những chấm phá chưa định hình, và ‘cái cũ’ hằng ngày vẫn ám ảnh đâu đó trong sự vận hành của từng cây bút – đó là tình trạng mà mấy năm rồi, văn học Việt Nam đang cố gắng vượt qua để chuyển mình đổi mới. Văn học năm 2004 cũng vậy, nó ‘nhập nhoà’ giữa sự ra đời của những tác phẩm, những sự kiện khiến người ta vừa có điều gì đó để hy vọng, vừa khiến người ta không khỏi lo âu.” Dù vậy, bài viết của ông đã đưa ra một cái nhìn lạc quan vào văn học Việt Nam [trong nước] khi ở cuối đoạn ông gọi bài viết Hoa Thủy Tiên của Nguyễn Huy Thiệp là “mục hạ vô nhân”, gọi Thiệp là “nạn nhân đáng thương của tham-sân-si.” Ông Nguyễn Hoà cho rằng ông nhận thấy [ở Việt Nam] “đã có những tín hiệu mới xuất hiện trên một số phương diện của văn chương, văn học….”

Nhưng chỉ bốn ngày sau, cũng trên mạng Evăn [25/01/2005], ông Đỗ Ngọc Yên, – dưới tựa đề Đời Sống Văn Học 2004 –Mừng hay Lo? – đã không chia xẻ ý kiến đó. Ông viết: “Nhìn lại đời sống văn học nước nhà trong năm 2004, nhiều người trong giới sáng tác, phê bình cho rằng nó mới đáng buồn làm sao. Dường như cả năm không hề có một hiện tượng văn học nào để lại dư âm trong lòng công chúng.” Ông cho biết thơ thì in ra “chủ yếu là để tặng bạn bè”, còn văn xuôi thì “dường như mất mùa.”

Cách đây 2 năm, nhà văn Nguyên Ngọc từ trong nước qua Mỹ đã đưa ra một nhận định: ““Từ sau năm 1975, và kéo dài cho đến gần chục năm… văn học Việt Nam bỗng nhiên rơi vào trong một tình trạng bất ngờ: nó mất hẳn độc giả. Người ta viết nhiều hơn, các nhà văn có bao nhiêu thuận lợi mới so với thời chiến tranh: thời giờ nhiều hơn, không còn ác liệt căng thẳng, vốn tích lũy trong cuộc chiến tranh dài rất phong phú, lại được mở mang giao lưu trong ngoài… Song sách in ra nhiều nhưng lại ế hẳn đi. Người đọc quay lưng lại với văn học trong nước, người ta chỉ còn đọc sách nước ngoài, và đọc văn học… cổ.” (“Văn xuôi Việt Nam hiện nay…” bài đăng lại trong Nhịp Sống số 9, 2004, trang 83)

Nếu gọi nền văn học hải ngoại sau 30 năm đang ở tình trạng lão hoá thì văn học trong nước với trên 80 triệu người, đọc và viết tiếng Việt, hiện tượng buồn thảm ấy sẽ gọi là gì?

 

***

Phụ đính:

Căn nhà năm cũ

Lên khỏi con dốc ngắn , Trâm giảm bớt tốc độ , rồi lái qua trái để rẽ vào bãi đậu nằm trước dãy phố buôn bán của khu chung cư. Chị thong thả bước xuống xe và đứng ngắm mấy cửa hiệu . Những căn nhà một tầng sơn màu hồng nhạt như đang chờ đợi chị , chào mừng Chị , gần gũi và thân mật. Chị có cảm tưởng như mình chưa bao giờ rời khỏi nơi này, và chiều nay , cũng như mọi buổi chiều khác của những năm tháng trước, khi đi làm về , Chị ghé vào siêu thị để mua thực phẩm cho bữa cơm tối. Trâm nhìn kỹ lại. Chi nhánh ngân hàng Wells Fargo , tiệm giặt ủi , phòng du lịch , tiệm hớt tóc , tiệm bán rượu , tiệm bánh ngọt … vẫn còn đó với những đường nét , màu sa (‘c hầu như không thay đổi. Cả bầu không khí thương mãi cũng y nguyên như ngày trước . Nó vẫn thanh tĩnh , hiền hòa , không rộn rịp , tưng bừng như ở những nơi khác . Dưới ánh nắng dìu dịu của một chiều đầu xuân , như những kẻ nhàn du , vài ba khách bộ hành lặng lẽ lướt qua trước các cửa hàng.

Trâm cũng chậm rãi , ung dung cất bước. Chị tự cho mình cái quyền được nghỉ ngơi , ít ra là trong giờ phút này . Sau một năm làm việc không ngừng tại một bệnh viện , Chị vừa xin nghỉ một tuần , và chiều nay , Chị quyết định trở về thăm căn nhà mà hai năm trước Chị đã thuê trong cư xá này . Hành động ấy thật đơn giản và dung dị , nhưng tại sao Chị cứ chần chừ mãi , và đợi cho đến chiều nay Chị mới thực hiện được? Cũng không phải vì Chị quá bận rộn hay lười biếng . Chị vẫn nghĩ rằng sớm muộn gì Chị cũng phải , dù chỉ một lần , trở lại chốn cũ để thỏa mãn một nhu cầu tình cảm . Nhưng Chị ngần ngại vì chưa muốn thử thách mình . Nhưng chiều nay , chiều nay …

Từ ngày , vào một buổi sáng hè , lúc thành phố vừa tỉnh giấc trong màn sương trắng đục , Chị dọn bàn ghế , áo quần , sách vở … ra khỏi những bức tường vàng nhạt của căn nhà , Chị không bao giờ quên nó . Chị mến cái không khí yên tĩnh của khu vực này , thích căn nhà xinh xắn nhìn ra một bãi cỏ rộng và gồm một phòng ngủ vừa đủ cho hai Vợ Chồng son và một phòng khách rộng rãi . Khu chung cư rộng lớn này thuộc quyền sở hữu của một công ty . Chị chỉ cư trú ở đây trong một thời gian rồi ra đi . Nhưng giữa Chị và căn nhà thuê có một sự gắn bó mật thiết . Chị đã sống ở đây sáu năm , kể từ ngày lập gia đình với Mẫn , sáu năm vui tươi và đầm ấm của đời sống lứa đôi . Chiều nay , Trâm hy vọng tìm lại hương vị của những ngày cũ hình như đang phảng phất đâu đây .

Chưa muốn hướng về phía bãi cỏ để đến căn nhà cũ , Trâm bước lên mấy bậc cấp và đi dọc theo vỉa hè dài trước mấy căn phố nối liền nhau . Chị bỗng ngạc nhiên không tìm thấy tiệm thuốc Tây quen thuộc ở địa điểm cũ . Thay vào đó là một gian hàng cho thuê phim truyện và ba (ng video nằm sau một tấm bảng hiệu lớn và những tấm quảng cáo nhiều màu sặc sợ Những cảnh trong phim , những bức chân dung phóng đại của các diễn viên được dán đầy trên tấm kính rộng của mặt trước gian hàng . Những hình ảnh lộ liễu , những màu sắc lòe loẹt ấy ngày trước không có ở đây . Chúng không thích hợp với môi trường trầm lặng cố hữu của khu vực này . Và chúng như muốn lôi kéo Trâm đến một nơi khác ồn ào hơn , náo nhiệt hơn .
Tiệm thuốc Tây thanh lịch đã biến mất rồi . Không còn mấy tủ kính kê sát tường với những hộp thuốc xếp ngay ngắn trên những ngăn dài . Cũng không còn những chiếc tủ thấp nằm ở giữa phòng và bày bán mỹ phẩm và nữ trang . Và nhất là không còn mùi nước hoa quyến rũ tỏa ra khắp phòng như hương thơm huyền hoặc của hoa dạ lý . Trâm cảm thấy như vừa đánh mất một vật quý giá liên hệ đến một quãng đời của mình . Mùi hương không thay đổi của hiệu thuốc Tây đã bền bĩ thấm vào những ngày Chị sống trong chung cư này . Nó đã trở thành một biểu tượng của quá khứ. Như một cánh chim trời , nó đã tung cánh bay xa , đã mất hút hẳn rồi .
Trâm bỗng giật mình lo sợ và bất giác đứng hẳn lại . Nếu Chị không bắt gặp được những hình ảnh , màu sắc và hương vị cũ , và nếu khung cảnh của căn nhà cũng đổi khác , thì Chị khó mà tìm lại vang bóng của những ngày qua, sẽ không tái tạo được bầu không khí cũ , không sống lại những cảm xúc của một thời . Chị sẽ bị hụt hẫng và lạc lỏng trong một không gian mới : Chị sẽ không đạt được mục đích chiều nay của Chị . Chị xót xa cố gắng hình dung lại quá khứ , cái quá khứ nhỏ nhoi của riêng Chị . Chị thường bám víu vào nó . Nhưng chiều nay , chiều nay …

Trâm chưa thất vọng . Chị sẽ vận dụng khả năng hồi tưởng . Ánh nắng nhạt chiều xuân , mấy đám mây xám đang dàn mỏng ra , cơn gió nhẹ đưa như vuốt ve đôi má Chị , tiếng xe hơi chạy rì rầm ngoài đại lộ 38 … tất cả chắc hẳn sẽ tác dụng vào tâm trí Chị , và sẽ khuyến khích Chị . Trâm lại cất bước . Chưa vượt qua hết hiệu cho thuê phim , Chị đã nhìn thấy cái công viên nhỏ nằm giữa gian hàng này và dãy siêu thị ở cuối dãy phố . Vẫn mặt nền rải sỏi đỏ , vẫn mấy gốc tùng xanh tươi quanh năm, mấy chiếc ghế xi măng xám và hai máy điện thoại công cộng gắn vào bức tường ngoài cửa siêu thị . Chị bỗng thấy an tâm . Con đường hẹp và ngắn trong công viên có vẻ mời mọc và như muốn níu chân Chị lại . Nhưng Trâm tiếp tục đi qua siêu thị để đến bãi cỏ dài của công viên chia đôi khu chung cư .
Trâm chọn một cái ghế xi măng kê ở cuối bãi cỏ , gần một cột đèn điện. Bên kia con đường , ngay trước mặt Chị , là căn nhà cũ của Chị. Nó bình thản đứng đó , sau một cây hoa chổi đã bắt đầu nở những chùm hoa đỏ tươi . Nó là căn giữa của một đơn vị hai tầng gồm bốn căn . Tường vẫn giữ nguyên màu vàng nhạt . Cánh cửa ra vào vẫn mang con số 32 bằng đồng . Hai chậu hồng nhung với những đóa hoa đỏ thắm được đặt hai bên tam cấp dẫn vào nhà . Qua tấm màn ở phòng khách đã được cuốn lên , Trâm nhìn thấy một tủ kính cao và một bức tranh lớn treo trên tường .

Sau tấm cửa gỗ màu nâu ấy , sau khung cửa kính trong suốt ấy , Trâm đã trải qua những năm tháng quan trọng của cuộc đời mình . Chính trong thời gian cư ngụ trong căn nhà này , Chị đã tốt nghiệp đại học , đã đi làm và đáng ghi nhớ hơn hết , Chị đã bắt đầu sống với Mẫn . Mẫn không phả i là người yêu thứ nhất của Trâm . Nhưng Anh hiểu Trâm hơn ai hết . Anh có cái nhìn xoáy sâu vào lòng người và rất nhạy cảm với tâm sự của bạn bè . Có một quan niệm phóng khoáng về cuộc đời , Anh rất có độ lượng . Nhưng đối với Trâm , điều đáng kể hơn cả là , giữa cuộc sống phức tạp trên đất Mỹ , Trâm tìm thấy ở Mẫn một niềm tin tưởng . Bên cạnh Mẫn , Trâm cảm thấy an tâm , như một con tàu nằm yên trong một vịnh kín đáo , mặc cho sóng gió gào thét và đe dọa ở ngoài đại dương . Tháo vát , Mẫn đã giúp Trâm giải quyết những khó khăn lớn nhỏ của cuộc sống , từ việc mua sắm đồ dùng trong nhà cho đến việc chọn một nghề thích hợp . Và Trâm đã dựa vào Mẫn , sống bám vào Mẫn. Cùng với Mẫn , Chị lao vào dòng đời , sôi nổi sống, như không muốn để mất một giây phút nào .

Lách ra khỏi một đám mây bồng bềnh , mặt trời từ từ nghiêng xuống sau dãy nhà dài . Gió đã trở lạnh . Trong công viên , vài cụ già đang đi bách bộ . Cuối con đường nhỏ rạch đôi bãi cỏ, một người đàn ông đứng tuổi ôn lại mấy động tác của một bài thái cực quyền . Xa hơn chút nữa , vài ba em nhỏ nhanh nhẹn đuổi theo một quả bóng .
Nghe tiếng giày giòn giã bước nhanh , Trâm quay nhìn về bên tráị Một dáng người quen thuộc tiến đến gần . Trâm vụt đứng lên:
– Wendy !
Hai người ôm chầm lấy nhau , bốn cánh tay xiết chặt người nhau . Wendy tươi cười :
– Lâu lắm mới gặp lại Chị .
– Chị bình an chứ ?
– Cũng thường .
– Chị tiếp tục ở trong cư xá nàỷ Vẫn căn nhà 34 ?
– Vâng . Ở đây quen rồi , không muốn dọn đi nơi khác .
– Còn phòng uốn tóc và làm móng tay ?
– Tôi vẫn duy trì tiệm ấy ở đường Irvine .
– Và ông xã ?
– Anh ấy được chuyển qua làm việc cho một khách sạn ở Oakland. Năm ngoái , bọn tôi có thêm một cháu trai .
– Mừng cho Chị . Thế là hai đứa rồi . Ðã đủ chưa ?
– Một trai , một gái là vừa đủ rồi .

Trâm nhìn kỹ Wendy . Vẫn dáng người cao , mảnh khảnh với nước da trắng và đôi mắt nhỏ lanh lợi . Wendy già hơn trước , nét mặt khô cứng lại , vết nhăn hai bên mũi trông rõ và sâu hẳn ra. Trâm hỏi tiếp :
– Chị có tin nhà từ Ðài Loan không ?
– Cám ơn Chị . Gia đình được bình an . Mẹ tôi sắp qua đây chơị
– Thế thì hay lắm. À, bà Vicky còn ở đây không ?
– Chị không biết saỏ Bà ấy mất đã gần một năm rồi . Bị ung thự Tội nghiệp ! Ngã bệnh được hơn sáu tháng thì mất . Bà ấy thật vui tính . Hồi trước , cũng quen thân với Chị lắm .
Trâm bàng hoàng nhớ lại mái tóc bạch kim óng ả , giọng nói sang sảng và lối kể chuyện dí dỏm của bà Vicky . Hai Vợ Chồng Trâm đi làm suốt ngày , nên Trâm thường nhờ bà nhận dùm các bưu kiện . Mỗi lần Trâm đi làm về , bà đem gói hàng qua cho Trâm :
– Tôi có quà cho Chị đây .
Bỗng Wendy nắm lấy tay Trâm :
– Xin lỗi Chị , tôi phải đi đón cháu nhỏ . Lần sau , mời Chị ghé lại nhà chơi , chúng mình sẽ nói chuyện nhiều .

Wendy đi rồi , Trâm cảm thấy nhẹ nhỏm : người bạn hàng xóm ngày trước ấy không nhắc nhở gì đến Mẫn . Trong lúc vội vàng , Chị ấy quên không hỏi đến hay Chị ấy tế nhị …
Bóng chiều phủ xuống bãi cỏ rộng của công viên và như trìu mến ôm lấy hai vai Trâm . Chị quay lại và ngồi trên chiếc ghế xi măng , nhắm mắt lại . Trong tiếng xe từng đợt vang vọng ngoài đại lộ , trong tiếng gió hiu hắt , những hình ảnh cũ lần lượt kéo về , chập chờn trong ký ức . Ngôi nhà cổ kính thiếu ánh sáng ẩn mình trong một khu vườn rậm rạp dưới những trận mưa dài lê thê trong mùa đông rét mượt của xứ Huế . Ngôi biệt thự màu hồng sáng lên sau đám lá xanh mướt của mấy cây thông già hùng vĩ trên một ngọn đồi Ðà Lạt . Ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm sâu trong một con hẻm nối liền với đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn . Và khu cư xá yên tĩnh này … Những hình ảnh ấy sáng chói lên , rõ nét dần trong đầu Chị và kéo theo những mẫu đời ngày trước . Những ngày đầm ấm và êm ả giữa đại gia đình ; những ngày ảm đạm đầy lo âu của giai đoạn mới định cư trên đất nước này và những ngày rực rỡ như ánh nắng hè của mối tình sôi nổ i đưa đến hôn nhân … Rồi sau đó … Trâm úp mặt vào hai bàn tay mở rộng , đầu cúi xuống . Những chuỗi hình ảnh Chị vừa gợi lên bỗng chìm sâu vào một màn đêm âm u . Chị không đuổi theo kịp nữa . Chị cố gọi về trong tâm thức nhưng không thể nào phục hồi và cho thấm vào giác quan cái hương vị đằm thắm của hiệu thuốc Tây , hương vị của những năm tháng Chị sống trong cư xá này . Wendy đã có thêm một đứa con . Bà Vicky đã hoàn tất cuộc hành trình cuối cùng trên trái đất này . Nhưng còn Trâm?

Chị bỗng rùng mình lo sợ , lo sợ cho ngày mai của mình . Thực tế chua xót đã trở về với Chị . Nhưng Chị muốn chiếu thẳng cặp mắt mình vào mặt nó . Trâm ngẩng đầu lên , cố nhìn lại căn nhà cho thật kỹ , như để thách thức nó . Trong khoảnh khắc, nó hiện ra rõ nét trong bóng hoàng hôn xám đục rồi đột ngột bốc cháỵ Ngọn lửa lan rộng ra , bùng lên cao, nửa vàng nửa đỏ , sáng rực và nóng gắt . Có lúc nó muốn vượt qua mặt đường và ôm trùm lấy Trâm . Ðất đá ầm ầm phun lên như từ một ngọn hỏa diệm sơn vừa phát nổ . Một lát sau , chỉ còn lại một đống tro bụi và gỗ đá phủ đầy mặt cỏ. Trong hai năm vừa qua , lạc loài trong cuộc sống , Trâm cố gắng chấp nhận nó và vươn lên khỏi nỗi đau khổ của mình . Nhưng chiều nay , Chị như bơ vơ trong một sa mạc khô cằn , đầy ác ý và cạm bẫỵ Chị nhắm mắt lại và muốn quên , quên tất cả . Nhưng Chị biết rằng Chị nhớ rất rõ , nhớ tất cả .

Chính trong căn nhà đổ nát , cháy tàn rụi này , Mẫn đã bỏ Trâm trơ trọi một mình , ra đi với một người đàn bà khác , một người bạn thân của Trâm …

Chuyện kể trên đồi cam

1
Cuối mùa hè rồi, tôi đem đứa con gái nhỏ xuống Cali. Thật ra, có lẽ tôi phải nói là dọn sang Cali mới đúng. Con tôi năm nay được tám tuổi. Bataan nói với tôi là con nhớ mẹ. Tôi hiểu điều đó nhưng đành chịu, không biết cách nào giải thích cho con.
Bataan là đứa con duy nhất của chúng tôi. Tôi lấy Nga cuối năm bẩy chín sau khi ở trại học tập cải tạo ra. Nga là em gái của một người bạn cùng trại tù với tôi. Anh ấy tên Ðông… Ðầu năm bẩy chín tôi bị đưa về Hàm Tân rồi được thả, còn Ðông bị đẩy ra Bắc.
Tôi đến thăm gia đình Ðông ngay khi ra khỏi tù. Ba má Ðông đã già. Ðó là một gia đình người Nam, rất Nam kỳ quốc. Lần đầu tiên gặp ba Ðông, tôi thấy ông mặc một bộ đồ bà ba trắng, đeo kính lão loại tròn như hai chữ O, thòng xuống sống mũi. Ông ưa nói chuyện thời sự thế giới và tình hình chính trị hơn là hỏi về con trai mình. Má Ðông thì rất ít nói. Bà chỉ lặng lẽ khóc khi dọn cơm cho tôi ăn và gợi tôi kể chuyện tù, thỉnh thoảng hỏi đôi câu về đời sống tù của Ðông. Bà nhắc những tật của Ðông như nói lắp, ưa cãi và làm biếng. Tôi cho bà biết Ðông tuy bệnh nói lắp vẫn còn, nhưng không phải là người ưa cãi. Anh ấy nhiều lúc im lặng như hòn đá. Còn cái tật làm biếng thì anh ấy nổi tiếng khắp trại. Ðông chỉ hay nói một câu mà tôi còn nhớ đời ”Cái ông gì gì đó cho rằng nếu phải nhổ một sợi lông chưn mà làm thay đổi cả thế giới thì ổng cũng không nhổ. Còn tao, thế giới nó đang thay đổi tao, mắc mớ gì tao phải nhổ lông chưn chớ!” Tôi được ăn một bữa cơm gia đình ngon không thể tưởng. Món mắm và rau của người Nam, tôi đã từng nhiều lần thưởng thức, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ngon như hôm đó. Có lẽ thấp thoáng giữa câu chuyện trong tù- ngoài đời, tôi được hỗ trợ bằng đôi mắt trong sáng của Nga. Nga lúc đó mới mười tám tuổi, còn tôi đã ba mươi. Một tháng sau, chúng tôi lấy nhau.

2
Ðầu năm tám mươi chúng tôi vượt biên. Vàng bỏ ra mua chuyến đi cho hai đứa là của gia đình Nga. Tôi có gì đâu. Cuộc hải trình rất là thuận buồm xuôi gió. Chúng tôi đến Phi Luật Tân, lên đảo Palawan, sau đó chuyển sang Bataan.
Tại đây Nga sanh cháu gái mang tên của trại tạm cư này. Chưa đầy một năm sau chúng tôi đi Mỹ. Người bảo trợ có bà con xa bên phía tôi. Nga chỉ muốn đi Mỹ, chớ không chịu đi Pháp, mặc dù Nga còn có mấy ông anh bà chị đi du học bên đó từ trước bẩy lăm.
Suốt gần bảy năm trời ở Virgina, tôi chỉ có một địa chỉ duy nhất, đó là căn nhà thuê trên đường Năm Mươi, thành phố Falls Church. Tôi làm đủ thứ nghề, nhưng không nghề gì ra nghề gì. Từ ”nghề” (tôi sợ mình lạm dụng chữ nghề này lắm) đi nhét giấy quảng cáo bán nhà cho một cơ sở địa ốc, cho đến ”nghề” thợ sơn, ”nghề” thợ điện vịn, ”nghề” lau chùi các cửa hàng trong khu thương xá người Việt, ”nghề” hầu bàn cho một tiệm ăn Tàu… ” nghề” gì tôi cũng làm. Tôi vẫn nghĩ bụng, tưởng đã chết rục trong tù, sống thế này đã là hạnh phúc lắm rồi! Chỉ có một điều cần làm là đi học ngay tiếng bản xứ thì tôi lười biếng. Có thể tôi vốn là thằng sợ chữ nghĩa. Từ nhỏ tới giờ tôi chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách mà không ngủ gà ngủ gật. Nga trông cháu Bataan khi tôi đi kiếm tiền và khi tôi trở về mệt mỏi với những thứ công việc tay chân thì cô ấy giao cho tôi một công việc nhẹ nhàng khác là giữ con cho cô đi học. Nga học giỏi, đọc báo đọc truyện một cách say mê, nói tiếng Anh lưu loát, hội nhập đời sống Mỹ nhanh. Cô tốt nghiệp ngành điện toán về thảo chương trình. Ðó là Nga dịch ra cho tôi như vậy về chữ Computer Programmer.
Căn nhà chúng tôi ở ngó ra đường Năm Mươi. Ðó là một con đường khá nhộn nhịp. Nó chạy thẳng qua thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, nơi mà tôi đã từng nghe tiếng khi còn ở Sài gòn. Hai cha con tôi lúc rãnh rỗi có dịp vào xem các viện Bảo tàng Mỹ thuật. Hoa Thịnh Ðốn vĩ đại với những tượng đài và cả lịch sử hình thành của nó. Con sông Potomac mùa đông đóng băng. Chim chóc đi lại trên đó như đi trên đất liền. Mùa thu ở Virginia thì khỏi nói. Nó còn đẹp hơn trong tranh vẽ nữa kìa.

3
Nga là một người vợ dễ thương. Cô ấy ít nói. Tôi thích người đàn bà ít nói. Cô ấy lại dịu dàng, chiều chồng và thương yêu con. Bao giờ cũng vậy tủ lạnh nhà tôi đầy bia và đồ nhậu. Nga không bao giờ để tôi phải đòi hỏi một thứ gì. Mà thật ra tôi không biết mình muốn gì để mà đòi ngoài tình yêu của vợ con. Tôi đang có một đời sống thần tiên so với những ngày trong tù cải tạo. Tôi tự do đi đứng. Tôi lao động có tiền, dù là số tiền ấy hơi khiêm tốn. Tôi có trong tay một người đàn bà thông minh, xinh đẹp và dịu dàng. Và tôi còn có một đứa con gái ngoan. Bataan luôn miệng nói con yêu cha nhiều hơn yêu mẹ.
“Tại sao?”
“Không biết!”
Bataan trả lời bằng tiếng Mỹ, lên giọng xuống trầm êm tai lắm.
Sau cùng Nga cũng tìm được một việc làm ở bên Ði Xi. Một việc làm nhẹ nhàng nhưng lương bổng hậu. Người chủ đối xử với Nga khá tốt. Nga ăn mặc rất hợp thời trang. Tôi có cảm tưởng như mỗi ngày Nga một đẹp hơn. Cái cảm tưởng ấy càng làm tôi thấy mình hạnh phúc hơn.
Ở Hoa Thịnh Ðốn có nhiều người da đen nghèo. Mùa đông năm rồi, có một người da đen nằm chết cóng trong nhà lồng bằng sắt giữa một công viên đầy hoa ngay phía trước Tòa Bạch Ốc. Nhưng một số người Ðại Hàn và cả người Việt Nam nữa thì lại khá thành công về mặt thương mãi. Lương bỗng thì ai cũng rõ, Nga hơn tôi nhiều. Tay hòm chìa khóa cô ấy nắm hết. Ðôi khi Nga đùa nói với tôi lương anh không đủ cho en mua son phấn quần áo. Tôi chỉ biết cười.
Tôi đi lính năm hai mươi tuổi. Ở tù bốn năm, lấy vợ khi chẳn cái tuổi ba mươi. ” Tam thập nhi lập”, cha tôi hay nói như vậy. Nhưng tôi có ”lập” được cái gì đâu. Những ngày ra tù sống lông bông lêu bêu trên hè phố nhiều hơn là trong nhà. Không có ”hộ khẩu” không có công ăn việc làm. Tôi là kẻ sống ngoài lề xã hội mới. Công an phường đưa giấy cho tôi, bắt đi kinh tế mới. Kinh tế mới? Ðó là những căn chòi xác xơ, nằm bên một con kinh đào khô nước. Nhìn quanh quất tứ bề chỉ thấy khổ nhục. Ngay cả những nụ cười cũng chỉ là gượng mà thôi.
Gia đình Nga đã cho tôi một đôi đũa thần tiên là Nga. Tôi bỏ lại sau lưng cuộc chiến tranh mà tôi đã từng tham dự. Tôi xin Nga hai tháng một lần cho tôi đóng thùng quà gởi về cho Ðông hiện đang ở trong một trại cải tạo trong Nam. Nga không phản đối (tất nhiên Ðông là anh ruột cô ấy chớ đâu phải anh ruột tôi) nhưng cô ấy có vẻ không vui. Tôi thì tứ cố vô thân. Gia đình không còn ai. Cha mẹ tôi đã chết từ năm Bẩy Hai. Tôi còn một bà chị, nhưng chị đã biệt tích từ năm Bảy Lăm.

4
Một buổi tối cuối tháng Tám, tôi từ sở làm trở về (tôi đang làm việc lau chùi một khu thương xá người Việt có tên là Eden), Nga đón tôi ở cửa. Cô ấy ăn mặc đẹp và gọn như một người chuẩn bị đi xa. Tôi ngạc nhiên lắm. Nếu có người nào tình cờ thấy hai chúng tôi có lẽ họ khó mà nghĩ chúng tôi là một cặp vợ chồng. Tôi xuề xòa quá. Mà không xuề xòa cũng không được. Ði lau chùi sàn nhà, cửa kính cho người ta mà ăn diện như làm thư ký văn phòng thì coi sao phải, nhưng rõ ràng là Nga ăn mặc đẹp hơn thường lệ. Mà thường ngày thì cô ấy cũng đã diện lắm rồi. Áo quần, giầy dép vòng đeo bông tai, nước hoa, không thứ nào có trên người Nga mà không phải loại khá đắt tiền. Hôm nay Nga như một người mẫu trong một buổi trình diễn thời gian.
“Em muốn nói chuyện với anh”
Nga đặt cả hai tay lên vai tôi, nhìn thẳng vào mặt tôi nói nhỏ nhẹ có phần âu yếm hơn thường lệ.
“Em làm gì mà quan trọng dữ vậy?”
Tôi hỏi mà vẫn không hiểu gì hết.
“Em có việc phải đi xa một thời gian”.
Nga nói như thể tôi và cô ấy chỉ là hai người chưa hề sống chung với nhau, chưa hề có với nhau một đứa con, chưa hề là vợ chồng.
“Ði xa? Mà em đi đâu?”
“Anh không cần biết em đi đâu. Mà anh muốn biết, em cũng không nói đâu”.
Tôi gỡ tay Nga ra, đến ngồi xuống ghế ở bàn ăn bên nhà bếp… Nga đến ngồi đối diện với tôi. Cô đưa tay lên coi đồng hồ.
“Chừng nửa giờ nữa em sẽ lên phi trường Dulles. Anh sẽ không hỏi gì em, phải không?”
Tôi còn biết hỏi gì.
Nửa giờ sau có tiếng chuông cửa, Nga bật dậy. ” Bataan đang ngủ, anh đừng làm con thức. Anh trông con giùm em”.
Nga ôm mặt tôi hôn nhẹ nhàng như một người em gái hôn anh.
Như vậy đó chúng tôi chia tay.

5
Cali đang mùa Thu.
Hồi đầu tháng Chín, khi hai cha con tôi vừa đặt chân tới Cali, trời nóng dễ sợ. Tôi nghĩ chắc là mùa hè sắp đến, nóng một trận chia tay để đi vào mùa Thu. Nhưng dân Cali thì nói khác. Họ cho rằng Cali sắp động đất. Bao giờ cũng vậy trước khi có động đất đều có một trận nóng dữ dội như vậy. Nó báo hiệu cơn thiên tai mà người dân Cali sẽ phải gánh chịu, vì sự phồn thịnh quá đáng của nó.
Ðộng đất đối với dân Cali là một người khách không được mời, nhưng người chủ nhà biết rõ là họ đang phải chờ đợi. Bởi vì trước sau gì ông khách quý ấy cũng sẽ đến.
Mấy bữa nay thực sự là Cali đang đi trong mùa Thu.
Buổi sáng đôi khi có sương mù, đôi khi có chút mưa phùn rẩy nhẹ bụi nước trên đầu trên tóc. Ðêm… đôi lúc trời mù sương lái xe phải mở to mắt lên mà nhìn nếu không muốn bị tai nạn hay bị lạc đường. Trời sáng trưng mà tôi còn bị lạc đường, nói chi là lái xe trong sương mù.
Bataan đã đi học. Tôi vừa xin được một việc làm cắt cỏ do một ông người Việt làm chủ. Bạn tôi bây giờ là những người Mễ. Cũng như tôi, tiếng Anh họ dở lắm. Tôi tin là nghề cắt cỏ có thể ở với tôi lâu được. Ít ra là lâu hơn thời gian tôi sống với Nga.
Những giờ rãnh rỗi tôi thường dẫn Bataan ra chợ Việt Nam lượm báo biếu đọc. Tôi thấy người Việt ở đây giàu có quá. Hơn trên Virginia, Hoa Thịnh Ðốn và Maryland nhiều. Tôi cũng biết thêm nhiều tin tức về Việt Nam. Tôi hi vọng Ðông đã ra khỏi tù cải tạo, và sẽ được đi Mỹ định cư theo một thỏa ước nào đó giữa Hoa Thịnh Ðốn và Hà nội.
Trong giấc mơ, Bataan thường kêu mẹ ơi, mẹ ơi. Tôi thì không thấy gì hết. Tôi nghĩ rằng Nga đang hạnh phúc ở một nơi nào đó với một người nào đó. Người nào có được trong tay một người đàn bà kiểu đó mà không hạnh phúc! Nhiều lúc ngừng tay cắt cỏ, tôi giật mình tự hỏi không biết tôi đang ở đâu và có thiệt là tôi đã từng có một người đàn bà sống chung mà xã hội gọi là vợ không?
Buổi sáng dậy sớm, nhìn Bataan còn ngủ say trên giường, tôi thấy sao nó giống Nga cách gì. Tôi tự an ủi mình là tôi đâu có mất gì. Tình yêu vợ đã mất, nhưng tình yêu con đã thay vào. Trước kia hai người sống với nhau, bây giờ cũng vẫn hai người. Biết đâu chừng, nếu Nga còn sống trong nhà, lại thừa ra một người chăng. Vả lại, từ ngày chia tay đến nay, tôi không hề nhận được thư từ hay điện thoại gì của Nga. Nhiều khi tôi nghĩ hạnh phúc làm người ta mất trí nhớ. Quên như Nga không chừng cô ấy hạnh phúc. Tôi không mong cô ấy gọi tôi. Yêu người nào là muốn điều tốt cho người đó. Chỉ có nỗi đau khổ và bất hạnh mới làm Nga nhớ đến hai cha con tôi.
Tôi đâu có muốn vậy.
Dù sao đôi khi tôi vẫn nghĩ là sống như thế này vẫn hơn.
Nhưng mà Cali mấy hôm nay nóng thiệt là nóng.
Không chừng động đất tới nơi.
Tháng Tám, 1986

 

Em bé đứng chờ xe ở ngã tư

Mấy tháng sau cùng của năm học, sáng nào chở con tới trường tôi cũng nhìn thấy một bé gái đứng chờ xe ở ngã tư đường Washington và Oregon, thành phố Milpitas. Em chừng 13, 14 tuổi, da nâu, tóc đen, ngắn, khô và hơi xơ xác, quần áo của em như những đứa trẻ cùng lứa giống nhau, đơn sơ giản dị. Em gầy ốm, mắt nhỏ, sóng mũi thấp. Rõ ràng em có khuôn mặt của người Á châu. Nhưng tôi không rõ em là người Nhật hay người Hoa, người Ðại Hàn hay người Thái Lan. Em cũng có thể là người Phi Luật Tân. Mà sao không phải là người Việt? Milpitas nhiều người gốc Á hơn là dân bản xứ. Ðông nhất là dân Phi, Nhật và Ấn. Người Việt cũng đông, nhưng tôi không nghĩ là đông hơn ba sắc dân kia. Vậy mà đi đâu, nhìn đâu tôi cũng thấy người Việt. Mười ba năm ở Quận Cam, tôi bơi lội giữa người Việt. Nói năng đi đứng, suy nghĩ như một người đang sống ở Sài Gòn. Quán cà phê, tiệm ăn, nhà sách, tiệm chạp phô, quần áo, âm thanh, mùi vị,… chỗ nào cũng là Việt Nam. Sài Gòn trên mỗi bước chân. Trong từng hơi thở. Quận Cam không ai quá nghèo, cũng không ai quá giàu. Là tôi nghĩ thế. Cũng có thân tình và lạnh nhạt. Cũng có đố kỵ và tử tế. Cũng có đen và trắng. Cũng có bọn giả hình và người chân thật. Ðâu mà chẳng vậy. Nhưng tôi biết những ngày buồn tôi sẽ đi đâu. Ðến nhà một người bạn nào tôi sẽ được uống một tách trà, nghe những câu chuyện đáng nghe. Ðến quán cà phê hay tiệm ăn nào tôi sẽ gặp được người tôi muốn gặp. Tôi thật là một người may mắn. Nhiều người ở tiểu bang khác đến chơi bảo tôi, tới Bolsa thăm bạn bè ở vài ngày thì được, chứ ở lại thì không bao giờ. Tôi hỏi tại sao? Người ta bảo: Bolsa bon chen quá. Người ở đó một là vái nhau hai là đổ rác vào đầu cổ nhau. Không thích.
Tôi đồng ý, nhưng tôi cũng nghĩ đâu mà chẳng thế. Bọn tưởng là quý tộc còn tệ hơn. Cái thế giới trưởng giả giàu sang có những quy luật của nó. Tôi không quen. Rồi tôi dọn lên San Jose, Bắc Cali. Vậy mà cũng đã gần ba năm. Nơi tôi làm việc có khoảng 1,500 người. Số nhân viên người Việt chừng hai chục. Tôi thấy có cả những người gốc Á khác: người Hoa, người Phi, người Nhật và người Ấn. Nhưng cũng chỉ là một tỉ lệ nhỏ thôi. Chúng tôi gặp nhau trên hành lang, chào hỏi nhau buổi sáng, buổi chiều, cuối tuần đầu tuần. Tôi đã học được cách cười, cách nói cách nghĩ trong một khung cảnh mới. Những người trẻ Việt nói tiếng bản xứ trôi chảy. Những người lớn tuổi nói tiếng Việt dễ dàng. Công việc của tôi cũng thường. Không có gì khó, cũng không hẳn là dễ. Chỉ là nghề nghiệp. Một thói quen mới làm dần, học dần, trở thành cái máy. Thì cũng là những người tốt và người xấu,. Những người chơi được và những người chơi không được. Cũng có bọn giả hình. Cũng có người lương thiện. Ðâu mà chẳng thế!
Thung lũng điện tử nhiều người giàu, nhưng thành phố Milpitas, khu tôi ở, không ai giàu như nhiều người ở xa vẫn nghĩ. Thê thảm hơn là gần nửa năm nay, thung lũng không vui, nhiều người mất việc, nhiều cửa tiệm ăn uống không còn cảnh xếp hàng rồng rắn như trước. Nhà treo bảng bán suốt mấy tuần vẫn còn nguyên. Trước kia người ta hay nói pay-off bây giờ người ta chỉ nói lay-off. Trước người ta nói “anh có biết mỗi ngày thung lũng có thêm mấy nhà triệu phú không”, bây giờ người ta nói mỗi ngày có bao nhiêu người dọn nhà ra khỏi thành phố. Trước kia người ta nói tên những hiệu xe đắt tiền và những ngôi nhà trên núi. Bây giờ người ta đi mua xe cũ và bán nhà.
Tôi vẫn chưa khám phá ra vẻ đẹp của vùng đất này. Tôi chỉ nhìn thấy những dãy núi buổi chiều vàng óng một phía mặt trời. Tôi chỉ thấy những xa lộ không lớn lắm , bảng chỉ đường rắc rối và những lối ra lối vào hơi nguy hiểm. Tôi cũng đã chạm vào những người tưởng là mình vĩ đại nhưng thực chất cũng chỉ là những kẻ tầm thường. Cũng xoàng thôi. Thật không may cho tôi, sao tôi cứ gặp mãi những khuôn mặt rất ít nụ cười! Và em bé đứng đợi xe ở ngã tư đường làm tôi nghĩ ngợi. Mỗi sáng của năm ngày trong tuần, tôi luôn nhìn thấy em. Có phải ba của em vừa mất việc? Hay ba mẹ em sạt nghiệp vì stock? Có phải gia đình em gặp tai nạn. Tôi nghĩ là nhà em nghèo? Một người Phi Luật Tân nghèo. Tôi đã ở đảo Bataan bên Phi tám tháng. Tôi không biết người Phi nghèo ở Manila ra sao, nhưng tôi biết người Phi ở Bataan nghèo hơn những người tị nạn. Những người tị nạn vốn đã đồng nghĩa với sự “khố rách áo ôm”, người Phi ở Bataan còn khố rách áo ôm hơn. Những người bán hột vịt lộn rong buổi tối đi len qua cửa sau của những căn trại của người tị nạn rao hàng giọng buồn thảm, những người bán rượu lậu trong những căn nhà lợp lá cây xác xơ. Những người Phi hiền lành chân chất và tử tế. Tôi thấy mình gần gũi với họ hơn là những con người lúc nào cũng sắc mắc về một cái cà vạt, một bộ quần áo đúng kiểu. Tôi là một người nhà quê. Cái thứ người tưởng là thành phố mà trời ơi sao nó cải lương đồng bóng [nói như thế là đã xâm phạm cải lương rồi!].

Tôi càng không phải và không bao giờ là một nhà trí thức. Mấy ngày nay tôi có tình cờ đọc được một đôi bài bàn về trí thức. Có bài đàng hoàng, nặng về học thuật. Có bài biểu lộ sự khoa bảng và sự đọc, nhưng cũng có bài nói như một chị đứng giữa chợ Ðồng Xuân vén váy lên mà rủa sả vào mặt người khác. Tôi có học đôi ba chữ để đọc để viết. Mẹ tôi không học chữ nhiều. Cha tôi chỉ học ở đời sống. Tôi học được lòng nhân của mẹ. Tôi cũng học được cái triết lý của cha: không có gì lớn mà không bị một cái lớn vượt qua, không có gì đẹp mà không bị cái đẹp khác lấn át. Cái mình biết bao giờ cũng rất nhỏ. Cái mình tưởng là chân lý, đôi khi chỉ là một hạt bụi thôi. Cái bọn dởm cứ điệu đàng nhờ có đôi chút kiến thức sách vở tưởng rằng mặt trời đang ở trong tay. Tội nghiệp! Một lời nói nặng bị dọng vào tai, nghe không khỏi bực mình nhưng bài học cho biết phải quên đi ngay sau đó, để cái khoảng trống trong lỗ tai chứa những lời tử tế. Một chữ viết sai làm ta khó chịu rồi cũng phải để qua một bên còn lo viết cho đúng những chữ sắp tới. Hiền lành không bao giờ đồng nghĩa với sự ngu dốt. Làm thinh không phải là không biết nói. Bất bạo động không phải là không có khả năng tấn công. Tôi biết thế nào là một đứa trẻ bụi đời. Tôi từng là một đứa trẻ như thế.

Tôi nhớ tới em bé đứng chờ xe ở ngã tư đường. Những hôm trời nắng hay trời mưa, trời có sương mù lạnh hay trời trong và ấm, em đứng đó, chiếc cặp trên vai, yên lặng nhìn những chiếc xe đi qua. Xe tôi thường hay ngừng chỗ ngã tư, nhường xe đến trước đi trước. Tôi thấy em có đôi mắt buồn. Quá buồn. Da mặt em tái xanh. Có vẻ như em không còn mẹ. Bà mẹ nào mà chẳng lo cho con? Sao bà nỡ để cho em tóc tai như thế, quần áo em như thế? Khi bỏ con tôi xuống gần cổng trường, tôi đi tiếp chiều xe chạy đến sở làm chứ không quay về lối cũ. Tôi không biết em đi ngã nào? Nếu đi học, tôi nghĩ em chỉ cần đi vài “lốc” đường là đến. Ở khu đó có ba cấp trường: tiểu học, cấp hai và cả cấp ba. Vậy thì em chờ xe đi đâu? Ba em đâu? Mẹ em đâu? Trong chiếc cặp quàng vai của em có chứa sách vở không? Hay là thứ gì khác? Thứ gì khác? Tôi không nghĩ ra một đứa bé gái bằng tuổi em ở Mỹ mà không đến trường thì đi đâu? Nhiều bữa, hình ảnh em theo đuổi tôi suốt dọc đường đến sở làm. Tôi nghĩ đến con tôi. Nghĩ đến cái tuổi 14, 16 đẹp đẽ của nó và tôi bỗng nhận ra tất cả tình yêu mà tôi dành cho nó là một sự hiến dâng xót xa đầy thất vọng.
Hơn hai tuần nay, tôi không còn đi lại mỗi buổi sáng trên con đường đó nữa. Nhà trường đã nghỉ hè. Nhưng hình ảnh em bỗng hiện ra trong trí tôi sáng nay. Tôi đi ngược đường đến sở làm. Tôi muốn trở lại ngã tư Washington và Oregon. Mặc dù hôm qua trời nắng gắt cháy da, sáng nay trời bỗng mưa. Mưa không to nhưng khá lạnh. Tôi tấp xe vào một khu chợ gần đó, đi lững thững dọc theo con đường đến trạm chờ xe. Trạm đợi xe vắng, không thấy bóng em. Tôi nhớ đôi mắt buồn của em., nhớ cái dáng điệu thỉnh thoảng em xốc lên có lẽ vì chiếc cặp trên vai khá nặng trên đôi vai quá gầy của em. Tôi tự hỏi tôi tìm kiếm gì? Tôi sẽ nói gì khi gặp em? Và liệu em có muốn trả lời những câu vớ vẩn của tôi? Ðứa con gái nhỏ của tôi mấy hôm nay đã bắt đầu đi làm mùa hè ở một tiệm trợt pa-tin trong thương xá của thành phố. Nó tìm cách chứng minh là nó có khả năng lao động, nhưng nó chưa biết giá trị mà nó thu nhập được từ mồ hôi của nó. Nó chưa biết giá trị của tình yêu mà tôi cho nó. Tôi không hiểu con tôi và có lẽ nó cũng chẳng cần hiểu tôi. Như tôi không hiểu thế nào là mùa hè ở Mỹ.
Tôi nhớ có nghe một ca khúc trong nước phổ từ bài thơ của Ðỗ Trung Quân. Một bài thơ nói về mùa hè, chùm phượng vĩ, tuổi mười tám, cậu học trò ngu ngơ trước tình yêu mới lớn:
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở ngây thơ thầm lặng mối tình đầu…
Ca khúc ấy tôi nghĩ rất hợp với Việt Nam, hợp với khí hậu thời tiết con người văn hóa Việt Nam. Ca khúc ấy hát lên ở đây , trên một nước Mỹ lạnh lẽo này sao mà xa lạ và lạc lõng. Nước Mỹ to lớn đang thiếu một cái gì đó để làm thành mùa hè cho những cô cậu học trò. Nước Mỹ đã mất ngây thơ ngay tại sân trường và lớp học. Không biết liệu mùa học tới, khi chở con đến trường, tôi có còn gặp lại em không?

 

Nhã Ca, cái viết ra mới thực sự là quan trọng

Tôi không biết mình đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần những trang sách trong Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng của Nhã Ca. Những dòng chữ khô, lạnh, bén, sắc và ngắn như nhát dao đâm xoáy vào trái tim. Như một cái buá nện xuống một bàn tay đang bám vào vách đá chờ được kéo lên. Những dòng chữ “phẫn nộ” có thể làm những đôi mắt khô khốc phải ứa lệ.

“Suốt buổi chiều, tôi ngồi với giỏ thăm. Xếp vào. Xếp ra. Nhìn. Rờ rịt. Anh còn mê man. Anh chưa nhìn thấy món ăn con thơ này. Dọn lên. Mắt mũi các con. Dọn lên. Tim gan các con. Dọn lên. Nước mắt các con, nước mắt Mẹ…. Tôi nằm xuống lúc nào không hay. Lúc tỉnh được dậy sau cơn mê mệt, giỏ thăm nuôi đổ, mấy gói cá muối bị xé rách, tung toé. Nơi lỗ cầu tiêu, lại nó, con chuột. Cặp mắt nhỏ như hai hạt đậu, tinh quái, thập thò. Ngày mấy? Tháng mấy? Còn hỏi làm gì nữa.” [1]

Nhân vật “anh” là thi sĩ Trần Dạ Từ và các con thơ của anh chị. Và khung cảnh là một phòng kiên giam dành riêng cho một người. Điều gì đã khiến một Trần Thy Nhã Ca với “buồn như lá cây, hồn thơ dại, xanh xao tháng ngày, …” [2] phải viết ra những dòng chữ trần trụi lạnh lùng đến như thế? Câu trả lời đã rõ. Nhưng viết được như thế không phải là tưởng tượng của một nhà văn, và không chỉ là kinh nghiệm của một người đã trải nghiệm những nỗi đau đó. Viết được như thế có nghĩa là đã phải sống như thế. Và hơn là như thế! Bởi vì, có bao nhiêu người đã từng sống như thế để có đượcmột Nhã Ca như thế? Đó cũng là một câu hỏi đã có câu trả lời.

Chị đã đi trên một con đường đầy gai nhọn, không tên gọi, không ngày tháng. Con đường máu và nước mắt. Con đường của một nỗi đau bị nén lại, một hạnh phúc bị chia cắt, bầm dập. Con đường mà ai đã đọc hồi ký của chị sẽ chảy nước mắt, nhưng chính những dòng chữ của chị chỉ là sự lặng câm.

Phải là một người có ý chí mạnh mẽ mới có thể đứng vững được trước những sóng gió của cơn hồng thuỷ 30 tháng Tư, 1975 đổ ập xuống Sài Gòn. Mặc dù, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều người đã trụ được. Nhiều ngưòi đã đứng dậy được. Nhưng từ một thiếu nữ lớn lên ở Huế, thành phố trang nghiêm và khắt khe, …. Trần Thị Thu Vân đã làm những bước nhảy vọt lớn: từ Huế cổ kính nhảy vào Sài Gòn phóng khoáng, rồi nổi tiếng với những bài thơ, nổi tiếng hơn với Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, với Giải Khăn Sô Cho Huế và thình lình bị đẩy rơi từ một thể chế này xuống một thể chế khác như lao từ đỉnh cao xuống vực thẳm của một nỗi đau ngất, rát nhức như muối xát trên những vết thương còn tươi rói. Chị là người đi trên một sợi giây xiếc giữa sống và chết, một bên là cái sống mong manh và một bên là cái chết lúc nào cũng giang tay chờ đợi. Tất cả những gì chị có đều bị tước đoạt, trần trụi, trơ trọi, bức rời. Sau nhà tù nhỏ sẽ là nhà tù lớn: Một người đàn bà với đàn con thơ dại và hai bàn tay trắng đứng giữa chợ đời.

Làm sao có thể viết được giữa một hoàn cảnh như thế? Phải đợi 16 năm sau, khi cả gia đình chị ra khỏi Việt Nam, Hồi Ký Không Ngày Tháng của Nhã Ca mới ra đời. Đây không phải chỉ là một ghi chép lẫn lộn thời gian và kỷ niệm. Hồi Ký đó là một tiếng nói mạnh mẽ của con người trước một thế giới bị tan rã, một tiếng chuông cảnh tỉnh của một vũ trụ bị mê đắm trong u minh.

Bao lâu còn chiến tranh – bất cứ một cuộc chiến nhân danh chủ nghĩa nào – tiếng nói ấy cần phải được cất lên, tiếng chuông ấy cần phải được gióng lên, thông điệp ấy cần phải được lắng nghe.

Người đọc biết Trần Thy Nhã Ca với “Bài Nhã Ca Thứ Nhất”, mở đầu cho một dòng thơ mới trong văn chương Việt Nam từ năm 1960. Nhưng thật ra trước đó, từ năm 1955, chị đã từng làm thơ học trò ký tên Thu Vân, đăng trên các tuần báo Văn Nghệ Học Sinh, Văn Nghệ Tiền Phong tại Saigon, chưa kể thơ thời bích báo tiểu học, trung học. Và trước đó nữa, từ năm 1954, khi mới 15 tuổi cô bé Thu Vân đã viết truyện dài đầu tiên có tựa là “Đường Một Chiều”. Đó là thời cuối trận chiến tranh Việt-Pháp. Chị nói: ‘Truyện được viết theo “đơn đặt hàng” của ông anh trong nhà, để đăng từng kỳ trong báo “Hồn Xuân”, tờ báo chép tay của một nhóm văn nghệ choai choai tại Nam Giao, Huế. Còn nhớ, người chủ trương nhóm báo Hồn Xuân là anh Tôn Thất Chi, người vẽ bìa số báo đầu tiên là ông anh Trần Văn Lễ. Sau đó có hiệp định Geneve ngưng chiến, chia đôi đất nước, rồi di cư, tập kết. Báo Hồn Xuân chỉ mới “xuất bản” được ba số thì đành tự “đình bản”. Truyện dài đầu tay “Đường Một Chiều” vĩnh viễn dang dở.”

Giờ đây đọc lại thơ và truyện Nhã Ca của những năm Sáu Mươi, Sáu Mươi Tám, Nhã Ca của 1975 và môt Nhã Ca của 2005, người ta khám phá ra một khuôn mặt văn chương đã đi qua hạnh phúc và khổ đau, đi qua một tình yêu lớn, đi qua những thao thức và chờ đợi, đi qua những phút giây làm mẹ và trải nghiệm qua biết bao nỗi đau làm người.

Nhã Ca kể lại báo chữ in đầu tiên của chị sau khi đã làm báo tường báo chép tay là tờ “Văn Nghệ Học Sinh”, do nhà báo Giang Tân làm Tổng Thư Ký. Chủ nhiệm, chủ bút là ông Lê Bá Thảng, chánh văn phòng của Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành.

Thơ, tuỳ bút, truyện ngắn ký tên Thu Vân được liên tiếp chọn đăng. Những “tác giả” có bài đăng trong tờ báo “văn nghệ họcsinh” này về sau thành bạn nhau. Khởi đầu có Lê Đình Điểu (làm thơ tình với bút hiệu Y Dịch, viết khôi hài với bút hiệu Lê Ngông Nghênh), Nguyễn Thụy Long (viết truyện mộng mơ với bút hiệu Mặc Lan Giao). Tiếp theo, có Lê Tất Điều (viết truyện con nít thậtdễ thương với bút hiệu Ái Nhân); Dương Nghiễm Mậu (triết lý như một ông già với bút hiệu Hương Việt Hương); Đỗ Quí Toàn (làm thơ với bút hiệu Đỗ Quí), Viên Linh (thơ sáu chữ, thơ lục bát số một), Nguyễn Khắc Nhân (viết tuỳ bút giọng miền Trung với bút hiệu Thùy Nhân), Tô Tam Kiệt (thơ chiến đấu hùng dũng)… Thình lình, vào khoảng 1956, bỗng thấy Điểu và Long giới thiệu cho chàng thi sĩ Hoài Nam, người sau này sẽ là Trần Dạ Từ …

Trần Dạ Từ, tình yêu đầu tiên và sau cùng của chị. Chị nói: “Ừ, thì đó, chuyện giản dị vậy thôi. Hai đứa quen nhau qua tờ Văn Nghệ Học Sinh, do Lê Đình Điểu và Nguyễn Thụy Long giới thiệu. Tiếp theo, nhận cả ngàn bài thơ. Khác với các bạn viết văn làm thơ tài tử, Từ là “nhân vật toà soạn”, người trả lời hộp thư của toà báo. (Sau này mới biết, thật ra, thi sĩ chỉ là một anh nhóc bụi đời, các “văn hữu” nhóc tì họp đại hội với ông chủ nhiệm yêu cầu cho chàng việc làm, nhờ đó chàng là “thầy cò” sửa bài, kiêm biên tập viên duy nhất của tờ báo bên cạnh tổng thư ký Giang Tân). Bị cả ngàn bài thơ tấn công, cô bé 16 tuổi chịu không thấu. Sau hai năm viết thư, hai người trẻ tuổi gặp nhau lần đầu năm 1958.

Trong Hồi Ký, Nhã Ca kể chuyện, mùng một Tết chàng từ Sàigòn ra Huế. Chị ngồi nghe tiếng còì tàu. Đã biết trước nhưng vẫn giật mình. Tàu hoả đang hú còi vào ga. Ghê quá, chị nghĩ, anh ta tới rồi đấy. Tàu từ Đà Nẵng ra đúng sáng mùng Một Tết. Chắc còn phải tìm đường, tìm nhà. Trước sau một giờ trưa, sẽ đi qua cổng. Bẩy giờ tối sẽ tới, sẽ gặp. Thư cuối năm, anh báo trước như vậy.

“Buổi trưa. Bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh. Run quá. Coi tề, cái người nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh? Anh vậy há? Mỏng như tờ giấy. Còn mặt mũi? Kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh đó, mắt con bé đã hoa lên rồi. Nhát.”

Buổi tối, Trần Dạ Từ bước vào nhà. Chưa mời, anh đã ngồi, Nhã Ca viết trong Hồi Ký. Người cha vặn cái radio bóng đèn cổ lỗ đầy tiếng kêu rồ rồ. Ông anh lớn trong nhà nhăn mặt, bỏ sang phòng bên. Chị ú ớ. “Những lá thư xuôi ngược cả năm Sàigòn-Huế-Sàigòn. Những bài thơ tình đầu. Anh ngồi đó ốm nhom.” Sáng mùng hai tết, khi gặp lại anh trong… khách sạn, trên bàn có bài thơ “Thủa Làm Thơ Yêu Em”, ký tên Trần Dạ Từ.

Thêm hai năm sau khi gặp nhau, chàng thi sĩ nhát như thỏ đế, vẫn không dám cầm tay người yêu. Vậy mà tình yêu của họ đã làm ồn thành phố Huế. Ồn đến nỗi, “nàng” phải đành bỏ chạy theo chàng. Vô tới Sài Gòn, một người bạn của Từ, Nguyễn Khắc Nhân, đứng tên ông anh, gửi chị vô nội trúù trường Đức Trí ở đường Võ Tánh. Xong thời nội trú, Nhã Ca trở về Huế ở một năm để làm lành với gia đình. Sau đó chị vào Sài Gòn, in thiệp cưới và năm 1962, sinh con đầu lòng là Sớm Mai. Tiếp theo, thêm một loạt 5 đứa nữa. Cậu út là Hưng Chấn, cuối 1974. Hưng Chấn là tên do bố mẹ đỡ đầu của cháu là anh chị Cung Tiến đặt cho để lấy hên. Chị nói, nhưng hên đâu chả biết, chỉ thấy mấy tháng sau là miền Nam sập tiệm, hai vợ chồng đi tù.

Từ khi biết “chàng”, Nhã Ca bắt đầu viết nhiều hơn. Chàng không chỉ làm Văn Nghệ Học Sinh mà còn viết bài kiếm ăn ở các báo khác. Bài gửi cho chàng ở Văn Nghệ Học Sinh, bỗng thình lình thấy xuất hiện trên mục “Mỗi Ngày Một Truyện” của nhật báo Ngôn Luận, rồi nhật báo Lẽ Sống, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong… vừa nhận báo vừa nhận cả nhuận bút. Biết mùi nhuận bút rồi, khó bỏ. Vậy là viết đêm viết ngày. Từ 1960, khi bỏ Huế vào Saigon với Trần Dạ Từ, bạn bè họp thành một bọn, mỗi tên tự chọn một bút hiệu chính thức và bắt đầu sống với nghề cầm bút. Từ 1960, 1961 gì đó, cùng lúc với việc Trần Dạ Từ làm nhật báo Dân Việt, các bạn của Từ -Nhã chủ trương tuần báo Ngàn Khơi, in ở nhà in Nguyễn Đình Vượng, số 39 đường Phạm Ngũ Lão. Năm 1963, ông Vượng ra báo “Văn”, yêu cầu chị góp bài. Năm 1964, bài viết cho Văn được in thành sách. Báo Văn và nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành truyện dài “Bóng Tối Thời Con Gái”. Nhà AnTiêm của Thanh Tuệ ấn hành tập truyện “Đêm Dậy Thì”. Sau đó là “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác” và cứ thế đi tới…

Thế còn tập thơ “Nhã Ca Mới” và giải thưởng thi ca toàn quốc thì sao? Chị nói thơ “Nhã Ca Mới” do “Ngôn Ngữ” xuất bản, cũng đầu năm 1964. Ngân khoản in thơ lẫn tên nhà xuất bản đều do anh Nguyên Sa. Cuối năm ấy, Nhã Ca được giải thi ca toàn quốc 1965. Tiền lãnh giải dĩ nhiên không còn dấu vết. Huy hiệu giải thưởng là huy hiệu của nguyên thủ quốc gia nghe nói là bằng vàng – tương tự huy hiệu của Tổng Thống VNCH dành cho các giải thưởng về sau- chẳng nhớ đi đâu mất, có lẽ còn đâu đó trong… Sở Công An Thành Phố hoặc không chừng đã ra vỉa hè, bị nấu chẩy thành dăm ba “chỉ”, hay một hai “cây”…

Trong các bài viết về thơ Nhã Ca, từ Bùi Giáng, Võ Phiến, Thi Vũ tới Huyền Không tức Hoà Thượng Mãn Giác… thường nhắc tới bài thơ “Tiếng Chuông Thiên Mụ”. Võ Phiến viết là trong lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có tiếng chuông nào vang dội khác thường tới mức ấy. Hỏi chị tại sao? Chị bật mí: “ Bài thơ in lần đầu trên tuần báo Ngàn Khơi, đầu năm 1963. Đó là thời điểm vừa xẩy ravụ biểu tình đẫm máu tại Đài Phát Thanh Huế và Phật Giáo bị chính quyền đàn áp. Tuần báo Ngàn Khơi do bọn này chủ trương bàn nhau phải cùng nhau viết cái gì đó. Dự tính có Nguyên Sa, Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử, Đỗ Quí Toàn, Nguyễn Thụy Long, Tú Kếu, Nguyễn Hữu Đông, Trần Dạ Từ… mỗi người sẽ cùng viết nhiều ít gì đó. Bìa offset do Đằng Giao trình bầy in trước 4 số đã ghi sẵn tựa đề chung là “Tiếng Chuông Thiên Mụ”. Tới ngày ra báo, Nhất Linh tự tử, rồi sư sãi bị bắt, Saigon giới nghiêm… Chỉ riêng bài thơ mang tên “Tiếng Chuông Thiên Mụ” được xuất hiện trên báo. Còn nhớ trong bài thơ có câu “Thức dậy cùng tan vỡ, thức dậy cùng lịch sử” đã được các bạn trong “Sở Kiểm Duyệt” nhẹ tay cho qua… Mọi bài viết khác không qua khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt, đành phổ biến cách khác.

Trần Dạ Từ và các bạn của anh làm báo “Lửa” đánh máy quay roneo bằng cái máy chữ của anh Nguyên Sa cho, cả bọn xúm nhau vào phát hành chui… Trong việc phổ biến số báo “Lửa” ở các đại học thời đó có cả các nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Nhật Tiến. Sau đó, Trần Dạ Từ bị mật vụ nửa đêm bịt mắt dẫn đi mất tiêu, cả bọn trốn chui trốn nhủi… Đó cũng là lúc có bài “Thơ Sớm Mai”, sinh nhật năm đầu tiên của cháu.”

Trả lời câu hỏi hiện nay chị đang viết gì? Nhã Ca nói: “Truyện ngắn, đang lo viết cho báo tết. Truyện dài, đang sắp xếp, sửa chữa bộ “Đường Tự Do Saigon”. Truyện đã viết liên tục hơn 10 năm trên Việt Báo, mỗi ngày mỗi viết. Độc giả có lòng hỏi. Có nhà xuất bản muốn trả tiền để in. Nhìn lại, đếm chữ thấy đã có tới hơn 10,000 trang sách. Truyện viết từng ngày, muốn thành sách, phải sửa chữa, sắp xếp lại. Cả năm nay, chỉ mới xong 640 trang cho cuốn 1, hiện đã đưa thử lên internet… Việc xuất bản trọn bộ, chắc còn phải mất thêm ngày tháng.

Về câu hỏi tác phẩm nào của chị được chị thích nhất, Nhã Ca trả lời có lẽ nhiều phần dành cho cuốn “Hồi Ký Một người Mất Ngày Tháng”. Đó là nói văn. Còn trong lòng, chị vẫn yêu và trân quí Thơ. Nhã Ca, tên tuổi ấy đã mang âm hưởng một bài thơ.

Nói về kỷ niệm mà chị nhớ hoài là thời kỳ trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn ở Việt Nam, Nhã Ca kể có lần được theo xe tù đi thăm nhà trưng bày tội ác Mỹ Ngụy ở trường Dược cũ tại Saigon, thấy sách của mình và bạn hữu được bầy dưới danh nghĩa “tội ác Mỹ Ngụy”. Đặc biệt, cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế” được treo trang trọng. Đã đứng nghiêm cạnh Lê Xuyên, Hoàng Anh Tuấn, Trần Việt Sơn… chào kính tác phẩm của mình và bạn hữu.

Hỏi chị đang đọc gì? Nhã Ca cho biết hiện chị đang đọc Milarepa, thơ và truyện kể về thi sĩ và thầy tăng lớn của Tây Tạng. Còn tác giả ưa thích? Với chị đó là Thơ Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Mai Thảo, Trần Dạ Từ, Đỗ Quí Toàn, Viên Linh, Tú Kếu…

Còn truyện? Chị nhắc đến Thảo Trường, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thụy Long…

Với câu hỏi liệu có thể nói đến một nền văn học hải ngoại không, Nhã Ca cho rằng “Một nền văn học hải ngoại?” chắc chỉ là câu hỏi nhất thời hoặc tạm thời. Dăm ba chục năm, vài ba trăm năm, rồi sẽ qua đi. Những cái đáng còn sẽ còn lại. Yếu tố nơi sinh sống trong nước hay ngoài nước của tác giả bất quá chỉ là những ghi chú, không phải là yếu tố để tác phẩm văn chương tồn tại. Văn học hay văn chương Việt Nam là đủ. Người viết ở đâu cũng được, dù trong hay ngoài nước. Viết trong hay viết ngoài nhà tù chẵng phải là yếu tố quyết định giá trị. Cái viết ra mới thực sự quan trọng..

[1] Nhã Ca, Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, tr. 61. Nxb Thương Yêu, 1991.

[2] Bài Nhã Ca Thứ Nhất.

 

Vòng hoa và quên lãng

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên [30.05.52-03.08.92] là một hiện tượng trong thi ca Việt Nam, hiểu theo nghĩa trong thi có ca, trong thơ có nhạc. Vòng Hoa Và Quên Lãng là tên bài viết của Nguyễn Xuân Hoàng trên nhật báo Người Việt số ra ngày 6.8.1992, thời ông làm tổng thư ký nhật báo này. Tám năm sau, ngày 2.8.2000, ông đã phát triễn từ bài viết trước đây. Để tưởng niệm tác giả Thà Như Giọt Mưa.

1.

Sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày trên trái đất.

Ở đâu có con người, ở đó có sự quên lãng. Và, tất nhiên có cả những vòng hoa.

Cũng là điều dễ hiểu thôi, bởi vì không nợ nần gì nhau thì cần gì phải nhớ. Trí nhớ bao giờ cũng kén chọn. Nó chỉ nhớ những gì đáng nhớ hoặc sẽ chỉ nhớ những gì ta cố quên. Thế nhưng, khi mà hoa vẫn nở và người ta vẫn có khả năng kết được những vòng hoa thì rõ ràng đó là bằng chứng cho thấy con người không bội bạc.

Con người ta sống với nhau mà không bội bạc đã là quí. Đòi hỏi một cái gì khác hơn nữa có là điều quá đáng chăng?

Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Bởi vì theo tôi, không ai sống trên đời mà không nợ nần gì nhau. Cái máy chữ tôi đang gõ, trang giấy tôi đang viết, cái ghế tôi đang ngồi… có thứ gì mà tôi không nợ của người khác chứ!

Nếu chúng ta không thể quên được ơn của những người đã sinh ra ta, không thể quên ơn những người đã đổ mồ hôi mang đến cho ta những bữa cơm hàng ngày, những thực phẩm của trần gian, thì chúng ta càng không thể quên ơn những tiếng hát, những bài thơ, những bức tranh,… những thứ làm cho cuộc sống ta văn hóa hơn, người hơn. Thế mà trên thực tế có vẻ như người ta không mấy tử tế với những người đã làm ra các sản phẩm ấy.

2.

Có người sẽ bảo, thực phẩm trần gian là những gì nuôi dưỡng thân xác ta, cũng như khí trời, nếu không có nó thì ta chỉ có chết thôi, chứ còn văn chương với chữ nghĩa, hội họa với âm nhạc,… những thứ ấy thì ăn nhập gì! Trước cái chết của những người Nam Tư trong cuộc chiến hiện nay, liệu ông nhà văn, bà nhà thơ Serbia, Croatia nào có thể làm ngưng được tiếng súng? Đó là chuyện của những nhà chính trị. Nhà văn, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ… chẳng qua chỉ là những người cung cấp cho chúng ta những thứ trang trí trong một ngôi nhà mà thôi. Những thứ ấy là một loại xa xí phẩm. Có cũng được, mà không có cũng chả sao. Nó đâu phải là khí trời. Nó cũng đâu phải là cơm áo.

Người ta cũng nói nhà khoa học làm cho đời sống tiện nghi hơn, nhà chính trị giải quyết những cuộc chiến đẫm máu bằng hòa bình hoặc bằng những… cuộc chiến đẫm máu khác. Văn chương nghệ thuật có làm được điều đó đâu.

Người ta bảo vậy, nhưng có lẽ người ta quên rằng thật ra có những tác phẩm đã làm biến đổi [xấu hay tốt, xét sau!] thế giới. Căn Lều Của Chú Tom của Harriett B. Stowe và nước Mỹ, Cuộc Chiến Đấu Của Tôi của Adolf Hitler và nước Đức, cuốn Le Prince của Niccolo Machiavelli và những thủ đoạn chính trị…Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoi, Vua Lear của Shakespeare, Truyện Kiềucủa Nguyễn Du,… Vâng, Truyện Kiều của Nguyễn Du  từng sống với dân tộc ta bao năm tháng, qua bao thăng trầm của thời đại. Truyện Kiều đã mang đến cho chúng ta niềm hãnh diện của một dân tộc văn hoá. Truyện Kiều, và bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật khác của dân gian đã làm cho chúng ta ngững mặt lên mà đi chớ không phải cúi mặt xuống mà bước. Còn Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyên Sa, Võ Phiến, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, ….những thứ  ấy đã làm cho chúng ta vượt qua bao nhiêu đoạn đường của một con người.

Một nhà văn Nga có nói: Người ta đâu chỉ sống bằng bánh mì! có thể hiểu rằng ngoài bánh mì còn có những thứ khác không thuần vật chất cũng nuôi sống con người một cách… không thể thiếu được.

Người ta có thể nói nếu thế kỷ này không có một Einstein thì thế kỷ tới thế nào cũng có một Einstein khác, nhưng nếu trước đây chúng ta không có một Nguyễn Du thì không chắc gì thế kỷ sau này sẽ có một Nguyễn Du. Cho nên ta không thể không trân trọng những Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Võ Phiến, Nguyên Sa, những Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái,…

Chính những người đó dù còn sống hay đã qua đời bao giờ cũng đang sống giữa chúng ta, những người đã làm cho đời sống chúng ta có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Những người đang cùng chúng ta thở chung một bầu không khí, đang cùng chia sẻ với chúng ta những hãnh diện và khổ đau của một dân tộc, những người nói cùng một ngôn ngữ với chúng ta, thế mà không những chúng ta không ngó ngàng gì đến nhau, không thuận thảo nhau, thậm chí còn nguyền rủa nhau… khi vắng mặt, thì nói làm chi chuyện một vòng hoa cho người nằm xuống.

Cái tội lạnh nhạt, thờ ơ với người sống, nhất là những người mà ta chịu nợ thật là một lỗi lầm khó tha thứ. Cái tội ấy làm cho trái đất ta đang ấm áp sẽ lạnh lẽo đi, và đang lạnh lẽo sẽ băng giá hơn. Nó làm cho những trái tim đang nồng nàn sẽ nguội lạnh và những trái tim cằn cỗi sẽ khô cứng hơn. Nó sẽ làm cho thế giới này chỉ còn nơi chứa những sinh vật chứ không còn là nơi ăn chốn ở của con người.

3.

Tôi nhớ những ngày sau cùng của Nguyễn Tất Nhiên ở Quận Cam. Phải thú thực, kể từ khi quen biết anh, cho đến ngày anh ra đi, tôi chưa bao giờ thấy thoải mái với anh. Tôi luôn luôn giữ một khoảng cách với anh, mặc dù bao giờ tôi cũng yêu mến những bài thơ của anh. Tại sao? Tôi không có câu trả lời. Cũng như tôi không thể trả lời được tại sao, lúc nào và bao giờ tôi cũng quý mến Nguyễn Hoàng Nam, bào đệ của Nguyễn Tất Nhiên.

Phải nói rằng thơ Nguyễn Tất Nhiên là một đóng góp hồn nhiên vào đời sống thi ca của chúng ta, mặc dù chữ nghĩa trong thơ anh – nhiều bài – vẫn còn ở thể quặng mỏ của ngôn ngữ. Nó là một thứ nham thạch ròng chưa bị tính bác học của ngoại lai xâm nhập, thẩm thấu và tác hại như một vài dòng thơ Việt Nam đã và đang chảy ra trong thi ca chúng ta.

Thơ Nguyễn Tất Nhiên làm cho đời sống chúng ta ấm áp, thế nhưng, những ngày sau cùng với chúng ta, anh đã sống trong sự lạnh lẽo.

Nguyễn Tất Nhiên bước vào đời như một nhà thơ và anh đã ra đi trong sân một ngôi chùa lặng lẽ như một thi sĩ.

Hoa đã ngập đầy nơi an nghỉ cuối cùng của anh. Người ta đã choàng cho người thi sĩ vòng hoa cuối cùng.

Không nên trách sự lạnh lẽo của người khác khi Nhiên còn sống, cũng chẳng ai trách sự vội vã của những người choàng vòng hoa lên Nguyễn Tất Nhiên khi anh đã ra đi. Bởi vì sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày trên mặt đất.

Nguyễn Tất Nhiên đã đến trong cuộc sống, đã rong chơi cùng chúng ta, và anh đã từ giã chúng ta.

Thà cứ như một giọt mưa đi nhé, Nguyễn Tất Nhiên…

Trước sau gì rồi chúng ta lại chẳng có dịp gặp nhau.

Vaya con Dios!

California [6.8.1992- 2.8.2000]

 

Dương Như Nguyện: Tôi muốn nắm bắt

nét đẹp của nền văn hoá quê hương tôi

Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện

Có lẽ người đọc Việt hải ngoại không xa lạ gì với Dương Như Nguyện qua những truyện ngắn trên tạp chí Thế Kỷ 21 [Nam California] những năm 90. Năm 1999 nhà xuất bản Văn Nghệ [Nam California] ấn hành cuốn Mùi hương quế của cô, và năm nay, 2005, Dương Như Nguyện cũng vừa cho phát hành cuốn Chín chữ của nàng [nxb Văn Mới, Nam California], đồng thời với cuốn Daughters of the River Huong – a Vietnamese royal concubine and her descendants (RavensYard Publishing, Ltd., Fairfax Va. ISBN 1-928928-16-1; trade paperback, 271 pages, SRP $17.95)…
Bài này được viết từ cuộc nói chuyện qua internet với nhà văn, luật sư, giáo sư Dương Như Nguyện.

Viet Mercury (VM): Ở bià lưng cuốn sách, dưới dòng tít “Love & War /Tình yêu & Chiến tranh”, người ta đọc được câu “Bức tranh ấn tượng này sẽ nhắc nhở độc giả tới những truyện có tầm vóc bao quát củaGone with the Wind The Thorn Birds, đượm thêm tính nhân bản và tình yêu sâu xa giữa mẹ và con của The Joy Luck Club.” Cô có thể cho biết sự so sánh này có nghĩa gì?
Dương Như Nguyện (DNN): Việc so sánh tác phẩm của tôi với Gone with the Wind, Thorn Birds, hay Joy Luck Club là ý nghĩ của nhà xuất bản, để giải thích lý do tại sao họ muốn đầu tư vào tiểu thuyết của tôi sau khi đã đọc bản thảo. Câu này không phải là quan điểm của tôi. Ngược lại, tôi có thói quen là trong tiến trình sáng tạo, không bao giờ viết để cho giống hay theo một khuôn mẫu của bất kỳ tác phẩm nổi tiếng nào. Viết là viết theo sự thôi thúc sáng tạo (artistic vision) của chính mình mà thôi. Bằng chứng là trước khi RavensYard đến với tôi, bà Sandra Kjistra, đại diện cho Amy Tan và Stephen King, đã hối thúc tôi viết lại tác phẩm này cho giống cuốn Memoir of a Geisha của Arthur Golden, thì bà ta mới nghĩ đến việc đem tác phẩm của tôi đến với các nhà xuất bản danh tiếng của Hoa Kỳ. Tôi đã bác bỏ đề nghị đó, cũng chỉ vì không muốn đi theo một khuôn mẫu khi viết về nguồn cội của mình.
VM: Còn về cái tựa của tác phẩm, tại sao cô chọn River Huong mà không phải là Perfume River như một cách đẩy sách đến người đọc tiếng Anh?
DNN: Perfume River là danh xưng do người ngoại quốc dịch tên của dòng Hương giang xứ Huế. Người Huế không ai gọi dòng sông lịch sử của quê hương mình là “dòng Nước Hoa” cả. “Perfume” hay “parfum” là một kỹ nghệ buôn bán, một hình thức mỹ phẩm phù du bên ngoài, làm đẹp cho phụ nữ theo kiểu quyến rũ người khác phái, hoàn toàn có tính cách vật chất hời hợt, không phải là phẩm lượng bên trong. “Nước hoa” sẽ phai đi. “Mùi hương” trái lại có thể toả từ tiền kiếp, liên đới kiếp này sang kiếp khác, không gian này qua không gian khác, đi từ quá khứ, hiện tại, và có thể chuyên chở vào tương lai, từ vô thức, tiềm thức, tới ý thức. Với mùi hương thật sự (authentic) như trong câu: “Hữu xạ tự nhiên hương” thì “hương” có thể trở thành bất diệt trong trí tưởng và tâm thức của người thưởng ngoạn. Hương còn là tiếng thơm, có thể toả ra từ đáy hồn là một luyến nhớ vào rừng kỷ niệm. Tiếng tăm (cái gì lưu lại) là sợi dây liên đới giữa sự phán đoán của lịch sử (external) với đạo đức cá nhân (intrinsic). Ðạo đức ở đây có nghĩa là “universal truths” công cuộc đi tìm sự thực của người cầm bút, chứ không phải là kỷ cương của tôn giáo hay xã hội.
Chữ “hương” do đó mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn vật chất, phải dịch là “fragrance” trong trí tưởng, hoặc “good name” như trong “tiếng thơm muôn thuở”. “Hương” là một “motif” liên tục trong sáng tạo của tôi….
VM: Hiện nay cô đang đọc tác giả nào?
DNN: Tôi mới vừa đọc lại một số những tác phẩm bất hủ của văn học Nga, the classics, từ Tolstoy cho đến Dostoevsky, ngay cả Solzhenitsyn của thời cận đại. Dĩ nhiên là khi quay về classique, tôi đọc lại luôn Boris Pasternak và Franz Kafka. Nhân tiện tôi đọc Henrik Ibsen của Na Uy (The Master Builder), George Bernard Shaw (để nhận thức thêm một lần nữa rằng Shaw đã đi trước quá xa thời đại của ông sống) và cả Theodore Dreiser (để nhắc lại cho mình nhớ thế nào là một cuốn tiểu thuyết Hoa Kỳ, the cliche – the American novel, thật sự đúng nghĩa là tiểu thuyết với tất cả tâm lý nhân vật, cường độ, và cao độ của nghệ thuật tiểu thuyết!).
Tôi đọc các nhà văn Nga và Ðông Âu vì tôi mường tượng thấy hình như các tác giả này được truyền tụng trong giới trí thức thuộc thế hệ của ông. Tôi muốn tìm hiểu về cách nhìn và nếp sống tâm linh của thế hệ này. Lý do: Tôi muốn tạo dựng một nhân vật chính (protagonist) là một người đàn ông Việt Nam cùng thế hệ với ông, sống trong lòng nước Mỹ, cho bản thảo sắp tới, bản thảo mà tôi chưa bắt đầu.
Như ông đã thấy, tôi rất trọng classiques, vì classiques đã được minh chứng bởi thời gian. Tuy nhiên, khi đọc lại classiques, tôi thấy rõ những gì đã lỗi thời về bút pháp bên cạnh tính chất vĩ đại trường cửu của classiques. Tôi cố tình không chú ý đến những tác phẩm hiện đại đang bán chạy hay đang nổi tiếng, được giải này giải nọ, vân vân, để tránh khỏi bị ảnh hưởng hay chi phối bởi thị trường hay chính trị.
VM: Lý do nào đã thúc đẩy cô viết cuốn Những người con gái của sông Hương?
DNN: Nhà xuất bản RavenYard đã hỏi tôi một câu tương tự, và tôi cho rằng khó có thể nói được động cơ nào là nguồn năng lực sáng tạo của một nhà văn, tuy nhiên đối với cuốn sách này, một số chủ đề đã theo đuổi tôi, đó là thành phố Huế, sông Hương, và người dân của vương quốc Chàm đã bị xóa tên.
Mẹ tôi, một phụ nữ Huế, là người đã góp phần quan trọng trong cuộc đời văn chương của tôi ngay từ thuở còn thơ. Tôi tin rằng tất cả những cựu chiến binh Việt Nam đều nhớ đến Huế và trận chiến Mậu Thân năm 1968. Huế là cố đô, là thành phố tiêu biểu cho một thời độc lập vinh quang trước khi bị người Pháp đô hộ. Thế nên kiểm soát Huế là một điều quan trọng và đó là lý do tại sao trận chiến năm 1968 đã khốc liệt như vậy. Tôi biết những người cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam đều nhớ đến tên của thành phố này. Một lần, trong một cuộc gặp gỡ xã giao tại nhà một người làm phim ở California, tôi được giới thiệu với một người cựu chiến binh Mỹ và khi biết rằng mẹ tôi là người Huế, ông ta nói ngay đến tất cả những gì mà ông ta biết về thành phố này, tựu trung chỉ là trận chiến xảy ra ở đó. Ðiều này phần nào làm cho tôi cảm thấy buồn vì quê hương của mẹ tôi đã gắn liền với một cuộc chiến đẫm máu trong tâm hồn người Mỹ. Ðó cũng là lý do tôi muốn mang Huế và chủ đề liên quan đến nó vào tác phẩm này.
VM: Cô có chịu ảnh hưởng bút pháp của tác giả nào không?
DNN: Bút pháp của tác giả Hoa Kỳ hay bút pháp của tác giả Việt Nam? Thưa không. Hoàn toàn không. Về bút pháp của các tác giả Hoa Kỳ: Tôi còn chủ trương sẽ đem metaphor, simile (bút pháp ẩn dụ) của tiếng Việt vào văn chương Mỹ. Tôi đã từng bị một, hai readers phê bình (đây là những readers tốt nghiệp khóa văn chương) cho là văn của tôi “unAmerican” vì các metaphor lạ hoắc! Một vài người khác (thường là trong ngành báo chí) thì hết lòng bênh vực tôi, nói rằng tiếng Anh của tôi nổi bật lên một giọng nói (the voice) rất đặc biệt và authentic. Mainstream nghĩ thế nào? Khi chọn con đường đặt tác phẩm vào tay Ravensyard (vì họ yêu cầu) và không đi qua các trung gian văn chương ở Nữu Ước, tôi chẳng nghĩ đến việc sẽ có tên tác phẩm mình trên mục Book Review của tờ New York Times. Ðiều đó thật tình không quan trọng đối với tôi. Tôi càng lớn tuổi càng lý tưởng và lãng mạn: nếu Hương quả thật là Hương, thì không cần New York Times cũng tạo ra Hương; Hương tỏa trong bóng tối thì mới là hương đặc biệt. Hương đem bán thành perfume ở Gallerie LaFayette là hương mại bản.
Bút pháp của tác giả Việt Nam trong các sáng tác tiếng Việt của tôi? Cũng hoàn toàn không. (Tôi viết song ngữ; viết thẳng bằng tiếng Việt; tuy nhiên bây giờ thì ngưng hẳn và chú trọng hoàn toàn vào tiếng Anh.)
Không bị ảnh hưởng không có nghĩa là tôi không yêu thích một số tác giả nào đó. Tôi thích Nabokov, vì ông là người độc nhất trong văn chương phương Tây viết nhiều thứ tiếng cùng một lúc cũng như tiếng mẹ đẻ: Anh, Pháp, Nga. Ông thật sự là một nhà văn song ngữ, một nhà văn lưu vong với rất nhiều khuôn mặt.
Tôi xin thú nhận, khi viết tiếng Anh, tôi không thể theo nổi ngòi bút trác tuyệt của Nabokov. Không dám có tham vọng đó. Viết chỉ để mà viết. Tôi rất ghét những người viết với tham vọng – some sort of a “hidden agenda” như cái thang để trèo. Tôi chỉ có thể là tôi. Never any hidden agenda in what I write. The heart is the heart, pen is pen, and art is art.
Trong thế giới văn chương tiếng Việt, không ai viết tiếng Việt theo kiểu lanh chao xứ Huế hay hơn bà Túy Hồng. Cho đến hôm nay, chưa ai viết một truyện ngắn nào làm tôi nhớ mãi cho bằng một truyện ngắn của Trùng Dương. Và tôi chưa thấy có nhà văn nữ nào ở hải ngoại đã vượt lên trên đàn chị. Ðó là theo tiêu chuẩn chủ quan của tôi, dựa trên những gì tôi đọc từ tủ sách của bố mẹ tôi, thời thơ ấu.
VM: Văn chương trong nước, văn chương ngoài nước? Có người nói đã đến lúc ngọn đuốc phải chuyển sang cho thế hệ mới, cô nghĩ sao?
DNN: Tôi không dám nói về văn chương trong nước vì không đủ dữ kiện. Tuy nhiên, những gì tôi đã đọc, ngoài vài truyện ngắn của Nguyễân Huy Thiệp, chỉ đem đến cho tôi sự thất vọng. Câu hỏi được đặt ra, trong một môi trường thiếu tự do ngôn luận, làm thế nào cho văn chương khởi sắc? Văn chương chống đối, dissident, được đánh giá theo một số tiêu chuẩn dành riêng cho văn chương chống đối. Tiêu chuẩn ấy chưa hẳn là tiêu chuẩn văn chương.
Về văn chương hải ngoại, Vietnamese exile literature, tôi công nhận và đồng ý với ông, rằng ngọn đuốc phải chuyền đến tay người của thế hệ mới. Nhìn vào thế hệ mới, theo tôi, thì ngay cả những tác phẩm bestsellers, và ngay cả cá nhân tôi với sông Hương (với tất cả những hạn định vì tình huống riêng biệt của nó (limitations by circumstances), hầu như chưa có một chỗ đứng gì đáng kể trong phạm vi rộng lớn. Everything still remains to be seen. Con đường đi, dưới mắt tôi, là con đường thiên lý. Ðường đi chưa đến.
VM: Cô nghĩ gì về tính “lão hoá” trong văn chương hải ngoại được nói đến hiện nay?
DNN: “Lão hóa” là chu trình chung của tất cả mọi sự việc. Trong lãnh vực văn chương, chưa chắc “lão hóa” là điều đáng tiếc. (Nếu “lão hóa” có nghĩa là “tuyệt tự”, không có ai để thắp tiếp ngọn đuốc, thì vâng, nên có tiếng chuông kêu cứu. Nhưng nếu thật sự đã “tuyệt tự” thì có kêu cứu cũng không làm gì được. Nguy hiểm là ở sự “tuyệt tự” chứ không phải ở sự thật hiển nhiên: lão hóa.
Văn chương cần tuổi tác và kinh nghiệm, giống như rượu ngon, giống như mỹ nhân tự cổ như danh tướng, càng nhiều tuổi càng sắc sảo (trong tiêu chuẩn gourmet, nếu thật sự là mỹ nhân, thì phải già đi mới đẹp. Nếu không tại sao người ta lại ví mỹ nhân với danh tướng? Có tướng nào trẻ măng mà có kinh nghiệm chiến trường đủ để trở thành danh tướng hay không, kể cả Napoleon và Alexandre? Thúy Kiều 16 làm sao thu hút cho bằng Thúy Kiều 35, khi mặt hồ thu đã long lanh ngấn lệ vì đường đời, và trái tim đã trưởng thành đủ để mang tình cầm sắc đổi ra cầm kỳ?
Ðiều mà tôi lo ngại hơn vấn đề “lão hóa” là vấn đề “thoái hóa trong tiêu chuẩn” (sub-standardization, chữ dùng của riêng tôi). Trong cộng đồng Việt Nam, hiện tượng này xảy ra, là trách nhiệm của những người cầm bút đi sau, và là trách nhiệm của độc giả. Của cộng đồng người đọc. Ðiều này quá nan giải, vượt ra ngoài cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay, vì có liên quan đến vấn đề xã hội học của tình huống di dân.
VM: Có bao nhiêu phần đời thực của cô trong tác phẩm này?
DNN: Nhà xuất bản RavenYard cũng đã hỏi tôi một câu như thế. Tôi có thể nói rằng đây là một tác phẩm văn chương hư cấu, không phải là một cuốn tự truyện. Tuy nhiên tiếng nói của mỗi nhân vật chính trong bộ trường thiên tiểu thuyết này đều phảng phất tính chân thực. Những điều tôi viết ra là những gì mà những vị giáo sư bộ môn diễn xuất của tôi gọi là những hồi-ức-bén-nhạy, một phương pháp diễn xuất sân khấu mà nữ diễn viên Uta Hagen là người tiên khởi. Tôi học đưọc kỹ thuật này từ trường đào tạo diễn viên sân khấu. Tôi đã học cách làm thế nào thể nhập vào dòng cảm xúc cá nhân của mình để có thể làm rung động lên những tình cảm trung thực và mang nó vào sáng tạo. Bây giờ thì là chuyện hết sức tự nhiên và tôi đã mang được cái phương pháp hồi-ức-bén-nhạy này của kỹ thuật sân khấu vào việc sáng tạo những tác phẩm hư cấu. Một số những nhà phê bình văn học hay những người dạy viết văn thường cho rằng tác phẩm sơ khởi của nhà văn đều mang dấu ấn tự truyện. Tuy nhiên một điều xin nhớ rằng những nhà văn cũng đã học được nguyên tắc căn bản của nghệ thuật viết văn: Viết về những gì mà bạn biết rõ. Sông Hương là những gì mà tôi biết.
VM: Hiện nay cô làm gì?
DNN: Hiện tôi là giáo sư dạy bộ môn luật tại Ðại học Luật khoa thành phố Denver. Tôi sống và giữ vững cương vị chuyên nghiệp trong ngành luật suốt 20 năm qua, luôn luôn gắn bó với những giá trị tuyệt vời của ngành này.
VM: Làm sao cô có thể vừa theo đuổi luật vừa theo đuổi văn chương?
DNN: Tôi thấy là mình đã có thể kết hợp cả hai một cách hài hòa. Vấn đề chỉ là mức độ quyết tâm và sự hy sinh của nhà văn. Trong nhiều công việc liên quan đến ngành luật, tôi đã phải đấu tranh với một thành kiến luôn cho rằng nếu là một con người nghệ sĩ tôi đã không bao giờ có thể hoạt động trong ngành luật pháp một cách nghiêm túc. Thành kiến này càng được tăng thêm bởi vì người ta cho rằng tôi là một phụ nữ Ðông Nam Á, sống đóng khung trong những mẫu mực văn hoá nhất định.
Hơn thế nữa, luật pháp là khuôn khổ nguyên tắc còn nghệ thuật là tự do phóng túng, tiến trình sáng tạo hoàn toàn khác biệt. Sự xung đột này – giữa văn chương và luật pháp – đã được tôi trình bày trong những công trình nghiên cứu hàn lâm.
Một cách tóm tắt, trên rất nhiều phương diện, tôi nhận thấy rằng thế giới của văn chương và luật pháp đã bổ túc lẫn nhau.
VM: Cô nghĩ gì về các sáng tác có chất tình dục ở vài tác giả hiện nay?
DNN: Cách đây mấy tháng, tôi được biết rằng tôi đã được xếp loại vào chung với một số phụ nữ viết văn tiếng Việt – viết về tình dục. Tôi xin khẳng định – tôi chưa bao giờ viết về tình dục cả. Tôi chỉ viết về kinh nghiệm làm người. Người nữ nồng nàn và người nữ nhọc nhằn. Và tôi cũng không lấy gì làm hãnh diện được chỗ đứng “tiền phong” cho phong trào “viết về tình dục” này.
Trong việc phê bình văn học (một địa hạt quá thiếu vắng trong tình huống eo hẹp của kiếp di dân), dùng tiêu chuẩn gì đây để đánh giá hiện tượng này – cái gọi là “nhà văn Việt Nam viết về tình dục, nữ cũng như nam”? Nếu nói rằng nhà văn nữ Việt Nam đi vào một thế giới mà trước kia là chỗ đứng của đàn ông, thì Anais Nin đã làm điều này từ thập niên 1930. Tại sao đàn bà Việt Nam bây giờ đi làm chuyện đó, chỉ để công nhận mình đã thụt lùi sau Anais Nin gần cả một thế kỷ?
Artists write art. Artists write humanity. Thinkers write thoughts. Thinkers write social justice. Artists and thinkers do not write sexuality for the sake of sexuality. Nếu tình dục là một phần của kinh nghiệm nhân sinh, thì người nghệ sĩ sẽ tả dục tình để đi tìm cái đẹp của nhân sinh và nhà tư tưởng sẽ mô tả dục tình để tranh đấu cho nhân sinh. Dục tình viết khơi khơi, gratuitously, là khởi điểm của mại bản, dùng ngay thân xác con người để làm shock effect, mà trong đó phụ nữ thường thường là bị bóc lột. Người luật gia nói rằng đây là mại bản appealing to the prurient interest. Không thể dùngrealism để bào chữa cho chiều hướng mại bản này.
Tình dục, realism, trong phạm vi tiểu thuyết, cần phải được authenticated trở thành một kinh nghiệm nhân sinh (tôi không biết phải dịch chữ “authenticated” làm sao), chu kỳ “authentication” đó phải đặt trên kiến thức, trí tuệ, và sự ngậm ngùi suy gẫm về kiếp ngườI – knowledge, experience, and then the necessary elaboration. Ði vào lãnh vực mô tả tình dục con người bằng trí tưởng tượng, va chạm cả vào phạm vi chuyên môn của tâm lý học và y học– có thể sẽ trở thành faux pas lớn nhất cho người tập cầm viết. Write only what you know! Ðây là nguyên lý rõ rệt nhất cho trường dạy văn chương sáng tạo ở xứ này. Nếu không, viết về tình dục sẽ trở thành một sự trịch thượng, kệch cỡm và gượng ép. Có nhiều khi đi luôn vào cái mà độc giả có tầm vóc sẽ cho là “bad taste”.
VM: Tên cô là Như Nguyện, nghĩa là?
DNN: Vâng, tên tôi là Như-Nguyện. May All Your Wishes Come True. Và tôi thường tự bảo mình: cứ viết đi, đừng suy nghĩ đến thành công thì tốt hơn. Con đường thiên lý đẹp vì hoa nở trên đường đi, chứ không phải vì nó dẫn đến đích: một ngôi nhà vàng nào đó để nhốt con chim hót!

Bài Mới Nhất
Search