T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (23)-TENNESSEE WALTZ (Điệu Luân Vũ Dang Dở) – Stewart & King

clip_image002

Kỳ này, trong bài cuối cùng về những ca khúc dân gian nổi tiếng quốc tế được đặt lời Việt, chúng tôi xin gửi tới độc giả một trong những bản “country music” (nhạc đồng quê) phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất của Hoa Kỳ, đó là bản Tennessee Waltz, trước năm 1975 đã được một số tác giả đặt lời Việt dưới các tựa Điệu luân vũ dang dở, Điệu buồn, Tình mong manh.

Có thể viết trong số các quốc gia phương tây, Hoa Kỳ thuộc hàng “trẻ” nhất – lập quốc cách đây mới hơn 200 năm – nhưng lại có một nền nhạc dân gian phong phú bậc nhất. Có ba nguyên nhân chính: tính cách đa dạng của nguồn gốc cư dân – tiến trình lập quốc đầy huyền thoại – và những ưu đãi của thiên nhiên đã tạo thuận lợi cho sự phát triển nền nghệ thuật dân gian, trong đó có ca nhạc.

Tính cách đa dạng ấy nằm ngay trong danh xưng mà người Trung Hoa đã dịch từ chữ “United States of America”: Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Chúng tôi xin nhấn mạnh: nguyên văn trong tiếng Hán là “Hiệp Chúng Quốc” chứ không phải “Hiệp Chủng Quốc” như phần lớn người Việt hiện đang sử dụng sai. “Chúng” ở đây là “people”, còn “chủng” là “races”.

Chính vì tính cách phong phú của nền nhạc dân gian Hoa Kỳ (American folk music), ít ra cũng phải mất đến 5, 7 kỳ mới có thể điểm qua đầy đủ các thể loại, như bluegrass, western music, country music, gospel, old time music, jud bands, Appalachian folk, blues, Cajun, Native American music… của cư dân gốc Âu châu, Phi châu, Mễ-tây-cơ, và người da đỏ địa phương. Cho nên trong phạm vi bài này, nhân viết về ca khúc Tennessee Waltz, chúng tôi chỉ đề cập tới country music (nhạc đồng quê).

Nhưng trước khi đề cập tới country music cũng phải viết sơ qua về Western music (nhạc cao-bồi Viễn tây) bởi vì một nửa nguồn gốc của country music là từ Western music mà ra.

Western music được viết bởi, và viết về những người tới định cư tại miền Viễn tây của Hoa Kỳ và Gia-nã-đại. Thể loại ca khúc này chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhạc dân gian Anh-cát-lợi, Tô-cách-lan và Ái-nhĩ-lan, với nội dung ca tụng cuộc sống giang hồ của các chàng cao-bồi (cowboy), từ những rặng núi đá hùng vĩ cho tới những thảo nguyên bất tận.

Như những người thích xem phim cao-bồi Viễn tây (Western movies) còn nhớ, vào thời vàng son của thể loại phim này (đầu thập niên 1950 tới đầu thập niên 1960), theo thông lệ gần như một sự bắt buộc, trong mỗi cuốn phim phải có ít nhất một nhạc khúc, ca khúc liên quan tới cốt truyện thì mới “đúng điệu phim cao-bồi Viễn tây”, chẳng hạn trong các phim High Noon (1952), Gunfight at OK Carol (1957), Rio Bravo (1959), The Magnificent Seven (1960), The Alamo (1960)…

Về sau, tới thời “cao-bồi Texas”, Western music trở nên phong phú hơn do chịu ảnh hưởng nhạc dân gian của người Mễ-tây-cơ sống tại các tiểu bang tây nam Hoa Kỳ mà nhạc cụ chính là cây đàn guitar.

Ca khúc “cao-bồi Texas” điển hình nhất là bản El Paso, cho tới nay vẫn luôn luôn đứng đầu danh sách ca khúc Western music được ưa chộng nhất. El Paso là một sáng tác của ca nhạc sĩ nổi tiếng Marty Robbins (1925-1982), do chính ông thu đĩa năm 1959, và đã đoạt giải âm nhạc Grammy năm 1961 dành cho thể loại “nhạc cao-bồi Viễn tây và nhạc đồng quê” (Western music & country music).

clip_image003

Nội dung bản El Paso – còn có tựa không chính thức là “Feleena” – là lời tự thuật của một chàng cao-bồi, trước kia đem lòng yêu Feleena, một vũ nữ Mễ-tây-cơ đầy sức mê hoặc của quán rượu Rosa’s Cantina ở thành phố El Paso, tiểu bang Texas. Khi có một tay cao-bồi khác tán tỉnh Feleena, chàng ta đã thách thức đấu súng, bắn gục đối thủ, rồi lên ngựa đào thoát, nhưng từ đó trong lòng luôn mang nặng nỗi ân hận chỉ vì một cô gái lẳng lơ, mà mình giết một mạng người.

Phụ lục (1): El Paso, Marty Robbins

01-ElPaso-MartyRobbins

Tới đây, nói về country music, một thể loại ca khúc dân gian xuất phát từ các tiểu bang miền nam của Hoa Kỳ, đa số là các tiểu bang nông nghiệp. Về hình thức, country music là một biến thể của Western music phối hợp với Appalachian folk, tức nền nhạc dân gian truyền thống của vùng núi Appalachian Mountains, gồm các tiểu bang Kentucky, Tennessee, Virginia, Maryland, West Virginia, North Carolina, và một phần của các tiểu bang Georgia, South Carolina, Pennsylvania, và Ohio.

Country music được hình thành vào thập niên 1920 tại Atlanta, thủ phủ của tiểu bang Georgia và cũng là một trung tâm văn hóa của miền nam Hoa Kỳ. Georgia, với những cánh đồng trồng bông vải (cotton) bất tận, đã thu hút di dân từ các tiểu bang vùng núi Appalachian Mountains, những người không chỉ cống hiến sức lao động mà còn đem theo cả nền nhạc dân gian truyền thống của họ. Thời gian đầu, country music bị gọi một cách không mấy trân trọng là “hillbilly music”.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Sử học Anthony Harkins của Đại học Western Kentucky, tác giả cuốn Hillbilly: A Cultural History of an American Icon, chữ “hillbilly” là từ chữ “Hill-Billie” mà ra. “Hill-Billie” nguyên là tiếng lóng, xuất hiện lần đầu tiên trên giấy trắng mực đen vào năm 1900 trong một bài viết trên tờ New York Journal, được định nghĩa một cách lý thú và… dễ nể như sau:

“Một Hill-Billie là một nam công dân da trắng tự do và ngang tàng ở tiểu bang Alabama, sống ở trên các ngọn đồi, muốn ăn mặc ra sao thì mặc, muốn nói năng như thế nào thì nói, uống rượu whiskey bất cứ lúc nào anh ta có được, và rút súng ra bắn bất cứ lúc nào anh ta nổi hứng!”

clip_image005

Mãi tới thập niên 1940, chữ “country music” mới được chính thức sử dụng để thay thế chữ “hillbilly music”. Và từ đó, “country music” đã dần dần trở thành thể loại nhạc dân gian phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất trong quảng đại quần chúng Mỹ, và với người ngoại quốc, thường được xem là đặc trưng của nền nhạc dân gian Hoa Kỳ.

Theo bách khoa tự điển Wikilepdia, thống kê năm 2009 cho thấy tại Hoa Kỳ, “country music” là thể loại ca khúc được nghe nhiều nhất từ các đài phát thanh trong giờ cao điểm lưu thông buổi chiều, và đứng hạng nhì trong giờ cao điểm buổi sáng.

Hiện nay, mặc dù tại giải âm nhạc Grammy của Hoa Kỳ, tên gọi của giải thưởng vẫn là “Western music & country music” (nhạc cao-bồi Viễn tây và nhạc đồng quê) nhưng trên thực tế, ngày nay “Western music” đã không còn được xem là một thể loại riêng biệt nữa, mà chỉ là một phần trong nền nhạc “modern country music” (nhạc đồng quê hiện đại).

Gọi là “hiện đại” bởi vì từ hình thức tới nội dung đã được hiện đại hóa để thu hút mọi thành phần đối tượng. Về hình thức, ngoài những nhạc cụ truyền thống như violin, banjo, guitar thùng, khẩu cầm (harmonica), còn có thêm guitar điện, guitar bass, hạ-uy-cầm, trống, kèn…; về nội dung, không còn chỉ là những ca khúc “kể truyện” cuộc sống ở đồng quê hay kiếp sống phiêu bạt của các chàng cao-bồi, mà còn là những ca khúc tình cảm.

Và quan trọng không kém là cách hát, thay vì hát “giọng mũi” đúng điệu country music truyền thống (Bob Dylan là một điển hình), các sĩ đã hát theo một phong cách mới, dễ nghe, êm ái, ngọt ngào hơn, tương tự như cách hát những ca khúc phổ thông (popular songs).

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu ba ca khúc điển hình của nền nhạc modern country music, là các bản Detroit City (1962), Stand By Your Man (1968), và The Most Beautiful Girl (1973).

Detroit City – còn có tựa khác là “I Wanna Go Home”, là một sáng tác của Danny Dill và Ted Tillis, nội dung là lời thở than của một công nhân gốc miền Nam lên miền Bắc để kiếm sống, đêm nằm nhớ thương quê nhà và mơ tưởng tới những người thân yêu.

Năm 1962, Detroit City được nam ca sĩ dân ca Billy Grammer thu đĩa dưới tựa “I Wanna Go Home”, đứng hạng 18 trong Top 50 country music. Nhưng phải đợi qua năm 1963, sau khi được nam ca sĩ Bobby Bare thu đĩa, Detroit City mới thực sự trở thành “ca khúc country music của thập niên”, đứng hạng tư trên bảng xếp hạng toàn quốc Hoa Kỳ (Billboard), và đem lại cho chàng ca sĩ trẻ giải Grammy 1963 dành cho thể loại “Western music & country music”.

Video:

Bobby Bare – Detroit City (with lyrics)

Tới năm 1967, Detroit City được nam ca sĩ gốc Anh Tom Jones thu đĩa, và lên tới hạng 8 trên bảng xếp hạng tại Anh quốc. Ba năm sau (1970), Detroit City được nam danh ca Dean Martin của Mỹ thu đĩa và đã lên tới hạng nhất (Billboard) trong thể loại nhạc nhẹ.

Thời gian chiến tranh Việt Nam, Detroit City cũng là ca khúc phổ biến nhất trong lực lượng Hoa Kỳ đóng tại miền nam Việt Nam. Nguyên nhân rất dễ hiểu: câu hát “I Wanna Go Home”!

Ngày ấy, bất cứ ban nhạc trẻ Việt Nam hay Phi-luật-tân nào chơi cho các club Mỹ cũng đều phải thuộc bản này vì chắc chắn sẽ bị yêu cầu. Và khi chàng ca sĩ của ban nhạc hát tới câu “I Wanna Go Home”, toàn thể các chàng lính viễn chinh ở dưới đồng loạt hát theo “I Wanna Go Home”!

Tiếp theo, nói về bản Stand By Your Man, ca khúc được nhiều người cho là hay nhất của nền nhạc country. Stand By Your Man là một sáng tác của nữ ca sĩ kiêm nhà viết ca khúc Tammy Wynette (1942–1998), người được xưng tụng là “Đệ nhất Phu nhân của nhạc country” (First Lady of Country Music). Trong hai thập niên 1960, 1970, Tammy Wynette đã có tới 23 bản đứng No.1, trong số đó có Stand By Your Man, thu đĩa năm 1968.

Stand By Your Man không chỉ lên No.1 tại Hoa Kỳ mà còn tại nhiều quốc gia Âu Châu, trong đó có Anh quốc và Hòa-lan. Năm 2010, ca khúc này được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ liệt vào danh sách đĩa hát di sản quốc gia (National Recording Registry). Cho tới nay, Stand By Your Man vẫn đang đứng No.1 trong danh sách Top 100 Country Music Songs của hệ thống truyền hình CMT (Country Music Television).

Thế nhưng, cũng có những người không thích, thậm chí lên án bản Stand By Your Man, đó là các thành phần phụ nữ cấp tiến, các nhà tranh đấu cho nữ quyền (feminists), bởi vì họ cho rằng Stand By Your Man có nội dung tiêu cực, hạ thấp vị trí của người đàn bà trong tương quan tình cảm nam nữ.

Sau này, Stand By Your Man còn bị liên hệ với thói trăng hoa của “Willie” – nickname mà các nhà báo đã đặt cho ông tổng thống “băm lăm” Bill (William) Clinton của Mỹ.

Nguyên vào thời gian tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất, vị cựu Thống đốc Arkansas đã bị cô ca sĩ Gennifer Flowers tố cáo đã bỏ rơi cô một cách tàn nhẫn sau 7 năm “thân mật”. Khi phu nhân Hillary Clinton lên chương trình truyền hình 60 Minutes, được hỏi về lập trường và thái độ của bà trước việc ông chồng bị tố cáo ăn vụng, Hillary trả lời đại khái cứ để cho ông ấy “đỡ đòn” một mình, bởi vì “tôi không phải là loại đàn bà yếu đuối luôn luôn về phe với người đàn ông của mình như Tammy Wynette” (some little woman standing by her man like Tammy Wynette).

Vì lời khích bác Hillary Clinton, Tammy Wynette đã phải “than thở’ trên đài phát thanh NPR (National Public Radio):

“Thật khó lòng tin rằng ca khúc mà tôi chỉ mất 20 phút để viết, lại phải bỏ ra 2, 3 chục năm để bảo vệ”.

Video:

Tammy Wynette – Stand By Your Man (with lyrics) – YouTube

Tiếp theo, nói về bản The Most Beautiful Girl của hai tác giả Norris Wilson, Rory Michael Bourke, với phần hòa âm độc đáo của nhạc trưởng Bill Sherrill – người trước đó đã soạn hòa âm cho bản Stand By Your Man.

The Most Beautiful Girl được viết vào năm 1968 và được một vài ca sĩ thu đĩa, tuy nhiên phải đợi tới năm 1973, sau khi được ca sĩ country Charlie Rich (1932–1995) thu đĩa, The Most Beautiful Girl mới lên tới đỉnh cao của nó. Cũng qua ca khúc này, Charlie Rich đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải nam ca sĩ nhạc country hay nhất trong năm 1973, và giải Grammy cho nam ca sĩ hay nhất trong năm 1974 (tính tất cả mọi thể loại).

Tại Hoa Kỳ, The Most Beautiful Girl do Charlie Rich thu đĩa đã cùng một lúc đứng No.1 trên cả ba bảng xếp hạng toàn quốc (Billboard): Hot 100, Hot Country Singles, và Easy Listening (nhạc nhẹ).

Tại Gia-nã-đại, đĩa hát The Most Beautiful Girl của Charlie Rich cũng đứng No.1 trên cả ba danh sách Country Tracks, Top Singles, và Adult Contemporary (tương đương Easy Listening của Mỹ).

Tại Âu châu, đĩa hát này đã đứng No.1 ở Bỉ, No.2 ở Anh và Ái-nhĩ-lan, No.3 ở Hòa-lan, No.5 ở Đan-mạch, No.8 ở Na-uy, No.10 ở Pháp, No.14 ở Đức; còn tại Úc, đứng No.7.

Video:

Charlie Rich – The most beautiful girl – 1974 – YouTube

Chúng tôi tin rằng qua thưởng thức ba ca khúc Detroit City, Stand By Your Man,The Most Beautiful Girl , cho dù không yêu nhạc ngoại quốc mấy, hoặc không có được những hiểu biết căn bản về nhạc country của Mỹ, ít ra độc giả cũng thấy thích thú, hoặc có thể rung cảm trước giai điệu, âm điệu đặc thù của thể loại ca khúc dân gian hiện được xem là phổ biến nhất thế giới.

Và sau đây, chúng tôi xin đi vào đề tài chính: ca khúc Tennessee Waltz. Nếu lược qua những danh sách các ca khúc country được ưa chuộng nhất xưa nay, nhiều khi thứ hạng của Tennessee Waltz còn thấp hơn ba ca khúc đã đề cập tới ở trên, tuy nhiên vì Tennessee Waltz vừa là một ca khúc country vừa là một ca khúc popular cho nên có sức thu hút mọi thành phần thính giả, tại Hoa Kỳ cũng như ở ngoại quốc.

Trước khi đề cập tới nội dung ca khúc, xin nói về cái tựa: Tennessee Waltz. Tại sao lại là Tennessee chứ không phải là một tiểu bang nào khác? Tại sao lại là điệu luân vũ (waltz, valse) phát xuất từ Âu châu chứ không phải “fox trot” hay “square dance”, là hai thể điệu được hình thành tại Hoa Kỳ?

Như chúng tôi đã trình bày trong bài nói về hai nhạc khúc soạn theo thể điệu waltz nổi tiếng nhất thế giới là Dòng Sông Xanh (Blue Danube) và Sóng Nước Biếc (The Waves of Danube), người Mỹ không chỉ đặc biệt yêu thích hai bản waltz này, mà trước đó, waltz đã là điệu nhảy phổ biến ở Hoa Kỳ hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới – trừ thành Vienna, quê hương của thể điệu waltz nguyên thủy, tức “Viennese Waltz”.

Waltz được người Anh du nhập vào Hoa Kỳ rất sớm, có thể là trong thập niên 1810, hoặc 1820. Nguyên sau khi được giới thiệu tới công chúng vào thập niên 1780 và trở thành điệu nhảy thời thượng ở thành Vienna, bước sang đầu thế kỷ thứ 19, waltz đã chinh phục Anh quốc; và tới năm 1812, đã được vũ trường Almack’s sang trọng nhất của thủ đô Luân-đôn chính thức chấp thuận. Tuy nhiên, người Anh có tiếng là bảo thủ, cho nên tới năm 1825, định nghĩa trong tự điển Oxford vẫn còn gọi waltz là một vũ điệu “thác loạn, vô luân” do tư thế ôm sát nhau của cặp nam nữ.

Cũng vì tư thế ôm sát nhau ấy mà sau khi được du nhập vào Hoa Kỳ, waltz đã bị các vị Thừa sai ở California cấm tín đồ nhảy với nhau (lệnh cấm này chỉ được bãi bỏ vào năm 1834). Cùng khoảng thời gian này, một điệu nhảy waltz với nhịp chậm hơn được hình thành tại Boston, thủ phủ tiểu bang Massachusetts, và tới cuối thế kỷ thứ 19, đã được chính thức mang tên gọi “American Waltz”, hoặc “American Slow Waltz”, có khi còn được gọi là “Boston Waltz”, hoặc ngắn gọn hơn, là “Boston”, do xuất xứ của điệu nhảy này.

Khác biệt chính giữa American Waltz và Viennese Waltz không chỉ là American Waltz có nhịp chậm hơn mà còn là khi nhảy American Waltz, cặp nam nữ cách rời nhau nhiều hơn là ôm sát.

Theo một số tác giả, American Waltz đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới “International Style Waltz” (còn gọi là “English Waltz”), và cùng với Viennese Waltz, International Style Waltz, được xem là ba thể điệu waltz phổ biến nhất thế giới hiện nay.

Nhưng American Waltz nói tới ở trên, tức Boston Waltz là một thể điệu “ballroom”, tức là mang tính cách formal, dành cho giới trung lưu, người thành thị, không phổ biến nơi đa số dân quê.

Theo các tác giả Mỹ, trong các vũ hội ở đồng quê hiện nay, tuy vẫn còn những người khiêu vũ theo điệu Boston, nhưng chỉ là một số rất ít, còn đại đa số thì nhảy “waltz đồng quê Viễn tây” (Country Western Waltz), là thể điệu waltz đơn giản và vui nhộn hơn.

Nguồn gốc của Country Western Waltz là “Spanish Waltz”. Khởi đầu, vì bị các vị Thừa sai cấm nhảy “Viennese Waltz” (nam nữ ôm sát nhau), các tín đồ Công giáo ở California, đại đa số có nguồn gốc Tây-ban-nha (Hispanic, Latino), đành phải nhảy đỡ “Spanish Waltz”, một vũ điệu tập thể trong đó các cặp chỉ cầm tay nhau và di chuyển theo một vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ.

Về sau, “Spanish Waltz” được một số địa phương cải biến, dần dần trở thành một thể điệu đặc thù của địa phương mình, chẳng hạn West Texas waltz, Tennessee waltz…, tất cả được gọi chung là Country Western Waltz, hoặc Country & Western Waltz.

* * *

clip_image007

Hý Viện Ryman ở Nashville, tiểu bang Tennessee

Nếu có dịp tìm hiểu về Country Western Waltz của Hoa Kỳ, chúng ta sẽ thấy có nhiều bản waltz của các địa phương khác nhau, chẳng hạn Kentucky Waltz, Missouri Waltz, Tennessee Waltz…, nhưng tại sao bản Tennessee Waltz lại được phổ biến và yêu chuộng một cách đặc biệt đến thế?

Theo đa số tác giả và cá nhân chúng tôi, nhờ ba yếu tố sau đây: nét nhạc, lời ca, và tiếng hát.

Trước hết nói về nét nhạc. “Nhạc” ở đây là “nhạc đồng quê hiện đại” (modern country music) mà chúng tôi đã nhắc tới ở một đoạn trên. Mà cái nôi của modern country music chính là Nashville, thủ phủ tiểu bang Tennessee.

Với những người thích uống rượu whiskey Mỹ (bourbon) thì nhắc tới tiểu bang Tennessee là họ sẽ nghĩ ngay tới nhãn rượu Jack Daniel’s bán chạy nhất thế giới; với những người thích du lịch thì sẽ nghĩ tới công viên quốc gia Great Smoky Mountains National Park nổi tiếng; còn với những người yêu nhạc, nhắc tới Tennessee là nhắc tới nhạc blues, rock and roll, và country.

Memphis, thành phố lớn nhất của Tennessee, là cái nôi của blues và rock and roll, nơi có bảo tàng viện Memphis Rock N’ Soul Museum, là nơi khởi nghiệp của Elvis Presley, và dĩ nhiên không thể không nhắc tới trang viên Graceland, nơi an giấc nghìn thu của “ông vua nhạc rock”, mỗi năm thu hút hàng triệu khách “hành hương” tới thăm mộ.

Còn Nashville, thủ phủ tiểu bang, thành phố lớn thứ nhì của Tennessee, là cái nôi của “modern country music”, nơi đặt bảo tàng viện và danh vọng sảnh của country music (Country Music Hall of Fame and Museum), nơi có nhà hát cổ kính Ryman Auditorium – vốn được xưng tụng là “Mother Church of Country Music”, địa điểm tổ chức liên hoan Country Music Festival hàng năm, và nhà hát nổi tiếng Grand Ole Opry, nơi mỗi tuần đều có buổi trình diễn country music của các ca sĩ thời danh.

clip_image009 clip_image010

Pee Wee King (1914-2000) Redd Stewart (1923-2003)

Ca khúc Tennessee Waltz, được viết vào năm 1946, là một trong những ca khúc đầu tiên của “modern country music”, nhạc của Pee Wee King (1914-2000), lời của Redd Stewart (1923-2003).

Trường hợp ra đời của Tennessee Waltz cũng khá đặc biệt. Thời gian này, Pee Wee King đang là trưởng ban nhạc Golden West Cowboys, còn Redd Stewart là ca sĩ chính trong ban. Hôm ấy, cả ban đang ngồi trên xe limousine tới rạp Grand Ole Opry để trình diễn, thì từ máy radio phát ra bản “Kentucky Waltz”, một sáng tác mới thuộc thể loại “bluegrass” của Bill Monroe.

[Bill Monroe (1911-1996), ca sĩ kiêm tay đàn mandoline kiêm nhà viết ca khúc nổi tiếng, cha đẻ của thể loại “bluegrass” trong nền nhạc dân gian của Hoa Kỳ. Định nghĩa một cách ngắn gọn, “bluegrass” là nhạc dân gian truyền thống của di dân gốc Anh-cát-lợi, Tô-cách-lan, Ái-nhĩ-lan, và xứ Wales, phối hợp với ảnh hưởng của nhạc Mỹ da đen (African-American) và nhạc jazz. “Kentucky Waltz” là đĩa hát thành công nhất của Bill Monroe, lên tới hạng ba toàn quốc]

Nghe bản Kentucky Waltz của Bill Monroe, Pee Wee King và Redd Stewart bảo nhau tại sao mình không sáng tác một ca khúc mang tựa đề “Tennessee Waltz”, và họ đã thực hiện ngay. Trên xe không có giấy, Redd Stewart phải viết lời hát trên một cái hộp diêm (matchbox – chắc hẳn ngày ấy cái hộp diêm phải lớn lắm!) trong khi Pee Wee King thì miệng “là lá la” thành dòng nhạc.

Lời hát của Tennessee Waltz là lời tự thuật của nhân vật chính (cô gái hay chàng trai), nhớ về một ngày xa xưa, cùng người yêu tham dự một vũ hội Tennessee Waltz, bất ngờ gặp lại một người bạn cũ, giới thiệu bạn với người yêu, để rồi bị bạn cướp mất người yêu ngay trong lúc hai người cùng nhau khiêu vũ theo điệu Tennessee Waltz tuyệt vời!

Tennessee Waltz
I was dancin’ with my darlin’ to the Tennessee Waltz
When an old friend I happened to see
I introduced her to my loved one and while they were dancin’
My friend stole my sweetheart from me

I remember the night and the Tennessee Waltz
Now I know just how much I have lost
Yes, I lost my little darlin’ the night they were playing
The beautiful Tennessee Waltz

I remember the night and the Tennessee Waltz
Now I know just how much I have lost
Yes, I lost my little darlin’ the night they were playing
The beautiful Tennessee Waltz

Oh, the beautiful Tennessee Waltz.

Thiết nghĩ không cần giỏi tiếng Anh cho lắm, quý độc giả cũng có thể nhận thấy lời hát của bảnTennessee Waltz rất đơn sơ, giản dị. Nhưng cũng chính vì sự đơn sơ, giản dị ấy, cộng thêm tính cách lãng mạn cường điệu tới mức phi lý – chỉ nhảy với nhau một bản luân vũ mà đã yêu nhau ngay – đã khiến lời hát có sức thu hút đặc biệt.

Yếu tố thứ ba khiến Tennessee Waltz được yêu chuộng tới mức ấy chính là tiếng hát của Patti Page; và theo chúng tôi đây là yếu tố quan trọng nhất.

clip_image012

Patti Page (1927-2013)

Thực vậy, sau khi Pee Wee King và Redd Stewart viết Tennessee Waltz vào năm 1946, tới cuối năm 1947, ban nhạc Golden West Cowboys của hai ông đã thu đĩa ca khúc này, đồng thời nam ca sĩ Cowboy Copas, nguyên là một thành viên của Golden West Cowboys cũng thu một đĩa riêng. Qua năm 1948, cả hai đều lên Top 10 C&W (Country & Western), đĩa của Golden West Cowboys đứng hạng 3, còn đĩa của Cowby Copas đứng hạng 6.

Phải đợi tới năm 1950, sau khi được Patti Page thu đĩa, Tennessee Waltz mới trở thành ca khúc được đủ mọi thành phần thính giả ở Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới yêu thích.

Patti Page (1927-2013) tên thật là Clara Ann Fowler, là nữ ca sĩ có số đĩa hát bán ra nhiều nhất trong thập niên 1950, và tính tới nay, tổng số đã lên trên 100 triệu.

Điều đáng nói nhất là Patti Page không được liệt vào hàng ngũ ca sĩ hát nhạc country mà chỉ là một ca sĩ hát nhạc Pop (popular) hát những ca khúc country theo cách hát riêng của mình. Chính vì thế, nhiều đĩa hát của Patti Page đã đứng trên bảng xếp hạng của cả nhạc Pop lẫn nhạc country – trong đó bản thành công nhất chính là Tennessee Waltz.

Muốn biết tại sao Clara Ann Fowler lại có nghệ danh “Patti Page”, phải trở lại với thuở hàn vi của người nữ ca sĩ sau này được nhiều nhà phê bình xưng tụng là nữ ca sĩ nhạc Pop số 1 của thế kỷ thứ 20.

Clara Ann Fowler ra chào đời tại một vùng quê ở tiểu bang Oklahoma, trong một gia đình nghèo và đông con. Ông bố là một công nhân đường sắt, tới mùa thu hoạch bông (cotton), bà mẹ và mấy cô chị phải ra đồng làm mướn mà vẫn không đủ sống; nhiều khi, căn nhà của gia đình bị cúp điện vì không trả nổi “bill”!

Clara Ann Fowler tốt nghiệp trung học vào năm 18 tuổi (1945) và nhờ có năng khiếu hát, may mắn được thu nhận làm ca sĩ trong một chương trình ca nhạc dài 15 phút trên đài phát thanh KTUL ở Tulsa, Oklahoma. Chương trình này do hãng sữa “Page Milk Company” bảo trợ, cho nên người phụ trách đã lấy tên hãng sữa này để đặt cho Clara Ann Fowler nghệ danh “Patti Page” (Patti là viết tắt của “Patricia”, có nghĩa cổ xưa là “một phụ nữ quý tộc”).

Chưa đầy một năm sau (1946), Jack Rael, một tay kèn saxophone kiêm trưởng ban nhạc “Jimmy Joy Band” tới Tulsa để trình diễn một buổi duy nhất, và may mắn lại đến với Patti Page khi ông này nghe được tiếng hát của cô trên đài phát thanh qua chương trình 15 phút ấy.

Patti Page theo Jimmy Joy Band đi lưu diễn khắp nơi, và qua năm 1947, khi tới trình diễn tại Chicago, được hãng đĩa Mercury khám phá và ký hợp đồng. Jack Rael liền rời ban nhạc để đảm trách việc soạn hòa âm kiêm ông bầu cho Patti Page.

Sau một số thành công tương đối, tới đầu năm 1950, Patti Page đã có đĩa đầu tiên bán được trên 1 triệu đĩa – trong tổng số 15 đĩa bán được trên 1 triệu trong thời gian 15 năm liên tục (1950-1965).

Trong tổng số 15 đĩa bán được trên 1 triệu ấy, Tennessee Waltz đã trở thành ca khúc cầu chứng của Patti Page. Thực ra, Patti Page không hề có ý định thu đĩa bản Tennessee Waltz mà chỉ làm theo đề nghị của ông bầu Jack Rael, đồng thời cũng vì ông bố của Patti rất thích ca khúc này.

Khi đã quyết định thu đĩa bản Tennessee Waltz để đưa vào mặt B của đĩa hát sẽ tung ra vào mùa Giáng Sinh 1950 có tựa đề “Boogie Woogie Santa Claus”, Patti Page rất phân vân giữa hai lựa chọn: hát một mình hay hát với giọng phụ họa (hát bè) của người khác.

Cuối cùng, không hiểu do không tin tưởng người khác hay vì muốn đi tiên phong trong việc sử dụng kỹ thuật “ghép giọng” (overdubbing technique) lúc đó mới được ứng dụng, Patti Page đã thu âm Tennessee Waltz ba lần với ba giọng hát khác nhau (của chính mình): hát solo, hát giọng chính, và hát giọng phụ (hát bè), để thực hiện thành hai đĩa, một đĩa hát solo, một đĩa hát bè gồm giọng chính và giọng phụ ghép lại. Kết quả, sau khi nghe thử, Patti Page đã chọn đĩa hát bè để tung ra thị trường.

Phụ lục (2): Tennessee Waltz, Patti Page

02-TennesseeWaltz-PattiPage

[Kỹ thuật “ghép giọng” do nhả sản xuất nhạc Mitch Miller (1911-2010) khởi xướng, lúc đầu không được mấy người quan tâm, nhưng sau khi được Patti Page ứng dụng một cách tuyệt vời qua bản Tennessee Waltz, đã trở nên rất phổ biến. Đĩa hát ghép giọng nổi tiếng nhất trong thời gian gần đây là Unforgettable, ca khúc đi liền với giọng hát trầm ấm của Nat King Cole (1919-1965), thu đĩa lần đầu năm 1951, và tới năm 1961 thu lại với kỹ thuật “stereo”. Ba mươi năm sau (1991), tiếng hát của Nat King Cole trong đĩa stereo ấy được “lấy” ra để “ghép” với tiếng hát của cô con gái Natalie Cole. Kết quả, bản Unforgettable do hai cha con “song ca” đã đoạt 3 giải Grammy năm 1992: Ca khúc trong năm, Đĩa nhạc trong năm, và Ca sĩ hát hay nhất (thể loại nhạc Pop)].

Video:

Natalie Cole LIVE – Unforgettable

Trở lại với bản Tennessee Waltz do Patti Page thu đĩa cuối năm 1950, mặc dù chỉ là ca khúc mặt B (side B) của một đĩa hát có chủ đề chính là Giáng Sinh, ngay sau khi được tung ra thị trường (tháng 11/1950) đã lên ngay bảng xếp hạng toàn quốc (Billboard) của cả thể loại nhạc Pop lẫn nhạc country. Tới ngày 30/12/1950, Tennessee Waltz đã lên No.1 trong danh sách nhạc Pop, và ở vị trí này trong suốt 13 tuần lễ liên tục. Trong khi đó, trong bảng xếp hạng nhạc country, Tennessee Waltz chỉ lên tới No.2.

Từ đó, sau thành công của Patti Page, đã có nhiều ca sĩ khác hát các ca khúc country theo cách hát nhạc Pop, và đều đạt thành công, ít nhất cũng là về mặt thương mại.

Đĩa hát Tennessee Waltz của Patti Page không chỉ đứng No.1 tại Hoa Kỳ mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Riêng tại Nhật Bản, vào năm 1974, Tennessee Waltz đã được ghi nhận là đĩa hát có số bán cao nhất từ trước tới nay.

Thành công vượt bực của Patti Page cũng đưa tới một kỷ lục khác cho bản Tennessee Waltz: đây ca khúc được các ca sĩ hay ban nhạc (của Mỹ, Gia-nã-đại, Anh) hát lại nhiều nhất từ xưa tới nay, trong đó thành công nhất là đĩa của nữ danh ca Anne Murray (Gia-nã-đại), hát theo cách hát của Patti Page, và nữ danh ca ca sĩ Alma Cogan (Anh quốc), hát theo thể điệu rock bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Đĩa tiếng Anh của Alma Cogan đã lên No.1 trong năm tuần lễ liên tiếp tại Thụy-điển, đứng trong Top 10 ở nhiều quốc gia Âu châu khác; còn đĩa hát bằng tiếng Đức thì lên tới hạng 10 tại quốc gia này.

Video:

My Choice 160 – Anne Murray – Tennessee Waltz

Alma Cogan – The Tennessee Waltz – YouTube

Năm 1965, Quốc Hội tiểu bang Tennessee đã ra nghị quyết chọn Tennessee Waltz làm ca khúc chính thức thứ 5 của tiểu bang. Cũng nên biết đại đa số (48) tiểu bang của Mỹ đều có 1 hoặc 2 ca khúc chính thức (state official song); riêng hai tiểu bang Massachusetts và New Hampshire có 8 bản, còn Tennessee thì có tới 9 bản (tính cho tới nay)!

Năm 1997, Patti Page được ghi danh vào Âm nhạc Danh vọng sảnh (Music Hall of Fame) của tiểu bang Oklahoma. Bà qua đời vào tháng 1/2013, thọ 85 tuổi. Qua tháng 2, tại giải âm nhạc Grammy lần thứ 55, bà được truy tặng giải Grammy cho sự nghiệp (Lifetime Achievement Award). Nhân dịp này, nữ ca sĩ Kelly Clarkson đã trình bày bản Tennessee Waltz để tưởng nhớ vị tiền bối đã đi vào huyền thoại.

Phụ lục (3): Tennessee Waltz (jazz), hòa tấu

03-tennessee waltz -hoatau

Phụ lục (4): Tennessee Waltz (new wave), The Shadows

04-TennesseeWaltz-Shadows

Một trong số những giai thoại về Tennessee Waltz là ca khúc nổi tiếng này đã được lấy để đặt tên cho một chiến dịch chống tham nhũng tại Tennessee. Như những độc giả cư ngụ tại Hoa Kỳ có thể còn nhớ, vào năm 2004, trước tệ nạn tham nhũng hối lộ lan tràn ở Tennessee, cảnh sát liên bang (FBI) đã mở một chiến dịch bí mật lấy tên là “Operation Tennessee Waltz”, qua đó một số nhân viên của FBI đã đóng vai “cò mồi” để dụ các bậc phụ mẫu chi dân có máu tham. Kết quả, khi “bản luân vũ Tennessee” chấm dứt vào năm 2006, đã có hàng chục chính trị gia các cấp, gồm thượng nghị sĩ, dân biểu Quốc Hội, viên chức chính quyền tiểu bang, bị bắt, truy tố và lãnh án với những số tiền hối lộ có khi lên tới 150.000 Mỹ kim từ tay các… nhân viên FBI!

* * *

Tại miền nam Việt Nam trước năm 1975, theo ký ức của chúng tôi, bản Tennessee Waltz được phổ biến khá muộn, có lẽ vào khoảng giữa thập niên 1960, qua các làn sóng điện của đài phát thanh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Đồng thời, vì giới yêu nhạc ngoại quốc tại Việt Nam ngày ấy cũng không mấy quen thuộc với nhạc country và thể loại waltz chậm vừa của Mỹ, cho Tennessee Waltz đã không được phổ biến, yêu chuộng cho bằng các bản waltz có nhịp nhanh hơn, như One Day (When We Were Young), The Last Waltz, Delilah, v.v…

Vào khoảng cuối thập niên 1960 đầu 1970, Tennessee Waltz được nhạc sĩ Y Vân đặt lời Việt với tựa Tình Mỏng Manh. Sau đó là Trường Kỳ với tựa Điệu Buồn. Đồng thời cũng trong phong trào đặt lời Việt cho các ca khúc ngoại quốc vào những năm đầu thập niên 1970, một tác giả khác (mà chúng tôi không có cơ hội, phương tiện tìm hiểu) đã đặt lời Việt với tựa Điệu luân vũ dang dở.

clip_image014

Trước năm 1975, Tình Mỏng Manh của Y Vân đã được Duy Trác trình bày trong băng nhạc Mây Hồng 4, chủ đề “20 Bản Tình Ca Bất Tử”; trong băng nhạc này, Duy Trác hát theo nhịp thật chậm, tức nhịp của điệu Boston. Điệu Buồn của Trường Kỳ thì chúng tôi không nhớ do ca sĩ nào thu băng. Còn Điệu luân vũ dang dở thì được Vy Vân trình bày dưới hình thức song ngữ.

Ngày ấy, Vy Vân là một trong những nữ ca sĩ hát nhạc ngoại quốc hay nhất của Hòn ngọc Viễn đông; những ca khúc ngoại quốc lời Việt thường được Vy Vân hát cả lời tiếng Việt lẫn lời Anh hay Pháp, trong số đó, theo nhận xét của chúng tôi, đạt nhất phải là bản You don’t have to say you love me – Không cần nói anh yêu (lời Việt của Phạm Duy).

Vy Vân cũng là giọng ca chính trong ban tam ca nữ The Apple Three, còn hai “trái táo” Tuyết Hương, Tuyết Dung thì chủ yếu chỉ để “làm kiểng”. Sau khi The Apple Three tan rã vào năm 1973, Vy Vân tiếp tục hát một mình. Nữ ca sĩ Phi Phi tại hải ngoại sau này chính là ái nữ của Vy Vân.

clip_image015

Vy Vân

Chỉ có điều đáng tiếc là cả bản Tình Mỏng Manh do Duy Trác hát lẫn bản Điệu luân vũ dang dở do Vy Vân trình bày, được phổ biến trên Internet hiện nay có chất lượng âm thanh rất kém, nhưng chúng tôi cũng xin được gửi tới độc giả như một nhắc nhớ về những ngày tháng cũ.

Cũng trong tinh thần hoài niệm ấy, chúng tôi xin ghi lại lời Việt do Trường Kỳ đặt, để tưởng nhớ một đồng nghiệp tài hoa đã vĩnh viễn ra đi.

Điệu buồn – Tennessee Waltz

Lời Việt: Trường Kỳ

Nghìn âm thanh cũ, buồn như mưa lũ
Đàn buông lên tiếng tơ trùng
Nghe thoáng xa vời có riêng tôi vu vi

Đèn lung linh sáng hồn như xa vắng
Buồn như vô cớ vương trong lòng
Ai đây cùng nghe cung buồn với tôi

Buồn không duyên cớ thế thôi
Biết nhớ nhung chi bây giờ
Lòng không biết hôm nay vì cớ sao buồn

Buồn dâng khi sáng, buồn len trong tối
Buồn dâng lên khúc u ca trầm
Trong tâm hồn nghe cung buồn thiết tha.

Phụ lục (5): Tình Mỏng Manh , Duy Trác

05-Tinh Mong Manh Tennessee Waltz – DuyTrac – Y Van

Phụ lục (6): Điệu luân vũ dang dở, Vy Vân

06-DieuluanvudangdoTennesseeWaltz-V_kzeu

 

Hoài Nam

 

 

 

PHỤ LỤC:

 

Phụ lục (1): El Paso, Marty Robbins

Phụ lục (1): El Paso, Marty Robbins

Phụ lục (2): Tennessee Waltz, Patti Page

Phụ lục (2): Tennessee Waltz, Patti Page

Phụ lục (3): Tennessee Waltz (jazz), hòa tấu

Phụ lục (3): Tennessee Waltz (jazz), hòa tấu

Phụ lục (4): Tennessee Waltz (new wave), The Shadows

Phụ lục (4): Tennessee Waltz (new wave), The Shadows

Phụ lục (5): Tình Mỏng Manh , Duy Trác

Phụ lục (5): Tình Mỏng Manh , Duy Trác

Phụ lục (6): Điệu luân vũ dang dở, Vy Vân

Phụ lục (6): Điệu luân vũ dang dở, Vy Vân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search