T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Những Con Quạ Đen Trên Nóc Nhà Xác

clip_image002

(Ảnh : Internet)

Có thể bạn chưa thấy, chưa biết con quạ đen bao giờ, nhất là những người sống ở thành phố, ở chốn văn minh, vì quạ đen thích môi trường đen tối có mùi thôi-sắc. Những giống chim sống quanh chúng ta có 2 loại đối nghịch nhau, con chim bồ câu hiền lành dễ thương bao nhiêu thì con quạ độc ác dễ ghét bấy nhiêu. Quạ càng bị ghét khi nó âm mưu cùng bọn “đỉnh cao trí tuệ” bôi vôi vào người giả dạng làm con bồ câu trắng tham dự hòa bình. Thiên bất dung gian, trời làm cho một cơn mưa bão, vôi trôi, lột mặt lạ lũ gian ác, quạ đen và các “đồng chí” của nó.

Cái cảnh con quạ đen đậu trên nóc nhà ám ảnh tôi mãi cho tới 70 năm sau. Khi thấy con quạ đen đứng trên nóc nhà kêu “quác-quác” thì mẹ tôi liền cầm cái chổi quơ quơ lên không, miệng la đuổi nó bay đi, vừa khi đó thì chuông nhà thờ vang lên từng tiếng chậm rãi “boong… boong”, đó là tiếng chuông báo tử cho mọi người biết là trong giáo xứ, trong làng vừa có người trút hơi thở cuối cùng. Khi nghe tiếng chuông thì mọi người làm dấu thánh giá, đọc 3 kinh kính mừng cầu xin cho linh hồn người quá cố được về nước Chúa.

Tiếng chuông còn đang boong-boong thì cậu tôi từ cổng chạy vào thở dốc nói với mẹ tôi:

_ Chị xuống ngay đi, thầy vừa mất rồi.

Mẹ tôi quăng cây chổi xuống rồi lật đật chạy đi, quên cả thằng con đang sợ run lên khi biết con quạ đen mang chết chóc đến, mà người chết là ông ngoại kính yêu của tôi. Từ đó mỗi khi thấy tiếng quạ kêu là tôi sợ. Không phải riêng tôi mà mọi người làng quê tôi Kiến An, Hải Phòng đều rất ghét, rất sợ quạ. Quạ là thần chết, quạ là kẻ trộm kẻ cướp, gian manh, nó đậu trên cành tre nhưng nhòm vào chuồng gà, quẹt cái mỏ nhọn qua lại rồi sà xuống quặp gà con bay đi. Dân gian có câu: “mắt cứ láo liên như quạ dòm vào chuồng gà”. Câu này cũng ám chỉ mấy tên già dê gian ác liếc những cái áo hở cổ. Mặc dầu biết rằng “đẹp tốt khoe ra”… nhưng ngừời ta khoe với tuổi trẻ chứ ai khoe với những những thứ vô dụng. Quạ là xấu, là gian ác.

Đó là quạ ngày xưa, nay ở hải ngoại thì có một dạng quạ khác. Tôi đọc được bài viết với tựa đề: “Những con quạ đen trên nóc nhà xác” trên tờ xyz mấy năm về trước, nay lại thấy nó xuất hiện. Những quạ đen này không ngăn chặn kịp thời thì chúng sẽ gieo rắc đó đây những mầm mống…bệnh hoạn, như loại cúm chim HN5VC1.

Nội dung chuyện con quạ đen tôi đọc được là thế này:

Trong đám tang của người cậu tại nghĩa trang Lawn Forest CA, trước khi di quan thì có màn viếng linh cữu lần cuối và thân bằng quyến thuộc, bạn bè.. ai muốn trình bày tâm sự gì với người quá cố thì lên phát biểu cảm tưởng.

Đối với người Mỹ thì đây là lúc kể những kỷ niệm vui buồn với người quá cố. Lần đầu tiên tôi dự một đám tang một “đồng nghiệp” người Mỹ, tôi vô cùng ngạc nhiên khi bạn bè họ kể chuyện gì đó khiến mọi người cười nghiêng ngả, kể cả tang gia. Tôi tưởng anh chàng kể chuyện này mát dây, nhưng rồi những người khác lên, những tràng cười tiếp nối, không cần xin một tràng pháo tay mà không khí tang gia vui cứ như tết.

Văn hóa Việt Nam thì khác, thuở còn ở VN trước 1975, đám tang nào không có tiếng khóc thì là bất hiếu (nếu người quá cố là ông bà cha mẹ), thiếu con cháu khóc thì phải đi thuê người khóc hộ nên mới có cái nghề “khóc mướn”. Các nhân viên khóc mướn càng da-diết bao nhiêu thì “típ” càng cao. Đêm khuya thanh vắng mà nghe họ khóc mướn, nghe tiếng trống bong-bong đi kèm theo tiếng kèn ò-í-e theo điệu “lâm khốc” thì buồn không thể tả được, vì thế mới có câu “buồn như nhà có đám ma”. Toán khóc mứơn luân phiên khóc, toán nào rên xong thì ra ngồi ngoài “chén ông chén tôi” cười như hội chợ. Con cháu nào muốn khóc thì lại đưa tiền thuê thêm nhờ họ khóc cho một bài. Sau này tân tiến hơn, khi có cát-sét thì bài khóc đã được thâu âm trước, đưa cho họ $ là trống kèn nổi lên, rồi họ đẩy cái nút về “on” là không khí thảm sầu nổi lên ngay:

_ “Ối ông ơi! Ông chết thì thiệt thân ông , bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai”

_ “Ối bà ôi! Bà chết thì thiệt thân bà, ông tôi sắp sửa dọn nhà rước dâu”.

Ngày nay ở hải ngoại thỉ khác rồi, trong các đám tang, tuy không còn tiếng khóc gào thét hay thương vay khóc mướn nữa nhưng vẫn còn và mãi mãi vẫn còn những giọt nước mắt, không khí trang nghiêm, y phục chỉnh tề màu đen khăn tang trắng cho tang gia và bạn bè, nếu có y phục khác thì không hoa lá cành, sặc sỡ màu mè. Đó là phong tục Việt Nam, không có hay chưa có tiếng cười trong lúc phân ưu hay phát biểu cảm tưởng, không có ban kèn “mu-zíc” hay con gái nhẩy đít-cô như ở XHCN hiện nay.

Dẫu cho người quá cố hưởng đại thọ 90, 100 tuổi thì vẫn cần trang nghiêm, cần những lời phân ưu, chia buồn. Dẫu cho người quá cố đi theo luật thiên nhiên “sinh lão bệnh tử”, đã sống đời thực vật năm này qua năm khác thì vẫn cần bầu không khí ảm đạm và đau buồn.

Bà chị ruột tôi 88 tuổi, ở Việt Nam, bị sống đời thực vật 2 năm tại nhà, làm gì có điều kiện ở nursing-home như ở Mỹ, khiến bà khổ thân xác và con cháu vất vả lao đao, nhưng khi bà ra đi, tôi gọi tele về “chúc mừng” bà chị đã trả dứt nợ trần gian, gửi tí… về giúp các cháu lo hậu sự cho chị thì bị các cháu hỏi lại: “Thế cậu không buồn khi mẹ cháu mất à?”

Trở lại buổi tang lễ của người cậu ở trên, có một người cháu, trong quá khứ đã từng được người quá cố nuôi dưỡng, cho tiền vượt biển, tới Mỹ ông giúp đỡ học thành bác sĩ. Suốt trong thời gian người cậu đau yếu thì ngừơi cháu này vì bận ở phòng mạch, ở tiều bang Florida nên không về thăm ông và khám bệnh cho ông được! Vì thế khi nghe tin ông qua đời, cháu này đến viếng linh cữu lần cuối, trước khi kể lể với ngừơi chết về công ơn nuôi dưỡng cho y thành tài thì y tự giớí thiệu với “quan viên hai họ” rằng thì là:

_ “Tôi là bác sĩ Trần Vô Phúc đến đây để viếng ông…lần cuối và xin phép tang gia cho tôi được tâm tình với người quá cố…”

Không khí trong phòng tang lễ đang trang nghiêm, bỗng dưng hình như ngoài hiên có tiếng nôn-ọe của ai đó.

Tưởng chuyện vô cùng quái đản, mựơn xác người chết để quảng cáo cho mình chỉ xẩy ra một lần, nhưng không thể ngờ nó lại xảy ra lần thứ hai! Có lần thứ hai mà không “ba-sắc ngọ” nó thì thế nào cũng sẽ có quá tam ba, bốn, năm, sáu, bẩy, tám, chín bận nữa, sẽ làm khổ thân cho người nằm trong áo quan và tội cho những người đến tham dự tang lễ vì sẽ bị ói mửa.

Cũng ở nhà quàng ấy, lần này người ra đi là bà mợ, hưởng đại thọ 90, đông con nhiều cháu, tất cả thành công và thành danh, hạnh phúc. Cụ bà đang mỉm cười trên Niết Bàn thì bị người em “thoọc lét”. Cậu em không còn trẻ người non dạ, mà cũng chưa già đến độ lẩm cẩm mà sao phát ngôn hấp thế, chàng Lê Hấp này lên cầm cái mi-cờ-rô gõ cọc-cọc nói vài câu tiếng Mỹ với người Hoa Kỳ gốc Việt rồi sau là nói với bà chị đang mặc áo quan:

_ …Con em là bác sĩ Y dạy tại đại học X đã khuyên em nhiều lần là nên về thăm chị, nhưng em chưa đi được thì chị ra đi trước …hu hu…

Tôi không nghe, không muốn nghe bất cứ điều gì mà chàng Hấp này nói thêm nữa vì bỗng dưng tôi muốn buồn nôn. Cháu là BS không về tiễn chân người bác ruột, nhưng đã được bố quảng cáo tước vị và nghề nghiệp trước linh cữu của người chị ruột! Dù con ông là bác sĩ (BS) thật sự mà vỗ ngực xưng nghề không đúng chỗ thì thật là tội nghiệp, từ BS thành “bs”!

Con ông dù có là thánh sống, là “thánh thán” là “Hoa Đà” gì đi nữa mà không về viếng bà bác lần sau cùng mà nhờ bố khoe là bs với người chết thì cũng là đồ vô dụng. Ông có quảng cáo cho con ông bao nhiêu đi nữa thì cũng chỉ nhận được những cái môi thừa bấy nhiêu, trừ khi con ông là bác sĩ có thể chữa cho người nằm trong áo quan ngồi dậy.

Ông anh cột chèo của anh rể tôi có thằng con thuộc dòng cậu cả con bà hai, hắn đỗ tú tài xong ghi danh học “bai-ồ-lố-gì” nên mỗi khi đi đâu, bà con họ hàng hỏi: “cháu học ngành gỉ” thì ông bố vội trả lời thay cho con: “cháu nó học bác sĩ”. Khi bố ông “hai năm mươi”, con ông vừa học xong 4 năm, đang nạp đơn xin học ngành y thì ông vẫn viết vào tờ cáo phó, phong cho con là BS, còn những đứa con khác, dù đã tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp vững chắc vẫn bị bố coi như “thất nghiệp”, chỉ có thằng con học y là được ông ghi trong cáo phó là BS mà thôi!

Hiện tượng mựơn dịp người thân qua đời để thông báo trên cáo phó cho thần dân biết con cháu mình là BS mà quên thông báo nghề nghiệp cao quý của các con cháu khác quả là việc rất ư là kỳ-kỳ, tỏ rõ thái độ “nhất bên trọng nhất bên khinh”. Mựơn đám tang để khoe chức tước, nghề nghiệp v.v..là điều kỳ-kỳ nếu không muốn nói là vô duyên.

Thôi thì làm gì đi nữa, dù cố tình, nhưng cứ coi đó như là một điều thiếu sót trong lúc tang gia bối rối, xin niệm tình tha thứ là xong. Nhưng, ngược lại, khách đến chia buồn mà vỗ ngực xưng danh mình là BS như tên Vô Phúc thì quả là “bs” thật. Lại cũng có những trang phân ưu, xin được chia nỗi buồn với tang gia mà cũng ráng nhét cho được 2 chữ bác sĩ vào. Ông là bs XY vợ không là bs, nhưng cũng cố xin “ăn theo” trong phân ưu là “Ông Bà bs XY”! Nghe sao mà… như tiếng quạ kêu. Đừng tưởng sĩ là quý rồi cứ đem của quý đi khoe tùm lum, đừng tưởng sĩ là cao sang rồi bắt quàng làm họ, là “nhận vơ”

Trong bài thơ Kẻ Sĩ, cụ Nguyễn Công Trứ đã nói, trong xã hội, bao giờ kẻ Sĩ cũng đứng đầu. Tước có 5 bậc thì Sĩ số một, dân có 4 nghề thì Sĩ cũng “number one” rồi cụ kết luận:

Có giang sơn thì đã có tên

Từ Chu, Hán, vốn sĩ này là quý”

Tôi hiểu ý cụ muốn ám chỉ sĩ này là sĩ nào, nhưng với tôi thì sĩ này chính là bác sĩ, vả lại đa số bác sĩ đều là văn sĩ cả, như Đông Vân, Bằng Phong, Tôn Kàn, Hoàng Dung, Tấn Tờn v.v..

Bác sĩ là một nghề cao quý, được trọng vọng, được nâng lên hàng mẹ hiền, là thần cứu mạng, vì thế, đại đa số, từ xưa tới nay, mỗi gia đình Việt Nam đều mong ước có một người theo ngành Y, mình không thực hiện được thì truyền giấc mộng lớn đó cho con cháu.

Tôi xin kể quý vị nghe chuyện xóm nghèo nhà lá của chúng tôi ở hẻm 132 đường Tô Hiến Thành, Hòa Hưng, Saigòn. Có 2 anh vất vả trên đường học vấn, không thực hiện được giấc mộng vàng nên đem tên nghề nghiệp đặt tên cho các con, hy vọng sau này sẽ thành sự thật.

Anh Min có 2 con tên là Trung và Úy, cháu Úy vào TQLC, anh Min thật thà nhờ tôi săn sóc sao cho cháu mau lên trung úy, tôi gật đầu bừa cho anh an tâm chứ giải thích dài dòng làm chi cho anh thất vọng. Chẳng bao lâu, cháu Úy được làm lớn đến nỗi từ Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng đến tất cả sĩ quan trong tiểu đoàn đều phải đứng nghiêm chào cháu. Tôi báo tin cho anh rằng cháu Úy tuy chưa lên trung úy nhưng đã được mọi người chào kính, anh mừng nhưng khi tôi giải thích vì cháu được mặc “áo quan” khiến anh té xỉu.

Còn anh Thang có 2 cháu tên là Bác, và Sĩ nên bà con trong xóm thường nửa đùa, nửa thật gọi anh là “bác sĩ”, anh mỉm cười thoải mái khi chúng tôi nửa đùa, nhưng “nửa thật” thì bà con trong xóm nể anh, quý trọng anh thật sự như là một bác sĩ chân chính tận tâm, dù anh chỉ là y công ở bệnh viện Nhi Đồng Saigòn.

Hồi xưa ở VN, ai đã từng mang con bị bệnh tới nhà thương thí thì mới thấy bác sĩ là tối quan trọng như thế nào. Con sốt 100F, thì bố mẹ nóng ruột 180F, nóng như lửa đốt cái bàn tọa khi ngồi chờ ở phòng đợi, đang cầu Chúa khấn Phật cho con được mau khỏi bệnh thì thoáng thấy BS đi ngang liền lật đật đứng dậy, quên cả Chúa Phật mà hướng ánh mắt về BS, cầu xin, van vái sao cho bác sĩ dừng chân ngó lại, chỉ cần BS sờ tay vào trán con cháu một cái thôi là có cảm tưởng như con đã được “bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ”.

Đó chỉ là ước mơ thôi, trừ khi bác sĩ là người nhà. Hạnh phúc thay, xóm tôi có ngừơi nhà là anh Thang, anh là bố Bác Sĩ. (bố của 2 cháu Bác và Sĩ). Bất kể sáng, trưa, chiều, tối, đêm khuya, hễ có trẻ em trong xóm cần đi bệnh viện thì gọi ngay ông bố “Bác, Sĩ”, Bác Thang chở cháu ngay vào bệnh viện, thẳng tới phòng cấp cứu. Nếu anh Thang đang làm việc ở bệnh viện thì đem con tới cửa bệnh viện, gọi “bác sĩ” Thang ra đón là ổn ngay, nhanh hơn xe cấp cứu.

Biết rằng dựa hơi như thế thì không “phe”, nhưng lúc cứu bệnh như chữa lửa mà gặp đám “phe phẩy”, cò mồi, đòi hàng chục thứ giấy tờ, sau 30/4/75 chúng lại bắt phải đi đúng tuyến mới cho nhập bệnh viện thì đành phải cầu cứu, một người làm… y công, cả… xóm được nhờ.

Nhất thân nhì thế là thế, trong phạm vi bệnh viện, một y công đã có thế như thế, thế thì y tá phải có thế hơn và bác sĩ là thế tột đỉnh, vì bác sĩ ban sự sống cho bệnh nhân, nói nôm na là bác sĩ đẻ bệnh nhân lần thứ hai. Cá nhân tôi đã được bác sĩ đẻ lần thứ năm, 5 chiến thương là năm lần được các bác quân y cứu sống. Cám ơn các ông thầy Nguyễn Văn Thế, Trần Mạnh Tường, Trương Minh Cường, Trần Công Hiệp, Nguyễn Văn Dõng, Phạm Vũ Bằng v.v..

Tuy bác sĩ cao quý là thế, được kính trọng là thế nhưng chính các bác sĩ “chân chính” thì lại khiêm nhường, luôn xưng danh đúng nơi đúng chỗ, bác sĩ chỉ có ở bệnh viện, chỉ có bác sĩ “chân phụ” mới vỗ ngực xưng nghề nghiệp ở nhà xác.

Một lần ngồi tiệm cafe, tôi gọi anh… là bác sĩ, anh nửa đùa nửa thật:

_ Muốn hỏi về bệnh hay xin Vaira mà gọi “moi” là BS? Ở đây là tiệm cafe chỉ có bạn.

Chắc anh đã bị khám bệnh bất đắc dĩ bởi các người thích đi “khám BS” ở tiệm ăn, ở tiệc cưới, ở bất cứ đâu mà có dịp ngồi gần, anh khổ tâm mà không biết né tránh cách nào nên mựợn dịp tình bạn bè anh sửa lưng tôi. Từ đó tôi chừa cái tật hễ trông thấy anh là khai bệnh, tôi gọi anh là nhạc sĩ khi anh thổi kèn, là võ sĩ khi anh làm con chim hoàng hạc.

Hãy trả cái danh xưng bác sĩ về đúng nhiệm vụ cao quý của nó, bác sĩ chỉ có ở phòng mạch, ở bệnh viện, cứu sống con người. Đừng vỗ ngực xưng là bs ở những tờ cáo phó, phân ưu, ở nhà xác, những nơi đó bs chẳng ích gì khi con tim đã ngừng đập.

Tưởng cũng nên nhắc thêm là danh xưng BS hiện nay ở hải ngoại đang bị lạm dụng quá mức ngoài chức năng khám bệnh chữa bệnh. Cao đơn hoàn tán, sơn đông mãi võ cũng nhận mình là BS, dân abc chúng tôi không phân biệt được đâu là BS chân chính, đâu là bs chân phụ, hãy trả lại người ta những gi không phải của mình, đừng mượn oai.. BS mà nhát những người bệnh hoạn chúng tôi, kể cả những người bệnh mà không hoạn.

Những con quạ đen hãy bay đi khỏi nóc nhà xác.

Phila Tô

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search